Bơm thêm gần 500 tỷ đô la trong chưa đầy ba tuần lễ để "hỗ trợ thị trường tài chính và bất động sản, kích cầu" : Bắc Kinh tự giăng bẫy nợ và lừa gạt các cổ đông ? Giới đầu tư cho rằng tình trạng kinh tế của Trung Quốc "có thể tệ đến nỗi" chính quyền phải "cấp tốc can thiệp", nhưng các biện pháp đề ra lại kém thuyết phục, chưa đủ đề trấn an.
Những lá cờ Trung Quốc trong Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc ở thành phố Quảng Châu, ngày 16/04/2018 © Reuters - Tyrone Siu
Theo bà Isabelle Feng, Trung Tâm Perelman, Đại học Tự Do Bruxelles và Asia Centre Paris, để giữ được mục tiêu tăng trưởng và đem lại một làn sinh khí mới cho kinh tế, Trung Quốc cần thuyết phục tư nhân huy động một phần 40.000 tỷ đô la đang ngủ yên trong các quỹ tiết kiệm.
Hai gó kích cầu 1.000 và 2.300 tỷ nhân dân tệ vẫn thiếu sức thuyết phục
Trong ba tuần, từ ngày 24/09 đến 12/10 chính quyền Trung Quốc ba đợt thông báo các biện pháp "hỗ trợ kinh tế". "Tiếp sức cho các thị trường chứng khoán, vực dậy ngành địa ốc, giảm gánh nặng nợ nần cho các chính quyền địa phương, tăng vốn hòng nới lỏng khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng nhà nước" là ba mục tiêu đã được từ thống đốc Ngân Hàng Trung Ương đến bộ trưởng Tài Chính Trung Quốc lập đi lập lại trong các cuộc họp báo. Bắc Kinh báo trước sẽ công bố nay mai về vế thứ tư để thúc đẩy kinh tế đó là trực tiếp hỗ trợ "một số đối tượng trong xã hội cần được giúp đỡ".
Trả lời ban Việt ngữ RFI chuyên gia về luật và tài chính Isabelle Feng, thuộc trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại Học Tự Do Bruxelles-Bỉ và Asia Centre ở Paris nhấn mạnh đến một chi tiết quan trọng trong "kế hoạch kích cầu" 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương với khoảng 140 tỷ đô la được Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc loan báo.
Isabelle Feng : "Hôm 24 tháng 9 vừa qua, thống đốc Ngân Hàng Nhân Dân và lãnh đạo cơ quan điều tiết thị trường chứng khoán và tài chính Trung Quốc thông báo biện pháp 500 tỷ nhân dân tệ (gần 70 tỷ đô la Mỹ) hỗ trợ thị trường chứng khoán và số tiền này nằm trong gói kích cầu (stimulus) 1.000 tỷ nhân dân tệ. Bắc Kinh nói đến một kế hoạch kích cầu nhưng phần lớn số tiền ấy là để tiếp sức cho các sàn chứng khoán".
Trung Quốc đã sử dụng tất cả các công cụ tài chính ?
Cũng trong cuộc họp báo hôm 24/09 Bắc Kinh cho biết huy động nhiều công cụ tiền tệ để duy trì mục tiêu GDP tăng trưởng 5 % trong năm nay. Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Phan Công Thắng kết hợp các chính sách giảm lãi suất chỉ đạo, giảm lãi suất tín dụng địa ốc, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để các ngân hàng dễ dàng cấp tín dụng nhiều hơn cho các doanh nghiệp và tư nhân. Cùng lúc các giới chức tài chính Trung Quốc loan báo kể từ ngày 25/10/2024 khi đi mua nhà thân chủ chì cần chứng minh tối thiểu có vốn tương đương với 15% căn hộ thay vì 25% như trước đây.
Biện pháp này trực tiếp nhằm thúc đẩy thị trường địa ốc Trung Quốc. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc khẳng định các biện pháp này cho phép bơm thêm "19 tỷ đô la Mỹ vào cho 50 triệu hộ gia đình, tác động trực tiếp đến đời sống của 150 triệu người dân Trung Quốc" như chính ông Phan Công Thắng, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã ghi nhận.
Câu hỏi kế tiếp lài tại sao Trung Quốc lại muốn cứu thị trường địa ốc và tiêu thụ nội địa bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ thay vì huy động trực tiếp ngân sách của nhà nước ?
Đánh lừa cổ đông để huy động vốn cho doanh nghiệp
Theo Isabelle Feng, Bắc Kinh muốn hỗ trợ các cổ đông trước đã, do chứng khoán Trung Quốc đã đánh mất 6.000 tỷ đô la trong giai đoạn 2021-2023. Năm ngoái chỉ có cổ đông thua lỗ trong lúc chỉ số chứng khoán ở khắp mọi nơi đều tăng rất mạnh. Điều này khiến Trung Quốc dành đến 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ đô la) trong giai đoạn đầu để thổi thêm sinh khí cho thị trường
Isabelle Feng : "Kế hoạch này cho phép các doanh nghiệp, các cơ quan môi giới, hay quỹ đầu tư thế chấp tài sản của mình để mua công trái phiếu và tín phiếu… qua đó, tự đẩy giá cổ phiếu của mình đang niêm yết trên các sàn chứng khoán lên cao. Biện pháp này vừa nhằm khiến các thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn".
Bằng chứng cụ thể là trong "tuần lễ vàng" từ 01- 07/10/2024 chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải, Hồng Kông và Thâm Quyến tăng mạnh, tăng gần 8% trong một thời gian rất ngắn. Nhưng để rồi lại tuột dốc mạnh trong phiên giao dịch hôm Thứ Ba 08/10/2024 (-9 %) khi thị trường tài chính, ngân hàng và công sở làm việc trở lại sau một tuần lễ nghỉ phép.
Chuyên gia về luật và tài chính của trung tâm nghiên cứu Perelman và Asia Centre giải thích : Bắc Kinh chọn thời điểm trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh để công bố chính sách "kích cầu" gần 500 tỷ đô la, cho phép các công ty mua cổ phiếu của chính mình, qua đó một cách giả tạo, thổi phồng giá cổ phiếu lên cao. Cổ đông tư nhân háo hức muốn được hưởng lợi khi thấy chỉ số chứng khoánn đột ngột tăng nhanh trong vài ngày và đã ồ ạt đăng ký tham gia. Nhưng cùng lúc, các cổ đông lớn lợi dụng thời cơ bán bớt cổ phiếu để thu về tiền mặt. Điều này giải thích vì sao các trong phiên giao dịch từ ngày 8 đến 10/10 các thị trường ở Hồng Kong, Thượng Hải lao đao.
Chứng khoán Trung Quốc hay một canh bạc đầy rủi ro
Chính vì thế mà giới trong ngành quan niệm mua chứng khoán ở Trung Quốc còn nguy hiểm hơn "đánh bạc".
Isabelle Feng : "Thị trường chứng khoán của Trung Quốc khác với châu Âu hay của Mỹ ở chỗ là chỉ số chứng khoán không trồi sụt tùy theo những thành quả kinh tế thực sự. Tại các thị trường tự do, giá cổ phiếu tăng khi một tập đoàn thịnh vượng. Trái lại ở Trung Quốc, ngay từ 2001 một kinh tế gia nổi tiếng đã ví von chơi chứng khoán ở Trung Quốc còn nguy hiểm hơn là đánh bạc, bởi Nhà nước mới là bên nắm giữ các công cụ để định hướng thị trường (...). Lần này theo dõi tình hình, chúng tôi thấy Bắc Kinh muốn tiếp sức cho thị trường chứng khoán. Cổ phiếu có tăng giá thì cổ đông mới phấn khởi hơn để chịu mua sắm và nhất là mua nhà. Trung Quốc muốn cứu nguy thị trường bất động sản bằng cách đó và khởi động lại tăng trưởng vốn bị đóng băng từ sau đại dịch Covid".
Giải phóng 40.000 tỷ đô la trong các quỹ tiết kiệm
Vấn đề đặt ra là dân Trung Quốc khi có tiền họ đầu tư vào địa ốc, mua cổ phiếu và để dành trong các quỹ tiết kiệm. Khi cả thị trường nhà đất lẫn chứng khoán của Trung Quốc đều đang sụp đổ, tư nhân chỉ còn biết ủy thác tiết kiệm cho các ngân hàng.
Thống kê của Trung Quốc năm 2023 báo động khối lượng tiền ủy thác vào quỹ tiết kiệm tại các ngân hàng tăng hơn 15%. Chỉ một mình Ngân Hàng Nông Nghiệp Trung Quốc năm ngoái thu vào hơn 25.000 tỷ nhân dân tệ. Khoản tiền này lớn hơn gấp 10 so với gói "kích cầu thứ nhì" được bộ trưởng Tài chính Lam Phật An công bố hôm thứ Bảy 12/10 vừa qua. Chính vì vậy các kế hoạch hỗ trợ kinh tế được Bắc Kinh công bố gần đây đồng loạt bị đánh giá là "quá khiêm tốn".
Isabelle Feng : "Số tiền đó là chưa đủ, hiểu theo nghĩa từ khi rơi vào khủng hoảng, 18.000 tỷ đô la đã bị bốc hơi, theo thẩm định của ngân hàng Anh, Barclays. Đó là một gánh nặng đối với các hộ gia đình Trung Quốc. Tính trung bình mỗi hộ bị mất khoảng 60.000 đô la. Đó là một số tiền lớn lắm. Khi mà nhà đất mất giá, các hộ gia đình thấy tài sản của họ bị thất thoát. Thành thử tôi không nghĩ rằng các biện pháp kích cầu vào trăm tỷ đô la lần này đủ thuyết phục dân chúng Trung Quốc tự tin để lại đi mua nhà".
Điều này giải thích vì sao trong những ngày đầu tuần chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông giảm giá (-3%). Giá dầu trên thế giới cũng giảm do không mấy ai chờ đợi kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại, đẩy tiêu thụ dầu trên thị trường lên cao cho dù nguy cơ chiến tranh ở Trung Đông có thể đe dọa những giếng dầu của Iran.
Trung Quốc tự đẩy nợ của mình lên cao
Isabelle Feng, trung tâm Perelman và Asia Centre, không mấy hy vọng tính toán của Bắc Kinh muốn vực dậy thị trường bất động sản –chiếm đến gần 30 % GDP của các nước, bằng cách tạo một sự hứng khởi giả tạo trên các sàn chứng khoán.
Isabelle Feng : "Tôi không thấy là chính quyền có thể làm gì hơn được nữa : Trung Quốc đã hạ lại suất chỉ đạo của ngân hàng, đã giảm mức vốn tối thiểu một thân chủ cần có khi đi mua nhà, nới rộng khả năng của các ngân hàng để cấp tín dụng… Các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Đông, Thâm Quyến … đã dỡ bỏ hết những rào cản hành chính để chiêu dụ khách hàng mua bất động sản. Vậy mà thị trường bất động sản ở những thành phố lớn này vẫn chết lịm".
Nguy hiểm càng lớn hơn khi mà ba mũi tên chính đã được Bắc Kinh công bố để đem lại tăng trưởng, các gói "kích cầu" 1.000 tỷ nhân dân tệ, rồi 2.300 tỷ, tương đương với 500 tỷ đô la, có nguy cơ đẩy nền kinh tế thứ nhì thế giới vào cảnh nợ nần chồng chất còn nghiêm trọng hơn nữa trong lúc người dân không đủ tin vào tương lai để lại mua sắm và nhất là để đầu tư trở lại vào địa ốc.
Isabelle Feng : "Vấn đề của Trung Quốc là người dân như con chim phải đạn, họ không dám tiêu thụ nữa. Người ta mất niềm tin. Dân Trung Quốc nổi tiếng là lo xa nên gửi tiền tiết kiệm rất nhiều. Hiện tại, khoảng 40.000 tỷ đô la Mỹ đang được ký gởi trong các ngân hàng. Thành thử nếu không giải phóng được số tiền đó – hay một phần số tiền đó để khuyến khích tiêu thụ thì Trung Quốc khó mà khởi động lại được cỗ máy kinh tế. Yếu tố chính trị mới là gốc rễ của vấn đề".
Thanh Hà thực hiện
Nguồn : RFI, 15/10/2024
Các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu khi Tập Cận Bình kiên định theo đuổi các chính sách cơ bản của mình.
Trịnh Sách Khiết, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cho biết ông tin rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ đạt mục tiêu của chính phủ là "khoảng 5%". © AP
Sau khi Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite Index) tăng đáng kinh ngạc vào cuối tháng trước và tuần trước, giới lãnh đạo Trung Quốc đã muốn tăng thêm sự phấn khích.
Vì vậy, vào thứ Ba ngày 8/10, một ngày sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần – Trịnh Sách Khiết, người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã tổ chức một cuộc họp báo và bày tỏ sự tự tin về việc đạt được mục tiêu tăng trưởng của chính phủ là "khoảng 5%" cho năm 2024.
Sau đó vào thứ Tư, chỉ số chứng khoán cơ bản của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau 11 ngày giao dịch, giảm tới 6,61% so với ngày diễn ra cuộc họp báo của Trịnh.
Những biến động này được thúc đẩy bởi gói kích thích mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố vào ngày 24/09, bao gồm cả chính sách nới lỏng tiền tệ bổ sung.
Tuy nhiên, nền kinh tế nói chung vẫn đang trì trệ, và nhiều nhà đầu tư ngày càng thất vọng vì ban lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn còn do dự không áp dụng các biện pháp tài khóa mạnh mẽ hơn để xoay chuyển tình hình.
Từ lâu, người ta đã hiểu rằng Bắc Kinh sẽ chỉ đi xa đến thế để vực dậy nền kinh tế. Cuối tháng 6, Thủ tướng Lý Cường, người phụ trách các chính sách kinh tế của Trung Quốc và là trợ lý thân cận của Tập, nói rằng không cần phải dùng "thuốc mạnh" để đưa nền kinh tế đang ốm yếu trở lại trạng thái khỏe mạnh.
Bắc Kinh vẫn tiếp tục chần chừ, dù đã có diễn biến chính trị quan trọng vào cuối tháng trước, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng đã thừa nhận rằng nền kinh tế trì trệ đang phải đối mặt với "khó khăn".
Tại cuộc họp do Tập chủ trì vào ngày 26/09, Bộ Chính trị quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc đã thừa nhận: "Có một số diễn biến và vấn đề mới trong hoạt động kinh tế hiện nay".
"Cần có cái nhìn toàn diện, khách quan, bình tĩnh về tình hình kinh tế hiện nay, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, giữ vững niềm tin, tăng cường trách nhiệm và tinh thần cấp bách thực hiện tốt công tác kinh tế".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường, các Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Triệu Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh, Thái Kỳ, Lý Hy, và Phó Chủ tịch nước Hàn Chính đến Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 30/09. © Reuters
Trước đó, ban lãnh đạo của Tập vẫn liên tục vẽ nên một bức tranh lạc quan về nền kinh tế, chỉ tập trung vào những dấu hiệu tích cực và đưa cho công chúng những thông điệp kiểu như "Nên tin tưởng vào nền kinh tế vì nó đang trên đà phục hồi". Các cơ quan tuyên truyền của chính phủ và đảng đã chịu áp lực lớn vì chỉ được đưa tin những tin tốt giúp củng cố niềm tin vào nền kinh tế đang yếu kém.
Việc Bộ Chính trị thừa nhận có "khó khăn" là một sự khác biệt đáng kể với các quyết định được đưa ra vào giữa tháng 7 tại hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20 hiện tại.
Hội nghị trung ương ba đã không thể hiện cảm giác khủng hoảng, tránh đưa ra các đánh giá ảm đạm. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ thực hiện một sự thay đổi chính sách lớn bằng cách nêu ra nguyên nhân thực sự khiến nền kinh tế trở nên tồi tệ như hiện nay.
Lý do rất đơn giản : Ngay cả một nhà lãnh đạo quyền lực như Tập cũng sẽ phải chịu trách nhiệm chính trị nếu ông thừa nhận chính sách kinh tế của mình đã thất bại.
Có lẽ Tập đã nhận ra một tiền lệ có từ vài chục năm trước, khi Mao Trạch Đông quyết định từ chức nguyên thủ quốc gia vì bế tắc chính sách kinh tế.
Năm 1958, Mao phát động Đại Nhảy vọt, một chiến dịch nhằm giúp Trung Quốc bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến của phương Tây. Nhưng do tính chất liều lĩnh của chiến dịch, Đại Nhảy vọt đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu sụp đổ ngay trong năm đầu tiên.
Vào thời điểm chiến dịch đi đến hồi kết vào năm 1962, người ta phát hiện ra rằng rất nhiều người đã chết đói. Ai cũng có thể nhìn rõ thất bại thảm hại này, và Mao buộc phải nhường chức chủ tịch Trung Quốc cho đối thủ Lưu Thiếu Kỳ trong khi Đại Nhảy vọt vẫn đang diễn ra.
Nhưng việc từ bỏ chức chủ tịch nước chỉ là bước mở đầu cho một cuộc chiến chính trị lâu dài và khốc liệt.
Mao vẫn giữ chức Tổng bí thư đảng và trong nỗ lực giành lại vị thế chính trị đã mất, ông đã phát động cuộc Cách mạng Văn hóa 1966-1976. Trong chiến dịch chính trị mới này, Lưu đã qua đời một cách bi thảm sau khi bị giam giữ.
Mao Trạch Đông năm 1969. Ông đã tạo ra tiền lệ chính trị khiến Tập lo lắng ngày nay. © AP
Bộ Chính trị tổ chức họp hàng tháng, nhưng các quyết định của họ chỉ là những điều chỉnh đối với các chính sách cơ bản được thông qua năm năm một lần tại đại hội đảng toàn quốc và các chính sách cụ thể hơn được đưa ra hàng năm tại hội nghị trung ương đảng.
Các chính sách kinh tế hiện tại của Trung Quốc dựa trên những chính sách đã được thông qua tại đại hội toàn quốc năm 2022 và các quyết định chính sách cụ thể được đưa ra tại hội nghị trung ương ba hồi tháng 7.
Những động thái được khởi xướng vào cuối tháng 9 không gì khác chính là những điều chỉnh chính sách nhỏ được triển khai để bảo vệ Tập, người vẫn có thể tuyên bố rằng các chính sách cơ bản của Trung Quốc không thay đổi. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế hiện tại đang đặt ra thách thức lớn đối với ông.
Sau khi Mao qua đời, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào lần lượt trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, giám sát các giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao, khiến những sai lầm chính sách trở nên khó phát hiện.
Đó là lý do tại sao không ai trong ba người này cần phải thừa nhận thất bại hoặc tự phê bình.
Giờ đây, khi tăng trưởng kinh tế cao ngất ngưởng chỉ còn là một phần trong quá khứ của Trung Quốc, Tập có lẽ sẽ than thở rằng ông thực chất là nạn nhân của di sản tiêu cực từ ba người tiền nhiệm, của những vấn đề mà họ đã giấu kín trong bóng tối.
Tập Cận Bình nâng ly mừng Quốc khánh tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 30/09. Dù đã lãnh đạo Trung Quốc trong 12 năm qua, ông lại không có thành tựu kinh tế nào thuộc về mình. © Reuters
Hội nghị trung ương ba vào tháng 7 đã thông qua nghị quyết "tiếp tục cải cách toàn diện để thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc". Toàn văn nghị quyết đã được công bố sau đó.
Phần đầu văn bản viết rằng, "Chúng ta đã dám tiến vào những vùng đất chưa được khám phá, giải quyết những vấn đề khó khăn, vượt qua những nguy hiểm tiềm tàng, và đã kiên quyết nỗ lực loại bỏ những trở ngại về mặt thể chế trong mọi lĩnh vực".
Đây có thể được hiểu là lời chỉ trích rằng ba người tiền nhiệm của Tập chỉ để rắc rối lại cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, Tập, người đã không đạt thành tựu kinh tế nào trong 12 năm qua, sẽ gặp khó khăn trong việc truyền tải thông điệp này.
Các biện pháp ứng phó với tình trạng suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản sẽ trở thành một vấn đề lớn. Sau cuộc họp ngày 26/09, Bộ Chính trị tuyên bố, "Cần nỗ lực đảo ngược tình trạng suy thoái và ổn định thị trường bất động sản".
Suy thoái có nhiều nguyên nhân, nhưng Tập chắc chắn không thể phủi bỏ trách nhiệm. Ông từng nói, "Nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ". Quan điểm của ông là cần có nhà ở giá cả phải chăng cho dân thường bằng cách ngăn chặn tình trạng tăng giá.
Tuy nhiên, thông điệp gần đây hơn của Bộ Chính trị dường như đi theo hướng ngược lại.
Một dự án nhà ở đang được xây dựng tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, vào tháng 9. Tập Cận Bình, người từng nói "Nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ", có lẽ sẽ không bận tâm nếu đầu cơ nhà đất trở lại rầm rộ. © AP
Quyết định này cũng khá vội vàng. Trước khi giá bất động sản chạm đáy và sau đó đạt mức ổn định, các yếu tố cơ bản phải được giải quyết, bao gồm lượng nhà tồn kho lớn cũng như gánh nặng nợ nần đang cản trở chính quyền địa phương và các nhà phát triển bất động sản.
Ngoài ra, còn có những rào cản pháp lý cần vượt qua. Một quy định của chính phủ đã hạn chế trên thực tế mức độ giảm giá được phép.
Nhưng gánh nặng dường như đang đè lên vai các viên chức địa phương, những người phải quyết định cách hành động sau khi được cấp trên giao cho một nhiệm vụ bất khả thi là bằng mọi giá phải ngăn giá bất động sản giảm mạnh.
Một nguồn tin trong ngành bất động sản chỉ ra rằng hiện tại các viên chức có thể "dùng đến biện pháp khai khống số liệu thống kê liên quan đến nhà ở và bất động sản". Rốt cuộc thì, họ đang chịu áp lực rất lớn và nếu không đạt được mục tiêu, họ sẽ phải chịu trách nhiệm.
Đây chính xác là loại liều lĩnh đã khiến Đại Nhảy vọt trở thành một thảm họa. Sản lượng sản xuất lương thực tại các hợp tác xã nhân dân và các số liệu thống kê quan trọng khác đã bị phóng đại quá mức, khiến các viên chức tại Cục Thống kê Quốc gia đau đầu.
Ở Trung Quốc, bất kỳ chỉ thị nào từ nhà lãnh đạo tối cao đều phải được thực hiện triệt để. Các phương tiện truyền thông lớn đã nhanh chóng tuân theo, sử dụng khẩu hiệu "đảo ngược sự suy thoái và ổn định thị trường bất động sản".
Nền kinh tế Trung Quốc cần những chính sách mới nếu họ muốn phục hồi. Tuy nhiên, khi bất ổn xuất hiện, câu trả lời của Tập Cận Bình vẫn như cũ – cam kết kiên định với các chính sách cơ bản hiện tại, trong khi thể hiện sự tự tin về việc đạt được mục tiêu 5%.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "Chinese leaders finally admit economic ‘difficulties’", Nikkei Asia, 10/10/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/10/2024
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Khi Trung Quốc bước sang tuổi 75, liệu Tập Cận Bình có thể sửa chữa nền kinh tế đang suy yếu ?
Khi Trung Quốc bước vào Tuần lễ Vàng (từ ngày 1/10) và kỷ niệm 75 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đảng Cộng sản cầm quyền đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu.
Các biện pháp kích thích đã làm bùng nổ thị trường chứng khoán nhưng các nhà kinh tế không chắc chắn rằng chúng có thể giải quyết được những vấn đề sâu xa hơn
Các kế hoạch bao gồm hỗ trợ cho ngành bất động sản đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, hỗ trợ thị trường chứng khoán, phát tiền mặt cho người nghèo và tăng chi tiêu của chính phủ.
Cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã ghi nhận mức tăng kỷ lục sau các thông báo trên.
Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng những chính sách này có thể không đủ để giải quyết các vấn đề kinh tế của Trung Quốc.
Một số biện pháp mới do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố vào ngày 24/9 đã nhằm trực tiếp vào thị trường chứng khoán đang suy yếu của đất nước.
Các công cụ mới bao gồm khoản tài trợ trị giá 800 tỷ nhân dân tệ (114 tỷ đô la) có thể được các công ty bảo hiểm, công ty môi giới và công ty quản lý tài sản vay để mua cổ phiếu.
Thống đốc PBOC Phan Công Thắng cũng cho biết ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ các công ty niêm yết muốn mua lại cổ phiếu của chính họ và công bố kế hoạch giảm chi phí đi vay, đồng thời cho phép các ngân hàng tăng cường cho vay.
Chỉ hai ngày sau thông báo của PBOC, ông Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp bất ngờ tập trung vào vấn đề kinh tế. Cuộc họp quy tụ các lãnh đạo hàng đầu của đất nước, được gọi là Bộ Chính trị.
Các quan chức đã hứa sẽ tăng cường chi tiêu chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Vào thứ Hai 30/9, một ngày trước khi Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ kéo dài một tuần, Chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã tăng hơn 8%, mức tăng tốt nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Diễn biến này chốt lại năm ngày tăng trưởng mạnh khi chỉ số này tăng vọt 20%.
Ngày hôm sau, khi các thị trường đóng cửa tại đại lục, Hang Seng tại Hong Kong đã tăng hơn 6%.
"Các nhà đầu tư rất thích các thông báo này", nhà phân tích Trung Quốc Bill Bishop nói.
Trong khi các nhà đầu tư có thể đã khui nút chai sâm panh, ông Tập còn nhiều vấn đề sâu xa hơn cần giải quyết.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm 75 năm thành lập có nghĩa là nó đã tồn tại lâu hơn nhà nước cộng sản lớn còn lại từng xuất hiện trong lịch sử - Liên Xô - vốn đã sụp đổ sau 74 năm kể từ khi thành lập.
"Tránh số phận của Liên Xô từ lâu đã là mối quan tâm chính của các nhà lãnh đạo Trung Quốc", Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, chia sẻ.
Điều quan trọng nhất trong tâm trí các quan chức là thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế nói chung trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng rằng nền kinh tế có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng hằng năm 5% của chính mình.
"Ở Trung Quốc, các mục tiêu phải được đáp ứng, bằng mọi cách cần thiết", Yuen Yuen Ang, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins, bình luận.
"Các nhà lãnh đạo lo ngại rằng việc không đạt được các mục tiêu này vào năm 2024 sẽ khiến tình trạng tăng trưởng chậm và lòng tin ngày càng lung lay trầm trọng hơn".
Một trong những lực cản chính đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là sự suy thoái của thị trường bất động sản trong nước vốn bắt đầu từ ba năm trước.
Bên cạnh các chính sách nhằm thúc đẩy cổ phiếu, gói kích thích mới được công bố cũng nhằm vào ngành bất động sản.
Gói này bao gồm các biện pháp tăng cho vay ngân hàng, cắt giảm lãi suất thế chấp và giảm mức tối thiểu của khoản thanh toán trước đối với người mua ngôi nhà thứ hai.
Nhưng có sự hoài nghi rằng những động thái như vậy liệu có đủ để vực dậy thị trường nhà ở.
"Những biện pháp đó được hoan nghênh nhưng không có khả năng thay đổi nhiều nếu chỉ thực hiện một cách đơn lẻ", Harry Murphy Cruise, một nhà kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính Moody's Analytics, nhận định.
"Điểm yếu của Trung Quốc bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng niềm tin, không phải khủng hoảng tín dụng ; các công ty và gia đình không muốn vay, bất kể việc vay có rẻ đến mức nào".
Tại phiên họp của Bộ Chính trị, các nhà lãnh đạo đã cam kết không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm lãi suất và khai thác các quỹ của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ngoài việc đặt ra các ưu tiên như ổn định thị trường bất động sản, hỗ trợ tiêu dùng và thúc đẩy việc làm, các quan chức đưa ra rất ít thông tin chi tiết về quy mô và phạm vi chi tiêu của chính phủ.
"Nếu gói kích thích tài khóa không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, các nhà đầu tư có thể sẽ thất vọng", Qian Wang, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại công ty tư vấn đầu tư Vanguard, cảnh báo.
"Ngoài ra, gói kích thích chính sách theo chu kỳ không giải quyết được các vấn đề về cấu trúc", bà Wang lưu ý, cho rằng nếu không có những cải cách sâu rộng hơn, các vấn đề mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt sẽ không biến mất.
Các nhà kinh tế coi việc giải quyết các vấn đề cố hữu trên thị trường bất động sản là chìa khóa để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế nói chung.
Bất động sản là khoản đầu tư lớn nhất mà hầu hết các gia đình sẽ thực hiện và giá nhà giảm đã góp phần làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng.
"Đảm bảo giao nhà đã bán trước nhưng chưa hoàn thiện sẽ là chìa khóa", theo Sophie Altermatt, chuyên gia kinh tế tại tập đoàn ngân hàng Julius Baer.
"Để tăng mức tiêu dùng trong nước một cách bền vững, hỗ trợ tài khóa cho thu nhập hộ gia đình cần vượt ra ngoài các khoản chuyển giao một lần và thay vào đó là thông qua các hệ thống lương hưu và an sinh xã hội được cải thiện".
Evergrande, từng là một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã phá sản vào tháng 1/2024
Vào ngày kỷ niệm 75 năm thành lập nhà nước, một bài xã luận trên tờ báo do nhà nước kiểm soát Nhân dân Nhật báo với một giọng điệu lạc quan, thừa nhận rằng "mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, nhưng tương lai thì đầy hứa hẹn".
Theo bài báo, các khái niệm do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra như "phát triển chất lượng cao" và "lực lượng sản xuất mới" là chìa khóa để mở ra con đường hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Việc nhấn mạnh vào những ý tưởng đó phản ánh nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm chuyển đổi từ tăng trưởng nhanh trong quá khứ như đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng, sang phát triển một nền kinh tế cân bằng hơn dựa trên các ngành công nghiệp cao cấp.
Theo bà Ang, thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt là "nền kinh tế cũ và mới đan xen sâu sắc với nhau ; nếu nền kinh tế cũ suy thoái quá nhanh, chắc chắn sẽ cản trở sự trỗi dậy của nền kinh tế mới".
"Đây là điều mà giới lãnh đạo đã nhận ra và đang tìm cách giải quyết".
João da Silva
Nguồn : BBC, 04/10/2024
Tại sao không còn ai muốn trở thành nhà tài phiệt hàng đầu Trung Quốc?
Tháng trước, Colin Huang (Hoàng Tranh), nhà sáng lập của công ty thương mại điện tử PDD, đã thu hút sự chú ý khi ông vươn lên trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Nhưng ngay sau đó, PDD đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ với dự báo lợi nhuận ảm đạm. Cổ phiếu của công ty nhanh chóng lao dốc. Hoàng đã mất 14 tỷ đô la chỉ sau một đêm và nhường vị trí dẫn đầu cho Chung Thiểm Thiểm, nhà sáng lập công ty đồ uống khổng lồ Nông Phu Sơn Tuyền. Trong vòng 24 giờ sau đó, Nông Phu Sơn Tuyền đã đưa ra báo cáo triển vọng u ám của riêng mình và Chung cũng nhanh chóng tụt khỏi vị trí đầu tiên trong danh sách những người giàu nhất nước.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, người ta đang bàn tán liệu có hay không việc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang cố tình hạ giá cổ phiếu của chính họ nhằm tránh cuộc đàn áp ngày càng lan rộng đối với tình trạng giàu có quá mức, vốn là trọng tâm trong chiến dịch “thịnh vượng chung” của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Một nhà môi giới Phố Wall đã viết : không phải là không hợp lý khi kết luận rằng “không ai muốn trở thành người giàu nhất Trung Quốc” vào thời điểm chính phủ của nước này ngày càng mạnh tay hơn trên con đường xã hội chủ nghĩa.
Bất kể động cơ thực sự của những cảnh báo về lợi nhuận trên là gì, cách chúng được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc phản ánh một sự thay đổi thực sự trong tinh thần quốc gia. Khi Đặng Tiểu Bình trở thành nhà lãnh đạo tối cao vào cuối thập niên 1970, ông đã làm thay đổi thái độ thù địch của chủ nghĩa Mao đối với việc tạo ra của cải. Ở đất nước ngày càng theo chủ nghĩa tư bản của ông, làm giàu là “vinh quang”.
Nhưng có một điều cần phải lưu ý. Làm giàu là vinh quang – nhưng chớ có trở nên quá giàu. Trung Quốc tạo ra nhiều của cải hơn hẳn so với các nước đang phát triển khác, nhưng tài sản của những cá nhân giàu nhất Trung Quốc vẫn khiêm tốn so với các nền kinh tế nhỏ hơn nhiều, bao gồm Nigeria và Mexico. Ngay cả trong thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ hồi những năm 2000, dường như vẫn có một giới hạn bất thành văn : không cá nhân nào được sở hữu tài sản cao hơn 10 tỷ đô la. Danh sách tỷ phú của Trung Quốc cũng khác thường bởi tỷ lệ biến động lớn ở các vị trí hàng đầu.
Đến đầu những năm 2010, có ít nhất hai nhà tài phiệt đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tiếp cận ngưỡng mười tỷ đô la, chỉ để rồi phải vào tù vì tội tham nhũng. Điều đó không có nghĩa là những cáo buộc tham nhũng là vô căn cứ, chỉ là việc lựa chọn mục tiêu dường như phản ánh xu hướng cân bằng vốn tồn tại dai dẳng trong số các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Bản năng đó đã nở rộ dưới thời Tập. Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng lan rộng đến tận tầng lớp tinh hoa.
Mục tiêu trong giai đoạn đầu là những nhân vật lớn trong khu vực công – các viên chức hoặc thái tử đảng. Trong lúc nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, chế độ dường như không muốn đe dọa con ngỗng duy nhất vẫn đang đẻ trứng vàng trong khu vực tư nhân : các công ty công nghệ lớn. Qua nhiều năm, một số nhân vật ở Trung Quốc đã xây dựng được khối tài sản lớn hơn 10 tỷ đô la. Ba người đầu tiên vượt qua ngưỡng đó và tiếp tục chứng kiến tài sản của mình tăng lên là các nhà sáng lập ngành công nghệ, trong đó Jack Ma (Mã Vân) của Alibaba là người đứng đầu.
Tuy nhiên, sự khoan dung thầm lặng này đã thay đổi vào năm 2020, trong thời kỳ bùng nổ thị trường do kích thích kinh tế. Trung Quốc đã có thêm gần 240 tỷ phú – gấp đôi so với Mỹ – nhưng vào cuối năm đó, Mã đã có một bài phát biểu khiến số tỷ phú này không còn tăng thêm nữa. Trong một lời chỉ trích thận trọng nhưng rõ ràng, Mã đã đặt câu hỏi về hướng đi của Đảng Cộng sản, cảnh báo rằng việc quản lý quá mức có thể làm chậm quá trình đổi mới công nghệ, và rằng các ngân hàng Trung Quốc đang hoạt động với “tư duy của hiệu cầm đồ”.
Chính phủ ngay lập tức trả đũa. Cổ phiếu của Alibaba đã mất giá, còn Mã thì tụt hạng trong danh sách những người giàu có và biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Đầu năm sau, Tập bắt đầu phát động chiến dịch “thịnh vượng chung” và cuộc đàn áp lan rộng đến bất kỳ công ty nào bị coi là không phù hợp với các giá trị bình đẳng của chiến dịch này.
Trong kỷ nguyên mới này, trở nên quá giàu là điều nguy hiểm. Có rất nhiều câu chuyện về việc nhà nước mở những cuộc điều tra chống lại ông trùm kinh doanh này hoặc nhà tài chính kia. Áp lực đang làm cạn kiệt các quỹ đầu tư mạo hiểm, khiến những người trẻ tuổi sợ hãi tránh xa các nghề nghiệp giúp làm giàu nhanh như ngân hàng đầu tư. Số lượng triệu phú rời khỏi Trung Quốc đã tăng lên và đạt đỉnh vào năm ngoái ở mức 15.000 người – cao hơn hẳn con số di cư khỏi bất kỳ quốc gia nào khác.
Khu vực tư nhân cũng đang thoái lui. Kể từ năm 2021, thị trường chứng khoán đã trượt dốc, nhưng các công ty nhà nước lại tăng tỷ lệ vốn hóa thị trường thêm hơn 33%, lên gần 50%. Trung Quốc hiện là thị trường chứng khoán lớn duy nhất trên thế giới nơi các công ty nhà nước có giá trị thị trường ngang bằng với các công ty tư nhân. Tài sản cá nhân cũng giảm mạnh trong ba năm qua; số lượng tỷ phú đã giảm 35% ở Trung Quốc, ngay cả khi đã tăng 12% ở phần còn lại của thế giới.
Những người siêu giàu Trung Quốc đang ngày càng tìm cách ẩn mình. Trở thành ông trùm giàu nhất nước Mỹ và bạn có thể khởi động chương trình không gian của riêng mình. Còn ở Ấn Độ, bạn có thể tổ chức một đám cưới tốn kém hàng tỷ đô la cho con mình. Nhưng ở Trung Quốc, bạn sẽ tìm cách để từ bỏ danh hiệu mới – và tránh trở thành mục tiêu của chính phủ.
Ruchir Sharma, FT, 23/09/2024
Biên dịch : Nguyễn Thị Kim Phụng, NCQT
Tập Cận Bình đang lo lắng về nền kinh tế – người dân Trung Quốc nghĩ gì về điều này?
BBC
Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại khiến các lãnh đạo lo lắng và đã phải thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp.
Trong tuần qua, họ đã công bố các biện pháp kích thích, cung cấp tiền mặt hiếm hoi, tổ chức một cuộc họp bất ngờ để thúc đẩy tăng trưởng và đưa ra hàng loạt quyết định nhằm vực dậy thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.
Vào thứ Hai, chính Tập Cận Bình đã nhắc đến “các mối nguy tiềm tàng” và việc “chuẩn bị tốt” để vượt qua những thách thức nghiêm trọng, mà nhiều người tin rằng ông đang ám chỉ đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều ít rõ ràng hơn là sự suy thoái đã ảnh hưởng như thế nào đến người dân Trung Quốc, những người thường xuyên bị kiểm duyệt về kỳ vọng và nỗi thất vọng của họ.
Hai nghiên cứu gần đây cung cấp cái nhìn về vấn đề này. Thứ nhất, một cuộc khảo sát về thái độ của người dân Trung Quốc đối với nền kinh tế cho thấy họ ngày càng bi quan và thất vọng về triển vọng của mình. Thứ hai là ghi chép về các cuộc biểu tình, cả trực tiếp và trực tuyến, cho thấy sự gia tăng các sự kiện liên quan đến các vấn đề kinh tế.
Mặc dù bức tranh chưa hoàn chỉnh, nhưng nó vẫn cung cấp cái nhìn hiếm hoi về tình hình kinh tế hiện tại và cảm nhận của người dân Trung Quốc về tương lai.
Ngoài khủng hoảng bất động sản, nợ công cao và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã ảnh hưởng đến tiết kiệm và chi tiêu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.
Điều này thật đáng lo ngại đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tăng trưởng bùng nổ đã biến Trung Quốc thành một cường quốc toàn cầu, và sự thịnh vượng ổn định là phần thưởng mà một chế độ đàn áp hứa hẹn, trong khi không bao giờ nới lỏng quyền lực của mình.
TỪ LẠC QUAN ĐẾN BI QUAN
Sự chậm lại của nền kinh tế xảy ra khi đại dịch kết thúc, một phần do ba năm phong tỏa đột ngột và hoàn toàn, đã siết chặt hoạt động kinh tế.
Sự tương phản giữa những năm trước và sau đại dịch rất rõ rệt trong nghiên cứu của các giáo sư Mỹ Martin Whyte từ Đại học Harvard, Scott Rozelle từ Trung tâm Kinh tế Trung Quốc của Đại học Stanford và sinh viên thạc sĩ Michael Alisky.
Họ đã thực hiện các cuộc khảo sát vào các năm 2004 và 2009, trước khi Xi Jinping trở thành lãnh đạo Trung Quốc, và trong thời gian ông cầm quyền vào các năm 2014 và 2023. Quy mô mẫu thay đổi, dao động từ 3.000 đến 7.500 người.
Nguồn : M Alisky, S Rozelle và M Whyte (chưa xuất bản, 2024) • Báo các thực hiện năm 2004, 2009, và 2014 là những phỏng vấn trực tiếp, và 2023 là phỏng vấn trực tuyến. Những cỡ mẫu lần lượt là 3,267, 2,967, 2,507 và 7,544.
Năm 2004, gần 60% số người tham gia khảo sát cho biết tình hình kinh tế của gia đình họ đã được cải thiện trong năm năm qua – và cũng tương tự, nhiều người trong số họ cảm thấy lạc quan về năm năm tiếp theo.
Số liệu này tăng lên vào các năm 2009 và 2014 – với 72,4% và 76,5% lần lượt cho rằng mọi thứ đã cải thiện, trong khi 68,8% và 73% cảm thấy hy vọng về tương lai.
Tuy nhiên, vào năm 2023, chỉ có 38,8% cảm thấy cuộc sống đã tốt hơn cho gia đình họ. Và chưa đến một nửa – khoảng 47% – tin rằng mọi thứ sẽ cải thiện trong năm năm tới.
Trong khi đó, tỷ lệ những người cảm thấy bi quan về tương lai đã tăng từ chỉ 2,3% vào năm 2004 lên 16% vào năm 2023.
Mặc dù các khảo sát được thực hiện trên một mẫu đại diện quốc gia trong độ tuổi từ 20 đến 60, việc thu thập ý kiến đa dạng ở Trung Quốc dưới chế độ độc tài là một thách thức.
Các người tham gia đến từ 29 tỉnh và khu vực hành chính của Trung Quốc, nhưng Tân Cương và một phần của Tây Tạng đã bị loại trừ – ông Whyte cho biết đó là “sự kết hợp giữa chi phí cao do vị trí xa xôi và tính nhạy cảm chính trị.” Những khu vực này, nơi có các dân tộc thiểu số, từ lâu đã có mâu thuẫn với sự cai trị của Bắc Kinh.
Những người không sẵn sàng bày tỏ ý kiến của mình đã không tham gia khảo sát, các nhà nghiên cứu cho biết. Những người tham gia đã chia sẻ quan điểm của họ khi được thông báo rằng đây là vì mục đích học thuật và thông tin sẽ được bảo mật.
Những lo lắng của họ được phản ánh trong lựa chọn của nhiều người trẻ Trung Quốc. Khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hàng triệu sinh viên tốt nghiệp buộc phải chấp nhận công việc lương thấp, trong khi những người khác chọn thái độ “nằm phẳng,” chống lại áp lực công việc liên tục. Còn một số khác đã chọn trở thành “trẻ em toàn thời gian,” quay về sống với cha mẹ vì không thể tìm được việc làm hoặc vì đã kiệt sức.
Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc quản lý Covid-19 một cách chặt chẽ đã góp phần lớn vào việc xóa bỏ sự lạc quan của người dân.
“Đó là một bước ngoặt đối với nhiều người… Nó nhắc nhở mọi người về tính chất độc tài của nhà nước. Người dân cảm thấy bị giám sát chưa từng có,” Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lee Kuan Yew ở Singapore, cho biết.
Nhiều người cảm thấy chán nản và các đợt cắt giảm lương sau đó “gia tăng khủng hoảng lòng tin,” ông nói thêm.
Moxi, 38 tuổi, là một trong số đó. Anh đã rời bỏ công việc bác sĩ tâm thần để chuyển đến Dali, một thành phố bên hồ ở tây nam Trung Quốc, hiện đang thu hút giới trẻ muốn thoát khỏi những công việc áp lực cao.
“Khi còn là bác sĩ tâm thần, tôi thậm chí không có thời gian hay năng lượng để nghĩ về hướng đi của cuộc đời mình,” anh nói với BBC. “Không có chỗ cho sự lạc quan hay bi quan. Tất cả chỉ là công việc.”
LIỆU LÀM VIỆC CHĂM CHỈ CÓ ĐƯỢC ĐỀN ĐÁP? NGƯỜI TRUNG QUỐC NÓI “KHÔNG”
Tuy nhiên, công việc dường như không còn là dấu hiệu cho một tương lai đầy hứa hẹn, theo khảo sát.
Vào các năm 2004, 2009 và 2014, hơn 60% người tham gia khảo sát đồng ý rằng “nỗ lực luôn được đền đáp” ở Trung Quốc. Những người không đồng ý dao động xung quanh mức 15%.
Đến năm 2023, cảm giác này đã đảo ngược. Chỉ có 28,3% tin rằng công sức của họ sẽ được đền đáp, trong khi một phần ba không đồng ý. Tỷ lệ không đồng ý mạnh nhất trong số các gia đình thu nhập thấp, những người có thu nhập dưới 50.000 nhân dân tệ (6.989 USD; 5.442 GBP) mỗi năm.
Nguồn : M Alisky, S Rozelle và M Whyte (chưa xuất bản, 2024) • Báo các thực hiện năm 2004, 2009, và 2014 là những phỏng vấn trực tiếp, và 2023 là phỏng vấn trực tuyến. Những cỡ mẫu lần lượt là 3,267, 2,967, 2,507 và 7,544
Người Trung Quốc thường được bảo rằng những năm tháng học tập và theo đuổi bằng cấp sẽ được đền đáp bằng thành công tài chính. Một phần của kỳ vọng này được hình thành từ một lịch sử đầy biến động, nơi mọi người đã kiên nhẫn chịu đựng qua những nỗi đau của chiến tranh và nạn đói.
Các lãnh đạo Trung Quốc cũng đã ca ngợi đạo đức lao động này. “Giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình, chẳng hạn, tương đồng với “Giấc mơ Mỹ,” nơi làm việc chăm chỉ và tài năng sẽ được đền đáp. Ông đã khuyến khích giới trẻ “ăn đắng,” một cụm từ Trung Quốc mang nghĩa chịu đựng khó khăn.
Tuy nhiên, đến năm 2023, đa số người tham gia nghiên cứu của Whyte và Rozelle tin rằng sự giàu có của mọi người chủ yếu đến từ đặc quyền do gia đình và mối quan hệ mang lại. Một thập kỷ trước, người tham gia khảo sát cho rằng sự giàu có đến từ khả năng, tài năng, giáo dục tốt và làm việc chăm chỉ.
Điều này xảy ra mặc dù chính sách “phúc lợi chung” của Tập nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhưng các nhà phê bình cho rằng nó chỉ dẫn đến việc siết chặt các doanh nghiệp.
Có nhiều dấu hiệu khác của sự bất mãn, như sự gia tăng 18% trong các cuộc biểu tình trong quý II năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của Giám sát Bất đồng Trung Quốc (China Dissent Monitor – CDM).
Nghiên cứu định nghĩa biểu tình là bất kỳ trường hợp nào khi mọi người bày tỏ sự bất bình hoặc thúc đẩy lợi ích của họ theo cách mâu thuẫn với quyền lực – điều này có thể xảy ra cả trực tiếp hoặc trực tuyến. Những sự kiện như vậy, dù nhỏ, vẫn mang ý nghĩa lớn ở Trung Quốc, nơi ngay cả những người biểu tình đơn lẻ cũng nhanh chóng bị theo dõi và giam giữ.
Nguồn : China Dissent Monitor, Freedom House
Ít nhất ba trong bốn trường hợp biểu tình là do bất bình kinh tế, Kevin Slaten, một trong bốn biên tập viên của nghiên cứu CDM, cho biết.
Kể từ tháng 6 năm 2022, nhóm đã ghi nhận gần 6.400 sự kiện như vậy cho đến nay.
Họ đã thấy sự gia tăng các cuộc biểu tình do cư dân nông thôn và công nhân phổ thông dẫn đầu về các vấn đề đất đai và mức lương thấp, nhưng cũng ghi nhận những công dân trung lưu tổ chức biểu tình do khủng hoảng bất động sản. Các cuộc biểu tình của chủ nhà và công nhân xây dựng chiếm 44% trong số các trường hợp trên 370 thành phố.
“Tuy nhiên, điều này không ngay lập tức có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ,” ông Slaten nhanh chóng nhấn mạnh.
Dù vậy, ông cũng cho biết “rất khó để dự đoán” cách mà “sự bất mãn này có thể gia tăng nếu nền kinh tế tiếp tục xấu đi.”
ĐẢNG CỘNG SẢN LO LẮNG NHƯ THẾ NÀO?
Các lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn đang lo ngại.
Giữa tháng 8 năm 2023 và tháng 1 năm 2024, Bắc Kinh đã ngừng công bố số liệu thất nghiệp của thanh niên sau khi chúng đạt mức cao kỷ lục. Có một thời điểm, các quan chức đã đặt ra thuật ngữ “thất nghiệp chậm” để mô tả những người mất thời gian tìm việc – một danh mục riêng, theo họ, khác với người thất nghiệp.
Các cơ quan kiểm duyệt đã siết chặt mọi nguồn tạo nên bất bình về tài chính – các bài đăng trực tuyến chỉ trích nhanh chóng bị gỡ bỏ, trong khi những nổi tiếng bị chặn trên mạng xã hội vì thể hiện sở thích xa xỉ. Truyền thông nhà nước đã biện minh cho những lệnh cấm này như một phần trong nỗ lực tạo ra một môi trường “văn minh, lành mạnh và hài hòa.” Điều đáng lo ngại hơn vào tuần trước là báo cáo rằng nhà kinh tế hàng đầu, Zhu Hengpeng, đã bị giam giữ vì chỉ trích cách xử lý nền kinh tế của Tập Cận Bình.
Đảng Cộng sản cố gắng kiểm soát câu chuyện bằng cách “định hình thông tin mà người dân có quyền truy cập, hoặc những gì được coi là tiêu cực,” ông Slaten cho biết.
Nghiên cứu của CDM cho thấy, bất chấp mức độ kiểm soát của nhà nước, sự bất mãn đã thúc đẩy các cuộc biểu tình – điều này sẽ khiến Bắc Kinh lo lắng.
Vào tháng 11 năm 2022, một vụ hỏa hoạn chết người – khiến ít nhất 10 người thiệt mạng vì không được phép rời khỏi tòa nhà trong thời gian phong tỏa Covid – đã thu hút hàng nghìn người ra đường ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc để phản đối các chính sách zero-Covid khắc nghiệt.
Whyte, Rozelle và Alisky không nghĩ rằng các phát hiện của họ chỉ ra rằng “sự phẫn nộ của người dân về… sự bất bình đẳng có khả năng bùng nổ thành một núi lửa xã hội của các cuộc biểu tình.”
Tuy nhiên, sự suy thoái kinh tế đã bắt đầu “gây tổn hại” đến tính chính đáng mà Đảng đã xây dựng qua “nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện mức sống,” họ viết.
Đại dịch vẫn ám ảnh nhiều người Trung Quốc, theo Yun Zhou, một giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan. “Các phản ứng nghiêm ngặt nhưng bất ổn của Bắc Kinh” trong thời gian đại dịch đã gia tăng sự bất an của người dân về tương lai.
Điều này đặc biệt rõ rệt trong số các nhóm thiệt thòi, bà nói thêm, như phụ nữ gặp phải thị trường lao động “phân biệt nghiêm trọng” và cư dân nông thôn lâu nay bị loại trừ khỏi các chương trình phúc lợi.
Theo hệ thống hộ khẩu gây tranh cãi của Trung Quốc, công nhân di cư tại các thành phố không được phép sử dụng các dịch vụ công cộng, như việc cho trẻ em vào học tại các trường do chính phủ điều hành.
Tuy nhiên, những người trẻ tuổi từ các thành phố – như Moxi – đã đổ về các thị trấn xa xôi, bị thu hút bởi giá thuê thấp, cảnh quan đẹp và tự do hơn để theo đuổi ước mơ của họ.
Moxi cảm thấy nhẹ nhõm khi tìm thấy nhịp sống chậm hơn ở Dali. “Số lượng bệnh nhân đến gặp tôi vì trầm cảm và rối loạn lo âu chỉ tăng lên khi nền kinh tế phát triển,” anh nhớ lại công việc trước đây của mình với tư cách là bác sĩ tâm thần.
“Có một sự khác biệt lớn giữa việc Trung Quốc tăng trưởng và người dân Trung Quốc khoẻ mạnh.”
VỀ DỮ LIỆU
Nghiên cứu của Whyte, Rozelle và Alisky dựa trên bốn bộ khảo sát học thuật được thực hiện từ năm 2004 đến 2023.
Các khảo sát trực tiếp được thực hiện cùng với các đồng nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại của Đại học Bắc Kinh (RCCC) vào các năm 2004, 2009 và 2014. Người tham gia có độ tuổi từ 18 đến 70 và đến từ 29 tỉnh, ngoại trừ Tây Tạng và Tân Cương.
Năm 2023, ba đợt khảo sát trực tuyến đã được thực hiện vào cuối quý II, III và IV bởi Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc (CHFS) tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam ở Thành Đô, Trung Quốc. Người tham gia có độ tuổi từ 20 đến 60.
Các câu hỏi giống nhau đã được sử dụng trong tất cả các cuộc khảo sát. Để đảm bảo các phản hồi có thể so sánh được qua bốn năm, các nhà nghiên cứu đã loại trừ những người tham gia từ 18-19 tuổi và 61-70 tuổi và điều chỉnh lại tất cả các câu trả lời để đảm bảo tính đại diện quốc gia. Tất cả các khảo sát đều có tỷ lệ sai số.
Nghiên cứu đã được chấp nhận để công bố trên Tạp chí Trung Quốc và dự kiến sẽ được xuất bản vào năm 2025.
Các nhà nghiên cứu của China Dissent Monitor (CDM) đã thu thập dữ liệu về “các sự kiện bất mãn” trên khắp Trung Quốc từ tháng 6 năm 2022 từ nhiều nguồn hi chính phủ, bao gồm các báo cáo tin tức, các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động trong nước và các tổ chức xã hội dân sự.
Các sự kiện bất mãn được định nghĩa là các trường hợp mà một hoặc nhiều người sử dụng các phương tiện công khai và không chính thức để bày tỏ sự không hài lòng của họ. Mỗi sự kiện đều dễ nhìn thấy và cũng phải đối mặt với hoặc có nguy cơ bị phản ứng từ chính phủ, thông qua đàn áp thể chất hoặc kiểm duyệt.
Các sự kiện này có thể bao gồm các bài đăng trên mạng xã hội lan truyền, các cuộc biểu tình, treo biểu ngữ và đình công, trong số những hình thức khác. Nhiều sự kiện khó có thể xác minh độc lập.
Biểu đồ được thực hiện bởi Pilar Tomas của Nhóm Báo chí Dữ liệu BBC News.
Kelly Ng và Yi Ma, “Xi Jinping is worried about the economy – what do Chinese people think?”, BBC, 30/9/2024.
Biên dịch : Phong trào Duy Tân
Trung Quốc sẵn sàng ồ ạt bơm tiền cho các ngân hàng để tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thùy Dương, RFI, 27/09/2024
Để tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Đảng cộng sản Trung Quốc dự kiến đưa ra những biện pháp mới. Chính phủ Trung Quốc dường như sẵn sàng cung cấp ồ ạt tiền cho các ngân hàng lớn trong nước : 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 140 tỷ đô la, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
Giá nhà đất tại Trung Quốc trong tháng 8/2024 rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2015. Ảnh minh họa. © zonebourse
Theo Bloomberg ngày 26/09/2024, nguồn tài chính để thực hiện biện pháp nói trên chủ yếu là từ phát hành trái phiếu chính phủ mới, để vực dậy tiêu dùng và kích thích thị trường trong nước, trong khi những căng thẳng về thương mại thế giới đã làm nổi bật sự lệ thuộc quá mức của Trung Quốc vào xuất khẩu.
Còn theo Reuters, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm qua 26/09 đã cam kết sẽ triển khai các khoản chi tiêu ngân sách cần thiết để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% cho năm nay - 2024. Cũng vào hôm qua, giới lãnh đạo Bắc Kinh, trong đó có cả chủ tịch Tập Cận Bình, sau phiên họp của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, đã thừa nhận nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp "những vấn đề mới" về tăng trưởng.
Khó khăn về kinh tế đã khiến giới trẻ Trung Quốc đặc biệt khó tìm việc làm đúng với trình độ được đào tạo. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst cho biết chi tiết :
"Nhiều sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học gặp khó khăn trong việc tìm được một việc làm phù hợp với trình độ học vấn của họ. Hệ thống giáo dục Trung Quốc đào tạo nhiều sinh viên, nhưng nền kinh tế thì lại không tạo được đủ việc làm trình độ cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ hoặc tài chính, vốn rất được giới trẻ ưa chuộng.
Cuộc khủng hoảng bất động sản làm giảm nhu cầu trong lĩnh vực xây dựng nên ngành này cũng mất nhiều việc làm. Đây vốn dĩ là những lĩnh vực tuyển dụng rất nhiều nhân lực, nhưng sự bất định về kinh tế đang kìm hãm việc tuyển dụng nhân lực.
Các ngành công nghiệp truyền thống thì đang gặp khó khăn và cho dù các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo đang phát triển, thì vẫn chưa có đủ nhiều việc làm để tuyển dụng những người trẻ tuổi. Do đó, họ đành phải chuyển sang làm những công việc như giao hàng hay làm nghề tự do để có thu nhập, những những công việc này lại không được lâu dài hoặc ít có triển vọng thăng tiến nghề nghiệp.
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích lập công ty, đào tạo nghề và thậm chí tài trợ cho các công ty tuyển dụng thanh niên. Nhưng các nỗ lực này vẫn chưa mang lại kết quả. Do vậy, tương lai của giới trẻ Trung Quốc vẫn bất định. Nếu nền kinh tế không phục hồi, họ có nguy cơ phải tiếp tục làm những công việc bấp bênh hoặc những công việc lương thấp. Điều này có thể gây hại cho sự ổn định lâu dài của đất nước".
Thùy Dương
*************************
Giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận kinh tế gặp khó khăn
Thanh Hà, RFI, 26/09/2024
Trung Quốc "cần đánh giá tình hình kinh tế hiện tại một cách toàn diện, khách quan và bình tĩnh, cần đối diện với những khó khăn và củng cố niềm tin". Trên đây là kết luận giới lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra tại phiên họp của Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Trung Quốc.
Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/03/2023. © AP - Andy Wong
Theo hãng tin Pháp AFP trích dẫn Tân Hoa Xã cho biết hôm nay, 26/09/2024, trong phiên họp của Bộ Chính Trị, các lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có chủ tịch Tập Cận Bình, khẳng định "những nền tảng kinh tế của đất nước không thay đổi", Trung Quốc vẫn là "một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng". Nhưng họ nhìn nhận "đã nảy sinh những tình huống mới và những vấn đề mới" đối với nền kinh tế Trung Quốc. Bài tường trình của Tân Hoa Xã không nói rõ về những "vấn đề mới" đang thách thức cường quốc kinh tế số 2 thế giới.
Dù vậy kết thúc phiên họp, các nhà lãnh đạo chế độ Bắc Kinh kêu gọi "nâng cao hiệu quả của các chính sách kinh tế, tiếp tục hạ lãi suất để đáp ứng những mối lo ngại của người dân về tình hình kinh tế và về thị trường bất động sản".
AFP lưu ý những kết luận nói trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng. Giới quan sát và đầu tư đánh giá nếu không được nhà nước hỗ trợ, tăng trưởng của Trung Quốc năm nay khó mà đạt được mục tiêu 5%.
Khủng hoảng địa ốc tại Trung Quốc kéo dài, các chỉ số tin tưởng của các hộ gia đình và doanh nghiệp sụt giảm, tiêu thụ nội địa bị đóng băng. Cùng lúc đó, căng thẳng về địa chính trị giữa Bắc Kinh với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đe dọa ngành xuất khẩu của Trung Quốc. Trung tuần tháng 10/2024 Bắc Kinh sẽ công bố kết quả tăng trưởng của quý 3/2024.
Thanh Hà
Trung Quốc công bố các biện pháp mới thúc đẩy kinh tế
Minh Anh, RFI, 24/09/2024
Ngày 24/09/2024, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố các biện pháp hỗ trợ cho tiêu dùng và bất động sản. Những biện pháp được đánh giá là "chưa từng có" kể từ khi Trung Quốc thoát khỏi đại dịch Covid, với hy vọng phục hồi hoạt động kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Kiểm tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh : AFP/TTXVN)
Theo AFP, hơn một năm rưỡi sau khi các hạn chế dịch tễ được dỡ bỏ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hồi phục chậm chạp, không như kỳ vọng. Trung Quốc đặc biệt phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp cao ở giới trẻ, tiêu thụ nội địa ảm đạm và nhất là trước áp lực của tình trạng giảm phát, trong khi Bắc Kinh kỳ vọng có mức tăng trưởng là 5%, một mục tiêu mà giới chuyên gia đánh giá là quá lạc quan do những khó khăn hiện tại.
Trong bối cảnh đó, thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Phan Công Thắng (Pan Gongsheng), trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh đã đưa ra một loạt biện pháp mới như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng cũng như là lãi suất chỉ đạo, giúp các doanh nghiệp có thể vay mượn dễ dàng và nhiều hơn, qua đó, hỗ trợ nền kinh tế.
Trong lĩnh vực bất động sản, Trung Quốc hạ lãi suất đối với các khoản tín dụng thế chấp hiện hành, khoảng 50 triệu hộ gia đình và 150 triệu người dân được hưởng biện pháp này ; giúp "kích thích tiêu thụ và đầu tư" trong nước.
Ngoài ra, để thu hút thêm vốn đầu tư, Ngân hàng Trung ương thông báo thành lập một quỹ tài chính trị giá 500 tỷ nhân dân tệ (tức khoảng 64 tỷ euro) nhằm bình ổn thị trường chứng khoán đang hứng chịu áp lực.
Thông báo loạt biện pháp này của Trung Quốc đã nhận được các phản ứng tích cực từ nhiều thị trường chứng khoán như Hồng Kông, Thượng Hải và Thâm Quyến, nhưng giới chuyên gia lại tỏ ra lạc quan có chừng mực, đánh giá "một bước đi đúng hướng nhưng điều đó có thể là chưa đủ", chưa thể coi như là "một đại kế hoạch tái thúc đẩy tăng trưởng".
Minh Anh
***************************
Phương Tây thắt chặt liên minh, phá thế kìm kẹp của Trung Quốc đối với khoáng sản thiết yếu
Minh Anh, RFI, 24/09/2024
Liên minh 14 chính phủ công bố một mạng lưới tài trợ cho các dự án khai thác khoáng sản quan trọng. Mạng lưới này dựa vào các tổ chức tài trợ cho phát triển và các cơ quan cấp tín dụng cho xuất khẩu của các nước đối tác, đồng thời tăng cường hợp tác với ngành công nghiệp tư nhân. Nỗ lực này nhằm phá vỡ sự kìm kẹp của Trung Quốc đối với một lĩnh vực thiết yếu cho các ngành công nghệ cao.
Mỏ nickel PT Vale Indonesia, ở Sorowako, nam Sulawesi, Indonésia. Ảnh chụp ngày 12/09/2023. AP - Dita Alangkara
Theo Le Figaro, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu cùng với nhiều nước phát triển khác như Pháp, Canada, Đức, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, Na Uy hay Anh Quốc, một liên minh 14 nước, được tập hợp từ năm 2022 trong khuôn khổ Đối tác An ninh Khoáng sản (Minerals Security Partnership – MSP), đang cố gắng đuổi kịp sự chậm trễ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng thế giới về các loại khoáng sản quan trọng.
Hôm thứ Hai, 23/09/2024, tại New York, liên minh này đã công bố một mạng lưới tài trợ vào lúc những nước này đang nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế, và cam kết hỗ trợ tài chính cho dự án khai thác nikel ở Tanzania, được công ty khai thác BHP hậu thuẫn. Financial Times cho biết thêm, một thông cáo chung cũng sẽ được công bố bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nêu rõ, mạng lưới này "sẽ củng cố quan hệ hợp tác và thúc đẩy trao đổi thông tin cũng như việc đồng tài trợ".
Cuộc họp của liên minh 14 nước ngày hôm qua, còn có đại diện các tập đoàn tài chính lớn của Mỹ như Blackrock, Goldman Sachs, Citigroup hay các hãng khai thác khoáng sản Anh-Mỹ-Úc như Rio Tinto, Anglo American. Tính đến hôm liên minh đối tác này đã tài trợ cho 10 dự án và hiện có khoảng 30 dự án khai thác khác đang được xem xét.
Theo giải thích của thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Jose Fernandez, phụ trách Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường, người đứng đầu MSP, số dự án này nằm rải khắp 5 châu lục, liên quan đến nhiều lĩnh vực chiết xuất, tinh chế hay tái chế các nguyên liệu thô từ cobalt cho đến germanium, than chì (graphite), đồng hay lithium…
Những nỗ lực này của phương Tây diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc lao vào một cuộc chiến thương mại gay gắt. Washington áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với linh kiện bán dẫn, và nhiều công nghệ tiên tiến. Để trả đũa, Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản, kể cả chất antimon, một thứ kim loại ít người biết đến và được dùng trong việc sản xuất đạn xuyên áo giáp và kính nhìn ban đêm.
Hơn nữa, Trung Quốc gần như giữ thế độc quyền khi kiểm soát đến 90% khả năng xử lý đất hiếm của thế giới, hơn 50% sản lượng chế biến các chất cobalt, nikel và lithium, được dùng để sản xuất bình điện cho xe ô tô điện. Bắc Kinh nắm giữ đến hơn 80% chất gallium, magnésium hay vonfram cũng như là đã kiểm soát gần như toàn bộ các mỏ khoáng sản ở Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia sản xuất đến hơn 70% cobalt toàn cầu.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, để có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí CO2 vào năm 2050, thì từ đây đến năm 2040, thế giới sẽ phải khai thác gấp sáu lần số khoáng sản hiện nay. Điều này biến những hạn chế về nguồn cung của các nước phương Tây, những nước có ít hay không có nhà sản xuất thành những vấn đề an ninh lớn.
Trước thế thống trị của Trung Quốc trong việc kiểm soát các nguồn cung ứng khoáng sản thiết yếu, phương Tây cho phát triển nhiều dự án theo mọi hướng. Từ việc tìm kiếm, mở các mỏ khoáng sản, lập trung tâm chế biến trong nước, cho đến thực hiện các dự án cho vay với các nước đối tác như Tanzania để khai thác nguyên liệu thô quan trọng. Hay như mở rộng MSP thành "Diễn đàn MSP" kết nạp thêm vào liên minh những nước sở hữu nhiều nguồn dự trữ khoáng sản quan trọng chẳng hạn như Kazakhstan, Namibia… mở rộng nguồn cung ứng.
Minh Anh
Nhưng hệ thống thông tin nội bộ của Đảng cộng sản cũng có thể bị lỗi.
Ảnh minh họa Illustration : Daniel Stolle
Vào ngày 16/8 vừa qua, bài viết của Triệu Kiến xuất hiện trên mạng chỉ vài giờ trước khi bị kiểm duyệt xóa. Đối với độc giả phương Tây, nội dung bài viết có vẻ nhẹ nhàng, nhưng đối với một quan chức Đảng cộng sản, nó lại chứa đầy những ý tưởng nguy hiểm. Là một nhà kinh tế được kính trọng, Triệu nói rằng ông không thể hiểu tại sao chính phủ Trung Quốc lại không nỗ lực hơn nữa để kích thích nền kinh tế. Cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong một thế hệ đã khiến sự bất ổn về tương lai "quấn chặt lấy trái tim của người dân", ông viết. "Thị trường không thể hiểu được logic và những động lực của những người ra quyết định".
Trớ trêu thay, việc bài viết này bị xóa lại càng chứng minh quan điểm của Triệu. Đội quân kiểm duyệt internet của Trung Quốc thường xuyên được lệnh xóa các bài đăng trái ngược với chính sách của Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo tối cao của đất nước. Nhưng trong những năm gần đây, phạm vi của những gì được xem là quá nhạy cảm đã mở rộng nhanh chóng và hiện bao gồm nhiều cuộc thảo luận về nền kinh tế. Các học giả và chuyên gia muốn tranh luận về các vấn đề kinh tế tương đối nhỏ nhặt cũng bị bịt miệng. Các dữ liệu công từng có sẵn dần biến mất. Điều này không chỉ hạn chế thêm quyền tự do vốn đã hạn hẹp của dân thường trong việc nói lên suy nghĩ của mình, mà còn gây hại cho sự tăng trưởng bằng cách cản trở đầu tư. Trên hết, nó nhấn mạnh câu hỏi cấp bách của Triệu : chính sách kinh tế được đưa ra trên cơ sở nào ? Chính phủ biết những gì mà dân thường không biết – và thông tin mà chính phủ dựa vào để đưa ra quyết định có đáng tin cậy hay không ?
Độ lệch chuẩn
Dữ liệu kinh tế chính thức của Trung Quốc luôn có những sai sót. Thậm chí, cựu thủ tướng Lý Khắc Cường đã từng đặt câu hỏi về tính chính xác của chúng. Các nhà kinh tế từ lâu đã phàn nàn rằng Cục Thống kê Quốc gia (NBS) không cung cấp đủ chi tiết về phương pháp luận của mình. Nhưng các nhà quan sát Trung Quốc vẫn hy vọng rằng dữ liệu sẽ dần trở nên toàn diện và đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, thay vào đó, có vẻ như điều ngược lại đang xảy ra. Dữ liệu gần đây về tài khoản vốn của Trung Quốc rất mâu thuẫn – có một sự chênh lệch lớn, đến 230 tỷ đô la giữa số liệu thống kê hải quan và cán cân thanh toán trong những năm gần đây – đến nỗi Bộ Tài chính Mỹ phải lên tiếng kêu gọi các quan chức Trung Quốc làm rõ các số liệu. Lời giải thích được đưa ra rối rắm đến mức chỉ làm mọi thứ phức tạp thêm. Vào ngày 19/8, các nhà đầu tư đã thất vọng khi các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc ngừng công bố dữ liệu hàng ngày về dòng vốn nước ngoài, một thước đo quan trọng về tâm lý thị trường. Số liệu giờ đây chỉ còn được công bố theo quý.
Trong khi đó, dữ liệu được công bố ngày càng ít nhất quán với trải nghiệm thực tế của các công ty và nhà đầu tư. Các số liệu chính thức cho thấy tốc độ tăng trưởng đã quay trở lại mức trước đại dịch, bất chấp sự trì trệ của thị trường bất động sản và mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng thấp. Logan Wright của công ty tư vấn Rhodium Group nhận xét đây là một tuyên bố nực cười. "Vấn đề đơn giản là dữ liệu không còn phản ánh đúng thực tế kinh tế nữa", ông giải thích.
Việc các số liệu thống kê chính thức liên tục bị bóp méo dường như là nhằm che giấu những tin tức có thể khiến chính phủ phải xấu hổ. Ví dụ, vào giữa năm 2023, một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh đã công khai tuyên bố rằng có 16 triệu người trẻ không có việc làm không được tính trong số liệu thống kê thất nghiệp vì họ đã ngừng tìm kiếm việc làm. Nếu họ được tính đến, vị giáo sư khẳng định, tỷ lệ thiếu việc làm ở thanh niên sẽ là hơn 46%. Chỉ một tháng sau, NBS (National Bureau of Statistics) đã ngừng hẳn việc công bố dữ liệu về tình trạng thất nghiệp của thanh niên thành thị. Sau đó, vào tháng 1, họ bắt đầu công bố một con số "được cải thiện và tối ưu hóa", và tình cờ thay, cũng thấp hơn rất nhiều. Kể từ đó, các học giả và nhà báo gần như chẳng còn gì để nói về chủ đề này.
Kinh tế là trên hết !
Những tuyên bố táo bạo của các quan chức Trung Quốc về nền kinh tế của đất nước thường không bị chất vấn, ít nhất là ở nơi công cộng. Chính phủ đã tuyên bố rằng không còn ai ở Trung Quốc phải sống trong cảnh nghèo đói tuyệt đối nữa – một kiểu khẳng định có thể dẫn đến đủ loại câu hỏi về việc liệu dữ liệu có chính xác và các tiêu chuẩn được áp dụng có đúng hay không. Tuy nhiên, hầu như không có cuộc tranh luận nào về phát biểu này trên các phương tiện truyền thông.
Tương tự, các chủ đề có tầm quan trọng lớn đối với nền kinh tế, nhưng lại có bản chất khó xử đối với các quan chức, cũng không bị giám sát. Những nạn nhân lớn nhất của bong bóng bất động sản ở Trung Quốc là khoảng 20 – 30 triệu hộ gia đình được cho là đã trả tiền để mua những căn hộ chưa bao giờ được hoàn thành. Hiểu được những người này là ai, họ đang đối phó với tình hình kinh tế như thế nào, và có thể làm gì để giúp họ là điều quan trọng để phục hồi thị trường bất động sản. Tuy nhiên, dường như không có nhà kinh tế nào tiến hành bất kỳ nghiên cứu nào về hàng triệu người bị lừa đảo này.
Tác động kinh tế đầy đủ của lệnh phong tỏa hà khắc, kéo dài, và không được lòng dân trong thời kỳ đại dịch tại các thành phố như Thượng Hải và Vũ Hán chưa bao giờ được xem xét công khai. Trong một số trường hợp, các nhà báo và nhà bình luận trên mạng xã hội dám nêu ra những chủ đề như vậy đã bị bỏ tù. Số ca tử vong thực sự do Covid-19 ở Trung Quốc vẫn chưa được xác định. Hồi đầu năm nay, một nhà khoa học nổi tiếng sinh sống tại Thượng Hải, người đang tìm hiểu về nguồn gốc của Covid, đã bị nhốt bên ngoài phòng thí nghiệm của mình. Các quan chức dường như quan tâm đến việc kiểm soát các cuộc thảo luận về căn bệnh này nhiều hơn là tìm hiểu tác động của nó.
Ngay cả những nhà bình luận nhiệt thành ủng hộ chính phủ đôi khi cũng bị bịt miệng nếu ý kiến của họ không được chính thức chấp thuận. Hồi cuối tháng 7, Hồ Tích Tiến, một nhà báo theo chủ nghĩa dân tộc, đã ca ngợi các chỉ thị kinh tế được ban hành tại một cuộc họp gần đây của các nhà lãnh đạo cấp cao của đảng. Nhưng cách ông diễn giải chúng thành một lợi ích cho doanh nghiệp tư nhân rõ ràng đã làm phật lòng nhiều người. Các bài đăng có nội dung này đã bị xóa khỏi các tài khoản mạng xã hội của ông, và kể từ đó, tài khoản cũng không có bài đăng mới. Không hài lòng với việc chỉ điều tiết và quản lý thị trường và nền kinh tế, Đảng dường như cũng đang tuyên bố độc quyền trong việc diễn giải chúng.
Sự e dè khi thảo luận về nền kinh tế đã mở rộng đến các trao đổi riêng tư với người nước ngoài. Về lý thuyết, chính quyền đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư để giúp kích thích tăng trưởng. Các doanh nhân đến thăm Trung Quốc xác nhận rằng họ được mời đến rất nhiều cuộc họp. Nhưng nội dung thảo luận lại thiếu thực chất, họ phàn nàn. Một người trong nhóm doanh nhân này tiết lộ rằng bài thuyết trình của các quan chức địa phương nhằm thu hút đầu tư vào khu vực của họ ngày càng trở nên mơ hồ và rập khuôn. Có rất ít thông tin chi tiết về điều kiện kinh tế địa phương. Và việc đảm bảo các cuộc họp thực chất hơn với các cơ quan quản lý đã trở nên khó khăn hơn nhiều.
Các học giả nước ngoài cũng báo cáo những trải nghiệm tương tự. Các trường đại học rất muốn thuê các giáo sư có chuyên môn trong ngành từ nước ngoài đến để lấp chỗ trống của những người đã di cư trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, các cuộc trao đổi không chính thức đã trở nên căng thẳng hơn. Những người nước ngoài có nhiều kinh nghiệm ở Trung Quốc cho biết họ có thể gặp lại những người liên lạc cũ, nhưng các cuộc gặp gỡ của họ phải được báo cáo và được chính quyền chấp thuận. Hoàng Diên Trung của Đại học Seton Hall ở Mỹ cho biết việc tiến hành công tác thực địa ở Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn, vì việc tiếp xúc với người nước ngoài có thể gây rủi ro cho người dân địa phương. Ông nói "Bạn cảm nhận được môi trường chính trị đang căng thẳng và bạn không muốn khiến mọi người gặp rắc rối".
Những hạn chế như vậy cũng mở rộng đến các nhà báo nước ngoài. Nhiều người đã trở về Trung Quốc sau đại dịch và nhận thấy rằng tương tác của họ với các công ty đã bị các quan chức giám sát chặt chẽ. Tại Hợp Phì, một thành phố công nghiệp, các công ty lớn của Trung Quốc đã được hướng dẫn không được trò chuyện với báo chí nếu không có sự cho phép của chính quyền địa phương. Các nhà báo được yêu cầu nộp lịch trình đi lại, chi tiết đến từng giờ, cùng với tên tuổi và thông tin liên lạc của những người mà họ dự định phỏng vấn. Một số nhà ngoại giao cũng bị đối xử tương tự.
Đối với những người ở bên ngoài Trung Quốc, việc tiếp cận thông tin về nền kinh tế thậm chí còn khó khăn hơn. Chính quyền dường như đã yêu cầu các công ty Trung Quốc chuyên bán dữ liệu doanh nghiệp hạn chế bán một số số liệu thống kê nhất định cho người nước ngoài. Chẳng hạn, một công ty trong nhóm này, Wind, đã ngừng cung cấp thông tin về chi tiêu trực tuyến vào năm ngoái cho người dùng bên ngoài Trung Quốc. Một cơ sở dữ liệu về quyền sở hữu doanh nghiệp do Qichacha, một công ty tình báo doanh nghiệp, biên soạn, hiện đã không còn có thể truy cập được từ nước ngoài. Công ty này cũng từng cung cấp dữ liệu về tình trạng phá sản, nhưng hiện tại, họ nói rằng thông tin này "quá nhạy cảm".
Vào đầu năm nay, khi một đặc khu kinh tế ở Thượng Hải đặt ra các quy tắc để quản lý việc sử dụng dữ liệu, họ đã cấm rõ ràng việc chuyển bất kỳ thông tin nào về giá cổ phiếu hoặc xu hướng thị trường ra nước ngoài, một quy định đáng ngạc nhiên đối với nơi mà xét cho cùng chính là trung tâm tài chính của Trung Quốc. Các nhà môi giới chứng khoán ngày càng chần chừ không muốn giao nộp các báo cáo của các nhà phân tích ; những quan điểm tiêu cực về nền kinh tế hoặc chính sách của nhà nước đang dần trở nên hiếm hoi. Wright nói rằng một số loạt dữ liệu chính thức về sản lượng công nghiệp đã biến mất. Còn Rory Truex của Đại học Princeton cho biết một cơ sở dữ liệu pháp lý xuất hiện trực tuyến cách đây một thập kỷ đang trở nên kém toàn diện và khó truy cập hơn. Khi nói đến việc thu thập dữ liệu, ông nhận xét "Không có gì tốt đẹp ở Trung Quốc có thể tồn tại lâu dài".
Việc tiếp cận các trường đại học của Trung Quốc cũng đang trở nên hạn chế hơn, theo đó tác động đến một trong những cách chính mà người nước ngoài và người dân địa phương cải thiện hiểu biết của họ về nền kinh tế Trung Quốc. Trong thời kỳ đại dịch, các trường đại học, giống như hầu hết các không gian công cộng khác, đã bị đóng cửa ; và cần phải có giấy phép đặc biệt để vào trường. Nhưng khi phần lớn Trung Quốc mở cửa trở lại vào đầu năm ngoái, cánh cửa của một số trường đại học vẫn đóng chặt. Cho đến tận hôm nay, khách đến thăm vẫn phải xin phép trước khi đặt chân vào các trường đại học này. Các học giả tại một số tổ chức đã được thông báo rằng họ phải xin phép để nói chuyện với báo chí nước ngoài. Ở một số khu vực, giấy phép này được cấp không phải bởi các quan chức của trường đại học, mà bởi các quan chức cấp tỉnh.
Kể từ khi Tập lên nắm quyền vào năm 2012, các điều kiện hoạt động của giới học thuật đã trở nên hạn chế hơn nhiều. Vào năm 2019, một số trường đại học hàng đầu đã sửa đổi điều lệ của mình để nêu rõ lòng trung thành của họ với Đảng cộng sản, và điều này đã gây ra một vài cuộc biểu tình nhỏ trên các khuôn viên trường. Năm ngoái, các ủy ban giám sát của đảng tại một số trường đại học đã chính thức sáp nhập với ban quản lý nhà trường. Điều đó có nghĩa là đảng đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn cách thức hoạt động của các trường đại học. Đây là một phần trong những gì Tập gọi là "giáo dục xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc," bao gồm ưu tiên phục vụ nhu cầu của đảng hơn là các mục tiêu học thuật. Tự do học thuật đang ở một trong những mức thấp nhất kể từ Cách mạng Văn hóa, giai đoạn cuồng tín vào những năm 1960 và 1970, theo Tôn Phái Đông của Đại học Cornell.
Nhiều nghiên cứu hàn lâm vẫn tương đối không bị ràng buộc bởi các liên kết chính trị vì chúng không liên quan gì đến xã hội Trung Quốc đương đại. Chính phủ đã đổ tiền vào khoa học tự nhiên, kỹ thuật, và y học, từ đó giúp biến Trung Quốc thành một cường quốc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, các học giả cho biết, việc nghiên cứu bất cứ điều gì liên quan đến các điều kiện chính trị, kinh tế, hoặc xã hội trong nước Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề dưới thời Tập.
Các trường đại học của Trung Quốc có rất nhiều giảng viên tài năng, một vài người trong số họ vẫn đang tìm cách viết về các chủ đề gây tranh cãi. Một phương pháp là gói gọn các ý tưởng quan trọng bên trong một lớp vỏ "đúng đắn về chính trị". Chẳng hạn, tham nhũng thường là một chủ đề quá nhạy cảm để làm trung tâm của một dự án nghiên cứu, một học giả giải thích. Nhưng một dự án tập trung vào một sáng kiến nổi bật của chính phủ có thể bao gồm một phần về cách sáng kiến đó đã bị ảnh hưởng bởi tham nhũng. Về cơ bản, cốt lõi của nghiên cứu đã được che giấu trong một bài báo dài dòng. Tuy nhiên, những người đọc các bài báo học thuật đã quen với việc ngụp lặn trong các báo cáo dài để tìm ra những viên ngọc nhỏ của sự sáng suốt.
Các chủ đề gây tranh cãi có thể được thảo luận miễn là chúng bỏ qua bất kỳ phân tích nào về các chính sách của chính quyền trung ương. Một nhà kinh tế chuyên về Đài Loan chia sẻ rằng ông thường viết các bài báo phân tích lập trường của chính quyền Đài Loan và Mỹ, nhưng chỉ đơn giản loại trừ hầu hết thông tin về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với chủ đề đang thảo luận. Một số nhà nghiên cứu kinh tế đã xoay sở để tiến hành các cuộc khảo sát tại địa phương về các chủ đề gây tranh cãi, nhưng hiện không có ý định công bố chúng. Thay vào đó, họ đang giữ những phát hiện của mình với hy vọng rằng sẽ đến lúc an toàn để công bố chúng, Tôn tuyên bố.
Việc bóp nghẹt dòng thông tin về nền kinh tế không chỉ gây khó chịu cho các nhà đầu tư và nhà kinh tế nước ngoài. Nó cũng đặt ra cùng một câu hỏi mà Triệu đã đặt ra trong bài báo bị kiểm duyệt của mình : vậy thì Tập và các quan chức cấp cao khác đưa ra quyết định về cách quản lý nền kinh tế dựa trên cơ sở nào ? Chắc chắn, họ không mò mẫm trong bóng tối. Trung Quốc từ lâu đã duy trì một hệ thống bí mật nhằm thu thập thông tin từ giới học thuật, phương tiện truyền thông, và các viện chính sách. Các nhà báo, nhà nghiên cứu, và nhà kinh tế được yêu cầu viết các báo cáo "tham khảo nội bộ", hay nội tham trong tiếng Trung. Các tài liệu này được giao cho mọi cấp chính quyền. Các quan chức địa phương có quyền truy cập vào các phân tích do các nhà nghiên cứu địa phương thực hiện. Trong khi đó, các học giả đáng tin cậy tại các trường đại học và viện chính sách hàng đầu sẽ viết báo cáo cho các nhà lãnh đạo cấp cao nhất ở Bắc Kinh.
Nội dung của các tài liệu nội tham có thể gay gắt hơn nhiều so với các tài liệu dành cho công chúng. Chẳng hạn, một báo cáo có thể chứng minh rằng dù các quan chức địa phương đã rất hào hứng về sự bùng nổ của các công nghệ kỳ diệu như robot, nhưng lợi ích thực sự đối với nền kinh tế của các ngành công nghiệp này lại vô cùng nhỏ bé. Các học giả và nhà báo có thể đang sống hai mặt, vừa sản xuất các báo cáo công khai, vừa sản xuất các báo cáo chỉ dành cho giới quan chức. Ví dụ, một phóng viên tại hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã có vẻ như chỉ đang viết ra những lời nịnh hót vô nghĩa, nhưng đằng sau hậu trường, người này có thể đang viết các bài báo gây chấn động, vạch trần các công ty gây ô nhiễm hoặc các quan chức tham nhũng. Một phóng viên kiểu này nói rằng việc được phép viết các báo cáo nội bộ là một đặc ân, đồng thời lưu ý rằng việc này cũng có sự cạnh tranh gay gắt.
Các viện chính sách là trụ cột của nội tham. Dưới thời Tập, trong lúc các viện chính sách độc lập buộc phải đóng cửa, thì số các viện có liên kết với nhà nước đã tăng lên gấp bội. Cánh cửa của viện chính sách thị trường tự do nổi bật cuối cùng ở Trung Quốc, Unirule, thực sự đã bị hàn kín vào năm 2019, khiến một số nhà nghiên cứu của viện này bị nhốt bên trong trong một thời gian ngắn. Nhưng hàng trăm "viện chính sách đặc sắc Trung Quốc" đã được chính quyền thành phố và tỉnh, các bộ, và thậm chí một số công ty nhà nước thành lập. Từ năm 2018 đến năm 2020, số lượng các viện này đã tăng gần gấp ba lần, từ 507 lên 1.413 (tuy nhiên, xu hướng này đang giảm dần : đến cuối năm ngoái chỉ còn 1.096 viện). Hầu hết các nghiên cứu mà họ thực hiện chỉ để tham khảo nội bộ. Một nhà nghiên cứu cho biết sản phẩm của họ có thể giúp các quan chức hiểu rõ về các khía cạnh cục bộ, địa phương của các vấn đề như sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Một người khác khẳng định rằng ông có thể trình bày cởi mở về các vấn đề hành chính như khó khăn trong việc thực hiện các sắc lệnh mâu thuẫn của chính phủ.
Một số chuyên gia suy đoán rằng nền kinh tế kỹ thuật số rộng lớn của Trung Quốc đã cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách khả năng truy cập vào kho dữ liệu chất lượng cao về các công ty và người tiêu dùng theo thời gian thực. Nhà nước đang xây dựng các sàn giao dịch nơi dữ liệu mà các công ty thu thập được từ các giao dịch có thể được mua và bán. Nhưng các nền tảng này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tương tự, các cơ quan an ninh của Trung Quốc điều hành một hoạt động giám sát toàn quốc quy mô lớn, mà cốt lõi của nó là theo dõi sự di chuyển của con người và hàng hóa, cũng như các ý kiến do người dân bày tỏ. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy các quan chức sử dụng thông tin đó để cải thiện sự hiểu biết của họ về nền kinh tế.
Sai lầm nảy sinh trong bóng tối
Câu hỏi cuối cùng là, có bao nhiêu trong số tất cả những thông tin này đến được các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản ? Thật khó để nói. Các tác giả thường khoe khoang về ảnh hưởng của các báo cáo nội tham của họ, Hoàng nói, nhưng không có dữ liệu đáng tin cậy nào cho thấy ai mới là người có tác động đến chính sách công. Một nhà nghiên cứu cho biết ông sẽ được thông báo nếu một quan chức cấp cao có ghi chú nào về một trong những báo cáo của ông, nhưng không được biết ghi chú đó cụ thể là gì. Sự xuất hiện tràn lan của các viện chính sách có thể cung cấp một số lượng lớn khuyến nghị cho các bộ phận khác nhau của chính phủ. Nhưng Bob Chen, một nhà đầu tư sống tại Thượng Hải, gần đây đã lập luận trên một podcast địa phương có tên là Bạch quan (Baiguan) rằng : việc tập trung quyền lực ở đỉnh cao của đảng có nghĩa là những người nhận không còn thẩm quyền để thúc đẩy bất kỳ cải cách nào mà các báo cáo có thể ủng hộ.
Hơn nữa, cũng dễ hiểu khi các báo cáo nội tham có xu hướng nịnh hót các nhà chức trách. Một nhà nghiên cứu của nhà nước tiết lộ rằng phân tích của ông càng tích cực thì sẽ càng được tiếp nhận. Điều đó tạo ra động lực rõ ràng để đưa ra quan điểm lạc quan về mọi thứ. Nhưng, điều ngược lại cũng đúng : nhà nghiên cứu đã nói rằng ông được tự do thảo luận về các vấn đề hành chính cũng thận trọng nói rằng ông không bao giờ chỉ trích trực tiếp các sắc lệnh chính sách từ cấp cao.
Không ai bên ngoài vòng tròn quyền lực tối cao hiểu chính xác những gì Tập đọc được và cách ông hành động dựa trên thông tin đó. Quá trình hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc luôn có phần mơ hồ, nhưng điều đó ít quan trọng hơn khi tăng trưởng còn mạnh và các nhà hoạch định chính sách còn thực dụng. Xét đến việc tăng trưởng đang xấu đi và bộ máy hành chính dần mang nặng tính ý thức hệ, tình trạng thiếu thông tin chính xác về nền kinh tế trở nên đáng lo ngại hơn nhiều. Sau cùng, nó có thể trở thành vấn đề lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cũng như đối với những người nước ngoài đang bối rối.
The Economist
Nguyên tác : "The Chinese authorities are concealing the state of the economy", The Economist, 05/09/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 12/09/2024
Kết thúc Hội nghị Trung ương 3, Khóa 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, một thông cáo và một bản nghị quyết định hướng kinh tế cho tới năm 2029 được công bố ngay sau đó. Cả hai cùng "rỗng tuếch" và thể hiện một sự tê liệt trong nội bộ Đảng. Trên đây là nhận định của chuyên gia về Trung Quốc, Alex Payette, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius, trụ sở tại Montréal, Canada về "Tầm nhìn mới phát triển kinh tế" cho giai đoạn 5 năm sắp tới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên họp hội nghị trung ương 3 của Đảng cộng sản Trung Quốc, từ 15 đến ngày 18/07/2024, ở Bắc Kinh. AP - Xie Huanchi
Những hứa hẹn "cải tổ", "mở cửa và phát triển kinh bằng những phát minh về công nghệ cao" của Trung Quốc còn giá trị gì nữa hay không ? Tuần báo Anh The Economist (25/07/2024) nhắc lại, từ khi lên cầm quyền cuối 2012, ông Tập Cận Bình luôn hứa hẹn "để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bố các nguồn lực" và mở rộng vị trí cho các công ty tư nhân vào những lĩnh vực vốn vẫn được đặt dưới sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước. Hơn một chục năm sau, toàn cảnh kinh tế Trung Quốc đang ảm đạm.
Kinh tế ảm đạm
Theo các thống kê công bố hôm 15/07/2024, đúng ngày khai mạc Hội Nghị, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 4,7% trong một năm, thấp hơn so với chỉ tiêu 5%. Trong 5 quý liên tiếp, kinh tế nước này bị giảm phát và điều ấy phản ánh tiêu thụ nội địa bị đóng băng. Khối lượng xe hơi bán ra trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm 6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong lúc ngành địa ốc lún sâu thêm vào khủng hoảng. Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại Hoa Lục trong trạng thái "chờ đợi", hoãn các kế hoạch mua thêm trang thiết bị sản xuất và ngừng tuyển dụng thêm nhân viên.
Trong bối cảnh này, nhiều người chờ đợi, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đề ra những biện pháp cụ thể nhanh chóng khởi động lãi cỗ máy kinh tế. Thế nhưng thông cáo tổng kết nội dung 4 ngày họp và văn bản mang tên "Quyết định của Ban chấp hành trung ương về việc sâu sắc hóa toàn diện chính sách cải tổ và thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa theo kiểu của Trung Quốc" gây nhiều thất vọng.
Bản nghị quyết kết thúc Hội nghị gồm 60 phần với danh sách tổng cộng 300 đề xuất nhằm cải thiện đời sống kinh tế và xã hội cho đất nước.
Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia về Trung Quốc, Alex Payette, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius, trụ sở tại Montréal, Canada nói đến những khẩu hiệu trống rỗng : "đẩy mạnh tiến trình cải tổ", "nâng cao tiêu thụ nội địa", "phát huy tốt hơn vai trò của cơ chế thị trường" tạo môi trường "công bằng và có sức sống mạnh hơn", "tối ưu hóa năng suất và tối đa hóa hiệu quả phân phối các nguồn lực".
Alex Payette : "Có một số điểm thú vị. Văn bản này cho thấy giới lãnh đạo ở Bắc Kinh bắt mạch đúng tình hình, họ ý thức là có nhiều việc phải làm và có thiện chí để thay đổi tình thế. Tuy nhiên tất cả chỉ dừng lại ở đó, tức là các giới chức Trung Quốc ghi nhận vấn đề mà không đưa ra bất kỳ một giải pháp nào để khắc phục tình trạng này cả. Điều đó khiến các nhà quan sát thất vọng. Tôi xin đơn cử thí dụ Trung Quốc tuyên bố muốn đẩy mạnh hợp tác với quốc tế, cởi mở hơn để thu hút thêm đầu tư và doanh nhân nước ngoài, Trung Quốc cũng chủ trương đẩy mạnh các phát minh để tạo đà cho tăng trưởng, kích thích tiêu thụ nội địa… Nhưng đó là những mục tiêu được đưa ra sau Hội nghị Trung ương lần này, nhưng hoàn toàn không có gì mới mẻ bởi từng được đưa ra từ nhiều năm nay. Trong khi đó kinh tế của Trung Quốc cần có những biện pháp mới để thích nghi với tình huống -mà theo tôi thì nhẽ ra Bắc Kinh cần đổi mới từ 4 hay 5 năm nay chứ không phải đợi đến bây giờ…".
Ưu tiên của Bắc Kinh vẫn là an ninh
Vẫn theo Alex Payette vào lúc kinh tế Trung Quốc đang bị một cuộc khủng hoảng địa ốc, giảm phát, khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng đe dọa thì nghị quyết của Ban chấp hành trung ương năm nay lại tập trung vào vế "tăng cường an ninh quốc gia".
Alex Payette : "Tôi nghĩ là Trung Quốc cần tạo một lực đẩy cho kinh tế. Bây giờ không phải là lúc để tiếp tục tập trung vào mục tiêu bảo vệ an ninh cho chế độ. Càng chăm lo vào vế an ninh, Trung Quốc càng gây khó khăn cho vế phát triển kinh tế. Hơn nữa Trung Quốc thực sự cần có những cơ cấu vững chắc để thu hút các doanh nhân nước ngoài, khuyến khích họ trở lại Hoa Lục. Bởi vì có như thế Bắc Kinh mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài mạnh dạn trở lại Trung Quốc, mở cơ sở kinh doanh… Chính đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài sẽ kéo lĩnh vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc đi lên. Nhờ thế mới hy vọng là Trung Quốc lại có những tập đoàn lớn trỗi dậy, có những Alibaba hay ANT Financial khác nữa… Trong những điều kiện hiện tại không mấy ai muốn lao vào cuộc, mở doanh nghiệp… để rồi một ngày nào đó họ lại bị đưa ra trước vành móng ngựa hay là công ty của họ bị chia năm xẻ bảy…".
Kinh tế tư nhân dưới sự kiểm soát của nhà nước
Vẫn đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius trụ sở đặt tại Montréal, ghi nhận bản nghị quyết kết thúc Hội nghị Trung ương 3 của Trung Quốc vừa qua đã dành hẳn 2 chương đề cao vai trò của lĩnh vực kinh tế tư nhân và "quyết tâm hỗ trợ" các doanh nghiệp tư nhân nhưng ngay trong khổ đầu tiên của chương này, Bắc Kinh nhấn mạnh đó phải là một sự "phát triển dưới sự kiểm soát" của Đảng và Nhà nước.
Một điểm đáng chú ý khác là cụm từ "hiện đại hóa" đất nước theo mô hình Trung Quốc cũng đã được nhắc lại hầu như trong mỗi đoạn của văn bản chính thức kết thúc Hội nghị Trung ương 3. The Economist ghi nhận một lần nữa giới lãnh đạo ở Bắc Kinh bị mục tiêu phát triển công nghệ và dựa trên "phát minh" để hiện đại hóa cỗ máy kinh tế của nước này ám ảnh. Điều đó phản ánh "suy nghĩ" của ông Tập Cận Bình cho rằngTrung Quốc đang bị một cuộc "cách mạng về công nghệ của thế giới bao vây" và do vậy Đảng cộng sản dưới sự lãnh đạo của ông phải thoát ra khỏi vòng vây đó.
Theo Alex Payette, Đảng cộng sản Trung Quốc như vậy muốn kiểm soát tất cả và đối với công luận ở trong và ngoài nước, đây không là một tín hiệu tốt.
Vào lúc mọi người chờ đợi Hội nghị Trung ương vừa qua thông báo những biện pháp kích thích tiêu thụ nội địa, ngăn chận hiện tượng giảm phát tai hại, thì tài liệu chính thức chỉ gián tiếp nói đến việc khắc phục hậu quả kèm theo từ khủng hoảng địa ốc, chẳng hạn như cam kết Trung ương sẽ không ban hành thêm các khoản thuế khóa, tránh gây thêm gánh nặng cho các chính quyền ở cấp địa phương…
Đấu đá nội bộ và "cái Tôi" quá lớn của họ Tập
Về câu hỏi tại sao trước tình hình bị cho là khá cấp bách, Bắc Kinh lại chậm đưa ra những liều thuốc để vực dậy kinh tế, chuyên gia người Canada Alex Payette giải thích đây trước hết là một vấn đề chính trị, và hiện tại ở Trung Quốc, nhân vật quyền lực nhất là ông Tập Cận Bình dường như không có ý định thay đổi đường lối, tức là cần "kiên định không dời khỏi con đường phát triển chính trị chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, kiên trì và hoàn thiện chế độ chính trị căn bản" của quốc gia này.
Alex Payette : "Đúng là Trung Quốc cần đưa ra những biện pháp cụ thể để vực dậy kinh tế nhưng đấy thường là những gì đi ngược lại với ý của ông Tập Cận Bình, thành thử khó để nói đến một chương trình cải tổ, theo mô hình kinh tế theo thị trường… Thay vào đó, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh sau Hội nghị Trung ương vừa qua có khuynh hướng trở về với thời kỳ của Mao Trạch Đông. Trong lĩnh vực nông nghiệp chẳng hạn, báo cáo kết thúc hội nghị nhấn mạnh đến việc mở rộng vai trò của hợp tác xã, thúc đẩy và khuyến khích các văn phòng quản lý nông nghiệp nỗ lực hơn trong mục tiêu phát triển nông nghiệp Trung Quốc… Làm thế nào để giới tư bản nước ngoài tin tưởng để đầu tư vào Hoa Lục trước những biện pháp phi kinh tế thị trường như vậy ? Các doanh nghiệp nước ngoài thận trọng khi mà Bắc Kinh nói một đàng, làm một nẻo".
Bản nghị quyết kết thúc Hội nghị Trung ương 3 vừa qua chỉ là một danh sách "những điều cần làm" và thể hiện những mâu thuẫn trong những mục tiêu mà Trung Quốc muốn hướng tới, và đã không trấn an các đối tác kinh tế tại Hoa Lục và các nhà đầu tư nước ngoài, theo Alex Payette, bởi Trung Quốc đang đứng trước "một vấn đề rất lớn" :
Alex Payette : "Đương nhiên là có một sự đấu đá ở bên trong, chính vì thế mà trong tài liệu được công bố sau Hội nghị Trung ương vừa qua đã có rất nhiều thứ, liên quan đến rất nhiều chủ đề, bao phủ lên nhiều lĩnh vực. Nhưng không có gì cụ thể cả. Khóa họp vừa rồi chỉ ghi nhận vấn đề, đưa ra những khẩu hiệu chung chung, tản mạn… mà không thể tìm ra được một tiếng nói chung, dù chỉ là trên một vài chủ đề cụ thể. Điều đó chứng tỏ là nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc có nhiều ý kiến khác nhau và không ai dám lên tiếng vì họ sợ rằng ông Tập Cận Bình chưa sẵn sàng cho một cuộc cải tổ thực sự. Theo tôi thì Đảng cộng sản Trung Quốc đang bị chia ra thành ba nhóm : nhóm thứ nhất ý thức được là kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và cần phải điều chỉnh lại chính sách, nhưng số này bất lực vì tiếng nói của họ không được lắng nghe. Nhóm thứ nhì, biết là có vấn đề nhưng không muốn thay đổi và còn nghe ngóng, đón bắt ý kiến chỉ đạo của Tập Cận Bình. Nhóm thứ ba cũng thừa biết là kinh tế đang bị trục trặc nhưng đối với họ thì sự tồn tại của Đảng mới là ưu tiên và họ vẫn tập trung mọi nỗ lực củng cố vị thế của Đảng. Không chắc đây là điều tốt cho kinh tế của Trung Quốc ở thời điểm này".
Trong một bài tham luận đăng trên báo mạng Asialyst hôm 03/08/2024 Alex Payette nêu lên một điểm thú vị khác liên quan đến cá nhân ông Tập : từ khóa 19 Tập Cận Bình đã muốn gột tẩy tên người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình khỏi hai chữ Cải Tổ. Ông cũng không muốn đi vào sử sách như một người tiếp nối công cuộc cải tổ của họ Đặng mà muốn Tập Cận Bình phải là "trung tâm" của cuộc cải tổ kinh tế, hiện đại hóa đất nước. Do vậy trong tài liệu chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc được công bố sau Hội nghị Trung ương 3, Trung Quốc nói đến tiến trình "Cải tổ của một thời đại mới".
Kinh tế, ưu tiên số 3 sau chính trị và địa chính trị
Báo Nhật Bản The Diplomat hôm 01/08/2024 cũng nêu bật nhiều lý do khiến mọi người cần thận trọng với những ý định của Trung Quốc sau hội nghị trung tuần tháng 7 vừa rồi : thứ nhất 60 chương và 300 cam kết để cải thiện tình hình kinh tế cho đất nước trong văn bản lần này không có gì mới mẻ so với những cam kết và mục tiêu cũng chính Tập Cận Bình đã đề ra nhân Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 (năm 2013).
Điểm thứ nhì là văn bản này chỉ đưa ra những đường lối chung chung, những hứa hẹn và cam kết mà không có bất kỳ một điều gì bảo đảm là Trung Quốc thực hiện được một phần những mục tiêu đó trước năm 2029.
Sau cùng văn bản này có đầy những mâu thuẫn khi mà dưới thời đại Tập Cận Bình "cải tổ" và "mở cửa" không thu hẹp ở phạm vi kinh tế mà còn bao hàm cả chủ trương "tăng cường khả năng tự chủ của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hay xung đột vũ trang". Đó mới là mục tiêu chính của Hội nghị Trung ương 3 năm nay và trong mục tiêu đó "đại đa số người dân Trung Quốc và các doanh nghiệp tư nhân đừng hy vọng sớm được trông thấy điều kiện của họ được cải thiện". Nói cách khác kinh tế chỉ đứng hạng thứ ba trong số những ưu tiên của Đảng cộng sản Trung Quốc, sau những mục tiêu chính trị và địa chính trị.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 06/08/2024
Lời giải thích từ những người trong cuộc trải dài từ sự thiếu hiểu biết đến ý thức hệ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc gặp với Tổng thống Tunisia Kais Saied (không có ảnh) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 31 tháng 5. Tingshu Wang / AFP
Nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động rất tồi tệ. Sự phục hồi hậu đại dịch yếu hơn và ngắn hơn nhiều so với dự đoán của chính phủ Trung Quốc. Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng chính thức đáng nể, nhưng đã giảm xuống còn 5,2% vào năm 2023, thực tế có thể chậm hơn nhiều, với một số nhà phân tích ước tính mức tăng trưởng không quá 1-2%. Một số chỉ số cho thấy sự cải thiện khiêm tốn trong vài tháng đầu năm 2024, nhưng nền kinh tế dường như vẫn đang chững lại, với tăng trưởng hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.
Cùng với suy thoái kinh tế, niềm tin vào con đường tương lai của Trung Quốc đã sụp đổ, cả trong và ngoài nước. Dữ liệu định lượng rất rõ ràng, cho thấy sự sụt giảm đột ngột lòng tin của người tiêu dùng và nhà sản xuất vào mùa xuân năm 2022 sau khi Thượng Hải bị phong tỏa. Triển vọng tiêu dùng được cải thiện ngắn hạn khi các chính sách zero-Covid kết thúc vào cuối năm 2022 nhưng kể từ đó vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục. Các chỉ số kinh doanh nội địa khác nhau cho thấy sự phục hồi khiêm tốn trong giai đoạn gần đây, nhưng các con số vẫn còn kém xa so với mức cao lịch sử của chúng.
Dữ liệu này có thể đã đánh giá thấp mức độ lo lắng sâu rộng của người dân Trung Quốc về hiện tại và tương lai của đất nước – những lo ngại mà tôi đã trực tiếp nghe được trong chuyến nghiên cứu kéo dài vào mùa xuân này.
Ngoài nền kinh tế khó khăn và sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản, một vấn đề đáng lo ngại khác là chính sách zero-Covid và sự kết thúc đầy hỗn loạn của chính sách đó, các cuộc tấn công kéo dài nhắm vào các công ty công nghệ tư nhân, sự tập trung cao độ vào vấn đề ý thực hệ, quá trình theo đuổi tự chủ công nghệ phi thực tế và căng thẳng gia tăng với phương Tây. Những lo ngại này dẫn đến nhu cầu tiêu dùng yếu, đầu tư kinh doanh bị hạn chế và xu hướng chuyển tài sản, đưa gia đình ra nước ngoài.
Một câu hỏi lặp đi lặp lại : Tại sao giới lãnh đạo Trung Quốc không làm nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế và phục hồi niềm tin ? Và khi nói đến giới lãnh đạo, nhiều người ngầm ám chỉ một người duy nhất, Tập Cận Bình. Việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ, sự chuyển đổi về quản trị quốc gia sang các cơ quan của Đảng cộng sản Trung Quốc do ông kiểm soát và sự chú ý quá mức mà ông nhận được trên các phương tiện truyền thông chính thức khiến người dân Trung Quốc (và phần còn lại của thế giới) có ấn tượng rằng ông đang hoàn toàn nắm quyền ra quyết định.
Bắc Kinh không phải là không làm gì ; họ đã nới rộng tín dụng, đưa ra các kế hoạch đa điểm để trấn an khu vực tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, giảm bớt hạn chế việc mua căn nhà thứ hai và giảm bớt các giọng điệu "chiến lang". Nhưng phần lớn những người tôi gặp – vốn không phải là các nhà khoa học – không hề ấn tượng với những chính sách nêu trên, những bước đi này dường như vẫn quá ít và quá muộn màng.
Có bốn quan điểm thường được đưa ra về lý do tại sao Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác không tiến hành một cách tiếp cận khác, mà chúng ta có thể gọi là "Bốn Không" theo phong cách chính trị Trung Quốc. Thứ nhất là, "Ông ấy không biết". Một số người suy đoán rằng Tập Cận Bình đang bị che mắt về tình trạng tồi tệ của nền kinh tế bởi các cán bộ không muốn báo tin xấu cho ông vì sợ ông sẽ đổ lỗi cho họ. Do đó, họ chỉ cung cấp cho ông ấy những báo cáo tích cực, được tô vẽ.
Một nguồn tin cho biết họ nghe nói các quan chức cấp thấp tại Trung Nam Hải đã yêu cầu các nhà nghiên cứu bên ngoài chỉ nộp các báo cáo tích cực. Một người khác nói rằng các quan chức cấp cao kiểm soát luồng tài liệu đến Tập Cận Bình có liên quan đến bộ máy an ninh và tuyên truyền, vì vậy tài liệu đến tay của ông ấy phản ánh định kiến của họ. Nhưng những người khác mà tôi nói chuyện thì lại hoàn toàn không đồng ý rằng Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác không được thông tin đầy đủ. Một chuyên gia đã gửi nghiên cứu cho Đảng nói rằng họ được yêu cầu cung cấp các phân tích trung thực vì lãnh đạo muốn nhận được các quan điểm có tính tranh biện.
Quan điểm thứ hai là "ông ấy không biết phải làm gì", dựa trên giả định rằng Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác được thông tin đầy đủ nhưng họ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề không dễ giải quyết. Danh sách này rất dài – từ khủng hoảng bất động sản, nợ chính quyền địa phương phình to, tỷ lệ sinh giảm mạnh, bất bình đẳng gia tăng, bất mãn ở Hồng Kông đến căng thẳng gia tăng với phương Tây và hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc – và các giải pháp thì không hề đơn giản.
Hơn nữa, ban lãnh đạo hiện tại được cấu thành bởi "đội hình B", trong đó nhiều người có kinh nghiệm hạn chế trong chính quyền trung ương, và việc hoạch định chính sách đã trở nên tập trung cao độ vào Đảng cộng sản Trung Quốc đến mức sự phối hợp giữa các cấp lãnh đạo và giữa Bắc Kinh với các địa phương trở nên khó khăn hơn chứ không hề dễ dàng hơn.
Nhiều nguồn tin thân cận cho biết họ nghe nói rằng trong một số vấn đề, giới lãnh đạo đã có những cuộc tranh luận dài về cách giải quyết, trì hoãn các quyết định và việc triển khai các chính sách mới. Ví dụ, giới lãnh đạo dường như đã xác định thị trường chứng khoán yếu kém là một vấn đề vào mùa hè năm 2023, nhưng các giải pháp mới chỉ được triển khai vào đầu năm 2024, khi người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc bị thay thế. Điều thách thức hơn là việc tìm ra các cách giải quyết một vấn đề mà không làm trầm trọng thêm các vấn đề khác hoặc đưa ra một kế hoạch tổng thể tìm ra cách tiếp cận cân bằng.
Giải quyết mớ bòng bong bất động sản – và mất cân bằng trong nền kinh tế – có thể là ví dụ điển hình, cho thấy rõ ràng để tìm ra một con đường chính sách có hiệu quả điều hướng các lợi ích xung đột giữa tất cả các bên liên quan khó khăn như thế nào, bao gồm chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các nhà phát triển, người mua nhà, các tổ chức tài chính và các lĩnh vực kinh tế khác. Tương tự như vậy, Hội nghị Trung ương 3 được cho là đã bị hoãn từ tháng 1 năm 2024 sang mùa hè do thiếu sự đồng thuận.
Một số nguồn tin nhấn mạnh đến sự suy giảm chất lượng điều hành của các quan chức hàng đầu, và so sánh một cách tiêu cực Thủ tướng Lý Cường với người tiền nhiệm Lý Khắc Cường, người đã qua đời đột ngột vào mùa thu năm ngoái. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, Hà Lập Phong, được cho là kém năng lực hơn người tiền nhiệm Lưu Hạc.
Kịch bản thứ ba, "Ông ấy không quan tâm", bắt nguồn từ giả thuyết rằng ưu tiên hàng đầu của Tập Cận Bình là củng cố sự độc quyền nắm giữ quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc và sự thống trị chính trị cá nhân của ông. Mặc dù truyền thông cho thấy ông ấy đang thăm các nhà máy và tổ chức các phiên thảo luận về các thách thức kinh tế khác nhau, nhưng lịch trình hàng ngày của ông ấy có thể bị chi phối bởi việc quản lý các vấn đề an ninh và chính trị, bao gồm các quyết định về nhân sự, chứ không phải nền kinh tế.
Đây là kịch bản không được tán thành nhiều nhất bởi những người Trung Quốc mà tôi khảo sát, nhưng số ít người ủng hộ nó lại tin tưởng mãnh liệt vào kịch bản này. Quan điểm cốt lõi của họ là Tập Cận Bình dường như sẵn sàng hy sinh nền kinh tế vì chủ nghĩa dân tộc và sự thống trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. Hơn nữa, Tập Cận Bình không đơn độc ; ông được chọn làm người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào, như người ta nói, "để không trở thành Mikhail Gorbachev", chứ không phải để thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Điều đáng nói là những người ủng hộ quan điểm này thường lớn tuổi hơn (trên 60 tuổi) ; họ nhấn mạnh những điểm tương đồng rõ ràng trong tính cách của Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông, và sự quan tâm chung ở cả hai giai đoạn về sự trong sạch ý thức hệ cũng như đấu tranh giai cấp, dẫn đến căng thẳng đáng kể trong xã hội và giới tinh hoa.
Câu trả lời cuối cùng, "Ông ấy không đồng ý", cho rằng vấn đề không phải là Tập Cận Bình thiếu thông tin, thiếu quyết đoán và năng lực, hay thiếu quan tâm mà là ông và các cộng sự không đồng ý với những lời chỉ trích cho rằng đường lối chính sách hiện tại là không chính xác và không đáp ứng được thách thức. Thực tế, quan điểm của giới lãnh đạo có thể là bởi vì Trung Quốc mất quyền tiếp cận đáng tin cậy với công nghệ, thị trường và tài chính phương Tây, nên Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ưu tiên phát triển công nghệ trong nước và đạt được càng nhiều lợi thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu càng tốt.
Quan trọng hơn nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể chỉ ra một số bằng chứng cho thấy kế hoạch của họ đang hiệu quả – sự thống trị trong lĩnh vực xe điện và pin, hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, máy bay phản lực thương mại C919, một loạt các nền tảng internet rất phổ biến, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu, v.v.
Phần lớn những người cung cấp thông tin chọn quan điểm cuối cùng này. Họ tin rằng Tập Cận Bình có quan điểm mạnh mẽ về tầm quan trọng cốt yếu của việc kiểm soát các công nghệ tiên tiến, phục vụ cho cả nhu cầu kinh tế và chiến lược của Trung Quốc, và đang kiên quyết thực hiện tầm nhìn này. Do đó, chiến lược đầu tư đã chuyển dịch từ bất động sản sang sản xuất tiên tiến và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, Đảng cộng sản đối với các công nghệ mới nổi có thể vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa củng cố an ninh quốc gia. Trong khi một số người được hỏi nêu những lý do liên quan tới sự thiếu hiểu biết, yếu kém về mặt năng lực hoặc sự không quan tâm, đa số người được hỏi lại nhận thấy sự rõ ràng trong xác định mục tiêu và tính quyết đoán của lãnh đạo.
Tuy nhiên, những người ủng hộ lựa chọn "Ông ấy không đồng ý" lại chia thành hai phe. Hầu hết những người chọn lựa chọn này tin rằng lãnh đạo Trung Quốc đã phạm sai lầm chiến lược khi đi theo hướng ưu tiên tập trung hóa cao độ với chính sách phát triển công nghiệp ồ ạt và đặt cược quá nhiều vào việc kiểm soát các công nghệ của tương lai. Theo quan điểm này, việc quay lưng với tự do hóa và không đủ chú ý đến kinh tế hộ gia đình và tiêu dùng đồng nghĩa với năng suất thấp hơn, nợ cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và hơn nữa là căng thẳng gia tăng với các nền kinh tế tiên tiến khác.
Một nhóm nhỏ hơn ủng hộ lựa chọn này lại có phản ứng ngược lại. Thực tế, họ đồng ý với cách tiếp cận của lãnh đạo Trung Quốc và tin rằng những người chỉ trích là những người theo chủ nghĩa tân tự do phản đối một nhà nước tích cực theo bản năng và bỏ qua những dấu hiệu chính của tiến bộ công nghệ một cách không công bằng. Có lẽ không ngạc nhiên, một số người (mặc dù không phải tất cả) trong nhóm thứ hai này mà tôi biết đến đều làm việc trong các tổ chức nghiên cứu của chính phủ.
Những niềm tin này rất quan trọng. Nếu một trong hai lựa chọn đầu tiên – "Ông ấy không biết" hoặc "Ông ấy không biết phải làm gì" – là chính xác, thì con đường hiện tại là kết quả của những sai lầm không chủ ý, và tất cả những gì cần thiết để tạo ra sự thay đổi là cung cấp cho ban lãnh đạo thông tin tốt hơn và các kế hoạch hiệu quả hơn để giải quyết những khó khăn kinh tế của đất nước. Cách nhìn nhận vấn đề này từ bên ngoài Trung Quốc cũng quyết định cách tiếp cận của Trung Quốc về các vấn đề khác. Nó sẽ củng cố quan niệm của một số quan chức ở Washington rằng điều quan trọng đối với Tổng thống Joe Biden là phải có các cuộc đối thoại trực tiếp với Tập Cận Bình để đảm bảo ông ấy hiểu chính xác về chính sách đối ngoại của Mỹ về các vấn đề như Ukraine và Đài Loan.
Nhưng nếu Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác không quan tâm đến nền kinh tế hoặc không đồng ý với những lời chỉ trích, thì quỹ đạo hiện tại là kết quả của một kế hoạch có chủ ý, và các dữ liệu và báo cáo chính sách mới với các chiến lược thay thế sẽ không tạo ra nhiều khác biệt.
Rất có thể giới lãnh đạo sẽ chứng minh những người chỉ trích là sai lầm, nhưng nếu họ không làm vậy, thì có hai nguồn thay đổi tiềm năng. Đầu tiên sẽ là một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn tạo ra sự thay đổi về mặt chính trị : Giới lãnh đạo hiện tại có thể nhận ra những sai lầm của mình và thay đổi cách tiếp cận, một nhóm tinh hoa khác có thể tập hợp và thay thế nhóm hiện tại, hoặc, ít có khả năng xảy ra nhất, công chúng có thể nổi dậy phản đối và cố gắng lật đổ hoàn toàn Đảng cộng sản Trung Quốc. Mặc dù có thể có nhiều thứ đang diễn ra ngầm bên dưới bề mặt mà người ngoài không thể nhìn thấy, nhưng không có kịch bản nào trong số này có vẻ khả thi trong ngắn hạn và trung hạn.
Nguồn thay đổi thứ hai sẽ là việc giới lãnh đạo Trung Quốc đối mặt với một môi trường quốc tế ôn hòa hơn nhiều, nơi Mỹ và phương Tây nói chung, đưa ra những đảm bảo đáng tin cậy rằng họ trở lại thành một nhà cung cấp đáng tin cậy về công nghệ, thị trường và tài chính ; vô điều kiện công nhận tính hợp pháp của hệ thống độc tài của Đảng cộng sản Trung Quốc ; và chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông và Đài Loan. Nhưng khả năng thay đổi này xảy ra thậm chí còn nhỏ hơn bất kỳ kịch bản nào do nội bộ Trung Quốc thúc đẩy.
Một lý do khiến phương Tây khó có khả năng trở nên hợp tác hơn là vì các giám đốc điều hành và quan chức nước ngoài, khi được khảo sát ở cả trong và ngoài Trung Quốc, thường chọn "Ông ấy không đồng ý". Từ góc nhìn của các phòng họp và thủ đô nước ngoài, Tập Cận Bình dường như nắm toàn quyền kiểm soát chính trị và quyết tâm tiến tới chiến lược này, với bất kỳ điều chỉnh nào cũng chỉ là những thay đổi chiến thuật nhỏ để xoa dịu một cách tối thiểu các tiếng nói chỉ trích trong và ngoài nước. Do đó, họ tin rằng mình cần phải kiên định hơn, chứ không phải kém kiên định hơn trong việc bảo vệ lập trường của mình.
Mặc dù không mang tính khoa học, cuộc khảo sát không chính thức này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa một phần xã hội Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của họ cũng như giữa Bắc Kinh và các thủ đô khác trên thế giới. Điều đó có nghĩa là sẽ có rất ít cơ hội cho các hành động mới táo bạo – nhưng những mâu thuẫn giữa lãnh đạo và các quan điểm đối lập trong nước và quốc tế báo trước những căng thẳng và xung đột gay gắt hơn sắp tới.
Scott Kennedy là cố vấn cấp cao và Chủ tịch Ủy thác về Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Scott Kennedy
Nguyên tác : "Why Is Xi Not Fixing China’s Economy ?", Foreign Policy, 30/05/2024
Viên Đăng Huy biên dịch
Nguyễn Thế Phương hiệu đính
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 08/06/2024