Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/02/2020

Kinh tế Trung Quốc và coronavirus, Airbus bị phạt 4 tỷ USD

Tổng hợp

Kinh tế Trung Quốc đứng trước quý I/2020 nhiều chông gai do virus corona (baoquocte, 01/02/2020)

Theo giới phân tích, Chính phủ Trung Quốc có thể phải cắt giảm thuế, tăng chi tiêu và cắt giảm lãi suất để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực từ sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) lên nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn của nước này.

airbus01

Nền kinh tế của Trung Quốc vốn đã phải chịu nhiều tổn thất từ cuộc căng thẳng thương mại với Mỹ. (Nguồn : TIME)

Tác động kinh tế của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona cho tới nay vẫn chưa thể xác định rõ ràng. Nhưng một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và một số nhà kinh tế đã dự báo rằng tốc độ tăng trưởng của nước này có thể giảm 2 điểm phần trăm (tương đương 62 tỷ USD) trong quý đầu năm 2020 so với mức 6% của quý IV/2019. Điều này là do sự bùng phát dịch đã khiến phần lớn diện tích Trung Quốc rơi vào tình trạng "bế quan".

Tăng trưởng năm 2019 của nền kinh tế lớn nhất châu Á này đã rơi xuống mức yếu nhất trong gần ba thập kỷ, trong khi Bắc Kinh đang phải đối mặt với tình trạng nợ gia tăng và tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Đo lường mức độ ảnh hưởng của dịch

Vẫn còn quá sớm để xác định chính xác mức độ tác động từ dịch viêm phổi cấp do nCoV gây ra đối với các doanh nghiệp và ngành nghề.

Hiện nhà sản xuất ô tô điện Tesla của Mỹ đã buộc phải tạm thời đóng cửa nhà máy mới xây dựng ở Thượng Hải. Hoạt động sản xuất của Apple cũng bị gián đoạn do các nhà cung cấp ở Vũ Hán phải ngừng hoạt động. Tác động dài hạn từ dịch bệnh lên cả hai công ty hiện vẫn chưa hề rõ ràng.

Tuy nhiên, nhiều ngành khác có thể chịu nhiều thiệt hại ngay tức thì. Du lịch - ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD trong dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc - đã suy yếu khi chính phủ tiến hành kiểm dịch tại các trung tâm đô thị lớn còn người dân tránh đi du lịch vì sợ bị lây nhiễm.

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Zhang Ming thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cùng một số nhà phân tích khác cho rằng tác động từ dịch viêm phổi cấp do nCoV thậm chí có thể nghiêm trọng hơn SARS - dịch viêm đường hô hấp cấp đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lao đao hồi năm 2002-2003.

Dịch bệnh lần này có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất việc làm và đẩy giá tiêu dùng cao hơn, qua đó càng làm sâu sắc thêm những vấn đề kinh tế tồn tại từ trước của Trung Quốc. Chuyên gia Zhang cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể đạt mức cao kỷ lục trong những tháng tới. Tỷ lệ này thường dao động trong khoảng 4-5%.

Khoảng 290 triệu công nhân của Trung Quốc sẽ thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều người trong số họ dịch chuyển từ nông thôn lên thành phố để làm những công việc như xây dựng và sản xuất, phục vụ trong nhà hàng, giao hàng hoặc nhân viên vệ sinh.

Nhưng do nhiều nhà máy và doanh nghiệp vẫn ngừng hoạt động, hàng triệu công nhân đó có thể khó tìm được việc làm sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài kết thúc. Hơn 10 triệu công nhân từ tỉnh Hồ Bắc cũng có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử từ các chủ thuê lao động vì nỗi sợ rằng họ có thể lây lan virus cúm.

Mạnh tay hành động hơn nữa

Theo chuyên gia kinh tế Zhang Ming, chính phủ nước này có thể sẽ phải "mạnh tay" hơn nữa trong những tháng tới để ngăn chặn đà suy giảm nghiêm trọng hơn của nền kinh tế.

Ông Zhang trong tuần này đã đưa ra nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 5% trong quý đầu tiên với giả định dịch bệnh kéo dài đến cuối tháng Ba. Ông cho biết đó là kịch bản lạc quan nhất, nhưng không đưa ra dự báo cụ thể khác nếu dịch bùng phát kéo dài hơn nữa.

Chuyên gia này cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho y tế công cộng cũng như đào tạo nghề. Ông cũng hy vọng chính quyền địa phương sẽ chi nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng. Bằng cách thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo việc làm, các thành phố có thể bù đắp bất kỳ sự suy yếu nào trong đầu tư tư nhân vào bất động sản và chế tạo.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng có khả năng tiến hành nhiều biện pháp cắt giảm lãi suất để ổn định nền kinh tế. Ông Zhang nói rằng các biện pháp như vậy có thể giúp tăng trưởng phục hồi trong quý II và đẩy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Trung Quốc lên khoảng 5,7%. Trong khi con số trên thấp hơn mức 6,1% của năm ngoái, mức tăng trưởng này vẫn phù hợp với dự báo của nhiều nhà phân tích.

Tuy nhiên, một số người khác lại có cái nhìn bi quan hơn. Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Nomura tin rằng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể giảm 2 điểm phần trăm trở lên trong quý đầu tiên của năm 2020.

Tờ Thời báo Toàn cầu của Trung Quốc cũng đã tăng tải một bài viết vào hôm 30/1 với nhận định tương tự và viện dẫn những ý kiến của chuyên gia trong ngành. Theo đó, để ngăn chặn virus lây lan rộng hơn, Chính phủ đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và buộc các nhà máy phải đóng cửa. Song quyết định đó có thể làm tê liệt một phần của ngành chế tạo quốc gia và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những thách thức khác

Đối phó với dịch viêm phổi cấp do nCoV sẽ khiến một số vấn đề khác của Trung Quốc trở nên khó giải quyết hơn - bao gồm cả mối quan hệ thương mại phức tạp với Mỹ.

Như một phần của thỏa thuận giai đoạn 1 vừa ký kết trong tháng 1/2020, Bắc Kinh đã đồng ý mua lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Mỹ trong 2 năm tới. Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu nội địa thu hẹp ở Trung Quốc sẽ khiến nước này khó đạt được các mục tiêu đó. Dịch bệnh sẽ làm suy yếu sức mua hơn nữa và có thể khiến những mục tiêu đó càng nằm ngoài tầm với của Bắc Kinh.

Mức thuế quan đang áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vẫn còn được Washington duy trì. Phía Mỹ cũng nói rõ rằng những mức thuế này vẫn đóng vai trò "đòn bẩy" khi hai bên đàm phán giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận.

Song vẫn có người nhận định rằng cuộc chiến thương mại sẽ không leo thang chỉ vì Trung Quốc "tạm thời" không thể thực hiện các cam kết thương mại của mình. Ông Ken Cheung, chiến lược gia về thị trường ngoại hối châu Á tại Mizuho Bank, nói rằng nước Mỹ đang trong năm bầu cử Tổng thống và một hành động như vậy có thể gây nguy hiểm cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.

QT (theo CNN)

*****************

Airbus phải trả 4 tỷ đô la vì cáo buộc đút lót các quan chức nước ngoài, Việt Nam có liên quan (RFA, 01/02/2020)

Hãng máy bay của Châu Âu Airbus sẽ phải trả một khoản tiền lên đến 4 tỷ đô la cho các nước Anh, Pháp và Mỹ sau một điều tra về hối lộ để thắng các hợp đồng bán máy bay ở 20 nước trong đó có Việt Nam.

airbus1

Hình minh họa. Mô hình máy bay C-295 của Airbus tại triển lãm hàng không ở Singapore hôm 15/2/2012 - AFP

Thông báo được giới chức Mỹ, Anh và Pháp công bố hôm 31/1 sau gần 4 năm điều tra việc Airbus bán máy bay cho khoảng 20 nước. Các bên đồng ý với thoả thuận Airbus sẽ trả khoản tiền là 3.6 tỷ euro tương đương khoảng 4 tỷ đô la Mỹ để tránh khỏi bị truy tố hình sự. Tuy nhiên, những cá nhân liên quan sẽ không tránh khỏi việc đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Theo thoả thuận này, Airbus sẽ phải trả Anh 1 tỷ euro, Pháp 2,1 tỷ euro và Mỹ 500 triệu euro.

Công tố viên Pháp cho biết Airbus cũng đồng ý một khoản thời gian giám sát 3 năm.

Theo các tài liệu được công bố, Airbus đã thuê và che giấu những khoản thanh toán cho người thân, họ hàng các quan chức chính phủ một số nước như Ski Lanka, Ghana.

Giới chức điều tra Anh cũng tìm thấy những cáo buộc đút lót liên quan đến hãng hàng không TransAsia Airways của Đài Loan, Garuda Indonesia và Citilink Indonesia.

Tài liệu từ phía Mỹ cho thấy những khoản đút lót cho việc bán máy bay ở Trung Quốc.

Tài liệu công bố chính thức của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy Airbus đã bán máy bay quân sự C-295 cho Ghana, Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, tài liệu không cho biết có hối lộ liên quan đến quan chức Việt Nam hay không,

Theo tài liệu này, Airbus đã sử dụng môi giới để xúc tiến bán máy bay quân sự. Airbus trả tiền hoa hồng cho các bên thứ ba.

Từ năn 2009 đến 2014, Airbus đã tìm cách bán các máy bay quân sự cho Việt Nam và đã bán được 3 chiếc. Hợp đồng được ký giữa Airbus và Bộ Quốc phòng Việt Nam vào ngày 17/12/2013.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 513 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)