Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/02/2017

Ảnh hưởng của chính sách bảo hộ Mỹ với sinh hoạt kinh tế Trung Quốc

VnEconomy

Dự trữ ngoại hối Trung Quốc tuột mốc 3 nghìn tỷ USD (VnEconomy, 08/02/2017)

Một số nhà phân tích thậm chí lo ngại rằng dự trữ ngoại hối giảm liên tục có thể dẫn tới việc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ…

mytq1

Dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc đã gia tăng trong những tháng gần đây, sau khi tỷ giá đồng Nhân dân tệ giảm 6,5% trong năm 2016.

Dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã giảm dưới ngưỡng 3 nghìn tỷ USD trong tháng 1 vừa qua, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm, sau khi đồng Nhân dân tệ có năm giảm giá mạnh nhất hơn 2 thập kỷ vào năm 2016.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố ngày 7/2 cho biết dự trữ ngoại hối của nước này giảm 12,3 tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm 2017, còn 2,998 nghìn tỷ USD. 

Trước đó, giới phân tích dự báo dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm còn 3,004 nghìn tỷ trong tháng 1. 

Năm 2016, dự trữ ngoại hối của nước này "bốc hơi" 320 tỷ USD, trong đó mức giảm của tháng 12 là 41 tỷ USD. Năm 2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 513 tỷ USD, mức giảm mạnh chưa từng có trong lịch sử.

Việc dự trữ ngoại hối liên tục sụt giảm có thể buộc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát dòng vốn chảy khỏi nước này và tăng cường giám sát việc các công ty chuyển tiền ra nước ngoài.

Mới đây, cơ quan chức năng Trung Quốc đã siết quy định về chuyển đổi Nhân dân tệ sang ngoại tệ. Theo đó, mỗi cá nhân chỉ được đổi Nhân dân tệ sang số ngoại tệ trị giá 50.000 USD mỗi năm, bắt đầu từ ngày 1/1 năm nay.

"Với dự trữ ngoại hối giảm dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 3 nghìn tỷ USD, sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ gia tăng trong việc ngăn dự trữ ngoại hối giảm sâu hơn", chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của IHS Global Insight, ông Rajiv Biswas, nhận định. 

"Chính phủ Trung Quốc và PBoC đang phải đối mặt với một cuộc chiến lớn, vừa ngăn dòng vốn tiếp tục tháo chạy ở nước này, vừa cố gắng duy trì niềm tin vào đồng Nhân dân tệ", ông Biswas nói.

Dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc đã gia tăng trong những tháng gần đây, sau khi tỷ giá đồng Nhân dân tệ giảm 6,5% trong năm 2016, mức giảm trong một năm mạnh nhất kể từ năm 1994. Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, 739 tỷ USD đã chảy khỏi Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2016. 

Trong tháng 1 vừa qua, đồng Nhân dân tệ giao dịch ngoài thị trường Trung Quốc đại lục tăng giá 1%, chủ yếu do sự giảm giá của đồng USD. Ngoài ra, các biện pháp siết kiểm soát dòng vốn mà Bắc Kinh đưa ra cũng bắt đầu phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo áp lực giảm giá đối với Nhân dân tệ sẽ gia tăng trở lại trong thời gian tới, nhất là trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất. Mức lãi suất cơ bản đồng USD sẽ thúc đẩy các dòng vốn chảy mạnh khỏi các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, theo đó thử thách các biện pháp kiểm soát vốn của nước này.

Theo hãng tin Reuters, một số nhà phân tích thậm chí lo ngại rằng dự trữ ngoại hối giảm liên tục có thể dẫn tới việc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ do không thể rút mãi dự trữ để đỡ tỷ giá đồng nội tệ.

Số liệu do PBoC công bố cho thấy dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng lên mức gần 71,3 tỷ USD vào cuối tháng 1, từ mức gần 68 tỷ USD vào cuối tháng 12/2016.

Thăng Điệp

******************

Chiến thuật "lấy lòng" người nhà Trump của Trung Quốc (VnEconomy, 08/02/2017)

Trung Quốc muốn tránh đối đầu với Mỹ thông qua tạo mối quan hệ tốt đẹp với người thân Tổng thống Trump...

mytq2

Ivanka Trump và con gái Arabella thăm đại sứ quán Trung Quốc nhân dịp Tết Nguyên đán hôm 1/2 - Ảnh : Tân Hoa Xã/Bloomberg.

Ivanka Trump cùng con gái Arabella bước ra từ một chiếc xe SUV màu đen và bắt tay Đại sứ Thôi Thiên Khải, trong lễ đón năm mới âm lịch diễn ra ở Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington, hôm 1/2 vừa qua.

Một clip cho thấy, Ivanka - con gái lớn của Donald Trump, và Arabella - cháu ngoại của tân Tổng thống Mỹ thưởng thức âm nhạc truyền thống, chiêm ngưỡng những món đồ thủ công, và chơi những con rối trong chuyến thăm Đại sứ quán Trung Quốc nhân dịp Tết Nguyên đán.

Cô bé Arabella còn diện trang phục màu đỏ phù hợp với buổi lễ.

Sau chuyến thăm, Ivanka đăng một đoạn video cho thấy Arabella hát một bài hát tiếng Trung. Những động thái này của ái nữ nhà Trump giúp xoa dịu những ý kiến chỉ trích sau khi ông Trump phá vỡ thông lệ gửi lời chúc mừng đến Trung Quốc nhân dịp Tết Nguyên đán.

Chiến lược không mới

Được báo chí Trung Quốc hết lời ca ngợi, chuyến thăm Đại sứ quán Trung Quốc công khai của Ivanka diễn ra sau một loạt cuộc gặp kín giữa Đại sứ Thôi Thiên Khải với Jared Kushner - chồng cô và là một cố vấn của Tổng thống Trump. Một quan chức Nhà Trắng đề nghị giấu tên nói ông Kushner và ông Thôi Thiên Khải đã có những cuộc đối thoại sâu rộng đầy tích cực.

Theo hãng tin Bloomberg, trong lúc các quốc gia trên thế giới còn đang loay hoay tìm cách tạo ảnh hưởng với chính quyền mới của Mỹ, Trung Quốc đã "đi thẳng vào vấn đề" bằng cách "làm thân" với chính người nhà của ông.

"Bỏ qua" những kênh ngoại giao truyền thống hơn như Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc đang tìm cách mở ra một kênh kết nối trực tiếp hơn để tránh chiến tranh thương mại hoặc đối đầu quân sự sau khi Trump phát tín hiệu sẵn sàng thách thức giới hạn đỏ của Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan và biển Đông.

Ông Dennis Wilder, người từng phụ trách khu vực Châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống George Bush, việc Trung Quốc "lấy lòng" người nhà ông Trump không phải là chuyện mới, mà cũng tương tự như chiến lược mà Bắc Kinh đã áp dụng với gia đình Bush trước đây.

Cựu Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha), người từng giữ cương vị đứng đầu văn phòng liên lạc Mỹ tại Bắc Kinh hồi giữa thập niên 1970, vẫn giữ những mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau khi lên nắm quyền tại Nhà Trắng.

"Tôi dự báo sự liên lạc rất trực tiếp từ Nhà Trắng đến Trung Nam Hải", ông Wilder nói. Theo ông Wilder, chuyến thăm Đại sứ quán Trung Quốc nhân dịp Tết Nguyên đán của Ivanka khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc "rất hài lòng vì chuyến thăm này thúc đẩy sự kết nối cá nhân với Tổng thống Trump và gia đình của ông".

Sau chuyến thăm, truyền thông Trung Quốc cũng có sự thay đổi rõ rệt trong thái độ đối với ông Trump. Từ chỗ chỉ trích mạnh tân Tổng thống Mỹ, tờ Thời báo Hoàn cầu nhận xét rằng Ivanka giúp cân bằng lại phong cách cứng rắn của người cha, và sự xuất hiện của cô "có thể tiếp sức cho mối quan hệ Trung-Mỹ".

Các con của ông Trump, đặc biệt là vợ chồng Ivanka-Kushner, được cho là có ảnh hưởng lớn đến quá trình ra quyết định của Tổng thống Mỹ. Ông Trump thậm chí đã bổ nhiệm con rể Kushner vào vị trí cố vấn cấp cao Nhà Trắng.

Tuy nhiên, nhiều nhân vật thân cận khác của Trump trong chính quyền mới vẫn kêu gọi ông có một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, trong đó phải kể đến chiến lược gia Steve Bannon và cố vấn thương mại Peter Navarro. 

Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng đã khiến Bắc Kinh "nhảy dựng" khi nói rằng Mỹ sẽ tìm cách ngăn Trung Quốc tiếp cận với các đảo tranh chấp trên Biển Đông.

Hy vọng của Trung Quốc

Tân Tổng thống Mỹ vẫn đang đối mặt với sức ép phải có một hành động nào đó với Trung Quốc, sau khi ông liên tục chỉ trích nước này về vấn đề thương mại trong cuộc đua vào Nhà Trắng. 

Trong những dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter sau khi trúng cử, ông Trump đã nhiều lần đặt câu hỏi xung quanh chính sách "một Trung Quốc" về vấn đề Đài loan, đồng thời phê phán Bắc Kinh không chịu "mạnh tay" hơn với Triều Tiên. Mới tuần trước, ông lại cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng Nhân dân tệ.

Đáp trả những lời cảnh báo này của Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng dùng bài phát biểu hồi tháng 1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ để kêu gọi thế giới chống lại chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ.

Theo ông Ruan Zongze, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, tạo mối quan hệ tốt đẹp với người nhà Trump là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm duy trì mối quan hệ ổn định giữa hai cường quốc. 

Ông Ruan cho rằng, ngoài những cuộc trao đổi chính thức như cuộc điện đàm mới đây giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Flynn, Trung Quốc đang tìm kiếm "những cơ hội khác để duy trì sự tương tác lành mạnh" với Mỹ.

Ngoài ra, Trump và gia đình ông cũng tỏ ra khá gần gũi với các doanh nghiệp Trung Quốc. Tháng trước, Trump có cuộc gặp với tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, để bàn về tạo việc làm ở Mỹ. Tháng 11 năm ngoái, Kushner gặp Wu Xiaohui, Chủ tịch tập đoàn bảo hiểm Anbang, để hoàn tất một thỏa thuận kinh doanh.

Theo ông Wang Fan, Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, Chính phủ nước này đang thử nhiều cách khác nhau để tránh một cuộc đối đầu với Mỹ vì những tính toán sai lầm. 

Chuyến thăm của tỷ phú Jack Ma tới Trump Tower là một ví dụ của chiến lược này, ông Wang nhận định.

Đến nay, còn chưa rõ những nỗ lực này của Trung Quốc có thể ảnh hưởng như thế nào đến Trump. Sau khi nhậm chức hôm 20/1, ông chủ mới của Nhà Trắng vẫn chưa có cuộc điện đàm nào với ông Tập, dù đã điện đàm với lãnh đạo nhiều quốc gia khác.

Tuy vậy, đối với Trung Quốc, gia đình Trump có thể chính là niềm hy vọng lớn nhất cho mối quan hệ ổn định Bắc Kinh - Washington.

An Huy

Quay lại trang chủ
Read 649 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)