Biển Đông : Mỹ khẳng định chủ trương tăng tốc các cuộc tuần tra (RFI, 13/10/2017)
Ngày 10/10/2017, khu trục hạm Mỹ USS Chafee đã lại tiến hành một chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Chuyến tuần tra này đã thu hút sự chú ý, vì đây là lần thứ tư trong vỏn vẹn năm tháng mà Hải Quân Mỹ cho thực hiện một chiến dịch như vậy, nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Đối với giới quan sát, không còn nghi ngờ gì cả : chính quyền Donald Trump đang triển khai hướng tiếp cận mới về Biển Đông, mà đặc trưng nổi bật nhất là tính chất thường xuyên và nhịp độ cao hơn so với trước đây.
Chiến hạm USS Chafee (P) trên Thái Bình Dương. Ảnh ngày 20/09/2017. US Navy via Reuters
Theo ghi nhận của nhà báo Ankit Panda trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat, chiến dịch do chiến hạm Chafee thực hiện hôm 10/10 vừa qua chứng tỏ rằng chính quyền Trump đã đồng ý cho Hải Quân Mỹ tăng gia nhịp độ các hoạt động tuần tra tại Biển Đông.
Chỉ mới năm tháng từ sau khi các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông được tái lập vào ngày 24 tháng Năm vừa qua, với khu trục hạm USS Dewey xâm nhập vùng 12 hải lý quanh Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa, đã có thêm ba cuộc tuần tra được thực hiện : Ngày 02/07, tàu khu trục USS Stethem đã áp sát đảo Tri Tôn tại Hoàng Sa ; một tháng sau, ngày 10/08, đến lượt chiếc USS John S. McCain trở lại vùng Bãi Vành Khăn ; và mới đây là chiến dịch tuần tra khu vực Hoàng Sa ngày 10/10 của chiếc USS Chafee.
So với thời tổng thống Obama, thì rõ ràng là các chiến dịch tuần tra thời ông Trump mang tính đều đặn hơn, trung bình cách nhau từ một đến hai tháng, và do đó số lượng sẽ gia tăng, hơn hẳn vỏn vẹn 4 cuộc tuần tra từ tháng 10/2015 đến hết năm 2016.
Những người chỉ trích cách tiếp cận quyền tự do hàng hải tại Biển Đông của chính quyền Obama, đã cho rằng chính tính chất không đều đặn và cảm tưởng tạo ra là các hoạt động đó gắn chặt với tình trạng trồi sụt trong quan hệ Mỹ-Trung đã làm cho các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mất đi giá trị của một công cụ củng cố luật pháp quốc tế, vốn là nền tảng của hoạt động này.
Một yếu tố khác đã được giới phân tích ghi nhận trong các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông thời tổng thống Trump : đó là các chiến dịch này là những cuộc tuần tra đích thực, với các chiến hạm thực hiện các hoạt động tập huấn hay diễn tập hải quân bình thường trong các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền, chứ không "rón rén" áp dụng thủ tục qua lại vô hại như thời Obama.
Chuyến tuần tra của chiếc USS Chafee hôm 10/10 vừa qua đã khiến một số nhà quan sát phân vân, vì trái với các lần trước đây, kể cả trong những chiến dịch thời Obama, chiến hạm Mỹ lần này không tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các thực thể do Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông.
Cho dù vậy, các quan chức Mỹ được hãng tin Anh trích dẫn vẫn xác định là chiếc tàu Mỹ đã có những hoạt động bình thường để thách thức các yêu sách chủ quyền thái quá.
Các viên chức Mỹ không nói rõ đó là các yêu sách gì, nhưng giới phân tích cho rằng tàu Mỹ đã thách thức cái gọi là "đường cơ sở thẳng" mà Trung Quốc vạch ra từ năm 1996 bao quanh quần đảo Hoàng Sa, trên cơ sở đó yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho quần đảo này, một điều không được Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển chấp nhận.
Bắc Kinh hiểu rất rõ mục tiêu của Mỹ, vì vậy, từ Bộ quốc phòng cho đến Bộ ngoại giao ở Bắc Kinh, các phát ngôn viên Trung Quốc đều đã lớn tiếng tố cáo tàu Mỹ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc.
Nhìn chung, cách tiếp cận Biển Đông của chính quyền Donald Trump có vẻ dứt khoát hơn thời Obama, nhưng về căn bản, lập trường Hoa Kỳ không hề thay đổi, vẫn không thiên vị bên nào, mà chỉ bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Trọng Nghĩa
*********************
Trung Quốc phản đối tàu Mỹ vào sát quần đảo Hoàng Sa (BBC, 11/10/2017)
Trung Quốc hôm thứ Tư nói họ đã chính thức phản đối Hoa Kỳ sau khi một tàu chiến Mỹ tới gần quần đảo có tranh chấp ở Biển Đông.
Khu trục hạm USS Chafee từng cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng hồi 4/2012
Tàu khu trục Chafee hôm thứ Ba đi vào vùng nước gần với Quần đảo Hoàng Sa, Bộ ngoại giao Trung Quốc nói.
Bắc Kinh đã ngay lập tức cử các tàu hải quân và chiến đấu cơ tới cảnh báo, yêu cầu tàu Mỹ phải rút đi, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo thường lệ của Bộ ngoại giao Trung Quốc.
"Hành động của chiếc tàu Mỹ đã vi phạm pháp luật Trung Quốc và luật pháp quốc tế, làm tổn hại tới chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc", bà Hoa nói.
"Trung Quốc cương quyết phản đối điều đó", bà Hoa dùng những từ ngữ ngoại giao chính thức để nói về việc này.
Nếu như tin này được Hoa Kỳ xác nhận thì đây sẽ là hoạt động "tự do đi lại" thứ tư (FONOP) của hải quân Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, từ tháng Giêng cho tới nay.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Hoa Kỳ nói mọi hoạt động đều được tiến hành phù hợp với luật quốc tế và "thể hiện rằng Hoa Kỳ sẽ bay phía trên, đi lại trên biển, và triển khai ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép", nhưng từ chối xác nhận.
"Chúng tôi đang tiếp tục các hoạt động FONOPS thường lệ, chúng tôi đã thường xuyên làm vậy và sẽ tiếp tục làm vậy trong tương lai", Trung tá Chris Logan nói trong một tuyên bố.
Hồi tháng 8/2017, một tàu khu trục Mỹ áp sát phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành khăn
Tuy nhiên, Reuters tường thuật là có ba quan chức quân sự Hoa Kỳ nói với họ về sự kiện xảy ra hôm thứ Ba.
Khác với sự kiện hồi tháng 8, khi khu trục hạm USS John S McCain tiến vào phạm vi cách Mischief Reef (Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn) 12 hải lí, nơi Trung Quốc đã bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông, lần này, các quan chức nói với Reuters rằng tàu Chafee không vào gần Hoàng Sa tới mức đó.
Biển Đông là khu vực mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền từng phần, chồng lấn với Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc xây dựng, bồi đắp nhân tạo tại các bãi ngầm ở vùng biển có tranh chấp, và quân sự hóa các điểm này.
Việc tiến hành hoạt động tự do đi lại là nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, dẫu cho chính quyền ông Trump vẫn đang muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân và thử tên lửa của Bắc Hàn.
Tháng 11, ông Trump sẽ có chuyến công du Châu Á đầu tiên trong cương vị tổng thống. Theo lịch trình, ông sẽ tới Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc, và có thể ghé qua Việt Nam dự Hội nghị APEC.
*********************
Bắc Kinh : Tàu Trung Quốc đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi Hoàng Sa (VOA, 11/10/2017)
Bộ quốc phòng Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư 11/10 rằng một tàu chiến, hai máy bay chiến đấu và một chiếc trực thăng đã cảnh cáo tàu chiến Mỹ phải đi ra khỏi vùng biển khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc nói hành động này cùng với "sự khiêu khích" của hải quân Mỹ xâm phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhắc lại rằng 'Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.'
Bộ quốc phòng Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường các biện pháp phòng thủ hải quân và không quân :
"Chúng tôi yêu cầu phía Hoa Kỳ nghiêm túc thực hiện các biện pháp để khắc phục những sai lầm".
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc đã đưa ra các "đề nghị kiên quyết " với Hoa Kỳ và nhắc lại rằng Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.
Bà Hoa nói :
"Trung Quốc sẽ tiếp tục có những biện pháp kiên quyết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển của Trung Quốc. Trung Quốc kêu gọi Mỹ phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và lợi ích an ninh của Trung Quốc, tôn trọng những nỗ lực mà các quốc gia trong khu vực đã thực hiện để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông và ngăn chặn những hành động sai trái".
Một tàu khu trục của Hoa Kỳ đã di chuyển gần các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông vào ngày 10/10, ba quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters. Động thái này khiến Bắc Kinh giận dữ, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong việc kiểm soát các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Đây là lần tuần tra gần nhất để chống lại những gì mà Washington cho là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược. Nhưng động thái này không mang tính khiêu khích như những lần trước đây kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng Giêng.
Các viên chức Mỹ, yêu cầu không nêu tên, nói rằng tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Chafee, đã tiến hành các hoạt động tuần tra thông thường, thách thức "tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá mức" gần quần đảo Hoàng Sa, trong số các đảo nhỏ, các rạn san hô và bãi cạn mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Tháng tới, ông Trump sẽ đi thăm Trung Quốc trong công du Châu Á lần đầu tiên trong tư cách là tổng thống của ông. Lâu nay ông vẫn gây áp lực đòi Trung Quốc kìm tỏa Triều Tiên. Trung Quốc là nước láng giềng và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
Ngũ Giác Đài không bình luận trực tiếp về hoạt động tuần tra này, nhưng cho biết Hoa Kỳ đã thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và sẽ tiếp tục làm như vậy thường xuyên hơn trên Biển Đông.
Tàu Trung Quốc cảnh cáo tàu chiến Mỹ