Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/10/2024

Tập Cận Bình có thể sửa chữa nền kinh tế đang suy yếu ?

João da Silva

Khi Trung Quốc bước sang tuổi 75, liệu Tập Cận Bình có thể sửa chữa nền kinh tế đang suy yếu ?

Khi Trung Quốc bước vào Tuần lễ Vàng (từ ngày 1/10) và kỷ niệm 75 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đảng Cộng sản cầm quyền đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu.

trungquoc1

Các biện pháp kích thích đã làm bùng nổ thị trường chứng khoán nhưng các nhà kinh tế không chắc chắn rằng chúng có thể giải quyết được những vấn đề sâu xa hơn

Các kế hoạch bao gồm hỗ trợ cho ngành bất động sản đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, hỗ trợ thị trường chứng khoán, phát tiền mặt cho người nghèo và tăng chi tiêu của chính phủ.

Cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã ghi nhận mức tăng kỷ lục sau các thông báo trên.

Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng những chính sách này có thể không đủ để giải quyết các vấn đề kinh tế của Trung Quốc.

Một số biện pháp mới do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố vào ngày 24/9 đã nhằm trực tiếp vào thị trường chứng khoán đang suy yếu của đất nước.

Các công cụ mới bao gồm khoản tài trợ trị giá 800 tỷ nhân dân tệ (114 tỷ đô la) có thể được các công ty bảo hiểm, công ty môi giới và công ty quản lý tài sản vay để mua cổ phiếu.

Thống đốc PBOC Phan Công Thắng cũng cho biết ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ các công ty niêm yết muốn mua lại cổ phiếu của chính họ và công bố kế hoạch giảm chi phí đi vay, đồng thời cho phép các ngân hàng tăng cường cho vay.

Chỉ hai ngày sau thông báo của PBOC, ông Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp bất ngờ tập trung vào vấn đề kinh tế. Cuộc họp quy tụ các lãnh đạo hàng đầu của đất nước, được gọi là Bộ Chính trị.

Các quan chức đã hứa sẽ tăng cường chi tiêu chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Vào thứ Hai 30/9, một ngày trước khi Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ kéo dài một tuần, Chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã tăng hơn 8%, mức tăng tốt nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Diễn biến này chốt lại năm ngày tăng trưởng mạnh khi chỉ số này tăng vọt 20%.

Ngày hôm sau, khi các thị trường đóng cửa tại đại lục, Hang Seng tại Hong Kong đã tăng hơn 6%.

"Các nhà đầu tư rất thích các thông báo này", nhà phân tích Trung Quốc Bill Bishop nói.

Trong khi các nhà đầu tư có thể đã khui nút chai sâm panh, ông Tập còn nhiều vấn đề sâu xa hơn cần giải quyết.

trungquoc2

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm 75 năm thành lập có nghĩa là nó đã tồn tại lâu hơn nhà nước cộng sản lớn còn lại từng xuất hiện trong lịch sử - Liên Xô - vốn đã sụp đổ sau 74 năm kể từ khi thành lập.

"Tránh số phận của Liên Xô từ lâu đã là mối quan tâm chính của các nhà lãnh đạo Trung Quốc", Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, chia sẻ.

Điều quan trọng nhất trong tâm trí các quan chức là thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế nói chung trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng rằng nền kinh tế có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng hằng năm 5% của chính mình.

"Ở Trung Quốc, các mục tiêu phải được đáp ứng, bằng mọi cách cần thiết", Yuen Yuen Ang, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins, bình luận.

"Các nhà lãnh đạo lo ngại rằng việc không đạt được các mục tiêu này vào năm 2024 sẽ khiến tình trạng tăng trưởng chậm và lòng tin ngày càng lung lay trầm trọng hơn".

Một trong những lực cản chính đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là sự suy thoái của thị trường bất động sản trong nước vốn bắt đầu từ ba năm trước.

Bên cạnh các chính sách nhằm thúc đẩy cổ phiếu, gói kích thích mới được công bố cũng nhằm vào ngành bất động sản.

Gói này bao gồm các biện pháp tăng cho vay ngân hàng, cắt giảm lãi suất thế chấp và giảm mức tối thiểu của khoản thanh toán trước đối với người mua ngôi nhà thứ hai.

Nhưng có sự hoài nghi rằng những động thái như vậy liệu có đủ để vực dậy thị trường nhà ở.

"Những biện pháp đó được hoan nghênh nhưng không có khả năng thay đổi nhiều nếu chỉ thực hiện một cách đơn lẻ", Harry Murphy Cruise, một nhà kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính Moody's Analytics, nhận định.

"Điểm yếu của Trung Quốc bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng niềm tin, không phải khủng hoảng tín dụng ; các công ty và gia đình không muốn vay, bất kể việc vay có rẻ đến mức nào".

Tại phiên họp của Bộ Chính trị, các nhà lãnh đạo đã cam kết không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm lãi suất và khai thác các quỹ của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ngoài việc đặt ra các ưu tiên như ổn định thị trường bất động sản, hỗ trợ tiêu dùng và thúc đẩy việc làm, các quan chức đưa ra rất ít thông tin chi tiết về quy mô và phạm vi chi tiêu của chính phủ.

"Nếu gói kích thích tài khóa không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, các nhà đầu tư có thể sẽ thất vọng", Qian Wang, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại công ty tư vấn đầu tư Vanguard, cảnh báo.

"Ngoài ra, gói kích thích chính sách theo chu kỳ không giải quyết được các vấn đề về cấu trúc", bà Wang lưu ý, cho rằng nếu không có những cải cách sâu rộng hơn, các vấn đề mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt sẽ không biến mất.

Các nhà kinh tế coi việc giải quyết các vấn đề cố hữu trên thị trường bất động sản là chìa khóa để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế nói chung.

Bất động sản là khoản đầu tư lớn nhất mà hầu hết các gia đình sẽ thực hiện và giá nhà giảm đã góp phần làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng.

"Đảm bảo giao nhà đã bán trước nhưng chưa hoàn thiện sẽ là chìa khóa", theo Sophie Altermatt, chuyên gia kinh tế tại tập đoàn ngân hàng Julius Baer.

"Để tăng mức tiêu dùng trong nước một cách bền vững, hỗ trợ tài khóa cho thu nhập hộ gia đình cần vượt ra ngoài các khoản chuyển giao một lần và thay vào đó là thông qua các hệ thống lương hưu và an sinh xã hội được cải thiện".

trungquoc3

Evergrande, từng là một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã phá sản vào tháng 1/2024

Vào ngày kỷ niệm 75 năm thành lập nhà nước, một bài xã luận trên tờ báo do nhà nước kiểm soát Nhân dân Nhật báo với một giọng điệu lạc quan, thừa nhận rằng "mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, nhưng tương lai thì đầy hứa hẹn".

Theo bài báo, các khái niệm do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra như "phát triển chất lượng cao" và "lực lượng sản xuất mới" là chìa khóa để mở ra con đường hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Việc nhấn mạnh vào những ý tưởng đó phản ánh nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm chuyển đổi từ tăng trưởng nhanh trong quá khứ như đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng, sang phát triển một nền kinh tế cân bằng hơn dựa trên các ngành công nghiệp cao cấp.

Theo bà Ang, thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt là "nền kinh tế cũ và mới đan xen sâu sắc với nhau ; nếu nền kinh tế cũ suy thoái quá nhanh, chắc chắn sẽ cản trở sự trỗi dậy của nền kinh tế mới".

"Đây là điều mà giới lãnh đạo đã nhận ra và đang tìm cách giải quyết".

João da Silva

Nguồn : BBC, 04/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: João da Silva
Read 147 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)