Putin ký luật xem báo nước ngoài 'là đặc vụ' (BBC, 26/11/2017)
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một đạo luật cho phép chính phủ liệt kê bất kỳ cơ quan truyền thông nước ngoài hoạt động tại Nga vào danh sách đặc vụ nước ngoài.
Đài RT của Nga bị cáo buộc dính líu vào việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ
Dự luật được quốc hội Nga thông qua nhằm trả đũa cho việc Đài RT (Russia Today) do Kremlin hậu thuẫn được thông báo đăng ký vào danh sách đặc vụ nước ngoài tại Mỹ.
Ít nhất chín đài phát thanh do Mỹ tài trợ, gồm Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và Đài Âu Châu Tự Do có thể bị ảnh hưởng bởi luật này.
RT bị cáo buộc dính líu vào việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Đài này bác cáo buộc.
Luật mới của Nga ảnh hưởng đến các cơ quan truyền thông nước ngoài nhận kinh phí hoạt động từ bên ngoài nước Nga.
Các cơ quan này phải chịu các yêu cầu bổ sung và nếu không đáp ứng yêu cầu thì có thể bị đình chỉ hoạt động.
Nếu phải đăng ký, các cơ quan này phải thông báo trong chương trình phát sóng và trên website rằng họ là đặc vụ nước ngoài.
Một luật tương tự đang được thi hành nhắm vào các tổ chức từ thiện và các nhóm xã hội dân sự.
Bộ Tư pháp Nga giờ đây có thể quyết định cơ quan nào bị áp luật này và trong những trường hợp nào.
RT cho biết hồi tuần trước họ đã đăng ký vào danh sách đặc vụ nước ngoài tại Mỹ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ.
**********************
Putin ký luật truyền thông cho phép định danh ‘đại diện nước ngoài’ (VOA, 26/11/2017)
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy đã ký thành luật những dự luật mới cho phép nhà chức trách định danh các cơ quan truyền thông nước ngoài là "đại diện nước ngoài" để đáp lại điều mà Moscow nói là áp lực không thể chấp nhận được của Mỹ đối với truyền thông Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy ký thành luật những dự luật mới cho phép nhà chức trách định danh các cơ quan truyền thông nước ngoài là "đại diện nước ngoài".
Luật mới đã được cả hai viện quốc hội của Nga nhanh chóng phê chuẩn trong hai tuần vừa qua. Giờ nó sẽ cho phép Moscow buộc truyền thông nước ngoài xác định tin tức mà họ cung cấp cho người Nga là công tác của "các đại diện nước ngoài" và phải tiết lộ các nguồn tài trợ của họ.
Một bản của luật này đã được đăng lên cơ sở dữ liệu pháp luật trực tuyến của chính phủ Nga hôm thứ Bảy, nói rằng nó có hiệu lực kể từ ngày công bố.
Hành động của Nga nhắm vào truyền thông Mỹ xuất phát từ các cáo buộc nói rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.
Các quan chức tình báo Mỹ đã cáo buộc Điện Kremlin sử dụng các tổ chức truyền thông Nga để gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ, và Washington đã buộc đài RT của nhà nước Nga phải đăng ký một công ty con đặt ở Mỹ dưới tư cách "đại diện nước ngoài".
Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử và nói những hạn chế đối với các đài của Nga tại Mỹ là một cuộc tấn công nhắm vào tự do ngôn luận.
Bộ Tư pháp Nga tuần trước đã công bố danh sách gồm chín hãng tin được Mỹ tài trợ mà họ nói là có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này.
Bộ nói rằng họ đã viết thư thông báo cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Âu Châu Tự do/ Đài Tự do (RFE/RL) do chính phủ Mỹ tài trợ cùng với bảy cơ quan tin tức tiếng Nga hoặc tiếng địa phương do RFE/RL điều hành.
********************
Tổng thống Nga ký sắc luật xem truyền thông nước ngoài là "đặc vụ" (RFI, 26/11/2017)
Để trả đũa Washington buộc đài truyền hình nhà nước Nga RT đăng ký với quy chế " người đại diện của nước ngoài", Moskva đặt giới truyền thông quốc tế vào tầm nhắm. Chiều thứ Bảy, 25/11/2017, tổng thống Putin ký sắc lệnh ban hành bộ luật mới xếp báo chí quốc tế tại Nga vào danh sách "đại diện của nước ngoài" vừa được Quốc Hội Nga thông qua cách nay vài hôm. Vấn đề là theo thuật ngữ thời Stalin, cụm từ này mang ý nghĩa "đặc vụ", hàm ý "gián điệp".
Ảnh chụp từ màn hình trang internet của Radio Svoboda (Radio Tự do), đài phát thanh tiếng Nga do Mỹ tài trợ. https ://www.svoboda.org
Theo AFP, đạo luật mới của Nga, là tiếp nối của một đạo luật khác ban hành từ 2012, kiểm soát các tổ chức xã hội dân sự hoạt động tại Nga. Từ nay, đến lượt các cơ quan báo chí bị xem là "đối tượng" phải "khai rõ" về nguồn tài chính nếu bộ tư pháp Nga yêu cầu.
Các đài phát thanh như Tiếng Nói Hoa Kỳ, đài Châu Âu Tự Do và Radio Liberty, do Quốc hội Mỹ tài trợ, đã được Moskva cảnh báo sẽ phải đăng ký với danh xưng "đại diện của nước ngoài".
Phản ứng của các phóng viên ra sao ? Ghi nhận của thông tín viên Daniel Vallot từ Moskva :
Đài phát thanh Svoboda là một trong những cơ quan truyền thông đầu tiên có thể sẽ là đối tượng nhắm tới của bộ luật mới và bị đưa vào quy chế "đại diện nước ngoài". Tại đài phát thánh Svoboda, các nhà báo đang rất lo ngại.
Cô Mariana Torochesnikova, người dẫn chương trình một buổi phát thanh hàng tuần chuyên về các vấn đề pháp lý cho biết : "Ở Nga, khái niệm "đại diện nước ngoài" mang nghĩa rất tiêu cực.
Trong tâm trí của mọi người ở đây cụm từ đại diện nước ngoài có nghĩa là "gián điệp", điều này có thể gây ra thái độ thù nghịch đối với chúng tôi. Nhất là khi điều này được khẳng định trên các phương tiện truyền thông và tuyên truyền".
Tại trụ sở của Đài Svoboda, các nhà báo đang chuẩn bị buổi phát thanh tối. Chủ đề của buổi phát thanh là thượng đỉnh Sotchi về Syria. Phó trưởng ban biên tập đài, bà Eugénia Nazarets khẳng định phải tiếp tục làm việc như bình thường.
Bà nói : "Chúng tôi sẽ không thay đổi gì về cách làm việc. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa ra các quan điểm khác biệt. Việc làm này hoàn toàn độc lập. Chưa bao giờ kể từ khi làm việc đến giờ tôi nhận một chỉ thị nào từ chính phủ Mỹ".
Hiện tại, các nhà báo của Đài Svoboda trong tình trạng bất an hoàn toàn. Bộ luật được Hạ Viện Nga Duma thông qua. Sau khi được tổng thống Vladimir Putin ký ban hành, sẽ đến lượt bộ Tư Pháp lập danh sách các truyền thông thuộc diện đối tượng điều chỉnh của luật mới.
Tú Anh
**********************
Liên Âu tăng cường quan hệ đối tác với 6 nước Liên Xô cũ (RFI, 24/11/2017)
Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu và sáu nước thuộc Liên Xô cũ đã gặp nhau ngày 24/11/2017 tại Bruxelles để tăng cường "quan hệ đối tác phương Đông". Tuy nhiên, thượng đỉnh lần này tránh đề cập nhiều chủ đề có thể gây tranh cãi, như cuộc xung đột tại miền đông Ukraine, và cũng không cam kết kết nạp thêm thành viên vào Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tới dự thượng đỉnh Quan hệ Đối tác Đông Âu, Bruxelles, ngày 24/11/2017 -Reuters
Khi cùng với lãnh đạo các thành viên Liên Hiệp Châu Âu tiếp sáu nước khách mời Ukraine, Moldova, Gruzia, Belarus, Armenia và Azerbaidjan, thủ tướng Đức đánh giá : "Quan hệ đối tác phương Đông đóng vai trò quan trọng cho an ninh của chúng ta". Còn thủ tướng Anh Theresa May đã phát biểu thẳng thắn : "Chúng ta phải rất chú ý đến các hành động của các nước thù nghịch như Nga, vốn thường đe dọa đến sự phát triển tiềm tàng của các đối tác phương Đông và cố tìm cách hủy hoại sức mạnh tập thể của chúng ta (Liên Âu)".
Tuy nhiên, theo AFP, quan ngại của các nước trong các nghi vấn Nga can thiệp vào quá trình bầu cử, ảnh hưởng của Moskva đến các nước "vệ tinh" thuộc Liên Xô cũ, cuộc xung đột tại miền đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vẫn là những chủ đề "kiêng kị"tại thượng đỉnh 2017.
Thậm chí, khác với tại thượng đỉnh Riga 2015, thông cáo chung lần này không nhắc đến các cuộc xung đột ly khai tại các nước thuộc Liên Xô cũ mà phương Tây vẫn cáo buộc là Nga yểm trợ, như giữa Armenia và Azerbaidjan tại Nagormy-Karabakh, giữa Gruzia và phe ly khai thân Nga tự tuyên bố hai nước cộng hòa độc lập, hoặc tại vùng Transnistria ở Moldova.
Lần này, Bruxelles nhấn mạnh đến bản danh sách gồm 20 "lợi ích cụ thể cho các công dân" mà Liên Âu hứa ủng hộ, đồng thời yêu cầu các đối tác thuộc liên bang Xô Viết cũ phải đấu tranh chống tình trạng tham nhũng, củng cố dân chủ và một có nền tư pháp độc lập hơn.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định : "Đây không phải là thượng đỉnh để mở rộng hay kết nạp thêm thành viên vì không phải là thời điểm thích hợp. Chúng ta đang có Brexit và phải giải quyết các vấn đề nội bộ".
Thu Hằng