Khi cáo Benalla mượn oai hùm tổng thống Pháp
Tựa chính và xã luận của các báo Pháp hôm nay 23/07/2018 chủ yếu tập trung vào vụ Benalla, vệ sĩ của tổng thống Emmanuel Macron hành hung thô bạo người biểu tình.
Alexandre Benalla (phải) luôn theo sát ông Emmanuel Macron như hình với bóng, ngay từ lúc mới ra tranh cử. Ảnh chụp ngày 05/05/2017. Reuters/Regis Duvignau
Le Mondechạy tựa « Vì sao vụ Benalla trở thành tầm cỡ Nhà nước ». Cú sốc này gây ra khủng hoảng chính trị : thái độ của điện Elysée bị chỉ trích dữ dội, bộ trưởng Nội Vụ cũng nằm trong tầm ngắm, Quốc Hội náo loạn.
Les Echosghi nhận « Vụ Benalla : Áp lực lên chính quyền không giảm đi ». Tương tự, Libération cho rằng « Vụ Benalla : Nhà nước tê liệt ». Năm ngày sau khi vụ việc được tiết lộ, chính quyền vẫn im như tượng, tổng thống Emmanuel không hề phát biểu, còn Quốc Hội không hoạt động được. Le Figaro chạy tựa « Vụ Benalla : Chính quyền buộc lòng phải giải thích ». Tờ báo tóm tắt : cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp phải dừng lại, và bộ trưởng Nội Vụ Gérard Collomb phải điều trần hôm nay. Dưới áp lực, tối qua tổng thống Macron phải nhìn nhận cách giải quyết của Elysée là không ổn.
Do bao che, vụ hành hung đã trở thành xì-căng-đan Nhà nước
Trong bài xã luận mang tựa đề « Benalla, một vụ tầm cỡ Nhà nước », Le Monde nhận định trong lúc ông Emmanuel Macron muốn nhiệm kỳ tổng thống của mình phải là mẫu mực, thì chính một thiếu sót lớn về đạo đức và trách nhiệm đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất từ khi ông đắc cử.
Tất cả bắt đầu với tiết lộ của Le Monde hôm 18/07/2018. Trong một video, Alexandre Benalla, một người thân tín của tổng thống Macron, đầu đội nón bảo hộ của cảnh sát, hành hung hai người biểu tình hôm 1/5 ; tuy chỉ theo dõi với tư cách « quan sát viên ». Benalla sau đó chỉ bị đình chỉ 15 ngày. Dư luận xôn xao, nhưng mãi đến 20/7 Benalla mới bị sa thải, tuy thái độ và cách thức làm việc từ lâu đã gây quan ngại.
Quyết định trễ tràng này đã đưa ra ánh sáng tình trạng tập quyền : Macron chủ trương như thế với mục đích cải cách đất nước một cách hiệu quả, nhưng nay bị tác dụng ngược. Tổng thống thích làm việc với những người thân tín theo kiểu « commando ». Chính hệ thống đặt lòng trung thành lên trên tất cả đã khiến ông phạm phải sai lầm chính trị lớn.
Theo Le Monde, hậu quả là nặng nề vì mang đủ mọi tính chất của một xì-căng-đan tầm vóc Nhà nước. Chính quyền đã bao che cho một cá nhân chỉ vì người này nằm trong số được ông Macron tin cậy nhất, bất chấp luật pháp và các quy tắc. Uy tín chính phủ bị tổn thương, và phe đa số trong Quốc Hội cũng hoang mang trước thái độ của Elysée.
Le Monde cũng hoan nghênh các lực lượng phản biện : trước hết là báo chí, rồi đến tư pháp lập tức đã vào cuộc, cuối cùng là Quốc Hội lập ra hai ủy ban điều tra.
Cáo mượn oai hùm
Libération tiết lộ một video mới cho thấy, Alexandre Benalla từ đầu đến cuối là trung tâm những hoạt động của lực lượng an ninh hôm 1/5 trên quảng trường Contrescarpe. Cảnh sát dùng hơi cay để đối phó với những người biểu tình ném chai lọ vào họ, tuy nhiên tình hình hoàn toàn trong vòng kiểm soát. Benalla, phó văn phòng tổng thống nhắm vào hai người biểu tình vừa ném mấy vật cứng vào các cảnh sát chống bạo động ở gần đó. Chuyện gì xảy ra sau đó thì mọi người đều rõ : hai người trẻ một nam một nữ bị Benalla đánh đập thô bạo.
Tờ báo mỉa mai, cho đến nay tổng thống Macron vẫn không xuất đầu lộ diện, để « giữ gìn hình ảnh ». Libération nhắc nhở, động thái đầu tiên sau khi lên làm tổng thống của ông Macron là cho biểu quyết một đạo luật về đạo đức chính khách, và dành ưu tiên cho xã hội dân sự. Tuy nhiên những nguyên tắc đẹp đẽ ấy đã bị phá vỡ bởi sự lộng quyền của một vệ sĩ 26 tuổi, mà quá trình thăng tiến vùn vụt tỉ lệ thuận với số kẻ thù.
Le Figarovới bài xã luận « Quý vị cho là mẫu mực hay sao ? » đã dùng câu chuyện của cô hàng sữa mơ mộng để mỉa mai : « Vĩnh biệt bê, bò, heo, trứng… Sữa của vụ xì-căng-đan Benalla » đã đổ xuống chính thể cộng hòa được cho là mẫu mực này, đời sống chính trị mới hóa ra chỉ là hóa thân của chính trường cũ. Những ai mơ một chế độ minh bạch, gương mẫu, rốt cuộc lại nhìn thấy hệ thống lại nằm trong tay những người thuộc đảng cầm quyền mà năng lực còn là dấu hỏi lớn, bước vào Elysée bằng cách thức không rõ ràng.
Ngược dòng lịch sử : SAC, Watergate… ?
Nhà sử học Jean Garrigues khi trả lời La Croix đã nhận định về việc báo chí và đối lập so sánh vụ Benalla với các xì-căng-đan trong các đời tổng thống trước đây.
Trước hết là « SAC » (Cơ quan hành động dân sự) được tướng De Gaulle thành lập năm 1960 gồm những vệ sĩ trung thành với tổng thống, nhưng là một loại cảnh sát không chính thức bị cáo buộc những vụ giết người, lừa đảo…và bị tổng thống François Mitterand cho giải thể năm 1982. Tiếp đó là bộ phận chuyên nghe lén đã ghi âm các cuộc đối thoại của trên 2.000 người thời ông Mitterand. Phe cực tả và cực hữu cũng coi vụ Benalla là « Watergate » của Pháp.
Theo nhà sử học Garrigues, vụ Benalla không thể sánh được với các vụ trên về bối cảnh và mức độ trầm trọng. Tuy nhiên các bài học rút ra cũng tương tự : lạm dụng quyền lực, thiếu minh bạch, toan bóp nghẹt vụ việc bằng việc xử lý nội bộ thay vì tuân theo pháp luật.
Chính trị vẫn như xưa : Đánh bóng hình ảnh để phủ dụ
Tác giả Olivier Babeau trên mục Ý kiến của Le Figaro cho rằng công luận có phần ngây thơ, một lần nữa đã nhận ra rằng chính trị chẳng bao giờ thay đổi. Babeau nhắc lại một câu trong tác phẩm « Nền kinh tế của dối trá và lũng đoạn » : « Một trong những vai trò chính của chính khách là áp đặt lên công chúng một câu chuyện về mình », và câu nói của thống đốc New York Mario Cuomo : « Chúng tôi tranh cử bằng thơ nhưng quản lý bằng văn xuôi ». Vụ Benalla cho thấy quốc gia start-up và đảng « đợt sóng mới », cũng như quả bí của Cô bé lọ lem sau nửa đêm, thực ra chỉ là một chính quyền kỹ trị, một chính đảng không khác gì đảng cánh hữu và đảng xã hội trước đây.
Tương tự, nhà chính trị học Pascal Perrineau khi trả lời Les Echos nhận định, hiện tượng những người thân cận tổng thống được ưu đãi và tự cô lập không có gì mới. Dưới thời tổng thống Nicolas Sarkosy và François Hollande cũng đã xảy ra vụ các cố vấn có thái độ bất xứng. Nhưng hành vi hung bạo của Alexandre Benalla và việc xử lý quá chậm chạp của Elysée đã làm vấn đề trở thành quan trọng.
Thượng nghị sĩ Philippe Bas (đảng Những người Cộng Hòa), chủ tịch Ủy ban Pháp luật Thượng Viện trên Le Figaro cho rằng việc một người ngoài không có phận sự chính thức có thể qua mặt Sở Cảnh sát Paris và Bộ Nội Vụ, ra lệnh cho lực lượng an ninh, là hết sức đáng ngại. Việc Benalla có thể tham dự cuộc họp của Bộ Nội Vụ về các cuộc biểu tình hôm 1/5 cũng thật khó hiểu.
Cũng theo thượng nghị sĩ Philippe Bas, một khi đắc cử, tổng thống không còn là ứng cử viên hay chủ tịch một chính đảng, mà chức vụ đã vượt quá tầm vóc cá nhân. Vấn đề an ninh đã có đơn vị bảo vệ yếu nhân phụ trách, và tổng thống phải tôn trọng. Nguyên thủ không thể được bảo vệ bởi các vệ sĩ riêng, an ninh của ông không phải là việc của những người nghiệp dư, cho dù có được tin cậy như thế nào đi nữa.
Kinh tế Bắc Triều Tiên thụt lùi vì cấm vận
Liên quan đến Châu Á, Les Echos cho biết « Kinh tế Bắc Triều Tiên thụt lùi tệ hại nhất từ 20 năm qua ». Bị quốc tế trừng phạt, GDP của Bắc Triều Tiên đã sụt giảm 3,5% trong năm 2017.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hôm thứ Sáu tuần trước đã tiết lộ như trên : GDP của Bắc Triều Tiên năm ngoái chỉ còn 30.882 tỉ won (23,4 tỉ euro, bằng 1/5 Hàn Quốc), tệ nhất kể từ năm 1997 đến nay. Đó là do Nga và Trung Quốc không còn dung dưỡng cho Bình Nhưỡng, đã áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Sau khi Bắc Kinh đóng cửa biên giới, xuất khẩu của Bắc Triều Tiên bị sụt mất 37,2%, bên cạnh đó là nạn hạn hán. Tuy nhiên nay đang trong chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Tập Cận Bình sẽ không tiếp tay cho ông Donald Trump trong việc cấm vận Bình Nhưỡng.
Thị trưởng : Nghề nguy hiểm ở Philippines
Còn tại Philippines, La Croix báo động « Những vụ sát hại các thị trưởng liên tục xảy ra ». Hôm nay tổng thống Rodrigo Duterte trong bài diễn văn thường niên khoe khoang về mặt an ninh và cuộc chiến chống ma túy. Tuy nhiên từ khi ông lên nhậm chức cuối năm 2016 đến nay, đã có đến 16 thị trưởng bị ám sát, trong đó chỉ riêng tháng Bảy đã có bốn vị trở thành nạn nhân.
Thông tín viên của La Croix tại Manila cho biết hôm 2/7 ông Antonio Halili, thị trưởng Tanauan đã bị bắn chết giữa ban ngày. Ông Halili thường được so sánh với ông Duterte vì thường buộc những người nghiện ma túy, tay bị còng, diễu qua các đường phố. Tuy vậy chính bản thân ông lại lọt vào danh sách đen buôn ma túy của tổng thống, như ba thị trưởng khác cũng đã bị ám sát.
Danh sách thường được tổng thống đọc trên truyền hình này được lập ra như thế nào ? Không tài nào biết được, và không có bằng chứng nào cho thấy cả Halili lẫn ba thị trưởng đã bị sát hại có dính líu với ma túy. Người ta cho rằng ông Duterte chỉ mượn cớ chống ma túy để trừ khử những người chống đối. Thượng nghị sĩ đối lập Antonio Trillanes tố cáo : « Rodrigo Duterte đã biến Philippines thành thủ phủ tử thần ở Châu Á ».
Cuộc sơ tán vô tiền khoáng hậu lực lượng Mũ Trắng Syria
Nhìn sang Trung Đông, La Croix nhận xét « Cuộc sơ tán đặc biệt những người Mũ Trắng tại Syria ». Hơn 800 người thuộc lực lượng cứu hộ tình nguyện cùng với gia đình đã được Israel đưa sang Jordan, theo yêu cầu của nhiều nước phương Tây.
Trong khi đó 270.000 người tị nạn Syria chen chúc ở biên giới Jordan từ khi chế độ Damas tung ra đợt tấn công nhằm tái chiếm 80% Deraa và Qoneitra hôm 19/7, vẫn bị Israel và Jordan từ chối. Với Israel, đó là vì lý do an ninh, còn Jordan thì cho biết đã quá tải khi đã nhận gần 1,3 triệu người tị nạn.
Tính chất đặc thù của đợt di tản này còn ở chỗ nhiều Nhà nước cùng tham gia. Đó là do lực lượng Mũ Trắng đã chiếm được cảm tình của toàn thế giới khi can đảm xông pha vào nơi tên bay đạn lạc, cứu những nạn nhân trong những đống đổ nát vì bom của chế độ Syria và Nga. Bộ phim Những Người Mũ Trắng của Orlando Von Einsiedel còn giành được giải Oscar phim tài liệu hay nhất năm 2017.
Sống lâu, sống khỏe
Trên lãnh vực xã hội, trang Khoa học của Le Figaro nhấn mạnh đến « Sống lâu, nhưng phải sống khỏe », nhân Viện Pasteur ở Lille khai trương một trung tâm nghiên cứu về tuổi thọ.
Cứ hai bé gái sinh ra ở Pháp vào thời đại này thì một bé có hy vọng sống đến trăm tuổi. Tuy nhiên sống lâu có ích gì khi liên tục đau ốm ? Theo một nghiên cứu mới đây của giáo sư Patrick Berche, một người Pháp 65 tuổi có thể sống thêm 20 năm, nhưng 10 năm cuối có thể mất khả năng tự chủ trong sinh hoạt.
Giáo sư Berche giải thích, khoảng 45-50 tuổi, con người chuyển dần từ tình trạng khỏe mạnh sang dễ tổn thương. Quá trình này âm thầm và có thể chấn chỉnh được, nhưng khi đã trở nên không tự vận động được thì không thể thay đổi. Do đó việc kiểm tra sức khỏe hết sức cần thiết. Ông nói thêm, cách đây năm thế kỷ, Luigi Cornaro, một trưởng giả 35 tuổi ở Venise được các bác sĩ thông báo chỉ còn hai năm để sống vì mang nhiều chứng bệnh. Ông này bèn thay đổi hẳn cách sống, và qua đời ở tuổi 102 ! Tóm lại là công thức : ăn uống quân bình, không rượu, không thuốc lá, ngủ đủ giấc và hoạt động thể chất kể cả khi rất lớn tuổi.
Thụy My