Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/03/2018

Điểm báo Pháp - Độc tài, chạy đua hạt nhân, bảo hộ mậu dịch

RFI tiếng Việt

Độc tài, chạy đua hạt nhân, bảo hộ mậu dịch : Ba ''xu thế lớn''

Thành tích kinh doanh của các tập đoàn lớn nhất của nước Pháp, với tổng tiền lời gần 100 tỉ euro, là hàng tựa trang nhất của Les EchosLe Monde hôm nay. Chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Pháp mang lại nhiều hứa hẹn, tựa lớn của La Croix. Le Figaro ám ảnh bởi "chiến tranh thương mại" toàn cầu có nguy cơ bùng phát sau tuyên bố của tổng thống Mỹ nâng mạnh thuế đối với thép và nhôm. Trước hết xin giới thiệu bài phân tích trên Le Monde tóm lược "ba xu thế lớn" của thế giới hiện nay, trong đó có vấn đề chiến tranh thương mại.

ba1

Chế độ độc đoán tại Bắc Kinh và chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Trump khiến thế giới lo ngại. Ảnh : cảnh tiếp đón chủ tịch Trung Quốc tại Mỹ, tháng 4/2017. Reuters/Joe Skipper

Giải mã xu thế vận động của thế giới đương đại, hay nói cách khác ghi nhận được "hơi thở của thời đại", là công việc vô cùng gian nan, ngay cả với các chuyên gia. Đây là điều mà nhà báo Alain Frachon của Le Monde – trong bài viết "Ba ngày trong thế giới chúng ta" - nhấn mạnh, nhưng ông cũng đồng thời khẳng định : Ba sự kiện lớn vừa diễn ra tại Bắc Kinh, Moskva và Washington, ít nhất cũng cho phép chúng ta khẳng định "ba xu thế lớn" của thế giới hiện nay. Đó là sự lên ngôi của các thế lực chính trị độc tài, sự trở lại của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và nguy cơ chiến tranh thương mại.

Sự kiện trước hết là tại Bắc Kinh, ngày 26/02, chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ cải cách Hiến pháp, bỏ quy định hai nhiệm kỳ tối đa đối với chủ tịch nước, mở đường cho ông Tập Cận Bình cầm quyền mãn đời. Kể từ những năm 1980, chế độ độc đảng Trung Quốc đề ra giới hạn hai nhiệm kỳ như một phương tiện chống độc tài trong nội bộ, và bảo đảm việc chuyển giao quyền lực diễn ra "không đảo chính", "không nội chiến". Theo nhà báo Le Monde, với việc hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ, nước Trung Quốc cộng sản đang ngày càng hướng đến một chế độ "độc đoán hơn".

Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo chính thức của chính quyền Trung Quốc, lớn tiếng cổ vũ cho một "chế độ độc đoán", mà tờ báo coi là một phần trong "cuộc chiến ý thức hệ" Trung Quốc đang tiến hành, trong bối cảnh các nền dân chủ "lâu đời hàng trăm năm" ở phương Tây bị coi là bước vào giai đoạn "suy tàn".

Sự kiện lớn đáng chú ý thứ hai, theo Alain Frachon, là tuyên bố của tổng thống Nga về tình hình nước Nga hôm 01/03, trong đó ông Putin có một bài phát biểu mang đậm phong cách của tổng thống Mỹ Donald Trump, khi khoe là "nút bấm" hạt nhân trong văn phòng của ông ta cũng to như của đồng nhiệm Hoa Kỳ. Để minh họa cho phát biểu của tổng thống Nga là hình ảnh một tên lửa đạn đạo vượt qua bao núi đồi và đại dương, với cách đích cuối cùng là miền tây nước Mỹ. Moskva đe dọa sẽ phát triển một thế hệ vũ khí hạt nhân mới "bất khả chiến bại", có thể vượt qua mọi hàng rào phòng thủ. Vào tháng trước, Washington cũng vừa công bố chiến lược hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân.

Sự kiện đáng chú ý thứ ba cũng diễn ra cùng vào ngày 01/03, theo nhà báo của Le Monde. Đó là việc tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ đánh thuế 25% với các mặt hàng thép nhập khẩu và 10% với nhôm, bất kể nguồn gốc từ đâu. Lệnh có hiệu lực trong hai tuần tới. Cho dù, cần phải tiếp tục theo dõi các diễn biến, để xem xem Washington hành xử cụ thể ra sao, nhưng trước hết có thể thấy rằng quyết định đơn phương của tổng thống Mỹ đang trực tiếp tấn công vào nguyên tắc đa phương của thương mại thế giới, bảo vệ tự do mậu dịch, vốn được coi là một trụ cột của các quan hệ quốc tế đương đại.

Theo Alain Frachon, ba sự kiện vừa diễn ra cho thấy các nguyên tắc của thời hậu Chiến Tranh Lạnh : tự do mậu dịch, giải trừ hạt nhân và sự lên ngôi của các nền dân chủ đang bị xâm phạm nghiêm trọng và có nguy cơ bị chôn vùi.

Mỹ lớn tiếng, Bắc Kinh đe trả đũa

Về cuộc chiến về thuế xuất nhập khẩu nói trên, Le Figaro có bài "Bắc Kinh dè chừng các tấn công khác từ Mỹ và đe dọa trả đũa". Trong lúc chính sách tăng thuế với thép và nhôm của Washington còn chưa chính thức được áp dụng, Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu, được coi là "một lĩnh vực chiến lược" của kinh tế Mỹ, cụ thể là nhắm vào hai mặt hàng đậu tương và cao lương. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 14 tỉ đô la đậu tương Mỹ. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng có lời bóng gió đe dọa là hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ tại Trung Quốc, như Apple hay Walmart cũng sẽ bị vạ lây, nếu nổ ra chiến tranh thương mại.

Trong khi đó, hôm thứ Tư vừa qua, Bắc Kinh – nhà xuất khẩu thép và nhôm số một thế giới - cùng với 17 thành viên khác của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới - họp tại Genève để bàn về cuộc khủng hoảng thép nhôm, đã ra tuyên bố yêu cầu Washington hủy bỏ chính sách này.

Sẵn sàng trả đũa, nhưng Bắc Kinh cũng chìa củ cà rốt, với việc cử một đoàn quan chức cấp cao thăm Mỹ vào tuần trước, đứng đầu là ông Lưu Hạc (Liu He), cố vấn thân tín của Tập Cận Bình, để tìm kiếm các nhân nhượng với Washington.

Cuộc chiến thép – nhôm có gây ra "chiến tranh thương mại toàn cầu" ?

Báo Le Figaro có bài giải đáp vấn đề này về nhiều góc độ, với bảy câu hỏi. Trước hết, chiến lược đánh thuế nặng vào nhôm và thép, để bảo vệ sản xuất nội địa, chính là điều mà ứng cử viên Donald Trump coi là một nguyên tắc bất di bất dịch, trong thời gian vận động tranh cử tổng thống. Tăng thuế để bảo vệ sản xuất nội địa, và cũng đồng thời chống lại nạn nhập siêu mà tổng thống Mỹ coi Trung Quốc là thủ phạm số một.

Tuy coi Trung Quốc như đối thủ số một, nhưng chính sách nâng thuế thép – nhôm của tổng thống Trump trên thực tế lại nhắm chủ yếu vào nhiều đồng minh của nước Mỹ, bởi Bắc Kinh chỉ là nhà cung cấp thép thứ 11 của Hoa Kỳ, và lượng thép Trung Quốc xuất sang Mỹ đã liên tục giảm kể từ 2011, do các biện pháp chống phá giá trước đó dưới thời Obama. Le Figaro cũng dự đoán các biện pháp trả đũa mạnh mẽ, tương xứng từ phía Liên Âu, nếu Hoa Kỳ áp đặt biểu thuế mới.

Theo Le Figaro, trong giai đoạn hiện tại khó dự đoán mức độ leo thang căng thẳng. Nếu vấn đề chỉ dừng ở lĩnh vực thép – nhôm, tác động sẽ rất giới hạn, tuy nhiên, dù chỉ có như vậy, điều này cũng tạo nên một không khí "bất ổn" toàn cầu. Theo nhà phân tích Sebastien Jean, giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế Pháp (CEPII), với sự dâng cao của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tất cả các bên đều sẽ thua, bởi bảo hộ dâng cao thúc đẩy lạm phát, các dây chuyền cung ứng quốc tế bị cắt đứt, đà cách tân kỹ nghệ bị bóp nghẹt…

Tổ Chức Thương Mại Thế giới có nguy cơ tê liệt

Trong lúc tác động đến nền kinh tế thế giới của chính sách nâng thuế thép – nhôm của Mỹ còn chưa rõ ràng, thì một trong nạn nhân đầu tiên của chính sách này có lẽ là Tổ Chức Thương Mại Thế giới (WTO), định chế làm nền tảng cho trật tự thương mại toàn cầu từ 20 năm nay.

Trên đây là ghi nhận của Les Echos. Theo báo kinh tế Pháp, định chế thương mại toàn cầu này có nguy cơ "tê liệt hoàn toàn trong nhiều tháng trời", do chính sách thuế của Mỹ, nhưng trước nhất là do việc việc Hoa Kỳ ngăn chăn bổ nhiệm ba thẩm phán về hưu của WHO.

Trong những tháng tới, sau khi một thẩm phán thứ tư về hưu, tại cơ quan phân xử các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên của WHO, sẽ chỉ còn ba thẩm phán tại vị, một người Mỹ, một Trung Quốc và một Ấn Độ. Mà theo quy định, để ra được các phán quyết phải có sự tham gia của ít nhất ba thẩm phán, trong đó không được có ai thuộc quốc tịch của quốc gia có liên quan. Nhìn dàn thẩm phán còn hoạt động nói trên, có thể thấy rõ sẽ không có bất cứ phán quyết nào có thể được đưa ra trong thời gian tới.

Tập Cận Bình thành "Phật sống" ở Thanh Hải ?

Trong lúc tổng thống Mỹ tấn công vào các định chế thương mại toàn cầu, thì tại Trung Quốc, chính quyền nằm trong tay ông Tập Cận Bình có hàng loạt biện pháp nhằm đưa chủ tịch Trung Quốc lên cương vị lãnh đạo tối cao, tuyệt đối.

Theo Le Figaro, đặc biệt đáng chú ý là thông tin về việc ông Tập Cận Bình được người dân du mục tại tỉnh Thanh Hải (Qinghai), tây bắc Trung Quốc, tôn thờ như "Phật sống", theo lời kể của bí thư Đảng tỉnh Thanh Hải, bên lề cuộc họp Quốc Hội thường niên, đang diễn ra, vừa được mạng xã hội WeChat truyền đi.

Tại sao lại là ở tỉnh Thanh Hải ? Le Figaro cho hay : Thanh Hải là nơi có rất đông đảo người dân tộc Tây Tạng sinh sống, cũng là nơi Đức Đạt Lai Lạt Mai – người có uy tín rất lớn trong cộng đồng Tây Tạng - ra đời. Ngày 10 tháng Ba sắp tới là ngày kỉ niệm cuộc nổi dậy của người Tây Tạng chống ách đô hộ Trung Quốc năm 1959.

Có thật đông đảo người dân Thanh Hải coi ông Tập Cận Bình là "Phật sống" hay không ? Hiện tại khó có câu trả lời, nhưng theo Le Figaro, tại Trung Quốc nhiều người lo ngại rằng cứ đà này, chẳng mấy chốc Tập Cận Bình sẽ trở thành một "Mao Trạch Đông mới", với biết bao hậu quả của nạn sùng bái lãnh tụ.

Nghi án Nga can thiệp Mỹ : Gái mãi dâm Belarus tiết lộ

Cũng về vấn đề tin đồn, các tin tức chưa được kiểm chứng, báo Le Monde đưa tin : một gái mãi dâm – người Belarus, đang bị giam giữ tại Thái Lan – tiết lộ là sẵn sàng cung cấp cho Hoa Kỳ nhiều bằng chứng cho thấy Moskva can thiệp vào bầu cử Mỹ hồi 2016.

Cô Nastya Rubka, 28 tuổi, có nhiều quan hệ với giới đại gia Nga, bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ tại thành phố du lịch ăn chơi nổi tiếng Pattaya. Trong cuộc trả lời phỏng vấn New York Times tại nhà giam ở Bangkok, nữ công dân Belarus khẳng định nắm trong tay hơn 16 giờ ghi băng các đàm thoại giữa cô với nhiều nhà tài phiệt Nga. Nastya Rubka nhấn mạnh là nếu được Hoa Kỳ bảo hộ cô sẵn sàng thông tin hết, đồng thời cho biết rất sợ trở về Nga.

Một trong các nhà tài phiệt Nga - quan hệ với cô gái bán dâm Belarus - bị cáo buộc có liên hệ với chính ông Paul Manafort, cựu lãnh đạo chương trình tranh cử của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Tin giả" đi nhanh hơn tin thật

Về tin giả, Le Figaro có bài phân tích thú vị, nói về kết quả điều tra đầu tiên cho thấy trên mạng Twitter, "tin giả" đi nhanh hơn, được nhiều người tiếp nhập hơn so với tin thật. Nghiên cứu do nhóm ba nhà nghiên cứu của Massachusetts Institute of Technology de Camdrige (Viện MIT, Mỹ) thực hiện, công bố trên tạp chí Science, 09/03.

Twitter cũng được coi là mạng xã hội mà tình báo Nga từng sử dụng rộng rãi để tấn công ứng cử viên tổng thống Mỹ, cựu ngoại trưởng Clinton.

Tổng thống Pháp đi Ấn

Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp cũng chú ý đến chuyến công du New Delhi của tổng thống Pháp. "Kinh tế, khí hậu và an ninh : ba ưu tiên của Macron tại Ấn Độ" nhấn mạnh là quan hệ song phương Pháp - Ấn còn rất nhiều tiềm năng phát triển, bởi Ấn Độ đang phát triển với tỉ lệ cao 7,5%, và từ nay đến 2050, sẽ có thêm khoảng 500 triệu người Ấn sống tại đô thị. Tuy nhiên, khác với các tập đoàn lớn, đối với nhiều doanh nghiệp trung bình của Pháp, thị trường Ấn Độ vẫn còn là một thế giới "bí ẩn".

Một trong các thách thức chính trước mắt của quan hệ Pháp-Ấn là khởi sự thành công Liên minh Năng lượng mặt trời, dự kiến chính thức khai trương Chủ Nhật này. Sáng kiến Liên minh Năng lượng mặt trời được các lãnh đạo Pháp và Ấn Độ chủ trương bên lề thượng đỉnh Khí hậu lịch sử COP 21 (Paris, tháng 12/2015).

Liên minh mở ra cho 121 nước nhiệt đới và cận nhiệt đới tham gia. Hiện tại đã có 30 nước phê chuẩn thỏa thuận khung (1).

Vì sao Liên minh Năng lượng mặt trời quan trọng ?

Trả lời Les Echos, một lãnh đạo ngân hàng Anh Quốc HSBC (ông Christian Deseglise) giải thích "(một phần) cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ được quyết định tại tiểu lục địa Ấn Độ". Theo ông, lý do là, nếu như nhu cầu năng lượng của Trung Quốc có thể sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới, thì nhu cầu năng lượng Ấn Độ, cũng như nhiều quốc gia đang trỗi dậy sẽ còn tăng lên mạnh mẽ. Bài học thành công của Ấn Độ - với dân số đông thứ nhì thế giới - nếu xảy ra, sẽ trở thành một động lực lớn đối với các nước đi sau.

Hiện tại đầu tư cho năng lượng mặt trời đã rẻ chỉ còn một phần mười so với cách đây 10 năm, nhưng cái khó lớn của điện mặt trời là các dự án thường là nhỏ, rải rác, nên khó huy động tài trợ. Vấn đề chủ yếu hiện nay là, để thúc đẩy năng lượng mặt trời phát triển mạnh cần huy động được vốn. Mà để làm được điều này phải tạo ra được các cơ chế cho phép hợp nhất hàng loạt dự án nhỏ, để thu hút đầu tư. Liên minh Năng lượng mặt trời chính là cơ hội hy hữu cho phép tạo sự hợp nhất như vậy.

Cùng với năng lượng gió, việc phổ biến thành công năng lượng mặt trời là yếu tố quyết định cho sự thành công của Thỏa thuận Khí hậu Paris, điều "mang ý nghĩa sống còn đối với nhân loại".

Trọng Thành

(1) Xem thêm : http://isolaralliance.org

Quay lại trang chủ
Read 576 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)