Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/04/2018

Hết Trung Quốc đến lượt Nga gây khó khăn cho Hoa Kỳ và Châu Âu

Tổng hợp

NATO : Các nước Baltic yêu cầu Mỹ tăng viện quân và phòng không (RFI, 03/04/2018)

Lãnh đạo các nước vùng Baltic sẽ yêu cầu tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thêm quân đến Baltic và tăng cường phòng không ở sườn đông của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Đây là một trong những chủ đề nghị sự trong cuộc gặp tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 03/04/2018 nhằm thể hiện lập trường cứng rắn đối với Nga.

nga1

Bản đồ ba nước vùng Baltic (SofNews)

Theo một quan chức cấp cao Litva, xin ẩn danh, tổng thống ba nước Litva Dalia Grybauskaite, Estonia Kersti Kaljulaid và Latvia Raimonds Vejonis sẽ yêu cầu Hoa Kỳ đưa các hệ thống phòng chống tên lửa Patriot thường xuyên đến nơi đây hơn để các nước có thể cùng tập trận.

Ngoài ra, ba nước Baltic còn muốn được tham gia vào hệ thống lá chắn tên lửa của NATO tại Châu Âu vì, theo nữ tổng thống Litva Grybauskaite, phát biểu trên đài phát thanh LRT, " không phận của các nước Baltic cần phải được bảo vệ và phòng thủ tốt hơn". Ba nước Baltic đã tôn trọng nguyên tắc của NATO là dành 2% GDP cho quốc phòng.

Trong khuôn khổ thượng đỉnh Mỹ và các nước vùng Baltic còn có một diễn đàn kinh tế. Litva dự kiến ký nhiều hợp đồng nhập khẩu khí hóa lỏng của Mỹ, với khối lượng lớn hơn, để tránh bị phụ thuộc vào tập đoàn Gazprom của Nga.

Ba nước Baltic, với tổng dân số là 6 triệu người, từng bị chiếm đóng và sáp nhập vào Liên Bang Xô Viết trong Thế Chiến II. Cả ba nước giành lại độc lập vào năm 1991, gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO vào năm 2004.

Thu Hằng

*********************

Moscow dọa trừng phạt Riga do 'chỉ dạy chữ Lavia' (BBC, 03/04/2018)

Các dân biểu Nga kêu gọi chính phủ áp lệnh trừng phạt kinh tế lên Latvia, nơi tiếng Latvia sẽ trở thành môn học bắt buộc trong tất cả các trường trung học.

nga2

Năm 2014 người thiểu số Nga phản đối cải cách môn tiếng Latvia trong trường học

Việc cải cách ngôn ngữ đang được tiến hành theo từng giai đoạn ; đến tháng 09/2021, tất cả thiếu niên tuổi từ 16 đến 18 sẽ chỉ được dạy học bằng tiếng Latvia.

Hơn một phần tư trong số 2,2 triệu người Latvia là người sắc tộc Nga, phần lớn được dạy bằng tiếng Nga. Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức duy nhất ở nước này là tiếng Latvia.

Nga từ lâu cáo buộc Latvia, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU), là làm suy yếu quyền của những người thiểu số.

Căng thẳng giữa hai nước đã âm ỉ từ nhiều năm, một phần do Latvia và các nước láng giềng Baltic là Estonia và Lithuania là thành viên của NATO.

Trong thời Chiến tranh Lạnh những nước này nằm chung dưới chế độ cộng sản do Moscow lãnh đạo.

Việc thúc đẩy tiếng Latvia thành ngôn ngữ duy nhất trong giáo dục trung học sẽ bắt đầu vào năm sau.

Giảng dạy song ngữ hoặc bằng tiếng Nga sẽ tiếp tục áp dụng cho trẻ dưới 16 tuổi có tiếng mẹ đẻ là tiếng Nga.

Theo số liệu năm 2016 của chính phủ Latvia, 811 trường học ở nước này được nhà nước tài trợ, trong đó có 94 trường giảng dạy bằng tiếng Nga hoặc song ngữ.

Tổng thống Latvia Raimonds Vejonis nói rằng cải cách ngôn ngữ sẽ thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho tất cả công dân. Ông nói, "nó sẽ làm cho xã hội gắn kết hơn và nhà nước mạnh hơn".

Đáp lại, nghị quyết của Hạ viện Nga gọi đó là sự vi phạm các quyền được quốc tế công nhận.

nga3

Một cuộc tập trận của NATO ở Latvia năm 2015 : Nga coi đây như hoạt động thù địch

Các dân biểu, phần lớn là những người ủng hộ Tổng thống Valadimir Putin, cho biết các lệnh trừng phạt lên Latvia có thể bao gồm hạn chế thương mại và hoạt động tài chính, tẩy chay hàng hóa và các biện pháp nhắm vào các chính trị gia Latvia.

Nga đã cấm nhập khẩu thực phẩm và đồ uống từ các nước EU để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến sự can thiệp của Nga vào Ukraine.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Nga gọi việc cải cách tiếng Latvia là "ghê tởm" và là "một phần của chính sách đồng hóa mạnh mẽ mang tính phân biệt đối xử với những người nói tiếng Nga đã được tiến hành trong 25 năm qua".

Chính phủ Latvia nói những người dân tộc thiểu số vẫn có thể học văn hóa của họ và học bằng tiếng mẹ đẻ ở bậc tiểu học.

Nhóm sắc tộc thiểu số người Nga đông hơn nhiều so với các sắc tộc khác ở Latvia như người Ba Lan.

Khoảng 300.000 người nói tiếng Nga, chiếm 13% dân số Latvia, được gọi là "những người không phải là công dân". Việc nói lưu loát tiếng Latvia là một trong các yêu cầu để có quốc tịch Latvia.

Năm 2014, ở Ukraine, những người nói tiếng Nga lo sợ rằng quyền ngôn ngữ của họ có nguy cơ gây ra xung đột sắc tộc, khi mà Nga sáp nhập Crimea và giúp các phần tử nổi dậy trong khu vực Donbass.

*************************

Nga hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ về hạt nhân (RFI, 03/04/2018)

Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm nay, 03/04/2018, bắt đầu chuyến công du 2 ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày mai, ông sẽ họp với hai đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về Syria, nhưng riêng hôm nay, ông đã gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về quan hệ song phương với hồ sơ chủ yếu là hạt nhân.

nga4

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, tại Ankara, ngày 28/09/2017Kayhan Ozer/Presidential Palace/Handout via Reuters

Theo kế hoạch, tổng thống Putin và đồng nhiệm Erdogan khai trương công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ mà tổng thống Erdogan mong muốn từ nhiều năm qua.

Thông tín viên RFI, Alexandre Billette, từ Istanbul cho biết thêm chi tiết :

Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hạt nhân là một biểu tượng mạnh mẽ, một phương thức để phát triển công nghiệp năng lượng riêng của mình… Có điều là trước mắt, nhà máy điện hạt nhân sẽ do Nga xây dựng, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nhập uranium cho các lò phản ứng…

Đối với Mehmet Öğütçü, một cựu cán bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, đây là một nghịch lý : Đã từ lâu lắm rồi, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có một nhà máy điện hạt nhân. Đó là một biểu tượng, nhưng cũng tăng thêm sự lệ thuộc vào Nga ! Thổ Nhĩ Kỳ đã lệ thuộc vào Nga, vì mua của Nga đến 55% khí đốt, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác ngoại trừ Bulgaria. Mục tiêu của chính quyền Ankara là giảm sự lệ thuộc về khí đốt này, nhưng lại một lần nữa quay sang Nga về hạt nhân. Nhưng phải nói là không có sự lựa chọn nào khác ! Những quốc gia khác không muốn giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ trong lãnh vực này.

Thổ Nhĩ Kỳ như thế là đánh cược vào hạt nhân để từ đây đến 2023 trở thành hội viên của câu lạc bộ năng lượng hạt nhân… Đây là một dự án vô cùng nhạy cảm, có khả năng bảo đảm, trong trường hợp tốt nhất, dưới 5% sản lượng điện quốc gia.

Mai Vân

************************

Nga : 'Trump mời Putin thăm Tòa Bạch Ốc' (BBC, 03/04/2018)

Cố vấn đối ngoại của Điện Kremlin, ông Yuri Ushakov hôm thứ Hai (2/4) tiết lộ rằng Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm cuối tháng Ba đã đề xuất lấy Tòa Bạch Ốc làm nơi họp thượng đỉnh với Tổng thống Putin.

nga5

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin bắt tay trong cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 tổ chức ở Hamburg, Đức, 07/07/2017.

Ông Ushakov nói với hãng thông tấn RIA Novosti : "Khi tổng thống của chúng tôi nói chuyện trên điện thoại, Tổng thống Trump đã đề xuất tổ chức cuộc họp đầu tiên ở Washington, tại Tòa Bạch Ốc".

"Nếu mọi thứ đều ổn, tôi hy vọng phía Mỹ sẽ không từ bỏ đề xuất của họ", ông nói thêm.

Tin trên sau đó đã được phía Mỹ xác nhận, trang tin Bloomberg nói.

Hôm thứ Hai, Thư ký Báo chí Sarah Sanders cho biết cả hai đã thảo luận một số địa điểm cho cuộc họp, trong đó có Tòa Bạch Ốc.

nga6

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức tại Việt Nam hồi 11/2017

Cùng ngày, tờ Independent của Anh trích dẫn tuyên bố của bà Sanders, "như Tổng thống đã xác nhận vào ngày 20/3, vài giờ sau cuộc gọi của ông với Tổng thống Putin, cả hai đã thảo luận về một cuộc họp song phương trong 'tương lai không quá xa' ở một số địa điểm tiềm năng, có thể bao gồm cả Tòa Bạch Ốc".

"Chúng tôi không có thêm thông tin gì tại thời điểm này", bà nói thêm.

Nhà Trắng và Điện Kremlin đều xác nhận chưa có bất cứ hoạt động chuẩn bị gì cho cuộc họp dự kiến.

Hôm 20/3, ông Trump đã gọi điện chúc mừng ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga.

Sau đó, trả lời báo giới, ông Trump nói rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một cuộc gặp gỡ song phương để thảo luận vấn đề Syria, Ukraine, Bắc Hàn và "cuộc đua vũ trang".

Tuy nhiên, ông không nói cuộc họp sẽ diễn ra ở đâu.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trước thời điểm Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga ở Mỹ và đóng cửa Lãnh sự quán Nga ở Seattle ngày 25/3.

Căng thẳng giữa Nga - phương Tây

Tin tức về viễn cảnh ông Putin tới Washington dường như càng làm sự phân rẽ ở Mỹ trong vấn đề duy trì quan hệ với Nga ra sao càng trở nên sâu sắc hơn.

Đã có những cáo buộc nói Kremlin can thiệp nhằm thao túng kết quả bầu cử tổng thống ở Mỹ hồi 2016 tuy Nga bác bỏ.

nga7

Tổng thống Bush tiếp đón Tổng thống Putin tại Nhà Trắng hồi 2005

Mới đây, căng thẳng giữa Nga và phương Tây lại gia tăng sau khi Anh cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái tại Salisbury, Anh ngày 4/3.

Canada, Đức, Pháp, Ukraine, và nhiều nước nước Châu Âu khác đã có động thái ủng hộ Anh.

Hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị các nước phương Tây trục xuất.

Nga phủ nhận dính líu và tuyên bố có các biện pháp đáp trả tương ứng với việc trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và hơn 50 nhân viên ngoại giao Anh".Trong bối cảnh của những sự việc này, rất khó để thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh", ông Ushakov được Reuters trích lời.

"Chúng tôi muốn tin rằng việc thảo luận sẽ bắt đầu", ông nói.

Quay lại trang chủ
Read 785 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)