Tuần cầm quyền thứ ba : Trump liên tiếp nhân nhượng về ngoại giao
Những quyết định đầu tiên của tân tổng thống Hoa Kỳ về chính sách đối ngoại được báo chí Pháp theo dõi sát. "Ủng hộ 100%" Nhật Bản, tái khẳng định chính sách "một nước Trung Hoa", không xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay phê phán chính sách lấn đất của Israel… Bài "Trump liên tiếp nhân nhượng về ngoại giao" của Le Monde hôm nay, 14/02/2017, chỉ ra những hành xử trong tuần lễ cầm quyền thứ ba của Donald Trump, được coi là ngược lại hoàn toàn với các tuyên bố trước khi nhậm chức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tiếp thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Nhà Trắng, 10/02/2017. REUTERS/Joshua Roberts
Theo Le Monde, sau những ngày cầm quyền đầu tiên ồn ã, bị rất nhiều chỉ trích (đặc biệt với sắc lệnh cấm công dân bảy nước Hồi giáo), "tân tổng thống Mỹ dường như từng bước một trở lại với một số nền tảng của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, mà trong suốt quá trình tranh cử thường bị chính ứng cử viên Donald Trump phê phán". Ngày 11/02, bên cạnh thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Florida, ông Donald Trump đã có một phản ứng "hoàn toàn thể theo quy ước" sau khi biết tin Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa.
Tuyên bố 100% đứng sau Nhật Bản của tân tổng thống Mỹ cho phép "tái khẳng định liên minh song phương", khác hẳn với những lời lẽ lên án dữ dội của ông Trump nhắm vào Tokyo, bị tố là gây thiệt hại nặng cho Hoa Kỳ về thương mại, cũng như dựa dẫm về quân sự.
Về Trung Quốc, ngay trước chuyến công du của thủ tướng Nhật, tổng thống Mỹ một lần nữa gây ngạc nhiên khi tuyên bố nối lại với chính sách "một nước Trung Hoa" của Washington từ thập niên 1970, mà gần hai tháng trước đó, Donald Trump từng tuyên bố có thể sẽ xem xét lại.
Theo Le Monde, vào thời điểm đó, khi chấp nhận cú điện thoại chúc mừng của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, phá lệ của nhiều đời tổng thống Mỹ, tổng thống tân cử, nhà tài phiệt Donald Trump có ý sử dụng Đài Loan như một "lá bài" trong cuộc mặc cả chung với Bắc Kinh, bị lên án là "làm ăn bất chính" gây hại cho Mỹ. Tuy nhiên, do "tính chất vô cùng nhạy cảm của vấn đề Đài Loan với Trung Quốc", rốt cục ông Trump đã phải chấp nhận thoái lui trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc.
Tương tự, với việc Iran thử tên lửa, mặc dù Nhà Trắng có phản ứng mạnh, với các loạt trừng phạt mới, nhưng "các cố vấn của tổng thống cũng đồng thời nhấn mạnh là thỏa thuận hạt nhân với Teheran, thành quả ngoại giao thời Obama, sẽ không bị xem xét lại".
Về Israel, trong một phỏng vấn dành cho nhật báo Israel Hayom, ngày 10/02, ông Trump cũng buộc phải tỏ rõ thái độ, khi khẳng định việc người Do Thái lấy thêm đất của Palestine không phải là "điều tốt cho hòa bình".
Le Monde cũng lưu ý có hai chuyện mà ông Trump chưa hề tỏ ra có một nhân nhượng nào. Đó là bức tường biên giới với Mexico, và các bất đồng với Canada, hai quốc gia láng giềng Bắc Mỹ.
Mỹ - Canada tạm giấu bất đồng
Riêng với Canada, báo kinh tế Les Echos có bài "Trump và Trudeau giữ bất đồng trong im lặng". Trong cuộc hội kiến đầu tiên tại Nhà Trắng hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Canada Justin Trudeau đã "tỏ ra nồng ấm" trong tiếp xúc, cho dù đó là hai con người hoàn toàn trái ngược nhau về quan điểm, đặc biệt về vấn đề môi trường, bình đẳng giới hay người tị nạn… Một hội nghị bàn tròn về vấn đề phụ nữ thậm chí được tổ chức ngay hôm qua, với sự hiện diện của hai nguyên thủ (theo truyền thống quan hệ ngoại giao hai nước, tân tổng thống Mỹ sẽ tới Canada trước để gặp lãnh đạo nước láng giềng anh em, nhưng Donald Trump đã phá lệ lần này, do sợ bị mất mặt vì biểu tình phản đối dữ dội).
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Canada hứa hẹn sẽ rất căng thẳng, đặc biệt với thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ NAFTA, mà ông Trump muốn xét lại. Canada lo ngại hàng triệu việc làm bị ảnh hưởng.
Theo Les Echos, nền kinh tế Canada "phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ", với khoảng ba phần tư hàng xuất khẩu của nước này là sang Mỹ, và ngược lại Canada thu hút đến 20% hàng xuất khẩu Hoa Kỳ. Nạn nhân đầu tiên, nếu hiệp định NAFTA bị xét lại, là ngành sản xuất xe hơi của Canada với khoảng 100.000 lao động.
"Trump đe dọa toàn bộ trật tự quốc tế"
Một số nhân nhượng về ngoại giao nói trên của tân tổng thống Mỹ trong những tuần đầu tiên cầm quyền, có ý nghĩa như thế nào trong chiến lược quốc tế nói chung của chính quyền Trump ?
Vào thời điểm này có lẽ còn còn sớm để có câu trả lời dứt khoát. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, nhiều chuyên gia chia sẻ một nỗi lo chung, đó là chính sách quốc tế của Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump đe dọa toàn bộ trật tự quốc tế, được xây dựng từ sau Thế chiến Hai. Đây là quan điểm của ông Charles Philippe David, chuyên gia về chính trị Mỹ, đại học Quebec, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Monde (xem bài "Trump đe dọa trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lập nền móng từ 1945").
Genève bị Trump đe dọa
Trước mắt, theo Les Echos, dự án cắt giảm 40% đóng góp của Mỹ cho Liên Hiệp Quốc – đang được chuẩn bị - đe dọa Genève, "thành phố quốc tế" của Thụy Sĩ, và cũng là cơ sở thứ hai của Liên Hiệp Quốc, sau New York. Một nhà ngoại giao cho biết, dân Thụy Sĩ theo sát diễn biến ở Washington như "canh sữa trên lửa", bởi chỉ cần sẩy mắt là hỏng việc.
Khu vực đóng đô của nhiều tổ chức quốc tế tại Genève vừa mang lại cho Thụy Sĩ một uy tín quốc tế, vừa là nguồn thu tài chính rất lớn. Khu quốc tế tại Genève là nơi làm việc của hơn 31.000 nhân viên các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, đại diện các quốc gia… Đó là chưa kể gần 1.000 công ty đa quốc gia tư nhân.
Liên Hiệp Châu Âu dọn sang nhà mới
Vẫn tại Châu Âu, La Croix chú ý đến tòa nhà mới của Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles vừa khánh thành. Tòa nhà mang tên giản dị "Europa" (Châu Âu) nổi bật với một kiến trúc táo bạo, tân kỳ, mang hình quả trứng. Kể từ tháng Giêng, các viên chức Liên Hiệp Châu Âu chuyển khỏi tòa nhà chật hẹp mang tên "Justus Lipsius" (nhà ngữ văn học người Flamand, nhà tư tưởng nhân văn thế kỷ 16), để chuyển sang tòa nhà mới.
Theo một số chuyên gia, trụ sở mới của Liên Âu Europa đánh dấu "một kỷ nguyên mới trong lịch sử các định chế Châu Âu tại Bruxelles".
Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu khánh thành nhà mới, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker tuyên bố sẽ không ra ứng cử thêm nhiệm kỳ nữa, trong đợt bầu cử 2019. Xã luận Le Monde bình luận : việc chủ tịch Juncker ở tuổi 62, đưa ra một tuyên bố như vậy vào lúc mới chỉ ở giữa nhiệm kỳ, là một dấu hiệu "thú nhận bất lực". Thế hệ của ông Juncker, tham gia từ cuối những năm 1980 vào các thương lượng Maastricht đang kết thúc. Một thế hệ mới sẽ phải kế tục, và đây sẽ một thế hệ không cần biết đến "hàng nghìn thỏa hiệp đã được tạo ra từ một phần tư thế kỷ nay ở Bruxelles", từng làm nên Liên Hiệp Châu Âu.
Châu Âu : Thách thức với thế hệ hậu Juncker
Dù vậy, Le Monde cũng muốn nhấn mạnh là : điều đó không có nghĩa là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Juncker, người Luxemburg, là một lãnh đạo tồi. Kể từ khi nhậm chức tại Bruxelles, ông đã làm được nhiều việc bất ngờ. Cụ thể là đẩy được các thiên đường thuế ra khỏi Châu Âu, trong khi Luxembourg thời ông còn làm thủ tướng chính là một thiên đường thuế. Ủy Ban Châu Âu mà Juncker lãnh đạo từ năm 2014 "mang tính chính trị nhiều hơn, ít bảo thủ hơn, ít kỹ trị hơn, ít phụ thuộc vào Đức hơn…".
Tuy nhiên, thách thức với Liên Hiệp Châu Âu giờ đây là rất lớn và trên rất nhiều mặt trận, từ khu vực đồng euro trên bờ vực, Donald Trump lên nắm quyền tại Mỹ và các làn sóng dân túy đang nở rộ khắp nơi… và đặc biệt là cuộc ly dị của nước Anh, mà thủ tục vừa chuẩn bị khởi sự, nhưng hứa hẹn sẽ kéo dài trong nhiều năm. Theo La Croix, trả lời một đài Đức hôm Chủ nhật, chủ tịch Juncker chua xót dự báo : "Anh Quốc sẽ thành công – mà không gặp quá nhiều khó khăn – để chia rẽ 27 nước Châu Âu còn lại… họ sẽ hứa hẹn riêng với từng nước … và cuối cùng sẽ không còn một mặt trận chung Châu Âu".
Vẫn về trụ sở mới mà Liên Hiệp Châu Âu vừa khánh thành, mang nhiều dấu hiệu báo trước tương lai, nhật báo La Croix chú ý đến ý kiến của một hiệp hội địa phương : "Europa chắc chắn là một tòa nhà hấp dẫn, ngộ nghĩnh hơn là nhiều kiến trúc đã có, nhưng nó cũng có cùng các nhược điểm của các định chế Châu Âu : Đó là tính khép kín với không gian công cộng. Điều này cho thấy khoảng cách giữa Liên Hiệp Châu Âu và các công dân Châu Âu".
Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan đã là nước độc tài
Thổ Nhĩ Kỳ - Quốc gia nằm ở ngưỡng cửa đông nam của Liên Hiệp Châu Âu, và là một ứng cử viên vào Liên Âu - đang trên đường trở thành một nền độc tài. Báo Libération chạy tựa trang nhất : "Tổng thống Erdogan, kẻ làm chủ cuộc chơi", với thông tin : "dự án cải cách Hiến pháp, mà cử tri sẽ cho ý kiến trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/04 tới, sẽ mang lại cho tổng thống các quyền lực rất lớn. Đây là một bước hướng đến chế độ độc tài".
Tuy nhiên, cũng chính bài xã luận của Libération nhận xét : "cho dù có một số người phản đối, Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong hiện tại cũng không còn là một démocrature (tức một nền dân chủ độc đoán) nữa, mà đã trở thành một chế độ độc tài. Làm thế nào có thể gọi khác được một quốc gia mà tư pháp không còn xét xử công bằng, một chính quyền bịt miệng các nhà báo và các nhà văn, cầm tù hàng ngàn công chức ? Làm thế nào gọi khác được một đất nước mà tổng thống tự cho mình rất nhiều quyền lực, và giới quân nhân bị áp lực đến mức nhiều người phải tìm cách tị nạn chính trị ?".
Theo Libération, khó khăn của Liên Hiệp Châu Âu là bị kẹt trong thỏa thuận về người nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan. Tìm ra được cách giải quyết, vừa bảo đảm được các lợi ích thực tế, vừa bảo đảm được nguyên tắc dân chủ là vô cùng khó.
Pháp : Ngoại ô lại thành điểm nóng
Trở lại với nước Pháp, vấn đề "các vùng ngoại ô" đột ngột trở thành tiêu điểm thời sự hàng đầu. Báo Le Figaro chạy tựa trang nhất "Các vùng ngoại ô sôi sục trước kỳ bầu cử tổng thống". Tờ báo ghi nhận vụ việc bốn cảnh sát tiến hành cuộc bắt bớ đầy bạo lực nhắm vào thanh niên Théo, đã "châm lửa vào thùng thuốc súng", khiến biểu tình và nhiều bạo động xảy ra trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, Le Figaro nhắm vào gốc rễ sâu xa hơn của vấn đề, đó là "từ 40 năm nay, tại nhiều vùng ngoại ô của nước Pháp, đã ngự trị một không khí luật rừng... (với các băng đảng)... hàng tỉ đô la tài trợ để giải quyết vấn đề nhưng không có gì thay đổi".
Trong khi đó, theo tờ báo quần chúng Le Parisien, để giải quyết vấn đề ngoại ô, cần đến "một kế hoạch dài hạn, ổn định và không dựa trên ý thức hệ chính trị nào", bởi tất cả các can thiệp từ hơn 30 năm nay, theo đường lối riêng của mỗi đảng phái lên nắm quyền, đều đã thất bại. Các diễn biến kể từ vụ bắt giữ bạo lực nhắm vào người thanh niên Théo "một lần nữa cho thấy điều đó".
Báo công giáo La Croix thì nhấn mạnh là bất cứ giải pháp nào cũng "phải dựa nhiều hơn nữa vào các đại biểu dân cử, các hiệp hội và công dân", và không được bỏ mặc khu vực này cho sự độc quyền của "những kẻ thích chơi với lửa".
Trọng Thành
*********************
Ông Trump nhường ông Tập : Bắc Kinh vẫn chưa nguôi ngoai (VietnamNet, 13/02/2017)
Ông Donald Trump vừa nhũn nhặn với Bắc Kinh bằng một cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, khẳng định sẽ tôn trọng chính sách "một Trung Quốc". Nhưng vẫn nhiều lĩnh vực bất đồng giữa hai cường quốc, như tiền tệ, thương mại, Biển Đông và Triều Tiên, chưa được đề cập đến trong các tuyên bố công khai về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.
Tháng 12/2016, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã khiến Trung Quốc sốc khi tiến hành cuộc điện đàm chưa từng thấy giữa một lãnh đạo Mỹ với người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn và gợi ý có thể thay đổi chính sách Một Trung Quốc vốn là nền tảng quan hệ với Bắc Kinh trong gần 4 thập kỷ qua.
Nhưng trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi chính thức nhậm chức ngày 20/1, ông Trump đổi giọng và công nhận chính sách Một Trung Quốc. Trước đó, hôm 8/2, ông Trump cũng gửi một bức thư cho ông Tập, không chỉ gửi lời chúc mừng năm mới tới người dân Trung Quốc mà còn bày tỏ mong muốn phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng và đôi bên cùng có lợi.
Hiện chưa rõ liệu ông Trump có nhận lại bất cứ sự nhượng bộ nào từ phía Trung Quốc hay không, để đổi lại việc ông thay đổi như vậy. Tân Hoa Xã của Trung Quốc hả hê loan tin rằng hai lãnh đạo đã nhất trí "tăng cường hợp tác cùng có lợi" về thương mại, kinh tế, đầu tư và các vấn đề quốc tế.
Ông Donald Trump vừa nhũn nhặn với Bắc Kinh bằng một cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, khẳng định sẽ tôn trọng chính sách "một Trung Quốc".
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng bản thân ông Trump tự nhận ra sự căng thẳng nghiêm trọng bằng việc gây căng thẳng với chính quyền Bắc Kinh trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Cựu giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc James Zimmerman cho rằng ông Trump lùi bước có thể vì đã nhận ra rằng đây là "một vấn đề rất phức tạp, gai góc và đơn giản là không thể thảo luận được".
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, một cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc bình luận : "Điều này sẽ được Trung Quốc hiểu là một chiến thắng vĩ đại trong cách đối phó của ông Tập với ông Trump".
Xuống giọng với Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ có thể đã ngăn chặn một cuộc đối đầu với một quốc gia nổi tiếng táo tợn, đang nung nấu quyết tâm trỗi dạy cạnh tranh với chính nước Mỹ. Sự thay đổi này được cho là bước đi khôn ngoan của ông Trump nhằm tránh các thủ đoạn nghiêm trọng mà Trung Quốc có thể sẽ áp dụng nhằm trả đũa.
Trung Quốc luôn coi chính sách Một Trung Quốc là "vấn đề cốt lõi" liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ. Trong ngôn ngữ ngoại giao, từ này có nghĩa là Đài Loan là vấn đề mà Bắc Kinh rất nhạy cảm. Ông Tập đã đặt nhiều vốn liếng chính trị của mình vào việc tìm một giải pháp cho vấn đề Đài Loan, một "cái nhọt" đã mưng mủ từ năm 1949. Bắc Kinh chưa bao giờ thôi nguôi ngoai tìm cách giành lại quyền kiểm soát hòn đảo này. Trung Quốc ngày nay đã mạnh hơn rất nhiều về quân sự và uy tín quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, thỏa thuận 1992 đang là "cái gai" giữa Đài Bắc và Bắc Kinh sau khi bà Thái Anh Văn không công khai ủng hộ thỏa thuận này trong diễn văn nhậm chức của mình hồi tháng 5/2016. Tình hình giữa hai bờ vẫn rất căng thẳng đến đầu năm 2017, khi ông Du Chính Thanh, ủy viên thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, gần đây cảnh báo quan hệ hai bờ sẽ "phức tạp hơn". Việc ông Tập Cận Bình nhận được sự công nhận thỏa thuận 1992 từ phía ông Trump là một bước tiến lớn nhằm xoa dịu sự tự ái của Bắc Kinh.
Từ một động thái khác cũng khiến cho giới chuyên gia lưu tâm đó là, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung diễn ra chỉ vài giờ sau sự cố giữa máy bay Trung Quốc và máy bay Mỹ trên vùng trời gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Do vậy, họ có cơ sở để phỏng đoán rằng ông Trump có thể đã nêu vấn đề này với ông Tập.
Cũng không phải vô tình khi ông Trump điện đàm và công nhận chính sách trên chỉ vài giờ trước khi tiến hành cuộc gặp thượng định với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Washington. Đầu tuần này, Trung Quốc đã cử lực lượng cảnh sát biển đến các vùng nước quanh quần đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản đang quản lý và gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông, sau khi Bộ trưởng Mỹ Mattis khẳng định các cam kết đồng minh Mỹ – Nhật áp dụng với cả quần đảo này.
Nhật Bản là một cựu thù lịch sử của Trung Quốc và một đối thủ chiến lược thời hiện đại. Bắc Kinh chắc chắn đang theo dõi sát cuộc gặp thượng định Mỹ – Nhật. Và thực lòng, Bắc Kinh vẫn chưa thể yên tâm, kể cả khi họ vừa dành thắng lợi. Yan Xuetong, Chủ nhiệm khoa quan hệ quốc tế của trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định : "Trung Quốc không thể hoàn toàn tin vào những gì ông ấy nói. Ngay cả người dân của ông ấy cũng không tin ông ấy".
Hai bên đều không nói rõ là sẽ hợp tác với nhau như thế nào, và trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, người ta vẫn nghi ngại về các ý định của ông Trump trong nhiều vấn đề. Các chuyên gia nhận định một cuộc điện đàm không thể giải quyết mọi chuyện. Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược Australia, cho biết : "Ông Trump không gắn bó với bất ký đường lối chính sách đặc biệt nào của Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác. Vì vậy sự ‘phối hợp với nhau’ cũng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào".
Các nước trong khu vực cũng sẽ không dễ dàng coi việc ông Trump thừa nhận chính sách Một Trung Quốc là một dấu hiệu đảm bảo sự liên tục sau một loạt những điều không chắc chắn trong quá trình chuyển giao quyền lực của ông. Trong khi bất ổn vẫn tiềm tàng giữa hai nước, nhất là khi bao quanh ông Trump là những cố vấn có quan điểm diều hâu. Do vậy cuộc điện đàm trên sẽ chỉ làm giảm khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng bất ngờ giữa hai nước trong những ngày đầu nhậm chức của ông Trump mà thôi.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều lĩnh vực bất đồng giữa hai cường quốc Mỹ – Trung, như tiền tệ, thương mại, Biển Đông và Triều Tiên, chưa được đề cập đến trong các tuyên bố công khai về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Bắc Kinh không thể dự đoán ông Trump sẽ làm gì tiếp theo trong các vấn đề thương mại và kinh tế, bởi Trump là người hay thay đổi và sẽ không bao giờ chịu chấp nhận rằng ông là kẻ yếu./.
Thảo Linh
******************
Tổng thống Trump ‘xuống thang’ trước Trung Quốc, báo Việt viết gì ? (VOA, 13/02/2017)
Tổng tống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc có cuộc điện đàm kéo dài hôm 9/2.
Truyền thông nhà nước Việt Nam nhận xét rằng phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc" đã giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "dẫn điểm trong nước cờ đầu tiên".
Trong cuộc điện đàm kéo dài với ông Tập hôm 9/2, ông Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc". Thông cáo của Nhà Trắng sau đó có đoạn : "Tổng thống Trump đã đồng ý, theo yêu cầu của Chủ tịch Tập, tôn trọng chính sách "một Trung Quốc".
Trong bài viết có tựa đề "Ông Tập dẫn trước ông Trump trong nước cờ 'cân não' đầu tiên ?", báo Thanh Niên viết : "Sự thay đổi của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về mối quan hệ với Trung Quốc gây bất ngờ cho không ít người. Chỉ mới 2 tháng trước, ông tạo ra cú sốc đầu tiên cho Trung Quốc khi có cuộc điện đàm lịch sử với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn".
Tờ báo thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam dẫn lời giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại đại học Nhân dân (Bắc Kinh) và là cố vấn cho Quốc vụ viện Trung Quốc đánh giá rằng "ông Trump sẽ bị coi là "hổ giấy", và việc ông ta thừa nhận chính sách "một Trung Quốc" sẽ được hiểu là chiến thắng to lớn nhờ công lao của ông Tập".
Trong khi đó, Tuổi Trẻ, một trong các tờ báo có lượng phát hành lớn ở Việt Nam, viết rằng việc ông Trump "bất ngờ đổi giọng" cho thấy "vẫn còn tranh cãi trong chính quyền mới của Mỹ về cách xử lý quan hệ với Trung Quốc".
Tờ báo viết tiếp : "Tuy nhiên, dù ông Trump đã mở lời tôn trọng Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn khó cảm thấy nhẹ nhõm. Chính quyền Mỹ vẫn còn những cách khác để tăng cường quan hệ với Đài Loan, chẳng hạn nâng cao hợp tác quốc phòng hay bán vũ khí".
Trong bài viết có tựa "Trump ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc", biến mình thành "con hổ giấy", trang Infonet còn cho rằng đây là "một động thái được cho là có lợi rất lớn đối với Bắc Kinh".
Trang tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông viết thêm : "Trung Quốc và Mỹ cũng ngầm gửi thông điệp rằng với việc vấn đề "Một Trung Quốc" được giải quyết, mối quan hệ giữa hai nước đã bình thường trở lại".
Cùng với việc chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông trên Twitter, theo giới quan sát trong nước, việc ông Trump trước đây tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh, trong đó có cuộc điện đàm với bà Thái, đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người Việt, vốn hy vọng rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc Hoa Kỳ sẽ "khống chế" Trung Quốc.
Theo nhận định của các nhà quan sát trong nước, Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi mọi động thái của ông Trump cũng như tân chính quyền Mỹ xem chính sách của Washington đối với Châu Á nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ ra sao.