2001-2024 : 1/4 thế kỷ đầy biến động với "những cơn địa chấn lịch sử"
Trong số đúp cuối năm tuần báo L’Obs không tổng kết tình hình 12 tháng của năm 2024, mà tổng kết 25 năm đầu của thế kỷ XXI. Từ năm 2001 đến năm 2024 là 1/4 thế kỷ với đầy những biến động, mà tuần báo L’Obs gọi là "những cơn địa chấn lịch sử".
Ảnh tư liệu ngày 11/09/2001 : Tòa tháp nam của World Trade Center, New York, Mỹ, bắt đầu sụp đổ sau khi bị tấn công khủng bố. AP - Gulnara Samoilova
Mở đầu là năm 2001, với vụ khủng bố 11/09 tại Mỹ, được ví với trận "Trân Châu Cảng của thế kỷ XXI". Sự kiện gây chấn động, với những hệ lụy sâu sắc kéo dài. Năm 2003 được đánh dấu bằng cuộc chiến tranh Iraq. Quân đội Mỹ tấn công đất nước của Saddam Hunssein, được cho là nhằm mang lại dân chủ cho Trung Đông, nhưng rốt cuộc lại làm dấy lên nội chiến, với sự ra đời của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, làm phương Tây mất uy tín trong vùng. Đối với nước Pháp, năm 2015 là năm khủng bố đẫm máu, với hàng loạt vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan, từ ngày 07/01 cho đến 13/11. Năm 2023 nổ ra chiến tranh Gaza, một "bi kịch không hồi kết".
Nhìn rộng ra Liên Âu, sau năm 2002 với sự ra đời của đồng euro, mở ra kỷ nguyên đồng tiền chung Châu Âu, năm 2016 đánh dấu mốc Anh Quốc rời khỏi Liên Âu. Về tài chính, năm 2008 mở ra thập niên khủng hoảng tài chính : Vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Mỹ, Lehman Brothers, đã làm sụp đổ hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong lĩnh vực công nghệ, năm 2007, iPhone của Apple được trình làng, mở ra thời kỳ điện thoại thông minh - smartphone - trở thành vật dụng được dùng nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày. Sau các cuộc cách mạng về internet và smartphone, đến lượt trí thông minh nhân tạo (AI) tạo sinh ChatGPT ra đời vào năm 2022, một lần nữa làm đảo lộn từ lối sống con người đến việc làm, các tập đoàn công nghệ …
Về khoa học, năm 2004 cũng được nhắc đến với sự kiện một nhóm nhà khoa học quốc tế đã thành công trong việc giải mã được hoàn toàn ADN của con người, không chỉ làm thay đổi y học và các cuộc điều tra của cảnh sát, mà còn cho phép giới nghiên cứu khám phá về nguồn cội và quá khứ của chúng ta.
Liên quan đến đời sống xã hội, cũng vào năm 2004, Mark Zuckerberg, một sinh viên đại học Havard của Mỹ, tạo ra Facebook, mạng xã hội đầu tiên trong lịch sử, làm thay đổi phương thức tương tác xã hội, thậm chí được cho là làm đảo lộn quan hệ xã hội. Đến năm 2013, nước Pháp mở ra một chương mới cho cộng đồng LGBT khi công nhận hôn nhân đồng tính.
Tổng kết năm 2024 : Thế giới và 12 tháng hỗn loạn
Nhìn sang tuần báo Courrier International, như thường lệ, trong số báo cuối năm, Courrier International điểm lại các sự kiện nổi bật khắp thế giới trong năm, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, xã hội, môi trường khí hậu, và theo trình tự từng tháng, với hình ảnh minh họa, phần lớn là tranh biếm họa và một số nhận định nổi bật được trích từ báo chí quốc tế.
Chẳng hạn, sự kiện đáng thu hút trong tháng Giêng, tại Châu Á, là bàn thua bất ngờ của Tập Cận Bình, khi Lại Thanh Đức, ứng viên tổng thống Đài Loan bị Bắc Kinh ghét bỏ, lại bất ngờ đắc cử. Quan hệ Trung - Đài năm nay được đánh dấu bằng những căng thẳng nghiêm trọng, mà gần đây là một cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc quanh đảo Đài Loan.
Ngay trong tháng 12 này, hai sự kiện quốc tế nổi bật được Courrier International điểm lại là sự sụp đổ của "đồ tể ở Damascus" - nhà độc tài al-Assad, và việc tổng thống Hàn Quốc bị Quốc Hội phế truất sau khi ông bất ngờ ra lệnh thiết quân luật nhưng bất thành.
Riêng về nước Pháp, năm nay không thể không nhắc tới việc Pháp là nước đầu tiên trên thế giới ghi vào Hiến pháp quyền được chấm dứt thai kỳ tự nguyện, sự kiện được cho là "thời khắc lịch sử" và "mang tính biểu tượng". Một sự kiện gây chấn động khác là tổng thống Pháp Macron đột ngột giải tán Hạ Viện, cho tổ chức bầu cử lập pháp sớm sau khi đảng của ông thua trong kỳ bầu cử lập pháp Châu Âu. Báo chí quốc tế châm chọc : Phải chăng tổng thống Pháp bị ong đốt ?
Về văn hóa, sự kiện thu hút sự chú ý của báo chí nước ngoài là cái chết của huyền thoại điện ảnh Alain Delon, "một gương mặt huyền bí", "một vẻ đẹp đã mất".
Trong lĩnh vực xã hội, Courrier International không bỏ qua vụ án Gisèle Pelicot, biểu tượng của cuộc đấu tranh chống nạn cưỡng hiếp, vụ việc được xem là có thể tạo ra những thay đổi sâu sắc về xã hội và pháp lý.
Và sự kiện nổi bất nhất vào cuối năm tại Pháp là sau 5 năm trùng tu vì hỏa hoạn, Nhà Thờ Đức Bà Paris đã mở cửa trở lại. Courrier International chơi chữ : Notre Dame de Paris tỏa sáng, còn phủ thủ tướng - điện Matignon - "bốc cháy", ý nói tới việc thủ tướng Barnier bị Quốc hội bất tín nhiệm, phải giải tán chính phủ.
2024 : Năm đen tối của chế độ Iran, với những tổn thất chưa từng có kể từ khi thành lập
Năm 2024 là năm đánh dấu sự suy yếu của trục kháng chiến do Iran dẫn dắt ở Trung Đông. Trên đây là nhận định của tuần báo Anh, The Spectator, được Courrier International trích dịch.
Về mặt chiến lược, với sự suy yếu lực lượng Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon, sự sụp đổ của chế độ Syria al-Assad, nhiều lãnh đạo Iran bị Israel ám sát, tổng thống Iran Ebrahim Raisi và ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian, tử vong vì tai nạn máy bay, chế độ Hồi giáo Tehran bị xem là đang phải đối phó với những tổn thất nghiêm trọng chưa từng có kể từ khi được thành lập năm 1979.
Về kinh tế, riêng "trận động đất" chính trị lật đổ chế độ al-Assad ở Syria cũng gây nhiều thiệt hại cho Tehran. Theo nhiều ước tính, Tehran đã cung cấp cho Damascus lượng dầu lửa trị giá 11 tỉ đô la, từ năm 2012 đến năm 2021. Tổng cộng, theo một số tài liệu mật, chế độ Syria Bachar al-Assad nợ Iran tới 50 tỉ đô la.
Về quân sự, hai đợt oanh tạc của Israel nhắm vào lãnh thổ Iran đã phá hủy nhiều hệ thống phòng không và tác động đến hoạt động sản xuất tên lửa của Iran, khiến khả năng răn đe của Tehran giảm sút. Kéo theo đó, vị thế và tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực Trung Đông và trên thế giới cũng bị tác động. Không chỉ vậy, sự ổn định trong nước cũng bị lay chuyển do phong trào biểu tình.
Tuy nhiên, do Iran sẽ bằng mọi giá duy trì đường hướng chiến lược là tiêu diệt Israel và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Trung Đông, chế độ Tehran sẽ phải tìm cách khắc phục sự suy yếu về chiến lược và thay đổi phương pháp để đạt mục đích. Rất có thể sự sụp đổ của chế độ Assad sẽ thúc đẩy Tehran đẩy nhanh các cuộc thảo luận nội bộ về khả năng phát triển vũ khí hạt nhân nhằm bảo vệ chế độ, nhất là trong bối cảnh Donald Trump sắp quay lại Nhà Trắng và chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội gây áp lực tối đa đối với Tehran. Bài báo kết luận Iran đã suy yếu, nhưng không phải là đã bớt nguy hiểm.
Không phải chiến tranh Ukraine mà Iran mới là bài toán khó cho Donald Trump
Iran cũng là đề tài được tuần báo L’Express quan tâm, bởi theo cây bút xã luận Pierre Haski, giờ đây Iran chứ không phải chiến tranh Ukraine mới là bài toán khó đầu tiên về chính sách đối ngoại mà Donald Trump phải đương đầu trong nhiệm kỳ sắp tới.
Lý do rất đơn giản : với sự sụp đổ bất ngờ của chế độ độc tài Syria, vốn được Tehran hậu thuẫn, bản đồ địa chính trị Trung Đông đã thay đổi và khiến tất cả các bên phải xem xét lại chiến lược. Sự trả giá đắt về thất bại chiến lược và xu hướng ngày càng mất lòng dân trong nước khiến giáo chủ Ali Khamenei phải tìm cách cứu chế độ và điều chỉnh lại các mục tiêu.
Nhưng theo cây bút xã luận Pierre Haski, tái lập "trục kháng chiến" sẽ không phải sự lựa chọn của Tehran, bởi việc thay đổi chế độ ở Syria đã ngăn chặn tuyến đường tiếp viện vũ khí cho lực lượng Hezbollah Lebanon. Iran sẽ phải hiện đại hóa hệ thống phòng thủ, vốn đã bộc lộ những hạn chế trong hai cuộc đối đầu trực tiếp với Israel trong năm qua. Iran cũng sẽ phải củng cố quan hệ với các đồng minh Nga và Bắc Triều Tiên. Và tâm điểm sẽ vẫn là phát triển vũ khí hạt nhân.
Và điều Donald Trump phải đương đầu chính là cản trở Iran trang bị vũ khí hạt nhân. Biden từng ngăn cản Israel oanh tạc cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran. Donald Trump dường như đã nói với thủ tướng Iran Netanyahu là ông không muốn Tehran có vũ khí hạt nhân trong giai đoạn ông làm tổng thống Mỹ. Như vậy, phải chăng Trump sẽ không phản đối Israel phá hủy các cơ sở hạt nhân Iran ? Nhưng làm như vậy tức là gây leo thăng căng thẳng Mỹ - Iran. Mà chẳng phải là Donald Trump cũng không muốn nước Mỹ bị cuốn vào vòng "chiến tranh không hồi kết" ?
Việc Iran có vũ khí nguyên tử và liên minh với hai nước cũng sở hữu vũ khí hạt nhân, là Nga và Bắc Triều Tiên, quả là điều đáng lo ngại về tầm mức hệ quả.
Syria có thể hồi sinh từ đống tro tàn ?
Nhìn sang Syria, tuần báo Courrier International giới thiệu bài viết của báo Israel Ha’Aretz : "Bằng cách nào có thể tái thiết một đất nước Syria từ đống hoang tàn đổ nát ?".
Sau gần 14 năm chiến tranh, kinh tế, cơ sở hạ tầng và dân số Syria đều gánh chịu những tổn thất "không bút nào tả xiết". Theo các số liệu chính thức, GDP của Syria đã giảm hơn 50% trong 10 năm đầu nội chiến, còn Ngân Hàng Thế Giới ước tính kinh tế Syria giảm sút đến 84% trong giai đoạn 2010-2023, năm 2024 tình hình chắc hẳn còn tồi tệ hơn. Một kinh tế gia thẩm định các thiệt hại vật chất trong cả nước lên đến 150 tỉ đô la, chẳng những vậy, trong 14 năm qua, không một có cơ sở hạ tầng mới nào được xây dựng.
Tính đến cuối năm 2023, với con số ước tiính khoảng nửa triệu người đã thiệt mạng, nội chiến Syria là cuộc chiến đẫm máu nhất từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Ngoài ra, phải kể đến hơn một nửa dân số phải trốn chạy ra nước ngoài hay tản cư ngay trong nước.
Vẫn theo Ngân Hàng Thế Giới, giá trị hàng hóa của loại ma túy tổng hợp captagon sản xuất tại Syria lên tới 1,9-5 tỉ đô la/năm, so với PIB 6,2 tỉ đô la.
Sau khi lật đổ chế độ độc tài al-Assad, phục dụng đất nước từ đống tro tàn là nhiệm vụ đầy khó khăn của lực lượng HTS. Báo Ha’Aretz của Israel nhắc lại là sau Đệ Nhị Thế Chiến, giới lãnh đạo Đức và Nhật Bản đã từng dẫn dắt đất nước hồi sinh một cách ngoạn mục. Nhưng nếu nhìn vào những gì xảy ra tại các nước láng giềng của Syria, như Iraq và Lebanon, các dự báo về công cuộc tái thiết Syria dường như không được khả quan cho lắm, chủ yếu do phương thức quản lý đất nước, trong bối cảnh Trung Đông đang hỗn loạn.
Theo nhận định của báo Ha’Aretz của Israel, chỉ huy al-Julani của lực lượng HTS, đang điều hành đất nước thời hậu Assad, không mang lại cảm giác ông là người có thể khuyến khích đất nước Syria hướng đến một kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng. Nếu có đi chăng nữa, thì cũng sẽ rất khó để al-Julani có thể có được sự ủng hộ cần thiết từ bên ngoài để xây dựng lại đất nước. Số tiền chi ra để tái thiết Syria được ước tính cao gấp 7 lần tầm mức quan trọng của nền kinh tế đất nước, và cần có những kỹ năng chuyên môn mà chỉ một vài nước có đủ khả năng mang lại cho Syria.
Sức lôi cuốn của Nhật Bản : Quốc gia truyền thống nhưng đầy nghịch lý
Tuần này, về nước Pháp, hai chủ đề chính của Le Point là tân thủ tướng Pháp François Bayrou và tình hình đảo Mayotte sau bão Chido. Nhìn ra quốc tế, ngoài hồ sơ về Syria và vị chủ tịch John Elkann của hãng xe Stelantis và Ferrari, Le Point dành cả trăm trang phụ trương cho đất nước Nhật Bản đầy sức lôi cuốn.
Le Point giới thiệu quốc gia bí ẩn với những nguyên tắc, truyền thống riêng, qua hàng loạt bài viết, phóng sự về lịch sử trải dài nhiều thế kỷ : Mở đầu là "Nhật Bản : đất nước mặt trời mọc nhưng đẫm máu" vì những tính toán kinh tế và địa chính trị với phương Tây (từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XXI), một sai lầm bi thảm về địa chính trị dẫn đến "sự sụp đổ của một đế chế" (thế kỷ XIX-XX). Trong thế kỷ XX, Nhật Bản được đánh dấu với "trò chơi bình đẳng với phương Tây" nhờ sức mạnh quân sự tấn công các nước Châu Á, rồi "chiến dịch tự sát" (vụ tấn công Trân Châu Cảng ngày 07/12/1941)…
Về khía cạnh xã hội, Le Point nói đến Nhật Bản, quốc gia truyền thống nhưng đầy nghịch lý : các chuẩn mực xã hội cực kỳ khắt khe, nơi phụ nữ là nạn nhân, xã hội ngột ngạt khiến mỗi năm có đến cả trăm ngàn người chọn cách đột ngột "bốc hơi" một cách bí ẩn khỏi cuộc đời, và ngày càng nhiều chọn nuôi robot - thú cưng.
Là một đất nước dân số già, nhiều người dân Nhật Bản từ chối nghỉ hưu, họ chọn làm việc, ngay cả những việc chân tay nặng nhọc, đến 70-80 tuổi. Theo một khảo sát, 75,7% số nam giới 65-70 tuổi sẵn sàng làm việc sau tuổi 70. Đô trưởng Tokyo, bà Yuriko Koike, khẳng định sẽ làm mọi điều có thể để bất cứ ai muốn đều có thể được làm việc nhiều hơn. Tỉ lệ này ở nữ giới là 72,7%.
Nhật Bản đang đối mặt với quả bom nổ chậm về kinh tế do dân số lão hóa. Theo số liệu của chính phủ, từ nay đến năm 2029, 40% số doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng lao động trên 70 tuổi. Để đối phó với sự khan hiếm nhân công, Nhật Bản đứng trước hai giải pháp : tiếp nhận người nhập cư và sử dụng robot. Lâu nay vẫn khép kín cánh cửa với di dân nước ngoài và không muốn bàn luận đến vấn đề này, nhưng nay tình hình đã khác. Le Point cho biết hiện nay Nhật Bản có 3 triệu người nước ngoài (2,4% dân số). Giải pháp thứ hai là sử dụng robot that cho con người. Theo viện McKinsey, đến năm 2030 sẽ có 1/4 số việc làm do robot đảm nhiệm, một trong những tỉ lệ cao nhất thế giới.
Le Point đặt câu hỏi liệu nước Pháp có phải rút ra những bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản ? Một học giả Nhật Bản khẳng định là "có", bởi vì dân số Pháp cũng sắp bị lão hóa như Nhật Bản. Đến khi đó, Pháp cũng không có lựa chọn nào khác là phải đẩy lùi tuổi nghỉ hưu, và tạo nhiều việc làm cho người cao tuổi giống như ở Nhật.
Xung đột Trung - Đài : Okinawa - tiền đồn Nhật Bản - trong tình trạng báo động
Người dân Okinawa, nằm ở phía nam Nhật Bản, nơi đặt các căn cứ quân sự chính của Mỹ trong khu vực, với vài chục ngàn binh sĩ Mỹ, lo sợ đảo này sẽ là mục tiêu nhắm tới của Bắc Kinh nếu xung đột quân sự Trung - Đài nổ ra. Trong bài viết "Okinawa trong tình trạng báo động", đặc phái viên Le Point từ Okinawa cho biết người dân nơi đây lo sợ sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh mới : thống đốc Tamaki lo ngại "Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự và tìm cách thay đổi hiện trạng trong khu vực" và nhận định cần duy trì quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tuy nhiên, chuyện này không đơn giản như vậy. Có hai vấn đề khiến quan hệ Trung-Nhật căng thẳng : tranh chấp chủ quyền hòn đảo Điếu Ngư/Senkaku, quanh đó các cuộc tuần tra của tàu thuyền Trung Quốc đang được tăng cường. Ngoài ra là vấn đề Đài Loan.
Cũng như Nhật Bản, chính quyền Mỹ thời Biden cũng thông qua luật, cam kết ủng hộ Đài Bắc nếu đảo Đài Loan bị tấn công. Valérie Niquet, chuyên gia Châu Á tại Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp - FRS, nếu xảy ra xung đột quân sự trực tiếp Trung - Đài, Mỹ chắc chắn sẽ sử dụng căn cứ ở Okinawa để hỗ trợ Đài Loan, và như vậy tức là căn cứ này nghiễm nhiên sẽ trở thành mục tiêu chiến lược bị Trung Quốc nhắm tới. Điều này càng trở nên đáng lo đối với người dân Okinawa bởi vì xung quanh các căn cứ Mỹ là các khu dân cư, và vùng này không có "vòm sắt" bảo vệ như ở Israel để chống tên lửa không đối địa.
Đáng tiếc là việc Mỹ đặt căn cứ ở Okinawa lại không thúc đẩy thương mại ở địa phương. Thu nhập bình quân đầu người của Okinawa chỉ bằng 70% mức trung bình toàn quốc. Ngoài ra là sự cô lập về mặt địa lý, nền công nghiệp kém phát triển và sự lệ thuộc quá mức vào nhập khẩu. Du lịch là động lực tăng trưởng duy nhất nhưng đã bị Covid-19 tác động mạnh mẽ. Du khách Trung Quốc, chiếm số đông, nay không trở lại đông đảo như trước. Chưa kể đến rất nhiều xung khắc giữa cư dân đảo với các binh sĩ Mỹ đồn trú ở đây. Bắc Kinh cũng không bỏ lỡ cơ hội lợi dụng điều này để tuyên truyền gây bất ổn tại Nhật Bản.
Năm tới, Nhật Bản có kế hoạch tăng ngân sách quân sự thêm 7%. Trước "bộ ba mối đe dọa" - Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nga - Nhật Bản buộc phải thay đổi chiến lược. Đó là chưa kể tổng thống Mỹ Donald Trump có phải là người có thể trông cậy hay không ? Hồi năm 2023, thủ tướng Nhật khi đó là Fumio Kishida từng tiên lượng với tạp chí Time : "Những gì xảy ra ở Ukraine có thể rồi sẽ xảy ra tại Châu Á". Khi đó, binh sĩ Mỹ ở Okinawa có thể sẽ lên tuyến đầu.
Ẩm thực Pháp - nền ẩm thực phong phú, tinh tế nhất thế giới
Về văn hóa, ẩm thực, gần đến dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới, Courrier International giới thiệu đến độc giả ẩm thực Pháp - nền ẩm thực tuyệt vời nhất, tinh thế nhất thế giới, dưới góc nhìn của một phóng viên báo Anh The Daily Telegraph. Không nơi nào chất lượng ẩm thực sánh được như ở Pháp, với đủ mức giá, từ các quán ăn bistrot ở làng quê cho đến các nhà hạng được gắn sao Michelin danh giá. Dĩ nhiên, ở đâu thì cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh".
Các món ăn nhanh McDonald’s, KFC xuất hiện ngày càng nhiều tại Pháp. Thế nhưng, theo tác giả bài viết trên báo Anh, được Courrier International trích dịch, những hiệu ăn nhanh có xuất xứ từ Mỹ cũng không đe dọa ẩm thực Pháp nhiều hơn là công viên vui chơi giải trí Disneyland đe dọa văn hóa Pháp. Đồ ăn nhanh chỉ càng làm khách hàng có thêm sự lựa chọn, dẫu Pháp đã là nền ẩm thực phong phú nhất thế giới.
Tác giả bài viết liệt kê hàng loạt món tinh tế đại diện cho nền ẩm thực Pháp : nấm truffe, hàu, phô mai, món choucroute, thịt bò charolais, các loại xúc xích thịt nguội, thịt chế biến sẵn, gan béo, rượu vang, bánh ngọt.
Và đứng đầu danh sách là bánh mì. Mỗi ngày, dân Pháp tiêu dùng tổng cộng 30-32 triệu chiếc bánh mì dài baguette. Trung bình mỗi người Pháp mỗi ngày ăn 1/2 baguette, giảm nhiều so với 3 chiếc/ngày/người hồi năm 1900. Trên toàn quốc có 39.000 tiệm bánh mì. Hàng năm, nước Pháp tổ chức cuộc thi bánh mì baguette, tiệm bánh đoạt giải nhất được hưởng đặc quyền cung cấp mỗi ngày 30 chiếc bánh mì baguette cho điện Elysée - phủ tổng thống Pháp.
Thùy Dương