Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/10/2017

Vụ người Rohingya chạy sang Bangladesh : Hoa Kỳ nhập cuộc

Tổng hợp

Mỹ : Quân đội Miến Điện phải chấm dứt bạo hành người Rohingya (RFI, 27/10/2017)

Trong cuộc điện đàm ngày 26/10/2017 với tổng tư lệnh Quân Đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson xem việc chấm dứt đàn áp người Rohingya và tạo điều kiện cho thiểu số Hồi giáo này từ Bangladesh trở về nguyên quán phải là những ưu tiên.

myanmar1

Người tị nạn Rohingya ở trại Palong Khali gần Cox's Bazar, Bangladesh. Reuters/Hannah McKay

Ngoại trưởng Tillerson bày tỏ "quan ngại về khủng hoảng nhân đạo và những hành vi khủng khiếp tại bang Rakhin được thuật lại". Ông kêu gọi Quân Đội Miến Điện hợp tác với Liên Hiệp Quốc, cho mở "điều tra độc lập" về những vụ vi phạm nhân quyền được cho là đang diễn ra ở bang Rakhin. Lãnh đạo Ngoại giao Hoa Kỳ cũng mong muốn chính quyền Naypiytaw cho phép nhân viên nhân đạo vào được các vùng liên quan.

Hãng tin AFP nhắc lại, cách nay hai ngày, trước cuộc điện đàm với tướng Min Aung Hlaing, chính ông Tillerson đã cho rằng các lãnh đạo quân đội Miến Điện phải "chịu trách nhiệm" về khủng hoảng người Rohingya.

Theo hãng tin Anh Reuters, Chương Trình Lương Thực Thế Giới trực thuộc Liên Hiệp Quốc vừa thông báo, sau hai tháng bị gián đoạn, ngày 27/10, tổ chức này đã được phép hoạt động trở lại tại bang Rakhin, phân phát viện trợ lương thực cho người Hồi giáo Rohingya.

Thanh Hà

*****************

Hồ sơ Rohingya ở Miến Điện : Mỹ sẽ dùng khái niệm "thanh lọc sắc tộc" (RFI, 25/10/2017)

Hôm 24/10/2017, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã hối thúc ông Patrick Murphy, nhà ngoại giao cao cấp chuyên trách Đông Nam Á, cùng một số các quan chức Nhà Trắng khác, nhanh chóng đưa ra quan điểm rõ ràng về cuộc truy bức người Hồi giáo tại bang Rakhine, Miến Điện. Họ đề nghị ngoại trưởng Rex Tillerson sử dụng từ ngữ "thanh lọc chủng tộc", để nói về cuộc khủng hoảng sắc tộc này.

myanmar1

Người tỵ nạn Rohingya chờ nhận trợ cấp tại Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh ngày 28/09/2017. Reuters/Cathal McNaughton

Trong tuần này, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ sẽ phải đưa ra quyết định có sử dụng từ ngữ này đối với Miến Điện hay không. Có nhiều yếu tố khiến Washington vẫn đang cân nhắc chính sách của mình đối với Miến Điện, bao gồm cả những quan ngại về khả năng có thể làm lung lay chính quyền dân sự non trẻ của bà Aung San Suu Kyi.

Theo hãng tin AP, ông Tim Kaine, thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ, là một trong những người kêu gọi Washington cần có thái độ rõ ràng. Một thành viên khác của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện, ông Ben Cardin và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông Bob Corker, hiện giữ ghế chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện, nhấn mạnh rằng, "đã đến lúc điều chỉnh chính sách".

Đối với ông Ben Cardin, việc quân đội vẫn đang kiểm soát đời sống chính trị Miến Điện là "không thể chấp nhận được". Đó cũng là lý do các nhà lập pháp ở lưỡng viện Quốc Hội Mỹ đề nghị Washington đưa những biện pháp trừng phạt lên quân đội Miến Điện. Trước đó, quốc gia Đông Nam Á này từng được ca ngợi vì tiến trình dân chủ hóa do nhà đấu tranh dân sự Aung San Suu Kyi dẫn dắt.

Sau hội nghị tại Genève hôm 23/10/2017, Liên Hiệp Quốc thông báo số tiền kêu gọi từ cộng đồng quốc tế nhằm cứu trợ cho cộng đồng người Rohingya tại Bangladesh đã lên đến gần 345 triệu USD. Những người Rohingya, hiện đang tập trung tại trại tị nạn Balukhali, huyện Ukhia, thuộc thành phố Cox’s Bazar, Bangladesh, chỉ còn biết trông cậy vào cứu trợ nhân đạo quốc tế.

Duy Anh

********************

Mỹ gây sức ép với Myanmar vì khủng hoảng Rohingya (BBC, 24/10/2017)

Hoa Kỳ bắt đầu các biện pháp trừng phạt hạn chế với Myanmar để phản đối việc chính phủ đối xử với người thiểu số Hồi giáo Rohingya.

rohingya1

Lượng người Rohingya đến Bangladesh tăng mạnh

Bộ Ngoại giao Mỹ nói sẽ tạm ngừng hỗ trợ quân sự, và dọa có thể có trừng phạt kinh tế.

Gần một triệu người Rohingya đã chạy từ Myanmar sang Bangladesh, theo lời đại sứ Bangladesh tại Liên Hiệp Quốc.

Quân đội Myanmar vẫn nói họ chỉ chống lại dân quân chứ không nhắm tới thường dân.

Tuyên bố của bộ ngoại giao Mỹ nói họ bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng về diễn biến gần đây ở bang Rakhine của Myanmar và những hành hạ đau thương, bạo lực với người Rohingya và các cộng đồng khác".

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói lãnh đạo quân đội Myanmar phải "chịu trách nhiệm" vì cuộc tấn công vào người Rohingya.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nói người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo.

Ông Antonio Guterres nói rằng những cuộc tấn công bị cáo buộc là do lực lượng an ninh tiến hành nhắm vào người Rohingya là hoàn toàn không thể chấp nhận.

****************

Rohingya : Washington gia tăng trừng phạt quân đội Miến Điện (RFI, 24/10/2017)

Cộng đồng quốc tế tiếp tục gây sức ép lên Miến Điện. cáo buộc quân đội nước này có trách nhiệm trong các vụ thảm sát người Rohingya, dẫn đến làn sóng tị nạn ồ ạt sang Bangladesh. Ngày 23/10/2017, sau Anh Quốc đến lượt Hoa Kỳ thông báo các biện pháp trừng phạt nhắm vào quân đội Miến Điện.

rohingya2

Người tỵ nạn Rohingya chờ nhận trợ giúp nhân đạo tại trại Kutupalong, gần Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh ngày 24/10/2017. Reuters/Adnan Abidi

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Heather Nauert bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình người Rohingya, cũng như cảnh báo mọi tác nhân, kể cả các tổ chức phi chính phủ có liên can đến các hành động bạo tàn phải chịu mọi trách nhiệm.

Một loạt các biện pháp trừng phạt mới đã được bà Nauert thông báo thêm bên cạnh những "lệnh cấm hiện tại" nhắm vào các lực lượng quân đội Miến Điện, đồng thời kéo dài lệnh cấm vận của Hoa Kỳ có từ lâu, liên quan đến việc "bán các thiết bị quân sự".

Theo đó, Hoa Kỳ hủy việc xem xét miễn thị thực nhập cảnh đối với nhiều quan chức quân sự cao cấp của Miến Điện, hủy các chương trình mời lãnh đạo an ninh dự các sự kiện do Hoa Kỳ tài trợ. Hoa Kỳ thông báo xem xét khả năng thực hiện các "biện pháp kinh tế nhắm vào từng cá nhân có liên quan đến hành động thảm sát".

Những biện pháp trừng phạt mới này được đưa ra sau khi ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm thứ Tư 18/10 khẳng định lãnh đạo quân đội Miến Điện có "trách nhiệm" trong cuộc khủng hoảng sắc dân thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo. Theo con số mới nhất do Liên Hiệp Quốc đưa ra, hơn 580 000 người phải chạy lánh nạn sang Bangladesh.

Cũng trong ngày hôm qua, thủ tướng Canada, Justin Trudeau đã bổ nhiệm Bob Rae làm đặc sứ phụ trách hồ sơ Miến Điện. Canada muốn gây nhiều áp lực lên các lãnh đạo nước này nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Chính phủ Canada còn thông báo tăng gấp đôi trợ giúp nhân đạo cho người tị nạn Rohingya trong năm nay lên mức 25 triệu đô la.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 989 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)