Biên đội tàu sân bay Nga-Trung chỉ có khả năng tham gia các chiến dịch quân sự thông thường, không đủ đối phó với một cuộc chiến tranh chính quy
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc
Là một "thành viên mới" của lực lượng hải quân Trung Quốc (PLAN) nên việc tổ chức biên chế cho Nhóm chiến đấu của tàu sân bay động cơ thông thường Liêu Ninh (CV-16) đã làm Bắc Kinh tốn không ít tâm sức và thử nghiệm không ít mô hình.
Cuối tháng 12/2013, khi Liêu Ninh hoàn thành đợt huấn luyện tổng hợp viễn dương đầu tiên ở khu vực đảo Hải Nam trở về cảng mẹ ở Thanh Đảo, nó được sự hộ tống của 02 tàu khu trục phòng không thuộc Type 051C và 02 tàu hộ vệ tên lửa thuộc Type 054A.
Đến tháng 6/2015, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lại được tổ chức với một quy mô lớn hơn, bao gồm 03 tàu khu trục, 03 tàu hộ vệ, 01 tàu vận tải đổ bộ dạng Dock và 02 tàu ngầm hạt nhân, được phương Tây gọi là "Nhóm tàu sân bay hoàng tráng nhất của Trung Quốc".
Trong bài trước với tiêu đề "4 điểm yếu chết người của tàu sân bay Liêu Ninh-Trung Quốc" chúng ta biết rằng, đợt hoạt động ở tây Thái Bình Dương tháng 12 năm 2016, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh được biên chế gồm có 03 tàu khu trục tiên tiến nhất thuộc Type 052C/D, 02 tàu hộ vệ Type 054A, 01 tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 và 01 tàu bổ trợ viễn dương.
Tàu sân bay Liêu Ninh có thể mang được tổng số 36 máy bay chiến đấu cánh cố định và máy bay trực thăng các loại, gồm có : 24 tiêm kích hạm J-15, 4 trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 hoặc Z-18J ; 6 trực thăng chống ngầm Z-18F ; 2 trực thăng tìm kiếm-cứu hộ Z-9C.
Các chuyên gia nhận định rằng, biên đội tàu sân bay Trung Quốc chỉ được đánh giá ngang với tàu sân bay thế hệ cũ của Nga, còn kém xa các Nhóm tác chiến của Hàng không mẫu hạm Mỹ.
Với những điểm yếu cố hữu cả về tàu sân bay lẫn tiêm kích hạm và các tàu hộ tống, giới lãnh đạo quân sự Đài Loan nhận định rằng, sau này, hải quân Trung Quốc có thể tăng thêm số lượng tàu hộ tống và tàu bổ trợ, nâng tổng số tàu trong biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lên hơn 10 chiếc.
Biên đội tàu sân bay Mỹ vẫn là lực lượng mạnh nhất thế giới
Nguyên nhân là bởi năng lực tác chiến chống ngầm, phòng không của các tàu khu trục/hộ vệ của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn tìm tòi, hoàn thiện ; các tàu chỉ có năng lực tác chiến đơn nhất mà vẫn chưa mạnh nên cần phải lấy yếu tố số lượng để bổ khuyết cho chất lượng.
Ngoài ra, việc này còn xuất phát từ yếu kém của bản thân tàu sân bay Liêu Ninh. Do số lượng tiêm kích hạm ít, năng lực tác chiến kém, do đó, muốn hình thành Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm công thủ toàn diện, bắt buộc phải tăng số lượng tàu mặt nước và tàu ngầm đi theo.
Biên đội tàu sân bay Mỹ
So sánh với Nhóm chiến đấu hàng không mẫu hạm của lực lượng hải quân số 1 thế giới là Mỹ - nước đã có kinh nghiệm sử dụng và vận hành tàu sân bay từ hơn 60 năm qua - thì biên chế biên đội tàu sân bay Trung Quốc kém hơn về quy mô và chất lượng.
Ngay từ năm 1956, Mỹ đã thành lập biên đội đặc nhiệm hỗn hợp để hộ tống tàu sân bay. Đến năm 1995, Bộ chỉ huy tác chiến của hải quân Mỹ đã chính thức quy định về biên chế chuẩn của một Nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm gồm có tổng cộng 10 tàu chiến, đứng đầu là tàu sân bay.
9 tàu còn lại bao gồm 6 tàu mặt nước, trong đó có 03-04 tàu khu trục hoặc tuần dương hạm Aegis, đảm nhận nhiệm vụ phòng không hạm và tấn công mặt đất (với hệ thống phóng thẳng đứng, mang tên lửa hành trình Tomahawk) ; 02 tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng (ít nhất có 1 tàu mang hệ thống phóng thẳng đứng) và 1 tàu chi viện chiến đấu tổng hợp.
Như vậy, sức mạnh của Nhóm chiến đấu tàu sân bay Mỹ vô cùng lớn, có thể trấn áp cả 1 hạm đội của nước khác. Ví dụ như các tuần dương hạm lớp Ticonderoga hay khu trục hạm lớp Arleigh Burke, mỗi tàu đều có thể mang hàng trăm ống phóng thẳng đứng đa năng, có thể sử dụng tên lửa phòng không tầm trung/xa, tên lửa chống ngầm hay tên lửa hành trình.
Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 2 năm 2003, quy mô nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ tham chiến đã giảm từ 10 tàu xuống 6 tàu, cụ thể là 01 tàu sân bay, 01 tuần dương hạm, 02 khu trục hạm, 01 tàu ngầm hạt nhân đa năng và 1 tàu chi viện chiến đấu tổng hợp, bảo đảm với một số lượng có hạn để triển khai được ở nhiều khu vực trên thế giới.
Liên đội hàng không của tàu sân bay Mỹ cũng vượt trội lực lượng không quân của nhiều nước khác, bao gồm tổng số 90 máy bay các loại, trong đó có 4 trung đội máy bay chiến đấu ; 1 trung đội máy bay tác chiến điện tử ; 1 trung đội máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm và 1 trung đội máy bay trực thăng hỗn hợp.
Nếu giảm số lượng các loại máy bay trực thăng và máy bay bảo đảm, số lượng tiêm kích hạm có thể tăng lên gấp rưỡi, vượt trội so với các tàu sân bay Nga và Trung Quốc khoảng 3 lần.
Hơn nữa, các tàu sân bay Mỹ đều sử dụng năng lượng hạt nhân nên không giới hạn về thời gian và phạm vi hoạt động, đồng thời, Mỹ lại có căn cứ ở khắp nơi trên thế giới nên không bao giờ phải lo việc phải quay về cảng mẹ nghỉ ngơi và tiếp tế hậu cần như tàu sân bay Nga-Trung.
Nhóm chiến đấu tàu sân bay Nga
Hiện Nga chỉ còn duy nhất tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov". Biên đội tàu sân bay này được biên chế rất ít các chiến hạm hộ tống và biên chế cũng thường không có quy định rõ ràng.
Vào tháng 10/2016, tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" lần đầu tiên thống lĩnh các chiến hạm Nga sang Syria tham chiến chống khủng bố. Hộ tống nó là tuần dương hạm siêu nặng chạy bằng động cơ hạt nhân là "Peter Đại đế" và 2 khu trục hạm chống ngầm hạng nặng là "Severomorsk" và Phó đô đốc Kulakov, cùng với các tàu chở dầu, tàu cứu kéo viễn dương và tàu trinh sát.
Từ tổ chức biên chế của biên đội tàu sân bay Nga ở Syria, hỏa lực phòng không tần trung/xa của biên đội chủ yếu dựa vào hệ thống phòng không S-300F (SA-N-6, tức S-300 Fort) trên tuần dương hạm "Peter Đại đế", với tổng cộng 96 quả tên lửa hạm đối không có tầm phóng 150km.
Biên đội tàu sân bay Nga-Trung có thực lực kém hơn rất nhiều
Ngoài hệ thống phòng không tầng thứ nhất là S-300, còn có 3 tàu hộ tống khác trang bị hệ thống phòng không 3K95 Kinzhal/SA-N-9 "Gauntlet", với tổng cộng 200 quả tên lửa phóng thẳng đứng, cung cấp cho biên đội khả năng phòng không tầng thứ 2.
Tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" được trang bị 26 chiếc Su-33, 8 chiếc MiG-29KR và MiG-29KUBR và các loại trực thăng Ka-27, Ka-31.
Điểm yếu lớn nhất của biên đội tàu sân bay Nga là các tàu đều được điều động tạm thời, thiếu kinh nghiệp hiệp đồng tác chiến, các tàu đa số đều đã quá hạn sử dụng, đều phải kéo dài thời gian phục vụ, việc chúng có phát huy được hết tính năng hay không là điều không ai dám chắc.
Hơn nữa, cũng giống như Trung Quốc, do hạn chế cố hữu của tàu sân bay kiểu cầu bật, không có máy phóng nên "Đô đốc Kuznetsov" không thể mang được máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm và máy bay trinh sát-tác chiến điện tử cánh cố định nên buộc phải sử dụng máy bay trực thăng để thay thế.
Do đó, biên đội tàu sân bay Nga không thể mở rộng phạm vi quan sát, hạn chế đến khả năng tác chiến tầm xa của nhóm tàu hộ tống và các tiêm kích hạm, đồng thời làm giảm khả năng tác chiến hiệp đồng của các tiêm kích hạm, khó khăn trong việc đối phó với một cuộc tấn công quy mô của kẻ địch.
Ngay cả Phó Tổng giám đốc Tập đoàn đóng tàu Liên Hợp của Nga là ông Ponomarev cũng đã từng thừa nhận là khả năng tự bảo vệ của tàu sân bay duy nhất của Nga chỉ đủ để đối phó với các nguy cơ chiến sự đột xuất, còn không đáp ứng được yêu cầu tác chiến của một cuộc chiến tranh quy mô.
Nếu vấp phải một đòn tiến công quy mô bằng tên lửa, biên đội tàu sân bay Nga sẽ phải sử dụng tất cả các loại tên lửa hành trình chống hạm siêu âm hiện có trên các tàu hộ tống để răn đe đối phương đừng vọng động hoặc buộc phải dùng phương thức "đồng quy ư tận" với đối phương.
Thiên Nam