Úc và Đông Nam Á hợp sức chống tài trợ thánh chiến (RFI, 22/11/2017)
Bộ trưởng Tư Pháp Úc ngày 22/11/2017 cho biết là Úc và khu vực Đông Nam Á đã hợp sức để bóp nghẹt nguồn tài trợ cho các mạng lưới thánh chiến. Hợp tác được đẩy mạnh trong bối cảnh lo ngại gia tăng trước nguy cơ các nhóm thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi giáo đang bám rễ, lập cứ địa trong vùng, đặc biệt sau vụ lực lượng Hồi giáo thân Daesh đánh chiếm thành phố Marawi, Philippines, vào tháng 5 vừa qua..
Ảnh minh họa. Úc và Đông Nam Á cố ngăn chận nguồn tài chính để chống khủng bố.Reuters
Tham gia hội nghị chống khủng bố tại Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, bộ trưởng Tư Pháp Úc Michael Keenan giải thích là sự phối hợp này nhằm mục tiêu chặn nguồn tài trợ cho các nhóm hoạt động khủng bố, thông qua việc tăng cường chia sẻ thông tin về tài chính.
Bộ trưởng Úc nhấn mạnh rằng "ổn định và an ninh của vùng Đông Nam Á tối quan trọng đối với Úc" và Canberra "quyết tâm đẩy lùi hiểm họa đến từ mọi nhóm khủng bố kể cả tổ chức Nhà Nước Hồi giáo trong khu vực".
Theo ông Keenan, với cơ chế hợp tác mới mang tên Nhóm Chuyên Trách Chống Tài Trợ Khủng Bố tại Đông Nam Á (South East Asia Counter Terrorism Financing Working Group), các quốc gia thành viên sẽ có thể ngăn các nhóm thánh chiến hay khủng bố nhận được tài trợ quốc tế đến từ các nguồn khác.
Cơ quan tình báo tài chính Úc Austrac và cơ quan chống rửa tiền của Philippines Anti-Money Laundering Council sẽ dẫn đầu nhóm chuyên trách này.
Quyết định trên đây được xem là nỗ lực mới nhất để tăng cường hợp tác trong khu vực Đông Nam Á nhằm chống các nhóm thánh chiến.
Mai Vân
*******************
‘Trấn lột lương bổng’ tại Australia, người Việt bị ảnh hưởng (VOA, 22/11/2017)
Cứ 20 sinh viên quốc tế tại Australia thì có 5 sinh viên được trả lương dưới 12 đô la/giờ ; lao động từ các nước Châu Á bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan được trả công thấp hơn những người đến từ Bắc Mỹ, Ireland, và Anh quốc, theo kết quả cuộc khảo sát công bố ngày 21/11.
Người biểu tình tập trung trước Quốc hội Australia.
Cuộc thăm dò cho thấy sinh viên quốc tế và ‘khách ba lô’ làm việc tại Australia trở thành nạn nhân của tình trạng ‘trấn lột lương bổng có hệ thống.’
Hiện có hơn 900.000 dân nhập cư tạm thời tại Australia như du học sinh, chiếm khoảng 11% thị trường lao động nước này.
Tại thời điểm cuộc khảo sát được tiến hành cuối năm 2016, 30% trong số 4.322 dân nhập cư tạm thời được khảo sát cho biết họ được trả khoản phân nửa số lương tối thiểu hợp pháp đối với các công việc lao động thông thường quy định là 16,7 đô la/giờ.
Gần phân nửa số người được hỏi được trả công dưới 15 đô la/giờ, phúc trình nhan đề ‘Trấn lột Lương ở Australia’ nêu rõ.
Cuộc khảo sát thăm dò dân nhập cư mang 107 quốc tịch khác nhau, được thực hiện trên mạng với 13 ngôn ngữ khác nhau.
"Một trong những khám phá gây sốc là 86% các du học sinh và khách ba lô cho biết tất cả những lao động mang visa như họ đều bị trả lương thấp", đồng tác giả cuộc khảo sát, Bassina Farbenblum thuộc đại học New South Wales, cho biết.
"Cho nên họ không muốn bỏ việc vì biết là ít cơ hội có được việc nào trả lương cao hơn", tác giả này nói thêm.
Phản hồi trước báo cáo này, Bộ trưởng Lao động Michaelia Cash kêu gọi những ai cảm thấy bị trả lương thấp nên liên hệ với cơ quan của chính phủ chuyên trách về công bằng lao động.
Cuộc khảo sát phối hợp thực hiện với đại học Kỹ thuật Sydney cho thấy nạn ‘trấn lột lương bổng là đại dịch’ tràn lan sang nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Lao động đến từ Châu Á là các nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Khoảng 2/3 số người Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam tham gia cuộc khảo sát cho biết họ được trả dưới 12 đô la/giờ làm việc.
"Nhân công gốc Hoa thường được trả bằng tiền mặt", phúc trình cho biết.
Những người thực hiện khảo sát kêu gọi chính phủ và doanh nghiệp Australia có hành động từ kết quả cuộc thăm dò được xem là đầy đủ nhất về tình trạng và lương bổng của dân nhập cư tại nước này.
Theo SCMP - Sydney Morning Herald