Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/09/2017

Thế giới chào thua Bắc Triều Tiên : Phải làm gì ?

Tổng hợp

Quốc tế chuẩn bị tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên (RFI, 07/09/2017)

Sau vụ thử hạt nhâ ngày 03/09/2017 của Bình Nhưỡng, trong một dự thảo trừng phạt được trình bày ngày 06/09 trước 15 thành viên của Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ muốn cấm vận dầu lửa sang Bắc Triều Tiên, đồng thời cấm nước này xuất khẩu hàng vải sợi may mặc. Hãng tin AFP cho biết Washington cũng muốn phong tỏa tài sản do Kim Jong-un trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát và chấm dứt nguồn thu của lao động Bắc Triều Tiên trên khắp thế giới.

btt1

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasilly Nebenzia ( trái) nói chuyện với đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhật ( giữa ) và đại sứ Mỹ Nikki Haley sau cuộc họp Hội Đồng Bảo An ngày 04/09/2017. Reuters/Joe Penney

Về phía Trung Quốc, trong cuộc họp báo ngày 07/09 tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Vương Nghị đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An "phải phản ứng hơn nữa bằng cách thông qua những biện pháp cần thiết" đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Vương Nghị cho rằng "trừng phạt và gây sức ép" đối với chế độ Kim Jong-un "chỉ là một nửa biện pháp chủ chốt để giải quyết" vấn đề Bắc Triều Tiên. Nửa còn lại "thông qua con đường đối thoại và đàm phán. Chỉ khi nào hội tụ được cả hai điều kiện đó mới có thể giải quyết được vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên".

Bên lề Diễn Đàn Kinh Tế Châu Á tại Vladivostok, Nga, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi "gây sức ép mạnh nhất có thể" đối với chế độ Bình Nhưỡng để buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình tên lửa, hạt nhân. Ông Abe lên án "Bắc Triều Tiên thách thức hòa bình, thịnh vượng, luật pháp và trật tự trong vùng, thậm chí là trên toàn thế giới".

Còn theo hãng tin Reuters, Hàn Quốc, thông qua phát biểu của phát ngôn viên bộ ngoại giao ngày 07/09, khẳng định các biện pháp thực tiễn, nghiêm khắc nhắm vào nguồn thu của chế độ Bình Nhưỡng để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt phải được đưa vào nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Cả thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Vladivostok, đều yêu cầu tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Putin vẫn duy trì quan điểm rằng Bình Nhưỡng phát triển chương trình vũ khí đạn đạo và hạt nhân chỉ mang ý nghĩa phòng vệ. Trước báo giới, người đứng đầu điện Kremlin nhắc lại "không thể giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên chỉ bằng các biện pháp trừng phạt và gây sức ép".

Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị tăng cường loạt trừng phạt riêng đối với Bình Nhưỡng. Phát biểu tại Tallinn (Estonia) ngày 07/09/2017, người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini khẳng định : "Đường lối của Châu Âu rất rõ về vấn đề này : gia tăng sức ép kinh tế, gia tăng sức ép ngoại giao và đoàn kết với các đối tác trong vùng và quốc tế".

Bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế, Bắc Triều Tiên tổ chức lễ mừng thành công của vụ thử hạt nhân ngày 03/09 và ca ngợi công lao của các nhà khoa học. Theo KCNA, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, buổi lễ long trọng ở Bình Nhưỡng ngày 06/09 với vài chục nghìn người vẫy cờ hoa và bóng bay chào mừng đoàn xe buýt chở các nhà khoa học trên đường đến quảng trường Kim Nhật Thành.

Thu Hằng

***********************

Cấm vận dầu hỏa Bắc Triều Tiên : Một chiến lược hiệu quả ? (RFI, 07/09/2017)

Sau du lịch và kiều hối của lao động ở nước ngoài, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận dầu hỏa với Bắc Triều Tiên. Giới chuyên gia nhận định đấy có lẽ sẽ là "một đòn chí mạng" nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, nhưng rất khó thuyết phục được Bắc Kinh.

btt2

Họp Hội Đồng Bảo An ngày 04/09/2017 sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên. Reuters/Joe Penney

Theo một dự thảo nghị quyết được công bố ngày 06/09/2017, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận nguồn nhập khẩu dầu lửa và tất cả các sản phẩm từ dầu hỏa và khí hóa lỏng. Nếu được áp dụng, đây sẽ là một "cú đánh đau" vào chế độ Kim Jong-un.

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu hỏa nhập khẩu. Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng EIA trụ sở tại Hoa Kỳ ước tính Bình Nhưỡng nhập khẩu mỗi ngày khoảng 10 000 thùng dầu, với mức giá là 50 đô la/thùng, tương đương với khoảng 180 triệu đô la/năm. Phần lớn nguồn cung ứng dầu đến từ Trung Quốc, nhưng không ai biết chính xác khối lượng được giao, bởi vì kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã ngừng công bố các số liệu.

Còn theo Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế (ITC), trực thuộc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của Liên Hiệp Quốc, riêng trong năm 2016, Bắc Triều Tiên đã nhập khẩu từ Trung Quốc 115 triệu đô la các sản phẩm từ dầu hỏa, bao gồm xăng dầu và nhiên liệu cho máy bay. Bên cạnh đó, còn phải tính đến lượng nhập khẩu đến từ Nga, trị giá khoảng 1,7 triệu đô la mỗi năm.

Nếu quốc tế thực thi nghiêm túc lệnh trừng phạt này, người dân Bắc Triều Tiên sẽ là nạn nhân đầu tiên gánh lấy hậu quả, theo như đánh giá của Viện Nautilus. Với chiến lược "songun" (quân đội trước hết), chế độ Bình Nhưỡng sẽ siết chặt ngay lập tức nguồn nhiên liệu cung cấp cho người dân. Hệ quả là người dân sẽ phải đi bộ thay vì đi xe buýt ; điện thắp sáng trong nhà sẽ ít hơn ; và tệ hại nhất là tình trạng phá rừng để lấy than củi, dẫn đến hiện tượng "xói mòn, sạt lở đất, ngập lụt và nạn đói".

Về phía quân đội, báo cáo của Viện Nautilus đánh giá, trước mắt, lệnh trừng phạt nhắm vào nguồn nhập khẩu dầu hỏa có lẽ sẽ chỉ có một "tác động gần như không hoặc hạn chế" lên quân đội Bắc Triều Tiên và các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Bởi vì với kho dự trữ chiếm đến một phần ba nhập khẩu dầu lửa, quân đội nước này có đủ khả năng cầm cự chí ít trong vòng "một năm với mức tiêu thụ như dưới thời bình" và có thể chiến đấu trong vòng một tháng.

Tuy nhiên, theo quan sát của giới chuyên gia, đòn trừng phạt được cho là "chí mạng" này đối với chế độ Bình Nhưỡng khó có thể được Trung Quốc thông qua. Cắt nguồn cung dầu hỏa có nguy cơ làm sụp đổ chế độ Kim Jong-un. Một kịch bản khiến Bắc Kinh sợ "tái mặt", như phân tích của ông Jean-Vincent Brisset, Viện Quan Hệ Quốc Tế Và Chiến Lược, được AFP trích dẫn.

Bình Nhưỡng sụp đổ, Bắc-Nam Triều Tiên thống nhất, kéo theo dòng người di tản và sự hiện diện của lính Mỹ ngay sát biên giới Trung Quốc. Và Bắc Triều Tiên không còn là quốc gia đệm nữa và như vậy "Trung Quốc sẽ mất mọi quyền lợi".

Do đó, theo quan điểm của cựu thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, Kim Sung Han, cách thức tốt nhất để thuyết phục Trung Quốc đồng ý thông qua lệnh cấm vận dầu hỏa là đe dọa các lợi ích riêng của nước này, thông qua việc trừng phạt các doanh nghiệp nào của Trung Quốc có làm ăn với Bắc Triều Tiên như Hoa Kỳ đề xuất.

"Nói thì dễ, làm thì khó". Năm 2016, tổng giá trị hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc là 115,6 tỷ đô la. Liệu Hoa Kỳ có dám thực hiện ý tưởng của mình hay không khi mà Boeing hôm qua còn dự báo trong vòng 20 năm tới, thị trường hàng không Trung Quốc sẽ phải cần đến 2 000 chiếc máy bay ? Một thị trường béo bở mà hai hãng lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus đang cạnh tranh gay gắt.

Minh Anh

*********************

Putin : 'Không thể nào khiến Bắc Hàn sợ hãi' (BBC, 07/09/2017)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Năm 7/9 lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Hàn.

btt3

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Bắc Hàn 'thà ăn cỏ còn hơn từ bỏ hạt nhân'

Tuy nhiên, dù gọi đó là "một mối đe dọa chết người" cho khu vực nhưng các nhà lãnh đạo vẫn có những ý kiến khác nhau về cách xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, hãng thông tấn Kyodo của Nhật nói.

Trung Quốc và Nga cùng kêu gọi cần có thêm đối thoại.

Tổng thống Putin muốn thúc đẩy nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên.

Ngoại giao hiệu quả hơn trừng phạt ?

"Sẽ là phản tác dụng khi cứ thổi phồng sự hiếu chiến quân sự này. Điều đó sẽ chẳng đi tới đâu hết", ông Putin phát biểu tại diễn đàn kinh tế được tổ chức tại thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga.

Hôm thứ Tư, ông cũng đã tiếp Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc đến dự diễn đàn này để tìm giải pháp cho vấn đề Bắc Hàn.

btt4

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionChủ tịch Kim Jong-un xem hỏa tiễn Hwasong-14 bắn lên hôm tháng 7

Trong lúc lên án chương trình thử nghiệm tên lửa và phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng là gây ra mối đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế cũng như khu vực, ông Putin nói "chỉ có những biện pháp chính trị và ngoại giao giúp giải quyết được vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên".

"Chúng ta cần tiếp tục đối thoại", ông nói.

Ông Putin, trong vị thế mới ở vai trò cao hơn trước nhờ cuộc khủng hoảng Bắc Hàn, nay nói "không thể nào khiến Bắc Hàn sợ hãi".

Tổng thống Nga gần đây đã lên tiếng mạnh mẽ một cách bất thường về Bắc Hàn, và về cách thức mà cộng đồng thế giới cần phản ứng trong việc Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu, CNN bình luận.

Quan điểm của nhà lãnh đạo Nga trái ngược với quan điểm của Nhật, nước nói rằng hiện chưa phải là thời điểm đối thoại nhằm kiềm chế các tham vọng hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn, theo Kyodo.

Cho đến nay, hầu hết các nước đều lên án Bình Nhưỡng, trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn muốn áp dụng các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa lên nhà lãnh đạo Bắc Hàn, ông Kim Jong-un.

Tuy nhiên, có mặt tại Diễn đàn Kinh tế ở Vladivostok, Bộ trưởng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại của Bắc Hàn Kim Yong Jae nói rằng nước ông sẽ "đáp lại những hành động man rợ nhằm gây áp lực từ phía Mỹ bằng các biện pháp trả đũa mạnh mẽ", hãng tin Tass của Nga tường thuật.

"Hoa Kỳ nên bằng mọi cách nhớ đến vị thế hạt nhân của đất nước chúng tôi", ông Kim nói, "một đất nước sở hữu bom hạt nhân và bom nhiệt hạch, và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa".

Đánh giá về vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng, ông Putin cho rằng đó "hiển nhiên là một sự khiêu khích của Bắc Hàn", nhưng nói Hoa Kỳ không nên bị cuốn theo.

"Họ dựa vào một hành động cụ thể từ các bên khác và rồi họ đạt được điều đó. Tại sao quí vị lại hùa theo ? Quí vị đã bao giờ nghĩ tới chuyện đó chưa ?"

Vụ thử hạt nhân mới nhất diễn ra chỉ năm ngày sau khi Bình Nhưỡng hôm 29/8 phóng một tên lửa đạn đạo ngang qua khu vực bắc Nhật Bản.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đang thảo luận về việc áp thêm các lệnh trừng phạt mới lên Bắc Hàn, trong lúc Nhật và Hoa Kỳ muốn cấm vận dầu lửa đối với Bình Nhưỡng.

Trong tuần, Tổng thống Moon Jae-in đã quyết định cho triển khai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm cao THAAD của Hoa Kỳ ở Hàn Quốc.

Trong quá trình đưa dàn 'hoả tiễn chống hoả tiễn' vào vị trí ở cách Seoul 300 km về phía Nam, cảnh sát Hàn Quốc đã có va chạm với một nhóm phản đối vài chục người hôm thứ Năm 07/09/2017.

**********************

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên : Tổng thống Mỹ xuống giọng (RFI, 07/09/2017)

Ngày 06/09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ ngày 12/08/2017. Chủ đề Bắc Triều Tiên vẫn là trọng tâm. Nguyên thủ quốc gia Mỹ dường như đã xuống giọng, khi khẳng định tấn công Bắc Triều Tiên hiện tại không phải là "lựa chọn số một", cho dù ông không loại trừ hoàn toàn biện pháp can thiệp quân sự.

btt5

Một bản tin truyền hình với ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un ngày 09/08/2017. Jung Yeon-Je / AFP

Tổng thống Trump phát biểu như trên trong bối cảnh Hoa Kỳ và các đồng minh đang các tìm cách thúc đẩy Hội Đồng Bảo An đưa ra "các trừng phạt mạnh nhất".

Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình từ Washington :

"Được phỏng vấn về cuộc điện đàm 45 phút nói trên, ông Donald Trump đánh giá là hai bên rất thẳng thắng và rất kiên quyết. Tổng thống Mỹ cho biết thêm : "Tôi cho rằng chủ tịch Tập đồng ý với tôi 100%".

Tuyên bố nói trên chắc chắn đã có phần được phóng đại, bởi hai người có quan điểm khác nhau về các biện pháp cần được tiến hành để ngăn chặn Bắc Triều Tiên trong tham vọng hạt nhân. Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục cổ vũ nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng, trong lúc tổng thống Mỹ không ngừng nhắc lại là các thương lượng sẽ không dẫn đến đâu cả. Ông Trump vừa nhắc lại với thủ tướng Anh Theresa May như vậy hôm thứ Ba.

Cũng hôm 06/09, Donald Trump còn cảnh cáo là Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận điều đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Trump cũng thừa nhận rằng một cuộc can thiệp quân sự không phải là lựa chọn đầu tiên của ông. Giống như thường lệ, mỗi lần được hỏi, tổng thống Mỹ đều đáp : "Chúng ta sẽ biết việc gì sẽ đến".

Tổng thống Mỹ trách cứ Trung Quốc đã không gây đủ áp lực kinh tế đối với láng giềng Bắc Triều Tiên. Ông Trump thậm chí còn đe dọa cắt đứt các quan hệ thương mại và tài chính với Trung Quốc, nếu như Bắc Kinh không nỗ lực hơn. Tuy nhiên, biện pháp ít thực tế này đã không được nêu ra trong bất cứ thông điệp nào mà chính phủ hai bên công bố sau cuộc nói chuyện giữa hai nguyên thủ".

Một ngày trước cuộc điện đàm Mỹ-Trung, hôm thứ Ba, bên lề thượng đỉnh BRICS, tại Hạ Môn (Xiamen), Trung Quốc, tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo một cuộc tấn công chống Bắc Triều Tiên là "một sự điên rồ về mặt quân sự", có thể gây ra "một thảm họa hành tinh".

Trọng Thành

******************

Hoa Kỳ muốn phong tỏa tài sản Kim Jong-un (BBC, 07/09/2017)

Hoa Kỳ đã đề xuất một loạt các biện pháp trừng phạt mới với Bắc Hàn, bao gồm lệnh cấm vận xăng dầu và phong tỏa tài sản của lãnh đạo Kim Jong-un.

btt6

Hoa Kỳ đã đề xuất phong tỏa tài sản và cấm Kim Jong-un cũng đi lại.

Hoa Kỳ đã soạn thảo một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để phản ứng lại vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng, và dự thảo nghị quyết này sẽ được các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét.

Dự thảo kêu gọi việc cấm bán một loạt các sản phẩm dầu cho Bắc Hàn và cấm mua hàng dệt may Bình Nhưỡng xuất khẩu.

Kim Jong-un cũng sẽ bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại.

Động thái mới nhất nhằm tăng áp lực với Bắc Hàn sau vụ thử hạt nhân mới nhất.

Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo bom nhiệt hạch đủ mạnh và có kích cỡ nhỏ để lắp vừa tên lửa tầm xa.

Chưa rõ liệu những đòi hỏi mới nhất của Hoa Kỳ có được Nga và Trung Quốc hậu thuẫn hay không vì hai nước này đều tỏ ra hoài nghi về việc tăng cường lệnh thanh trừng.

Cả hai nước đều bán dầu cho Bắc Hàn và đều có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Một biện pháp khác trong dự thảo nghị quyết sẽ cấm việc tuyển dụng lao động Bắc Hạn tại nước ngoài

Tiền gửi từ nước ngoài thu được từ lao động và xuất khẩu hàng dệt may được coi là hai trong số những nguồn thu nhập lớn nhất của nước này.

Tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an đầu tuần này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cho biết 20 năm gia tăng thanh trừng từng nấc một đã không ngăn chặn được chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

"Thế là quá đủ", bà nói. "Nay chúng ta phải áp dụng những biện pháp mạnh nhất có thể".

btt7

Tiền gửi từ nước ngoài thu được từ lao động và xuất khẩu hàng dệt may được coi là hai trong số những nguồn thu nhập lớn nhất của nước này.

Hãng tin Reuters cho biết Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc muốn Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết vào thứ Hai.

Nhưng động thái này có thể đối diện sự phản đối của các thành viên khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lập luận rằng lượng dầu xuất khẩu của nước ông sang Bắc Hàn - khoảng 40.000 tấn - là không đáng kể.

Ông nói với hãng tin AFP rằng các lệnh thanh trừng thêm không phải là giải pháp.

Trong khi đó, Trung Quốc từ lâu đã là đồng minh chính của Bắc Hàn, nhưng giống như Nga - đã ủng hộ lệnh thanh trừng với Bình Nhưỡng sau khi có các vụ thử tên lửa.

Vào tháng Tám, một loạt lệnh trừng phạt mới bao gồm cả cấm xuất khẩu, trong đó có than, trị giá 1 tỷ đô la (khoảng 767 triệu đô la) của Bắc Hàn, chiếm khoảng 1/3 tổng xuất khẩu của nước này.

Cuộc thử nghiệm hạt nhân gần đây của Bắc Hàn dường như đã gây ra nhiều vụ lở đất, các những hình ảnh vệ tinh đầu tiên sau cuộc thử nghiệm cho thấy.

Cuộc thử nghiệm hôm 3/9 đã diễn ra dưới lòng đất tại khu vực núi Punggye-ri.

Một nhóm phân tích đã công bố những bức tranh cho thấy có nhiều sự sạt lở, nứt toác "nhiều hơn và lan rộng".

btt8

Hình ảnh dãy núi sau chụp lại hôm 4/9 cho thấy có nhiều sự sạt lở

Cuộc thử nghiệm này đã gây ra một đợt rung chấn mạnh đến 6.3 độ Richter có thể cảm nhận được ở phía biên giới Trung Quốc.

Bắc Hàn đã tiến hành sáu cuộc thử hạt nhân cho đến nay, tất cả tại Punggye-ri, vốn có một hệ thống đường hầm đào dưới một vùng núi.

Quay lại trang chủ
Read 590 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)