Môi trường–Khí hậu : 15.000 nhà khoa học hối thúc hành động khẩn
"Tiểu đường, một thị trường rất sinh lời", hay "Bạo hành tình dục : Không khí chiến tranh ở Hollywood" là một số chủ đề lớn trang nhất của các nhật báo Pháp hôm nay. Tuy nhiên, ám ảnh về môi trường là chủ đề chính của nhiều báo. La Croix chạy tựa trang nhất : "Phải chăng cần giới hạn dân số thế giới để cứu nguy Trái đất ?". Le Monde có bài xã luận : "Môi trường : Tiếng kêu cứu".
Người biểu tình vì khí hậu, mang mặt nạ tổng thống Mỹ Trump và trang phục gấu trắng, với khẩu hiệu "Protect the climate - stop coal/Bảo vệ khí hậu-chống than đá", Bonn, 04/11/2017, hai ngày trước COP23. Reuters/Wolfgang Rattay
"Môi trường : Tiếng kêu cứu" của Le Monde giải thích bối cảnh của "lời kêu gọi chưa từng có", của hơn 15.000 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, từ 184 quốc gia, được công bố hôm thứ Hai 13/11/2017, trên tạp chí khoa học Bioscience. Các nhà khoa học khẩn thiết kêu gọi giới lãnh đạo chính trị thế giới "nỗ lực hết sức". Nếu tốc độ phá hủy môi trường tiếp tục diễn ra vô cùng nhanh chóng như hiện nay, điều kiện sống trên hành tinh chúng ta sẽ trở nên tồi tệ đến mức "không thể vãn hồi", với kết quả là "đói nghèo" tăng vọt.
Quy mô của lời báo động nói trên được so sánh với lời báo động, được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1992, nhân hội nghị toàn cầu đầu tiên về môi trường, Thượng đỉnh Rio.
Kể từ đó, cộng đồng nhân loại đã đạt được nhiều hiệp ước quốc tế để tự vệ trước các đe dọa lớn về môi trường, như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học bị hủy diệt, sa mạc hóa, ô nhiễm, đại dương suy thoái, hay tầng ô-zôn bị phá hủy… Tuy nhiên, "Lời kêu gọi" của 15.000 khoa học gia ghi nhận "một sự thực cay đắng". Đó là bất chấp các hiệp ước, ngoài vấn đề ô-zôn, mọi lĩnh vực khác đều đang trở nên ngày một tồi tệ.
Trong nhiều lĩnh vực, đã có quá ít nỗ lực, thậm chí gần như không có gì, chính quyền các nước "dường như đã không đưa ra được các biện pháp tương xứng với thách thức". Lời kêu gọi lưu ý, cho dù đa số các thách thức về môi trường là mang tính toàn cầu, nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của chính quyền mỗi nước.
Le Monde nhấn mạnh trước hết đến trách nhiệm của nước Pháp, quốc gia khẳng định đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong lúc tổng thống Macron kêu gọi "Hãy làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại !", chính phủ Pháp vẫn sẵn sàng cho phép mở thêm "một mỏ vàng khổng lồ tại Guyana, đẩy lùi thời hạn… đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, chuẩn bị cho việc xóa bỏ các trợ cấp cho nông nghiệp tôn trọng môi trường, trở lui trong đề xuất đánh thuế vào các giao dịch tài chính để lấy tiền giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu…".
Nhìn chung, theo Le Monde, "việc không có dũng cảm chính trị, việc chính quyền bị các nhóm lợi ích ngăn cản ảnh hưởng lớn đến các đàm phán quốc tế". Tờ báo Pháp nhắc lại là thỏa thuận khí hậu Paris 2015, với các cam kết ở mức độ hiện nay, sẽ không thể tránh cho nhiệt độ Trái đất tăng thêm 3°C, so với thời tiền công nghiệp. Mà ở mức tăng "mới chỉ có 1°C" như hiện nay, chúng ta đã thấy hậu quả lớn như thế nào : từ các trận bão khổng lồ tại vùng vịnh Caribe, đến nạn khô hạn tàn phá miền đông Châu Phi…
Sự khác biệt giữa năm 1992 và hiện tại trong thực tế môi trường là rất lớn. Đây là một hiện thực mà "không ai còn có thể phủ nhận, ngoài một nhóm người vô trách nhiệm đang nắm quyền tại Washington". Kêu gọi của 15.000 nhà khoa học là "một lời khẩn nài mới" - một phần tư thế kỷ sau kêu gọi Rio - gửi đến các nhà lãnh đạo, như một nhắn nhủ : "hành động trễ hơn sẽ là quá chậm".
Trung Quốc đi đầu năng lượng xanh, cũng đi đầu về ô nhiễm
Thách thức môi trường, trước hết là khí hậu, hết sức nan giải. Phụ trương Le Figaro trong bài "Trung Quốc đẩy mạnh cuộc cách mạng năng lượng", lưu ý với độc giả là cho dù Bắc Kinh đang khẩn trương cuộc chuyển tiếp sang kinh tế xanh (Trung Quốc được ca ngợi là chiếm đến 40% năng lượng tái tạo của thế giới - năm 2016), thì nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn là thủ phạm chính của ô nhiễm khí thải, chiếm gần 1/3 toàn cầu, gấp đôi Hoa Kỳ. Và khối lượng năng lượng hóa thạch được sử dụng tại Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục tăng đến tận năm 2040. Cụ thể là trong một phần tư thế kỷ tới Trung Quốc sẽ còn phải xây thêm các nhà máy điện (bao gồm điện than và dầu mỏ), với tổng lượng điện tương đương với sản lượng điện của Hoa Kỳ hiện nay.
COP23 : Chính quyền Mỹ cô lập và mâu thuẫn
Kêu gọi của 15.000 nhà khoa học được tung ra đúng vào lúc hội nghị khí hậu toàn cầu COP23, đang diễn ra tại Bonn, Đức (từ 06/11 đến 17/11). Le Figaro có bài "Hoa Kỳ cổ vũ cho năng lượng hóa thạch tại COP23".
Trong khuôn khổ COP23, phái đoàn Mỹ tổ chức một sinh hoạt duy nhất bên lề hội nghị chống biến đổi khí hậu, với chủ đề khuyến khích phát triển "than sạch, hiệu quả". Một hành động chẳng khác nào, tuyên truyền cho thuốc lá trong một hội thảo chống ung thư, như nhận định của cựu thị trưởng New York, Bloomberg, một lãnh đạo cuộc chiến bảo vệ khí hậu. Theo ghi nhận của Le Figaro, ngay sau phát biểu của đại diện Mỹ, khoảng hai phần ba người tham dự đứng dậy hát vang để phản đối, và rời khỏi phòng họp.
Libération có bài phóng sự, nêu bật sự cô lập của chính quyền Mỹ tại COP23. Quốc gia cuối cùng chưa ký thỏa thuận khí hậu là Syria, đất nước đang trong chiến tranh, hôm 07/11 đã quyết định sẽ tham gia.
Bản thân nước Mỹ cũng bị phân đôi. 15 tiểu bang, với 40% GDP Mỹ, hưởng ứng lời kêu gọi của cựu thị trưởng New York, và thống đốc California, tổ chức "một phái đoàn riêng" tham gia COP23, và tuyên bố sẽ thương thuyết riêng với các láng giềng Bắc Mỹ - Canada và Mexico - về khí hậu, vào năm tới 2018. Hội nghị sẽ diễn ra tại California.
Thống đốc tiểu bang Cali, ông Jerry Brown, rất nỗ lực hoạt động bên lề COP23, để huy động lực lượng. Theo ông, "nếu nhân loại muốn sống còn, dứt khoát phải thay đổi triệt để phương thức sản xuất hiện nay". Thách thức về chính trị là hết sức lớn, "bởi các tập đoàn năng lượng hóa thạch đang tìm mọi cách để kháng cự. Kẻ thù của chúng ta rất mạnh, chính vì vậy chúng tôi có mặt tại đây để gây niềm phấn khích, chống lại tình trạng thúc thủ, trì trệ".
Vẫn theo Libération, thực ra thái độ của chính phủ Mỹ là rất mâu thuẫn. Một mặt, tuyên bố rút khỏi thỏa thuận khí hậu, nhưng mặt khác vẫn muốn tham gia các đàm phán tại COP23, một hội nghị chủ yếu mang tính kỹ thuật, nhằm xác định các mục tiêu cụ thể, mang tính giai đoạn. Một số nhân chứng ghi nhận, thái độ của phía chính phủ Mỹ, đôi khi mang tính tích cực tại một số cuộc họp, nhưng đôi khi lại "rất cứng rắn", gây khó cho đàm phán. Nhiều quốc gia phát triển lợi dụng thái độ này của phía Mỹ, để kìm hãm đàm phán.
"Đế chế dầu mỏ" Na Uy bị điệu ra tòa
Trong lĩnh vực khí hậu, xã hội dân sự Na Uy đã kiên quyết hành động. Ngày 14/11, hai tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace và "Nature og ungdom" (Thiên nhiên và giới trẻ) tham dự phiên tòa xét đơn kiện chống lại việc chính quyền nước này cho phép khai thác 40 lô dầu tại Bắc Cực. Đây là lần đầu tiên các NGO Na Uy kiện chính quyền về khí hậu.
Theo người phụ trách Greenpeace, việc chính quyền ra quyết định cấp giấy phép khai thác dầu, chưa đầy một tháng sau khi Oslo ký thỏa thuận khí hậu Paris, cho thấy thái độ mâu thuẫn, đến trơ tráo, của chính quyền Na Uy, chẳng khác nào, một người cha khuyên con không hút thuốc, trong lúc trên miệng vẫn phì phèo điếu thuốc.
Các tổ chức phi chính phủ tố cáo chính quyền Na Uy không ngừng xuất khẩu ô nhiễm CO2 ra thế giới qua mặt hàng dầu mỏ, gấp đến 10 lần so với năm 1991. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra đến ngày 23/11.
Hậu quả tâm lý khôn lường của biến đổi khí hậu
Trong khi chờ đợi các nỗ lực bảo vệ khí hậu, môi trường mang lại kết quả, mà chắc chắn không thể ngày một ngày hai, phụ trương Le Monde hôm nay dành một chủ đề chính cho những hậu quả "tâm lý" của việc Trái đất bị hâm nóng, một vấn đề cho đến nay còn rất bị coi nhẹ.
Le Monde dẫn lại một báo cáo về vấn đề này của Hiệp hội tâm lý học Mỹ và tổ chức EcoAmerica, điều tra về hậu quả tâm lý của siêu bão Katrina 2005 đối với các cư dân Hoa Kỳ ở miền nam nước Mỹ. Một vài con số được đưa ra cho thấy tình trạng người mất trí nhớ, rối loạn nhận thức gia tăng, số lượng cú điện thoại yêu cầu trợ giúp tâm lý-tâm thần tăng 60%. Tỉ lệ tự sát tăng gấp ba lần trong thời gian hai năm sau thảm họa.
Le Monde cũng lưu ý : cần phân biệt các hệ quả tâm lý sau các thảm họa thiên nhiên trực tiếp, với các hệ quả do những biến đổi lâu dài hơn, như Trái đất nóng lên, khô hạn, nước biển dâng cao…, buộc nhiều người phải tị nạn. Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, từ nay đến 2050, ít nhất 250 triệu người phải di cư do khí hậu. Như vậy, hàng trăm triệu người sẽ là những nạn nhân tâm lý trực tiếp của biến đổi khí hậu.
Nhưng theo Le Monde, nhìn chung, hậu quả tâm lý thực sự của biến đổi khí hậu còn lớn hơn nhiều. Theo một báo cáo của Châu Âu, chỉ riêng tại Pháp, đã có 41% cho biết "rất lo ngại" trước các hiểm họa của biến đổi khí hậu.
Môi trường : Dân số và "lối sống phương Tây", đâu là thủ phạm chính ?
Vẫn trong lĩnh vực môi trường, báo La Croix có hồ sơ đặc biệt, tìm cách giải mã câu hỏi : Phải chăng giới hạn dân số sẽ giúp cứu Trái đất ? Nếu như câu trả lời hiển nhiên là có, thì một vấn đề chủ yếu là làm cách nào ?
Tuy nhiên, theo một chuyên gia Viện dân số quốc gia Pháp INED, trong vài chục năm tới, dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh, không cách nào cản nổi, tuy nhiên, nếu có các biện pháp thích đáng, dân số toàn cầu có thể đạt đỉnh 9 tỉ người, và bắt đầu giảm đi kể từ năm 2075. Các điều kiện chủ yếu giúp cho việc kìm hãm dân số về dài hạn, đó là cải thiện điều kiện sống, trình độ hiểu biết, và từ đó người trong cuộc sẽ tự nhận thức ra hành động thế nào là đúng.
Cũng hồ sơ của La Croix nhấn mạnh, tuy nhiên dân số đông đúc chưa phải là nhân tố số một tác động đến môi trường. Các nước giàu có, phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Đức, Anh hay Canada…, những quốc gia với "lối sống phương Tây" (di chuyển nhiều bằng xe hơi, máy bay, tiêu thụ nhiều thịt), chịu trách nhiệm chính về lượng khí thải do năng lượng hóa thạch, nền nông nghiệp thâm canh (tốn phân bón, thuốc trừ sâu) gây ô nhiễm…
Bạo hành tình dục : "Không khí chiến tranh" tại Hollywood
Trở lại với chủ đề trang nhất các báo Pháp. Hollywood trong cơn lốc xoáy của các lạm dụng tình dục Weinstein là tựa chính của Le Figaro.
Một tháng sau khi các bạo hành tình dục của nhà sản xuất phim Weinstein bị phanh phui, tờ báo ghi nhận một "không khí chiến tranh" đang ngự trị tại đây. Một khi "chiếc hộp Pandore" đã được mở bung, người ta đang chờ đợi những ai sẽ bị nêu tên, tiếp theo các tên tuổi như nhà sản xuất Brett Ratnner, đạo diễn James Toback, các tài tử Steven Seagal, Louis C. K., và Kevin Spacy, hay ông chủ của Amazon Studio hùng mạnh. Chủ nhân nhiều dự án phim truyện, phim truyền hình, hồi hộp lo sợ dự án đổ bể, nếu một nhân vật chủ chốt bị tố cáo. "Cơn động đất", mà vụ Weinstein khởi phát, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cũng liên quan đến các tố giác bạo hành tình dục quy mô lớn, nhưng tại Pháp, Libération dành hồ sơ lớn cho "Nạn bạo hành tình dục tại phong trào thanh niên của đảng Xã Hội", một đảng chính trị cảnh tả lớn của nước Pháp. Tờ báo thiên tả có phóng sự điều tra về các tố giác nhắm vào người lãnh đạo phong trào, của 8 phụ nữ. Libération nêu bật thái độ đạo đức giả của người bị tố giác, từng tự xưng là tranh đấu cho nữ quyền.
Điều chính yếu mà Libération muốn chuyển đến độc giả là thái độ đồng lõa của cả một bộ máy, trong một thời gian dài, không những im lặng trước các tố giác liên tục được đưa ra, mà còn vu cáo những người tố giác, và tìm cách loại họ khỏi hệ thống. Tờ báo so sánh thái độ này với "bộ luật ormeta, luật im lặng của giới mafia". Libération ca ngợi "vụ Weinstein ở Hollywood có ưu điểm lớn là đã phá bung bức tường im lặng, và giờ là lúc tư pháp vào cuộc".
Trọng Thành