Văn bản TPP cuối cùng : Thách thức cho Việt Nam và hy vọng chiếc vé thứ 12 từ Hoa Kỳ (RFA, 22/02/2018)
Văn bản chi tiết cuối cùng của Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), giờ gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được New Zealand công bố vào thứ Tư 21/2.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand, David Parker trả lời báo giới về văn bản cuối cùng của TPP 11 tại Wellington, New Zealand ngày 21/2/2018 Reuters
Với TPP mới, Việt Nam sẽ đối diện với những cơ hội và thách thức gì ? Và liệu có hy vọng Hoa Kỳ sẽ quay trở lại với TPP hay không ?
Bản quyền, thách thức cho Việt Nam
Cuối cùng thì các quốc gia thành viên của TPP đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi ông David Parker, Bộ trưởng Thương mại New Zealand cho biết TPP 11 sẽ được chính thức ký kết vào ngày 8/3/2018 tại Santiago.
Hãng tin AFP hôm 21/2 dẫn lời ông David Parker cho biết trong phiên bản công bố cùng ngày, có hơn 20 điều khoản trong TPP cũ bị đình chỉ hoặc thay đổi, bao gồm cả các quy định xoay quanh việc sở hữu trí tuệ và trợ cấp của người đóng thuế.
Nội dung cuối cùng của TPP 11 này, được Tiến sĩ Kinh tế Ngô Trí Long cho rằng so với bản thoả thuận của TPP cũ thì không có gì thay đổi nhiều, đặc biệt đối với Việt Nam.
"Trong điều kiện hội nhập đó là 1 xu thế không thể cưỡng lại được. Hiệp định này khi nó được thực thi, so với cái cũ nó có mở rộng thêm là "Toàn diện và tiến bộ", còn tất cả những điều kiện, tất nhiên so với khi còn có Hoa Kỳ, thì chắc chắn những điều kiện nó thay đổi nhiều lắm, mà chủ yếu trong phạm vi còn hẹp hơn khi không có Mỹ tham gia. Những điều này thì tất nhiên Việt Nam cũng đã cân nhắc rất nhiều".
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hiệp quốc nói với RFA rằng trong 20 điểm bảo lưu đó, chủ yếu và các vấn đề về sở hữu trí tuệ, tức là bảo đảm tôn trọng các quyền phát minh, thương hiệu, nhãn hiệu của các nước.
"Trong 20 điểm còn lại và bảo lưu để tiếp tục thảo luận chủ yếu là những vấn đề sở hữu trí tuệ, tức là bảo đảm tôn trọng các vùng phát minh, nhãn hiệu của các nước".
Nói thêm về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết :
"Vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ từ trước đến nay vốn là một thách thức và khó khăn đối với Việt Nam. Tuy nhiên một khi Việt Nam đã cam kết trong nội dung TPP cũ thì những trở ngại đó đã được lường trước và có khả năng thực thi, không phải là trở ngại quá lớn".
Theo nội dung ghi trong bản thoả thuận TPP, vấn đề sở hữu bản quyền được đề cập chi tiết về vi phạm và chế tài, cụ thể ở Điều 18.7, là điều khoản về "Trình tự, thủ tục và biện pháp dân sự và hành chính".
Mỗi bên phải quy định các cơ quan tư pháp sẽ có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài theo quy định tại Điều 44 của Hiệp định TRIPS, là Điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ, thương mại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được ký kết vào ngày 15/12/1993, có hiệu lực từ ngày 01/01/1995, một trong các hiệp định cơ bản của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Rất nhiều các biện pháp chế tài được đề ra trong Điều khoản này, chẳng hạn quy định cụ thể về số tiền để đảm bảo đủ thanh toán thiệt hại gây ra bởi hành vi xâm phạm đó cho bên nắm giữ quyền và nhằm mục đích ngăn ngừa các hành vi xâm phạm khác diễn ra trong tương lai.
Hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra thường xuyên và là một vấn đề phức tạp ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Giữa năm 2016, tin trong nước cho biết lực lượng chức năng liên ngành đã phạt tiền gần 97 tỷ đồng, khởi tố hơn 380 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ xảy ra ở Việt Nam.
Hy vọng chiếc vé thứ 12 từ Mỹ
Cũng theo tin từ Reuters, và các hãng thông tấn nước ngoài khác như AP, đều ghi nhận rằng văn bản cuối cùng của TPP 11 như một đánh dấu thúc đẩy đáng kể Hoa Kỳ tái gia nhập TPP.
Hôm 10 tháng 11, tại Đà Nẵng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có bài phát biểu trước các lãnh đạo và doanh nhân tham dự APEC. Ông nhấn mạnh rằng : "Nước Mỹ sẽ không tiếp tục dung thứ cho hành vi lấy cắp quyền sở hữu trí tuệ một cách trắng trợn. Nước Mỹ sẽ đối đầu với những thủ đoạn ép buộc các doanh nghiệp trao công nghệ cho nhà nước và buộc họ phải tham gia vào các liên doanh để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường".
Trong 1 bài phát biểu ở Davos, Thuỵ Sĩ nhân chuyến công du 2 ngày đến quốc gia này, Tổng thống Donald Trump có nhắc đến vấn đề TPP, ông nói : "Chúng tôi đã có các thỏa thuận với một số nước trong TPP. Nước Mỹ sẽ đàm phán với những quốc gia còn lại, từng nước một hoặc một nhóm nước, miễn là lợi ích chia đều cho tất cả".
Tờ Washington Post hôm thứ ba 20/2 loan tin cho biết có 25 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi thư cho Tổng thống Trump thúc giục suy nghĩ lại về TPP, kêu gọi những động thái cải cách tích cực cho phép Hoa Kỳ tham gia vào hiệp định. Thư của các vị Thượng nghị sĩ nêu rằng :
"Tăng cường hợp tác kinh tế với 11 quốc gia gia nhập TPP sẽ là tiềm năng cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, hỗ trợ hàng triệu việc làm cho người Mỹ, tăng năng suất xuất khẩu của Mỹ, và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng".
Tuy nhiên, chưa có thông tin về phản hồi của tổng thống Donal Trump.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cũng khẳng định những nỗ lực của 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP là mong muốn Hoa Kỳ tái gia nhập :
"11 nước thành viên TPP còn lại khi mà đồng thuận để thông qua và triển khai TPP mới thì đều có 1 kỳ vọng chung là nước Mỹ sẽ có 1 thời điểm nào đó hồi tâm trở lại và tái gia nhập TPP".
Theo ông, nếu điều đó xảy ra, nghĩa là nếu Hoa Kỳ quay lại, thì TPP sẽ sống động hơn và sẽ tạo động lực cũng như những điều kiện thương mại thuận lợi hơn. Tuy sự đồng thuận đó theo ông phải phụ thuộc vào điều kiện nội bộ chính trị của mỗi nước.
Tiến sĩ Ngô Trí Long có đưa ra ý kiến cho rằng Mỹ là nền kinh tế đầu tàu, nắm giữ vai trò quan trọng nhất trong 12 nước thành viên TPP. Hiện tại GDP của Mỹ chiếm 60% GDP của TPP.
Một quan điểm tương đồng đến từ Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Ông cho biết những điều qui định lại của CPTPP hoàn toàn giữ nguyên tinh thần đã đạt được trong cuộc đàm phán trước đây.
"Cho nên 11 nước đều thầm lặng hy vọng rằng sẽ có 1 ngày nào đấy Hoa Kỳ sẽ trở lại hiệp định này, vì cũng có lợi cho Hoa Kỳ chứ không phải không".
Tuy nhiên, trái ngược với nhận định trên là ý kiến của Tiến sĩ Ngô Trí Long. Ông không nghĩ rằng tổng thống Donald Trump sẽ trao cho TPP chiếc vé thứ 12. Ông nói rằng tư tưởng "Nước Mỹ vĩ đại" của ông Donald Trump sẽ không thể phù hợp cho xu thế hội nhập.
"Theo tôi nghĩ với ý tưởng, suy nghĩ của Donald Trump thì Mỹ khó quay trở lại nhưng các sức ép trong nước đối với doanh nghiệp, với xu thế người ta thấy không đạt được thì người ta thúc ép, và ông Donald Trump nếu muốn gì đó cũng phải xem xét lại.’
Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được thành hình sau nhiều vòng đàm phán của 12 nước, trong đó có Hoa Kỳ và được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Barack Obama. 11 quốc gia hiện tại tham gia TPP là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu.
************************
Công bố nội dung sửa đổi của TPP-11 (RFA, 21/02/2018)
Bản chi tiết cuối cùng về Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm mục tiêu giảm bớt các rào cản thương mại ở 1 số quốc gia đã được công bố vào thứ Tư 21/2, đánh dấu sự thúc đẩy đáng kể việc Hoa Kỳ tái gia nhập.
Các Bộ trưởng Thương mại và các đoàn đại biểu của các nước thành viên TPP dự hội nghị Bộ trưởng TPP ở Đà Nẵng hôm 9/11/2017 - AFP
AFP cho biết New Zealand đã công bố văn bản chính thức của TPP, hay còn gọi là TPP-11, với nội dung đã được soạn thảo lại sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi hiệp định vào tháng 1 năm ngoái.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand, ông David Parker nói rằng những thay đổi so với văn bản ban đầu bao gồm việc đình lại các điều khoản của 22 mặt hàng liên quan đến các lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ và trợ cấp của người đóng thuế.
Cũng theo ông David Parker, việc công khai bản chi tiết này sẽ giúp giai đoạn rà soát, kiểm tra lại tốt hơn trước khi nó chính thức được ký tại Santiago vào ngày 8/3/2018. Ông David cho biết chính phủ New Zealand đã làm việc rất tích cực để công khai nội dung của bản TPP sửa đổi càng sớm càng tốt.
Theo Bộ trưởng Thương mại Úc, Steve Ciobo, thỏa thuận mới này sẽ loại bỏ hơn 98% thuế quan thương mại ở một khu vực thương mại có GDP khoảng 13 nghìn tỷ USD.
11 quốc gia hiện tại tham gia TPP là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu.
Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được thành hình sau nhiều vòng đàm phán của 12 nước, trong đó có Hoa Kỳ và được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Barack Obama.
Tuy nhiên chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, Tổng Thống Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi hiệp định vì lấy lý do hiệp định không có lợi cho nước Mỹ. Do đó, TTP hiện giờ được gọi là TPP 11 (vì chỉ còn 11 nước) hoặc TPP trừ 1 (vì không còn Hoa Kỳ).
***********************
TPP : Tân Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương được công bố (RFI, 21/02/2018)
Văn kiện mới của TPP, Hiệp định về tự do thương mại trong vùng Thái Bình Dương đã hoàn tất và được công bố hôm thứ Tư 21/02/2018 trước khi 11 thành viên ký kết vào ngày 08 tháng 03 tới. Nhiều đề nghị của Mỹ bị rút bỏ.
Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật, ông Kazuyoshi Umemoto trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 20/02/2018. Reuters/Toru Hanai
Theo AFP, trong văn bản thỏa thuận mới không có 22 điều lệ do Washington đề nghị, phần lớn liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền sáng chế thuốc men. Những thành viên còn lại trong TPP e ngại các biện pháp bảo vệ quyền lợi kinh tế của "nước Mỹ trước đã" của tổng thống Donald Trump sẽ làm giá thuốc leo thang.
Các nước còn lại trong TPP gồm Canada, Chilê, Mexico, Pêru, Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Úc và New Zealand. Trong năm 2016, trao đổi mậu dịch giữa 11 nước này lên đến 356 tỉ đôla. Tuy nhiên, TPP cũng buộc các nước thành viên như Mexico, Malaysia và Việt Nam phải cải thiện luật lao động, bảo vệ quyền lợi công nhân.
Washington không loại trừ khả năng trở lại với TPP. Tổng thống Donald Trump đòi một "hiệp định tốt hơn" nhưng các thành viên TPP, đứng đầu là Nhật Bản cho là "khó xảy ra trong ngắn hạn".
Hôm qua, trưởng đoàn đàm phán của Nhật Kazuyoshi Umemoto cảnh báo Hoa Kỳ là nếu muốn trở lại ghế thành viên của TPP thì phải chấp nhận luật chơi mới : Nếu Hoa Kỳ thay đổi lập trường thì sẽ được đón tiếp nhưng rất khó mà sửa đổi thỏa thuận.
Theo giới chuyên gia, TPP-11 vừa là một đối sách kinh tế cân bằng ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc, vừa là liều thuốc chống đường lối bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ.
Báo Washington Post, ngày hôm qua, cho biết, 25 thượng nghị sĩ Mỹ ký một bức thư kêu gọi lãnh đạo hành pháp "suy nghĩ lại" để Hoa Kỳ tái hội nhập TPP.
Tú Anh
**********************
Loại các ‘dấu vết’ Mỹ, TPP phiên bản cuối dự kiến ký kết ngày 8/3 (VOA, 21/02/2018)
Phiên bản cuối cùng của thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm cắt giảm rào cản thương mại ở một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vừa được công bố ngày 21/2, cho thấy hiệp định này đang tiến gần hơn tới hiện thực, dù cho không có thành viên chủ chốt là Hoa Kỳ, theo Reuters.
Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (trái) và Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi trong buổi họp về TPP bên lề Hội nghị APEC 2017 ở Đà Nẵng.
Hơn 20 điều khoản đã bị đình chỉ hoặc thay đổi trong phiên bản cuối, trong đó có các điều khoản về sở hữu trí tuệ do Washington đưa vào lúc ban đầu.
Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nguyên thủy với 12 thành viên đã rơi vào tình trạng bấp bênh hồi đầu năm ngoái khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận, nói rằng ông muốn tập trung vào ưu tiên bảo vệ công ăn việc làm ở Mỹ.
11 nước còn lại do Nhật Bản dẫn đầu đã hoàn thành một hiệp định thương mại được sửa đổi vào tháng 1 vừa rồi, đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thỏa thuận này dự kiến sẽ được ký kết tại Chilê vào ngày 8/3.
Thỏa thuận CPTPP sẽ cắt giảm thuế quan ở các nền kinh tế chiếm hơn 13% GDP toàn cầu, so với con số 40% nếu có Hoa Kỳ.
Giáo sư Luật tại Đại học Sydney Kimberlee Weatherall nói với Reuters :
"Thay đổi lớn của TPP-11 là rất nhiều điều khoản trong thỏa thuận ban đầu đã bị loại. Các nước còn lại đã đình chỉ nhiều điều khoản gây tranh cãi, đặc biệt là các điều khoản về dược phẩm".
Rất nhiều điều khoản thay đổi trước đó đã được đưa vào TPP-12 theo yêu cầu của các thương thuyết gia Mỹ, chẳng hạn như các điều khoản siết chặt bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho dược phẩm, điều mà một số chính phủ và các nhà hoạt động lo lắng sẽ khiến chi phí thuốc men tăng cao.
Thành công của thỏa thuận được các giới chức Nhật Bản và các nước thành viên khác quảng bá là một biện pháp chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang tăng ở Mỹ, trong khi các nước thành viên còn lại vẫn nuôi hy vọng là cuối cùng Washington sẽ tham gia trở lại.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker nhận định : "CPTPP trở nên quan trọng hơn vì những mối đe dọa đối với hoạt động hiệu quả của các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới".
Tháng trước, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra dấu hiệu rằng Washington có thể quay trở lại với hiệp định nếu có một thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên theo ông Parker, triển vọng Hoa Kỳ trở lại với thỏa thuận mậu dịch này trong hai năm tới là "khó có thể xảy ra", dù cho Washington bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP, không có gì bảo đảm là các thành viên sẽ hủy bỏ mọi thay đổi vừa đưa ra.
Ông Parker cho biết thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019.
Chính phủ các nước TPP-11 nhanh chóng quảng bá các lợi ích kinh tế của hiệp định.
Bộ trưởng thương mại Australia, Steven Ciobo, nói : "TPP-11 sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới cho Úc trên tất cả mọi lĩnh vực : nông nghiệp, sản xuất, khai thác mỏ, dịch vụ, và cùng lúc tạo ra những cơ hội mới trong khu vực mậu dịch tự do trải dài khắp Châu Mỹ và Châu Á".
Trong khi đó, chính phủ New Zealand dự kiến CPTPP sẽ thúc đẩy nền kinh tế của quốc đảo này lên khoảng 1,2 tỷ NZD (khoảng 881,40 triệu đôla Mỹ) đến 4 tỷ NZD mỗi năm. Trong đó, các nhà xuất khẩu trái kiwi và thịt bò nằm trong số những người hưởng lợi hàng đầu.
11 nước thành viên CPTPP gồm có : Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.