Tổng thống Mỹ công nhận nguyên tắc "một nước Trung Hoa" (RFI, 10/02/2017)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump. REUTERS/Toby Melville/Lucas Jackson/File Photos
Trong cuộc điện đàm với chủ tịch Tập Cận Bình ngày 09/02/2017, tổng thống Donald Trump thay đổi quan điểm về Đài Loan, một hồ sơ nhạy cảm đối với Bắc Kinh. Nguyên thủ Mỹ tuyên bố tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Hoa".
Phát biểu trên đây của ông Trump nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh sau cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan - Thái Anh Văn - vào tháng 12/2016 gây phẫn nộ cho phía Trung Quốc.
Theo thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh, Heike Schmidt, Bắc Kinh hài lòng về sự thay đổi nói trên của tổng thống Mỹ.
"Thể theo yêu cầu của chủ tịch Tập Cận Bình, tổng thống Donald Trump chấp nhận tôn trọng nguyên tắc một nước Trung Hoa". Thông cáo của Nhà Trắng cho biết như trên sau cuộc điện đàm đầu tiên với nguyên thủ Trung Quốc. Cuộc trao đổi được đánh giá là "rất thân thiện". Chủ tịch Trung Quốc hoan nghênh quan điểm của Mỹ trên vấn đề Đài Loan. Bắc Kinh luôn xem đây là một hồ sơ không thể thương lượng được. Đó là những thông tin được đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc phát đi sáng nay.
Không một quốc gia nào có thể vừa phát triển quan hệ với Bắc Kinh, vừa công nhận chính quyền ở Đài Bắc. Tới nay, Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một hòn đảo đòi ly khai, nhưng sớm muộn gì Đài Loan cũng phải trở về với "đất mẹ", kể cả trong trường hợp cần thiết, Bắc Kinh sử dụng vũ lực.
Chỉ cần một cuộc điện đàm cũng đủ để quan hệ Washington –Bắc Kinh tan băng. Đến nay tổng thống Hoa Kỳ liên tục tấn công Trung Quốc và đã từng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh trên tất cả mọi vấn đề, kể cả Đài Loan. Tổng thống Donald Trump cũng đã nhấn mạnh đến việc Hoa Kỳ trong năm 2016 đã trang bị vũ khí hiện đại cho Đài Loan, tổng trị giá lên tới hai tỷ đô la.
Báo chí chính thức tại Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ trước những tuyên bố nói trên của tân lãnh đạo Nhà Trắng khi cho rằng, ông Trump đang tự bắn một viên đạn vào chân nếu cứ tiếp tục tăng cường quan hệ với Đài Loan ".
Thanh Hà
*******************
Shinzo Abe tạo cơ hội cho Donald Trump hạ nhiệt (RFI, 10/02/2017)
Ảnh Donald Trump (T) và Shinzo Abe trên truyền hình tại một công ty giao dịch hối đoái, Tokyo, Nhật Bản, ngày 01/02/2017 - REUTERS
Sau thủ tướng Anh Theresa May, đến lượt thủ tướng Nhật Bản được tân tổng thống Mỹ tiếp tại Nhà Trắng vào thứ Sáu 10/02/2017. Thủ tướng Shinzo Abe cầm trong tay một kế hoạch đầu tư và hợp tác kinh tế khổng lồ, tạo ra 700.000 công ăn việc làm tại Mỹ với kỳ vọng tiếp tục được Washington yểm trợ trước mối đe dọa của Trung Quốc. Tiếp thủ tướng Nhật cũng là cơ hội để ông Donald Trump ý thức được ông là tổng thống của nước Mỹ.
Là nhà lãnh đạo quốc tế thứ hai tới Nhà Trắng từ khi Donald Trump lên cầm quyền, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tìm bảo đảm cho tương lai của liên minh Mỹ-Nhật trong bối cảnh thế lực Trung Quốc càng ngày càng mạnh.
Qua đường dây liên lạc giữa Tokyo và nhóm cố vấn của ứng cứ viên đảng Cộng Hoà, vào tháng 11/2016, thủ tướng Shinzo Abe là lãnh đạo quốc tế đầu tiên được Donald Trump tiếp kiến ngay khi đắc cử. Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo khác từ tổng thống Mêhicô, thủ tướng Úc cho đến nữ thủ tướng Đức bị chủ nhân Nhà Trắng, do tính khí thất thường, không tiếc lời chỉ trích công khai hoặc có cử chỉ thô lỗ. Chính nhờ mối quan hệ được chuẩn bị trước này mà lãnh đạo Nhật Bản được Donald Trump đối xử một cách thân thiện và hy vọng tinh thần hữu hảo tiếp tục kéo dài. Thủ tướng Nhật tuyên bố chờ đợi "cuộc gặp gỡ Mỹ-Nhật lần này chứng tỏ liên minh giữa hai nước sẽ được củng cố với tổng thống Donald Trump".
Thực ra, chính Washington đã có động thái trước để trấn an Tokyo. Qua chuyến viếng thăm hồi đầu tháng 02/2017, tân bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis đã xác quyết : Hoa Kỳ sát cánh với Nhật Bản 100% kể cả để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền. Tổng thống Trump cũng dẹp qua một bên những đe dọa lúc tranh cử "để Nhật tự vệ một mình nếu không chia sẻ thêm gánh nặng với Mỹ».
Biết rõ thâm thủng cán cân thương mại và nạn thất nghiệp là mối ám ảnh của tổng thống Donald Trump, thủ tướng Shinzo Abe không đến thăm chủ nhà với bàn tay không. Ông đề ra kế hoạch hợp tác kinh tế (để trói tay tỷ phú địa ốc Trump) trong đó Nhật sẽ giúp xây dựng đường xe lửa cao tốc ở hai bang Texas và California, chế tạo robot phục vụ y học… với dự kiến tạo ra 700.000 việc làm tại Hoa Kỳ.
Đối với chủ nhân Nhà Trắng thì chuyến viếng thăm của thủ tướng Nhật tạo hai cơ hội tốt. Thứ nhất để ông tỏ ra xứng đáng với vai trò mới lãnh đạo siêu cường chứ không còn là anh MC, hoạt náo viên truyền hình. Vào lúc Shinzo Abe đáp xuống Washington, tổng thống Mỹ gọi điện cho chủ tịch Trung Quốc, tuyên bố tôn trọng "nguyên tắc một nước Trung Hoa" để xoa dịu Bắc Kinh. Cuộc điện đàm Donald Trump-Tập Cận Bình được mô tả là "rất thân thiện" càng làm nổi bật ý nghĩa của cuộc hội kiến thượng đỉnh Mỹ-Nhật ngày hôm sau.
Các hợp đồng khổng lồ về kinh tế và công nghiệp có thể giúp cho công luận bớt chú ý vào những thất bại và phê phán cay nghiệt, câu chuyện dài nhiều tập do chính ông gây ra : từ những tuyên bố bốc đồng cho đến sắc luật di trú mang tính phân biệt đối xử, phản lại truyền thống tự do, bao dung của Hiệp Chủng Quốc, bị toà án đình chỉ.
Tiếp Shinzo Abe còn là cơ hội để ông Donald Trump hạ nhiệt, tự giác tránh đưa ra những lời tuyên bố thiếu chín chắn hay mắng chửi phóng viên.
Tú Anh
*******************
Tổng thống Trump tôn trọng chính sách 'Một Trung Quốc' (VOA, 10/02/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc, nói với ông Tập Cận Bình rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc" bằng cách thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng nước này có chủ quyền đối với đảo tự trị Đài Loan.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Toà Bạch Ốc miêu tả cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo hôm 9/2 là "vô cùng thân thiện" và hai ông đã ngỏ lời mời nhau sang thăm nước mình.
Ông Trump trước đây bị chỉ trích vì đã điện đàm với tổng thống Đài Loan sau khi ông thắng cử vào tháng 11.
Chưa từng có một tổng thống hoặc tổng thống đắc cử Mỹ nào làm như vậy kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979, và quay sang lập quan hệ ngoại giao với Hoa lục. Tuy vậy, Washington vẫn duy trì mối quan hệ không chính thức với Đài Loan cho tới ngày hôm nay.
Trong thông cáo chung giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc năm 1979, Hoa Kỳ công nhận Bắc Kinh là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có "một nước Trung Quốc" và Đài Loan là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói ông Trump "thiếu kinh nghiệm" nên ông đã nhận điện đàm với tổng thống Đài Loan, và cảnh báo rằng vi phạm chính sách một Trung Quốc sẽ "huỷ hoại" các quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Ông Trump giả vờ ngạc nhiên về phản ứng của Bắc Kinh, ông viết trên Twitter rằng : "Thật là đáng suy gẫm khi Mỹ bán cho Đài Loan hàng tỷ đô la thiết bị quân sự, trong khi tôi lại không nên nhận một cú điện thoại chúc mừng".
Bất chấp bị Trung Quốc phản đối, Tổng thống Barack Obama đã phê duyệt việc bán vũ khí quốc phòng cho Đài Loan trị giá gần 2 tỉ đô la, kể cả hai tàu khu trục, xe thiết giáp lội nước, và các hệ thống phòng thủ trên không và trên biển.
******************
Tổng thống Mỹ công nhận nguyên tắc "một nước Trung Hoa" (RFI, 10/02/2017)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump. REUTERS/Toby Melville/Lucas Jackson/File Photos
Trong cuộc điện đàm với chủ tịch Tập Cận Bình ngày 09/02/2017, tổng thống Donald Trump thay đổi quan điểm về Đài Loan, một hồ sơ nhạy cảm đối với Bắc Kinh. Nguyên thủ Mỹ tuyên bố tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Hoa".
Phát biểu trên đây của ông Trump nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh sau cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan - Thái Anh Văn - vào tháng 12/2016 gây phẫn nộ cho phía Trung Quốc.
Theo thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh, Heike Schmidt, Bắc Kinh hài lòng về sự thay đổi nói trên của tổng thống Mỹ.
"Thể theo yêu cầu của chủ tịch Tập Cận Bình, tổng thống Donald Trump chấp nhận tôn trọng nguyên tắc một nước Trung Hoa". Thông cáo của Nhà Trắng cho biết như trên sau cuộc điện đàm đầu tiên với nguyên thủ Trung Quốc. Cuộc trao đổi được đánh giá là "rất thân thiện". Chủ tịch Trung Quốc hoan nghênh quan điểm của Mỹ trên vấn đề Đài Loan. Bắc Kinh luôn xem đây là một hồ sơ không thể thương lượng được. Đó là những thông tin được đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc phát đi sáng nay.
Không một quốc gia nào có thể vừa phát triển quan hệ với Bắc Kinh, vừa công nhận chính quyền ở Đài Bắc. Tới nay, Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một hòn đảo đòi ly khai, nhưng sớm muộn gì Đài Loan cũng phải trở về với "đất mẹ", kể cả trong trường hợp cần thiết, Bắc Kinh sử dụng vũ lực.
Chỉ cần một cuộc điện đàm cũng đủ để quan hệ Washington–Bắc Kinh tan băng. Đến nay tổng thống Hoa Kỳ liên tục tấn công Trung Quốc và đã từng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh trên tất cả mọi vấn đề, kể cả Đài Loan. Tổng thống Donald Trump cũng đã nhấn mạnh đến việc Hoa Kỳ trong năm 2016 đã trang bị vũ khí hiện đại cho Đài Loan, tổng trị giá lên tới hai tỷ đô la.
Báo chí chính thức tại Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ trước những tuyên bố nói trên của tân lãnh đạo Nhà Trắng khi cho rằng, ông Trump đang "tự bắn một viên đạn vào chân nếu cứ tiếp tục tăng cường quan hệ với Đài Loan".
Thanh Hà
**********************
Đài Loan không là con bài trong quan hệ Mỹ - Trung (VOA, 10/02/2017)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh tại California, Hoa Kỳ, trong chuyến công du Châu Mỹ vào tháng 11/2017.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang ra dấu sẽ theo đuổi một chính sách trung hoà giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mặc dù bà có một mối quan hệ rất đặc biệt với ông Donald Trump, để cân bằng cảm tình của các thành phần cử tri có lập trường khác nhau, và giảm nguy cơ làm leo thang sự phẫn nộ ở Bắc Kinh.
Bà Thái Anh Văn đã có cuộc điện đàm bất ngờ với ông Trump vào tháng 12, trước khi ông lên nhậm chức.
Nhưng trong hai tuần qua, chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn đã đưa ra một loạt tuyên bố cho thấy Đài Loan không muốn làm xấu đi các mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Trung Quốc.
Ông Ross Feingold, một nhà phân tích thuộc một cơ quan tư vấn chính trị của Mỹ ở Đài Bắc nhận định.
"Theo chính sách của Đài Loan đối với Trung Quốc, bà Thái Anh Văn trước sau như một, vẫn tỏ ra có thiện chí, mà Trung Quốc chưa có dấu hiệu đáp lại thiện chí đó".
Các nhà phân tích tin rằng Bà Thái Anh Văn đang tỏ ra thận trọng hơn với Washington, một phần là để tránh bị dùng như một con bài để mang ra mặc cả trong quan hệ Mỹ-Trung, tình huống mà phần lớn công chúng Đài Loan phản đối. Một số cử tri cũng muốn bà giữ hòa khí với Trung Quốc, được coi như nước hàng đầu thu hút các hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế, và cũng là cường quốc quân sự mạnh thứ ba trên thế giới.
Nhưng bà Thái, vốn là một người rất thận trọng, không thể xích lại quá gần với Trung Quốc nếu không muốn làm phật lòng một thành phần cử tri và các thành viên trong chính đảng của bà vốn có quan điểm kiên định chống Bắc Kinh.
Trung Quốc giận dữ khi các cường quốc lớn như Hoa Kỳ xích lại gần Đài Loan, và có ý ám chỉ Đài Loan là một nước có chủ quyền, chứ không phải là một phần lãnh thổ của Hoa Lục.
Bắc Kinh từ lâu vẫn xem Đài Loan là thuộc lãnh thổ của mình, họ không tin cậy bà Thái Anh Văn vì bà từ chối hội đàm với giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc.
Hôm thứ Năm trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump cam kết tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc.’
Phủ tổng thống Đài Loan hôm thứ Sáu đã đáp ứng diễn biến mới này, nói rằng Đài Loan và Hoa Kỳ vẫn duy trì mối quan hệ "gần gũi" với hướng tiếp cận "là duy trì quan hệ tốt và có không để xảy ra sự cố nào". Trong một tuyên bố, Văn phòng tổng thống Đài Loan nói chính quyền ở Đài Bắc hiểu rằng chính phủ Hoa Kỳ "coi trọng việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á".
**********************
Đài Loan muốn thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ (RFA, 10/02/2017)
Ông Fengshan, phát ngôn viên Văn phòng Đài Loan tại một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm 8/2/2017. AFP photo
Văn phòng tổng thống Đài Loan hôm nay cho biết đảo quốc này sẽ duy trì tiếp xúc chặt chẽ và tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ.
Thông cáo của Văn phòng tổng thống Đài Loan được đưa ra sau khi có cuộc điện đàm mới nhất của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cùng người tương nhiệm Hoa Lục, Tập Cận Bình mà trong đó ông Trump tuyên bố tôn trọng chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ của Bắc Kinh.
Trong thông cáo được đưa ra, phát ngôn nhân Văn phòng tổng thống Đài Loan, Alex Huang, nói rõ hai phía Washington và Đài Bắc duy trì tiếp xúc chặt chẽ và thông tin liên lạc để không xảy ra một sự cố nào.
Theo người phát ngôn của tổng thống Đài Loan thì việc duy trì tốt mối quan hệ Hoa Kỳ- Đài Loan và quan hệ qua eo biển với Trung Quốc giúp bảo vệ quyền lợi của đảo quốc và là yếu tố chính cho hòa bình và an ninh khu vực.
Hồi tháng 12 vừa qua, ông Donald Trump khiến Trung Quốc nổi giận khi tiếp điện thoại chúc mừng của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, nói rằng Washington không phải tuân theo chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ của Bắc Kinh.
Nhà Trắng cho biết vào tối hôm qua, thứ năm 9 tháng 2, tân tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc có cuộc điện đàm dài với nhau ; và ông Trump đồng ý với yêu cầu của chủ tịch họ Tập là tôn trọng chính sách ‘Một nước Trung Hoa’.
RFA tiếng Việt