Đức : Trung Quốc 'lập tài khoản LinkedIn ảo để nhử quan chức EU' (BBC, 11/12/2017)
Cơ quan tình báo Đức cảnh báo rằng Trung Quốc đang dùng các tài khoản ảo trên mạng xã hội để thu thập thông tin cá nhân từ các chính trị gia, giới chức cấp cao của EU.
Hơn 10.000 người Đức kết nối với các profile ảo trên mạng LinkedIn
Theo tờ Telegraphcủa Anh, sau cuộc điều tra vụ xâm phạm an ninh quy mô lớn dài chín tháng, Cơ quan Tình báo Quốc gia Đức (BfV), cho biết hơn 10.000 người Đức kết nối với các profile ảo trên mạng xã hội LinkedIn.
'Mục tiêu kết nối'
Giới chức tình báo Đức cho hay, các profile ảo giả làm headhunter (người săn đầu người), chuyên gia tư vấn hay các học giả dưới tên "Rachel Li" và "Alex Li", và dụ người ta "kết nối" với họ để thu thập thông tin về thói quen, sở thích và quan điểm chính trị.
"Cơ quan tình báo Trung Quốc đang hoạt động trên các mạng xã hội như LinkedIn nhằm thu thập thông tin và tìm nguồn tin tình báo theo cách này", một phát ngôn viên cho hay.
Rất nhiều profile ảo cố ý dùng ảnh nam giới, phụ nữ có gương mặt cuốn hút để có nhiều người kết bạn với họ. Một ảnh avatar trong số này được cho là lấy từ catalogue thời trang trực tuyến, Reuters đưa tin.
Các profile ảo cũng giả là đang làm tại các tổ chức gồm RiseHR, công ty phát triển nhân lực của Hà Lan và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trung-Âu, một viện nghiên cứu chính sách.
Nhiều profile ảo nhắm mục tiêu kết nối với các nhà ngoại giao cấp cao và các chính trị gia khắp Châu Âu. BfV cho biết "một lượng lớn" các profile ảo hiện vẫn chưa được xác định và kêu gọi công dân Đức báo cáo về những profile đáng nghi.
Cơ quan này cũng cảnh báo các viên chức chính phủ Đức phải cảnh giác về việc rò rỉ thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
******************
Tình báo Đức : Trung Quốc lợi dụng mạng xã hội để làm gián điệp (RFI, 11/12/2017)
Cơ quan phản gián Đức ngày hôm 10/12/2017 đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sử dụng các mạng xã hội để moi tin từ các quan chức cũng như giới làm chính trị tại Đức. Một cách cụ thể là đã có đến hơn 10.000 nhân vật Đức bị gián điệp Trung Quốc tiếp cận thông qua các tài khoản mạng giả mạo, đặc biệt là qua mạng LinkedIn.
Ảnh minh họa. Bộ trưởng nội vụ Đức Thomas de Maiziere (phải) và lãnh đạo cơ quan tình báo nội địa Hans-Georg Massen tại Berlin, ngày 28/06/2016Rainer Jensen / dpa / AFP
Theo hãng tin Mỹ AP, ông Hans-Georg Massen, giám đốc cơ quan phản gián Đức, mang tên là BfV, tình báo Trung Quốc đã thiết lập nhiều tài khoản hay profile ảo trên mạng xã hội, chủ yếu là trên mạng kết nối giới chuyên nghiệp LinkedIn, giả danh là chuyên gia tư vấn, chuyên gia tuyển mộ, hay học giả, từ đó "kết nối" với các mục tiêu như các chính khách hay quan chức cao cấp, thu thập thông tin về những thói quen, sở thích, quan điểm chính trị của những người này.
Đối với ông Massen, đây thực sự là một chiến dịch có quy mô rộng lớn, nhằm thâm nhập vào các nghị viện, các bộ và cơ quan chính phủ Đức. Để đối phó, cơ quan phản gián Đức đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm vào đầu năm nay, chuyên theo dõi việc sử dụng các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội LinkedIn. Cuộc điều tra đã kéo dài 9 tháng
Trong một động thái khá bất thường, phản gián Đức đã cho biết chi tiết về 8 tài khoản cá nhân bị cho là giả mạo, sử dụng những cái tên như Lily Wu, Laeticia Chen hoặc Alex Li. Các profile này cung cấp những sơ yếu lý lịch rất đáng nể, với hàng trăm đầu mối liên lạc, kèm theo những bức ảnh ứng viên trẻ rất thu hút…
Ngoài ra BfV cũng nêu tên 6 tổ chức mà cơ quan này cho rằng đã được tình báo Trung Quốc sử dụng là vỏ bọc để che đậy mục đích tiếp cận đối tượng mà họ muốn khai thác. Trong số này, có 2 tổ chức mang tên Association France Euro-Chine và Global View Strategic Consulting.
Theo hãng tin Anh Reuters, phản gián Đức đã không che giấu thái độ quan ngại khi cho biết là "có thể còn có một số lượng lớn các cá nhân là đối tượng moi tin của gián điệp Trung Quốc, và nhiều tài khoản mạng xã hội giả mạo khác chưa bị phát hiện".
Dĩ nhiên là Trung Quốc đã bác bỏ các kết luận của cơ quan phản gián Đức. Phát biểu tại Bắc Kinh vào hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảm đã cho rằng các cáo buộc từ phía Đức hoàn toàn vô căn cứ.
Theo nhân vật này thì Trung Quốc "hy vọng là các tổ chức Đức, đặc biệt là các cơ quan chính phủ, có lời lẽ và hành động có trách nhiệm hơn, và không làm những việc bất lợi cho sự phát triển quan hệ song phương".
Trọng Nghĩa
********************
Đức ‘lột mặt nạ’ của tình báo Trung Quốc (VOA, 10/12/2017)
Cơ quan tình báo Đức đã công bố các thông tin chi tiết của các trang trên mạng xã hội họ cho là được tình báo Trung Quốc làm giả để thu thập các thông tin cá nhân về các quan chức và chính trị gia Đức.
Theo Reuters, bước đi bất thường này nhằm cảnh báo các quan chức về nguy cơ tiết lộ các thông tin cá nhân quan trọng qua truyền thông xã hội.
BfV nói rằng "các cơ quan tình báo Trung quốc đã hoạt động mạnh trên các trang như LinkedIn và lâu nay đã tìm cách thu thập thông tin cũng như các nguồn tình báo theo cách này", trong đó bao gồm việc tìm dữ liệu về thói quen hay sở thích chính trị.
Trong chín tháng nghiên cứu, cơ quan tình báo Đức đã phát hiện ra rằng hơn 10 nghìn công dân Đức đã được liên lạc trên trang web kết nối nghề nghiệp bởi các trang giả dạng làm người tuyển dụng, người cố vấn hay các học giả.
blob:https://www.voatiengviet.com/bdbb23f6-66ee-4a26-b339-ae312f4e94fd
Theo BfV, nhiều hình ảnh đăng trên các trang web giả mạo là những người đàn ông và phụ nữ trẻ tuổi ăn mặc sành điệu và bắt mắt lấy từ các tạp chí thời trang.
Reuters cho biết đã xem xét một số trang giả mạo và thấy có liên hệ với các nhà ngoại giao và chính trị gia cấp cao từ một số quốc gia Châu Âu.
Cảnh báo trên phản ánh mối quan ngại gia tăng của các cơ quan tình báo phương Tây và Châu Âu về các hoạt động bí mật của Trung Quốc ở nước mình, cũng như sau cảnh báo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ về nỗ lực tuyển dụng công dân Hoa Kỳ làm tình báo của Trung Quốc.
BfV đã thúc giục những người sử dụng liên hệ với cơ quan này nếu phát hiện ra các trang đáng ngờ trên mạng xã hội.