Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/11/2017

Việt Nam luyến tiếc Cách mạng tháng 10 Nga hơn Nga

Tổng hợp

Tổng bí thư Trọng : 'Cách mạng tháng 10 mãi ngời sáng' (BBC, 07/11/2017)

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng nói về sự 'đau xót' khi Liên Xô sụp đổ nhưng ca ngợi tư tưởng Cách mạng tháng 10 Nga 'mãi ngời sáng'.

nga1

Nguyễn Phú Trọng viếng Lăng Lenin ở Moscow trong chuyến thăm Nga hồi năm 2014

Trong bài diễn văn được truyền thông Việt Nam đăng tải hôm 05/11/2017 để đánh dấu 100 năm cuộc cách mạng năm 1917 ở Nga, Giáo sư Trọng nói :

"Tư tưởng vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người mãi mãi ngời sáng !"

nga2

Nguyễn Phú Trọng vào thăm Lenin trong Lăng ở Hồng Trường, Moscow hồi cuối 2014

Ông cũng nhắc lại và bày tỏ lòng "nhớ ơn sâu sắc Cách mạng tháng Mười, với những cống hiến vô giá của nhân dân Liên Xô đối với nhân loại".

Ngoài ra, ông nhắc về "mối tình thắm thiết Việt - Xô", và cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam "đau xót trước biến cố đầy bi kịch xảy ra ở Liên Xô vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước", sự kiện Liên Xô tan rã.

'Không khỏi bàng hoàng'

Giáo sư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận cảm xúc 'bàng hoàng' trước sự kiện năm 1991.

nga3

Tại Liên bang Nga ngày nay những người cao tuổi vẫn lưu luyến các hình ảnh của Liên Xô

"Vẫn biết cách mạng là một sự nghiệp khó khăn, phức tạp, không phải là con đường bằng phẳng, dễ dàng, có khi nó phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, quanh co, khúc khuỷu, thậm chí có lúc tạm thời thất bại, thụt lùi, nhưng chúng ta vẫn không khỏi bàng hoàng trước biến cố đó".

Tuy nhiên, ông nhận định Đảng Cộng sản Việt Nam cần "tỉnh táo nhận diện những nguyên nhân chủ quan và khách quan đưa tới sự việc đau buồn đó".

"Và điều quan trọng hơn là cần rút ra những bài học sâu sắc để tiếp tục kiên trì và kiên quyết theo đuổi mục tiêu, lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tránh rơi vào những sai lầm đã làm Liên Xô đổ vỡ".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người từng học tại Liên Xô về chủ nghĩa Marx-Lenin cho rằng lối thoát chính là nhận diện ra "sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên".

nga4

Giới trẻ Việt Nam ngày nay chọn địa điểm dưới chân tượng Lenin ở Hà Nội để sinh hoạt văn hóa như vui chơi nhảy múa

Nay ông thúc dục, "toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân".

"Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng".

Việt Nam là một số quốc gia còn lại trên thế giới tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng của Lenin năm 1917.

Tại Nga ngày nay, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đề cao ngày Thống nhất Quốc gia 04/11 thay cho ngày 7/11 là dịp đảng cộng sản tuần hành kỷ niệm Cách mạng tháng 10 năm 1917.

**********************

Cách mạng tháng Mười Nga : Ảo tưởng kinh tế (RFI, 07/11/2017)

Nhân 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, báo Les Echo có bài "Ảo tưởng kinh tế".

nga5

V.Lenin (T) và J.Stalin tại Gorki, tháng 09/1922 (wikipedia)

Tất cả bắt đầu với những đập phá ầm vang. Khi Lenin cùng với những người Bolshevik giành chính quyền, ông đã có kế hoạch rõ ràng : Giờ đây, chúng ta tiến hành xây dựng trật tự xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là xóa bỏ tầng lớp đại địa chủ, quốc hữu hóa các doanh nghiệp, xóa bỏ nợ công, in tiền, kiểm soát công nhân trong các nhà máy…

Thế nhưng, kết quả thu được thật là thảm hại. Sản xuất công nghiệp giảm tới 80%, trong bốn năm, giá cả tăng 8.000 lần. Do vậy, Lenin quyết định giảm bớt các gò bó, ngay từ năm 1921, với việc thực hiện Chính sách kinh tế mới, mang lại một chút hơi thở cho lĩnh vực tư nhân. Thế nhưng, tình trạng thiếu thốn ngũ cốc sớm xuất hiện. Từ năm 1928, Stalin tiến hành tập thể hóa nông nghiệp, nhằm kiểm soát nguồn cung ứng hạt giống vừa trưng thu phần dư thừa để đầu tư vào công nghiệp. Trong các năm 1932-1933, hơn 5 triệu người đã chết đói.

Ưu tiên cho công nghiệp nặng

Stalin, được tôn xưng là Người Cha của các dân tộc, quyết định tại lập trật tự, bằng cách đày hàng triệu người tới các trại lao cải, trao quyền điều hành kinh tế cho đảng cộng sản, kế hoạch hóa sản xuất và giá cả. Giành ưu tiên cho công nghiệp nặng ! Ngay lập tức, các hoạt động sản xuất gia tăng, được thể hiện trong các con số thống kê chính thức. Từ năm 1928 đến 1941, tăng trưởng dường như đạt mức 14% mỗi năm, trong những năm 1950, là hơn 10%. Thế nhưng, theo số liệu của CIA, thì các con số này thấp hơn một nửa và ngày nay, nhiều chuyên gia thẩm định là thực tế còn thấp hơn thế. Bất chấp tất cả, chính quyền vẫn phóng tác các thành tích.

Ví dụ, ngày 31/08/1935, anh công nhân Aleksei Stakhanov dường như đã khai thác được 102 tấn than trong vòng có 6 tiếng, tức là cao hơn 14 so với mức quy định trong kế hoạch. Ngày 12/04/1961, lần đầu tiên trong lịch sử, Yuri Gagarin hoàn thành chuyến bay đầu tiên trong không gian. Liên Xô có những bước tiến khổng lồ không chỉ trong ngành luyện kim, mà cả trong lĩnh vực công nghệ cao. Vậy Liên Xô sẽ giành được thắng lợi ? Tại Pháp, hai trí thức có tên tuổi là Jean-Paul Sartre và Raymond Aron tranh luận với nhau về câu hỏi này.

Thời kỳ trì trệ

Thế nhưng, không lâu sau đó, guồng máy bị trục trặc. Mô hình kế hoạch hóa vận hành không tốt trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng, so với sản xuất gang thép. Cần phải đợi 10 năm thì mới mua được một chiếc xe hơi. Khi bộ Kế Hoạch đề ra mục tiêu sản xuất xoong nồi tính theo trọng lượng, các nhà máy sản xuất ra các loại xoong nồi nặng tới 10 kg. Thời kỳ trì trệ bắt đầu vào giữa những năm 1960, hoặc có thể sau đó. Mức sống của người dân Liên Xô đi xuống so với người dân Mỹ.

Thế rồi, tuổi thọ của người dân Liên Xô cũng giảm. Từ thực tế này, một sự gia trẻ, Emmanuel Todd, vào năm 1976, nói tới sự tan rã của khu vực Xô Viết. Ông đã có lý. Những chính trị gia già nua thay nhau lên lãnh đạo Liên Xô đã tỏ ra bất lực. Khi nhà cải cách Mikhail Gorbatchev lên cầm quyền thì tình hình đã muộn. Thảm họa hạt nhân Tchernobyl, năm 1986, cho thấy là tình hình đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Năm năm sau, Liên Xô bùng nổ, tan rã.

Trong một thời điểm nhất định, kế hoạch hóa là cần thiết đối với sản xuất công nghiệp nặng. Nước Pháp sau đệ nhị thế chiến cũng đã từng làm như vậy, với các kế hoạch nhẹ nhàng hơn, linh hoạt hơn. Thế nhưng, để phục vụ người tiêu dùng, thì thị trường hoạt động có hiệu quả hơn rất nhiều so với mô hình kế hoạch hóa.

RFI tiếng Việt

************************

Đối với nước Nga, đó là một thế kỷ thụt lùi tương đối (RFI, 07/11/2017)

Phải chăng nước Nga đã phí phạm một thế kỷ ? Người ta có thể tin như vậy khi so sánh thứ hạng các nước trên thế giới về mặt kinh tế và xã hội hiện nay và vào thời điểm trước khi nổ ra cuộc Cách mạng tháng 10. Báo Les Echos có bài nhận định : "Đối với nước Nga, đó là một thế kỷ thụt lùi tương đối".

nga6

Bolshevik và cuộc Cách mạng tháng Mười Nga (tranh cổ động)(wikipedia)

Theo sử gia Angus Maddison, nếu tính theo tổng sản phẩm quốc nội, vào thời điểm đó, Nga đứng hàng thứ tư trên thế giới về kinh tế. Nước Nga hiện nay đứng hàng thứ sáu. Năm 1913, sản xuất công nghiệp của Nga tương đương với Đức, còn hiện nay thì chỉ xấp xỉ bằng một phần ba, cho dù chế độ Xô Viết đã tiến hành nhiều chương trình phát triển công nghiệp nặng.

Về mặt khối lượng, trong giai đoạn 1930 – 1960, Liên Xô đã thực hiện nhiều chương trình với những kết quả gây ngạc nhiên. Cho đến khi Liên Xô sụp đổ, thì người ta mới phát hiện ra đó chỉ là những con số phóng đại hoặc dựa trên những đánh giá mang tính chính trị về giá trị, không hề dựa trên giá cả thị trường. Vào thời điểm trước khi nổ ra đại chiến thế giới lần thứ nhất, mức thu nhập trung bình tính theo đầu người của Nga nằm trong khoảng giữa mức của Ý và Tây Ban Nha. Hiện nay, tỷ lệ này chỉ bằng một phần ba của Tây Ban Nha.

Mức độ hội nhập vào thương mại của nước Nga vẫn khiêm tốn, do nước này luôn luôn có xu hướng đi theo mô hình tự cung tự cấp nhờ có diện tích lớn nhất thế giới. Theo Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), năm 2017, Nga đứng hàng thứ 24 trên thế giới về nhập khẩu và thứ 17 về xuất khẩu, chiếm 1,8% thị phần thế giới, và xuất khẩu chủ yếu là dầu khí. Hầu như không có một sản phẩm công nghiệp nào của Nga được biết đến trên thế giới, ngoài rượu vodka và súng Kalachnikov.

Một hệ thống không ổn định

Nước Nga cũng bị tụt giảm rõ nét về dân số, cho dù rất khó so sánh, bởi vì diện tích nước Nga hiện nay chỉ bằng 73% so với thời đế chế Nga. Với 147 triệu dân, Nga dường như là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới – không tính các nước cộng hòa cũ trong Liên Bang Xô Viết – có số dân bị giảm từ một trăm năm nay, do tỷ lệ sinh để thấp và nạn nghiện rượu.

Kể từ thời Cách mạng tháng 10, nước Nga hầu như chỉ có lĩnh vực quân sự và các công nghệ liên quan (không gian) là phát triển. Dưới tác động của đệ nhị thế chiến và chiến tranh lạnh, nước Nga có hệ thống vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới, ngang hàng với Hoa Kỳ và Moskva đứng hàng thứ hai trên thế giới về số lượng xe tăng, tàu chiến và máy bay.

Nếu như xã hội Nga đã thay đổi sâu sắc kể từ khi Nga hoàng sụp đổ, thì cơ cấu chính trị của nước này lại có một bước thụt lùi kinh ngạc. Theo giới sử gia, sau 73 năm trấn áp dưới chế độ Xô Viết, các vụ hành quyết, đày ải, lao động khổ sai, đã giết chết từ 10 đến 20 triệu người. Sau ngoại lệ tám năm dân chủ hỗn loạn dưới thời Boris Elsine, nước Nga dưới thời Putin dường như quay trở lại một dạng chế độ sa hoàng : quyền lực tập trung trong tay một người, điều chưa từng thấy kể từ khi Stalin chết vào năm 1953.

Nghị viện, các phương tiện truyền thông, các chính phủ, các đảng phái chính trị, quân đội và cơ quan an ninh FSB (nguyên là KGB), đều theo lệnh của Putin, bởi vì nguyên thủ Nga dựa vào mối liên hệ trực tiếp với người dân, thể hiện qua tỷ lệ được lòng dân thực sự, cao hơn 80%. Tuy vậy, đó vẫn là một chế độ không ổn định với câu hỏi được đặt ra là một ngày nào đó, ai sẽ là người thay thế chủ nhân điện Kremlin hiện nay.

RFI tiếng Việt

***********************

Nga lặng lẽ kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười (RFI, 07/11/017)

Nước Nga hôm 07/11/2017 kỷ niệm một cách chừng mực 100 năm cuộc Cách mạng bôn-sê-vích tháng Mười, sự kiện chính trị quan trọng của thế kỷ 20. Điện Kremlin e ngại, không muốn ca ngợi việc dùng vũ lực thay đổi chế độ.

nga7

Những người ủng hộ đảng cộng sản Nga biểu tình trên Quảng trường Đỏ, Moskva, ngày 05/11/2017 Reuters/Grigory Dukor

Trong thời kỳ Liên Xô cũ, Cách mạng tháng Mười được tưng bừng kỷ niệm, cứ đến ngày 7/11 lại có một cuộc diễn binh quy mô trên Quảng trường Đỏ. Nhưng chương trình chính thức hôm nay chỉ là những cuộc triển lãm hết sức khiêm tốn, và các cuộc hội thảo trong giới chuyên gia. Và nếu có diễn binh, thì chỉ là tái hiện sự kiện trận đánh Moskva năm 1941, thời Đệ nhị Thế chiến.

Những lễ kỷ niệm hiếm hoi với sự tham dự của công chúng phải nhấn mạnh đến đoàn kết quốc gia, tránh các chủ đề nhạy cảm. Phát ngôn viên điện Kremlinh Dimitri Peskov hồi tháng 10 từng hỏi ngược lại báo chí "Vì sao lại phải kỷ niệm ?"

Đảng cộng sản, đảng đối lập lớn nhất tại Quốc Hội Nga dự kiến tập hợp quanh bức tượng Karl Marx gần điện Kremlin, với khoảng 5.000 người tham dự. Phong trào cánh tả dân tộc chủ nghĩa cũng tổ chức cuộc biểu tình, được chính quyền cho phép.

Về phía tổng thống Nga Vladimir Putin cho đến nay vẫn thận trọng tránh né các sự kiện kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười, kể cả cuộc trình diễn ánh sáng 3D vào cuối tuần rồi trên Cung điện Mùa Đông, tại thành phố nguyên quán Saint-Petersbourg của ông.

Tổng thống chỉ dự khai trương một giáo đường mới ở Moskva, mà theo ông "mang nặng ý nghĩa biểu tượng", vì phe cộng sản khi lên nắm quyền năm 1917 đã đàn áp Giáo hội. Cuối tháng 10, ông Putin cũng tham dự buổi lễ khánh thành một đài tưởng niệm các nạn nhân bị đàn áp chính trị. Vladimir Putin không muốn kết luận dứt khoát giữa một nước Nga Sa hoàng mà ông ca ngợi sự ổn định và các giá trị truyền thống, và một nước Nga xô-viết, mà ông là sản phẩm của chế độ.

Đối với điện Kremlin, việc kỷ niệm Cách mạng tháng Mười cần phải "rút ra được những bài học từ quá khứ". Đó là ngăn ngừa mọi cuộc xuống đường phản đối chính quyền, nhất là chỉ còn vài tháng nữa đến kỳ bầu cử tổng thống (tháng 3/2018), mà ông Putin chắc chắn sẽ tái tranh cử nhiệm kỳ thứ tư. Cảnh sát Nga vào cuối tuần rồi đã bắt giữ hàng trăm người biểu tình chống Putin, và vài chục thành viên các nhóm dân tộc chủ nghĩa, cực hữu.

Đại đa số người dân Nga hầu như không hề nhận ra các hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười. Theo một cuộc nghiên cứu do đảng cộng sản đặt hàng, 58% dân số Nga còn không biết đến dịp kỷ niệm này. Nhà sử học Ivan Kourilla trên tờ Vedomosti nhận định : "Đất nước mà ngày xưa nổi tiếng với Cách mạng tháng Mười, nay kỷ niệm 100 năm trong lặng lẽ".

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 687 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)