Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/11/2017

Châu Âu : Nga đe dọa, Trung Quốc ve vản

Tổng hợp

Mỹ hứa hỗ trợ Châu Âu trước "sự tấn công" của Nga (RFI, 29/11/2017)

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 28/11/2017 tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ nhằm đối phó với "sự hung hãn" của Nga trước các nước láng giềng. Đồng thời ông cũng yêu cầu các nước Châu Âu phải nỗ lực hơn trong việc bảo vệ an ninh của chính mình.

eu1

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thảo luận về quan hệ Mỹ - Âu tại Trung tâm Wilson, Washington, ngày 28/11/2017. Reuters

Ngoại trưởng Tillerson tuần tới sẽ dự các hội nghị của NATO ở Bruxelles và của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tại Vienna. Phát biểu trước chuyến công du, ông Rex Tillerson xác định : "Cũng như các bạn bè Châu Âu, chúng tôi nhìn nhận là mối đe dọa từ Nga lại trỗi dậy".

Cũng như hồi đầu năm nay, một lần nữa ông khẳng định cam kết "không thể lay chuyển" của Hoa Kỳ trong việc bảo đảm an ninh cho các đồng minh Châu Âu và NATO. Song song đó, ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các quốc gia Châu Âu tăng chi quốc phòng lên mức 2% GDB.

Ông Rex Tillerson tuyên bố : "Hoa Kỳ và Châu Âu đang ở vị thế tốt nhất để đối phó với các thách thức đang đe dọa sự thịnh vượng của chúng ta, với các nhân tố mưu toan gieo rắc hỗn loạn, và với những kẻ thù đang đe dọa nền an ninh".

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh, nỗ lực hòa giải với Nga, đặc biệt dưới thời tổng thống Barack Obama trước đây, đã được đáp trả "bằng việc Nga đưa quân vào Gruzia năm 2008 và sáp nhập Crimea của Ukraine năm 2014. Nga khẳng định thái độ hiếu chiến trước các nước láng giềng, và can thiệp vào các tiến trình bầu cử, xúc tiến các ý tưởng phi dân chủ".

Cuộc xung đột ở Ukraine, theo ông, vẫn là "trở ngại lâu dài". Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố : "Chúng tôi sẽ không bao giờ quay lại với mối quan hệ bình thường nếu không có một giải pháp cho Ukraine", và ngoại trưởng Mỹ hứa sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt Nga.

Thụy My

*********************

Trung Quốc hứa tăng đầu tư, Đông Âu chưa thật sự tin (RFI, 29/11/2017)

Tại hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc với 16 nước Trung, Đông Âu, ngày 27/11/2017, ở thủ đô Budapest của Hungari, thủ tướng Lý Khắc Cường đã loan báo sẽ cấp tổng cộng 3 tỷ đôla cho các nước này để thúc đẩy hợp tác và đầu tư. Tuy nhiên, các nước Trung, Đông Âu vẫn đang chờ xem Bắc Kinh thực hiện lời hứa này như thế nào, vì trong những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư Trung Quốc đổ vào Trung, Đông Âu còn có phần thuyên giảm. Tù Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình :

eu2

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và hai thủ tướng Hungary và Bulgari tại thượng đỉnh Budapest ngày 27/11/2017. Reuters

"Đối với Hungary, đây là hai ngày quan trọng", Thủ tướng Orbán Viktor phát biểu vào tối hôm qua, thứ Ba 28/11, về cuộc Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 tổ chức tại Budapest, quy tụ sự có mặt của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc và 16 nước thuộc khu vực Đông - Trung Âu và Balkans.

Tuy nhiên, chưa rõ là kỳ thượng đỉnh được biết đến với cái tên 16 + 1 này mang lại những kết quả gì trong thực tế, ngoại trừ việc Hungary và vài nước lân cận lao vào một thương vụ đầu tư hết sức đắt đỏ và dường như vô nghĩa, sẽ ảnh hưởng rất lâu dài tới tương lai nước Hung.

Mục tiêu của các bên

Cách đây 6 năm, Bắc Kinh thử nghiệm việc thiết lập mối quan hệ kinh tế và chính trị mới với các nước trong vùng Đông - Trung Âu và lân cận, khu vực được coi là nằm giữa Tây Âu và vùng ảnh hưởng của Liên bang Nga. Hội nghị Thượng đỉnh 16 + 1 thường niên hình thành từ đó.

Đề xướng của Trung Quốc, trên nguyên tắc, đặt mục tiêu củng cố mối quan hệ kinh tế với các nước có liên quan, bên cạnh đó phát triển thêm sự hợp tác trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo và văn hóa. Đương nhiên, phía Bắc Kinh không hề có ý "làm từ thiện" ở đây.

Đơn thuần, mối quan hệ giữa Trung Quốc và đối tác truyền thống ở Châu Âu - là các nước Tây Âu - đã chững lại và suy giảm nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, nên nước này muốn hướng về một thị trường tiềm năng còn chưa được khai phá, vùng Đông - Trung Âu.

Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh cuộc gặp mặt của các vị thủ tướng, diễn đàn doanh nghiệp với sự hiện diện của hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc và Đông - Trung Âu rất được quan tâm, với hy vọng đôi bên có được sự hợp tác trong tương lai, tận dụng sự "thông thoáng" của chính trị.

Đương nhiên, Trung Quốc không chỉ quan tâm tới việc dùng nguồn vốn đầu tư hết sức dồi dào để "nhử" Đông - Trung Âu trong mối quan hệ kinh tế đôi bên. 16 + 1 được coi là một dự án cá nhân của Thủ tướng Lý Khắc Cường, và là sự bổ sung cho sáng kiến "Nhất đới - Nhất lộ" của họ Tập.

Vì thế, cho dù tầm ảnh hưởng của Lý Khắc Cường có phần thuyên giảm trước Tổng bí thư đảng Tập Cận Bình sau kỳ Đại hội tháng 10 vừa qua, nhưng cả việc bắt tay với Đông - Trung Âu về kinh tế, lẫn ý tưởng "Con đường tơ lụa" của thế kỷ 21, đều là mưu toan bành trướng chính trị của Bắc Kinh.

Tiền Trung Quốc ở đâu ?

Tuy nhiên, trái ngược với sự hồ hởi của giới lãnh đạo Hungary và truyền thông thân chính phủ, một câu hỏi được đặt ra trước và sau kỳ Hội nghị : nguồn vốn Trung Quốc ở đâu, sau những lời lẽ có vẻ rất khả quan của các vị thủ tướng ? Kết quả hợp tác cụ thể ra làm sao, sao không thấy ?

Báo chí Hungary nhắc lại, khung tín dụng Trung Quốc - Hung trị giá 1 tỷ USD mà hai nước thỏa thuận từ năm 2011 trong kỳ Thượng đỉnh đầu tiên cũng ở Budapest, tới giờ vẫn chưa hề đi vào sử dụng. Nhiều thương vụ đầu tư 6 năm sau khi được tuyên bố về mặt chính trị cũng chưa được khởi động.

Về mặt ngoại giao, việc Hungary và 15 nước khác trong vùng có trao đổi thường niên về kinh tế với Trung Quốc được coi là một thành niên, nhưng thực sự tới giờ chưa có kết quả cụ thể gì. Những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư Trung Quốc đổ vào Đông - Trung Âu còn có phần thuyên giảm.

Một lý do, là phía Trung Quốc được coi là chưa hiểu tình hình và môi trường Đông - Trung Âu. Mô hình hợp tác của Trung Quốc ở nhiều nước Á, Phi là nước này cho vay tín dụng với lãi suất thị trường để phát triển hệ thống hạ tầng, và các dự án đầu tư đều do các công ty Trung Quốc thực hiện.

Tuy nhiên, tại các xứ Đông - Trung Âu đã là thành viên Liên Âu và có độ phát triển ở mức tương đối, mô hình trên không hấp dẫn, vì tại đó có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ không hoàn lại của Liên Âu. Ngược lại, thị trường của từng nước cũng chưa đủ lớn để thu hút Trung Quốc nhất thiết tung tiền vào.

Điều đó có vẻ cũng được xác nhận bởi việc truyền thông chính thống của Trung Quốc không mấy quan tâm và để thời lượng không đáng kể cho kỳ thượng đỉnh lần này. Cho dù, nước đăng cai Hungary những năm qua đã làm hết những gì có thể, kể cả cầu cạnh, để xích lại gần Trung Quốc.

Hungary : Bắt tay bằng mọi giá với Bắc Kinh ?

Một trong những biểu hiện cho nỗ lực dường như vô giới hạn ấy của Budapest, là lao vào dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt cao tốc Budapest - Beograd trị giá tối thiểu hơn 3 tỷ Euro, bị coi là hết sức đắt đỏ và không hề có giá trị sử dụng, có chăng chỉ lợi cho vận chuyển hàng hóa Trung Quốc.

Không hề đi qua các thành phố lớn, giá quá "khủng" và không phục vụ nhu cầu thực tế của Hung, siêu dự án này cũng đã bị đưa vào tầm ngắm của Liên Âu bởi sự quan ngại về tham nhũng và vi phạm các điều luật EU, khi nghiên cứu khả thi của nó bị phía Hung "mật hóa" trong vòng 10 năm.

Đó là chưa nói tới việc nguồn tín dụng của Trung Quốc không rõ lãi suất là bao nhiêu và có thể đẩy nước Hung vào cảnh nợ nần, khánh kiệt, các doanh nghiệp Hungary hầu như không có khả năng tham gia dự án này, tạo cảm giác Hungary đã thua ngay trên sân nhà khi trận đấu còn chưa mở màn.

Chính sách "Hướng Đông" (kết thân với Nga và Trung Quốc) được Thủ tướng Orbán Viktor coi là một trong bốn nền tảng của nền kinh tế Hungary, và từ 7 năm nay được ngoại giao Hung triệt để tuân thủ. Chính quyền Hung sẵn sàng xung đột với Liên Âu, Hoa Kỳ và Nhật để vừa lòng Trung Quốc.

Cũng để chiếm được thiện cảm của Bắc Kinh trong hồ sơ hợp tác kinh tế, vấn đề nhân quyền đã bị nước này gạt sang một bên. Chính quyền Hung thẳng tay dẹp một hai người biểu tình ôn hòa phất cờ đòi độc lập cho Tây Tạng, trái với mọi điều luật về quyền tự do biểu đạt của Hungary.

"Hungary trở thành cửa ngõ của Trung Quốc" tại Châu Âu, hợp tác Trung Quốc - Đông - Trung Âu là "có đi có lại" và Sáng kiến "Một vành đai - Một con đường" được "đặt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi" theo lời Thủ tuớng Orbán Viktor, nhưng báo chí độc lập của Hung vẫn phải đặt câu hỏi : lợi ở đâu ?

Hoàng Nguyễn

Quay lại trang chủ
Read 888 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)