Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/02/2018

Nga tung mã độc, Liên Hiệp Châu Âu tự tái võ trang

RFI tiếng Việt

Đến lượt Mỹ tố cáo Nga tung mã độc tấn công phương Tây năm 2017 (RFI, 16/02/2018)

Ngày 6/02/2018, phát ngôn viên điện Kremlin một lần nữa lại lên tiếng bác bỏ lời cáo buộc của Mỹ, theo đó quân đội Nga là thành phần đứng sau vụ tấn công bằng mã độc "NotPetya" đã khiến thế giới thiệt hại hàng tỉ đô la. Trước đó, phủ tổng thống Nga cũng đã bác bỏ cáo buộc tương tự đến từ Luân Đôn.

nga1

Mã độc NotPetya được sử dụng để cướp tiền trên internet. DAMIEN MEYER / AFP

Đối với Nhà Trắng, chính Nga là chủ mưu trong vụ tấn công tin học bằng mã độc hồi tháng 6/2017, vừa làm tê liệt một phần hạ tầng cơ sở của Ukraine, vừa phá hoại các hệ thống máy tính tại Mỹ và Châu Âu trong đó có nhiều máy chủ của các tập đoàn lớn.

Washington đồng thời cho rằng vụ tấn công tin học đó sẽ phải lãnh hậu quả quốc tế.

Trước Hoa Kỳ, cơ quan an ninh mạng của Anh cũng xác định các mục tiêu ban đầu của vụ tấn công bằng mã độc "NotPetya" là Ukraine, tuy nhiên mã độc nhanh chóng lan rộng, ảnh hưởng cả mạng lưới kinh doanh của Châu Âu và Nga.

Điện Kremlin đã nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc trên, bị phát ngôn viên Dmitry Peskov cho là vô căn cứ. Đối với phía Nga, những lời tố cáo nằm trong chiến dịch bài Nga đang được phương Tây tiến hành.

Theo hãng Reuters, lời tố cáo ngắn nhưng dữ dội của Mỹ nhắm vào Nga là một điểm mới lạ, vì đây là lần đầu tiên mà chính phủ Hoa Kỳ đã đổ lỗi cho Nga về cái được coi là một trong những vụ tấn công mạng tệ hại nhất từ trước đến nay. Trước chính quyền, các chuyên gia an ninh mạng đã quy trách nhiệm cho Nga.

Trọng Nghĩa

*****************

Mỹ ép EU tự lo quốc phòng, nhưng không muốn bị cạnh tranh về vũ khí (RFI, 16/02/2018)

Khoảng 20 nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ Châu Âu cùng tham gia Hội nghị an ninh hàng năm Munich, Đức, vào cuối tuần này, 17-19/02/2018, trong bối cảnh nước Mỹ của Donald Trump chủ trương "co cụm", giảm bớt gánh vác về an ninh và kêu gọi các đồng minh Châu Âu tăng cường khả năng "tự lo" về quốc phòng. Đây cũng là một trong những nội dung chính trong cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong hai ngày 14 và15/02, tại Bruxelles.

nga2

Quốc kỳ của 27 nước thành viên NATO. Reuters/Mandel Ngan

Từ lâu, Washington luôn yêu cầu các nước đồng minh Châu Âu phải tăng ngân sách để cùng "chia sẻ gánh nặng" quốc phòng với Mỹ. Sau khi tăng thêm 40% ngân sách cho việc triển khai quân nhân Mỹ tại Châu Âu (European Deterrence Initiative) năm 2018, Hoa Kỳ mới thông báo tăng thêm 35% (khoảng 6,5 tỉ đô la) cho quốc phòng năm 2019.

Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, quyết định của Mỹ nhằm "thúc đẩy các đồng minh Châu Âu nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an ninh cho chính họ". Năm 2014, NATO đã quyết định, trong vòng 10 năm, mỗi nước thành viên phải đạt được mức tối thiểu cho chi phí quân sự là 2% GDP và hơn một nửa số nước thành viên phải đạt được mức này vào năm 2024. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Jens Stoltenberg, "đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm". Trên thực tế, mới chỉ có 8 trên tổng số 29 nước thành viên NATO có thể đảm bảo được mức chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2018 và có thể đạt đến chỉ tiêu 15 nước cho đến năm 2024.

Trước sức ép của Hoa Kỳ, các nước Châu Âu đã có phản ứng. Tuy nhiên, cách thức tăng cường khả năng "tự lo" về quốc phòng của các đồng minh Châu Âu lại làm Mỹ lo ngại : Liên Hiệp Châu Âu muốn phối hợp phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benaze cho biết thêm thông tin :

"Trong chuyên cơ đưa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến Bruxelles, ông James Mattis cho biết sẽ nhấn mạnh đến việc tăng ngân sách quốc phòng. Ngoài ra, một trong các trợ lý của ông nói thêm là các dự án về mặt quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu cũng không nên gây hại cho NATO.

Những lời cảnh báo này trực tiếp nhắm đến thượng đỉnh "Quốc phòng Châu Âu" gần đây nhất diễn ra vào tháng 12/2017, khi Châu Âu nêu lên một số dự án và khả năng cùng tài trợ nếu được, đặc biệt cho ngành công nghiệp vũ khí của lục địa này.

Các nước đồng minh Châu Âu cố trấn an và khẳng định không có bất kỳ rủi ro nào về trùng lặp vô ích hoặc khả năng cạnh tranh. Nhưng theo đại sứ Mỹ tại NATO, thực ra Washington lo ngại về hình thức bảo hộ Châu Âu. Và có thể đây là điểm yếu gây khó chịu vì ngoài mục tiêu 2% GDP cho quốc phòng, còn có mục tiêu 1/5 tổng chi phí được giành cho đầu tư trang thiết bị.

Cho đến nay, các thành viên Châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ. Hoạt động bán vũ khí của Mỹ cho các lực lượng quân sự Châu Âu có thể sẽ giảm đi nếu Liên Hiệp Châu Âu đạt được mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng".

Theo AFP, mối lo ngại chính của Mỹ là Châu Âu chuyển qua mua vũ khí khí tài của Châu Âu. Một nhà ngoại giao Châu Âu đáp lại : "Phải có một quan hệ cân bằng, vì các nước Châu Âu không thể cung cấp trang thiết bị quốc phòng trên lãnh thổ Mỹ".

Dù còn phải giải quyết nhiều bất đồng, nhưng theo một nhà ngoại giao Châu Âu, "cần phải duy trì sự thống nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, vì một số nước khác muốn can thiệp" dù không chỉ đích danh nước Nga.

Báo cáo thường niên về tương quan quân sự trên thế giới - The Military Balance 2018, của Viện Nghiên Cứu Chiến Luợc Quốc Tế - IISS, công bố ngày 14/02 vừa qua, nhận định rằng Nga tiếp tục sử dụng vũ lực đối với các nước láng giềng và ở nước ngoài và các nỗ lực vươn lên về quân sự của Nga, cũng như Trung Quốc, làm thay đổi thế cân bằng quân sự hiện hữu.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 603 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)