Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/05/2018

Mỹ trừng phạt Iran, Châu Âu từ chối trả giá

Tổng hợp

Châu Âu xoay sở sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận về Iran (VOA, 12/05/2018)

Đức, Pháp có quan h thương mi đáng k vi Iran và vn cam kết thc hin tha thun ht nhân, Anh cũng như vy, và b trưởng ngoi giao ca c ba nước có kế hoch gp nhau hôm 15/5 đ tho lun.

europe1

Thủ tướng Đc Merkel nói cn bàn vi Iran v vic cu tha thun ht nhân

Thủ tướng Đc Angela Merkel cho biết cn phi tho lun vi Tehran v các kh năng đ cu tha thun mà không có Washington tham gia, trong khi B trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các nước EU s đ xut các bin pháp ngăn chn trng pht lên y ban Châu Âu.

Châu Âu lo ngại rng s sp đ ca tha thun ht nhân có th làm tăng nguy cơ là các cuc xung đt Trung Đông s trm trng hơn.

Iran đang có nhng chia r v nhng din biến tiếp theo. giáo sĩ bậc trưởng thượng Ayatollah Ahmad Khatami nói vi các tín đ ti Đi hc Tehran hôm 11/5 rng các quc gia Châu Âu không th tin cy được.

Nhưng trước đó,Tng thng Hassan Rouhani nói hôm 8/5 rng Tehran s vn thc hin tha thun, chng nào các điều khon v tr giúp vn có hiu lc vi các bên ký kết còn li.

**********************

Pháp lên án Mỹ về lệnh trừng phạt Iran (BBC, 11/05/2018)

Pháp lên án động thái của Hoa Kỳ là "không thể chấp nhận" khi tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty kinh doanh với Iran.

chauau1

Hai trong số các công ty có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ

Hành động này của Washington được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng các công ty Châu Âu không phải trả giá cho quyết định của Mỹ.

Mỹ cho biết các công ty có sáu tháng để ngừng kinh doanh và không thể tham gia vào các hợp đồng mới hoặc họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Ông Le Drian nói gì ?

Trong một cuộc phỏng vấn với Le Parisien, Bộ trưởng ngoại giao Pháp nói : "Chúng tôi cảm thấy rằng đặc quyền với các biện pháp trừng phạt của họ là không thể chấp nhận được. Người Châu Âu không phải trả tiền cho việc rút khỏi thỏa thuận của Hoa Kỳ, mà chính họ đã từng đóng góp vào đó".

Ông Le Drian nói rằng cam kết của các đối tác khác đối với thỏa thuận Iran cần phải được tôn trọng.

chauau2

Ông Le Drian nói rằng cam kết của các đối tác khác với thỏa thuận Iran cần phải được tôn trọng

Ông cho rằng cách thức trừng phạt mới cũng sẽ ảnh hưởng đến Mỹ và rằng Châu Âu sẽ "đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các công ty của chúng ta và bắt đầu đàm phán với Washington" về vấn đề này.

Ông Le Drian nói rằng cam kết của các đối tác khác đối với thỏa thuận Iran cần được tôn trọng.

Ông cho biết tác động từ động thái này của Mỹ đã được cảm thấy trong việc tăng chi phí dầu và sự gia tăng bất ổn chính trị ở Trung Đông.

Pháp, Anh và Đức đều nói rằng họ sẽ làm việc với Iran để cố gắng cứu vãn thỏa thuận.

Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết ông sẽ làm việc với các công ty bị ảnh hưởng để cố gắng "giảm thiểu hậu quả tiêu cực" từ động thái này của Mỹ.

Ông bổ sung rằng : "Điều đó có nghĩa là, chắc chắn sẽ giới hạn thiệt hại".

Những công ty nào có thể bị ảnh hưởng ?

Nhiều công ty Pháp đã ký kết các thỏa thuận có giá trị hàng tỷ đô la với Iran kể từ khi hiệp định hạt nhân được ký kết năm 2015.

Bao gồm Airbus, tập đoàn dầu mỏ Total và các nhà sản xuất ô tô Renault và Peugeot.

Họ sẽ phải hoàn tất đầu tư vào tháng 11 hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chính trị 'bất ổn' ông Le Drian nói đến là gì ?

Ví dụ mới nhất là đụng độ quân sự giữa Iran và Israel ở Syria.

Israel cáo buộc Quds Force - là giới tinh hoa ở nước ngoài hoạt động như cánh tay của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) - đã bắn 20 tên lửa vào các vị trí quân sự của nước này ở Syria hôm sáng thứ Năm.

Israel cho biết máy bay chiến đấu của nước này sau đó tấn công 70 mục tiêu quân sự của Iran ở Syria.

Việc Iran triển khai quân tới Syria để giúp Tổng thống Bashar al-Assad đã được Israel cảnh báo.

Động thái trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ là gì ?

Hôm thứ Năm, các cá nhân và tổ chức của Hoa Kỳ bị cấm kinh doanh với sáu cá nhân và ba công ty của Iran mà Washington cho rằng có quan hệ với Vệ binh Cách mạng.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết hình phạt nhắm đến những cá nhân đã quyên góp hàng triệu đô la cho nhóm này, tài trợ cho "hoạt động xấu xa" của chúng.

******************

Vì sao Donald Trump chọn giải pháp cứng rắn nhất đối với Iran ? (RFI, 11/05/2018)

Les Echos hôm 11/05/2018 phân tích "Vì sao Donald Trump chọn giải pháp cứng rắn nhất đối với Iran", nhấn mạnh việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân 2015 đã mở ra một thời kỳ bất định lớn lao.

iran1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và bản tuyên bố ý định rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran (JCPOA) ký tại Nhà Trắng ngày 08/05/2018. Reuters/Jonathan Ernst/File Photo

"Thỏa thuận tệ hại nhất lịch sử, khủng khiếp, nguy hiểm !". Hôm thứ Ba 8/5, rốt cuộc ông Donald Trump đã quyết định từ bỏ thỏa hiệp giữa Iran với sáu cường quốc (gồm năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cộng thêm Đức), được ký kết hôm 14/07/2015 tại Vienna.

Hiệp định này là kết quả của 12 năm trời đàm phán gay go, nhằm giới hạn năng lực làm giàu uranium của Iran để không thể sử dụng vào mục đích quân sự. Đổi lại, Iran được gỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của quốc tế, mở ra con đường bình thường hóa quan hệ với các nước và thúc đẩy nền kinh tế.

Nhưng vì sao tổng thống thứ 45 của Mỹ lại chọn giải pháp cực đoan nhất khi ra khỏi hiệp định Vienna, khi tái áp dụng những trừng phạt mạnh mẽ nhất, và đòi hỏi các công ty nước ngoài rút khỏi Iran ?

Theo Les Echos, nhà tỉ phú Mỹ có nhiều lý do, mà trước hết là chính trị. Ông quyết phá tất cả những gì mà người tiền nhiệm Barack Obama đã làm, như Hiệp định Khí hậu Paris. Thứ đến là nội dung của hiệp ước nguyên tử Iran chỉ giới hạn ở các hoạt động hạt nhân mang mục đích quân sự, mà không liên quan đến việc chế tạo hỏa tiễn đạn đạo. Theo IISS (Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế), một số hỏa tiễn của Iran về lý thuyết có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Hơn nữa, thời hiệu của hiệp định được ấn định là 10 năm, khiến những gì diễn ra sau 2025 vẫn là một dấu hỏi. Hiệp định cũng không đề cập đến các hành động của Iran bị cáo buộc là nhằm gây bất ổn thế giới Ả Rập, như ở Irak, Yemen, Liban, Syria, với hàng trăm cố vấn của lực lượng đặc biệt Al Qods và dân quân Hezbollah được triển khai. Lo ngại, Saudi Arabia đã xích lại gần Israel.

Trên lý thuyết thì việc Mỹ lại trừng phạt chỉ có tác động tương đối, vì Washington vẫn duy trì cấm vận trong một số lãnh vực khác. Thế nhưng đây là một đòn nặng cho thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng nhiệm Anh Theresa May, tổng thống Pháp Emmanuel Macron – cả ba nhà lãnh đạo cho đến phút chót vẫn cố gắng làm tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi ý kiến.

Rủi ro lớn nhất cho Châu Âu thuộc về lãnh vực kinh tế : Trump ra thời hạn sáu tháng cho các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Iran. Chưa ai quên số tiền phạt 9 tỉ đô la mà Hoa Kỳ áp đặt đối với ngân hàng Pháp BNP Paribas năm 2014.

Tương lai giờ đây tùy thuộc Iran : Tehran đang cân nhắc xem có nên ở lại với hiệp định hay không. Đối với tổng thống cải cách Hassan Rohani, đây là một thất bại, còn phe cứng rắn gồm giáo sĩ và Vệ binh Cách mạng lâu nay vẫn phản đối thỏa thuận. Tất cả nay sẽ do giáo chủ Ali Khamenei quyết định.

Trong trường hợp Iran lại làm giàu uranium hơn mức độ cho phép năm 2015, quốc tế không có nhiều lựa chọn vì Donald Trump vẫn chưa có đề nghị gì về một "thỏa thuận tốt hơn" với Teheran.

Về quân sự, Israel không thể tái diễn các vụ không kích, như hồi năm 1981 đánh vào lò phản ứng hạt nhân Osirak ở Irak, hay vào Syria năm 2007. Các địa điểm nguyên tử của Iran được giấu rất kỹ, đôi khi dưới những hầm ngầm vô cùng kiên cố, chỉ có siêu bom của Mỹ mới đạt tới. Trong một khu vực bất ổn như Trung Đông, một cuộc tấn công quân sự vào Iran có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn. Cuộc chiến do Irak của Saddam Hussein đánh vào Iran (1980-1988) là một thảm kịch đã làm cho 800.000 người chết.

Bây giờ chỉ còn trông cậy vào kế hoạch B : Châu Âu hy vọng thuyết phục được Iran tôn trọng hiệp định, nếu có được sự hỗ trợ của Trung Quốc và nhất là Nga, đồng minh cơ hội của Iran. Bởi vì nguy cơ chính là một cuộc chạy đua hạt nhân tại Trung Đông. Liệu Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh có chịu khoanh tay đứng nhìn trước một Iran sở hữu bom nguyên tử ?

Thụy My

********************

Mỹ trừng phạt Iran : Những tập đoàn nào có liên quan và có nguy cơ gánh lấy rủi ro gì ? (RFI, 11/05/2018)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Ba 08/05/2018 thông báo rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và cam kết ban hành "các lệnh trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất". Nếu như những nước khác có tham gia ký kết đang tìm cách duy trì thỏa thuận, quyết định này của tổng thống Mỹ đe dọa nhiều doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với Iran.

chauau3

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Washington, ngày 08/05/2018. Reuters/Jonathan Ernst/File Photo

Thứ nhất, nội dung của thỏa thuận hạt nhân Vienna là gì ?

Sau 21 tháng thương thuyết căng thẳng giữa Iran và nhóm "5+1", tức bao gồm năm nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ, cộng thêm Đức, bản "Kế hoạch hành động chung toàn diện" đã được ký vào ngày 14/07/2015. Văn bản này dự kiến tái lập trao đổi thương mại với Iran và phục hồi nền kinh tế Iran để đổi lấy việc nước này từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử.

Một cách cụ thể, thỏa thuận Vienna phong tỏa trong vòng 10 năm chương trình hạt nhân Iran và cấm Tehran làm giầu chất uranium ở một mức độ nào đó, có thể dẫn sử dụng cho quân sự. Nghĩa là, chương trình hạt nhân của Iran không được dỡ bỏ hoàn toàn mà chỉ bị giới hạn. Mặt khác, Iran phải chấp nhận để cho Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) giám sát chặt chẽ các cơ sở hạt nhân của mình và mở một cuộc điều tra về chương trình hạt nhân trước đó của nước này. Đổi lại, một phần lệnh cấm vận, hiện đang bóp nghẹt nền kinh tế Iran, được dỡ bỏ.

Thỏa thuận đạt được mở ra nhiều triển vọng mới cho các doanh nghiệp phương Tây, và đặc biệt là Châu Âu và các doanh nghiệp này đã vội vã lao vào thị trường có đến 80 triệu dân này. Trao đổi thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Iran tăng gấp 3 lần trong vòng 2 năm, từ 7,7 tỷ euro trong năm 2015 lên đến 21 tỷ vào năm 2017.

Thứ hai, tổng thống Mỹ Donald Trump muốn gì ?

Ngay từ khi vận động tranh cử, Donald Trump đã không ngừng chỉ trích thỏa thuận được thương lượng dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, là một thỏa thuận "tồi tệ nhất mà Hoa Kỳ chưa bao giờ ký". Sau nhiều lần dọa dẫm, tổng thống Mỹ cuối cùng đã thông báo hôm mồng 08/05 rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận này trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Được Ả Rập Xê Út và Israel ủng hộ, chủ nhân Nhà Trắng muốn gây áp lực với Iran, buộc nước này chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo, các "hoạt động khủng bố trên thế giới" và "ngăn chặn hoạt động đe dọa của nước này trên toàn khu vực Trung Đông".

Để làm điều đó, tổng thống Mỹ đã dùng đến đòn bẩy kinh tế. Donald Trump tuyên bố : «Chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất", đồng thời ông dọa rằng "Tất cả những quốc gia nào giúp đỡ Iran trong công cuộc phát triển vũ khí hạt nhân cũng có thể phải hứng chịu đòn trừng phạt nặng nề của Mỹ".

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton nói thêm, việc tái lập các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực "ngay tức thì" đối với các hợp đồng mới và những doanh nghiệp nào đã hoạt động tại Iran có vài tháng để "ra đi". Theo bộ Tài Chính Mỹ, thời hạn rút lui này kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

Doanh nghiệp nào từ chối tuân thủ mệnh lệnh của Hoa Kỳ có nguy cơ lãnh lấy sự trừng phạt từ phía Mỹ. Chính quyền Washington dựa vào nguyên tắc "ngoài lãnh thổ" trong luật pháp của Hoa Kỳ cho phép nước này trừng phạt các doanh nghiệp nước ngoài nào vừa có trao đổi mậu dịch với Hoa Kỳ hay sử dụng đồng đô la để giao dịch vừa có làm ăn với những quốc gia bị cấm vận. Chính với danh nghĩa nguyên tắc này mà ngân hàng BNP-Paribas của Pháp đã bị phạt 8,9 tỷ đô la năm 2014.

Thứ ba, những doanh nghiệp lớn nào có liên quan ?

Các hãng chế tạo và lắp ráp máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của Châu Âu, những hãng lẽ ra có thể giúp cho Iran hiện đại hóa đội bay dân sự già cỗi của họ, đặc biệt bị đe dọa trước việc Hoa Kỳ quyết định rút ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran. Hãng Boeing năm 2016 đã ký với hãng hàng không quốc gia Iran Air một hợp đồng cung cấp 80 chiếc máy bay với tổng trị giá 16,6 tỷ đô la và với hãng Aseman một hợp đồng trị giá 3 tỷ đô la cho 30 chiếc. Dù biết rằng việc hủy những hợp đồng này có thể làm mất hàng chục ngàn việc làm tại Mỹ, nhưng tập đoàn Boeing tuyên bố sẽ tuân thủ theo quyết định của Washington.

Về phần mình, hãng Airbus cho biết có nhiều đơn đặt hàng cho 100 chiếc máy bay với nhiều hãng hàng không Iran khác nhau, với tổng giá trị là 10 tỷ đô la. Có một điều tất yếu là hãng chế tạo và lắp ráp hàng không Châu Âu này đã bị vướng vào lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, do tập đoàn có nhiều nhà xưởng tại Mỹ và một lượng lớn linh kiện lắp đặt trong các máy bay do hãng chế tạo, được sản xuất tại Mỹ.

Tương tự, nhiều chi nhánh của tập đoàn công nghiệp General Electric đã ký kết nhiều hợp đồng trị giá hàng chục triệu đô la để khai thác các mỏ khí đốt và phát triển sản phẩm hóa dầu cũng bị liên can. Hãng Total của Pháp, liên kết với tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNPC, đã ký một thỏa thuận đầu tư 5 tỷ đô la nhằm khai thác mỏ dầu South Pars.

Thông báo của Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran còn đe dọa nhiều tập đoàn chế tạo, lắp ráp xe hơi của Châu Âu. Từ Volkswagen của Đức, Renault (Pháp) do sự hiện diện của hãng liên kết Nissan tại Mỹ, cho đến hãng Peugeot (Pháp).

Một số hãng hàng không Châu Âu như British Airway (Anh) và Lufthansa (Đức) đã nối lại tuyến bay thẳng đến Tehran có nguy cơ phải chấm dứt hoạt động nếu muốn tiếp tục tự do nối tuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Ngành kinh doanh khách sạn cũng không ngoại lệ. Từ chuỗi khách sạn Accor của Pháp cho đến chuỗi Melia Hotels International của Tây Ban Nha và tập đoàn Rotana Hotels của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, dù đã đi vào hoạt động hay vừa có ý định đều phải xem xét lại chính sách đầu tư.

Đó là chưa kể đến tất cả những doanh nghiệp nào muốn đến đầu tư tại Iran có nguy cơ bị các ngân hàng lớn từ chối cho vay tín dụng do e sợ phải bị gánh lấy những đòn trừng phạt của Hoa Kỳ.

Cuối cùng, những doanh nghiệp này có nguy cơ hứng lấy những rủi ro gì ?

Các hình thức trừng phạt hiện chưa rõ ràng nhưng theo như cam kết của phủ tổng thống Pháp, Châu Âu đang tính mọi cách và sẽ ráo riết thảo luận với Hoa Kỳ về các lệnh trừng phạt nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Châu Âu đang hoạt động tại Iran. Trong số các hướng đi được nhắm đến, có giải pháp duy trì các quyền cho các doanh nghiệp nào đã đi vào hoạt động và quyền "miễn trừ".

Bởi vì những nước khác có tham gia ký kết thỏa thuận Vienna dường như đã tỏ ra quyết tâm duy trì văn bản này. Tổng thống Iran Hassan Rohani cho biết sẵn sàng thảo luận với Châu Âu, Nga và Trung Quốc để nghiên cứu làm thế nào có thể bảo vệ được các lợi ích của nước Cộng Hòa Hồi Giáo, nhưng đồng thời ông cũng đe dọa nối lại chương trình làm giầu chất uranium "không giới hạn" nếu như các cuộc thương thuyết đó không đưa ra kết quả khả quan nào trong những tuần sắp tới.

Đối với ông Clément Therme, chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế, lập trường này của Châu Âu chỉ dẫn đến thất bại. Ông nói :

"Các doanh nghiệp tư nhân Châu Âu không nghe theo tổng thống Macron lẫn thủ tướng Đức Merkel. Họ chỉ nghe theo tổng thống Mỹ. Châu Âu đang ở một thế yếu. Và theo quan điểm của tôi, Châu Âu sẽ là nạn nhân chính trị từ quyết định này của Trump, bởi vì ông ấy sẽ tỏ cho thấy là Châu Âu, ngoài những tuyên bố cứng rắn , thật sự sẽ không làm chủ được các sự kiện này và cũng không có khả năng tác động đến dòng chảy lịch sử".

**********************

Mỹ tăng áp lực trừng phạt lên Iran (BBC, 11/05/2018)

Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt đối với sáu người và ba công ty bị cáo buộc có quan hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran (IRGC- Islamic Revolutionary Guard Corps).

chauau4

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran tại một cuộc diễu hành quân sự ở Tehran

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết lệnh trừng phạt nhắm vào những người đã quyên góp hàng triệu đô la tài trợ cho "hoạt động tàn bạo" của tổ chức này.

Ngân hàng trung ương Iran cũng bị buộc tội giúp IRGC nhận tiền.

Bộ Tài chính không nêu tên các cá nhân bị trừng phạt, nhưng nói rằng tất cả đều là người Iran.

Động thái này - được thực hiện cùng với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - nghiêm cấm các cá nhân và tổ chức của Hoa Kỳ có các hoạt động kinh doanh với IRGC.

Ông Mnuchin cho biết : "Iran và Ngân hàng Trung ương đã lạm dụng quyền tiếp cận các tổ chức ở UAE để mua đô la Mỹ nhằm tài trợ cho các hoạt động tàn bạo của IRGC, bao gồm cả việc tài trợ và vũ trang cho các tổ chức đại diện".

"Chúng tôi có ý định cắt đứt nguồn thu nhập của IRGC bất chấp nguồn này đến từ đâu và đến nơi nào", ông nói thêm.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran

IRGC được thành lập năm 1979 để bảo vệ thể chế Hồi giáo của Iran và là một lực lượng quân sự, chính trị và kinh tế lớn của nước này. Các biện pháp trừng phạt đặc biệt nhắm vào tổ chức hoạt động ở nước ngoài của IRGC, lực lượng Quds.

Tổng thống Donald Trump gọi đây là "lực lượng khủng bố" và áp lệnh trừng phạt vào tháng 10/2017.

Những lệnh trừng phạt mới nhất được đưa ra chỉ hai ngày sau khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và cam kết sẽ tăng áp lực lên Tehran.

Thỏa thuận năm 2015 đã kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU.

Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei mô tả quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của ông Trup là một "sai lầm".

********************

Mỹ trừng phạt hệ thống tài chính của Vệ Binh Cách Mạng Iran (RFI, 11/025/2018)

Theo Reuters ngày 10/05/2018, bộ Tài Chính Hoa Kỳ, phối hợp với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đề ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào 6 cá nhân và 3 doanh nghiệp, tất cả đều thuộc Al-Qods, lực lượng tinh nhuệ của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran.

chauau5

Bộ Tài Chính Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt nhắm một mạng lưới tài chính của quân đội Iran.PAUL J. RICHARDS / AFP

Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve cho biết thêm thông tin :

"Thông báo được đưa ra, hai ngày sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran và một ngày sau vụ bắn rốc két từ Syria sang phía Israel mà thủ phạm được cho là lực lượng Al-Qods. Hôm qua, Hoa Kỳ và đồng minh Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã quyết định đưa ra các trừng phạt nhắm vào một trong những mạng lưới tài chính của lực lượng tinh nhuệ, trực thuộc quân đội Iran.

Các trừng phạt nói trên nhắm vào 6 nhân vật Iran và 3 doanh nghiệp bị cáo buộc đã tham gia vào mạng lưới trao đổi ngoại tệ rộng lớn giữa Iran và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Đây là mạng lưới ngân hàng cung cấp hàng triệu đô la cho lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran.

Theo bộ Tài Chính Mỹ, khoản tiền này được dùng để tài trợ cho các hoạt động ở bên ngoài của lực lượng Al-Qods và đặc biệt là các tổ chức quân sự trong khu vực mà Tehran giật dây.

Hôm thứ Ba, 08/05, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tố cáo Iran ủng hộ tổ chức Hezbollah ở Liban, Hamas trên lãnh thổ Palestine. Thông cáo của bộ Tài Chính Mỹ khẳng định : Chúng tôi muốn cắt các nguồn thu nhập của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran, bất kể các khoản tài chính này có nguồn gốc từ đâu và được chuyển đi đâu".

Đức Tâm

*******************

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran : Các công ty Nga hưởng lợi (RFI, 11/05/2048)

Dù chỉ trích việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng thực chất Nga không bị tác hại kinh tế nặng nề như các nước Châu Âu, thậm chí các công ty của nước này có thể sẽ hưởng lợi từ việc Washington tái lập các biện pháp trừng phạt Tehran.

chauau6

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Iran Hassan Rouhani tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 04/04/2018.AFP

Theo các nhà phân tích được hãng tin AFP ngày 11/05/2018 trích dẫn, vào lúc các nước Châu Âu không biết làm cách nào để duy trì các mối quan hệ kinh tế được thiết lập từ sau thỏa thuận 2015, thì các công ty Nga lại đang trong thế thuận lợi.

Nhà chính trị học Vladimir Sotnikov ghi nhận : 

"Thỏa thuận hạt nhân và việc bãi bỏ các trừng phạt đã đánh dấu sự trở lại của các doanh nghiệp Châu Âu ở Iran, khiến cạnh tranh trở nên gắt gao. Nhưng nay các công ty Châu Âu sẽ khó mà tiếp tục như thế. Vì thế, hơn bao giờ hết, các công ty Nga đang chiếm thế thượng phong".

Quan hệ giữa Nga và Iran đã được cải thiện kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh. Vào lúc chế độ Tehran còn bị thế giới cô lập, giữa thập niên 1990, Moskva đã chấp nhận thực hiện hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bouchehr (miền nam Iran), sau khi Đức bỏ dở dự án này. Ngay cả trước khi ký thỏa thuận 2015 về hạt nhân Iran, bất chấp các biện pháp trừng phạt của quốc tế, hai nước vẫn tìm cách tăng cường trao đổi mậu dịch.

Theo nhà phân tích Igor Delanoe, thuộc Đài Quan sát Pháp-Nga, các công ty Châu Âu nay phải tuân thủ các trừng phạt của Hoa Kỳ vì sợ sẽ gặp khó khăn trên thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp Nga thì ít lo hơn. Ông Delanoe nhắc lại : 

"Ngay cả khi Iran còn bị quốc tế trừng phạt, các doanh nghiệp Nga vẫn tiếp tục làm việc một cách thoải mái ở Iran. Họ đã quen thích ứng với những bó buộc về pháp lý và kinh tế. Việc Hoa Kỳ o ép Iran sẽ càng khiến nước này quay sang Trung Quốc và Nga".

Tình hình hiện nay có thể tạo xung lực mới cho quan hệ kinh tế Nga-Iran, vốn đã bị chựng lại trong vài năm trở lại đây. Trao đổi mậu dịch giữa hai nước năm 2017 chỉ đạt 1,7 tỷ đô la, giảm đến 20% so với năm 2016, thấp hơn nhiều so với mức 3 tỷ đô la vào cuối thập niên 2000.

Ông Charles Robertson, thuộc ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, phân tích Nga muốn bán thép, các cơ sở hạ tầng giao thông và các hàng hóa khác cho Iran. Cạnh tranh của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu "càng yếu thì càng có lợi (đối với Nga)".

Nhà phân tích Igor Delanoe cho biết Iran cũng đang có nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng cho ngành năng lượng, cũng như trong ngành viễn thông và điện lực, những lĩnh vực Nga có lợi thế. Cũng theo ông Delanoe, tình hình hiện nay có thể thúc đẩy xu hướng sử dụng đồng rúp trong giao thương giữa Nga với các nước Trung Đông, để tránh đô la, bởi vì việc sử dụng đơn vị tiền tệ này có thể bị tư pháp Mỹ gây khó dễ.

Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 còn có một tác động tích cực khác đối với kinh tế Nga, đó là giá dầu tăng lên đến mức cao nhất từ năm 2014, làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Nga, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu khí. Điều này tạo thuận lợi cho tổng thống Vladimir Putin, vừa chính thức nhậm chức cho nhiệm kỳ thứ tư, với lời hứa hẹn sẽ phát triển kinh tế Nga và giảm nghèo đói. Để thực hiện hai mục tiêu dài hạn đó, thủ tướng Dmitri Medvedev sẽ cần đến hơn 100 tỷ euro.

Thanh Phương

*******************

Iran không muốn gây căng thẳng thêm ở Trung Đông (RFI, 11/05/2018)

Sau vụ không kích của lực lượng Iran tại Syria vào khu vực Israel kiểm soát ở cao nguyên Golan, quốc gia Do Thái đã trả đũa bằng hàng chục cuộc oanh kích ở Syria. Thủ tướng Israel cho là Iran đã vượt "lằn ranh đỏ".

chauau7

Tổng thống Iran, Hassan Rohani trong buổi phát biểu trên truyền hình, Téhéran, ngày 08/05/2018. HO / IRANIAN PRESIDENCY / AFP

Liên Hiệp Châu Âu rất lo ngại trước cuộc leo thang đột ngột này, kêu gọi các bên "kềm chế". Về phần mình, tổng thống Iran, Hassan Rohani, ngày 10/05/2018, đã lên tiếng trấn an : Iran không muốn vùng Trung Cận Đông "thêm căng thẳng".

Thông tín viên RFI tại Tehran, Siavosh Ghazi, tường thuật :

"Iran không muốn có những căng thẳng mới trong khu vực", tổng thống Rohani đã khẳng định như trên khi nói chuyện qua điện thoại với thủ tướng Đức Angela Merkel.

Kết quả cuộc chiến đấu của Iran bên cạnh các dân tộc Syria và Iraq chống lại những kẻ khủng bố của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, là sự ổn định tương đối ở Syria, ổn định tốt ở Iraq, điều này có lợi cho khu vực, cho thế giới và Châu Âu".

Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại nghị viện Iran, Alaeddin Boroujerdi, khẳng định là "Iran lên án cuộc tấn công của Israel và đánh giá rằng mọi phản ứng của Syria là hành động tự vệ chính đáng". Vị chủ tịch còn tố cáo Israel đi vào "một cuộc chơi nguy hiểm".

Là "kẻ thù" của Israel, Iran đã cử cố vấn quân sự và quân tình nguyện người Iran, Afghanistan, và Pakistan, qua Syria hậu thuẫn cho quân đội Damas chống lại các nhóm vũ trang và lực lượng thánh chiến của Daesh.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 521 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)