Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/01/2017

Hoa Kỳ gởi quân sang Châu Âu răn đe Nga

tổng hợp

Nga tức giận khi Mỹ triển khai quân đội ở Na Uy (RFA, 16/01/2017)

chauau1

Lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. AFP photo

Khoảng 300 Thủy quân lục chiến Mỹ đã tới Na Uy vào ngày hôm nay để triển khai việc luân phiên tại các nước Bắc Âu, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng của Nga đối với phương Tây.

Sau khi rời khỏi Bắc Carolina vào tối chủ nhật, các binh sĩ Mỹ đã hạ cánh với hành lý và vũ khí của họ tại sân bay Vaernes gần thị trấn trung tâm của Trondheim, các thước phim truyền hình của Na Uy ghi lại trong lúc họ hạ cánh.

Na Uy là một thành viên trong khối NATO đã công bố vào tháng rồi rằng nước này đã chấp nhận một yêu cầu của Mỹ cho quân đội đóng trên đất của mình.

Việc triển khai, luân phiên như vậy không gây tức giận cho Moscow trước đây, tuy nhiên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây về cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc xung đột tại Syria, động thái này gây bực bội cho Nga không nhỏ. Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Nga tại Oslo, Maxim Gurov, nói với AFP rằng điều này chắc chắn không làm cho tình hình an ninh tại Bắc Âu tốt đẹp hơn lên.

Chính phủ Na Uy đã lập luận rằng binh sĩ NATO thường xuyên thực hiện các bài tập trong cả nước và triển khai luân phiên cho nên không giống như mở một cơ sở thường trú của Hoa Kỳ.

Cho đến nay, Mỹ đã có một số lượng lớn các trang thiết bị quân sự nằm trong đường hầm đào sâu trong núi của Na Uy, nhưng không có quân đội.

********************

Báo Nga : Mỹ triển khai quân đến Ba Lan là một 'chiến dịch PR' (Người đưa tin, 16/01/2017)

Gần 1.000 binh sĩ Mỹ và lô hàng đầu tiên chở các trang thiết bị cho lữ đoàn xe tăng Mỹ đã tới Ba Lan, động thái trên của Washington có ý nghĩa gì?

Kênh truyền hình Ba Lan Polsat dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Bartlomiej Misiewicz cho hay : "Gần 1.000 binh lính Mỹ đã tới lãnh thổ chúng tôi ngày hôm nay. Lô thiết bị đầu tiên cũng đã qua biên giới Ba Lan".

chauau2

Xe của quân đội Mỹ trên đường tới Ba Lan.

Quyết định tăng cường hiện diện quân sự của Washington ở Ba Lan là một phần của chiến dịch Giải quyết Đại Tây Dương mà quân đội Mỹ phát động vào tháng 4/2014 sau cuộc đảo chính Maidan ở Ukraine.

Những binh sĩ của Mỹ mới tới dự kiến sẽ tham gia cuộc tập trận chung với đồng minh Châu Âu. Theo dự kiến, lữ đoàn xe tăng gồm khoảng 4.000 binh sĩ, 87 xe tăng, 18 khẩu lựu pháo tự hành Palaidin, 144 xe chiến đấu bộ binh Bradley và hơn 400 chiếc xe Humvee.

Hồi tháng 7/2016, NATO đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở Warsaw, thủ đô của Ba Lan, nơi các bộ trưởng quốc phòng của các quốc gia thành viên thông qua một thỏa thuận nhằm triển khai những tiểu đoàn đa quốc gia của khối tới Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan, tổng cộng khoảng 4.000 quân. Hội nghị này cũng khẳng định sẽ triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo và radar ở Romania và Ba Lan, đồng thời xác nhận Mỹ triển khai 1.000 quân ở Ba Lan.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Nga quan ngại với "hành động của NATO nhằm ngăn chặn Nga, điều khiến suy yếu sự ổn định chiến lược ở Châu Âu".

Theo ông Lavrov, liên minh NATO đang "di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự, quân đội và các thiết bị tới gần biên giới Nga trong khi tăng cường ngày càng nhiều cuộc diễn tập quân sự lớn".

Ông Lavrov cũng bày tỏ sự hối tiếc khi "NATO đang né tránh một cuộc đối thoại chính thức với Nga".

Thông qua việc triển khai quân đội Mỹ tới Châu Âu trên cơ sở luân phiên, Mỹ đã bỏ qua những thỏa thuận hiện có giữa NATO với Nga, chuyên gia quân sự và an ninh tại Hội đồng thành phố Moscow, ông Dmirtry Efimov, nói.

"Hiện tại, họ đang triển khai một đội ngũ tới Châu Âu trên cơ sở luân phiên. Bằng cách đó, họ bỏ qua các hiệp định với chúng tôi về số lượng binh sĩ NATO dọc biên giới Nga. NATO sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự trong vòng 9 tháng tới, và sau đó đội ngũ binh sĩ hiện tại sẽ được thay thế", ông Efimov nói.

Theo chuyên gia, động thái trên là một nỗ lực của Washington nhằm củng cố sự hiện diện của mình ở Châu Âu, ít nhất là ở mức độ chiến thuật.

"Thực tế là Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đang rất cố gắng để triển khai binh sĩ càng sớm càng tốt để chứng tỏ sự không chắc chắn của mình trong tương lai. Họ muốn giữ vị trí ở Châu Âu, ít nhất là ở mức độ chiến thuật đơn giản", ông nói.

Tuy nhiên, Efimov cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông có khả năng sẽ điều chỉnh chiến thuật trên bởi "ông Trump sẽ ưu tiên tập trung vào công việc nội bộ của nước Mỹ" như những gì ông từng cam kết trước đây trong chiến dịch tranh cử.

Chuyên gia cũng lưu ý, cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ mang "ý nghĩa tư tưởng quan trọng" đối với các đồng minh Châu Âu hơn là ý nghĩa chiến lược.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến là nỗ lực của Mỹ và NATO nhằm tìm một kẻ thù ở bên ngoài thay vì bên trong. Cụ thể, mức độ nguy cơ khủng bố ở Châu Âu là rất cao, và ‘mối đe dọa Nga’ có thể giúp Châu Âu đánh lạc hướng sự chú ý khỏi vấn đề đó. Vì vậy, đây là một chiến dịch PR của Mỹ, trong đó ý nghĩa về tư tưởng còn lớn hơn nhiều so với ý nghĩa quân sự", Efimov kết luận.

Như vậy, theo chuyên gia, NATO đang cố gắng lái hướng tập trung của dư luận từ vấn đề yếu kém trong công tác ngăn chặn khủng bố sang một mối quan tâm khác là "mối đe dọa từ Nga".

Danh Tuyên

Quay lại trang chủ
Read 727 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)