Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/09/2017

Việt Nam-Liên Âu : Thương mại gắn liền với nhân quyền

Tổng hợp

Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU : Không chịu áp lực chính trị nhưng sẽ khó nuốt (RFA, 19/09/2017)

Trong chuyến sang Việt Nam công tác về Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), Nghị sĩ Cộng hòa liên bang Đức Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện Châu Âu, có cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 15 tháng 9 năm 2017.

euvn1

Nghị sĩ Cộng hòa liên bang Đức Bernd Lange (ngồi giữa) trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 15/09/2017 - Courtesy photo

Tại đây ông nhấn mạnh EVFTA không chịu áp lực chính trị nhưng Việt Nam phải cần giải quyết 3 vấn đề lớn.

Ông Bernd Lange nêu rõ 3 vấn đề lớn đó là : Còn 3/8 Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế còn chờ Việt Nam phê chuẩn ; vấn đề môi trường và thứ ba là tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong quá trình thực thi EVFTA.

Nhân quyền

Cụ thể hơn, hãng thông tấn Pháp AFP trích dẫn lời ông cho biết "Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu- EU".

Thực tế từ trong nước cho thấy thời gian gần đây, Việt Nam gây nên nhiều quan ngại cho các tổ chức nhân quyền, về thành tích nhân quyền của mình trong việc bắt bớ những blogger, nhà báo tự do, giới hoạt động...

Trả lời RFA, Phó giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia nghiên cứu kinh tế từ Hà Nội đưa ra nhận định chung về khả năng tiến đến phê chuẩn EVFTA ở hai góc nhìn :

"Tôi nghĩ đây không phải là lần đầu tiên các tổ chức quốc tế đặt vấn đề này với Việt Nam mà đã rất nhiều lần rồi. Tôi nghĩ trước hay sau Việt Nam cũng phải giải trình vấn đề này 1 cách cụ thể và rõ ràng. Theo tôi không phải là 1 vấn đề lớn.

Hiện nay, ở góc độ lề trái, thì tôi nghĩ Hiệp định thương mại Việt Nam– EU khó thông qua bởi đặc biệt là vấn đề nhân quyền, thứ hai là vấn đề môi trường".

euvn2

Nghị sĩ Bernd Lange (phải) trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội ngày 15/9 Courtesy Photo

Tại cuộc họp của Tiểu ban về nhân quyền thuộc Liên minh Châu Âu-EU vào ngày 9 tháng 3 năm 2017, bà Beatriz Becerra, thành viên của Nghị viện Châu Âu, người đã đến Việt Nam hồi tháng 2, khẳng định vấn đề nhân quyền là một đòi hỏi không thể thiếu trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam.

"Hiển nhiên chúng tôi luôn ủng hộ mở rộng nền kinh tế với các quốc gia mà chúng tôi đã chuẩn bị cho sự hợp tác chung. Và chúng tôi sẵn sàng cho việc ký kết các thỏa thuận hiệp định thương mại.

Nhưng, có một điểm cần được làm sáng tỏ và rõ ràng, đó là chúng tôi cần được chứng minh rằng vấn đề nhân quyền được thực hiện ở Việt Nam".

Phó giáo sư Ngô Trí Long cho rằng chắc chắn Việt Nam sẽ có sự giải trình thỏa đáng để chứng minh cho EU và các tổ chức quốc tế khác về việc đáp ứng các điều kiện của EVFTA.

Tuy nhiên, bà Maria Đỗ Minh Hạnh, thuộc Phong trào Lao động Việt hoàn toàn không tin rằng nhà nước Việt Nam có thể giải quyết thỏa đáng những yêu cầu của EU.

"Bất cứ hiệp định thương mại nào họ cũng gắn kết giữa những quốc gia với nhau về vấn đề nhân quyền, nhưng Việt Nam chưa bao giờ thực hiện.

Mới đây VIệt Nam đã bắt bỏ tù rất nhiều nhà bất đồng chính kiến, những nhà đấu tranh bất bạo động để bảo vệ quyền và lợi ích con người tại Việt Nam.

Cái cụm từ quyền con người ở Việt Nam là một cụm từ rất dễ hiểu nhưng nó là 1 vấn đề rất xa xỉ đối với người Việt Nam không dễ dàng gì có được".

Vấn đề nhân quyền cũng từng được Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhắc đến nhiều lần với đại diện Châu Âu trong chuyến đi vận động và trao thỉnh nguyện thư về thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.

"Những cơ quan đó, hiệp ước thì đã viết rồi, nhưng có một số điều kiện thì họ yêu cầu phải hoàn thành. Trong đó, những quyền về con người, nhân quyền, quyền của người lao động luôn luôn được để ý.

Chúng tôi cũng nhắc nhở họ về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với những người bất đồng chính kiến, những người đang tranh đấu cho nạn nhân ở Formosa".

Môi trường

Vấn đề thứ hai Việt Nam cần phải làm là môi trường.

Cũng trong chuyến đi đó, Linh mục Trần Đình Lai, Quản xứ Đông Yên, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thành viên của Ban Hỗ trợ Nạn nhân Ô nhiễm môi trường biển, cho RFA biết ông có nhấn mạnh về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, một hệ luỵ do vấn nạn biển nhiễm độc gây ra trong việc ký Hiệp định FTA.

"Chúng tôi nói với họ rằng nếu quý vị cứ đặt bút ký mà không đếm xỉa gì đến đề nghị của chúng tôi thì liệu hải sản nhập từ Việt Nam có an toàn không ? Có đảm bảo được sức khỏe của người dân của quý vị hay không thì họ có nói là sẽ điều tra trước khi ký hiệp định đó. Thì đây cũng là một yếu tố để chúng tôi khai thác".

Tổ chức xã hội dân sự

Theo nhận định đưa ra bởi cô Maria Đỗ Minh Hạnh, trong các hiệp định thương mại, quan trọng nhất là quyền được tự do lập hội, lập nhóm, quyền tự do ngôn luận. Nhưng tất cả những điều này, bà cho biết "đều bị tước đoạt ở Việt Nam"

"Hiện nay các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam không được công nhận và không được phép ghi danh 1 cách chính thức ở Việt Nam.

Ở Việt Nam cho dù có các tổ chức xã hội dân sự đi nữa thì luôn bị kềm kẹp và họ dùng mọi lý do như chống đối nhà nước, quy chụp là lật đổ chế độ để đẩy những người bất đồng chính kiến vào tù".

Đề cập đến vấn đề tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, Phó giáo sư Ngô Trí Long bày tỏ rằng theo ông, khi nhân quyền và quyền thành lập hội nhóm ở Việt Nam được thực thi thì mới có khả năng thông qua EVFTA.

Không bị ảnh hưởng bởi chính trị

Cũng tại cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội ngày 15 tháng 9, Nghị sĩ Bernd Lange đã khẳng định hiệp định này không bị ảnh hưởng bởi chính trị.

Báo Tuổi Trẻ trong nước trích dẫn lời ông Bernd có nhắc đến vụ Trịnh Xuân Thanh :

"Trong cuộc gặp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam, chúng tôi có đề cập đến vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh và hai bên đã được sự thống nhất về cách thức hợp tác rõ ràng hơn để vượt qua những trở ngại hiện nay".

Nhưng tờ Tuổi Trẻ cũng trích dẫn lời ông Bernd Lange nói thêm :

"Nếu đạt được sự đồng thuận đa số ở Nghị viện Châu Âu thì EVFTA được thông qua vào mùa hè 2018. Việc thông qua hay không đòi hỏi nhiều nỗ lực từ hai phía".

Do đó, những người quan tâm đến EVFTA vẫn có lý do để lo ngại rằng cho dù EVFTA không bị ảnh hưởng bởi chính trị theo lời ông Bernd Lange đã khẳng định, nhưng nếu Quốc hội của Cộng hòa liên bang Đức không đồng ý thì Hiệp định Tự do Thương mại EU – Việt Nam cũng sẽ khó bảo toàn ?

******************

EU-Việt Nam : Thương mại, nhân quyền và Trịnh Xuân Thanh (BBC, 18/09/2017)

Quan chức hàng đầu về thương mại của Châu Âu cảnh báo rằng hiệp định tự do thương mại giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có thể bị 'xôi hỏng bỏng không' nếu Hà Nội không nghiêm túc cải thiện nhân quyền.

eu1

Những phát biểu của ông Bernd Lange (phải) trong cuộc họp báo hôm 15/9 ở Hà Nội được AFP và truyền thông Việt Nam diễn giải theo những ý nghĩa khác nhau

Cùng lúc, báo chí chính thống tại Việt Nam mô tả vị đại diện EU tỏ ra "rất lạc quan" về sự phát triển của các mối quan hệ giữa Việt Nam và EU, gồm cả thương mại.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện Châu Âu, ông Bernd Lange nói nhân quyền là chủ đề tâm điểm các cuộc thảo luận hiện thời, hãng tin AFP từ Hà Nội trích lời ông nói.

Ông Lange cũng nói ông đã nêu vấn đề Trịnh Xuân Thanh trong chuyến công du tới tại Hà Nội.

AFP dẫn lời ông Lange nói quan điểm của Việt Nam trong vấn đề lao động và tự do ngôn luận là những nội dung cốt lõi của các cuộc đàm phán hiện nay.

"Các chủ đề đó thực sự nằm trong tâm điểm thảo luận... nếu như không có những giải pháp thỏa đáng thì hiệp định sẽ rơi vào dòng nước xoáy (in troubled water)", ông nói tại cuộc họp báo với các phóng viên hôm 15/9/2017.

EVFTA đã được Brussels và Hà Nội ký hồi 2015 và có thể được phê chuẩn vào năm tới sau khi được rà soát pháp lý.

Nhân quyền và vụ Trịnh Xuân Thanh

Ban đầu, hiệp định dự kiến được phê chuẩn vào đầu năm 2018, nhưng nay việc này được cho là sẽ diễn ra vào mùa hè năm tới.

Theo nội dung hiệp định, hầu như toàn bộ các loại thuế quan giữa hai nền kinh tế sẽ được xóa bỏ.

Tuy nhiên, hồ sơ nhân quyền yếu kém của Việt Nam đang bị coi là trở ngại chính cho việc chốt lại thỏa thuận.

Trong những tháng gần đây, Việt Nam bị cáo buộc đàn áp những tiếng nói chỉ trích, kết án tù nặng nề những người bất đồng chính kiến, đồng thời nhắm vào các quan chức đang tại vị lẫn những người đã nghỉ hưu bị cáo buộc tham nhũng.

Đáng chú ý, vụ ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện tại Hà Nội hồi cuối tháng 7, mà theo Việt Nam là ông 'tự nguyện ra đầu thú' còn Đức nói ông bị bắt cóc từ Berlin, đã làm bùng lên căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam với Đức, một thành viên 'đầu tàu' của EU.

eu2

Ngoại trưởng Đức tuyên bố 'không thể chấp nhận' việc Việt Nam bắt cóc người

Ông Lange nói ông đã nêu vấn đề liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh trong chuyến công du mới nhất tới Việt Nam.

"Chúng tôi nay đã rõ hơn, và có chung sự hiểu biết rằng trong tương lai chúng ta phải có những trình tự rõ ràng đối với việc điều tra và truy tố", ông Lange được AFP trích lời. Ông cũng nói thêm rằng ông hy vọng là vấn đề này sẽ không cản trở các cuộc đàm phán tự do thương mại.

Tin cho hay ông Lange đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 14/9, bên cạnh việc có các cuộc họp với các quan chức và các nhóm xã hội dân sự.

Việt Nam không lo lắng về áp lực chính trị từ Đức ?

Tuy nhiên, phía Việt Nam dường như có cách hiểu rất khác về những phát biểu của ông Lange.

Tường thuật về cùng sự kiện diễn ra tại Hà Nội cuối tuần trước, trang tin tiếng Anh của Đài Truyền hình Việt Nam viết, "Ông Lange lạc quan về sự phát triển của các mối quan hệ giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là trong hoạt động thương mại, đầu tư".

Báo Tuổi Trẻ thì nói ông Lange khẳng định tại buổi họp báo rằng "EVFTA không chịu áp lực chính trị nào".

"Nghị sĩ Bernd Lange đưa ra khẳng định như trên, sau khi truyền thông Đức cho hay vấn đề ngoại giao giữa Việt Nam và Đức liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ ảnh hưởng đến quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU", Tuổi Trẻ viết.

Báo này cũng dẫn lời vị khách đến từ Châu Âu xác nhận việc hai bên đã đề cập tới câu chuyện Trịnh Xuân Thanh, nhưng "hai bên đã đạt được sự thống nhất về cách thức hợp tác rõ ràng hơn để vượt qua những trở ngại hiện nay".

Thời báo Kinh tế Sài Gòn thì nói ông Lange nêu ra ba vấn đề lớn mà Việt Nam cần xử lý, gồm việc phê chuẩn các công ước quan trọng của Tổ chức Lao động Thế giới, việc bảo vệ môi trường, và việc để xã hội dân sự cùng các nhóm phi chính phủ tham gia nhiều hơn vào hoạt động tham vấn liên quan tới EVFTA.

Báo chí Việt Nam không nhắc tới những phát biểu của ông Lange về vấn đề nhân quyền.

Hiệp định tự do thương mại với EU sẽ tạo một cú hích quan trọng cho kinh tế Việt Nam vốn dựa vào hoạt động xuất khẩu.

EVFTA bù vào chỗ cho TPP ?

EVFTA đặc biệt quan trọng cho Việt Nam trong bối cảnh nay Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Châu Âu là một trong các đối tác thương mại hàng đầu và là một trong các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.

Châu Âu nhập khẩu đồ điện tử, đồ may mặc và các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, gạo, thủy sản từ Việt Nam, và xuất các đồ công nghệ cao như máy móc thiết bị điện, máy bay, xe cộ, và dược phẩm.

***********************

Thỏa thuận mậu dịch Việt Nam – Châu Âu "tùy thuộc vào nhân quyền" (RFI, 16/09/2017)

Ngày 15/09/2017, một quan chức cao cấp đặc trách thương mại của Liên Hiệp Châu Âu cảnh báo hiệp định tự do mậu dịch giữa khối này với Việt Nam có thể sẽ không thành tựu, nếu Hà Nội không giải quyết được các vấn đề về nhân quyền, vì đây là trọng tâm của các cuộc đàm phán song phương.

vietau1

Công nhân làm việc tại một nhà máy dệt ở Hà Nam, 07/10/2015. Reuters/Kham

Tuyên bố với các phóng viên tại Hà Nội, ông Bernard Lange, chủ tịch Uỷ ban Nghị viện Châu Âu về thương mại quốc tế, cho biết các cuộc đàm phán hiện nay đặt trong tâm vào vấn đề lao động cưỡng bức và tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu - Việt Nam đã được Hà Nội và Bruxelles ký vào năm 2015 và có thể được phê chuẩn ngay từ năm tới sau khi xem xét về khía cạnh pháp lý. Nếu có hiệu lực, thỏa thuận mậu dịch này sẽ cắt giảm hầu như toàn bộ các thuế quan giữa hai nước và đặc biệt sẽ thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Châu Âu.

Châu Âu hiện đã là một trong những đối tác thương mại hàng đầu và là một trong những nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất của Việt Nam.

Nhưng tình hình nhân quyền ở Việt Nam được xem là yếu tố trọng tâm trong tiến trình phê chuẩn hiệp định này. Trong những tháng gần, Việt Nam đã bị lên án vì đã bắt giam và kết án tù nặng nề các nhà bất đồng chính kiến, đồng thời mở chiến dịch đánh vào những quan chức tham nhũng.

Vào tháng trước, chính phủ Đức tố cáo Hà Nội đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch công ty PVC, ngay tại Berlin. Vụ này đã gây khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước và có nguy cơ cản trở việc phê chuẩn hiệp định tự do mậu dịch Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu.

Thanh Phương

************************

Nhân quyền là trọng tâm trong đàm phán thương mại VN-EU (RFA, 15/09/2017)

Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu- EU. Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu nói với các nhà báo vào ngày15 tháng Chín, tại Hà Nội.

vietau2

Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng (bên trái), Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (bên phải), Cao ủy Thương mại EU Cecilia (phải) và Bộ trưởng Thương Mại Vũ Huy Hoàng dự lễ ký kết thúc đàm phán hiệp định tự do thương mại EU - Việt Nam tại Brussels hôm 2/12/2015 - AFP

Thỏa thuận mậu dịch tự do Việt Nam và EU được ký vào năm 2015, và có thể được phê chuẩn vào năm tới.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây Việt Nam gây nên nhiều quan ngại cho các tổ chức nhân quyền, về thành tích nhân quyền của mình trong việc bắt bớ những blogger và nhà báo tự do.

Ông Bernd Lang nói tiếp rằng nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối.

Ngoài ra còn một vấn đề nữa đã gây ra rạn nứt trong quan hệ Việt Nam và EU là việc Hà Nội đã bị nước Đức cáo buộc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí đang xin qui chế tị nạn tại Đức. Ông Thanh bị cáo buộc dinh líu tới những vụ bê bối tham nhũng tại Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia (PVN).

Ông Bernd Lang còn cho biết trong chuyến đi Việt Nam ông đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các viên chức thương mại Việt Nam, và cả những nhóm xã hội dân sự.

Báo chí Việt Nam không đề cập gì đến quan ngại về nhân quyền mà người đại diện của EU nêu ra tại Hà Nội, nhưng lại đưa tin về chuyến thăm Thụy sĩ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Theo thông tin từ trang web của chính phủ Việt Nam, các quan chức Việt Nam và Thụy sĩ đồng ý với nhau rằng sẽ phải nổ lực nhiều hơn để hoàn tất việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và khối bốn quốc gia Châu Âu bao gồm Thụy sĩ, Na Uy, Băng Đảo, và Lichteinsten.

Hiện nay EU là một đối tác thương mại rất quan trọng của Việt Nam, việc đạt được thỏa thuận thương mại tự do rất cần thiết cho hàng hóa Việt Nam vào được thị trường EU, nhất là trong hoàn cảnh Thỏa thuận thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương đã bị Mỹ rút ra, không thực hiện được.

Quay lại trang chủ
Read 554 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)