Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/03/2018

Điểm báo Pháp - Thế giới của Trump và Putin

RFI tiếng Việt

Thế giới của Trump và Putin không có giải pháp nửa mùa

Cuộc tuần hành của thế hệ trẻ tại Mỹ "nổi dậy" chống buôn súng, vụ khủng bố đẫm máu tại miền nam nước Pháp hồi cuối tuần, nguy cơ chiến tranh thương mại, tham vọng của Trung Quốc lấn áp Châu Âu, xung khắc địa chính trị Nga - Mỹ. Trên đây là những chủ đề nóng trên báo Pháp ngày đầu tuần 26/03/2018.

putintrump1

(Ảnh minh họa) - Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, tháng 07/2017 à tại Hambourg, nhân thượng đỉnh G20.REUTERS/Carlos Barria/File Photo

Trước hết, vụ khủng bố đẫm máu tại miền nam nước Pháp gần Carcassonne hôm thứ Sáu 23/03 vẫn vang động trên báo chí Pháp. Bên cạnh di ảnh của trung tá hiến binh Arnaud Beltrame, Le FigaroLa Croix chạy cùng một tựa : Toàn quốc vinh danh một anh hùng. Le Monde lo âu với tựa "cho dù Daesh thua, nhưng khủng bố vẫn tồn tại". Nhật báo độc lập kêu gọi : Dân Pháp phải đoàn kết chống thánh chiến.

Lòng tham của Trung Quốc

Nhưng theo quan điểm của báo chí Pháp, điều nguy hiểm nhất vẫn là Trung Quốc : Nước Đức lo ngại lòng tham không đáy của các tập đoàn Trung Quốc, lòng tin cậy trong trao đổi mậu dịch với Bắc Kinh đã tiêu tan, tựa của Le Figaro.

Nhật báo kinh tế Les Echos mượn lời chuyên gia Jonathan Holslag ghi hàng tựa đậm : Đối mặt với Trung Quốc, Châu Âu phải có một chiến lược chung chặt chẽ và cứng rắn. Để làm gì ? Để ngăn chặn Trung Quốc chiếm đoạt công nghệ và thao túng tài chính. Chiến lược hợp tác từ 20 năm giúp Trung Quốc cởi mở kinh tế và chính trị đã thất bại. Chiến lược của Trung Quốc không phải "vì hai bên cùng có lợi" mà là để thâu tóm cho mình. Mậu dịch với Châu Âu : xuất siêu 1.400 tỷ euro từ năm 2006. Đầu tư công cộng tại Châu Phi, Trung Quốc gặm nhấm 30% thị phần tại sân sau của Châu Âu. Trong 4 năm qua, xuất khẩu của Châu Âu qua các nước nằm trong con đường tơ lụa của Trung Quốc giảm 130 tỷ euro.

Trump và Putin : hai đối thủ chỉ biết sức mạnh

Trong bài quan điểm, nhật báo Les Echos khẳng định : Đối với Trump và Putin, không có chiến tranh lạnh. Nguy hiểm hơn nữa là sau lưng Nga chính là Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Theo Les Echos, lập luận cho rằng thế giới bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh mới là một "sai lầm tai hại". Sai lầm, bởi vì, trong cuộc chiến tranh lạnh thứ nhất, có hai phe rõ rệt. Phe muốn thay đổi cán cân lực lượng kết thành một khối với Liên Xô, trong phe xã hội chủ nghĩa. Phe muốn giữ nguyên trạng thế giới tự do là Châu Âu, đoàn kết sau lưng Mỹ. Nhờ ít nhiều khôn ngoan và may mắn, Liên Xô và Mỹ đã tránh cho thế giới một cuộc chiến tranh nguyên tử, cho dù có nhiều cuộc xung đột đó đây hay khủng hoảng leo thang căng thẳng như vụ khủng hoảng tên lửa tại Cuba và năm 1962.

Thời trước, ý thức hệ cộng sản cho phép Liên Xô tạo được một lực lượng ủng hộ đế quốc Nga khuấy động bên trong Tây phương, nhân danh phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tương quan lực lượng giữa hai khối được quân bình cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ, dẫn đến hệ quả là khối độc tài cộng sản tan rã.

Bây giờ, với Trump và Putin, theo Les Echos, thì tình hình không đơn giản. Trừ Châu Âu, tất cả các tác nhân khác đều muốn phá nguyên trạng. Chờ xem vào ngày 12/05/2018, Washington có hủy hiệp định hạt nhân 2015 với Iran hay không. Theo hầu hết các nhà quan sát, cho dù tâm cơ của tổng thống Trump có tiếng khó lường, nhưng "xác xuất bác bỏ thỏa thuận rất cao". Chiến tranh Syria tạo điều kiện cho mọi bất trắc. Thổ Nhĩ Kỳ chụp lấy cơ hội do Nga tạo ra, cũng bắt chước sử dụng sức mạnh quân sự để chiếm thượng phong.

Phe muốn phá nguyên trạng mà Les Echos gọi là sử sụng "chiến lược Putin hóa thế giới" có nhiều vũ khí lợi hại hơn các tổ chức cánh tả thân Kremlin thời chiến tranh lạnh. Trong những cố gắng tuyệt vọng chống thánh chiến, người ta sẵn sàng hy sinh giá trị dân chủ. Trong thế giới đa cực ngày nay, dường như chỉ có kẻ giàu và mạnh được thủ lợi. Tình hình chính trị chao đảo tại Washington với một tổng thống tính khí thất thường còn làm sống lại tâm lý bài Mỹ, cung cấp cho nước Nga và các mô hình độc tài thêm vây thêm cánh.

Theo mô tả của Les Echos, chúng ta đang sống trong "một thế giới lạ thường", nơi mà trong một thời gian dài chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Nhật báo kinh tế giải thích : Chúng ta thấy "cây thánh chiến" mà không thấy "rừng Nga", và phía sau "rừng Nga" là "rừng Trung Quốc".

Chiến thắng của Putin trong cuộc bầu cử vừa qua có thể đưa đến một số kết luận nguy hiểm : nền dân chủ đã hết thời, Tây phương tự do đang chết dần. Tác giả khuyến cáo : không có giải pháp đơn giản cho một tình thế phức tạp. Vậy phải làm sao khi mà những tấm gương xấu xuất phát từ Washington và từ Moskva ? Bây giờ là thời của sức mạnh chứ không còn là của ngoại giao. Khi mà vũ lực thô bạo được ưu tiên sử dụng thì liệu Châu Âu có thể tự đánh lừa với lập luận chiến tranh sẽ tiếp tục… lạnh ?

Đại gia Trung Quốc, chủ nhân tập đoàn năng lượng CEFC "bốc hơi"

Diệp Giản Minh, ngôi sao đang lên của dầu khí Trung Quốc đã tắt lịm. Đó là bản tin của Le Monde, về một tin đồn, có thật, liên quan đến những bê bối của tập đoàn năng lượng Trung Quốc CEFC mà chủ nhân dường như có "liên hệ gia tộc" với cố chủ tịch Trung Quốc Diệp Kiếm Anh. Diệp Giản Minh biến mất trong bối cảnh bị Bắc Kinh nghi ngờ "phạm tội kinh tế"và nằm trong tầm nhắm của tư pháp Mỹ về các hành động hối lộ từ Châu Á, Châu Phi cho đến Hoa Kỳ để giành hợp đồng.

Cú poker vĩ đại của Diệp Giản Minh là vào năm 2017, tập đoàn CEFC ký với Rosneft của Nga thỏa thuận mua lại 14% cổ phần của hai công ty Thụy Sĩ và Qatar trị giá 9,1 tỷ đôla. Thế rồi Diệp Giản Minh biến mất sau khi chuyển một phần tiền cho Rosneft. Tập đoàn dầu khí Nga cho người qua Trung Quốc tìm hiểu nhưng để xác nhận một điều : đối tác đã bốc hơi.

Tin Diệp Giản Minh "biến mất" đã được Praha xác nhận. Cộng hòa Sec, với sự dễ dãi của tổng thống Milos Zeman, là cửa ngõ cho phép nhà tài phiệt Trung Quốc vào Liên Hiệp Châu Âu. CEFC làm chủ một câu lạc bộ bóng đá, một hãng rượu bia, có cổ phần trong ba cơ quan truyền thông. Tổng thống Milos Zeman cho người sang Thượng Hải tìm ông "cố vấn" và được thông báo là Diệp Giản Minh đúng là đang bị điều tra và sẽ phải bỏ hết "chức vụ và cổ phần" trong các công ty mà ông lập ra.

Cuộc chiến không cân xứng

Cuộc chiến không cân xứng là tựa của La Croix bình luận về phong trào học sinh sinh viên Mỹ và cuộc tuần hành đòi chính quyền Trump đòi kiểm soát gắt gao thị trường súng tại Mỹ sau vụ thảm sát ở Parkland. Không cân xứng vì đối đầu với giới tài phiệt và áp lực hành lang, tuổi trẻ Hoa Kỳ chỉ có vũ khí là lòng can đảm và nước mắt tiếc thương hàng chục bạn học bị bắn chết.

Cùng chiều hướng này, Libération dành bốn trang chạy tựa : Thế hệ Parkland, biểu tình để đưa quyền lợi nước Mỹ lên trên quyền lợi của hiệp hội buôn súng, Tuổi trẻ, nước mắt trên nắm tay, 800 ngàn người xuống đường tại Washington với xác quyết sử dụng lá phiếu trừng phạt những "người lớn" bất lực nhân bầu cử bán phần vào tháng 11.

Le Figaro bổ sung thêm : phong trào chống vũ khí là điểm khởi đầu của một phong trào chính trị. Những nhà tranh đấu kinh nghiệm tại Mỹ cố vấn các học sinh dấn thân vào sinh hoạt chính trị địa phương trước đã, tấn công vào 40 đơn vị yếu nhất của phe Cộng hòa, bằng cách dồn phiếu cho đảng Dân Chủ hoặc … đích thân nhập trận nếu được 25 tuổi.

Anh hùng tử đạo

Đó là lời vinh danh trên tất cả báo Pháp dành cho cố trung tá Arnaud Beltrame bị khủng bố Hồi Giáo giết chết hồi tuần trước, khi vị sĩ quan cao cấp này quên thân mình, hy sinh cứu một nữ nhân viên siêu thị trước mũi súng của thánh chiến. Le Monde liệt kê một loạt vụ khủng bố tại Pháp trong những năm gần đây do những kẻ nhân danh "thánh chiến" đại diện cho một "dự án và một ý thức hệ phục vụ cái chết" gây ra.

Le Figaro cho biết "bằng sự hy sinh tột cùng trong trách nhiệm vì dân, trung tá Arnaud Beltrame đã được toàn dân, toàn chiến hữu cảm phục". Trong khi Libération tìm hiểu vì sao các cơ quan an ninh Pháp sơ sót không phát hiện được một tín đồ cực đoan nguy hiểm, cho dù có "lý lịch", Le Figaro cũng như Le Monde kêu gọi tinh thần đoàn kết quốc gia. Đây cũng là lời kêu gọi của tổng thống Macron, ông coi đó là điều kiện để chiến thắng thánh chiến.

Nhật báo cánh hữu còn tiến thêm một bước để nhấn mạnh đến tinh thần Thiên Chúa giáo trong văn hóa Pháp, theo đó, thánh tử đạo là người hy sinh thân mình để người khác được sống chứ không phải đi giết người. Tinh thần Thiên Chúa giáo, thể hiện qua sự hy sinh của trung tá Arnaud Beltrame, là thuốc giải độc chống lại Hồi giáo cực đoan. Le Figaro kết luận trung tá Arnaud Beltrame xứng đáng là một anh hùng, vì hành động của ông là kết tinh giữa tinh thần Thiên Chúa giáo và nhiệm vụ của một người lính là bảo vệ dân.

Đa dạng sinh học lụi tàn, nhân loại mất nguồn sống

Cuối cùng, Le Monde dành hai trang tóm lược bản báo cáo của IPBES, Diễn đàn liên chính phủ và khoa học về đa dạng sinh học sau một tuần hội nghị tại Colombia. Tình trạng Châu Á Thái Bình dương được mô tả là ít thành công : diện tích biển cần được bảo vệ tăng 14% trong vòng 25 năm qua. Trong khi đó trên bộ, 80% sông ngòi bị ô nhiễm nhất trên thế giới tập trung tại Châu Á, 60% đồng cỏ bị khô hạn và 25% sinh vật bị đe dọa diệt chủng.

Tại Trung Á, tình hình còn thê thảm hơn : 71% loài cá và lưỡng cư biến mất trong thập niên qua. Tại Pháp, việc dùng thuốc trừ sâu đại trà đã tiêu diệt côn trùng nhiều đến mức độ nhiều vùng nông thôn số chim muông bị giảm đến 30% trong 15 năm trở lại đây.

Báo cáo kết quả khảo sát trên khắp các đại lục đưa đến kết luận : 66 triệu năm sau đợt diệt chủng của loài khủng long, trái đất đang hứng chịu cuộc diệt chủng toàn diện lần thứ 6. Nhân loại sẽ ra sao ?

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)