Châu Âu vất vả tìm nguồn thay thế khí đốt của Nga ?
Sau cuộc chiến chất đốt giữa Nga và Ukraine từ 2006 đến 2009 khiến cả Châu Âu lo sợ bị cắt nguồn nhiên liệu, toàn Liên Hiệp tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp. Theo bài viết : "Châu Âu : khả năng thay thế khí đốt của Nga bất khả" trên nhật báo kinh tế Les Echos, 10 năm sau, tập đoàn Nga Gazprom vẫn là nhà cung cấp chất đốt hàng đầu của của Châu Âu và tiếp tục "hô phong hoán vũ".
Logo của dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 tại hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Quốc Tế 2017 tại Saint-Petersbourg, ngày 01/06/2017. Reuters/Sergei Karpukhin
Dự án Nord Stream 2, nối trực tiếp từ Nga đến Đức qua biển Baltic, bắt đầu thành hình với mục đích là vận chuyển thêm 55 tỉ m3 chất đốt kể từ năm 2019. Không ngăn cản được, Liên Hiệp Châu Âu, được chính phủ Ba Lan ủng hộ, ra sức tìm cách thương lượng với Nga về quá trình khai thác "minh bạch và không phân biệt" của hệ thống đường ống dẫn khí.
Nhật báo Les Echos nhắc lại một số dữ liệu : Năm 2016, Gazprom đã bán khối lượng khí đốt kỉ lục cho Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ : 180 tỉ m3, tăng 12% so với năm 2015. Một chuyên gia ghi nhận : "Trước dự án Nord Stream 1, Pháp nhập 12% lượng khí đốt tiêu thụ từ Nga, sau này tăng lên thành 15%". Hiện tập đoàn Gazprom cung cấp 1/3 nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Châu Âu.
Ông Marc-Antoine Eyl-Mazzega, giám đốc trung tâm Năng Lượng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) khẳng định, "trong vòng 10 năm qua, rất ít việc được làm" về vấn đề đa dạng hóa nguồn cung cấp. Dự án Nabucco nhằm biến Azerbaidjan thành một nhà cung cấp ít phiền hà hơn Gazprom đã bị hủy để triển khai dự án đường ống dẫn khí Tap-Tanap có quy mô nhỏ hơn : 10 tỉ m3 thay vì 40-50 tỉ m3 của dự án Nabucco.
Bị Liên Hiệp Châu Âu gây sức ép, tổng thống Nga Putin đã từ bỏ dự án South Stream nhằm cung cấp chất đốt cho Nam Âu thông qua ngả Biển Đen, nhưng Moskva chuyển sang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng TurkStream có thể cung cấp tới 30 tỉ m3 đến tận Hy Lạp.
Vậy đâu là những lý do giải thích sự phụ thuộc chất đốt của Châu Âu vào Nga ? Nguyên nhân thứ nhất nằm ở lợi ích quốc gia và thời cơ kinh tế : Giá khí đốt hiện nay "rẻ hơn 3 lần, nên việc xây dựng những cơ sở hạ tầng mới tốn kém và dài trở nên vô nghĩa", theo giải thích của giám đốc trung tâm năng lượng của Viện IFRI. Nguyên nhân thứ hai chính là sự thiếu vắng thật sự một nguồn cung cấp thay thế : Trữ lượng khí đốt của Azerbaidjian chỉ bằng 1/10 so với Nga, còn trữ lượng của Na Uy thì đang giảm dần.
Trong khi đó, Algeri, quốc gia Bắc Phi cung cấp chất đốt cho Nam Âu, trong đó có Pháp, cũng không có chính sách chắc chắn hơn Nga. Hơn nữa, chính quyền còn từ chối mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Đây lại là điều cần thiết để tăng sản lượng khai thác.
Vì vậy, theo giám đốc Marc-Antoine Eyl-Mazzega, "Nga vẫn đóng vai trò rất quan trọng". Các nước Trung và Đông Âu, trong đó có một số nước phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, đã dần phá vỡ thế cô lập. Nhiều hệ thống kết nối đã được xây dựng, đảm bảo cho Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia vẫn có thể nhận được khí đốt từ các nước láng giềng Tây Âu trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Một giải pháp khác đang được tính đến là hai nguồn khí hóa lỏng của Mỹ và Úc. Một số kho dự trữ, như tại Ba Lan hay Pháp, đã được khánh thành vào đầu năm 2017, dù "mới chỉ hoạt động khoảng 1/4 công suất vì khí đốt tự nhiên hóa lỏng đắt hơn khí đốt của Nga. Tuy nhiên, trong trường hợp bị thiếu, các kho này có thể thay thế phần nào".
Tóm lại, theo đánh gia của ông Marc-Antoine Eyl-Mazzega, "dù Châu Âu vẫn phụ thuộc vào Nga, thì khả năng bị tổn thương do khủng hoảng không còn như trước".
Ba Lan muốn thoát khỏi tập đoàn khổng lồ Gazprom
Warsawa tăng cường đầu tư để nhập khí đốt từ Qatar, Na Uy hay từ Mỹ với mục đích chính là chấm dứt hợp đồng với tập đoàn Gazprom của Nga trong vòng 5 năm tới, khi hợp đồng cung cấp 10 tỉ m3 mỗi năm sẽ hết hạn vào năm 2022. Nằm ở phía bắc Ba Lan, kho dự trữ Swinoujscie trở thành kho lớn nhất Trung Âu.
Hiện tại, 80% lượng khí đốt của Ba Lan được nhập từ Nga, thông qua hệ thống đường ống Yamal dài 4.000 km từ tây bắc Nga, đi qua Belarus đến Ba Lan và kết thúc ở Đức. Theo thứ trưởng Năng Lượng Michal Kurtyka, Ba Lan "không có ý định gia hạn hợp đồng này" vì "Nga sử dụng khí đốt như một loại vũ khí", như nhiều lần "khóa van" trong những năm gần đây.
Mỹ-Hàn lo ngại cú "bốc đồng" mới của Kim Jong-un
Chuyển sang thời sự Châu Á, nhật báo Le Figaro tiếp tục đưa tin về cuộc khẩu chiến giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bài viết "Washington và Seoul lo ngại cú bốc đồng lần thứ n của Kim".
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Cheong Seong Chang thuộc Viện Sejong tại Seoul, được nhật báo Le Figaro trích dẫn, bất chấp những lời đe dọa của tổng thống Mỹ, Kim Jong-un vẫn giữ nguyên lập trường, "tin vào sức mạnh quốc gia… mà không tin vào đàm phán". Chế độ Bình Nhưỡng cũng thông báo, thông qua nghị sĩ Nga Anton Morozov, đang chuẩn bị bắn thử tên lửa liên lục địa tầm xa (ICBM) có thể chạm đến bờ biển nước Mỹ.
Giới chuyên gia đánh giá lần thử tên lửa sắp tới nhắm cùng lúc hai mục đích mang tính chính trị và công nghệ : Bình Nhưỡng gửi thông điệp thách thức đến Washington và khẳng định những tiến bộ công nghệ đạt được trong việc sở hữu vũ khí có sức răn đe. Ngoài ra, theo giáo sư Andrei Lankov thuộc đại học Kookmin ở Seoul, Kim Jong-un "không muốn có kết cục giống Kadhafi… Một khi có trong tay vài chục tên lửa ICBM và vài tầu ngầm trong vùng Thái Bình Dương, Kim sẽ quay lại bàn đàm phán". Cuộc đối đầu dài hơi với các cường quốc là chiến lược rất thực tế, nhưng cũng rủi ro.
Trong khi đó, tại Seoul, nhiều chuyên gia đánh giá những tin Tweet gần đây của tổng thống Mỹ chỉ mang tính chiến thuật khiến đối thủ rối loạn và gieo rắc bất trắc. Nhưng "ông Trump chỉ sủa, chứ không cắn. Ông ấy chỉ lừa phỉnh để gây sức ép với Trung Quốc mà thôi", như đánh giá của giáo sư Lankov.
Chiến lược hăm dọa của Donald Trump
"Trump thử chiến lược hăm dọa" là nội dung một bài viết khác trên Le Figaro về chiến lược của tổng thống Mỹ, từng được cựu tổng thống Richard Nixon sử dụng khi đối đầu với khối xã hội chủ nghĩa. Tổng thống Trump từng "khuyên" ngoại trưởng Rex Tillerson đừng mất thời gian đàm phán.
Thượng nghĩ sĩ Dân Chủ bang Connecticut Chris Murphy nhận xét, ít nhất có hai chiến lược đối ngoại tại Hoa Kỳ : một bên do Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng soạn thảo, bên kia là xuất phát từ những tin Tweet của tổng thống Mỹ.
Những thông điệp mang tính hăm dọa của tổng thống Trump có lẽ nhắm chủ yếu vào Trung Quốc, với hy vọng Bắc Kinh phải giải quyết vấn đề. Bài báo kết luận, đây là một kịch bản phi thực tế, sẽ không giúp Donald Trump thoát khỏi lựa chọn mang tính hai mặt : nhục nhã hoặc chiến tranh.
Biểu tình tại Pháp : Công chức Pháp "bị ngược đãi" ?
Ngày 10/10/2017, giới công chức Pháp được huy động xuống đường bảo vệ sức tiêu thụ và nhân lực. Sự kiện này được tất cả các nhật báo đề cập và phân tích vì đây là lần đầu tiên từ 10 năm nay, cuộc tuần hành mang tính thống nhất vì được cả 9 nghiệp đoàn hưởng ứng.
Trang nhất của La Croix là câu hỏi lớn : "Tương lai của công chức Pháp sẽ đi về đâu ?" Cả nhật báo công giáo và nhật báo kinh tế Les Echos, trong bài viết "Chính phủ đối mặt với sự bất bình của công chức", nhắc lại nguyên nhân xuống đường của công chức Pháp là vì bậc lương không được cải thiện, tăng các khoản đóng góp xã hội giành cho bảo hiểm-thất nghiệp…
Trong bốn trang của mục "Giải mã", nhật báo thiên tả Libération nhận định "Công chức là vật tế thần của giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống" khi cho rằng tổng thống Emmanuel Macron đã không giữ lời hứa tăng sức tiêu thụ cho công chức, như nhân viên trong lĩnh vực tư nhân hoặc kinh doanh độc lập.
Trả lời Le Figaro, thư ký nghiệp đoàn Force Ouvrière (FO) cho biết sẽ rất hài lòng nếu có được 400.000 đến 500.000 người biểu tình trên khắp nước Pháp. Song song với các cuộc tuần hành là phong trào đình công tại trường học, giao thông công cộng hay trong lĩnh vực hàng không dân dụng…
Tuy nhiên, bài xã luận của Le Figaro tỏ ra bất bình trước nhận định công chức Pháp bị ngược đãi. Viện vào số liệu thống kê chính thức, nhật báo thiên hữu cho rằng nhờ hệ thống các loại tiền thưởng và phụ cấp, thu nhập của công chức không ngừng tăng trong những năm gần đây, dù bậc lương không thay đổi. Đối mặt với thực tế 80 tỉ euro thâm hụt ngân sách hàng năm và khoản nợ 2.230 tỉ euro, Pháp không còn đủ khả năng duy trì 5,6 triệu công chức, làm việc trung bình 35 giờ mỗi tuần.
Tây Ban Nha : Tinh thần yêu nước thức tỉnh
Cuộc khủng hoảng tại vùng Catalunya, Tây Ban Nha, tiếp tục được các nhật báo Pháp đề cập.
Trên trang nhất của Le Monde là hàng tựa : "Catalunya : Sự bàng hoàng của độc lập" với câu hỏi : Hậu quả của việc tuyên bố độc lập là gì ? La Croix nhận định "Nền kinh tế Catalunya đang tạm ngừng vi khủng hoảng chính trị".
Theo Le Figaro, "Trước cơn sốt Catalunya, tinh thần yêu nước Tây Ban Nha thức tỉnh". Nhận định về cuộc khủng hoảng tại nước láng giềng, Libération đánh giá : "Catalunya và Tây Ban Nha như một cặp vợ chồng ly hôn đang phân chia căn hộ chung".
Jean Rochefort, biểu tượng của lịch lãm Pháp qua đời
Trên lĩnh vực văn hóa, tất cả các nhật báo Pháp đều đưa tin diễn viên Jean Rochefort qua đời, thọ 87 tuổi.
Ông nổi tiếng trong các bộ phim hài trong thập kỷ 1970. Một số bộ phim xuất sắc mà ông tham gia là Angélique của đạo diễn Bernard Borderie, loạt hài kịch của Philippe de Broca. Trong những năm 1980-1990, ông hợp tác với Patrice Leconte trong ba bộ phim Tandem, Le Mari de la coiffeuse và Ridicule.
Để tưởng niệm nghệ sĩ-diễn viên nổi tiếng với bộ ria mép, đài truyền hình quốc gia Pháp France Télévisions thay đổi chương trình để phát lại hai bộ phim do ông tham gia vào tối 10/10.
Thu Hằng