Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/10/2018

Điểm báo Pháp - Bắt học "Karl Marx" nhưng cấm thực hành

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : Bắt học "Karl Marx" nhưng cấm thực hành

Mục Quốc tế báo Le Figaro (05/10/2018) có bài viết nói đến một nghịch lý đang diễn ra tại Trung Quốc. Bài viết đề tựa "Bắc Kinh nghiêm trị sinh viên ngành học Mác-xít". Chế độ cộng sản không chấp nhận các sinh viên tố cáo tình trạng bất bình đẳng xã hội đang hoành hành tại Trung Quốc.

hoc1

Nhiều sinh viên trường đại học Bắc Kinh đến ủng hộ cuộc biểu tình của công nhân nhà máy Jasic đòi lập công đoàn riêng ngày 15/08/2018. Le Figaro.

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ngớt lời ca ngợi triết gia người Đức, "kim chỉ nam phong trào cách mạng giai cấp vô sản và công nhân". Cũng nhân dịp này, "hoàng đế đỏ" khuyến khích trường đại học Bắc Kinh uy tín này phải phát huy hơn nữa tư tưởng Mác-xít.

Thế nhưng, giữa lý thuyết và thực hành là rào cản lớn không dễ gì vượt qua. Bởi vì chính quyền Bắc Kinh không chấp nhận những cô cậu sinh viên dấn thân có bằng cấp này tìm cách đi từ lý thuyết sang thực hành, sau nhiều năm bắt buộc học tư tưởng của Karl Marx.

Quả thật, mùa hè này, hàng chục thanh niên mang đầy tư tưởng Mác-xít và Mao Trạch Đông, mặc áo thun in đậm dòng chữ "Đoàn kết tạo nên sức mạnh" đã xuống đường cùng với các công nhân nhà máy Jasic Technology (chuyên cung cấp các trang thiết bị công nghiệp) ở Thâm Quyến, đòi lập một công đoàn riêng cho chính họ với khẩu hiệu "Thành lập công đoàn không phải là tội ác".

Chính quyền Bắc Kinh ngay lập tức tìm cách vô hiệu hóa phong trào.  Khoảng 40 sinh viên và hàng chục công nhân đã bị bắt. Theo một tổ chức phi chính phủ, hiện còn nhiều sinh viên vẫn đang bị giam giữ.

Không như phong trào sinh viên ủng hộ dân chủ Thiên An Môn năm 1989, những thanh niên này không hề có ý định lật đổ chế độ mà chỉ muốn tấn công những bất công xã hội đáng lên án trong nước. Họ chỉ muốn chắc rằng các công nhân nhà máy Jasic sẽ được đối xử công bằng.

Sự việc đã khiến nhiều nhà trí thức Trung Quốc quan ngại. Một người từng tốt nghiệp đại học Bắc Kinh tự hỏi "Chẳng lẽ những cô cậu sinh viên ưu tú này chỉ việc phải ăn, uống" và tổ chức hội hè thôi hay sao ?

Về phía những người công nhân, phàn nàn bị đối xử như là những "nô lệ" cũng muốn phản đối nghiệp đoàn chính thức duy nhất : Liên Đoàn Quốc Gia, vốn trung thành với đảng Cộng sản. Tổ chức này bị chỉ trích không đủ khả năng bảo vệ quyền của người lao động. Nhưng chế độ lại không muốn từ bỏ thế độc quyền.

Theo nhận định của Jean-Pierre Cabestan, nhà nghiên cứu Trung Quốc học trường đại học Hồng Kông, "Mối hiểm nguy thật sự đối với chế độ là việc sử dụng chủ nghĩa Mác để ủng hộ việc thành lập công đoàn tự do, giống như là Solidarnosc chẳng hạn, kẻ thù đáng gờm kể từ khi được hình thành từ đầu những năm 1980", tổ chức đã đóng một vai trò quyết định dẫn đến sự sụp đổ chế độ cộng sản Ba Lan.

Le Figaro cho biết thêm trong số các sinh viên bị bắt, nhiều người trong số này là thành viên hiệp hội Mác-xít trường đại học Bắc Kinh. Chính tổ chức này đã thực hiện các cuộc điều tra về điều kiện làm việc của tầng lớp lao động giá rẻ. Những thành viên của tổ chức này cho biết, hiệp hội đã gặp khó khăn trong việc đăng ký hoạt động với trường cho năm học mới và đang trở thành đối tượng bị "trấn áp".

Thế mới biết, giữa lý thuyết và thực hành là một khoảng cách xa vời vợi !

Tư tưởng Tập Cận Bình : Một trò chơi truyền hình

Cũng theo Le Figaro, một kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc phát sóng "Một trò chơi truyền hình tôn vinh vinh quang của ông ʺHoàng Đỏʺ để tập hợp giới trẻ".

Tờ báo mô tả : Trên nền nhạc tưng bừng, ánh sáng quét khán phòng, tiếng vỗ tay rào rào, người dẫn chương trình mở đầu tiết mục bằng lời kêu gọi "Hãy lắng nghe các lời phát biểu của chủ tịch Tập và hãy thấm nhuần tư tưởng của ông".

Trò chơi truyền hình mang tên "Nghiên cứu tư tưởng Tập trong Kỷ nguyên mới" kéo dài một giờ được phát vào giờ vàng trên kênh truyền hình tỉnh Hồ Nam, kênh truyền hình phổ biến nhất. Nội dung chương trình gồm : nhắc lại lý thuyết và hai phần câu hỏi trắc nghiệm, chủ yếu tập trung vào cuộc đời và sự nghiệp, nhất là những giai đoạn làm nên "huyền thoại" Tập Cận Bình.

Le Figaro cho rằng mục tiêu của chương trình này là nhằm đánh bóng uy tín của ông chủ Bắc Kinh bên cạnh giới trẻ Trung Quốc, vốn dĩ không màng đến chính trị. Và nhất là để kiểm soát họ.

Nếu như giới chuyên gia không mấy tin chắc gì chế độ Trung Quốc có đạt được điều mình muốn hay không, nhưng có điều chắc chắn trên mạng xã hội không thiếu lời châm biếm : "Tất cả những ai trả lời sai chắc là sẽ phải bị giáo dục lại để đáp ứng đúng những đòi hỏi của Kỷ nguyên mới", như một lời bình phẩm trên mạng Vi Bác, một dạng Twitter của Trung Quốc.

Tin tặc : Cuộc chiến công luận

Nga bị tố cáo tấn công tin học nhắm vào nhiều định chế quốc tế là chủ đề quốc tế được một số báo Pháp quan tâm đến. Le Figaro chạy tựa "NATO phản ứng trước các vụ tấn công tin tặc từ Nga". Les Echos nhận định "Tấn công mạng : Những lời cáo buộc tuôn trào nhắm vào Nga".

Luân Đôn, La Haye, Bruxelles, Canberra, Ottawa và Washington hôm qua đồng loạt đưa ra nhiều bằng chứng, tố cáo quân báo Nga từ nhiều năm nay thực hiện nhiều vụ tấn công tin học.

Hôm 04/10, bộ trưởng quốc phòng Hà Lan, Anke Bijleveld, cho biết đã kịp thời phá vỡ một chiến dịch dọ thám của Nga nhằm vào Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OIAC) đóng trụ sở tại La Haye. Bốn nhân viên quân báo Nga bị bắt tại hiện trường với đầy đủ tang vật là những thiết bị nghe lén. Những người này đã bị trục xuất ngay trong ngày.

Theo các nhà điều tra Hà Lan, những người này tìm cách thâm nhập vào các hồ sơ điều tra của OIAC như vụ chuyến bay MH-17 của Malaysia bị tên lửa có nguồn gốc từ Nga bắn hạ trên không phận Ukraina, cuộc điều tra sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hay như vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Serguei Skripal tại Anh, người mà tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Tư 03/10 xem như là một "kẻ đểu giả và phản bội".

Với xã luận nhật báo La Croix, đây thật sự là một "cuộc chiến dư luận". Căng thẳng trỗi dậy bất thình lình mang hơi hướm chiến tranh lạnh một lần nữa cho thấy một dạng đối đầu chiến lược mới giữa Nga và các nước láng giềng phương Tây.

Tờ báo viết : "Sự thay hình đổi dạng của cuộc đối đầu này chủ yếu nhắm vào một thách thức có tính chất quyết định cho sự ổn định của xã hội phương Tây : niềm tin của công luận vào hệ thống dân chủ và tự do, vốn dĩ đang ngự trị trong lòng các xã hội đó.

Thế giới số hóa mang đến cho nhiều quốc gia và nhiều nhóm có những ý đồ xấu xa nhân đôi khả năng làm đảo lộn các nguyên tắc cơ bản hình thành nên các nền dân chủ : khai mở, tự do ngôn luận và thông tin."

Do đó, theo nhật báo công giáo này, bên cạnh các nỗ lực từ chính phủ, "cuộc chiến dư luận này còn lệ thuộc vào khả năng khuyến khích người dân tham gia của các nước dân chủ. Chính các nền xã hội dân sự và truyền thông phải phát triển sức đề kháng của mình để có được một sự kháng cự tập thể".

Nam Mỹ bên bờ hỗn loạn

Nhìn sang Nam Mỹ, Les Echos có bài phân tích đề tựa "Năm của mọi sự nguy hiểm tại Châu Mỹ Latinh". Từ Venezuela, Nicaragua, Argentina cho đến Brazil, mỗi nước một kiểu khủng hoảng. Nhật báo kinh tế lần lượt điểm lại từng thành viên một.

Đầu tiên hết là Venezuela. Khủng hoảng kinh tế, chính trị Venezuela đã đẩy hàng triệu con người bỏ xứ chạy sang các nước láng, gây ra một cuộc bầu không khí căng thẳng với Colombia, Brazil và Peru. Đến mức, tổng thư ký Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ, Luis Almagro, cũng như là tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến khả năng can thiệp quân sự lật đổ chế độ Maduro.

Nicaragua cũng như Venezuela, một chế độ cánh tả, cũng đang trải qua những giai đoạn khủng hoảng tàn khốc. Tham quyền cố vị, tổng thống Daniel Ortega thẳng tay đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình làm khoảng từ 300-500 người chết, dẫn đến làn sóng di dân tràn sang Costa Rica. Điều trớ trêu là chính ông Ortega năm 1979 đã đứng lên lật đổ chế độ độc tài khát máu Somoza.

Argentina tiếp tục xoay vần với khủng hoảng tài chính tưởng chừng đã qua, xảy ra cách nay 17 năm. Đương nhiên Quỹ Tiền Tệ IMF lại phải giang tay trợ giúp, nhưng gần đến kỳ tổng tuyển cử dự kiến tháng 10/2019, tổng thống Mauricio Macri có nguy cơ đối mặt với nhiều làn sóng phản đối.

Tiếp đến là Brazil. Sau khi nữ tổng thống Dilma Rousseff bị phế truất năm 2016, quốc gia Nam Mỹ lớn nhất này giờ đang bị suy yếu chính trị. Gần đến ngày bầu cử tổng thống Chủ Nhật 07/10, phe cực hữu trỗi dậy mạnh mẽ sau quyết định của tư pháp bác bỏ tư cách ứng viên tổng thống của ông Lula, đang thọ án tù vì những cáo buộc tham nhũng.

Còn tại Colombia, bóng mây "khủng hoảng" cũng đang rình rập với việc ông Ivan Duque thắng cử. Hòa bình có được tại đất nước này sau nửa thế kỷ giao tranh với quân du kích FARC mong manh hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, tân tổng thống đòi xem xét lại thỏa thuận lịch sử có được giữa chính phủ tiền nhiệm với FARC.

Vì đâu nên nỗi ? Les Echos cho rằng chính tình trạng bạo lực triền miên và nạn tham nhũng hoành hành là hai nguyên nhân chính dẫn đến những bất ổn ngày nay.

Nước Pháp lo quá tải khách du lịch

Về thời sự nước Pháp, xã luận của báo Le Monde quan tâm đến những mặt trái của việc quá đông khách du lịch. Bài viết đề tựa "Du lịch bên bờ quá tải".

Le Monde cảnh báo : Nâng cao tính hấp dẫn nhưng cũng đừng bỏ qua những hệ quả tiêu cực của hiện tượng du lịch ồ ạt. Nhật báo nhìn nhận du lịch giá rẻ đã cho phép hàng tỷ người dân thuộc tầng lớp trung lưu có thể đến tham quan những điểm du lịch nổi tiếng ở Châu Âu. Và dịch vụ du lịch cũng đã tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề là những đám đông du khách lại tập trung quá đông vào một số ít điểm tham quan, đến mức các cơ sở hạ tầng về giao thông và tiếp đón đã trở nên quá tải, tạo ra sự mất cân đối lớn ở cấp độ địa phương.

Giá bất động sản tăng vọt, việc làm chỉ tập trung vào những công việc có tính chất thời vụ và lương thấp, môi trường bị xuống cấp, thành phố bị biến đổi thành các bảo tàng, các khu vui chơi giải trí hay các địa điểm ăn uống thường trực.

Cuối cùng, Le Monde cho rằng đã đến lúc chính phủ nên có những biện pháp điều chỉnh dòng du khách sao cho kỳ nghỉ của người này không là địa ngục cho người khác.

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình kinh tế, chính trị và xã hội là đề tài chính trên một số nhật báo. Le Monde đặt câu hỏi lớn : "Macron : Cuộc cải tổ nào để thoát khủng hoảng ?". Les Echos hoan hỉ thông báo : "Kinh tế Pháp lại khởi sắc". La Croix chú ý đến vấn đề đạo đức y sinh học với câu hỏi lớn "Ẩn danh cho tinh trùng sớm được dỡ bỏ ?".

Libération quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Brazil. Trên nền ảnh chân dung ứng viên Jair Bolsonaro mờ ảo, nhật báo thiên tả khẳng định : "Phân biệt chủng tộc, bài người đồng tính, ghét phụ nữ, thích độc tài nhưng ông ấy đang mê hoặc Brazil".

Riêng Le Figaro nhìn lại một năm phong trào Metoo với những nghi vấn : "Một năm sau vụ Weinstein, những gì đã làm thay đổi giữa cánh đàn ông và chị em phụ nữ". Le Figaro còn dành một góc nhỏ trên trang nhất để nói đến hiện tượng "Tại Trung Quốc, khi đảng cộng sản truy lùng những sinh viên Mác-xít".

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 551 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)