Donald Trump "đánh thức" dân Mỹ
Người Mỹ tin vào giá trị truyền thống tự do, dân chủ, bao dung của Hiệp Chủng Quốc đang trỗi dậy chống Donald Trump. Di dân, nguồn sinh lực kinh tế Mỹ, đang bị tân tổng thống bóp chết. Tại Châu Âu, thị trường tài chính lo ngại phe cực hữu thắng cử giết đồng tiền chung. Trung Quốc của Tập Cận Bình muốn quên tội ác của Mao. Trên đây là một số chủ đề lớn trên báo Pháp ngày 07/02/2017.
Biểu tình chống sắc lệnh du trú của tổng thống Trump tại phi trường Los Angeles ngày 04/02/2017. REUTERS/Ringo Chiu
Fillon nhìn nhận có sai trái, xin lỗi để… phản công. Fillon "đã đứng dậy". "Cứng đầu bám trụ". Bị dồn vào chân tường, "Fillon tự biện minh". "Những yếu tố mới trong cuộc điều tra tư pháp làm ứng cử viên cánh hữu suy yếu". Đó là những nhận định của truyền thông Pháp về cuộc họp báo vào chiều hôm trước của ứng cử viên tổng thống François Fillon, đảng Những Người Cộng Hòa mà uy tín đang bị xuống thấp vì tai tiếng lạm dụng quyền lực để vợ con làm việc ảo nhưng lãnh lương cao.
Nhật báo công giáo La Croix cho rằng ông François Fillon thành công đáp trả báo chí về hình thức. Nhìn nhận hành động sử dụng người thân trong công tác là sai "theo quan điểm hiện nay". Khi đã "thú lỗi thì sẽ được tha thứ phân nửa tội" theo châm ngôn của Pháp.
Nếu Le Figaro, cánh hữu, khen cựu thủ tướng Pháp (2007-2012) là can đảm, bản lĩnh đương đầu với sóng gió báo chí và tư pháp thì Libération, cánh tả cho rằng Fillon cố bám trụ. Le Monde, trái lại, tuy phê phán hành vi bê bối của ứng cử viên cánh hữu nhưng trong bài bình luận, nhật báo độc lập tỏ ra khách quan và mô phạm : François Fillon và phu nhân đã phục vụ ích lợi chung. Vụ tai tiếng là thông điệp chính trị tuyệt vời : nước Pháp cần phải cải cách, lối hoạt động chính trị của "thế hệ cha chú" không còn được chấp nhận.
Silicone Valley đọ sức với Donald Trump
Trang quốc tế vẫn tràn ngập thông tin về các sắc lệnh của tổng thống Mỹ đặc biệt về giới hạn nhập cư và xóa bỏ kiểm soát ngân hàng. Les Echos đưa tin Silicone Valley đọ sức với Donald Trump.
Gần 100 công ty, đứng đầu là Google, Microsoft, Apple, Facebook… đệ đơn yêu cầu tòa án hủy sắc lệnh hạn chế di dân mà họ gọi là thuốc độc phá hoại kinh tế, thương mại Hoa Kỳ. Theo Les Echos, trong số 20 công ty lớn nhất ở chiếc nôi công nghiệp điện tử số một thế giới, hơn phân nửa là do dân nhập cư sáng lập. Lập trường của giới công nghệ cao của Mỹ đã thay đổi 180 độ, từ tiến lại gần với tỷ phú địa ốc, trong cuộc tiếp xúc vào tháng 12/2016 tại tòa tháp Trump, đã quay gót tháo lui chỉ một tuần sau khi Donald Trump vào Nhà Trắng.
Trong một bài phân tích "Chiến tranh tiền tệ hay hỗn loạn", Le Monde cho rằng tân tổng thống Mỹ "hoàn toàn không biết gì về tiền tệ" và phản ứng theo kiểu cưỡng chế : lên án Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ, đúng nhưng đã thay đổi từ hai năm nay, tố Nhật Bản phá giá đồng yen, nghi ngờ Đức "lợi dụng đồng euro-yếu giả tạo" để gia tăng xuất khẩu và sau cùng là đổ tội cho đồng đô la, giá quá cao, làm tổn hại cho ngoại thương của Mỹ. Với một tổng thống siêu cường như thế, theo Le Monde, không hy vọng gì tình hình tài chính thế giới được ổn định trong tương lai gần.
Nước Mỹ của Donald Trump đi vào kháng chiến
Trên trang nhất, dưới bức ảnh ba phụ nữ Mỹ choàng khăn như tín đồ đạo Hồi, xuống đường tay cầm lá cờ xanh dương sao trắng, Le Monde khẳng định : "Nước Mỹ của Donald Trump đi vào kháng chiến". Một cuộc bừng tỉnh chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh Việt Nam.
Điểm khác biệt lớn lao với phong trào phản chiến là phong trào chống Trump huy động tất cả thành phần công dân. Phụ nữ, di dân Nam Mỹ, văn nhân, nghệ sĩ, công chức, khoa học gia, doanh nghiệp, thẩm phán đều tham gia. Ngày trước, tổng thống George Bush do cuộc chiến Iraq và cách ăn nói vụng về nên bị một số người chống đối trêu chọc, nhưng Donald Trump đánh thức cả một tập thể dân Mỹ, những người tin vào giá trị cơ bản của Hiệp Chủng Quốc nay bị Trump đe dọa làm tiêu tan.
Ngay nhà tỷ phú dầu hỏa Charles Koch, tài trợ cho các ứng cử viên đảng Cộng Hòa hàng chục triệu đô la mỗi mùa tranh cử cũng phải cảnh báo "xu hướng độc đoán" của tân tổng thống Mỹ sau sắc lệnh di dân nhập cư. Trong bộ Ngoại Giao, một mạng lưới "ly khai" quy tụ gần 1000 nhà ngoại giao và nhân viên chống sắc lệnh về nhập cư với "kênh liên lạc riêng" như thời chiến tranh Việt Nam, cho phép công chức bày tỏ ý kiến khác biệt.
Theo tạp chí Wired, guồng máy tranh đấu đã hình thành để những cuộc phản kháng trở thành thường trực. Nhà điện ảnh Mike More, tác giả bộ phim chế diễu tổng thống George Bush cố vấn "tử huyệt của Trump là sợ bị chế nhạo. Các bạn hãy thành lập một đạo quân nghệ sĩ hài. Bị biến thành trò cười ông ta sẽ tự hủy". Theo Le Monde, không cần chờ lời khuyên này, đạo quân hài đã có sẵn.
Romania và "cuộc kháng chiến"
Libération chú ý đến "cuộc tỉnh thức của công dân Romania". Bên cạnh bức ảnh rừng người và rừng nến trong cuộc biểu tình đêm Chủ Nhật vừa qua tại Bucarest, Libération giải thích : sau nhiều thập niên bị các chính khách xem thường lừa dối, người dân Romania nối lại cuộc cách mạng lật đổ chế độ cộng sản của Ceaucescu, chiếm lại quyền chủ động và thúc đẩy một cuộc cách mạng dân chủ mới.
Cho dù chính quyền cánh tả chấp nhận hủy bỏ nghị định "giảm nhẹ tội tham ô" dân chúng Romania vẫn thận trọng, tiếp tục tranh đấu cho đến khi nào "chắc chắn thế hệ sau" không phải thất vọng như cha mẹ của chúng.
Cơ quan chống tham nhũng do Liên Hiệp Châu Âu tài trợ vào năm 2005, đã truy tố tổng cộng 3.000 bộ trưởng, dân biểu, thượng nghị sĩ, thị trưởng và công chức bê bối. Đạo luật chống tham những ở Romania được mô tả rất nghiêm khắc, cấm tuyển dụng người thân đến "vòng thứ ba" tức là bà con thân quyến.
Giáo sư luật Sergiu Miscoiu lý giải là với luật này, cựu thủ tướng Pháp François Fillon, khi làm dân biểu, không thể tuyển dụng vợ con làm cộng sự viên với lương do Nhà nước trả. Có lẽ vì thế mà thủ tướng Romania Grindeanu muốn giảm nhẹ để làm hài lòng một bộ phận tham ô. May mắn cho Romania là tổng thống Iohannis là một nhân vật trong sạch và cứng cỏi, chính ông tham gia vào cuộc biểu tình của dân chúng.
Đụng tới Mao rắc rối lắm
Tại Trung Quốc, "mọi chỉ trích phê bình Mao Trạch Đông đều bị ngăn cấm". Tựa của Le Figaro. Tập Cận Bình tán dương Mao để tìm cách xóa đi giai đoạn đen tối từ lúc cách mạng cho đến thời mở cửa. Tội ác bị phơi bày làm đảng cộng sản Trung Quốc mất chính danh. Nhưng trấn áp quá coi chừng bị tác dụng ngược.
Tạ Dương (Xie Yang), một trong số 200 luật sư và nhà hoạt động nhân quyền bị bắt trong đợt trấn áp vào năm 2015. Sau 6 tháng bị biệt giam và chờ ra tòa lãnh án, Tạ Dương là tù nhân lương tâm duy nhất được gặp luật sư. Can đảm, ông kể lại những cực hình trong nhà giam Trung Quốc : không cho ngủ, tra tấn và hăm dọa. "Tra tấn cho đến điên loạn "để ép cung. Cuối cùng ông ký nhận "có sai trái" nhưng cương quyết không ký vào bản khai nhận tội. Phần đông những luật sư bị bắt cách nay hai năm đã được thả trừ Tạ Dương và 4 đồng nghiệp. Nhưng những luật sư được thả vẫn bị quản chế vì mục tiêu của chính quyền Trung Quốc là làm cho họ thối chí, sợ hãi không còn dám nhận biện hộ cho các thân chủ bị xem là "đối tượng đe dọa chế độ".
Theo thông tín viên của Le Figaro từ Bắc Kinh, ở Trung Quốc muốn yên thân thì đừng làm điều gì bị xem là đe dọa chế độ. Bảo vệ nhân quyền, dân oan hay phê bình hay muốn tìm hiểu về giai đoạn Mao Trạch Đông cầm quyền cũng bị xem là tội. 40 năm sau khi qua đời, "hoàng đế đỏ" vẫn ngự trị trên giấy bạc Trung Quốc và là "thành hoàng" của đảng. Phe giáo điều bo bo bảo vệ Mao trong khi phe "tự do" thì vạch ra những sai lầm và tội ác đẫm máu của Mao.
Giới học thức trẻ bị tù còn giới chuyên gia lão thành bị ngược đãi.
Mao Vu Thức, 88 tuổi, vừa nếm mùi vị. Ngày 20/01/2017, chính quyền Trung Quốc đóng cửa trang mạng của nhóm tư vấn do nhà kinh tế tên tuổi này sáng lập sau một bài phê bình xí nghiệp Nhà nước thiếu hiệu năng.
Trên thực tế, những lãnh đạo tôn sùng Mao bực tức ông Mao Vu Thức (Mao Yu Shi) vì ông là tiếng nói phê phán sự nghiệp đẫm máu của Mao Trạch Đông một cách mạnh mẽ. Cũng trong tháng 01/2017, Đặng Tượng Siêu, một giáo sư đại học Bắc Kinh 62 tuổi bị sa thải vì "nói xấu lãnh tụ". Nhân ngày sinh nhật của Mao Trạch Đông (26/12) mà trên mạng Vi bác, giáo sư Đặng Tượng Siêu (Deng Xiao Chao) viết như sau : "điều hữu ích duy nhất mà Mao thực hiện trong đời là khi ông ấy chết".
Theo nhận định của một chuyên gia, Tập Cận Bình tôn vinh Mao chẳng qua là để làm mờ đi những tội ác trước thời mở cửa. Chính quyền e rằng những công kích di sản của Mao sẽ đưa đến hệ quả là đặt vấn đề xét lại tính chính danh của đảng Cộng sản. Chế độ hiện nay sợ giới học thức thuộc xu hướng cải cách nhiều hơn 10 năm về trước. Do vậy, chính quyền gia tăng kiểm soát thông tin.
Tuy nhiên, chuyên gia Eric Florence cảnh báo : Bắc Kinh coi chừng hiệu ứng ngược. Càng trấn áp thì càng có rủi ro giới tranh đấu sẽ nhắm vào ý thức hệ cộng sản và chân dung Mao Trạch Đông làm đối tượng để trút giận. Đó là điều mà chính quyền không muốn xảy ra. Cho dù một bộ phận người Trung Hoa vẫn tôn thờ Mao nhưng không ít dân chúng không bao giờ quên những khổ đau Mao gây ra cho họ.
Dự án chính trị của Le Pen là giết Châu Âu
Trở lại thời sự Châu Âu : Cương lĩnh chính trị của đảng cực hữu Pháp sẽ giết Liên Hiệp Châu Âu, bình luận của Le Monde. Nuớc Pháp có 5 điểm mạnh, Les Echos lo ngại số sinh viên nước ngoài chọn Pháp du học sụt giảm nhưng giải thích vì sao "nước Pháp không tệ".
Trang ý kiến tổng hợp nhận định của nhiều chuyên gia ngân hàng thế giới cho rằng đừng có tiếp tục bôi đen hình ảnh nước Pháp vì Pháp có 5 điểm mạnh mà không biết phát huy. Thứ nhất là dân số trẻ và gia tăng với nhịp độ cao hơn Đức, đầu tàu số một của kinh tế Châu Âu.
Thứ hai là năng suất cao, mỗi giờ làm việc tại Pháp tạo ra 52,40 euro trong khi nhân công của Đức chỉ tạo ra 47,90 euro, tính bình quân. Thứ ba là tỷ số dân chúng ở tuổi lao động tại Pháp cao hơn Đức cho dù láng giềng đông dân hơn.
Yếu tố thứ tư là chính trị : sau bầu cử hy vọng một ứng cử viên cải cách sẽ đắc cử và cuối cùng cho dù tình trạng thâm thủng ngân sách còn cao nhưng theo giới tài chính quốc tế, nước Pháp thừa khả năng giảm chi 0,2% mỗi năm là có thể đạt được mục tiêu cân bằng cán cân chi thu. Thật ra, kịch bản mà Les Echos ngại nhất là đại diện phe cực hữu co cụm, Marine Le Pen đắc cử sẽ đi theo mô hình "nước Mỹ trên hết" của Donald Trump.
Le Monde chia sẻ quan điểm này với bài : "Dự án chính trị của Le Pen là giết Châu Âu". Chủ trương gọi là "giành lại chủ quyền tiền tệ" trong bối cảnh kinh tế nước Pháp đã toàn cầu hóa đồng nghĩa với bỏ đồng tiền chung, sử dụng lại đồng franc mất giá là điều phi lý. Các nước láng giềng mà Pháp trao đổi đến 70% trong lãnh vực ngoại thương sẽ phản ứng ra sao ? Chúng ta sẽ trở lại thời kỳ các nước Châu Âu chạy đua phá giá đồng tiền để cạnh tranh nhau ? Các xí nghiệp nhỏ và vừa, mũi nhọn của công nghiệp quốc gia sẽ rơi vào tay tài phiệt Trung Quốc và giới đầu cơ Qatar.
Nói tóm lại, chủ trương "kinh tế ái quốc" của đảng cực hữu Pháp có lợi cho giới đầu cơ ở Wall Street nhưng vô cùng tai hại cho Pháp. Thay vì đề xuất biện pháp cải cách nghiêm túc nhưng khó khăn, Marine Le Pen kê toa thuốc thần : giết chết Châu Âu.
Bên cạnh các hồ sơ chính trị, nhật báo le Monde báo động về tác hại do loại thuốc trừ sâu Neonicotinoides đang được sử dụng đại trà. Nguy hiểm hơn hết là chất thuốc này bám trên rau quả không thể rửa sạch.
Tú Anh