Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/05/2018

Điểm báo Pháp - Kiểm soát kỹ thuật số : Tham vọng của Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Kiểm soát kỹ thuật số : Tham vọng của Trung Quốc

Bạo chúa Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ đi đến đâu ? Hãy hành động để "giải thoát chúng ta ra khỏi thế giới của đồ nhựa !" là tít lớn của một số tuần báo Pháp.

bigbrother1

Trang bìa báo Courrier International số 24 đến 30/05/2018 : "Trung Quốc : Nhà nước Big Brother"Ảnh chụp màn hình

Nhưng trước hết xin giới thiệu hồ sơ lớn của Courrier International, với trang bìa : "Trung Quốc : Một Nhà nước toàn trị. Điều tra về các nỗ lực của Bắc Kinh thu thập dữ liệu về các cá nhân vì các mục tiêu chính trị và thương mại". Hình ảnh nền : Một chùm camera trên cao, quay khắp mọi hướng, theo dõi nhất cử nhất động của đám đông bên dưới. Bức vẽ đỏ rực như máu - với hàng chữ màu vàng - nhắc gợi đến quốc kỳ nước Trung Hoa cộng sản.

"Khi Bắc Kinh thu hoạch Data" là tên của bài nhận định toàn cảnh về lĩnh vực xử lý dữ liệu kỹ thuật số tại Trung Quốc được đăng tải trên trang mạng điều tra nổi tiếng của Hồng Kông, có tên The Initium, tiếng Hoa là "Đoan Truyền Môi/Duanchuanmei" (1). Bài viết chỉ ra viễn cảnh đáng sợ của việc chính quyền và doanh nghiệp khai thác các dữ liệu cá nhân vì các mục tiêu đen tối.

176 triệu là số lượng camera kiểm soát tại Trung Quốc, được thống kê hồi 2016, so với 50 triệu tại Mỹ. Thị trường camera Trung Quốc tăng trưởng hơn 13% trung bình năm, từ 2012 đến 2017, so với 2,6% của phần còn lại của thế giới. Một trong các mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh, khi phát triển camera, hay các phương tiện theo dõi điện tử khác, là để chính quyền, với sự phối hợp của các công ty thân chính quyền, kiểm soát hành vi của công dân.

"Đánh giá hạnh kiểm" của người dân là điều bắt đầu được thí điểm áp dụng với hệ thống mang tên "tín dụng xã hội". Cuối năm ngoái, tập đoàn Alibaba thông báo ký kết một "thỏa thuận hợp tác chiến lược" với chính quyền địa phương một thành phố thuộc khu kinh tế đặc biệt tỉnh Hà Bắc (Hebei) để sử dụng các công nghệ số vào mục tiêu theo dõi và đánh giá hành vi của dân chúng : từ sử dụng phương tiện giao thông loại nào, như thế nào, đến việc có tham gia trồng cây đầu năm mới, có vứt rác bừa bãi hay không ?...

Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch triển khai toàn quốc hệ thống đánh giá hạnh kiểm người dân trước năm 2020, theo đó những người được coi là có hạnh kiểm tốt, sẽ được ưu đãi, ví dụ trong việc vay tín dụng, hạnh kiểm xấu sẽ bị trừng phạt. Hệ thống kiểm soát với công nghệ số này nếu được áp dụng sẽ biến Trung Quốc trở thành một quốc gia toàn trị của Big Brother, nơi con người bị theo dõi toàn diện, ở mọi nơi mọi lúc, giống như điều mà George Owell đã mường tượng trong tiểu thuyết "1984".

Tuy nhiên, bài viết của trang mạng Hồng Kông The Initium nhấn mạnh đến rất nhiều trở ngại cho một thị trường dữ liệu kỹ thuật số tại Trung Quốc, trước hết là các quy định về pháp lý.

Thị trường chợ đen và cái chết của nữ sinh Từ Ngọc Ngọc

Các quy định về quyền sở hữu các dữ liệu kỹ thuật số còn "rất mơ hồ". Theo phó giám đốc của GBDEX, trung tâm dữ liệu ở thủ phủ tỉnh Quý Châu (GuiZhou), cơ sở được Nhà nước tài trợ - thì việc thiếu quy định pháp lý khiến việc buôn bán các dữ liệu phát triển chậm. Theo điều tra của tạp chí Caijing (Tài Kinh), đa số dữ liệu được mua bán trên thị trường chợ đen. Vụ nhiều lãnh đạo của công ty Datatang bị cảnh sát bắt, vì tội tiết lộ thông tin của khách hàng hồi 2017, khiến cổ phiếu của công ty bốc hơi khoảng 1,5 tỉ yuan (từ gần 200 triệu euro). Vụ này khiến giới kinh doanh dữ liệu số hóa lo sợ. Theo Caijing, trong tổng số 5,5 tỉ dữ liệu cá nhân được phổ biến, 80% là do tay trong của các công ty tuồn ra ngoài.

Tháng 8/2016, Từ Ngọc Ngọc (Xu Yuyu), một nữ sinh viên 18 tuổi, đã thiệt mạng, vì tim ngừng đột ngột, sau khi bị tin tặc đánh cắp 9.900 yuan, là số tiền đăng ký học. Điều tra cho thấy kẻ cắp đã khai thác được các thông tin về nữ sinh bất hạnh, trong số 100.000 dữ liệu cá nhân mua được một cách bất hợp pháp.

Số phận bi thảm của nữ sinh viên Từ Ngọc Ngọc đánh động xã hội Trung Quốc về tầm quan trọng của dữ liệu cá nhân.

Tháng 6/2017, luật về an toàn internet của Trung Quốc có hiệu lực. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bảo vệ các thông tin riêng tư của mỗi người ? Theo một giáo sư luật (ông Li Yang, Đại học trung ương các dân tộc thiểu số ở Bắc Kinh), luật pháp Trung Quốc có tính đến việc "bảo vệ đời tư". Trên thực tế, cho đến nay, chính quyền cũng như các doanh nghiệp không hề có ý định "nhường cho dân mạng quyền sở hữu các dữ liệu số hóa về chính bản thân họ".

"Khoảng cách lớn" với quốc tế

Bên cạnh vấn đề pháp lý, trở ngại lớn khác của việc khai thác các dữ liệu kỹ thuật số, hay Big Data, là công nghệ và năng lực tổ chức. Vẫn theo báo Hồng Kông, trình độ công nghệ của Trung Quốc vẫn còn ở "một khoảng cách lớn" so với trình độ quốc tế, như thừa nhận của một quan chức chính phủ phụ trách lĩnh vực này.

Để khai thác được các dữ liệu số hóa, vấn đề là các dữ liệu phải "đồng bộ, chính xác, đầy đủ và được thẩm định". Một sai lầm nhỏ nhất cũng có thể làm hỏng kết quả. Trung Quốc rất thiếu chuyên gia để làm được việc này. Đây cũng là lý do mà, theo chính báo chí Nhà nước Trung Quốc, rất nhiều dữ liệu của các cơ quan địa phương, đã phải nằm yên tại chỗ, không thể chia sẻ đi đâu.

Thời gian gần đây, Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng coi khả năng xử lý dữ liệu kỹ thuật số là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Lãnh đạo một tờ báo Đảng so sánh Big Data với "vũ khí" và "ngòi bút" (tức tuyên truyền), như là các phương tiện chủ yếu để duy trì quyền lực. Trong những năm tới, Bắc Kinh sẽ xoay sở ra sao với mục tiêu dùng kỹ thuật số để kiểm soát xã hội ? Chúng ta hãy chờ xem.

Nước Ý : "Cú nhảy vào vô định" ?

Nước Ý là nỗi lo lớn của Châu Âu. Ý với liên minh hai đảng dân túy đang tìm cách lập chính phủ ám ảnh Courrier International. Tuần báo giới thiệu hai bài từ báo Ý, có nhan đề "Nước Ý : Một cú nhảy vào vô định" và "Dân Ý kẹt giữa hai phe, một bên là những kẻ man rợ và bên kia là những kẻ đớn hèn".

"Những kẻ man rợ" là từ mà báo The Financial Times dùng để gọi liên minh hai đảng dân túy Ý Năm Sao và Liên Đoàn Phương Bắc, còn "những kẻ đớn hèn" là từ mà lãnh đạo đảng Liên Đoàn Phương Bắc gọi những người ủng hộ Liên Âu. Bài "Dân Ý kẹt giữa hai phe, một bên là những kẻ man rợ và bên kia là những kẻ đớn hèn" của tờ báo theo xu hướng bảo thủ Il Tempo tỏ ra rất lo ngại trước viễn cảnh "tổn thất không thể vãn hồi" mà những kẻ chính trị nghiệp dư có thể gây ra, và vòng xoáy tồi tệ mà nước Ý khó có thể thoát khỏi.

Bài "Một cú nhảy vào vô định", của tờ báo trung hữu Corriere della Sera, nhắc đến một nghịch lý là hai đảng "chống hệ thống" giờ đây phải chuẩn bị thực thi một công việc "chưa từng có", đó là nắm quyền điều hành đất nước. Corriere della Sera tỏ ra bình tĩnh, tin tưởng vào cử tri, tin tưởng là nước Ý sẽ không rơi vào một nền độc tài, như nhiều người dự báo.

Tờ báo trung hữu cảnh báo là tân chính phủ - của hai đảng Năm Sao và Liên Đoàn Phương Bắc - một khi ra đời, hãy nhớ rằng để tồn tại, họ cần phải "tôn trọng các liên minh quốc tế" và "chi tiêu công", bởi nước Ý với các nước Châu Âu gắn bó với nhau mật thiết hơn là nhiều người đòi hỏi "dân tộc tự quyết" cho nước Ý vẫn tuyên truyền.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ : một Hitler mới ?

Nếu như nước Ý là mối nguy lớn trực tiếp trong lòng Liên Âu, thì bên sườn Châu Âu là một mối họa đáng sợ không kém : nhà độc tài Erdogan của nước Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là chủ đề chính của Le Point. Xã luận tuần báo đặt câu hỏi : "Erdogan, một Hitler mới" ?

Le Point khẳng định có rất nhiều lý do để khẳng định điều này. Cũng giống như Hitler, ông Erdogan đã được đưa lên ghế lãnh đạo bằng con đường bầu cử dân chủ. Sau khi có được đa số áp đảo tại Nghị Viện, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang sử dụng đến Hiến pháp để tập trung toàn bộ quyền lực trong tay. Không có quyền lực đối trọng, Erdogan sẵn sàng điều hành đất nước bằng sắc lệnh, và nếu cần một mình có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chính Erdogan, trong một phát biểu năm 2016, buột mồm ca ngợi Đức Quốc Xã, như tấm gương của một chế độ tập quyền. Giống như Hitler, Erdogan hoài niệm về đế chế Ottoman, phủ nhận các cuộc tàn sát của đế chế chống lại người Armenian.

Le Point cũng lên án thái độ của các lãnh đạo phương Tây, bị so sánh với Hiệp ước Munchen (Munich) năm 1938, khi Anh và Pháp nhân nhượng với Đức Quốc Xã, cho phép Hitler sáp nhập một phần đất đai của Thụy Sĩ.

Le Point còn dành nhiều trang để mô tả các hoạt động nhằm xây dựng một chế độ độc tài tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý có bài mô tả "các mạng lưới gây ảnh hưởng của Erdogan tại Pháp". Cụ thể là một hệ thống giáo dục, với khoảng từ 16.000 đến 21.000 học sinh, gần như hoàn toàn do các giáo viên đến từ Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách. Theo một viên chức Pháp biết rõ hồ sơ này, nhiều nội dung giảng dạy trong các sách giáo khoa được gửi từ Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên truyền, cổ vũ cho đạo Hồi, thần học Hồi giáo, hoàn toàn mâu thuẫn với nền giáo dục thế tục của Cộng hòa Pháp.

Nga hồ hởi trước một phương Tây chia rẽ

Liên Hiệp Châu Âu đang trong tình thế trong ngoài căng thẳng, nhất là sau quyết định của tổng thống Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trang mạng Nga Vzgliad (có nghĩa là "Quan điểm") - nổi tiếng thân điện Kremlin - hoan hỉ : "Phương Tây bị rạn nứt nghiêm trọng, cho dù giới tinh hoa của hai bờ Đại Tây Dương vẫn còn hy vọng chính quyền Trump chỉ là một cơn ác mộng, và mọi sự sẽ trở lại bình thường vào năm 2020", tức sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần tới.

Theo báo Nga, hiện tại Liên Âu cho dù không khuất phục trước các đòi hỏi của Mỹ, nhưng cũng không thể cắt đứt với Mỹ, cũng như không thể khẳng định là một lãnh đạo của cộng đồng quốc tế. Châu Âu chỉ có thể hy vọng khẳng định được độc lập, mà để làm được điều này cần phải có được cải thiệu tương quan lực lượng với Mỹ. Trong bối cảnh này, "việc Liên Âu hướng về Moskva là điều tự nhiên". Vẫn theo tờ báo thân Putin, hiện tại "Iran" là hồ sơ duy nhất mà Liên Âu và Nga có thể tìm được thỏa hiệp.

Đạo Phật vào phương Tây bị bóp méo ?

Phương Tây và đạo Phật là chủ đề chính trong mục "Văn hóa" của L’Express tuần này. Tuần báo tổ chức cuộc tranh luận giữa hai chuyên gia. Người thứ nhất là nhà xã hội học Fréderic Lenoir, tác giả nhiều cuốn sách về thiền định, về đạo Phật, bán rất chạy tại Pháp. Người thứ hai là nhà giáo Marion Dapsance, đại học Columbia (New York), tác giả cuốn sách "Qu’ont-ils fait du bouddhisme ?" (Nhà xuất bản Bayard), lên án việc tiếp thu đạo Phật một cách méo mó tại phương Tây.

Theo nhà giáo Marion Dapsance, tại phương Tây, người ta đã biến đạo Phật, với "nhiều tư tưởng cao thượng", hướng đến "sự khoan dung... cổ vũ cho hòa bình", thành các thực hành vì mục tiêu "hưởng lạc" của cá nhân.

Về phần mình, nhà nghiên cứu Frédéric Lenoir cho rằng, việc tác giả phê phán các thực hành thiền định theo đạo Phật, rất phổ biến hiện nay ở phương Tây, là "không công bằng". Bởi nếu như việc thiền định làm giảm nỗi lo hãi thấm vào xã hội chúng ta, thì đây là một tác động không nhỏ. Thiền định có thể mang lại "sự yên tĩnh cho tâm hồn", cảm nhận về "hạnh phúc", hay "tập trung phát triển các tình cảm, như lòng nhân từ", mà điều này rất cần thiết cho những con người hiện đại, vốn "liên tục kết nối với thế giới của công nghệ mới", của internet, "thường xuyên bị kích động thái quá, trong cuộc sống hàng ngày".

Nhà xã hội học Frédéric Lenoir cũng cho biết các đóng góp tài chính cho cơ sở thiền định, do ông phụ trách (Fondation SEVE - Savoir Etre et Vivre Ensemble), đều được chuyển cho Fondation de France, một tổ chức từ thiện lớn của Pháp, chuyên giúp đỡ những người dễ bị tổn thương.

Nhạc rock và nước Mỹ theo Greil Marcus

Cũng trong lĩnh vực văn hóa, Le Point có bài phỏng vấn nhà văn và nhà phê bình nhạc rock Greil Marcus (1), người mà tờ báo đánh giá là "nhà sử học và triết học về văn hóa âm nhạc gây ngạc nhiên nhất". Trong bài phỏng vấn, với nhan đề "Greil Marcus : Dylan, nước Mỹ và tôi", Greil Marcus thốt lên : "Nhạc rock từng là tôn giáo của nước Mỹ, 'tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, trái tim của một thế giới không có trái tim, linh hồn của một thế giới không có linh hồn'. Thế nhưng giờ đây loại âm nhạc này không còn gì là sáng tạo nữa".

Nhà phê bình nhắc đến clip "Bad Romance" của Lady Gaga như một chút gì còn sót lại của truyền thống rock. "Bad Romance" là bài ca về nước Mỹ đương đại, về một nước Mỹ của những người thấp cố bé họng, một nước Mỹ mà theo ông đang mất phương hướng. Ẩn đằng sau những câu hát du dương là một không khí đầy bạo lực.

Về chính trị Mỹ với chính quyền Donald Trump, chuyên gia về nhạc rock nhận xét : "Sự thắng thế của chủ nghĩa dân túy kiểu Trump vừa là một hiện tượng mới, do các hệ quả của toàn cầu hóa, nhưng cũng là sự trỗi dậy của một nước Mỹ của những kẻ mị dân, kỳ thị chủng tộc và bạo lực". Cho dù, việc Trump chiến thắng có nhiều điều do ngẫu nhiên, nhưng thời kỳ trị vì của ông ta "sẽ kéo dài hai nhiệm kỳ", với hệ quả là "những tổn thất hết sức lớn cho xã hội Mỹ", với việc nhiều người chết hơn "do thiếu chăm sóc y tế, do phân biệt chủng tộc, bạo lực các loại". Đối với nước Mỹ, những năm tới sẽ là "một đêm dài Trung Cổ".

Về câu hỏi "Âm nhạc" có thể làm gì ? Greil Marcus trả lời : hơn mọi nghệ thuật khác, sức mạnh của âm nhạc là đi thẳng vào lòng người, và đó cũng là điều mà bạn có thể chia sẻ với nhiều người khác.

Tiểu thuyết về chế độ toàn trị "1984" : Một bản dịch mới

L’Obs chú ý đến bản dịch mới của "1984" (Nhà xuất bản Gallimard) - tiểu thuyết nổi tiếng về xã hội toàn trị của Orwell, gần 70 năm sau dịch phẩm đầu tiên. Trả lời phỏng vấn L’Obs, dịch giả Josée Kamoun cho biết bà muốn giúp cho độc giả đương đại trực tiếp cảm nhận được tính chất "rùng rợn" trong câu chuyện của Orwell. Đây là điều mà L’Obs cho là một hành động "táo bạo".

Một trong các bí quyết của dịch giả, khiến kiệt tác của Orwell năm xưa tiếp tục gây tác động mạnh đến độc giả Pháp ngữ đương đại, đó là thay thế các động từ vốn được chia ở "thì quá khứ đơn" (trong tiếng Pháp thường được dùng để mô tả những gì diễn ra trong quá khứ xa xôi), bằng các động từ "thì hiện tại". Nhiều thuật ngữ đặc biệt mà Orwell chế ra cũng được chỉnh sửa để tạo ấn tượng đích đáng hơn… Lý do của việc cần một bản dịch mới, theo nữ dịch giả, đó là bản thân tiếng Pháp đã có nhiều biến đổi, và nhận thức của công chúng hiện nay về thế giới mà Orwell mô tả cũng đã khác trước nhiều.

Hãy thoát khỏi thế giới đồ nhựa !

Trong lúc ám ảnh độc tài, toàn trị là hồ sơ chính của nhiều tuần báo Pháp, với nhà độc tài Erdogan - Thổ Nhĩ Kỳ, với Nhà nước Trung Quốc mưu đồ kiểm soát xã hội bằng công nghệ số, báo L’Obs gửi một thông điệp khác đến với công chúng : Hãy hành động để "giải thoát chúng ta ra khỏi thế giới của đồ nhựa !".

"Đồ nhựa có mặt ở khắp nơi - dưới nước, trên bàn ăn, trong không khí chúng ta thở - và đe dọa hành tinh chúng ta". Các đại dương, vào năm 2050, dự kiến sẽ chứa nhiều đồ nhựa hơn là cá. Trước đe dọa khủng khiếp này, nhân loại phải phản ứng. Bên cạnh các chiến dịch rộng lớn của các tổ chức đánh động công luận như Plastic Attack, nhắm vào các chuỗi siêu thị, mỗi cá nhân có thể chủ động hành động, bằng cách chỉ sử dụng đồ nhựa khi thật cần thiết, và tăng cường phân loại rác thải.

Theo L’Obs, nhựa từng một thời gian dài gắn với thế giới tiêu thụ, tiện nghi, nhưng từ bỏ đồ nhựa - ít nhất là gần như hoàn toàn - không có nghĩa là trở về thời tiền sử.

L’Obs giới thiệu kinh nghiệm của cô Aline Gubri, 22 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ về Phát triển bền vững, với cuốn sách "Zero plastique, zero toxique / Không đồ nhựa, không chất độc hại" (Nhà xuất bản Thierry Souccar, 2017). Rất nhiều mẹo nhỏ như : chuyển sang dùng những đồ ăn, thức uống có bao bì bằng thủy tinh, bằng giấy ; có nhiều loại xà phòng bánh có thể thay thế các chai nước gội đầu bằng nhựa ; bàn chải gỗ thay cho bàn chải nhựa…

Trong một bài viết khác, L’Obs đặt câu hỏi : Mục tiêu của chính phủ Pháp 100% đồ nhựa tái chế và giảm một nửa rác thải vào năm 2025 liệu có khả thi ?

Cuốn sách nói trên của Aline Gubri lại được dẫn ra như một ví dụ cho thấy chúng ta có thể xoay xở với những phương tiện hiện có, để vừa có một cuộc sống dễ chịu, nhưng lại ít gây tổn hại nhất cho môi trường.

Châu Âu : Đầu tư gấp rưỡi cho các quỹ xanh

L’Obs loan tin mừng là đầu tư cho các quỹ phát triển bền vững bảo vệ môi trường của Châu Âu tăng 49% trong năm vừa qua, từ 22,2 tỉ euro lên 32,2 tỉ, trong đó nước Pháp đứng đấu, với một phần ba thị trường. Thượng đỉnh COP 21 và chứng nhận TECC (Chuyển đổi năng lượng và sinh thái) giúp cho thị trường minh bạch hơn, công chúng nhận dạng rõ hơn các quỹ vì môi trường. Theo ông Hervet Thiard, tổng giám đốc của Pictet AM, quản lý 4 quỹ phát triển bền vững, người ta ngày càng coi đầu tư cho môi trường là nơi cất giữ vốn an toàn hơn so với ba năm trước.

Trọng Thành

1. The Initium.com (Duanchuanmei) là một trang mạng độc lập tại Hồng Kông, không chịu sự kiểm duyệt của Bắc Kinh, do nhiều người xuất thân từ Hoa lục lập ra năm 2015, với mục tiêu "giới thiệu với công chúng người Hoa trên toàn thế giới" thời sự đa chiều, đặc biệt chú trọng đến thể loại báo chí điều tra và sử dụng nhiều dữ liệu thống kê.

2. Greil Marcus - thường được vinh danh là "ông hoàng" của nền phê bình nhạc rock Mỹ - tới Pháp tham dự lễ kỉ niệm phong trào xã hội 1968 và giới thiệu Three Songs, Three Singers, Three Nations, vừa được dịch sang tiếng Pháp (Nhà xuất bản Allia). Cuốn sách vén lộ những bí mật của "ba nền văn hóa" rất riêng biệt của nước Mỹ, qua ba tác phẩm, ghi dấu ba thời điểm quyết định của nền âm nhạc Mỹ. "Các giai điệu bắt rễ sâu xa trong vô thức tập thể dường như đã không do một ai sáng tác ra cả. Vượt lên trên những người biểu diễn, các giai điệu ấy như thể là những tiếng vọng của một thời quá khứ xa xôi, những hình ảnh phản chiếu thế giới tưởng tượng của cả một dân tộc" (giới thiệu của nhà xuất bản).

Quay lại trang chủ
Read 632 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)