Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kinh tế Trung Quốc đứng trước quý I/2020 nhiều chông gai do virus corona (baoquocte, 01/02/2020)

Theo giới phân tích, Chính phủ Trung Quốc có thể phải cắt giảm thuế, tăng chi tiêu và cắt giảm lãi suất để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực từ sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) lên nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn của nước này.

airbus01

Nền kinh tế của Trung Quốc vốn đã phải chịu nhiều tổn thất từ cuộc căng thẳng thương mại với Mỹ. (Nguồn : TIME)

Tác động kinh tế của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona cho tới nay vẫn chưa thể xác định rõ ràng. Nhưng một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và một số nhà kinh tế đã dự báo rằng tốc độ tăng trưởng của nước này có thể giảm 2 điểm phần trăm (tương đương 62 tỷ USD) trong quý đầu năm 2020 so với mức 6% của quý IV/2019. Điều này là do sự bùng phát dịch đã khiến phần lớn diện tích Trung Quốc rơi vào tình trạng "bế quan".

Tăng trưởng năm 2019 của nền kinh tế lớn nhất châu Á này đã rơi xuống mức yếu nhất trong gần ba thập kỷ, trong khi Bắc Kinh đang phải đối mặt với tình trạng nợ gia tăng và tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Đo lường mức độ ảnh hưởng của dịch

Vẫn còn quá sớm để xác định chính xác mức độ tác động từ dịch viêm phổi cấp do nCoV gây ra đối với các doanh nghiệp và ngành nghề.

Hiện nhà sản xuất ô tô điện Tesla của Mỹ đã buộc phải tạm thời đóng cửa nhà máy mới xây dựng ở Thượng Hải. Hoạt động sản xuất của Apple cũng bị gián đoạn do các nhà cung cấp ở Vũ Hán phải ngừng hoạt động. Tác động dài hạn từ dịch bệnh lên cả hai công ty hiện vẫn chưa hề rõ ràng.

Tuy nhiên, nhiều ngành khác có thể chịu nhiều thiệt hại ngay tức thì. Du lịch - ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD trong dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc - đã suy yếu khi chính phủ tiến hành kiểm dịch tại các trung tâm đô thị lớn còn người dân tránh đi du lịch vì sợ bị lây nhiễm.

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Zhang Ming thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cùng một số nhà phân tích khác cho rằng tác động từ dịch viêm phổi cấp do nCoV thậm chí có thể nghiêm trọng hơn SARS - dịch viêm đường hô hấp cấp đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lao đao hồi năm 2002-2003.

Dịch bệnh lần này có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất việc làm và đẩy giá tiêu dùng cao hơn, qua đó càng làm sâu sắc thêm những vấn đề kinh tế tồn tại từ trước của Trung Quốc. Chuyên gia Zhang cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể đạt mức cao kỷ lục trong những tháng tới. Tỷ lệ này thường dao động trong khoảng 4-5%.

Khoảng 290 triệu công nhân của Trung Quốc sẽ thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều người trong số họ dịch chuyển từ nông thôn lên thành phố để làm những công việc như xây dựng và sản xuất, phục vụ trong nhà hàng, giao hàng hoặc nhân viên vệ sinh.

Nhưng do nhiều nhà máy và doanh nghiệp vẫn ngừng hoạt động, hàng triệu công nhân đó có thể khó tìm được việc làm sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài kết thúc. Hơn 10 triệu công nhân từ tỉnh Hồ Bắc cũng có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử từ các chủ thuê lao động vì nỗi sợ rằng họ có thể lây lan virus cúm.

Mạnh tay hành động hơn nữa

Theo chuyên gia kinh tế Zhang Ming, chính phủ nước này có thể sẽ phải "mạnh tay" hơn nữa trong những tháng tới để ngăn chặn đà suy giảm nghiêm trọng hơn của nền kinh tế.

Ông Zhang trong tuần này đã đưa ra nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 5% trong quý đầu tiên với giả định dịch bệnh kéo dài đến cuối tháng Ba. Ông cho biết đó là kịch bản lạc quan nhất, nhưng không đưa ra dự báo cụ thể khác nếu dịch bùng phát kéo dài hơn nữa.

Chuyên gia này cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho y tế công cộng cũng như đào tạo nghề. Ông cũng hy vọng chính quyền địa phương sẽ chi nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng. Bằng cách thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo việc làm, các thành phố có thể bù đắp bất kỳ sự suy yếu nào trong đầu tư tư nhân vào bất động sản và chế tạo.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng có khả năng tiến hành nhiều biện pháp cắt giảm lãi suất để ổn định nền kinh tế. Ông Zhang nói rằng các biện pháp như vậy có thể giúp tăng trưởng phục hồi trong quý II và đẩy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Trung Quốc lên khoảng 5,7%. Trong khi con số trên thấp hơn mức 6,1% của năm ngoái, mức tăng trưởng này vẫn phù hợp với dự báo của nhiều nhà phân tích.

Tuy nhiên, một số người khác lại có cái nhìn bi quan hơn. Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Nomura tin rằng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể giảm 2 điểm phần trăm trở lên trong quý đầu tiên của năm 2020.

Tờ Thời báo Toàn cầu của Trung Quốc cũng đã tăng tải một bài viết vào hôm 30/1 với nhận định tương tự và viện dẫn những ý kiến của chuyên gia trong ngành. Theo đó, để ngăn chặn virus lây lan rộng hơn, Chính phủ đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và buộc các nhà máy phải đóng cửa. Song quyết định đó có thể làm tê liệt một phần của ngành chế tạo quốc gia và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những thách thức khác

Đối phó với dịch viêm phổi cấp do nCoV sẽ khiến một số vấn đề khác của Trung Quốc trở nên khó giải quyết hơn - bao gồm cả mối quan hệ thương mại phức tạp với Mỹ.

Như một phần của thỏa thuận giai đoạn 1 vừa ký kết trong tháng 1/2020, Bắc Kinh đã đồng ý mua lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Mỹ trong 2 năm tới. Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu nội địa thu hẹp ở Trung Quốc sẽ khiến nước này khó đạt được các mục tiêu đó. Dịch bệnh sẽ làm suy yếu sức mua hơn nữa và có thể khiến những mục tiêu đó càng nằm ngoài tầm với của Bắc Kinh.

Mức thuế quan đang áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vẫn còn được Washington duy trì. Phía Mỹ cũng nói rõ rằng những mức thuế này vẫn đóng vai trò "đòn bẩy" khi hai bên đàm phán giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận.

Song vẫn có người nhận định rằng cuộc chiến thương mại sẽ không leo thang chỉ vì Trung Quốc "tạm thời" không thể thực hiện các cam kết thương mại của mình. Ông Ken Cheung, chiến lược gia về thị trường ngoại hối châu Á tại Mizuho Bank, nói rằng nước Mỹ đang trong năm bầu cử Tổng thống và một hành động như vậy có thể gây nguy hiểm cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.

QT (theo CNN)

*****************

Airbus phải trả 4 tỷ đô la vì cáo buộc đút lót các quan chức nước ngoài, Việt Nam có liên quan (RFA, 01/02/2020)

Hãng máy bay của Châu Âu Airbus sẽ phải trả một khoản tiền lên đến 4 tỷ đô la cho các nước Anh, Pháp và Mỹ sau một điều tra về hối lộ để thắng các hợp đồng bán máy bay ở 20 nước trong đó có Việt Nam.

airbus1

Hình minh họa. Mô hình máy bay C-295 của Airbus tại triển lãm hàng không ở Singapore hôm 15/2/2012 - AFP

Thông báo được giới chức Mỹ, Anh và Pháp công bố hôm 31/1 sau gần 4 năm điều tra việc Airbus bán máy bay cho khoảng 20 nước. Các bên đồng ý với thoả thuận Airbus sẽ trả khoản tiền là 3.6 tỷ euro tương đương khoảng 4 tỷ đô la Mỹ để tránh khỏi bị truy tố hình sự. Tuy nhiên, những cá nhân liên quan sẽ không tránh khỏi việc đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Theo thoả thuận này, Airbus sẽ phải trả Anh 1 tỷ euro, Pháp 2,1 tỷ euro và Mỹ 500 triệu euro.

Công tố viên Pháp cho biết Airbus cũng đồng ý một khoản thời gian giám sát 3 năm.

Theo các tài liệu được công bố, Airbus đã thuê và che giấu những khoản thanh toán cho người thân, họ hàng các quan chức chính phủ một số nước như Ski Lanka, Ghana.

Giới chức điều tra Anh cũng tìm thấy những cáo buộc đút lót liên quan đến hãng hàng không TransAsia Airways của Đài Loan, Garuda Indonesia và Citilink Indonesia.

Tài liệu từ phía Mỹ cho thấy những khoản đút lót cho việc bán máy bay ở Trung Quốc.

Tài liệu công bố chính thức của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy Airbus đã bán máy bay quân sự C-295 cho Ghana, Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, tài liệu không cho biết có hối lộ liên quan đến quan chức Việt Nam hay không,

Theo tài liệu này, Airbus đã sử dụng môi giới để xúc tiến bán máy bay quân sự. Airbus trả tiền hoa hồng cho các bên thứ ba.

Từ năn 2009 đến 2014, Airbus đã tìm cách bán các máy bay quân sự cho Việt Nam và đã bán được 3 chiếc. Hợp đồng được ký giữa Airbus và Bộ Quốc phòng Việt Nam vào ngày 17/12/2013.

Published in Quốc tế

Vì sao Mỹ "giơ cao đánh khẽ" với Airbus ?

Sau Trung Quốc đến lượt Liên Hiệp Châu Âu lãnh đòn thuế quan của Mỹ.

airbus1

Chiếc Airbus A330neo bay biểu diễn nhân Triển lãm hàng không Le Bourget, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 17/06/2019. Reuters/Benoit Tessier/Pool/File Photo

Le Monde (04/10/2019) trên trang nhất chạy tít lớn "Trump tấn công Châu Âu sau khi WTO bật đèn xanh". La Croix nhận định "Hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu cho Airbus thổi bùng căng thẳng với Trump".

Nhật báo công giáo giải thích ngọn nguồn của căng thẳng. Airbus và Boeing tố cáo lẫn nhau đã hưởng hỗ trợ bất hợp pháp từ chính phủ. Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vừa xử Boeing thắng kiện trong khuôn khổ đơn kiện đầu tiên được đưa ra cách nay 15 năm. Nhưng điều ngạc nhiên là đòn phạt Mỹ đưa ra đối với Airbus là chỉ áp thêm thuế 10% nhắm vào các chiếc máy bay của Châu Âu.

Vì sao Hoa Kỳ lại "giơ cao đánh khẽ" đối với Airbus ? Bởi vì theo Les Echos, phía Mỹ đã từng dọa áp thuế đến 100% theo giá bán các loại máy bay và linh kiện rời nhập của Châu Âu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cấm Airbus bán các sản phẩm của mình ở Mỹ. Và biện pháp này cũng có thể đe dọa đến sự sinh tồn của các chuỗi dây chuyền lắp ráp dòng A320 Mobile tại bang Alabama.

Ngoài ra, mức thuế áp thêm 10% có nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động của nhiều hãng hàng không Mỹ, vốn dĩ đã đặt hàng 700 chiếc máy bay với Airbus. Les Echos lưu ý thêm hiện tại nhu cầu sắm mới máy bay của các hãng hàng không Mỹ lớn đến mức Boeing khó có thể một mình đáp ứng. Đơn đặt hàng tại hãng chế tạo hàng không Mỹ cũng kín giống như đối thủ Châu Âu, trong khi hiện nay Boeing còn đang gặp khó khăn trong việc giao các chiếc 737 Max.

Nhật báo kinh tế nhắc lại rằng Boeing cũng phải nhập khẩu nhiều trang thiết bị và các linh kiện hàng không từ Châu Âu để chế tạo và lắp ráp máy bay của chính mình như thân máy bay Boeing 787 do hãng Leonard của Ý cung cấp hay như một nửa các động cơ 737 là do tập đoàn Safran Pháp chế tạo. Do vậy, áp thuế các mặt hàng hàng không của Châu Âu chẳng khác gì tự đánh thuế vào chính Boeing của Mỹ !

Airbus thoát nạn, 150 mặt hàng khác lãnh đòn thay

Có điều khi đánh khẽ Airbus, khoảng 150 mặt hàng nông sản hay công nghiệp lại phải lãnh đòn phạt thay. Hoa Kỳ thông báo một danh sách dài các mặt hàng của từng nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ bị áp thêm 25% thuế kể từ ngày 18/10/2019 như rượu vang (Pháp và Tây Ban Nha), phô mai (Pháp và Ý), whisky (Scotland), các loại dụng cụ công nghiệp, từ lưỡi rìu cho đến tuốc-ne-vít hay lưỡi lam các loại dao xếp (Đức) hay các loại sản phẩm may mặc bằng len (Anh)…

Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire cho đó là "một sai lầm kinh tế và chính trị". Phát ngôn viên Ủy Ban Châu Âu cho biết nghiên cứu mọi giải pháp và dĩ nhiên "dự trù cả những biện pháp đáp trả". Le Figaro đặt câu hỏi : "Liên Hiệp Châu Âu có thật sự trong thế mạnh hay không ?" để rồi tự nhận thấy là Châu Âu giờ đang trong tình thế khá tế nhị.

Sự việc cho thấy Mỹ đang gia tăng sức ép với Liên Hiệp Châu Âu, một đối tác mà ông Donald Trump không ngừng cáo buộc là còn "tệ hơn cả Trung Quốc nhưng có quy mô nhỏ hơn". Quyết định này đưa ra trong bối cảnh các mặt hàng nhôm và thép của EU đang bị áp thêm thuế. Do đó, ông Donald Trump tính rằng Washington lợi được 9 tháng trước khi WTO cho phép đến lượt Bruxelles trừng phạt Hoa Kỳ vì đã hỗ trợ Boeing.

Từ đây đến đó, tình hình kinh tế của Châu Âu đã xấu có thể sẽ còn tệ hại hơn, nhất là với vụ Brexit. Đến ngày 13/11/2019, chính quyền Trump còn sẽ quyết định có áp thuế đối với mặt hàng xe hơi của Châu Âu hay không. Triển vọng này đang khiến Đức lo ngại, quốc gia xuất khẩu xe và linh kiện lắp ráp ô tô Châu Âu sang Mỹ.

Mối họa Trung Quốc

Dẫu sao thì Châu Âu cũng muốn tránh một cuộc leo thang căng thẳng, mà ông Bruno Le Maire cho rằng "không phải là giải pháp tốt". Bởi vì, theo cảnh báo của La Croix, điều này chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Nhật báo công giáo này trích dẫn nhận xét của ông Sébastien Jean, giám đốc Cepii, trung tâm nghiên cứu về kinh tế quốc tế của Pháp cho rằng "cuộc chiến này giữa Mỹ và Châu Âu thật là khó hiểu, trong khi mà mối đe dọa thật sự, trên phương diện hàng không, đến từ đối thủ Trung Quốc hiện đang rình rập thâm nhập thị trường". Bắc Kinh quả thật sắp đưa ra thị trường dòng máy bay Comac C919, máy bay đường bay trung bình, tương đương với loại B737 và A320, hai dòng hàng chính của Boeing và Airbus.

WTO : Công cụ của Hoa Kỳ ?

Cũng nhân vụ việc này, Le Figaro chỉ trích mạnh mẽ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO là "nhất bên trọng, nhất bên khinh".

Tờ báo mỉa mai đề tựa "WTO, hôm trước bị bêu xấu, hôm sau được Trump ngợi khen". Kể từ ngày đặt chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump không ngừng "xỉ vả" WTO nào là tổ chức này "đối xử tệ với Mỹ" (tweet ngày 17/04/2018), nào là "WTO bất công với người Mỹ" (06/04/2018)…

Nguyên thủ Mỹ chỉ trích định chế quốc tế này là "quan liêu", chiều lòng Trung Quốc hay không có năng lực giải quyết các vấn đề đương đại như bán hàng trên mạng… Và do vậy, Donald Trump có những giải pháp đơn phương thô bạo để giải quyết những vấn đề của định chế này. Ông từ chối thông qua việc bổ nhiệm các thẩm phán của Cơ quan xử lý các tranh chấp ORD của WTO.

Với Washington, những quyết định của tổ chức này thường xuyên vi phạm chủ quyền quốc gia. Mỉa mai thay, chính định chế này sẽ phải thông qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong 10 ngày nữa. Một cách hiển nhiên, chính quyền Trump vội vã ủng hộ định chế đa phương này những khi họ bảo vệ được các quyền lợi của Mỹ !

Pháp : "Cảnh sát bị đâm trúng tim"

Một chủ đề khác cũng được một số báo Pháp hôm nay đề cập đến vụ một nhân viên cảnh sát đâm chết bốn đồng nghiệp và gây trọng thương cho một người khác. Nhật báo công giáo La Croix thông báo "Tấn công chết người tại sở cảnh sát Paris". Libération nhận định không chút khoan nhượng "Cảnh sát bị đâm thẳng vào tim".

"Bị đâm trúng tim" cũng là tựa đề bài xã luận của Le Figaro. Bị hành hung lúc thi hành công vụ, bị sát hại tại nhà trước sự chứng kiến của trẻ nhỏ như vụ Magnanville năm 2016, giờ thì bị giết chết tại sở làm… Làm thế nào tại một nơi được bảo vệ và trong khu vực mà công việc cực kỳ nhạy cảm như thu thập thông tin lại có thể để xảy ra một tấn thảm kịch như thế ? Khủng bố hay điên loạn ? Công cuộc điều tra đang tiến hành.

Sự việc gợi nhắc lại bao nhiêu vụ án mạng khác nhưng sau đó bị xếp lại. Và điều này càng làm gia tăng nỗi lo lắng của các nhân viên an ninh trước sự thoái lui của chính quyền.

Hồng Kông : Những chú hề biểu tình trong tương lai ?

Le Figaro tiếp tục dẫn độc giả đến vùng Đông Bắc Á, đến với "chảo lửa" Hồng Kông. Những đảng chính trị thân Bắc Kinh muốn cấm người phản đối đeo mặt nạ xuống đường biểu tình.

Lệnh cấm này đã được đảng DAB, thân Bắc Kinh đòi hỏi từ lâu, và đã được Pháp hay Mỹ áp dụng. Nhiều người phản đối cho biết họ không sợ và có thể sẽ "hóa trang như những chú hề". Nếu như biện pháp mới này được áp dụng, điều này càng khẳng định chiến lược của Bắc Kinh, đẩy bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lên tuyến đầu để xử lý khủng hoảng, tạm thời gạt sang một bên giải pháp can thiệp trực tiếp.

Tại quảng trường Thiên An Môn, Tập Cận Bình cam kết giữ nguyên "quyền tự trị" của đặc khu. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Shi Yinhong, giáo sư đại học Nhân dân "Trung Quốc sẽ làm tối đa để tránh việc gởi quân, do cái giá phải trả trên trường quốc tế sẽ là rất lớn. Cảnh sát Hồng Kông vẫn có nhiều khả năng để gia tăng sức mạnh và tăng cường kiểm soát".

Theo cáo buộc của nhiều người biểu tình, cảnh sát Trung Quốc dường như đã âm thầm trà trộn vào hàng ngũ cảnh sát Hồng Kông. Ông Shi cảnh báo "Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho việc những kẻ cực đoan chiếm lấy quyền kiểm soát".

Thử tên lửa : Kim Jong-un muốn gì ?

Về Bắc Triều Tiên, Le Figaro quan tâm đến vụ bắn thử tên lửa hôm thứ Tư 02/10/2019. Nhật báo cánh hữu này cho rằng "Kim Jong-un gia tăng áp lực với Trump".

Tờ báo trích dẫn nhận xét của ông Harry Kazianis, chuyên gia tại Center for the National Interest của Hoa Kỳ đánh giá : "Thông điệp của Bắc Triều Tiên rất rõ ràng : Khả năng gieo rắc hỗn loạn của chúng tôi gia tăng mỗi ngày. Dường như họ muốn thúc đẩy Washington từ bỏ yêu sách phi hạt nhân hóa hoàn toàn".

Giới chuyên gia nhận định thời điểm tiến hành vụ thử không phải ngẫu nhiên. Đây là lần đầu tiên kể từ sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 02/2019, lãnh đạo họ Kim bật đèn xanh cho việc nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Thụy Điển.

Ông Leif-Eric Easleyn giáo sư đại học Ewha, tại Seoul lưu ý : "Bắc Triều Tiên quen ra giá cao trước khi ngồi vào bàn đàm phán để có thể có được các nhượng bộ".

Tiếng ồn nông thôn : Một di sản văn hóa khác cần được bảo tồn ?

Cũng trên Le Figaro nhưng trong lĩnh vực đời sống văn hóa. Tờ báo lo lắng cho hiện tượng "Tiếng ồn thôn dã chia rẽ nông thôn và tân nông thôn".

Tiếng rống của bò, tiếng gà gáy ban mai, tiếng chim hót hay tiếng chuông nhà thờ, tiếng vịt kêu cạp cạp ngoài đồng, tiếng ếch kêu ròn rã hay tiếng ve kêu ngày hè… những âm thanh đặc trưng cho vùng thôn dã nay đang phải đối mặt với những đơn kiện "lạ đời" của những lớp người "tân nông thôn" đến từ thành thị.

Nông thôn Pháp đang chứng kiến cảnh đối đầu giữa người "nông thôn chân chất" thật sự với những người "tân nông thôn" tìm sự trong lành, nhưng không chấp nhận những âm thanh thôn dã. Số đơn kiện tiếng ồn nông thôn ngày càng nhiều, đến mức thị trưởng xã Gajac, vùng Gironde, người sáng lập hiệp hội "Tiếng vọng thôn dã" phải lên tiếng tố cáo "thói ích kỷ, tự cho mình là trung tâm vũ trụ của những người mới đến, xuất thân từ thành thị đến khám phá nông thôn giống như là một kẻ ngốc phát hiện ra rằng không thể hái trứng từ trên cây".

Minh Anh

Published in Quốc tế