Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/03/2018

Điểm báo Pháp - Putin không cải cách nổi Nhà nước Nga

RFI tiếng Việt

Putin không cải cách nổi Nhà nước Nga

Đòn phản công "giới hạn" của Anh chống Nga trong nghi án đầu độc cựu gián điệp, tổng thống Trump nhắm tăng thuế với 60 tỉ hàng hóa Trung Quốc, chủ trương "xóa bỏ" quy chế đặc biệt dành cho nhân viên hỏa xa của chính phủ Pháp vấp phải phản ứng quyết liệt từ các nghiệp đoàn là một số tít lớn.

putin1

Trang bìa một cuốn sách mới về tổng thống Nga : "Vivre avec Putin/Sống với Putin" của Claude Blanchemaison.© Editions Temporis

Nước Nga, trước cuộc bầu cử tổng thống Chủ Nhật tới 18/03/2018, với phần thắng được xem như chắc chắn thuộc về ông Putin, là chủ đề thu hút hầu hết các báo. Les Echos có bài phân tích về "những thất vọng", "bất an" tràn ngập xã hội Nga, trái ngược với các tuyên truyền của Moskva.

"Putin hay sự thất bại của hiện đại hóa" của Les Echos mở đầu với một cuộc trò chuyện thân mật giữa một nhóm đồng nghiệp xung quanh tách cà phê. Tất cả đều chắc chắn là Putin sẽ lại tái đắc cử, nhưng mặt khác tất cả cũng đều phẫn nộ về tình trạng "kinh tế bế tắc", "chính trị tù đọng", và "mong mỏi xã hội được tự do hơn", họ lo ngại thế đối đầu giữa Nga với phương Tây không biết đến khi nào mới dứt.

Những nhân vật trong câu chuyện mà Les Echos thuật lại không phải là các nhà ly khai, họ làm việc cho một tập đoàn năng lượng lớn của Nhà nước Nga, có lương bổng hậu hĩnh. Tất cả đều được hưởng lợi nhờ hai thập niên "ổn định" dưới thời Putin, sau thập niên "hỗn loạn" những năm 1990 hậu Xô Viết. Tuy nhiên, tất cả đều quyết định sẽ không bầu cho ông Putin ngày Chủ Nhật tới. Một người trong số họ giải thích : "ổn định mà điện Kremlin bảo đảm nay không còn đủ nữa".

Theo Les Echos, thái độ bất mãn nói trên là rất phổ biến trong xã hội Nga, trước thềm bầu cử, đặc biệt trong "tầng lớp trung lưu mới". Thái độ này có xu hướng ngày càng gia tăng. Lý do chính là vì hệ thống chính trị hiện hành tại Nga "bất lực trong việc tự thay đổi", tiến hành các cải cách khẩn cấp để xây dựng một Nhà nước pháp quyền và giải phóng nền kinh tế.

Về kinh tế, Les Echos ghi nhận một phát biểu rất lạ thường mới đây của thủ tướng Medvedev, chống lại việc "tư nhân hóa", tại một diễn đàn kinh tế. Thủ tướng Nga từng một thời được coi là đại diện cho xu thế cải cách. Trên thực tế, hiện tại 70% kinh tế Nga phụ thuộc vào chính quyền, so với 50% cách đây ít năm.

Theo Les Echos, ông Putin chắc chắn sẽ tiếp tục tại vị, nhưng ông sẽ không thể trả lời được ba câu hỏi lớn. Thứ nhất là nước Nga hình dung thế nào về vị trí của mình trong thế giới, ngoài các khiêu khích chống phương Tây ? Thứ hai là dự án kinh tế nào cho nước Nga, ngoài nguồn lợi chủ yếu từ dầu mỏ lâu nay ? Và thứ ba là tổng thống Putin sẽ chuẩn bị thế nào cho việc chuyển tiếp quyền lực sau hơn 20 năm cai trị ?

Giới tinh hoa Nga co lại

Les Echos nhận xét : Tổng thống Nga là một "nhà chiến thuật giỏi hơn là một nhà chiến lược tài ba", nước Nga Putin thành thạo trong các ứng xử tùy thời trong hiện tại, nhưng không táo bạo trong các dự phóng hướng đến tương lai. Nước Nga chắc chắn có rất nhiều tiềm năng gây bất ngờ, nhưng vấn đề là kể từ thời điểm Moskva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, giới tinh hoa Nga "dường như đang sống co lại", tách rời khỏi thực tại, cự tuyệt cải cách.

Trái ngược với nỗi bất an, thất vọng phổ biến trong xã hội, cuộc tranh cử tổng thống Nga, theo Les Echos, thực chất chỉ là một màn trình diễn hoành tráng, với nhiều ứng cử viên do chính điện Kremlin dựng lên cho vở tuồng thêm màu mè.

Thứ nhất là nữ ứng cử viên Ksenia Sobtchak, với lập trường có vẻ tự do, thân phương Tây, nhưng mục tiêu chính điện Kremlin đưa nhân vật này ra là để che khuất nhà đối lập thực sự, ông Alexei Navalny thân Châu Âu, người bị tước quyền ứng cử.

Nhân vật thứ hai Pavel Grudinin, nổi tiếng là một "nhà cộng sản triệu phú", được dựng lên nhằm quyến rũ nhóm cử tri cánh tả có quan điểm thân phương Tây. Tuy nhiên, để hãm bớt ảnh hưởng đang ngày càng mạnh của "nhà cộng sản triệu phú", truyền thông Nhà nước Nga không ngừng đưa ra các chiêu trò bôi nhọ ông.

Thế hệ trẻ thờ ơ với Putin

Về cuộc bầu cử tổng thống Nga, Le Figaro có bài giới thiệu một số gương mặt chính, trong cuộc bỏ phiếu ngày mai. Trong khi đó, La Croix có hai bài phóng sự thú vị. Bài thứ nhất nói về những suy nghĩ của giới trẻ Nga, từ 18 đến 25 tuổi. Phóng sự cho thấy đa số những người lớn lên dưới thời Putin có thái độ rất dè dặt với chính trị, đặc biệt là cảnh giác với các tuyên truyền của điện Kremlin.

Lôi kéo cử tri : Muôn hình muôn vẻ

Phóng sự thứ hai cho biết, trước sự thờ ơ của xã hội Nga, Moskva đã sử dụng hàng loạt thủ đoạn để huy động cử tri đi bỏ phiếu. La Croix thuật lại, kể từ tháng Hai đến nay, nhiều đoạn video rất lạ đời, không rõ xuất xứ, được các diễn viên chuyên nghiệp đóng vai, rất phổ biến trên các mạng xã hội Nga.

Trong số đó, có một đoạn phim mô tả cơn ác mộng của một người không đi bỏ phiếu ngày 18/03. Nhiều quân nhân mang trang phục như thời cộng sản đến gõ cửa bắt ông đi lính, ắt hẳn theo lệnh của một tân tổng thống theo cộng sản. Hoảng sợ, chạy vào bếp, ông bất ngờ gặp phải một người đồng tính đã chiếm hữu vị trí này không biết từ lúc nào, ắt hẳn là theo luật mới do một lãnh đạo thân phương Tây ban bố. Tỉnh dậy, thoát cơn ác mộng, cử tri này vội vã chạy đi bỏ phiếu.

Có khoảng một chục đoạn video tương tự được tung ra để đánh đòn cân não.

Bà Clémentine Fauconnier, chuyên gia về Nga của Trường EHESS, nhận xét : Sau thất bại thảm hại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử 2016 (với kết quả dưới 50% lần đầu tiên kể từ khi Putin lên nắm quyền), Kremlin tìm mọi cách để chống nạn vắng mặt, với các biện pháp muôn hình, muôn vẻ.

Từ tổ chức thi chụp ảnh selfie trong phòng bỏ phiếu, để tranh giải điện thoại di động Iphone 10, hay tặng vé đi xem buổi hòa nhạc thời thượng của Egor Kreed, một nhân vật rất được giới trẻ hâm mộ, hay tổ chức các buổi trưng cầu dân ý địa phương về xây dựng các công trình phúc lợi, như công viên, nhà hát, trùng với ngày bầu cử…

Trump đe kiện Trung Quốc ra WHO

Sau khi tấn công Liên Hiệp Châu Âu với đe dọa tăng thuế thép-nhôm, đến lượt Trung Quốc là đích nhắm của chính quyền Donald Trump.

Theo Les Echos, Washington sẽ tăng thuế đối với khoảng 30 đến 60 tỉ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu. Chính quyền Trump tố cáo Bắc Kinh gây thiệt hại cho Mỹ đến 30 tỉ đô la/năm, do xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là bắt buộc các doanh nghiệp Mỹ nào muốn kinh doanh tại Trung Quốc phải "chuyển giao công nghệ".

Washington dự định đưa vụ việc ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nhằm thu hút sự tham gia của một số quốc gia khác, cũng là nạn nhân của Trung Quốc (điều trớ trêu là theo nhiều nhà quan sát, chính cơ quan trọng tài của WTO có nguy cơ bị tê liệt trong những tháng tới, do thiếu thẩm phán, mà Mỹ lại chính là quốc gia cản đường việc bổ nhiệm - người viết).

Hai câu hỏi mà Les Echos đặt ra là : Liệu chủ trương mới của Donald Trump có được "các đồng minh" - như Châu Âu hay Hàn Quốc - ủng hộ hay không, đúng vào lúc họ vừa bị Washington tấn công trong lĩnh vực nhôm - thép ?

Thứ hai là các nghiệp đoàn thuộc các ngành công nghiệp của Mỹ, tuy bất mãn với Trung Quốc, nhưng cũng rất lo ngại về các biện pháp tăng thuế có thể dẫn đến các trả đũa từ Bắc Kinh.

Trung Quốc : Mở rộng "chống tham nhũng" theo kiểu Tập Cận Bình

Vẫn về Trung Quốc, Le Figaro tiếp tục theo dõi các diễn biến của Quốc hội Trung Quốc, sẽ kết thúc vào tuần tới, với bài "Bắc Kinh mở rộng cuộc chiến chống tham nhũng". Luật xử "công chức tham nhũng" sẽ được thông qua đầu tuần tới.

Với luật mới, "cuộc chiến chống tham nhũng" theo kiểu Tập Cận Bình giờ đây sẽ nhắm vào toàn bộ giới công chức, viên chức, thay vì chỉ là 90 triệu đảng viên Đảng cộng sản như trong 5 năm vừa qua.

Luật chống tham nhũng mới dự kiến sẽ chỉ cho phép tạm giữ nghi phạm tối đa là 6 tháng. Quy định "song quy" (shuangui) của Ủy ban Kiểm tra trung ương, hoàn toàn nằm ngoài hệ thống pháp lý, đã dẫn đến rất nhiều trường hợp giam giữ vô thời hạn, và tra tấn nhằm ép cung. So với cách xử lý nội bộ nói trên, tuy luật mới có vẻ như minh bạch hơn, nhưng nhiều luật sư, nhà bảo vệ nhân quyền lo ngại luật sẽ không cản được các lạm quyền phổ biến.

Luật chống tham nhũng mới sẽ tăng gấp đôi số đối tượng bị theo dõi. Kể từ giờ các các công chức có thể bị bắt bất cứ lúc nào, trong các điều kiện mờ ám. Theo một chuyên gia Trung Quốc, hệ quả chính của nỗ lực chống tham nhũng theo kiểu Tập Cận Bình là "hủy bỏ thực sự ranh giới vốn đã rất mỏng manh giữa Đảng cộng sản và Nhà nước tại Trung Quốc".

Đàm phán Trump - Kim : "Phi hạt nhân hóa" mỗi bên hiểu một khác

Vẫn về thời sự Châu Á, Le Monde có phân tích đáng chú ý của nhà báo Alain Frachon về các khả năng đàm phán giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, với cuộc gặp dự kiến vào tháng 5.

Nhà báo Le Monde nhấn mạnh đến những cách hiểu rất khác nhau giữa hai bên xoay quanh thuật ngữ chung "phi hạt nhân hóa" bán đảo Triều Tiên, mà hai bên tạm thời đồng ý.

Nếu như đối với Donald Trump, phi hạt nhân hóa có nghĩa là Bình Nhưỡng phải từ từ dỡ bỏ hoàn toàn hệ thống vũ khí hạt nhân, trong khi đó, với Bắc Triều Tiên, việc phi hạt nhân hóa rất có thể sẽ phải đi kèm với việc Hoa Kỳ triệt thoái 30.000 binh sĩ tại Hàn Quốc, cũng có nghĩa là "giải trừ quân bị" song phương. Le Monde hoài nghi khả năng lèo lái của Donald Trump.

Nghi án cựu điệp viên Nga trúng độc : Khủng hoảng còn dài

Trở lại thời sự Châu Âu, nghi án cựu điệp viên Nga bị đầu độc tiếp tục ám ảnh quan hệ phương Tây - Nga. Theo Le Monde, chính quyền Anh đã có phản ứng chừng mực với Moskva, với việc trục xuất 23 nhà ngoại giao. Hành động được đánh giá là một cuộc phản công, nhưng Luân Đôn vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Xã luận Le Monde nhấn mạnh là phương Tây đoàn kết trong một mặt trận chung, đối mặt với Moskva, qua các phản ứng tức thời của lãnh đạo khối NATO, của Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng dự đoán đây sẽ là "một cuộc khủng hoảng kéo dài và sâu rộng, vượt xa khỏi mối quan hệ song phương giữa Luân Đôn và Moskva".

Văn học Nga : Kremlin triển khai "quyền lực mềm", gạt bỏ tác phẩm phản kháng ?

Le Monde dành phụ trương đặc biệt cho văn học Nga, nhân dịp bầu cử tổng thống, nhưng cũng là dịp nước Nga là "khách mời danh dự" của Triển lãm Sách Paris 2018, vừa khai mạc hôm 16/03 (sẽ diễn ra đến 19/03).

Bài "Phổ biến văn học Nga như một quyền lực mềm" giới thiệu chiến lược đưa văn học cổ điển Nga ra nước ngoài, được khởi sự từ năm 2012. Theo đó Cơ quan xuất bản Nga tài trợ toàn bộ cho việc dịch và ấn hành của hơn một trăm đầu sách, do nhà xuất bản các nước lựa chọn trong số 150 cuốn mà phía Nga đề xuất. Dự án đã được khởi sự tại Trung Quốc, Mỹ và Anh, và giờ đến lượt Pháp.

Việc dịch thuật các tác phẩm văn học cổ điển hiển nhiên là chuyện đáng được khuyến khích, có lợi cho hình ảnh nước Nga - quốc gia có một nền văn học cổ điển đáng ngưỡng mộ, thế nhưng nhiều người cảnh giác trước việc Kremlin gạt các tác giả có quan điểm "chống độc tài" ra ngoài.

Tương tự trong cuộc Triển lãm Sách Paris, mà Nga là khách mời danh dự, Le Monde nhận thấy rất nhiều tên tuổi lớn của văn học Nga vắng mặt trong đoàn khách mời chính thức. Nhà văn nổi tiếng Boris Akunin cũng nhận lời mời, nhưng là khách mời riêng của một nhà xuất bản Pháp.

Cũng trong phụ trương này, Le Monde chọn giới thiệu một tác giả lớn của nền văn học Nga. Nhà thơ Ossip Madenstam, với toàn bộ tác phẩm như một lời thách thức trực diện nhắm vào lãnh đạo độc tài Stalin. Ông chết năm 1938, trong một trại tập trung. Ossip Madenstam đã dành những vần thơ tha thiết nhất để ngợi ca cuộc sống ngay cả trong cảnh khốn cùng.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 661 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)