Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/12/2017

Điểm báo Pháp - Đồng tiền ảo bitcoin

RFI tiếng Việt

Vì sao phải xem xét đồng tiền ảo bitcoin một cách nghiêm túc

Những ngày qua giới truyền thông nói nhiều về Bitcoin. Người ta chỉ biết đó là một đồng tiền ảo, tiền điện tử, nhưng không hiểu rõ lợi ích của đồng tiền này trong cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, bitcoin còn là một công cụ để đầu cơ. Do đó, bong bóng đầu cơ đồng tiền ảo này luôn có nguy cơ nổ tung. Trước rủi ro này, Les Echos (05/12/2017) có bài phân tích đề tựa "Vì sao phải xem xét đồng tiền ảo bitcoin một cách nghiêm túc".

bitcoin1

Giá trị tiền ảo Bitcoin tăng gấp 10 lần khiến các Ngân Hàng Trung Ương và chuyên gia kinh tế quan ngại nổ bong bóng đầu cơ tiền ảo. Reuters/Dado Ruvic/File Photo

Theo báo Les Echos, sự ra đời của đồng tiền này vào năm 2009 không phải là ngẫu nhiên, tình cờ. Vào thời điểm bitcoin được tạo ra bởi một người hoặc một nhóm người lấy tên là Satoshi Nakamoto, thì hệ thống ngân hàng thế giới bị mất uy tín với vụ subprimes và vụ ngân hàng Lehman Brothers phá sản. Chính phủ nhiều nước lao vào cứu các cơ sở tài chính. Ngân hàng trung ương các nước tung tiền ồ ạt vào hệ thống tài chính quốc tế để tránh tái diễn một cuộc đại suy thoái như trong những năm 1930.

Các cơ quan quản lý quốc tế và quốc gia tiến hành một chính sách tạm gọi là "trấn áp tài chính" để cố kìm giữ gánh nặng nợ công không ngừng tăng vọt. Đồng bitcoin ra đời nhằm chống lại trật tự tiền tệ này, trong trào lưu phản đối các quyền lực chính trị và ngân hàng, bị đánh giá là không đủ khả năng quản lý một đồng tiền lành mạnh, có chất lượng.

Bitcoin không phụ thuộc vào một quốc gia hay ngân hàng nào. Giá trị của bitcoin không bị xói mòn bởi chính sách lạm phát hoặc phát hành tiền tệ ồ ạt, bởi vì các quy định liên quan đến bitcoin được xác định ngay từ đầu và bất di bất dịch. Cụ thể là có một algorithme chịu trách nhiệm tính toán việc phát hành bitcoin và số tiền này sẽ giảm dần cho đến năm 2140. Như vậy, sẽ không bao giờ có quá 21 triệu bitcoin được lưu hành.

Trong khối lượng tiền ảo này, các bitcoin không giống nhau, mỗi bitcoin là duy nhất. Danh sách các chủ sở hữu của đồng tiền ảo được lưu giữ trong bộ nhớ và vô danh. Đồng bitcoin có thể được trao đổi tự do khắp nơi trên thế giới và không để lại vết tích gì, không có phí giao dịch ngân hàng… Điều cơ bản của hệ thống đồng tiền ảo là gạt bỏ được mọi chính sách độc đoán của Nhà nước.

Bitcoin : đồng tiền của tự do ?

Theo nhận định của các kinh tế gia Odile Lakomski-Laguerre và Ludovic Desmedt, được Les Echos trích dẫn, mối quan tâm không chỉ liên quan đến vấn đề kỹ thuật mà cả về triết học và chính trị : đó là suy nghĩ về các phương tiện để tránh được sự độc quyền của Nhà nước trong việc kiểm soát cung ứng tiền tệ và trả lại quyền sử dụng tiền tệ cho cộng đồng.

Tuy nhiên, để hệ thống đồng tiền ảo có thể tồn tại lâu dài thì cần phải có sự chấp nhận của nhiều người. Ban đầu, bitcoin chỉ là thu hút sự tò mò của "cực khách", những người ưa chuộng các thiết bị điện tử tiện ích, phù phiếm.

Sau đó, đồng tiền ảo này quyến rũ được cộng đồng những người chủ trương đề cao tự do cá nhân, ghét bỏ mọi hình thức can thiệp của Nhà nước hoặc những cơ chế quản lý của Nhà nước, đề cao tính chính đáng của máy tính và các ứng dụng hơn là sự thông minh của con người. Những người ủng hộ bitcoin cuồng nhiệt đang có mơ ước thầm kín : đồng tiền ảo thông báo sự ra đời một trật tự mới trong lĩnh vực tiền tệ và kinh tế.

Tuy nhiên, theo phân tích của Les Echos, đồng tiền này có thể bị bóp chết hoặc bị ngăn chặn. Theo thời giá hiện nay, tổng giá trị bitcoin trên toàn thế giới lên tới khoảng 160 tỷ đô la, tương đương với giá trị tập đoàn Coca-Cola, nhưng chỉ là một giọt nước so với 80 ngàn tỉ đô la trong thanh khoản toàn thế giới.

Chính vì thế, cho đến nay, các Nhà nước, ngân hàng và những cơ quan quản lý tài chính quốc tế vẫn chưa quan tâm đến "vật thể lạ" này. Khi bitcoin có giá trị hơn, khi mọi người có thể dùng đồng tiền ảo này để mua bán – tức là đe dọa quyền lực của Nhà nước, thì các chính phủ sẽ để mắt đến bitcoin và tìm cách xóa bỏ đồng tiền này.

Les Echos đặt câu hỏi : Bitcoin đã kháng cự được các chấn động, như khủng hoảng tài chính, làn sóng tin tặc, sự sụp đổ của nhiều website, liệu đồng tiền ảo này có sống sót được hay không một khi các Nhà nước thức tỉnh ?

Bitcoin : Công cụ để rửa tiền bẩn ?

Cũng liên quan đến đồng tiền điện tử, báo Le Monde có bài "Bitcoin, củ giống hoa tuy líp phiên bản 2.0".

Vào giữa thế kỷ 17, trong vòng ba năm, làn sóng đầu cơ đã làm giá củ giống hoa tuy líp Semper Augustus tăng 5900%. Cũng trong thời gian ba năm, giá bitcoin đã tăng 3300% và có thể còn tăng nữa. Theo Le Monde, không nên nhìn vào làn sóng đầu cơ hiện nay mà vội vã kết luận rằng bitcoin sẽ trở thành đồng tiền thay thế.

Trước tiên, giá trị của bitcoin cũng chao đảo, lên xuống thất thường như mọi đồng tiền khác. Thứ hai việc giao dịch mua bán bitcoin chậm và rất tốn năng lượng. Một giao dịch mua bán bitcoin trên máy tính tiêu thụ điện bằng một hộ gia đình Mỹ trong cả tuần. Bên cạnh đó, còn có rủi ro mất tiền nếu như bất thình lình máy tính hỏng hoặc bị virus tấn công.

Tuy nhiên, bitcoin đang trở thành một dạng tài sản bị đầu cơ. Chicago Mercantile Exchange (CME) – chuyên mua bán hợp đồng giao hàng có thời hạn - vào ngày 18/12 tới sẽ tung ra loại hợp đồng thanh toán bằng bitcoin. Do vậy, đã đến lúc chính quyền, Ngân Hàng Trung Ương các nước quan tâm đến đồng tiền ảo này, nhất là việc bitcoin có thể được sử dụng để rửa tiền bẩn.

Donald Trump và những mối liên hệ nguy hiểm với Nga

Nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã có những tình tiết ngoạn mục. Cựu cố vấn anh ninh quốc gia Michael Flynn thừa nhận khai gian với FBI. Thế nhưng, theo Le Figaro, tổng thống tỷ phú Mỹ đã có những mối quan hệ thâm giao với Nga từ những thập niên cuối thế kỷ trước.

Tờ báo trích dẫn điều tra của ông Luke Harding, một người rất am tường về nước Nga và là phóng viên tờ báo Anh The Guardian. Luke Harding đã có may mắn tiếp xúc với một cựu nhân viên phản gián MI6 của Anh và ông đã làm nổi rõ mối quan hệ chằng chịt đáng lo ngại của nhà tỷ phú Mỹ này với Nga từ những năm 1980.

"Dấu vết" Nga hiện diện khắp nơi trong địa hạt hoạt động của Donald Trump, từ công việc kinh doanh, cho đến con đường hoạt động chính trị tranh cử tổng thống. Theo điều tra của Harding, chắc chắn Donald Trump đã được cơ quan tình báo KGB nhắm đến ngay từ cuối những năm 1970, vào thời điểm ông kết hôn với người mẫu Séc Ivana Zelnickova.

Yemen : Khi rắn cắn chính người làm trò…

Đề tài cựu tổng thống Yemen Saleh bị ám sát hôm qua tràn ngập các báo Pháp. Le Figaro có bài viết đề tựa "Tại Yemen, Saleh kết thúc cuộc đời dưới làn đạn của phe Houthis".

Tờ báo nhắc lại "Ông ấy từng thoát chết một cách thần kỳ khi một quả bom đặt cách ông ấy chỉ có 5 mét trong một thánh đường ở phủ tổng thống phát nổ hồi năm 2015. Thế nhưng, định mệnh lần này đã đuổi kịp Saleh, một nhà độc tài 75 tuổi. Ông bị sát hại trong một vụ tấn công do chính các cựu đồng minh cũ, những người nổi dậy Houthi thực hiện, những người mà ông vừa đoạn tuyệt bang giao".

Với Les Echos, "Yemen đang tiến thêm một bước đến sự tan rã". Cái chết của Saleh, tác nhân quan trọng tại Yemen từ 40 năm qua đang đẩy Yemen hội nhập vào nhóm gọi là "các quốc gia bị tàn phá", bao gồm Afghanistan và Somalia.

Nhật báo kinh tế lưu ý là "vụ việc này cũng có thể là một bi kịch cho toàn thế giới, bởi vì nằm dọc theo biên giới Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu hỏa hàng đầu thế giới. Yemen còn bao bọc cả eo biển Bab al-Mandab phía nam Biển Đỏ, nơi có đông thuyền bè qua lại nhiều nhất. Và Yemen còn là nơi trú ngụ của một đạo quân thánh chiến hùng hậu đang nở rộ".

Về phần mình, Libération lược qua tiểu sử của Saleh. Tờ báo mỉa mai chạy tựa "Cú cắn chết người dành cho ‘người làm trò rắn’ Ali Abdallah Saleh". Câu nói ví von "Người làm trò rắn" là do chính Saleh tự nhận. Ông từng tuyên bố rằng : "Điều hành Yemen giống như công việc của người làm trò rắn". Và ông đã không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn để bám giữ quyền lực trong suốt 32 năm liền.

Libération cũng không quên trích dẫn một báo cáo của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đưa ra vào tháng 2/2015, cho biết nhờ tham nhũng, Saleh tích lũy được khối tài sản ước tính trong khoảng từ 32-60 tỷ đô la, trong khi mà Yemen là một trong những quốc gia nghèo nhất trong khối Ả Rập.

Tờ báo kết luận : "Cũng giống như Muammar al-Kadhafi của Libya, Saddam Hussein tại Iraq hay Bachar al-Assad của Syria, Ali Abdallah Saleh sẵn sàng hy sinh đất nước và dân tộc để giữ quyền lực và trong trường hợp này tái chiếm quyền lực".

Pháp : Corse có là Catalunya kiểu Pháp hay không ?

Báo Pháp cũng không quên bình luận về thắng lợi vòng một của phe chủ trương tự trị tại đảo Corse. Libération nhận định "Tại Corse : Đối mặt với Paris, những người theo chủ nghĩa dân tộc vỗ ngực tự hào".

Xã luận của Le Monde "Paris đối mặt với thách thức Corse" khẳng định mục tiêu của phe này rất rõ không chủ trương độc lập cho một hòn đảo lệ thuộc nhiều vào nguồn tài chính và việc làm của Nhà nước. Ngược lại, họ muốn được áp dụng trong vòng ba năm quy chế tự trị cho Corse, bao gồm cả việc công nhận tiếng Corse, quy chế "công dân" đặc biệt, một quy chế thuế khóa thích hợp và ân xá cho các "tù nhân chính trị".

Thế nhưng, Les Echos kêu gọi cảnh giác với "chiếc bẫy Corse". Với những đòi hỏi trên, đó chẳng khác gì một kiểu đặc quyền có tính chất ngoài lãnh thổ. Và như vậy nghĩa vụ của Corse đối với quốc gia bị giảm xuống gần như là không.

Les Echos nhắc lại rằng từ nhiều thập niên qua, chính quyền trung ương đã không ngừng nhượng bộ Corse nhiều lợi thế, đặc biệt trong vấn đề thuế khóa, mà Thẩm Viện Kế hoài công vô ích lên án. Từ 20 năm nay, người dân Pháp đã đóng góp cho người dân Corse nhiều hơn cho người dân ở vùng khác.

Giờ họ muốn xem xem những nỗ lực của người dân Pháp được đền đáp ra sao. Do đó đã đến lúc phải thoát khỏi chiếc bẫy tự trị của Corse.

Đồ chơi có kết nối : Một kiểu "gián điệp" hợp pháp ?

Mùa Noel sắp đến. Đây cũng là dịp trẻ nhỏ viết thư cho ông già Noel xin những món đồ chơi ưa thích. Thế nhưng, Ủy Ban Thông Tin và Tự Do Quốc Gia (Cnil), hôm qua cáo buộc "Các loại đồ chơi có kết nối dọ thám trẻ nhỏ".

Cơ quan gởi cảnh báo đến nhà một sản xuất đồ chơi Hồng Kông về các mặt búp bê Cayla có kết nối và rô-bốt i-Que. Cnil nghi ngờ những món đồ chơi này "thu thập hàng loạt các dữ liệu thông tin cá nhân về trẻ em và người thân".

Mối nghi ngờ này cho thấy mối quan ngại của nhiều chính phủ tại Pháp, cũng như là Châu Âu và Mỹ trước hiện tượng phổ biến các vật dụng có kết nối, cho phép thu thập các dữ liệu thông tin từ người sử dụng để rồi khai thác chúng.

Trang nhất các báo Pháp

Thời sự nước Pháp chiếm trọng tâm trang nhất các báo Pháp hôm nay 05/12/2017. Le Monde đưa tít "Corse : Nguyên nhân thắng lợi của phe theo chủ nghĩa dân tộc". Thắng lợi vòng một bầu cử vùng của phe chủ trương tự trị cho đảo Corse đang đặt ra "Một thách thức mới cho Paris", tựa của bài xã luận.

Với nhật báo kinh tế Les Echos, "PSA muốn bù đắp sự chậm trễ của mình bằng xe chạy điện". Hãng chế tạo và lắp ráp xe hơi hiệu Peugeot này đã ký kết một thỏa thuận thành lập một doanh nghiệp liên doanh với hãng Nhật Bản Nidec-Leroy Somer chuyên trong lĩnh vực xe điện.

An toàn hạt nhân tại Pháp là mối bận tâm chính của Libération với hàng tít lớn "Kẽ hở". Các trung tâm khai thác hạt nhân tại Pháp dễ bị tấn công nhất trong trường hợp có khủng bố như là Greenpeace đã chứng minh qua các hành động xâm nhập trái phép. Thế nhưng chủ đề này vẫn là đề tài cấm kỵ.

La Croix, trên nền ảnh tháp Eiffel rực rỡ ánh đèn, dưới màn trời đêm xanh biếc đặt câu hỏi lớn : "Vì sao nước Pháp lại trở nên hấp dẫn", bởi vì hình ảnh của nước Pháp thời gian gần đây đã được cải thiện trong con mắt các nhà đầu tư.

Riêng nhật báo Le Figaro là quan tâm đến thời sự nước Mỹ và Yemen, được trình bày qua 2 tít lớn : "Bị chao đảo vì nghi án Nga, Trump cố giữ những người ủng hộ mình" và "Tại Yemen, cựu tổng thống Saleh bị phe nổi dậy Houthi hạ sát".

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 697 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)