Bắc Triều Tiên dùng nguyên tử buộc Mỹ cam kết sự tồn vong của chế độ
Ngày 16/05/2018, Bắc Triều Tiên lại buộc báo chí thế giới nhắc đến lần nữa khi "đe dọa hủy thượng đỉnh giữa Kim và Trump", theo tựa của Le Monde. "Kim Jong-un lên giọng trước thềm thượng đỉnh với Mỹ" là nhận định trên trang nhất của Le Figaro. Les Echos nêu lý do "Kim báo trước với Trump là ông sẽ không bao giờ chấp nhận phi hạt nhân hoàn toàn".
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh minh họa. SAUL LOEB/AFP
Thượng đỉnh Kim-Trump, theo dự kiến, sẽ diễn ra ngày 12/06 tại Singapore. Nhưng Bình Nhưỡng dọa "cân nhắc lại" nếu Washington tìm cách dồn Bình Nhưỡng đơn phương tuyên bố từ bỏ hạt nhân, theo phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-gwan. Thực ra, vị lãnh đạo này không tấn công trực tiếp tổng thống Donald Trump, cũng không phải ngoại trưởng Mike Pompeo mà lên án phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton khi ông này kêu gọi áp dụng "mô hình Libya" đối với Bắc Triều Tiên.
"Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ hạt nhân" là nhận định chung của hai chuyên gia Juliette Morillot, chuyên về Bắc Triều Tiên và Pierre Rigoulot, giám đốc Viện Lịch sử Xã hội, trong chuyên mục "Thảo luận" của nhật báo công giáo La Croix. Vì từ năm 2012, vũ khí hạt nhân đã được ghi vào Hiến Pháp và trở thành bản sắc của Bắc Triều Tiên.
Theo bà Juliette Morillot, "các thách thức của cuộc đàm phán giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ liên quan rất nhiều đến vấn đề phi hạt nhân". Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018 nhấn mạnh đến phi hạt nhân hóa toàn bán đảo Triều Tiên, cả miền Bắc lẫn miền Nam.
Bắc Triều Tiên đã tỏ thiện chí khi trả tự do cho ba tù nhân Mỹ, đồng thời phá hủy khu thử hạt nhân plutonium trên núi Mantap. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy công việc phá hủy đã bắt đầu. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn còn hai trung tâm làm giầu uranium nằm trong lòng đất và không ở núi Mantap. Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ tìm cách thương lượng để vào được các khu vực này, dù không dễ dàng gì.
Kim Jong-un giờ chờ đợi rất nhiều từ Washington. Bắc Triều Tiên từng luôn yêu cầu Mỹ ký một thỏa thuận bất tương xâm và đảm bảo sự sống còn cho chế độ Bắc Triều Tiên. Theo chuyên gia Morillot, thực ra Bình Nhưỡng không phải chờ đến ví dụ của Iran để hiểu rằng Hoa Kỳ không đáng tin mà đã biết điều này từ nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, Bình Nhưỡng cần cam kết từ phía Mỹ.
Chưa họp thượng đỉnh mà chính quyền Mỹ đã tỏ ra đắc thắng. Có lẽ vì thế, dọa hủy thượng đỉnh cũng là cách để Kim Jong-un chỉnh đốn lại Donald Trump. Thêm vào đó, chính lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang là người chèo lái con thuyền đàm phán. Kim Jong-un sang Trung Quốc hai lần để gặp chủ tịch Tập Cận Bình và muốn sử dụng lá bài Trung-Mỹ có lợi cho ông.
Theo chuyên gia Pierre Rigoulot, khái niệm "phi hạt nhân" được Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ định nghĩa hoàn toàn khác nhau. Bình Nhưỡng hiểu điều này như là "tạm dừng". Ngoài ra, khi đề cập đến "phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên", chế độ Kim Jong-un muốn bao hàm cả chiếc ô hạt nhân Mỹ ở Hàn Quốc, song đây lại là điều khó chấp nhận được với Mỹ. Về phần mình, Washington lại yêu cầu Bắc Triều Tiên phi hạt nhân "hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược", nhưng kịch bản này lại khó có thể xảy ra.
Bắc Triều Tiên hiện ở trong tình thế đặc biệt của một quốc gia đã làm chủ vũ khí hạt nhân và lại bị yêu cầu từ bỏ loại vũ khí này. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Pierre Rigoulot, dù có phá hủy thì Bình Nhưỡng vẫn có khả năng trang bị lại vũ khí nguyên tử chỉ trong vòng vài tuần.
Viễn cảnh tương lai là Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể đồng thuận ở một số biện pháp như để Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến giám sát. Thượng đỉnh Kim-Trump sẽ mới chỉ là bước đầu của một chặng đường dài. Hai miền Triều Tiên có thể hướng tới một hiệp định hòa bình trên bán đảo và công nhận chế độ của nhau, dưới sự bảo trợ của Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia Pierre Rigoulot không tin vào khả năng một thỏa thuận về nguyên tử sẽ được ký giữa Bình Nhưỡng và Washington vì đơn giản là sẽ đe dọa đến chế độ Kim Jong-un.
John Bolton : "Đại diều hâu" làm tổ trong Nhà Trắng
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của tổng thống Mỹ Donald Trump là người phát biểu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo "mô hình Libya" khiến Bắc Triều Tiên dọa cân nhắc lại cuộc họp thượng đỉnh Kim-Trump. Hai chủ đề nóng là thỏa thuận hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên đều được John Bolton thì thầm vào tai tổng thống Mỹ.
Với Libération, "John Bolton là một "đại diều hâu" làm tổ trong Nhà Trắng" và hoàn thiện đội ngũ diều hâu quanh tổng thống Trump. Hai cựu cố vấn của Obama nhận xét : "Với John Bolton, có ít vấn đề quốc tế mà chiến tranh không phải là lời đáp trả". Là một "đứa trẻ ngỗ ngược thời chính quyền Bush", theo miêu tả của New York Times, John Bolton ủng hộ chiến tranh tại Irak và lật đổ chế độ Saddam Hussein. Từ khi ông vào Nhà Trắng, rất nhiều thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia đã khăn gói ra đi.
Bất chấp những bằng chứng về việc Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân, ông John Bolton một mực khẳng định "điều quan trọng là ngay từ đầu, đó đã là một thỏa thuận tồi, giờ vẫn thế và phải xé nó đi", đúng với khẳng định của tổng thống Trump.
Libération trích nhận định của chuyên gia Stewart M. Patrick, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Relations), việc bổ nhiệm John Bolton vào Nhà Trắng là "chiến thắng quyết định của "phe dân túy" trước "phe ủng hộ toàn cầu" trong chính quyền Trump. Định nghĩa và bảo vệ chủ quyền quốc gia Mỹ là tâm điểm của cuộc chiến này". Và chính ở điểm này, tổng thống Trump và cố vấn Bolton có cùng quan điểm. Trong cuốn sách nói về vai trò đại sứ của ông ở Liên Hiệp Quốc từ 2005-2006, ông John Bolton dành nhiều trang giấy để chỉ trích Liên Hiệp Quốc, chủ nghĩa đa phương và mọi loại thỏa thuận quốc tế.
"America First" buộc Châu Âu đoàn kết đối phó với Trump
Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rất rõ ràng : Hoa Kỳ phải ngừng làm "sen đầm quốc tế" và quyền lợi của người dân Mỹ được đặt trên hết trong chính sách "Americain First". Nhưng tăng thuế đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu, đơn phương trừng phạt Iran sau khi rút khỏi hiệp định hạt nhân, yêu cầu các đồng minh NATO tăng ngân sách… tổng thống Donald Trump lại không có ý định từ bỏ vai trò "sen đầm kinh tế".
Trước cách điều hành không giống ai, "phá vỡ các luật lệ và thỏa thuận, buộc đối phương và cả đồng minh phải quy phục", của tổng thống Mỹ, Châu Âu buộc thực hiện "Europa First", theo nhận định bài xã luận trên Le Figaro.
"Châu Âu cố giữ đoàn kết trước Donald Trump" là nhận xét trên trang nhất của Le Figaro. Trong cuộc họp cấp cao giữa nguyên thủ và thủ tướng các nước Liên Hiệp Châu Âu diễn ra vào tối 16 và ngày 17/05 tại Sofia, Châu Âu tìm một tiếng nói chung đối với "thái độ" được cho là "thất thường" của tổng thống Mỹ về hồ sơ hạt nhân Iran và thương mại quốc tế. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu khẳng định : "Nếu Iran tôn trọng các cam kết của họ, Liên Hiệp Châu Âu cũng tôn trọng những cam kết của Châu Âu, đây sẽ là một thông điệp" gửi đến tổng thống Mỹ.
"Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận làm thay đổi cán cân ở Trung Đông". Đây là nhận định của bà Isabelle Lasserre trên Le Figaro. Vì lập trường mới của tổng thống Trump làm tăng cường trục Mỹ-Israel-Saudi Arabia, gây sức ép với liên minh Iran-Nga và có thể sẽ làm thay đổi các cuộc xung đột đang tàn phá khu vực.
Mỹ cấm vận Iran : Total rút, Trung Quốc hưởng lợi
Quyết định đơn phương tái lập trừng phạt kinh tế Iran của tổng thống Mỹ có nguy cơ đẩy các doanh nghiệp Châu Âu đang hoạt động và hợp tác với Iran khỏi đất nước Hồi Giáo này. Vì vậy, "Liên Hiệp Châu Âu tìm cách duy trì quan hệ kinh tế với Iran" là nhận định của Le Monde. Ít nhất là duy trì những hợp đồng đã được ký trước đó, "nhưng Hoa Kỳ không thật sự cởi mở lắm" với đề xuất này, theo đánh giá của một nhà ngoại giao ở Bruxelles.
Hậu quả đầu tiên là "Các doanh nghiệp Pháp buộc phải rời khỏi Iran", theo trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Total đang trong giai đoạn từ bỏ dự án khai thác khí đốt South Pars 11 có quy mô lớn ngoài khơi Iran và bên hưởng lợi là tập đoàn PetroChina. Toàn bộ 50,1% vốn đầu tư của Total trong dự án này sẽ được nhượng lại cho đối tác Trung Quốc (chiếm 30%).
Các doanh nghiệp Pháp muốn tiếp tục hoạt động tại Iran sẽ lĩnh nguy cơ bị phong tỏa tài khoản ở một ngân hàng Pháp và sẽ bị ngừng cấp tín dụng. Bài học của ngân hàng BNP Parisbas vẫn còn đó, nên các ngân hàng Pháp tìm cách tự bảo vệ mình trước lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, có một số ngân hàng Châu Âu không có hoạt động với Mỹ đang tìm cách tiếp quản.
Nước Pháp ngược đãi người cao tuổi như thế nào ?
Đây là câu hỏi lớn trên trang nhất của Le Monde. Trong bản báo cáo được công bố ngày 16/05/2018, Ủy ban Tư vấn Đạo đức Quốc gia Pháp đã đưa ra chỉ trích nghiêm khắc đối với việc chăm sóc người cao tuổi.
Số người trên 75 tuổi hiện chiếm 9% dân số Pháp, nhưng sẽ đạt đến ngưỡng 16,2% vào năm 2060 và như vậy sẽ có gần 2,26 triệu người sống lệ thuộc. Thế nhưng, đáng báo động là ở Pháp vẫn tồn tại sự "phủ nhận tập thể" về việc tỉ lệ người già và điều này được thể hiện qua việc "ngược đãi tiềm ẩn và không có trách nhiệm".
Vẫn theo bản báo cáo, việc tập trung người cao tuổi vào các nhà dưỡng lão là một "cách cưỡng bức" và thậm chí là một hình thức "cô lập". Trong khi đó, chính sách đối với người cao tuổi, dễ tổn thương, lại "không thích hợp và bất kính".
Thu Hằng