Ông Trump "trúng đòn" pháp lý (Người Lao Động, 10/02/2017)
Nhà Trắng có thể đối mặt không ít rủi ro chính trị nếu kéo dài cuộc chiến pháp lý vào thời điểm Tổng thống Donald Trump mới nắm quyền 3 tuần
Nhậm chức chưa được bao lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải hứng chịu thất bại lớn đầu tiên về pháp lý sau khi Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực số 9 tại TP San Francisco, bang California, cuối ngày 9-2 (giờ địa phương) bác yêu cầu khôi phục sắc lệnh cấm nhập cư gây tranh cãi của ông.
Nhiều sai lầm
Theo trang Bloomberg, cả 3 thẩm phán của phiên tòa phúc thẩm đều bác bỏ hầu như mọi lập luận của chính phủ, chẳng hạn như chính quyền ông Trump không trưng ra được bằng chứng cho thấy 7 nước bị nêu trong sắc lệnh có công dân gây ra tấn công khủng bố ở Mỹ. Trong khi đó, theo các thẩm phán, các bang Washington và Minnesota lại đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp, trường đại học và công dân tại những địa phương này sẽ bị tổn hại nếu lệnh hạn chế nhập cư được khôi phục, dù là tạm thời.
Trang Politico chỉ ra 2 sai lầm góp phần khiến sắc lệnh của ông Trump bị đánh bại tại tòa án. Trước hết, Nhà Trắng không nói rõ ngay từ đầu rằng lệnh hạn chế nhập cư không ảnh hưởng đến thường trú nhân ở Mỹ (người có thẻ xanh), dẫn đến hàng trăm người thuộc diện này bị tạm giữ trong thời gian sắc lệnh được thực thi. Đây được xem là sai lầm nghiêm trọng bởi thường trú nhân có nhiều quyền được quy định trong hiến pháp hơn những người nước ngoài khác. Nhờ vậy, phe phản đối gần như chắc thắng bằng cách thuyết phục các thẩm phán rằng thường trú nhân bị tạm giữ hoặc cấm nhập cảnh không công bằng.
Một sai lầm lớn khác xảy ra khi Bộ Tư pháp lập luận tòa án không có vai trò gì trong việc kiểm tra những quyết định liên quan đến nhập cư mà ông Trump đưa ra dựa trên cơ sở an ninh quốc gia - một lý lẽ khiến các thẩm phán cảm thấy "rất khó chịu". Một số chuyên gia cho rằng lẽ ra các luật sư chính phủ nên thừa nhận các thẩm phán có vai trò nào đó trong vấn đề này nhưng nhấn mạnh họ phải tôn trọng nhánh hành pháp.
Tiến thoái lưỡng nan
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp của ông Jeff Sessions (phải) hôm 9-2Ảnh : Reuters
Gạt sang một bên vấn đề pháp lý, phán quyết trên đã giáng đòn mạnh vào một trong những trụ cột trong chương trình nghị sự chính trị của ông Trump - an ninh quốc gia - cũng như phát đi thông điệp mạnh mẽ về hệ thống kiểm tra và cân bằng nhằm hạn chế tình trạng lạm quyền.
Quyết không chịu thua, ông Trump lập tức gọi phán quyết trên mang tính chính trị và không loại trừ khả năng tiếp tục cuộc chiến pháp lý - yêu cầu toàn bộ thẩm phán Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực số 9 xem xét lại phán quyết hoặc đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao. Dù vậy, ông Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cảnh báo Nhà Trắng có thể đối mặt không ít rủi ro chính trị nếu kéo dài cuộc chiến pháp lý vào thời điểm ông Trump mới nắm quyền 3 tuần. Theo ông, nếu chọn sai cuộc chiến, tổng thống có thể gặp nhiều thách thức hơn nữa trong nỗ lực thúc đẩy những chính sách thật sự quan trọng với di sản của mình.
Tòa án Tối cao gồm 9 thẩm phán nhưng hiện bị khuyết một vị trí sau khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời năm ngoái. Việc bổ nhiệm người thay thế hứa hẹn mở ra một cuộc chiến dài hơi mới trong chính trường Mỹ. Vấn đề là ngay cả ứng viên được ông Trump đề cử cho vị trí này, thẩm phán Neil Gorsuch, cũng cảm thấy không thoải mái với những lời lẽ công kích hệ thống tòa án đất nước của ông chủ Nhà Trắng những ngày qua. Trong trường hợp Tòa án Tối cao xem xét vụ việc trước khi ông Gorsuch ngồi vào vị trí trên và quyết định không đứng về bên nào (tỉ lệ biểu quyết 4-4), phán quyết của tòa phúc thẩm sẽ được bảo lưu.
Một lựa chọn khác có thể mất ít thời gian hơn là ban hành sắc lệnh hạn chế nhập cư mới nhưng phải bảo đảm nó không bị thách thức về mặt pháp lý như sắc lệnh hiện nay. "Phán quyết cấm thực thi sắc lệnh hạn chế nhập cư sẽ được duy trì trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Ông ấy (Trump) cho rằng điều này là mối đe dọa đến an ninh quốc gia. Nếu đúng như vậy, ông ấy chỉ còn lựa chọn duy nhất - soạn thảo sắc lệnh mới vừa bảo vệ an ninh quốc gia vừa tránh bị cáo buộc là vi hiến.
Tuy nhiên, điều này chẳng khác nào là ông Trump thừa nhận mình đã sai" - ông Alan Dershowitz, giáo sư danh dự của Trường Luật Harvard, nói với đài CNN. Không có gì quá khi nói rằng ông Trump đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan sau khi nhận được "bài học" về sức mạnh của nhánh tư pháp và những hạn chế của quyền hành pháp.
Hoàng Phương
***********************
Biết sẽ thua, Trump bỏ chạy ! (Twitter, 10/02/2017)
Sau khi thua kiện, Trump có nhắn các thầm phán tòa Appeal và các Trump fanatic trên Twitter:
Donald J. Trump@realDonaldTrump 14 h
SEE YOU IN COURT, THE SECURITY OF OUR NATION IS AT STAKE!
Như vậy là Trump cho biết sẽ thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện. Nhưng sau khi đọc bản án của Tòa Kháng Cáo, đám nồi niêu song chảo của Trump nhận thấy dù có thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện cũng sẽ bị thua đậm nên bảo Trump đừng kháng cáo nữa, hãy soạn một sắc lệnh khác cho hợp hiến và hợp pháp hơn. Trump đang làm như vậy (xem bản tin ở dưới).
Muốn không bị kiện nữa, sắc lệnh mới phải tuyên bố hủy bỏ sắc lệnh ngày 27/01/2017. Nếu không, các tiểu bang hay các cơ quan dân sự vẫn tiếp tục kiện lên Tối Cao Pháp Viện và Trump sẽ bị đo ván. Ngoài sắc lệnh này, sẽ còn nhiều vụ kiện khác sắp được phát động, cho đến khi Trump không còn coi mình là "Đấng toàn năng", là vua, là Hitler, là Putin, là Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình… có quyền ngồi trên luật pháp.
Cao nhân tất hữu cao nhân trị ! Nước Mỹ là nước "thượng tôn luật pháp" và "tam quyền phân lập", không phải ai muốn làm gì thì làm. Những tên điếc không sợ súng, nay bắt đầu sợ.
Lữ Giang
*************************
Mỹ : Thất bại của tổng thống Trump về sắc lệnh di trú (RFI, 10/02/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp tại Nhà Trắng, Washington, ngày 08/02/2017 - REUTERS/Joshua Roberts/File Photo
Ngày 09/02/2017 Tòa Phúc Thẩm San Francisco ra phán quyết bác bỏ những lập luận của chính quyền Trump đòi khôi phục sắc lệnh nhập cư được tổng thống ban hành ngày 27/01/2017. Theo Tòa, chính phủ không chứng minh được công dân bẩy nước Hồi giáo trong tầm ngắm của tổng thống Trump là những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Theo phân tích của nhà báo Phạm Trần từ thủ đô Wasshington, đây là một vố đau đối với chủ nhân Nhà Trắng trong cuộc đọ sức với tư pháp.
Tổng thống Mỹ giận dữ về phán quyết của Tòa Phúc Thẩm San Francisco và dọa đưa vấn đề lên Tối Cao Pháp Viện.
Trước mắt sắc lệnh nhập cư tổng thống Trump ban hành hôm 27/01/2017 vẫn bị đình chỉ. Công dân bảy nước Hồi giáo gồm Iran, Iraq, Libya, Syria, Somalia, Soudan, và Yemen đã có visa hợp lệ vẫn được vào Mỹ.
Từ thủ đô Washington, nhà báo Phạm Trần phân tích về thất bại nặng nề của tổng thống Trump và tầm mức quan trọng của Tòa Phúc Thẩm số 9 ở San Francisco.
Nhà báo Phạm Trần-Washington, ngày 10/02/2017. Nghe
Thanh Hà
*********************
Tòa phúc thẩm bác bỏ lập luận của chính phủ Trump (RFA, 09/02/2017)
Tòa phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ hôm 9/2/2017 ra phán quyết bác bỏ sắc lệnh cấm di dân của Tổng thống Donald Trump. AFP
Tòa phúc thẩm liên bang bác bỏ lập luận của các luật sư đại diện cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, từ chối khôi phục sắc lệnh cấm di dân của Tổng thống Donald Trump.
Sau hai ngày nghe trình bày của luật sư đại diện cho Bộ Tư Pháp và luật sư của bên khởi kiện sắc lệnh cấm di dân, chiều thứ Năm 9/2/2017, Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 (9th US Circuit Court of Appeals) ở thành phố San Francisco, bang California đã ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của Bộ tư pháp Hoa Kỳ.
Như vậy, với phán quyết của Tòa phúc thẩm liên bang, sắc lệnh tạm cấm di dân từ 7 quốc gia Hồi giáo trong vòng 90 ngày và tạm ngưng nhận người tị nạn trên thế giới trong vòng 120 do Tổng thống Donald Trump ký ban hành hôm 27/1/2017 là không có hiệu lực.
Ngay sau khi có phán quyết của Tòa Púc thẩm Liên bang, Tổng thống Donald Trump cho biết chính phủ của ông sẽ tiếp tục kháng án lên Tối cao Pháp viện.