Tổng thống Mỹ Donald Trump thay ngoại trưởng (RFI, 13/03/2018)
Trên mạng Twitter hôm nay, 13/03/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo đã bổ nhiệm giám đốc cơ quan tình báo CIA Mike Pompeo làm tân Ngoại trưởng, thay thế ông Rex Tillerson.
Ông Rex Tillerson (T) rời khỏi chức ngoại trưởng Mỹ, nhường chỗ cho nguyên giám đốc CIA, Mike Pompeo ngày 13/03/2018. Reuters/Jonathan Ernst (L) Aaron P. Bernstein (R)
Theo lời tổng thống Trump, trong cương vị giám đốc CIA, ông Pompeo rất xứng đáng được cả hai đảng khen ngợi, vì ông đã "tăng cường việc thu thập thông tin, hiện đại hóa khả năng tấn công và phòng thủ của Hoa Kỳ".
Ông Trump cũng thông báo bổ nhiệm bà Gina Haspel làm tân giám đốc CIA. Bà là phụ nữ đầu tiên lên lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ.
Giải thích về việc thay ngoại trưởng, một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết là tổng thống Hoa Kỳ muốn lập một êkíp mới để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến vào cuối tháng 5.
Một quan chức của chính quyền Hoa Kỳ tiết lộ là ông Trump đã yêu cầu ngoại trưởng Tillerson từ chức từ thứ Sáu tuần trước, nhưng đợi đến khi ông Tillerson công du Châu Phi trở về rồi mới chính thức thông báo.
Nguyên là cựu chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, ông Tillerson đã giữ chức ngoại trưởng Mỹ khi tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng Giêng 2017.
Quan hệ giữa ngoại trưởng Tillerson với tổng thống Trump chưa bao giờ êm thắm, vì giữa hai ông có nhiều bất đồng trên các hồ sơ quốc tế, đặc biệt là Bắc Triều Tiên hay Iran.
Thanh Phương
******************
Tổng thống Trump sa thải ngoại trưởng Tillerson (RFA, 13/03/2018)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson vào ngày 13 tháng 3 bị tổng thống Donald Trump bãi chức sau một loạt những bất đồng về các chính sách Bắc Hàn, Nga và Iran.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Nigeria ở Abuja hôm 12/3/3018. AFP
Người thay thế cho ông Rex Tillerson ở cương vị đứng đầu ngành ngoại giao nước Mỹ mà tổng thống Trump chọn là ông Mike Pompeo, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ-CIA.
Việc thay thế ngoại trưởng như vừa nêu là thay đổi lớn nhất trong nội các chính phủ của ông Donald Trump kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng giêng năm 2017.
Reuters loan tin ông Rex Tillerson ra đi sau nhiều tháng có xung khắc với Tổng thống. Căng thẳng giữa Tổng thống và vị Ngoại trưởng mới bị bãi chức được cho là lên đến đỉnh điểm vào mùa thu năm ngoái khi ông Tillerson gọi ông Trump là ‘kẻ to xác mà nhỏ não’, đồng thời cho biết muốn từ chức.
Vào ngày thứ ba 13 tháng 3, tổng thống Donald Trump lên tiếng cho rằng trong thỏa thuận với Iran, bản thân Tổng thống thấy khủng khiếp thế nhưng ông đoán là Ngoại trưởng lại cho là được. Trong vấn đề này hai người có suy nghĩ không giống nhau.
Trong khi đó thì tổng thống Trump cho rằng bản thân ông và giám đốc CIA Mike Pompeo lại có tiến trình tư duy giống nhau.
**********************
Tổng thống Trump sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson (VOA, 13/03/2018)
Tổng thống Trump đã sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson, và đưa Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Mike Pompeo, lên thay, báo chí Mỹ dẫn lời quan chức Nhà Trắng đưa tin hôm 13/3.
Ông Mike Pompeo (trái) sẽ lên thay ông Rex Tillerson tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tờ Washington Post nhận định rằng đây là một sự thay đổi lớn trong đội ngũ chuyên trách về an ninh quốc gia Mỹ, trong bối cảnh Hoa Kỳ tiến hành các cuộc đàm phán đầy nhạy cảm với Bắc Hàn.
Ông Trump hôm 9/3 yêu cầu ông Tillerson từ chức, và nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đã phải cắt ngắn chuyến thăm Châu Phi để trở về Washington hôm 12/3.
Tin cho hay, ông Pompeo sẽ thay ông Tillerson tại Bộ Ngoại giao Mỹ, và bà Gina Haspel, Phó giám đốc CIA, sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên lên lãnh đạo cơ quan tình báo này.
Trong một tuyên bố gửi tới tờ the Washington Post, ông Trump ca ngợi cả ông Pompeo và bà Haspel.
"Tôi tự hào đề cử Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mike Pompeo làm tân Ngoại trưởng của chúng ta", ông Trump nói.
"Gina Haspel, Phó Giám đốc CIA, sẽ được đề cử lên thay Giám đốc Pompeo và bà sẽ trở thành nữ giám đốc đầu tiên của CIA, một cột mộc lịch sử. Mike và Gina đã làm việc cùng nhau trong hơn một năm và đã phát triển một mối quan hệ tôn trọng nhau".
Trên Twitter, Tổng thống Trump ngỏ lời "cám ơn" ông Rex Tillerson vì đã phụng sự đất nước.
Tổng thống Trump tại lễ nhậm chức của ông Tillerson hồi tháng Hai năm 2017.
Hãng tin Reuters nhận định rằng cú thay đổi nội các lớn nhất từ trước tới nay này trong chính quyền của ông Trump đã râm ran từ tháng Mười năm ngoái, sau khi xuất hiện tin tức về mối bất đồng giữa cựu giám đốc điều hành công ty dầu khí ExxonMobil và "ông chủ" Nhà Trắng.
Nguyên thủ Mỹ khi ấy cho biết đã nói với ông Tillerson đừng tốn thời gian tìm cách đàm phán với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, sau khi nhà ngoại giao này tiết lộ rằng Hoa Kỳ đã liên lạc trực tiếp với Bình Nhưỡng về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.
Mới nhất, hôm 12/3, các bình luận của ông Tillerson về việc Nga "rõ ràng" dính líu tới vụ hạ độc một cựu điệp viên hai mang Nga và con gái của ông này ở Anh dường như cũng trái ngược với Nhà Trắng.
*********************
Syria : Mỹ "sẵn sàng hành động" nếu Hội Đồng Bảo An bị tê liệt (RFI, 13/03/2018)
Dự thảo nghị quyết về lệnh hưu chiến ở Syria được Hội Đồng Bảo An thông qua cách nay hai tuần, nhưng vẫn chưa được triển khai trên thực địa. Liên Hiệp Quốc đã quy trách nhiệm cho Moskva, đồng minh của chế độ Damas. Trong phiên họp công khai của Hội Đồng Bảo An diễn ra ngày 12/03/2018 tại New York, Mỹ đã soạn dự thảo nghị quyết mới theo đó một lệnh ngưng bắn phải được Damascus áp dụng ngay lập tức ở Ghouta. Washington đe dọa sẽ tiến hành các đợt oanh kích ở Syria nếu Hội Đồng Bảo An không hành động.
Hội Đồng Bảo An họp về Syria tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ), ngày 12/03/2018. Reuters/Mike Segar
Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau giải thích :
"Nga phải "ngồi trên ghế bị cáo" tại Liên Hiệp Quốc, hai tuần sau khi Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu thông qua lệnh hưu chiến mà Moskva không muốn thông qua, hoặc không muốn triển khai trên thực địa. Theo các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Quốc, sự nhượng bộ của Nga chưa đủ, nên Mỹ đã công khai gia tăng sức ép đối với Moskva.
Bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc phát biểu : "Chúng tôi cảnh báo bất kỳ nước nào muốn đạt ý đồ của mình thông qua các vụ tấn công hóa học và bắt người khác phải chịu đựng nỗi đau một cách vô nhân đạo. Chúng tôi đặc biệt cảnh báo chế độ Syria vốn hoạt động ngoài pháp luật, rằng Hoa Kỳ luôn sẵn sàng hành động nếu cần".
Chính quyền Mỹ đe dọa thẳng là sẽ tiến hành các vụ oanh kích, giống như họ đã từng làm sau vụ tấn công vũ khí hóa học ở Khan Cheikhoun cách nay một năm. Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi điện Kremlin hành động để chấm dứt các vụ tàn sát.
Ông phát biểu : "Chúng ta đều biết là nước Nga có ảnh hưởng trên chế độ Damascus và cũng có tham gia vào các chiến dịch ở Syria, cho nên Nga có khả năng thuyết phục chế độ Syria bằng cách gây mọi sức ép cần thiết để ngưng các cuộc tấn công trên bộ và trên không".
Mỹ đã thông báo là họ sẽ đề nghị bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết về lệnh ngưng bắn ngay lập tức. Rất có thể dự thảo nghị quyết sẽ bị Nga phủ quyết, và tạo cho Mỹ một lý do để lại can thiệp quân sự vào Syria".
Để đáp trả đe dọa của Mỹ, hãng tin Nga RIA loan tin ông Valéri Guerassimov, tổng tham mưu trưởng quân đội Nga hôm nay 13/03/2018 cảnh báo sẽ ra lệnh phản công nếu an ninh của binh lính Nga tại Syria bị đe dọa.
Trong khi đó, Ankara và Đài quan sát nhân quyền Syria hôm nay thông báo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy Syria - đồng minh của Ankara - đang vây hãm thành phố Afrin à các làng mạc xung quanh và tiến hành thương lượng với Mỹ về việc các chiến binh người Kurdistan rút khỏi tỉnh Manbij, ở phía tây Syria.
Thùy Dương
**********************
Mỹ lại đe dọa Syria về việc dùng vũ khí hóa học (RFI, 12/03/2018)
Bất chấp nghị quyết hưu chiến nhân đạo của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, khu vực đông Ghouta vùng ngoại ô thủ đô Syria tiếp tục bị quân đội chế độ Damascus tấn công. Trong những ngày qua, có thông tin cho rằng chính quyền Syria lại dùng đến vũ khí hóa học. Hôm qua, 11/03/2018, Washington, qua lời Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis, đã lớn tiếng cảnh cáo chế độ Syria là không nên dùng vũ khí hóa học đánh vào dân thường.
Đông Ghouta sau một đợt oanh kích ngày 10/03/2018. Sana/Handout via Reuters
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier giải thích :
"Vào tháng 4 năm 2017, những bức ảnh về thảm họa do một cuộc tấn công bằng khí độc sarin đã khiến tổng thống Mỹ Donald Trump bị chấn động. Ông đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch trả đũa đáng kể nhắm vào một căn cứ không quân Syria.
Nhưng một năm sau đó, chế độ của Bachar al-Assad có vẻ như vẫn sử dụng vũ khí hoá học, cụ thể là chất clo. Nhìn chung, các vụ oanh kích của lực lượng chính phủ Syria nhắm vào phiến quân ở vùng đông Ghouta đã khiến hơn một nghìn người chết trong ba tuần lễ.
Vì vậy, vào hôm 11/03, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã có hai phản ứng. Dù không nói thẳng là sẽ dùng đến quân đội Mỹ, nhưng tướng James Mattis đã cảnh báo chế độ Syria rằng họ sẽ "rất sai lầm" nếu sử dụng vũ khí hóa học đánh vào thường dân.
Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ thái độ tức giận đối với Moskva, vì theo ông, nếu không có Nga thì "Bachar al-Assad không thể trụ lại cho đến giờ".
Không chỉ bảo vệ chế độ Damascus bằng quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc và sự hỗ trợ quân sự, mà Nga còn gần như là tòng phạm trong việc sử dụng vũ khí hóa học, thay vì phải ngăn đồng minh dùng đến loại vũ khí này. Ông Mattis nhấn mạnh : hoặc là Nga bất tài, hoặc là Nga đang hợp tác với tổng thống Syria.
Hôm nay, Liên Hiệp Quốc sẽ đưa ra một bản báo cáo về việc thực thi lệnh ngừng bắn do Hội Đồng Bảo An yêu cầu cách nay 15 ngày. Thất bại rõ ràng trong việc áp dụng hưu chiến có thể thức đẩy Hoa Kỳ can thiệp mạnh hơn".
Vào lúc Hoa Kỳ cứng giọng đe dọa, quân đội Nga hôm qua loan báo đã di tản được khoảng 50 thường dân Syria ra khỏi vùng chiến sự ở Đông Ghouta, sau khi đàm phán được với các giới chức địa phương.
Hôm nay, nhóm Djaich al Islam, một trong hai lực lượng phiến quân chính ở đông Ghouta, xác nhận việc họ đã đạt một thỏa thuận với phía Nga về việc cho di tản những người bị thương ra khỏi vùng chiến sự.
Trọng Nghĩa