Điều gì xảy ra nếu Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran ? (VTV, 15/10/2017)
Mỹ có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân từng được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử ? Diễn biến này sẽ gây ra những hệ lụy gì cho khu vực Trung Đông vốn đã có quá nhiều mâu thuẫn ?
Những diễn biến bất ổn mới xuất hiện ở khu vực Trung Đông trước sự đối đầu đang ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện rõ ý định tăng cường sức ép lên Iran - đối thủ nặng ký của Washington tại Trung Đông. Và thỏa thuận hạt nhân mà Iran cùng Mỹ và các cường quốc thế giới ký năm 2015 hiện trở thành tâm điểm tranh cãi.
Ngày 15/10, Tổng thống Mỹ sẽ phải báo cáo với Quốc hội đánh giá về việc Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không. Việc đánh giá này được tiến hành theo định kỳ 90 ngày. Bản báo cáo này của Nhà Trắng chưa được công bố, nhưng có thể thấy tinh thần của bản báo cáo qua những tuyên bố mà tổng thống Donald Trump đưa ra ngày 12/10 vừa qua.
Như vậy, số phận bản thỏa thuận hạt nhân từng được coi là lịch sử đang như sợi chỉ mành treo trước gió. Quốc hội Mỹ có 60 ngày để quyết định liệu có tái áp đặt các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với Tehran hay không. Cách đây 2 năm, khi đặt bút ký vào thỏa thuận này, đại diện của các cường quốc đã từng hi vọng, nó sẽ giúp khép lại một hồ sơ hạt nhân phức tạp bậc nhất trên thế giới, tương tự như hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.
Sau 12 năm thương lượng và đàm phán nước rút căng thẳng, thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân Iran đạt được tháng 7/2015. Thỏa thuận được kỳ vọng khép lại hồ sơ quốc tế phức tạp nhất của lịch sử thế giới đương đại.
Thỏa thuận hạt nhân còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung được ký giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức. Theo thỏa thuận, Iran cam kết giảm số máy ly tâm cũng như lượng urani làm giàu xuống dưới mức có thể dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử. Ngoài ra, Iran sẽ cho phép việc mở rộng thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là các cơ sở quân sự. Đổi lại, Tehran từng bước được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế được thông qua từ năm 2006 của Mỹ, Liên minh Châu Âu và Liên Hợp Quốc ; đồng thời tổ chức lại nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, lệnh cấm buôn bán vũ khí vẫn được gia hạn 5 năm, trừ khi được sự cho phép đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đã từng được đanh giá là một thành công mang tính lịch sử
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran
Như vậy, thỏa thuận cuối cùng đạt được không nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của Iran, mà chỉ để kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng hạt nhân của quốc gia này. 109 trang của thỏa thuận hạn chế các tham vọng hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ dần dần và đảo ngược các biện pháp trừng phạt vốn đang bóp nghẹn nền kinh tế của Iran. Nhờ thành công của thỏa thuận hạt nhân, quan hệ giữa Iran và phương Tây ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc tổng thống Mỹ Donald Trump đòi xem xét lại bản thỏa thuận này hoặc thậm chí phá bỏ nó là một diễn biến quan ngại với các bên tham gia, làm nảy sinh những nguy cơ căng thẳng mới ở Trung Đông.
Nếu theo dõi những cuộc tranh cãi ở tầm quốc tế về thỏa thuận hạt nhân Iran, có thể thấy rằng nước Mỹ đang đi ngược chiều các quốc gia khác trong đánh giá về sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân này. Các nhà lãnh đạo Châu Âu không ngừng tuyên bố Iran đang tôn trọng thỏa thuận. Ngay cả cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), vốn được coi là nhà giám sát việc thực thi của Iran, mới đây cũng ra tuyên bố về việc Tehran đã tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. IAEA hiểu rằng, việc làm suy yếu hay loại bỏ thỏa thuận này sẽ không chỉ đổ thêm dầu vào thùng thuốc súng trong khu vực, mà còn tác động tới một điểm nóng hạt nhân khác cũng đang tăng nhiệt rất nhanh là Triều Tiên.
Liên minh Châu Âu đang tận dụng mọi diễn đàn để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Một mặt, Châu Âu kêu gọi Mỹ ngừng ý định rút khỏi thỏa thuận này, mặt khác cho Mỹ thấy Iran đang làm đúng với cam kết của mình.
Trước sự nghi ngại của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các nhà ngoại giao Châu Âu đang quay sang vận động các thành viên Quốc hội Mỹ giữ thỏa thuận này.
Ngoài ra, Châu Âu cũng lo ngại việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ khiến hồ sơ hạt nhân Triều Tiên càng khó giải quyết và tác động tiêu cực đến nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân của trên thế giới.
Như một kịch bản đã được báo trước, chiến lược mới của Tổng thống Trump đã vang vọng tới Iran. Ngay sau những tuyên bố từ Washington, chính phủ Iran đã đưa ra phản ứng chính thức của mình. Nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 là một hiệp định quốc tế, được Hội đồng bảo an thông qua.
Người Iran sẽ có 60 ngày chờ xem, nghị viện Mỹ liệu có tiến hành bước đi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, trước sức ép của Tổng thống Trump. Với người dân Iran, Tổng thống Trump đã chính thức đưa Mỹ vào một kỷ nguyên đối địch mới với Iran. Những gì mà người ta nghe được từ phản ứng của tổng thống Iran Rouhani, là Tehran sẽ nâng cấp, thậm chí tăng cường gấp đôi sức mạnh hệ thống tên lửa của nước này.
Tóm lại, nhiều khả năng thời gian tới, khu vực Trung Đông sẽ chưa phải đối mặt với một Iran ồ ạt phát triển chương trình hạt nhân. Nhưng người ta sẽ chứng kiến những sự đối đầu, răn đe qua lại giữa Mỹ và Iran tại Trung Đông. Viễn cảnh này đáng lo ngại khi tình hình chiến trường tại Iraq, Syria đang đặt lực lượng của Mỹ và Iran vào những vị trí quá gần nhau để một cuộc xung đột có thể xảy ra.
Tại trường quay chương trình Toàn cảnh thế giới ngày 15/10, nhà báo Phạm Phú Phúc - chuyên gia nghiên cứu về tình hình Trung Đông cũng sẽ đưa ra những phân tích, bình luận chi tiết về vấn đề này.
******************
Các cường quốc lo ngại cho hiệp định hạt nhân Iran vừa bị Tổng thống Mỹ đe dọa (RFI, 14/10/2017)
Ngay sau lời đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10/2017 là sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran "bất cứ lúc nào", từ Liên Hiệp Quốc đến Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các cường quốc đã kết ước với Iran, tất cả đều lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại, và hy vọng rằng văn kiện quốc tế dày công thương thuyết nhằm ngăn chặn việc Iran sở hữu bom nguyên tử, sẽ được duy trì.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng (Washington D.C) ngày 13/10/2017. Reuters/Kevin Lamarque
Trong một phản ứng mang tính chất biểu tượng rất cao, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh Theresa May, ba nước Tây Âu đã trực tiếp đàm phán với Iran, đã ra một thông cáo chung với lời lẽ ngoại giao nhưng kiên quyết, nhấn mạnh rằng ba nước vẫn thiết tha với thỏa thuận đã ký kết, đồng thời kêu gọi các bên "thực thi đầy đủ" hiệp định này.
Tổng thống Pháp còn đi xa hơn khi gọi điện nói chuyện với đồng nhiệm Iran Rohani để đảm bảo với Iran về "sự gắn bó của Pháp" với thỏa thuận năm 2015 và loan báo khả năng ông sẽ công du Iran.
Liên Hiệp Châu Âu, qua lời bà Federica Mogherini, người đặc trách ngoại giao, đã cảnh báo về nguy cơ hủy hoại "một thỏa thuận đang vận hành tốt và hiệu quả đúng theo mong đợi".
Nga, một cường quốc khác đã đàm phán hiệp định hạt nhân với Iran thì không ngần ngại tố cáo chiến lược tự cô lập Hoa Kỳ của ông Trump trên hồ sơ này.
Dĩ nhiên là Iran đã phản ứng dữ dội. Ông Hassan Rohani, tổng thống nước này đã cho rằng Hoa Kỳ hơn bao giờ hết đã bị cô lập do thái độ chống Iran.
AIEA : Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân 2015
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng tỏ ý "hết sức hy vọng" là hiệp định hạt nhân Iran được duy trì. Một cách cụ thể hơn, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) của Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Vienna (Áo) đã phản bác lập luận của tổng thống Mỹ theo đó chính quyền Tehran đã không tôn trọng thỏa thuận đã ký kết. Trong bản thông cáo công bố hôm qua, AIEA khẳng định Tehran hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận đã được Iran và cộng đồng quốc tế thông qua năm 2015. Thông tín viên Isaure Hiace, từ Vienna cho biết thêm chi tiết :
"Giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, Yukiya Amano, đã lập tức phản ứng sau tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Trong một thông cáo, ông Amano khẳng định, Tehran tôn trọng những điều đã cam kết và AIEA đã thanh tra các cơ sở hạt nhân Iran một cách công bằng và khách quan.
Từ tháng 1/2016, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA được giao trọng trách giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được từ tháng 7/2015. Hoa Kỳ đã nhiều lần nghi ngờ về khả năng của cơ quan quốc tế này.
Về điểm đó, ông Yukiya Amano trả lời với phía Mỹ rằng, hiện tại AIEA đang sử dụng phương pháp thanh tra đáng tin cậy nhất trên thế giới trong trường hợp của Iran. Số lượng thanh tra viên tại hiện trường ngày càng gia tăng, và số ngày công tác tại Iran cũng đã tăng lên.
Tóm lại, theo Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, Iran có thái độ hợp tác. Quốc gia này thậm chí còn cam kết mở rộng quyền hạn cho các thanh tra viên quốc tế tại các cơ sở hạt nhân của mình. Ông Yukiya Amano kết luận : Cho đến nay, AIEA có thể đến hoạt động tại bất kỳ địa điểm nào cần giám sát".
Hạt nhân Iran : Giọng điệu gay gắt của Donald Trump
Đúng như dự đoán, trong bài phát biểu khoảng 20 phút hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ đã dành cho chính quyền Iran những lời lẽ gay gắt nhất. Tuy nhiên ông Trump tránh nêu khả năng Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận mà quốc tế đã đạt được với Tehran vào tháng 7/2015.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
"Hôm nay, tôi thông báo là chúng ta không thể và chúng ta sẽ không chứng nhận cho Iran". Khi đọc hết bài diễn văn với giọng điệu rất gay gắt, tổng thống Trump giáng một đòn mạnh : ông từ chối xác nhận là Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân Iran.
Lãnh đạo Nhà Trắng một lần nữa nhắc lại rằng đó là một thỏa thuận "tệ hại nhất" mà Washington từng ký kết với một nước.
Thế nhưng khi cần đưa ra một quyết định, Donald Trump lại đùn đẩy trách nhiệm cho Quốc hội. Lập pháp Hoa Kỳ có 60 ngày để quyết định xem có đề xuất những biện pháp mới để trừng phạt Iran hay không.
Tổng thống Trump chủ trương Hoa Kỳ cần có những biện phát trừng phạt mạnh mẽ để bảo đảm rằng Tehran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân và không có phương tiện phát triển chương trình tên lửa đạn đạo.
Trước mắt nước Mỹ không chính thức nêu lên khả năng rút lui khỏi thỏa thuận đã đạt được cách nay hơn 2 năm giữa Iran và cộng đồng quốc tế. Có điều, tổng thống Trump lên giọng hù dọa khi tuyên bố "nếu như chúng ta không tìm ra được một giải pháp với bên Quốc hội và những đồng minh của Hoa Kỳ, thì thỏa thuận này sẽ bị khai tử. Với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, tôi có thể hủy bỏ thỏa thuận với Iran bất cứ lúc nào".
Phản ứng nhanh hơn bên lập pháp, Bộ tài chính Mỹ ngay hôm qua lập tức thông báo sẽ có những biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức thuộc lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran.
Như thông tín viên RFI tại thủ đô Washington vừa nói, Quốc hội Mỹ giờ đây có 60 ngày để quyết định về khả năng ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran.
Đảng Dân Chủ đương nhiên chống lại giải pháp này, còn đảng Cộng Hòa thì đang bị chia rẽ : một phần lo ngại thái độ cực đoan của Mỹ là động lực thức đẩy Iran phát triển vũ khí hạt nhân, một số khác thì quan tâm đến quyền lợi kinh tế của các tập đoàn Mỹ. Họ lo ngại Hoa Kỳ bị cô lập và nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ bị gạt khỏi thị trường Iran.
RFI tiếng Việt