Ngày 15/09/2017, một vụ đánh bom trên tàu điện ngầm ở Luân Đôn đã xảy ra. Cảnh sát đã nhanh chóng truy lùng và bắt giữ hai nghi can được cho là thủ phạm. Tiến triển điều tra nhanh chóng giúp trấn an phần nào công luận. Mức độ báo động ngay lập tức đã được giảm xuống một bậc. Thế nhưng, chi tiết lai lịch về các nghi phạm này một lần nữa khiến xã hội Anh cảm thấy bất an về một khía cạnh khác của vấn đề an ninh : Đó là trẻ em nhập cư.
Người tị nạn chờ dịp sang Anh đang xếp hàng nhận đồ cứu trợ tại trại tập trung Calais (bắc Pháp).RFI
Theo tường thuật của thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn, câu chuyện có thể bắt đầu từ những khu lán trại di dân ở quanh cảng Calais của Pháp.
"Một người di dân ngồi trên đất Pháp, trong khu trại tạm cư có đầy đủ tiện nghi tối thiểu mà chính quyền và các nhóm thiện nguyện đã xây dựng để dành riêng cho di dân dưới 18 tuổi, chê nước Pháp và bày tỏ nguyện vọng muốn vượt biên tiếp vào Anh. Theo Công ước Quốc tế thì người đủ tuổi được đối xử bằng luật di dân tị nạn, còn trẻ em thì được bảo vệ bằng những điều luật có từ năm 1989, cần phải có chỗ ăn ngủ an toàn, điều kiện vui chơi học hành và tôn giáo hay quan điểm chính trị xã hội riêng.
Có không ít người lớn tuổi khai thành trẻ con, và giải thích khuôn mặt cùng dáng vẻ già dặn là do trải qua chiến tranh, lao động cực khổ nơi quê nhà, hay gian khổ trên đường vượt biên. Tất nhiên là có những gia đình cắn răng gửi con còn bé ra nước ngoài nhưng cũng có không ít người trưởng thành khai man để tận dụng kẽ hở của luật pháp.
Trên nguyên tắc người ta có thể kiểm tra răng hay xương để định tuổi một cách chính xác, nhưng làm như vậy lại phạm vào nhân quyền nếu đối tượng thực sự là trẻ con, và do vậy mà vấn đề tuổi tác của người tị nạn vẫn luôn là một điều tế nhị ngay cả trên truyền thông.
Chính phủ Anh gần đây chính thức không áp dụng việc kiểm tra răng xương để xác định tuổi. Mùa đông năm 2016, khi nước Anh bất ngờ mở cửa nhận ồ ạt một nhóm trẻ em từ Calais để đóng cửa lán trại ở đây, thì những đoạn phim trên truyền hình đã khiến người xem phản đối mạnh. Bởi vì, những người tự nhận là trẻ em lại trông không giống trẻ em, mà thậm chí có người có thể là đã 29 tuổi. Bộ trưởng Nội Vụ lúc đó đã phải lên truyền hình trấn an dân chúng nước Anh"
Người nghèo tại Anh và dân tị nạn : Bài toán xã hội nan giải
Bà Amber Rudd khi trả lời phỏng vấn giới truyền thông có nói đến khó khăn của chính quyền trong việc phân loại giữa những em bé mà bố mẹ phải cắn răng cho đi lánh nạn, và những người lợi dụng luật pháp để hưởng lợi.
Điều này cũng là câu chuyện gây tranh cãi trong các cộng đồng người Việt ở Châu Âu, vì trước kia đúng là có những người được cha mẹ cho đi vượt biên khi còn rất bé, phải tự tồn tại và vươn lên nơi đất khách quê người.
Ngày nay có nhiều người Việt sang đây khai là trẻ em, và sau đó thì bỏ trốn khiến cảnh sát Anh phải đưa vào danh sách tìm kiếm trên toàn quốc, và không phải ai cũng bị phát hiện là người lớn trong cuộc phỏng vấn xác định tuổi.
Vừa rồi là một khán giả bày tỏ sự tức giận trên truyền hình về việc nhiều người tị nạn trông rất già mà vẫn được coi là trẻ em. Câu hỏi đặt ra phải chăng là người dân Anh không có tinh thần tương thân tương ái ? Anh Lê Hải cho biết tiếp :
"Thật ra cũng cần phải nhìn từ phía người dân Anh. Nhiều người trong số họ muốn đề cao tinh thần nhân đạo và sẵn sàng đón nhận tất cả người tị nạn. Đó chính là điều khiến cho nước Anh là điểm đến lý tưởng cho các làn sóng di cư từ đủ mọi nơi đổ về, so sánh với nước Pháp hầu như là không nhận người tị nạn và nước Đức thì chế độ đãi ngộ sau khi nhận không dễ dàng lỏng lẻo như ở đây.
Chính vấn đề này đang tạo ra một sự chia rẽ rất lớn trong lòng dân chúng mà hầu như báo chí chỉ dè dặt nhắc đến. Ví dụ có người Anh nghèo vô gia cư ngủ ngoài đường chờ rất lâu vẫn không có nhà xã hội, thì người tị nạn chỉ cần đến đăng ký là có ngay xe chở về nhà ở tạm.
Một bên là lòng trắc ẩn được luật hóa bằng các công ước quốc tế và tòa án Anh quốc, còn một bên là cảnh nghèo khổ của chính bản thân mình, khi đặt vào tình huống so sánh sẽ khiến người ta tức giận".
Lòng trắc ẩn đặt sai chỗ ?
Quay trở lại với hai nghi phạm của vụ đánh bom trên tàu điện ngầm ở Luân Đôn hồi trung tuần tháng 9 này, người thứ nhất là dân tị nạn từ Iraq, năm nay 18 tuổi, và người thứ hai cũng là dân tị nạn, từ Syria, năm nay 21 tuổi. Cả hai đều vào Anh trong tư cách trẻ em, và được cùng một gia đình người Anh nuôi.
Hai vợ chồng người nhận nuôi năm nay đã 71 và 88 tuổi, và đã nhiều năm nuôi trẻ tị nạn. Cả hai ông bà từng được chính phủ Anh tặng huân chương MBE cho các hoạt động giúp đỡ trẻ em. Cơ quan điều tra đang nghi rằng hai nghi phạm này đã từng gặp nhau từ trước đó, lúc chờ vượt biên ở Calais hay trên đường đi, hoặc thậm chí từng tham gia trại huấn luyện của các nhóm cực đoan ở vùng Trung Đông.
Nếu kịch bản này là đúng, thì rõ ràng là khủng bố đã lợi dụng cả lòng trắc ẩn của người Anh lẫn sự lỏng lẻo của luật pháp để đột nhập vào hòn đảo này và khi được lệnh thì phối hợp tấn công khủng bố. Vì sao sự chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục cũng như cuộc sống an bình ở Anh không đủ để làm thay đổi ý chí cực đoan của họ ?
"Chắc chắn đó sẽ là những câu hỏi lớn dành cho tất cả mọi giới, từ chính phủ cho đến hệ thống an sinh xã hội, các nhóm thiện nguyện và từng người dân trên đất nước Anh. Đây không phải là lần đầu những kẻ khủng bố tương lai lọt lưới an ninh khi đổ bộ vào Anh bằng đường tị nạn.
Trong những vụ việc trước đây người ta từng chỉ ra những hiện tượng tương tự, mà lẽ hiển nhiên, người Hồi giáo cực đoan là từ bên ngoài di dân vào nước Anh, nơi có truyền thống Anh giáo nhưng sẵn sàng đón nhận người tị nạn từ các tôn giáo khác.
Tuy nhiên, nếu nói quá theo hướng phản đối thì lại trở thành nội dung tuyên truyền của các đảng phái cực hữu, muốn đuổi hết di dân nước ngoài ra khỏi nước Anh bằng những biện pháp cực đoan, và như vậy lại tạo ra một cuộc xung đột ý thức hệ còn lớn hơn nữa trên hòn đảo này.
Ngay khi tổng thống Mỹ Donald Trump gửi lên mạng twitter một vài câu có hơi hướng mạnh tay thì thủ tướng Anh Theresa May đã phải lên tiếng phản đối, và hướng dư luận tập trung vào công tác điều tra của cảnh sát, nhìn vào vụ việc một cách cụ thể cá nhân hay hội nhóm, chứ không thể nói chung chung về tôn giáo hay sắc tộc nào cả.
Góc nhìn đó hoàn toàn trái ngược với quan điểm của các nước Trung Âu như Hungary, Cộng hòa Séc, và Ba Lan, hoàn toàn không muốn bị ép phải nhận người tị nạn đến từ các nước Hồi giáo, phần nào do mối lo bị tấn công khủng bố".
Di dân : Nỗi lo của cả Châu Âu
Một cô gái Ba Lan trong cuộc biểu tình quy tụ cả trăm ngàn người nhằm phản đối áp lực của EU về việc phải nhận người tị nạn, cho biết không chấp nhận bất cứ luật lệ nào khác, đặc biệt là luật lệ Hồi giáo, trên đất Ba Lan. Tương tự vậy, thủ tướng Hungary cũng tạt một gáo nước lạnh vào mặt thủ tướng Đức Angela Merkel khi tuyên bố chống lệnh Châu Âu và muốn được diễn giải riêng về luật quốc tế năm 1997 về tị nạn.
"Theo ông, cuộc khủng hoảng này không đơn thuần là người tị nạn mà còn bao gồm cả di dân kinh tế và chiến binh ngoại quốc, mà diễn biến của nó vượt khỏi khả năng kiểm soát của các chính phủ. Bản thân Hungary là một quốc gia được lập nên từ những bộ tộc di cư, nhưng bức tranh mà thủ tướng Orban mô tả về cuộc di dân hiện nay trên thế giới là ở vào cấp độ thế giới với vô số người từ Trung Đông và Châu Phi đổ dồn vào Châu Âu.
Một lần nữa, ông cũng nói đến sự đối lập giữa đạo đức trách nhiệm của con người, và đòi hỏi một cuộc sống Châu Âu của những người tị nạn. Châu Âu không thể cho hết tất cả mọi người một cuộc sống tốt hơn được, và không được để mất Châu Âu vào con đường tan rã và mất đi các giá trị truyền thống".
Khi Châu Âu mở cửa biên giới để người dân tự do đi lại thì có nhiều bức tường biên giới khác đang được dựng lên để ngăn chặn làn sóng di dân. Bức tranh xã hội của nước Anh qua vụ đánh bom khủng bố ở Luân Đôn hồi trung tuần tháng 9 này trở thành câu chuyện không chỉ được nhiều người Châu Âu quan tâm, mà còn là cả vấn đề mà thế giới cần phải suy nghĩ.
Bởi vì, bên kia trời Đông, nhất là tại Đông Nam Á, hàng trăm ngàn người dân Rohingya theo Hồi giáo phải ồ ạt bỏ chạy khỏi Miến Điện sang Bangladesh. Một bên là lòng trắc ẩn trước thảm cảnh của trẻ em chạy loạn và bên kia là sự an toàn của bản thân và gia đình. Đây sẽ còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết cho nước Anh, Châu Âu và thế giới.
RFI, Lê Hải