Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/07/2018

Chiến tranh mậu dịch Hoa Kỳ - Trung Quốc bắt đầu

Tổng hợp

Chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung có thể sẽ ‘lớn nhất lịch sử kinh tế thế giới’ (Người Việt, 06/07/2018)

Cuộc chiến mậu dịch bộc phát hôm Thứ Sáu, 6 tháng Bảy giữa Mỹ và Trung Quốc tiềm tàng nguy cơ leo thang, có thể gây ra sự ngần ngại trong việc đầu tư, làm người dân ít mua sắm, gây bất ổn cho thị trường tài chánh và đưa nền kinh tế thế giới vào giai đoạn trì trệ.

trade1

Một kiện hàng container được đưa lên tàu ở cảng Savannah ở Georgia. (AP Photo/Stephen B. Morton)

Phát súng đầu tiên trong trận chiến này đã nổ ra sau lúc nửa đêm ngày Thứ Năm bước sang ngày Thứ Sáu, khi lệnh tăng thuế quan 25% của chính phủ Trump nhắm vào lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD nhập cảng từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.

Bắc Kinh ngay lập tức trả đũa bằng cùng mức gia tăng trên cùng số trị giá hàng hóa nhập cảng từ Mỹ. Chính quyền Trung Quốc cáo buộc rằng phía Mỹ làm bùng ra "cuộc chiến mậu dịch lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới".

Trong vòng đầu của cuộc chạm trán này, các doanh gia Mỹ khởi sự phải trả thêm tiền cho các sản phẩm làm ở Trung Quốc như máy móc dùng trong xây cất và các loại cơ khí khác. Người tiêu thụ ở Mỹ sẽ cảm thấy ảnh hưởng của việc này khi các công ty nhập cảng tăng giá bán.

Trong khi đó, các nhà sản xuất sản phẩm Mỹ như đậu nành, thịt heo và rượu whiskey sẽ mất lợi thế thương trường ở Trung Quốc vì giá bán nay cao hơn.

Tuy vậy, việc tăng thuế quan sẽ không gây ảnh hưởng trầm trọng cho cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Ông Gregory Daco, người đặc trách về kinh tế Mỹ ở công ty Oxford Economics, tính toán rằng điều này chỉ làm giảm tăng trưởng kinh tế ở cả hai quốc gia vào khoảng 0,2% hoặc ít hơn, từ nay đến năm 2020.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu có thể sẽ sớm leo thang.

Tổng thống Donald Trump, người từng nói rằng chiến thắng trận chiến mậu dịch là điều dễ dàng đối với Mỹ, cho biết ông sẵn sàng tăng thuế quan nhắm tới 550 tỷ USD trị giá hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc. Con số này còn cao hơn trị giá lượng hàng Trung Quốc bán sang Mỹ hồi năm ngoái là 506 tỷ USD.

Việc leo thang trong cuộc chiến mậu dịch chắc chắn sẽ làm giới đầu tư ngần ngại và chờ xem tình hình diễn biến ra sao, trước khi bỏ tiền ra đầu tư vào các doanh nghiệp.

Nhiều giới chủ nhân có thể sẽ tạm ngưng thuê thêm người cho đến khi tình hình rõ ràng hơn. Các thiệt hại này cũng có thể xóa đi một số các thành quả kinh tế đạt được nhờ việc giảm thuế hồi năm ngoái.

"Việc mậu dịch bị ngăn trở có thể là mối đe dọa lớn nhất cho sự phát triển kinh tế toàn cầu", theo lời ông Dec Mullarkey, người điều hành chiến lược đầu tư tại Sun Life Investment Management.

Điều đáng lo ngại nữa là Mỹ hiện không chỉ có chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc mà còn đối đầu với Âu Châu, Canada và Mexico.

Chính phủ Trump đã tìm cách giới hạn ảnh hưởng của việc tăng thuế quan vòng đầu đối với các gia đình Mỹ, bằng cách nhắm vào các sản phẩm kỹ nghệ của Trung Quốc, chứ không nhắm vào các sản phẩm tiêu dùng.

Nhưng việc tăng thuế quan sẽ tăng chi phí đối với các công ty Mỹ vốn phải trông cậy vào máy móc hay các phụ kiện sản xuất tại Trung Quốc. Và sau cùng rồi các công ty này phải bán sản phẩm của họ với giá cao hơn cho các công ty bán lẻ, và việc tăng giá chẳng bao lâu sau đó sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Những người thường đến tiệm Chick-fil-A thì có thể sẽ cảm thấy ảnh hưởng của việc tăng thuế quan.

Ông Charlie Souhrada thuộc hiệp hội các nhà sản xuất dụng cụ chế biến thực phẩm Bắc Mỹ (North American Food Equipment Manufacturers), nói rằng tăng thuế quan có thể ảnh hưởng đến nồi áp suất mà công ty Chick-fil-A đang sử dụng.

Một thí dụ khác là công ty Bobcat của Mỹ chuyên chế tạo các xe cơ giới được nông gia, các công ty làm vườn và công ty xây dựng Mỹ sử dụng. Tuy nhiên, các món phụ kiện được gắn vào xe để dùng cho các mục đích khác nhau này, như đồ cào, móc, giá nâng hàng…, lại không được chế tạo ở Mỹ và phải nhập cảng từ Trung Quốc.

Công ty Bobcat thông báo họ sẽ phải tăng giá bán để đối phó với việc tăng thuế quan này.

Ông Jay Timmons, chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (National Association of Manufacturers) cảnh cáo rằng "tăng thuế quan sẽ đem lại các biện pháp trả đũa và có thể tăng thêm thuế khác. Không ai chiến thắng trong cuộc chiến mậu dịch". (V.Giang)

******************

Chiến tranh mậu dịch : thái độ của Hoa Kỳ ngày càng cứng rắn (CaliToday, 06/07/2018)

Cuộc chiến mậu dịch giữa hai siêu cường kinh tế thế giới đang cận kề vào cuối tuần này và Tổng thống Trump lên tiếng đe dọa sẽ gia tăng thuế cho từng món hàng Trung Quốc nhập cảng vào Hoa Kỳ.

trade2

Photo Credit : Bloomberg

Sau nhiều tháng thương lượng bất thành, tổng trị giá 34 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc sẽ bị tăng thuế 25% vào nữa đêm thứ sáu 6/7 giờ của Hoa Thịnh Đốn, trong đó có các mặt hàng máy móc nông nghiệp và phụ tùng của máy bay.

Ngay lập tức Trung Quốc trả đũa bằng cách cho tăng thuế lên các mặt hàng nông sản của Mỹ như đậu nành và xe hơi cũng vào nữa đêm hôm nay. Cả hai phía đều không có dấu hiệu sẽ nhượng bộ gì cả.

Chưa gì mà Tổng thống Trump loan báo đang xem xét thêm tổng trị giá 16 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nhập cảng sẽ bị tăng thuế và gợi ý là cuối cùng tổng trị giá hàng Trung Quốc chịu thuế sẽ lên tới 500 tỉ đô la, tức là cao hơn cả những gì mà Hoa Kỳ mua của Trung Quốc trong cả năm 2017.

Bộ Thương Mại Trung Quốc lên tiếng tố cáo chính phủ Mỹ đang chơi trò ‘hù dọa’ và đang khơi mào cho một cuộc chiến mậu dịch lớn nhất trong lịch sử kinh tế toàn cầu.

Tuy hành động của Tổng thống Trump sẽ khiến Cộng Hòa có thêm phiếu của các cử tri Mỹ vốn đồng ý với cái nhìn của Tổng thống Trump về thương mại, nhưng chiến tranh mậu dịch gia tăng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tai hại đến phát triển kinh tế, các công ty và người tiêu thụ đều đứng trước mối nguy là giá cả sẽ leo thang.

Louis Kuijis, phân tích gia hàng đầu về Châu Á tại Viện Oxford Ecnomics, nhận xét : "Rõ ràng là những loạt đạn đầu tiên đã bắn ra, trong ý nghĩa đó, cuộc chiến mậu dịch đã mở màn, và chưa thấy có dấu hiệu chính xác là nó có cơ hội kết thúc".

Trần Vũ

*****************

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu (RFI, 06/07/2018)

Hoa Kỳ đã chính thức khai chiến với Trung Quốc và ngay lập tức Bắc Kinh trả đũa với biện pháp tương tự. Tổng trị giá hàng xuất khẩu của mỗi bên bị áp thuế là 34 tỷ đô la.

trade3

USD vs CNY - Ảnh minh họa. Reuters

Biểu thuế mới của Mỹ được áp dụng kể từ 04 giờ, giờ quốc tế. Tổng cộng 818 mặt hàng Trung Quốc bị tăng thuế nhập khẩu 25%. Danh sách thứ hai, sẽ có hiệu lực trong nay mai, nâng tổng trị giá hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lên đến 50 tỷ, để "bảo vệ thị trường nội địa"theo tuyên bố của tổng thống Donald Trump.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :

Với lệnh áp thuế đánh vào hàng Trung Quốc đi vào hiệu lực kể từ hôm nay, Hoa Kỳ đã khai hỏa với rủi ro phát động một cuộc chiến tranh thương mại với những hệ quả rất khó lường.

Mức thuế mới tăng thêm 25% đánh trên 34 tỷ đô la trị giá lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng tránh không đụng đến những mặt hàng mà người Mỹ tiêu dùng hàng ngày như màn hình phẳng, điện thoại di động, giày dép… Trái lại, danh sách trừng phạt chủ yếu đánh vào máy móc, trang thiết bị kỹ nghệ như linh kiện máy bay, đĩa cứng máy vi tính… Hệ quả của biện pháp áp thuế này sẽ làm tăng giá thành sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp có liên quan và cuối cùng có thể tác hại đến công ăn việc làm của người dân Mỹ mà tổng thống Donald Trump vẫn luôn nói là muốn bảo vệ.

Bắc Kinh hứa là sẽ đáp trả tức khắc đặc biệt là nhắm vào nông phẩm như là đậu nành mà Trung Quốc là thị trường lớn của Mỹ.

Tuy vậy, tổng thống Donald Trump có vẻ tin tưởng vào biện pháp áp thuế mà ông lý giải là để bảo vệ nền kinh tế thịnh vượng của Hoa Kỳ.

Ngân hàng trung ương, trái lại, tỏ ý nghi ngại "trước những bất trắc liên quan đến chính sách thương mại" của Hoa Kỳ.

Phản ứng của Trung Quốc

Sau khi Mỹ chính thức áp thuế mới lên sản phẩm Trung Quốc, "khai hỏa" chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hôm nay 06/07, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cũng áp dụng thuế mới nhắm vào một số mặt hàng của Hoa Kỳ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu : "Các sức ép từ một phía là vô ích, Trung quốc phản đối chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch". Không lâu sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo : "Trung Quốc đã hứa không nổ phát súng đầu tiên, nhưng để bảo vệ những lợi ích thiết yếu của dân tộc và nhân dân, Bắc Kinh không có cách nào khác là đáp trả khi cần thiết".

Tuy nhiên, cả Bộ Ngoại giao và Thương Mại Trung Quốc đều không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh. Còn Tân Hoa Xã cho biết Bắc Kinh cũng sẽ áp mức thuế 25% đối với một số hàng hóa của Mỹ, tương tự mức thuế mới của Washington đối với hàng Trung Quốc.

Tú Anh

******************

Chiến tranh thương mại : Hậu quả nghiêm trọng không kém suy thoái 2008 (RFI, 06/07/2018)

Hôm nay 06/07/2018, Washington và Bắc Kinh chính thức bước vào cuộc chiến thương mại. Vào 04 giờ GMT, quyết định của Mỹ tăng thuế lên thành 25% đối với 818 mặt hàng với tổng trị giá 34 tỉ đô la nhập từ Trung Quốc - trong đó có xe hơi, ổ cứng máy tính, linh kiện máy bay - chính thức có hiệu lực. Bắc Kinh gọi đây là "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế từ trước tới nay" và tuyên bố Trung Quốc không khai chiến với Hoa Kỳ, nhưng vì Mỹ áp thuế mới, Trung Quốc cũng đáp trả tương tự và Bắc Kinh sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới OMC.

trade4

Rượu vang nhập từ Mỹ tại cửa hàng Alexander Wine ở Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 6/07/2018. Reuters/Aly Song

Báo Le Monde gọi đây là cuộc chiến thương mại "điên rồ". Hội đồng phân tích kinh tế Pháp - đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thủ tướng Pháp - thì cảnh báo là chiến tranh Mỹ-Trung sẽ dẫn tới "cuộc chiến thượng mại diện rộng", thậm chí là "chiến tranh thương mại toàn diện". Đây không còn là cuộc "song đấu" Mỹ-Trung mà sẽ liên quan tới cả thế giới, nhất là Châu Âu và gây ra những hậu quả nghiêm trọng không kém gì Đại suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Theo dự báo của Hội đồng phân tích kinh tế Pháp, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu sẽ giảm 3-4%, riêng Pháp sẽ mất 3% GDP, trong khi GDP của Pháp chỉ giảm 2,2% do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, các quốc gia nhỏ hoặc kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa mới là những nước bị tác động nhiều nhất, chẳng hạn Irland, Mêhicô và Hàn Quốc sẽ mất ít nhất 10% GDP.

Hôm qua 05/07, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cảnh báo việc Mỹ tăng thuế trên hàng hóa Trung Quốc sẽ là "gánh nặng" trên vai các tập đoàn quốc tế cung ứng hàng hóa, nhất là các sản phẩm có giá trị cao, trong đó có các công ty của Mỹ trên toàn thế giới và các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh là cũng có nhiều tập đoàn Mỹ lắp ráp sản phẩm tại Trung Quốc trước khi đưa về bán tại Hoa Kỳ.

Theo ông Cao Phong, trong số 34 tỉ hàng hàng hóa nhập từ Trung Quốc mà Mỹ áp thuế mới, hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc - trong đó có nhiều công ty Mỹ - chiếm tới 20 tỉ đô la, tức là 59% tổng giá trị hàng hóa bị Mỹ áp thuế mới. Như vậy là "gậy ông đập lưng ông", hay nói cách khác là theo Bắc Kinh, Washington đang "tự bắn vào chân mình".

Nhưng một câu hỏi đặt ra là nếu kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng thì tại sao Washington vẫn quyết tâm "khai hỏa" chiến tranh thương mại ? Theo kết quả một cuộc họp hồi tháng 06/2018 của Cục Dự trữ Liên bang (FED -Ngân hàng Trung ương Mỹ), nhưng mới được công bố hôm qua 05/07, cho dù sự bất định và các nguy cơ do các chính sách về thương mại của tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng trong thời gian qua và có thể khiến giới doanh nghiệp mất lòng tin, gây thiệt hại cho đầu tư, nhưng kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng và vẫn vững chắc.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 816 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)