Thượng đỉnh Trump-Kim : Singapore, một sự chọn lựa đương nhiên (RFI, 11/05/2018)
Singapore được chọn làm nơi đón tiếp thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un ngày 12/06 tới, chính là vì quốc gia Đông Nam Á này đáp ứng mọi tiêu chuẩn cho sự kiện lịch sử này.
Singapore, điểm hẹn thượng đỉnh Kim Jong-un - Donald Trump ngày 12/06/2018. Reuters/Edgar Su
Từ Singapore, thông tín viên RFI Carrie Nooten giải thích :
"Việc chọn Singapore làm nơi tổ chức thượng đỉnh lịch sử trước hết là một sự lựa chọn mang tính biểu tượng. Quốc gia Đông Nam Á này vẫn được xem là chiếc cầu nối giữa các nước phương Tây với Châu Á. Do vậy, đây là nơi lý tưởng để thảo luận về các hồ sơ ngoại giao liên quan đến cả hai bên.
Singapore còn là một nơi rất tiện lợi. Khác với Mông Cổ, Singapore có những cơ sở hạ tầng hiện đại, nổi tiếng là một địa điểm rất an toàn và về mặt hậu cần thì không thể chê vào đâu. Singapore đã đón tiếp nhiều cuộc họp thượng đỉnh một cách suôn sẻ.
Singapore được chọn bởi vì đây là quốc gia trung lập, vẫn giữ được quan hệ ngoại giao với cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng vẫn có một đại sứ quán tại đây. Các công ty Singapore chỉ cắt giảm trao đổi thương mại với Bắc Triều Tiên từ năm 2017 do các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Trung lập và kín đáo vẫn là hai nét đặc trưng của Singapore. Năm 2015, tại Singapore đã từng diễn ra cuộc gặp quan trọng giữa tổng thống Đài Loan với chủ tịch Trung Quốc. Sáng nay, ngoại trưởng Singapore chỉ ra thông cáo với nội dung rất chừng mực, tỏ ý hy vọng hòa bình sẽ được tái lập trên bán đảo Triều Tiên.
Singapore còn là một sự chọn lựa mang tính chiến lược, được sự tán đồng của Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Bắc Triều Tiên. Quốc gia này còn có những qui định rất nghiêm ngặt đối với báo chí và các cuộc tập hợp của quần chúng, cho nên sẽ làm an tâm các vị khách Bắc Triều Tiên".
Thanh Phương
**********************
Donald Trump sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Singapore (VietTimes, 10/05/02018)
CNN đưa tin giới chức Mỹ đã được chỉ thị triển khai kế hoạch chuẩn bị cho cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên tại Singapore. Các hãng tin khác cũng nói rằng Mỹ đã chọn quốc gia Đông Nam Á này để làm nơi gặp gỡ.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã bác bỏ khả năng tổ chức cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, khu vực biên giới phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên- Hàn Quốc. Ông Trump tiết lộ Singapore đang được cân nhắc và ông sẽ công bố chính thức thời gian và địa điểm cho cuộc gặp lịch sử này.
Hiện mọi con mắt đang đổ dồn về "đảo quốc sư tử" Singapore, nơi có những điều kiện cần và đủ để đăng cai Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Thời gian qua, Singapore, Bàn Môn Điếm và Mông Cổ là những địa điểm được cân nhắc để tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Song đến nay, Singapore dường như là ứng cử viên hàng đầu.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un - Ảnh minh họa
Được mệnh danh là "Thụy Sĩ của Châu Á", Singapore là quốc gia trung lập không nghiêng về ủng hộ Tổng thống Mỹ hay nhà lãnh đạo Triều Tiên. Quốc đảo này cũng chỉ cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên hơn 4.800km. Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy, Giáo sư Euan Graham cho rằng, Singapore đã tự coi mình là "điểm trung tâm" cho các vấn đề ngoại giao của khu vực.
Singapore có truyền thống đăng cai các sự kiện ngoại giao cấp cao và từng chứng kiến những cái bắt tay lịch sử của các nhà lãnh đạo thế giới. Đáng chú ý trong đó là cái bắt tay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu năm 2015. Ông Graham cũng lưu ý rằng Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, sẽ được tổ chức tại Singapore từ ngày 1 tới 3/6, theo đó, quốc đảo này sẽ có sẵn sự chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6.
"Các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ và các nước Châu Á sẽ tới Singapore tham gia Đối thoại Shangri-La. Singapore đã có tiếng về độ đáng tin cậy. Bên cạnh đó, với quan hệ an ninh chặt chẽ, Washington rõ ràng sẽ lựa chọn Singapore cho cuộc gặp quan trọng này", Giáo sư Euan Graham nói thêm.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý đi xa khỏi Bình Nhưỡng, theo đó, nếu Singapore thực sự được lựa chọn thì đây sẽ là chuyến đi xa nhất của ông Kim. Điều này cũng thể hiện một phần nhượng bộ của Bình Nhưỡng trong nỗ lực cùng Mỹ tiến tới bàn đàm phán Thượng đỉnh. Hơn thế nữa, cùng với Trung Quốc, Singapore cũng giữ mối quan hệ mật thiết với Triều Tiên và là điểm đến quen thuộc của nhiều người Triều Tiên. Triều Tiên có Đại sứ quán tại Singapore và mới đây 2 bên đã đạt thỏa thuận miễn visa cho người Triều Tiên tới Singapore.
Theo Giáo sư Euan Graham, việc ông Kim Jong-un vừa có chuyến bay bất ngờ tới thành phố Đại Liên ở phía Đông Bắc Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại đây, cho thấy ông Kim cũng có thể thực hiện một chuyến bay dài tới Singapore.
Trong khi đó, cựu cố vấn chính sách tại Hạ viện Philippines ông Richard Heydarian cho rằng, Singapore là một đối tác thương mại chủ chốt của Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua, và khi đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018, Singapore đang thể hiện hơn nữa vai trò "trung tâm thương mại của mình".
"Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng tháng trước, tôi thấy rằng giới chức Triều Tiên đều nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN", ông Heydarian nói.
Chuyết Ngôn
******************
Bình Nhưỡng tăng cường thủ thế sau quyết định của Trump về hồ sơ hạt nhân Iran (10/05/2018)
Ngày 08/05/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào năm 2015 mà ông chỉ trích mạnh mẽ là "thảm họa", cho dù các bên tham gia ký kết và kể cả Liên Hiệp Quốc đều khẳng định là Iran tôn trọng những cam kết.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Đại Liên (Dalian) tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Ảnh do THX công bố ngày 08/05/2018) Reuters
Quyết định đơn phương của Mỹ sẽ gây thêm khó khăn cho cuộc đàm phán sắp tới với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong hồ sơ hạt nhân.
Đa số các chuyên gia cùng chia sẻ nhận định : Việc xé bỏ hiệp định hạt nhân Iran đã làm tổn hại đến uy tín của Hoa Kỳ trên chính trường, nhất là vào thời điểm sắp diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong-un – Donald Trump mà ngày giờ và địa điểm cuộc họp sẽ được thông báo trong vài ngày tới đây.
Tại sao Kim Jong-un lại phải tin tưởng vào những cam kết của tổng thống Trump khi mà kể từ giờ «mọi thỏa thuận đều có thể lật ngược, có hạn định và vũ khí hạt nhân là một vũ khí bảo đảm sự tồn vong", như nhận xét của Vipin Narang, giáo sư Viện Công Nghệ Massachusetts với AFP.
Tuy thừa nhận sự khác biệt giữa hai hồ sơ Iran và Bắc Triều Tiên, một số nhà phân tích nhấn mạnh là quyết định của Donald Trump về Iran sẽ càng củng cố quyết tâm của Bắc Triều Tiên chuẩn bị "kỹ càng" cho cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về phi hạt nhân hóa.
Theo như giải thích của nhà báo Dorian Malovic, chuyên mục Châu Á của nhật báo công giáo La Croix với RFI, Bắc Triều Tiên chưa bao giờ tin tưởng vào Hoa Kỳ. Giữa hai nước luôn ngự trị một bầu không khí nghi kỵ lẫn nhau. Dù vậy, Donald Trump vẫn lao vào giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên và ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo từ Bắc Triều Tiên trở về nước cùng với ba tù nhân Mỹ. Đây là một sự nhượng bộ của Bắc Triều Tiên để tỏ thiện chí.
Ông Dorian Malovic, lưu ý thêm Bắc Triều Tiên không phải là Iran và nhất là Libya mà tân cố vấn an ninh quốc gia John Bolton muốn dùng đến như là một mô hình để giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Để tránh bị "phủi tay" như Iran, hoặc có cùng số phận như Mouhamad Kadhafi ở Libya, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã có những bước đi tìm hậu thuẫn "chống lưng" vững chắc trước khi bước vào đối thoại trực diện với Donald Trump.
«Nếu Kim Jong-un hai lần sang Trung Quốc, đó là vì ông ta muốn có sự bảo đảm, hậu thuẫn của Trung Quốc, để nếu như Bình Nhưỡng và Washington đạt được một thỏa thuận thì văn bản này sẽ được Trung Quốc bảo đảm, đương nhiên là có cả Nga, để Trump không thể xé bỏ được.
Nếu như có một sự lừa gạt nào đó trong tiến trình phi hạt nhân hóa, thì Bắc Triều Tiên có thể nói : chúng tôi đã làm tất cả những gì cần phải làm để bình ổn khu vực, còn Donald Trump đã không tôn trọng lời hứa.
Về phần mình, Donald Trump cũng muốn được hưởng lợi, cho rằng chính các biện pháp trừng phạt và nhờ vào ông ta mà Kim Jong-un đang phải quy phục.
Ngược lại, Kim Jong-un cũng có thể nói rằng hãy nhìn xem, rõ ràng không phải các áp lực của Hoa Kỳ đã giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán giải quyết hồ sơ hạt nhân. Chính chúng tôi, hiện đang có trong tay vũ khí nguyên tử, đã khởi động tiến trình này. Như vậy, bối cảnh hồ sơ Bắc Triều Tiên khác hẳn bối cảnh vấn đề Iran".
Minh Anh
********************
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên khẳng định lại ý muốn phi hạt nhân hóa (RFI, 09/05/2018)
Trong cuộc tiếp xúc lần thứ hai với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong không đầy hai tháng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hôm qua 08/05/2018 đã tái khẳng định quyết tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh chụp tại Đại Liên, Trung Quốc, do KCNA công bố ngày 9/05/ 2018. KCNA/via Reuters
Theo hãng tin Pháp AFP, trích dẫn Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp thượng đỉnh với đồng cấp Trung Quốc, ông Kim Jong-un đã khẳng định rằng Bắc Triều Tiên không cần phải trở thành một nhà nước hạt nhân, "miễn là các bên liên quan từ bỏ chính sách thù địch của họ, và loại bỏ các mối đe dọa về mặt an ninh chống lại CHDCND Triều Tiên".
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng bày tỏ hy vọng rằng Washington và Bình Nhưỡng sẽ thực hiện các biện pháp tuần tự và đồng bộ để tiến tới cả hai mục tiêu phi hạt nhân hóa và hòa bình.
Theo hãng tin Pháp AFP, yêu cầu này của lãnh đạo Bình Nhưỡng thực chất là một đòi hỏi "có đi có lại" nhắm vào Mỹ. Bắc Triều Tiên từ lâu nay luôn đòi hỏi là quân đội Mỹ phải rút khỏi bán đảo Triều Tiên và hủy bỏ việc phủ chiếc ô hạt nhân trên Hàn Quốc.
Ngay sau cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đài truyền hình Trung Quốc CCTV khẳng định rằng trong cuộc nói chuyện, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng rằng Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể làm việc cùng nhau, xây dựng lòng tin vào nhau và "xem xét những nhu cầu an ninh hợp lý của Bắc Triều Tiên".
Việc ông Kim Jong-un bất ngờ đi thăm Trung Quốc lần thứ hai để gặp chủ tịch Trung Quốc càng cho thấy vai trò quan trọng của Bắc Kinh trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, đồng thời phản ánh ý muốn của ông Kim Jong-un bảo đảm chỗ dựa trước cuộc họp với Mỹ.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tiết lộ rằng cuộc gặp Tập Cận Bình - Kim Jong-un lần thứ hai đã được tổ chức theo yêu cầu của Bình Nhưỡng, trái với lần trước là do Bắc Kinh chủ động.
Trọng Nghĩa