Liệu Nhật Bản có trở thành mô hình cho các nước giàu ?
Trang kinh tế của tờ Le Figaro có bài nhận định về Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba thế giới luôn luôn đi đầu đối mặt với các thách thức. Le Figaro đặt câu hỏi : "Liệu Nhật Bản có trở thành mô hình đối với các nước giàu ?"
Việc kéo dài tuổi thọ đi kèm với tỷ lệ sinh đẻ thấp làm giảm số người trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản. Nathalie Cuvelier via Getty Images
Theo tờ báo, cho đến nay, các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, khi đánh giá về Nhật Bản, vẫn không có được một thái độ điềm tĩnh, vừa ghen tị thèm muốn, vừa chỉ trích. Thực ra, mối ám ảnh của phương Tây về Nhật Bản không có gì là mới, các thành công của xứ hoa anh đào luôn gây lo ngại.
Le Figaro cho rằng, mối sợ hãi này không có cơ sở. Sở dĩ Nhật Bản có được các thành công nói trên là do nước này đã phải đối mặt và xử lý thành công các thách thức to lớn, trước các nước phương Tây cả chục năm, ví dụ tình trạng đồng yên cao giá trong suốt những năm 1980, khủng hoảng tài chính 1998, khủng hoảng ngân sách và nợ công trong những năm 2000 và từ năm 2011 là thảm họa Fukushima.
Theo kinh tế gia Hajime Takata, thuộc Viện Nghiên Cứu Mizuho, "Nhật Bản đã trải qua tất cả các thách thức mà thế giới hiện nay đang phải đối mặt".
Để xử lý được các thách thức, Nhật Bản đã phải tiến hành cải cách sâu rộng lĩnh vực ngân hàng, nhờ vậy, kinh tế nước này không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Le Figaro cho biết thêm, Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản (BOJ) đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp "phi truyền thống" để chống lại tình trạng thoái lạm (deflation), trước cả Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE). Ngân hàng Nhật Bản có tỷ lệ mua công trái do Nhà nước phát hành cao nhất thế giới, 26%.
Cho dù Nhật Bản có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới, tương đương 250% tổng sản phẩm quốc nội (PIB), nhưng điều này không gây nguy hiểm cho nền kinh tế vì toàn bộ chủ nợ là tác nhân Nhật. BOJ cũng là ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới, vào năm 2001, đã áp dụng lãi suất cho vay 0%.
Chuyên gia Hajime Takata nhấn mạnh : Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong việc đưa ra các giải pháp chống khủng hoảng và ông không ngần ngại nói đến việc "Nhật hóa nền kinh tế toàn cầu", kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.
Có một lĩnh vực khác mà Nhật Bản tỏ ra mạnh bạo hơn cả và gây thán phục : Đó là dân số và nguồn nhân lực. Hiện nay, mỗi năm dân số Nhật Bản giảm 885 ngàn và đến năm 2060, nước này chỉ còn 40 triệu dân. Vào tháng 10/2015, thủ tướng Shinzo Abe đề ra mục tiêu là mỗi phụ nữ Nhật Bản có 1,8 con, thay vì 1,45 như hiện nay. Bên cạnh đó, Nhật Bản thành lập một hội đồng đa thế hệ, dự phóng một xã hội với tuổi thọ là 100 năm, trên cơ sở giả thuyết là một đứa trẻ sinh ra năm 2007 thì có tới 50% cơ may sống đến 100 tuổi.
Việc kéo dài tuổi thọ đi kèm với tỷ lệ sinh đẻ thấp làm giảm số người trong độ tuổi lao động. Theo số liệu của Văn phòng thủ tướng, trong giai đoạn 2012-2016, số người trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã giảm 3,9 triệu. Thế nhưng, số người làm việc lại tăng 1,85 triệu. Bởi hai lý do : thứ nhất, số phụ nữ đi làm tăng mạnh, còn cao hơn cả ở Hoa Kỳ, và thứ hai là huy động đàn ông ở độ tuổi nghỉ hưu quay lại làm việc ; một phần ba số đàn ông trong độ tuổi 70-74 đi làm việc.
Do xã hội Nhật Bản chưa hẳn cởi mở trong việc đón nhận lao động nước ngoài, thủ tướng Shinzo Abe chủ trương phát triển tự động hóa và "Xã Hội Siêu Thông Minh" còn gọi là Xã Hội 5.0 (Phiên bản 4.0 là Xã Hội Công Nghiệp).
Do bối cảnh thế giới và quốc gia, Nhật Bản trở thành một phòng thí nghiệm cho mô hình tăng trưởng "mềm". Tuy nhiên, mô hình này cũng có những điểm tồn tại, bảo thủ : để tăng ngân sách, chính phủ Nhật Bản quyết định tăng thuế giá trị gia tăng TVA từ 8 lên 10% vào năm 2019, luật lệ lao động sơ cứng, nhiều định chế chính trị-hành chính rất bảo thủ…
Để trả lời cho câu hỏi : Các nước giàu có nên theo mô hình Nhật Bản hay không, Le Figaro kết luận : Khai thác tối đa lá bài toàn cầu hóa, Nhật Bản là mô hình đối hẳn với tư tưởng dân túy về kinh tế của Donald Trump. Rất tự hào về nền văn hóa của mình, Nhật Bản đã hiểu rằng, cần phải thay đổi tất cả để duy trì được mọi thứ như trước.
Sự hồi sinh của các doanh nghiệp Pháp
Vẫn trong lĩnh vực kinh tế, nước Pháp có thêm một tin vui : Từ sau khủng hoảng tài chính thế giới cách nay đúng 10 năm, trong 34 tháng liên tiếp, số các doanh nghiệp Pháp bị phá sản liên tục giảm. Nhật báo kinh tế Les Echos phấn khởi nói tới "một kỷ lục". Chỉ số này giảm 5,2 % so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Le Figaro nêu lên một loạt thống kê : trong quý 3/2017, tại Pháp có 11.000 công ty phải đóng cửa, ảnh hưởng đến đời sống của 33.800 nhân viên nhưng đây là con số khả quan nhất từ một chục năm qua. Một số các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất như ngành xây dựng, may mặc... bắt đầu "ngoi đầu lên khỏi mặt nước". Nhìn chung cho cả năm 2017, lần đầu tiên từ 2008, có dưới 55.000 doanh nghiệp phải đóng cửa.
Đây là một tin vui, nhưng theo cơ quan nghiên cứu về hoạt động của các doanh nghiệp Pháp Altares, thành tích của Pháp tuy tốt đẹp nhất kể từ một thập niên qua, nhưng nếu nhìn sang bên kia bờ sông Rhin, số các hãng xưởng phải đóng cửa vẫn còn cao gấp đôi so với Đức. Thêm vào đó, dù có nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng giới tiểu thương vẫn thận trọng, chưa dám mạnh dạn đầu tư thêm hay tuyển dụng thêm nhân viên cho tương lai lâu dài.
Thụy Điển : Quốc gia không dùng tiền mặt
Trong lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro nói tới "Thụy Điển, một quốc gia không tiền mặt". Tại đất nước Bắc Âu này, tiền mặt dường như đã biến mất, thay vào đó là thẻ ngân hàng và ứng dụng Swish trên điện thoại đi động.
Tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch thương mại đã giảm từ 40% vào năm 2010 xuống còn 15% vào năm 2016. 2/3 dân số Thụy Điển nói rằng họ có thể sống mà không dùng tiền mặt. Một thanh niên 23 tuổi cho biết đã sáu năm nay anh không có một tờ tiền nào trong túi. Còn tại thủ đô Stockholm, rất khó dùng tiền mặt để mua sắm hay thanh toán bất cứ dịch vụ gì, dù là nhỏ nhất.
Xu hướng này được giải thích bằng lý do là người dân ham thích công nghệ. Thụy Điển là nơi ra đời của những chiếc điện thoại di động đầu tiên (điện thoại của hãng Ericsson), trang web chia sẻ âm nhạc Spotify và trò chơi nổi tiếng Candy Crush. Sở thích công nghệ đã khiến người Thụy Điển dễ dàng chuyển sang sử dụng phương thức thanh toán phi vật thể.
Một lý do khác rất quan trọng là niềm tin. Giáo sư Niklas Arvidsson, thuộc Viện Hoàng Gia Cộng Nghệ Stockholm khẳng định : "Người Thụy Điển không cần nhìn thấy hay chạm vào đồng tiền để thấy yên tâm. Họ tin vào ngân hàng và chính phủ".
Ông Leif Trogen, thuộc hiệp hội các ngân hàng Thụy Điển cho biết vì mọi thanh toán đều có thể thực hiện qua Internet, nên các ngân hàng không phải chuyển hàng tấn tiền đi khắp nước, điều này tốt cho cả an ninh cũng như môi trường, và đương nhiên là có lợi cho các ngân hàng. Vào năm ngoái, chỉ có 2 vụ cướp ngân hàng. Con số này là 110 vụ vào năm 2008.
Tuy nhiên, vấn đề là phương thức thanh toán phi vật thể lại gây khó khăn cho những người không thông thao công nghệ, những người không có tài khoản ngân hàng hay những người sống ở vùng sâu vùng xa nơi không có Internet, người tàn tật và người cao tuổi.
Luân Đôn và cuộc chiến chống ô nhiễm không khí
Trong lĩnh vực môi trường, báo Le Monde nhắc tới cuộc chiến chống ô nhiễm không khí ở Luân Đôn, Anh Quốc. Trong bài viết có tiêu đề "Luân Đôn tấn công nạn ô nhiễm không khí", Le Monde cho biết cũng giống như các thành phố lớn khác ở phương Tây, mức độ ô nhiễm do các phần tử siêu nhỏ ở Luân Đôn là rất cao, chủ yếu là do khí thải từ xe hơi.
Theo ước tính, tại thủ đô nước Anh, mỗi năm có 9.400 người chết vì ô nhiễm không khí. Những người sinh ra tại Luân Đôn sẽ mất hai năm tuổi thọ vì cùng lý do. Trước hiện trạng này, thị trưởng Luân Đôn, ông Sadiq Khan, đã coi cuộc đấu tranh chống các loại xe hơi phát thải nhiều khí độc hại là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Biện pháp đầu tiên là từ ngày hôm qua 23/10, các xe hơi gây ô nhiễm nhất phải trả phí cao gấp đôi để được lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố (24 EUR/ngày), và từ năm 2019, phí này sẽ còn tăng mạnh. Chính quyền thành phố khẳng định đây là chuẩn khắt khe nhất trên toàn thế giới. Quyết định của thành phố được các hiệp hội bảo vệ môi trường và đô thị hoan nghênh nhiệt liệt.
Le Monde cho biết từ năm 2008, xe tải muốn đi vào Luân Đôn phải đáp ứng rất nhiều chuẩn và phải đóng phí 100-200 bảng/ngày. Xe bus cũng được cải tiến, các xe bus chạy bằng điện và hydro được đưa vào sử dụng. Tất cả các xe bus chạy ở Luân Đôn đều phải được trang bị một hệ thống xúc tác xử lý khí thải. Kể từ năm 2019, chỉ có dòng xe hybride mới được cho phép đăng ký dịch vụ taxi. Phần lớn các quận của Luân Đôn đều quy định vận tốc tối đa của xe hơi chạy trong thành phố là 32km/h. Các làn đường dành cho xe bus và xe đạp được cải thiện, mở rộng. Trong khu vực trung tâm, không gian dành cho xe hơi đã giảm 30%.
Tuy nhiên, một chuyên gia nhấn mạnh cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường sẽ là công việc dài hơi, phải đến năm 2030 Luân Đôn mới đáp ứng được các chuẩn môi trường của Châu Âu.
Khí hậu : Sự tích cực của 12 thành phố lớn nhất trên thế giới
Vẫn liên quan tới môi trường, khí hậu, báo Le Figaro giới thiệu bài viết có tiêu đề :"Khí hậu : 12 thành phố lớn trên thế giới cam kết tích cực hơn nữa". Tụ họp ở thủ đô nước Pháp, theo ý tưởng của thị trưởng Paris, Anne Hidalgo, đại diện của 12 thành phố lớn như Los Angeles, Milan, Barcelona… đã cam kết mua xe bus sạch vào năm 2025 và thành lập "các khu vực không có khí phát thải" từ nay tới năm 2030.
Công Giáo : Số tín đồ tăng, ngoại trừ Châu Âu
Nhìn sang lĩnh vực tôn giáo, báo La Croix cho biết : "Số người theo Công Giáo tăng khắp nơi, ngoại trừ Châu Âu". Theo số liệu mới nhất của Giáo Hội, số tín đồ trên toàn thế giới đã tăng lên thành gần 1,3 tỉ người. Tuy nhiên, nếu tính theo tỉ lệ thì họ chỉ chiếm 17,72% dân số toàn cầu, giảm 0,05% so với năm ngoái. Tại Châu Âu, không chỉ số tín đồ giảm (-11,3 triệu), mà số cha xứ cũng giảm (-2.502 người). Còn tại Châu Á và Châu Phi, cả số tín đồ và cha xứ đều tăng mạnh.
Trang nhất các báo Pháp
Chủ đề trên trang nhất các báo Pháp hôm nay khá dàn trải. Le Figaro quan tâm tới thời sự nước Đức với hàng tít : "Merkel đối mặt với cú sốc từ phe cực hữu". Báo Libération lại hướng sự chú ý tới nước Cộng Hòa Trung Phi, đất nước kém phát triển nhất hành tinh qua hàng tựa lớn : "Trung Phi : đất nước mà cả thế giới đã lãng quên". Báo Les Echos đề cập tới kinh tế Pháp : "Sự hồi phục của các doanh nghiệp đang được khẳng định".
Cũng nói về nước Pháp, nhưng liên quan đến người nhập cư tại thành phố miền bắc Calais, báo công giáo La Croix nhận định : "Calais muốn sang trang mới". Còn báo Le Monde, ra sạp sớm chiều từ hôm qua vẫn quan tâm đến cuộc khủng hoảng Catalunya qua hàng tựa "Chính quyền Madrid chỉ đạo vùng Catalunya".
RFI tiếng Việt