Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/10/2024

Thiên tai và năng lực phản ứng

Trân Văn

1. Từ chuyện cầu Phong Châu

Bão Yagi và những đợt mưa, lũ, sạt lở kéo dài suốt từ đầu tháng 9 đến nay tiếp tục tô đậm những thắc mắc về viễn kiến, năng lực của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Nếu không hành động, chắc chắn giá phải trả sẽ càng ngày càng lớn...

thientai1

Chiếc cầu sập do lũ gây ra bởi bão Yagi ở tỉnh Phú Thọ, 9/9/2024.

Chưa đầy 48 giờ sau khi hoàn tất cầu phao nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ, Lữ đoàn Công binh 249 đã cắt cầu vì "mưa lớn, lũ trên sông Hồng lên nhanh, không thể bảo đảm an toàn" [1].

Cầu phao vừa đề cập được lắp đặt nhằm tạm thay cầu Phong Châu đã bị sập hai nhịp vào sáng 9/9/2024 khiến hàng chục người thiệt mạng. Bởi cầu Phong Châu giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối Hà Nội với khu vực Đông Bắc và ngược lại nên ngay sau khi cầu bị sập, giới hữu trách đã yêu cầu Bộ Quốc phòng khảo sát, lắp đặt cầu phao [2]. Tuy nhiên đến 30/9/2024 việc lắp đặt cầu phao mới hoàn tất. Lý do chậm trễ là vì "thời tiết và lưu lượng nước trên sông" chưa "cho phép".

Theo Quyết định 05/2020/QĐ-TTg, mực nước trên hệ thống sông ngòi tại Việt Nam được chia thành ba cấp (từ một đến ba) khi cần báo động về lũ [3]. Bởi "nước trên sông Hồng tại khu vực cầu Phong Châu đã rút xuống dưới mức báo động 1", năm ngày sau khi cầu Phong Châu sập, UBND tỉnh Phú Thọ gửi công văn thúc giục lực lượng vũ trang "triển khai phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích và xe cộ bị rơi xuống sông" nhưng quân đội vẫn không thể lắp đặt cầu phao với lý do như đã dẫn [4].

Những tình tiết liên quan đến việc lắp đặt cầu phao tạm thay cầu Phong Châu cho thấy, quân đội Việt Nam "có vấn đề" cả về năng lực lẫn phương tiện. Cứ vào Google, dùng các từ khóa như "ponton bridge" hay "floating bridge" ắt sẽ tìm được rất nhiều video clip ghi lại cảnh quân đội nhiều quốc gia trên thế giới có thể dễ dàng lắp đặt những cầu phao dài hơn, rộng hơn, trong hoàn cảnh khắc nghiệt hơn,... nhưng hiệu quả sử dụng với tăng, thiết giáp, đại bác tự hành, vận tải quân sự,... cao hơn nhiều.

Vì sao quân đội Việt Nam phải mất đến ba tuần mới có thể lắp đặt cầu phao tạm thay cầu Phong Châu với chiều dài chưa tới 190 mét và dù đã cấm các loại xe vận tải lưu thông nhưng cuối cùng vẫn phải chủ động cắt cầu do không an toàn ?

***

Cầu phao tạm thay cầu Phong Châu chỉ là một trong nhiều ví dụ liên quan đến sự hạn chế cả về năng lực điều động, phối hợp lẫn phương tiện của lực lượng vũ trang Việt Nam nhằm ứng phó hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp.

Mưa bão, lũ lụt kéo dài từ đầu tháng trước đến nay cho thấy, lực lượng vũ trang Việt Nam thiếu cả trang bị tối thiểu để bảo vệ cá nhân tham gia cứu nạn lẫn phương tiện thiết yếu để trợ giúp nạn dân. Bởi các cá nhân hữu trách chỉ quan tâm đến "biểu diễn" nên mới có những chuyện như thuộc cấp của tướng Phạm Hoàng Chương – Tư lệnh Quân khu 2 – hồn nhiên ghi lại và gửi lên mạng xã hội khoe việc ông đứng bên ngoài khu vực xảy ra thảm họa, dõng dạc chỉ đạo "sơ tán nhân dân ra khỏi vùng lũ" qua điện thoại di động.

Không may cho ông trung tướng nói riêng và quân đội nói chung là nhiều người sử dụng mạng xã hội phát giác ông tướng mũ mão chỉnh tề, bệ vệ chỉ đạo thuộc cấp mang "300 người vào đâu cũng phải hiệu quả" ấy vung vẩy cánh tay mang đồng hồ Rolex trị giá khoảng 300 ngàn Mỹ kim [5]. Sở dĩ phải lưu ý đến "tiểu tiết" này bởi nếu đặt nó bên cạnh một video clip khác cũng được đưa lên mạng xã hội vào thời điểm đó, hẳn sẽ thấy nhiều điều phải ngẫm nghĩ.

Hãy xem video clip ghi lại cảnh một nhóm quân nhân thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai chạy tới, chạy lui tìm cách cứu đồng đội đang ngăn sà lan không người điều khiển đâm vào trụ cầu Cốc Lếu thì bị hất văng xuống sông... Qua video clip dài 2 phút 17 giây, ai cũng thấy, sở dĩ người lính lâm nạn sống sót, không bị nước lũ cuốn xuống hạ lưu là nhờ đồng đội ngẫu nhiên nhặt được một cái "que" trên bờ (0 :30), may mắn là cái "que" đủ dài và đủ chắc chắn để anh níu nên mới được kéo lên bờ [6].

Không rõ ngân sách đã chi bao nhiêu cho các cuộc "diễn tập thực binh", hàng năm được tổ chức rầm rộ từ xã, huyện, tỉnh/thành phố đến quân khu để tạo ra những cái được quảng cáo là "khu vực phòng thủ" ? Vì sao sau vô số đợt "diễn tập thực binh", các "khu vực phòng thủ" từ địa phương đến trung ương cùng tê liệt, không biết phải làm thế nào để đối phó với những sà lan sau bão Yagi trôi từ Trung Quốc sang Việt Nam hết va vào cầu này thì đâm vào cầu khác ?

Công văn số 3290/UBND-NLN của chính quyền tỉnh Yên Bái gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vào ngày 9/9/2024, cấp báo có hai sà lan đứt neo đã vượt biên giới Việt – Trung, trôi qua tỉnh Lào Cai và sẽ vào Yên Bái trong khi ở tỉnh này có tám cây cầu bắc qua sông Thao, riêng cầu Yên Bái được xây dựng như cầu Phong Châu ở Phú Thọ nên "đề nghị giúp đỡ lực lượng, trang thiết bị để xử lý" chính là câu trả lời cả về năng lực quản trị lẫn điều hành cho phòng thủ theo đúng nghĩa của từ này [7] !

2. Thiếu khả năng tiên liệu

Ngoài những sự kiện khiến thiên hạ dở khóc, dở cười như cầu phao tạm thay cầu Phong Châu bị sập, hay chính quyền các tỉnh khu vực thượng lưu sông Hồng chỉ biết cấp báo và kêu gọi chính quyền trung ương hỗ trợ ứng phó với những phương tiện trôi giạt trong lũ, hoặc các thành viên thuộc lực lượng cứu nạn thiếu những trang bị tối thiểu để bảo vệ mình và cứu người,... như đã đề cập trong phần một, sự hạn chế về năng lực quản trị và điều hành trong thảm họa của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn cho thấy các viên chức hữu trách không có khả năng, thậm chí tệ hơn - không thể tiên liệu để chuẩn bị những giải pháp bảo vệ tính mạng, bảo toàn tài sản công dân.

thientai2

Nhân viên cứu hộ tại một vùng đất trùi tại một làng thuộc tỉnh Lào Cai sau bão Yagi, 12/9.

Cuối tháng 8/2024, các chuyên gia khí tượng – thủy văn ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã cảnh báo về tác động của bão Yagi đến Việt Nam. Các viên chức cao cấp đáp lại bằng hàng loạt mệnh lệnh, yêu cầu "khẩn trương, nghiêm khắc, không hối tiếc" [8]. Yêu cầu này được toàn bộ hệ thống từ trên xuống dưới lặp đi, lặp lại song... chỉ có thế mà thôi ! Gió lớn, mưa to đã lột trần thế nào là "nghiêm khắc" kiểu cộng sản. Ví dụ trồng cây là vùi cả bầu bọc kín rễ cây xuống đất trong khi thực trạng này đã từng tạo ra scandal sau một cơn giông lớn từ... 2015 [9]. Chính quyền chưa bao giờ "hối tiếc" nhưng dân chúng thì sao ? Họ có nên hối tiếc khi đóng thuế nuôi bộ máy hoạt động theo kiểu như vậy ?

Gió lớn, mưa to còn khiến kính của nhiều cao ốc là khách sạn, chung cư ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh,... "bay lả tả như lá cây" [10]. Đó là chưa kể nhiều căn hộ tuy nằm cao hơn mặt đất hàng chục mét vẫn bị nước, theo các kẽ hở, tràn vào [11]. Không ít video clip ghi lại cảnh vách kính phía trước một số căn hộ dập dềnh, chỉ chực rời ra, rớt xuống bởi tường quanh khung bao rách toạc [12]. Trên mạng xã hội, một số người am tường lĩnh vực kiến trúc và xây dựng bảo rằng, đó là hậu quả tất nhiên khi thiết kế, xây dựng không tính đúng, tính đủ về hiệu ứng Bernoulli nên chênh lệch áp suất giữa trong và ngoài làm nổ kính, thậm chí có thể cuốn mọi thứ ra ngoài [13].

Bên cạnh việc đặt ra đủ loại quy chuẩn liên quan đến nhà ở, đặc biệt là các cao ốc dùng làm nơi cư trú (Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, Quy chuẩn về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng, Quy chuẩn về an toàn sinh mạng và sức khoẻ, Quy chuẩn về an toàn cháy, Quy chuẩn về hệ thống cấp thoát nước ;...), chính quyền Việt Nam còn thiết lập một bộ máy từ trung ương đến địa phương để thẩm định, nâng lên đặt xuống chán chê rồi mới duyệt thiết kế, sau đó là giám sát thi công, săm soi đủ đường mới thừa nhận hoàn công. Chẳng lẽ bộ máy ấy chỉ nhận lương và đủ loại đãi ngộ, bởi "không hối tiếc" nên không cần chịu trách nhiệm khi duyệt, nghiệm thu những sai sót căn bản về kỹ thuật ?

Tương tự, phải hiểu thế nào là "khẩn trương" ứng phó khi chính quyền phát giác 115 cư dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai "mất tích" vẫn còn sống nhờ họ chủ động khảo sát địa hình, địa mạo rồi chủ động rời nơi cư trú trước khi xảy ra sạt lở [14]. Nếu thật sự nghiêm túc trong chuẩn bị ứng phó với thiên tai chắc chắn sẽ không có chuyện ngậm ngùi loan báo toàn bộ cư dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (128 người) đã bị đất đá vùi lấp khi lũ quét qua khu vực này hôm 10/9/2024 [15] và sau đó năm ngày thì hồ hởi thông báo về "kỳ tích" 29 người còn sống [16] bởi kịp thời chạy lên núi lánh nạn trước khi đất đá đổ xuống hoặc đi làm, đi học nên thoát chết.

Chính quyền và dân chúng - phía nào nên "hối tiếc" khi khả năng tàn phá của bão Yagi đã được dự đoán trước đó cả tuần nhưng sau khi bão quét qua, nhiều nạn dân và thân nhân của họ phải gửi lời kêu cứu lên mạng xã hội bởi bị mắc kẹt giữa biển nước, kiệt sức do đói khát, lạnh lẽo, bệnh tật. Bão, lũ, sạt lở vốn không phải tình huống hoàn toàn bất thường với dân chúng Việt Nam nhưng trong những ngày đầu tiên sau bão, thiên hạ chỉ thấy dân chúng nhiều vùng gom góp, vận chuyển thực phẩm, đặc biệt là các phương tiện cứu nạn như xuồng, ca nô đến những nơi bị lụt nặng [17]. Phía nào nên "hối tiếc" khi lực lượng vũ trang tham gia cứu nạn thiếu đủ thứ phương tiện cơ bản và thiết yếu ?

Bao giờ chính quyền thật sự "hối tiếc" khi đã dốc công quỹ vào tượng đài, cổng chào, những dự án vô bổ, những kế hoạch gia tăng năng lực trấn áp dân chúng và thiết giáp, các loại xe, các loại phương tiện chuyên dùng để chống bạo loạn, đàn ngựa của trung đoàn kỵ binh thuộc lực lượng cảnh sát cơ động,... nên không có phương tiện, trang bị cứu nạn dân gặp thiên tai. Chẳng lẽ chính quyền không hổ thẹn, "không hối tiếc" khi dân chúng góp 170 triệu để mua chiếc tàu mà một doanh nghiệp ở Quảng Bình cho Công an Yên Bái mượn sau khi nghe ông Vi Văn Hải (Thượng tá, Phó phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Cứu nạn cứu hộ của công an tỉnh này) bảo rằng, nhờ chiếc tàu vượt thác lũ rất tốt ấy mới cứu nạn được [18] ?

3. ‘Tâm’ và ‘tầm’ ở đâu ?

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thường tự quảng cáo về "tâm" và "tầm" nhưng hiện trạng kinh tế - xã hội cho thấy cả hai thứ nay đều là "xa xỉ phẩm" mà các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương hoặc không muốn sắm, hoặc không có khả năng để sắm cả hai ! Đó là lý do ngạn ngữ "mười voi không được bát nước xáo" luôn luôn đúng đến đau lòng, đặc biệt là khi xảy ra thiên tai, thảm nạn.

thientai1

Một cánh đồng lúa ngập nước tại Chương Mỹ, Hà Nội, 24/9.

Ngày 20/8/2024, hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt tuyên truyền về "Hội thao tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn đường không năm 2024" do quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức tại sân bay Hòa Lạc (Hà Nội) nhằm "kiểm tra trình độ, năng lực của phi công và lực lượng tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn đường không của các đơn vị trực thăng" [19].

Giống như các đợt "diễn tập thực binh" được tổ chức rầm rộ hàng năm từ xã, huyện, tỉnh/thành phố đến quân đoàn/quân khu, hội thao vừa đề cập cũng có sự góp mặt của tất cả các nhân vật "tai to, mặt lớn" đại diện chính phủ (Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn), đại diện quân đội chễm chệ ngồi nghe báo cáo, hứa hẹn quyết tâm, sau đó tuyên bố về thành công, tiến bộ...

Nếu các đợt "diễn tập thực binh" thường niên góp phần tạo ra một hệ thống khi hữu sự không biết làm gì với các phương tiện đường thủy lừng lững xuyên biên giới Việt Trung, dễ dàng vượt qua các tỉnh phía thượng lưu để xuống hạ lưu sông Hồng, có nguy cơ va vào các cây cầu trọng yếu [20] thì kết quả của "Hội thao tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn đường không năm 2024" cũng vậy !

Khoảng ba tuần sau hội thao, khi bão Yagi vừa quét qua khu vực Đông Bắc và để lại đổ nát, sạt lở khắp nơi, tạo ra vô số nạn dân kiệt sức vì đói khát, ướt át, lạnh lẽo, kêu cứu do bị cô lập ở những vị trí hiểm trở, bất chấp đề nghị nên sử dụng trực thăng cứu nạn của dân chúng, trực thăng của quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam và công an nhân dân Việt Nam vẫn "án binh bất động".

Đó cũng là lý do dư luận dậy lên thành bão bởi một tuần sau khi "trời yên, gió lặng", trực thăng của quân chủng Phòng không - Không quân mới xuất hiện ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng để dân chúng, trẻ con quàng khăn đỏ đổ đến xem "bộ đội cụ Hồ" dỡ khoảng trăm thùng mì gói, nước uống đóng chai từ trực thăng, xếp thành đống phía sau tấm bạt kẻ vẽ cẩn thận nhằm giới thiệu vật phẩm cứu trợ đã được mang đến bằng phương tiện cứu nạn hiện đại để chụp ảnh, quay phim phục vụ... công tác tuyên truyền [21] !

Chuyện sử dụng trực thăng cứu hộ - cứu nạn đã được nêu ra từ lâu, đặc biệt là khi xảy ra thiên tai, thảm nạn (bão lụt, cháy rừng,...) nhưng dường như hy vọng, sự mong đợi của công chúng chỉ tạo điều kiện cho quân đội nhân dân phóng tay tổ chức thêm các "hội thao tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn đường không" và công an nhân dân củng cố lập luận cần phải được đầu tư để thành lập trung đoàn trực thăng riêng !

Muốn đánh giá "tâm" và "tầm" của các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung và lực lượng vũ trang nói riêng, nên dành chút thời gian xem kỹ thông tin, hình ảnh về "hội thao" liên quan đến "tìm kiếm – cứu nạn đường không" diễn ra hồi tháng 8/2024. Làm sao hoạt động tìm kiếm – cứu nạn có thể có hiệu quả khi chỉ chú trọng đầu tư vào vài "đội tuyển" tập trung thi "lý thuyết, thao diễn chào mừng hội thao", phần "thực hành tìm kiếm – cứu nạn" chỉ có vài "vận động viên" níu dây tuột từ trực thăng xuống sông ? Khi nào thì tính mạng, tài sản của công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam quan trọng hơn những chuyện như "bay biểu diễn kéo cờ đảng, quốc kỳ" để "kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ" và quân đội nhân dân Việt Nam cũng tích cực điều động tới 11 trực thăng tham gia tập luyện, thực hiện một phi vụ [22] ?

***

Hình ảnh, thông tin về tình trạng thiếu thốn đủ thứ từ trang bị cá nhân cho những người tham gia tìm kiếm cứu nạn tới phương tiện tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng trong ứng phó thiên tai, thảm họa khiến kẻ viết bài này nhớ đến một đề nghị của quân đội Mỹ hồi giữa thập niên 2010. Sau khi quân đội Mỹ công bố ý định xây dựng hệ thống kho dự trữ quân cụ, quân nhu để có thể triển khai nhanh các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai tại khu vực Đông Nam Á nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng… một số quốc gia Đông Nam Á đã chủ động đề nghị quân đội Mỹ đặt hệ thống kho vừa đề cập trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên tướng Dennis Via, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiếp vận của Lục quân Mỹ vào thời điểm đó (2016) cho biết, quân đội Mỹ muốn xây dựng hệ thống kho này tại 2 quốc gia, trong đó có Việt Nam [23].

Khi ấy, một số nguồn thạo tin còn đề cập đến khả năng, nếu Việt Nam đồng ý, quân đội Mỹ sẽ thiết lập hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu cho các chiến dịch nhân đạo tại khu vực Đông Nam Á ở miền Trung Việt Nam. Sau tướng Via, tướng Robert Brown (Tư lệnh Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương từ 2016 đến 2019) tiếp tục lập lại ý định về việc thiết lập hệ thống kho dùng vào việc hỗ trợ nhân đạo song ông nói thêm rằng ngoài Việt Nam, có thể quân đội Mỹ sẽ xem xét thêm đề nghị xây dựng hệ thống này ở Malaysia, Bangladesh, hoặc Cambodia... Giống như tướng Via, tướng Brown giải thích tại sao quân đội Mỹ bận tâm về chuyện này : Đó là khu vực chắc chắn sẽ xảy ra những thảm họa. Kế hoạch này nhằm tư vấn, hỗ trợ cứu được nhiều mạng người nhất trong toàn khu vực [24] !

Tại sao quân đôi Mỹ đã xác định Việt Nam là địa điểm lý tưởng để xây dựng hệ thống cất trữ phương tiện, vật dụng dành riêng cho các chiến dịch nhân đạo và hợp tác Mỹ - Việt có vẻ càng ngày càng chặt chẽ nhưng ý tưởng vừa kể dường như chẳng đến đâu ? Câu trả lời nằm ở chỗ Việt Nam vẫn luôn phải "nhìn trước, ngó sau" và vẫn khăng khăng sẽ kiên định với "chính sách ba không" (Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác), rồi tăng thêm một "không" (không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) thành "chính sách bốn không", lúc phải đối đầu với thiên tai, thảm họa thì phát sinh thêm một "không" nữa là… "không có gì hết" !

4. Từ khai thác cát và rừng

Dẫu Yagi được xem là trận bão có cường độ mạnh chưa từng thấy trong 30 năm vừa qua, đồng thời có một số đặc điểm khác thường, chẳng hạn chỉ 24 giờ, cường độ tăng thêm tám cấp và suy giảm rất chậm nhưng xét cho đến cùng đó không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của cả cá nhân lẫn quốc gia.

thientai1

Chèo thuyền trong lụt sau bão Yagi tại làng An Lạc, Hà Nội, 13/9.

Các số liệu thống kê cho thấy, tuy Quảng Ninh và Hải Phòng – hai nơi đón bão đổ vào có nhiều căn nhà, ruộng vườn, công trình công cộng hư hỏng, 27 người chết, 1.100 người bị thương song những thiệt hại ấy vẫn chưa là gì so với tổn thất sau đó bởi mưa to, lũ lớn, sạt lở tại 24 tỉnh/thành phố khác, đặc biệt là khu vực cao nguyên miền Bắc khiến số người thiệt mạng và mất tích tăng thêm hơn 300, số người bị thương tăng thêm khoảng 1.000, tổng thiệt hại tài sản tăng thêm khoảng 46.000 tỉ (thiệt hại tài sản của Quảng Ninh và Hải Phòng chỉ trong khoảng 34.000 tỉ). Tổn thất do thiên tai dù khó tránh và khó lường nhưng ở Việt Nam rất nhiều tổn thất có thể phòng ngừa, hoặc giảm thiểu hậu quả.

Ví dụ sẽ không mất 895 tỉ để xây lại cầu Phong Châu ở Phú Thọ [25] nếu không cho phép khai thác cát vô tội vạ ở khu vực này, thậm chí khi tình trạng xói lở trở thành nghiêm trọng, lúc nước rút có thể thấy móng một số trụ cầu "lơ lửng" giữa đáy mới của sông và mặt cầu [26], dân chúng liên tục cảnh báo nhưng chính quyền tỉnh Phú Thọ vẫn không làm gì, chỉ hỏi xin và chờ tiền xây dựng cầu mới. Sau khi cầu Phong Châu sập, các viên chức hữu trách ở Phú Thọ bảo rằng tai nạn là do cầu yếu, đã xin nhưng Bộ Giao thông vận tải chưa cấp tiền, Bộ Giao thông vận tải biện bạch sở dĩ chưa cấp vì ngân sách eo hẹp [27]. Quản trị như thế thì bao nhiêu tiền mới đủ ?

Cũng liên quan đến quản trị và điều hành, giữa đợt lũ sau bão Yagi, thiên hạ choáng váng khi chứng kiến các phương tiện đường thủy trôi từ thượng lưu xuống hạ lưu, hết đâm vào cầu này [28] thì va vào cầu khác [29] nhưng không có bất kỳ ngành nào ở cấp nào ngăn chặn. Chắc chắn thiệt hại từ những vụ "đâm, va" ấy sẽ giảm đáng kể nếu các cầu, kể cả mới dựng, có hệ thống trụ chống va như cầu Long Biên mà người Pháp xây dựng hồi cuối thế kỷ 19 [30]. Vì sao mức độ hiểu biết về đặc điểm sông ngòi Việt Nam, ý thức trách nhiệm về hiệu quả, mức độ an toàn của công trình công cộng nơi viên chức "chính quyền thực dân" lại vượt xa "công bộc" của "chính quyền nhân dân" ?

***

Cho dù lũ lụt, sạt lở sau bão Yagi khiến nhiều người sửng sốt, choáng váng [31] nhưng trong thực tế, điều này đã trở thành bình thường tại Việt Nam và ai cũng biết đó là hậu quả của việc phá rừng, phê duyệt các loại quy hoạch vừa thiếu kiến thức, vừa đầy gian ý, bất chấp hậu quả !

Vì sao trong hai thập niên vừa qua, lũ quét, sạt lở cả ở rừng núi lẫn bờ, sông, bờ biển tại Việt Nam càng ngày càng trầm trọng ? Nếu chịu khó đối chiếu, hẳn sẽ thấy tình trạng ấy xuất hiện sau khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hăm hở thực hiện "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Điều đáng nói là cho dù hậu quả càng ngày càng tàn khốc nhưng các viên chức hữu trách lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn tiếp tục gạt bỏ khuyến cáo của các chuyên gia, vẫn hành xử theo kiểu "sống chết mặc bay", lối hành xử này cho thấy, với họ, tính mạng, tài sản công dân luôn là "chuyện nhỏ" !

Năm 2012, một số chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bắt đầu thực hiện Dự án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam" để xác lập hai loại bản đồ : Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đai. Tuy nhiên những Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đai ở 15 tỉnh miền Bắc Việt Nam, đã có từ giữa thập niên 2010 [32] hoàn toàn vô nghĩa. Không phải tự nhiên những chuyên gia vừa kể nhiều lần nhắc rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu các vùng nguy cơ, hệ thống quan trắc sẽ chẳng đến đâu nếu chính quyền không bận tâm.

Các chuyên gia địa chất cũng đã từng đề cập đến việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động mà theo ước đoán của họ, trị giá khoảng vài trăm triệu Mỹ kim song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cùng không màng, dẫu chi tiêu cho hệ thống này chẳng thấm vào đâu so với các khoản đã chi cho hệ thống cổng chào, tượng đài, nhà hát, quảng trường ! Đầu năm 2019, loạt bài do Tin Tức thuộc Thông tấn xã Việt Nam thực hiện về thực trạng sạt lở ở Việt Nam cho thấy không màng là trở ngại lớn nhất đối với phòng ngừa thảm họa. Vào thời điểm đó, các chuyên gia đã lưu ý, ngay cả khi có đầy đủ cơ sở dữ liệu và hệ thống quan trắc tự động mà không màng thì cũng… vô nghĩa.

Hãy dành thời gian dùng link [33] bên dưới bài viết này xem loạt bài mà Tin Tức thực hiện hồi đầu năm 2019. Trong bài 1 của loạt bài, các chuyên gia có đề cập đến Xín Mần ở Hà Giang như một ví dụ về "cảnh báo đỏ", bởi "các khối trượt đã hình thành". Sau đó hãy dùng Google với từ khóa là "Xín Mần+sạt lở" để xem từ đó đến nay đã có bao nhiêu dân lành uổng mạng, bao nhiêu tài sản cá nhân và công trình công cộng đã bị vùi lấp. Tương tự, hãy dành thời gian dùng link [34] bên dưới bài này để xem cảnh báo từ 2016 về trượt lở tại Lào Cai và hãy đối chiếu các địa danh được cảnh báo cách nay tám năm ắt sẽ nhận ra thảm nạn sau bão Yagi ở Lào Cai là từ đâu.

Giành, giữ độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu như đã biết và đang thấy thì cần thêm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu của dân lành ? Thiệt hại do bão Yagi được ước đoán khoảng 81.000 tỉ. Ai gánh những thiệt hại đó và vô số những thiệt hại cả tinh thần lẫn vật chất khác ?

Trân Văn

Nguồn : VOA, 09/10/2024

Chú thích :

[1] https://tuoitre.vn/tam-dung-giao-thong-qua-cau-phao-phong-chau-2024100119032031.htm

[2] https://thanhnien.vn/quan-doi-se-lap-cau-phao-gan-cau-phong-chau-185240910130217323.htm

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-05-2020-QD-TTg-muc-nuoc-tuong-ung-voi-cac-cap-bao-dong-lu-tren-song-pham-vi-ca-nuoc-433671.aspx

[4] https://vtv.vn/xa-hoi/lap-dat-cau-phao-thay-the-cau-phong-chau-trong-thoi-gian-ngan-nhat-20240915105621213.htm

[5] https://xamvn.tech/r/nong-nhat-trung-tuong-pham-hong-chuong-tu-lenh-quan-khu-2-deo-dong-ho-rolex-gan-300-000-usd-khoe-khoang-voi-ba-con-ngheo-vung-lu-lut-roi-cuoi-ha-he.1162650/

[6] https://www.facebook.com/SamNgocLinh/videos/3803634746579521/

[7] https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/posts/2572060029850419/

[8] https://vnexpress.net/pho-thu-tuong-chong-bao-voi-tinh-than-nghiem-khac-khong-hoi-tiec-4789442.html

[9] https://vietnamnet.vn/trong-cay-boc-nilon-dan-nghi-ngo-y-thuc-trach-nhiem-248857.html

[10] https://www.baogiaothong.vn/bao-so-3-yagi-do-bo-nhieu-cao-oc-kinh-bay-la-ta-nhu-la-cay-192240907184942245.htm

[11] https://www.youtube.com/watch ?v=UlH5NDYZz2c

[12] https://www.facebook.com/VuAnhNguyen010980/videos/1982117922214366

[13] https://www.facebook.com/Thong.Vo.Van.1972/posts/pfbid023XDgdG655oxiMMEHD4VVdQc4WBpCX3hTRkogkWYrMQLG2DN9C891XoecovajApYpl

[14] https://vietnamnet.vn/thay-nguy-co-sat-lo-dat-truong-thon-dua-115-nguoi-len-len-nui-lanh-nan-an-toan-2321501.html

[15] https://baolaocai.vn/lu-quet-kinh-hoang-tai-xa-phuc-khanh-bao-yen-post389941.html

[16] https://baophapluat.vn/them-18-nguoi-mat-tich-tai-lang-nu-duoc-xac-minh-con-song-post525498.html

[17] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid031vPZmmfUYBsRyAds8zh2GvNrt6e5pFDKwPnqwvBvv9TNLPf6dmvuP74uKDa8pcBFl&id=100000176827961

[18] https://www.facebook.com/son.ho.9237/posts/pfbid0njGHssFVyRyQZY12h59gGW25LoyQex6FhwMicwJ8Njm4Putp8d3FRQACC9tZoVuul

[19] https://dantri.com.vn/xa-hoi/luc-luong-phong-khong-khong-quan-nhay-du-tim-kiem-cuu-nan-20240820133244875.htm

[20] https://thegioianh.diendandoanhnghiep.vn/nguy-co-kho-luong-tu-2-tau-xa-lan-troi-dat-tu-trung-quoc-ve-dia-phan-viet-nam/

[21] https://www.facebook.com/ludoanphaobinh675/videos/1492151288330923

[22] https://nhandan.vn/anh-truc-thang-mang-co-dang-co-to-quoc-rop-troi-dien-bien-ngay-tong-duyet-post807926.html

[23] https://thediplomat.com/2016/03/deterring-china-us-army-to-stockpile-equipment-in-cambodia-and-vietnam/

[24] https://www.armytimes.com/pay-benefits/military-benefits/2016/08/25/army-grows-pacific-pathways-ties-with-asian-partners/

[25] https://thanhnien.vn/phu-tho-de-nghi-xay-cau-phong-chau-moi-kinh-phi-865-ti-dong-185240914134030819.htm

[26] https://www.facebook.com/TrungNgo76/posts/pfbid0YQwVrDe7RCtWMb2hjCr5NHHyfNK6K1wF7ECdCP3hm9sPVtpX9UmZB9Wr1fYev5Jpl

[27] https://tuoitre.vn/cau-phong-chau-da-sua-3-lan-truoc-khi-bi-sap-cu-tri-tung-de-nghi-nang-cap-20240909152307771.htm

[28] https://www.facebook.com/trungblao/videos/1373050616984728

[29] https://www.facebook.com/nguyen.anhquy.796/videos/1037116257658138/

[30] https://www.facebook.com/susu.l0ve/posts/pfbid09FEWcuzHWUcJd6jdHQFjSf8vm9xP1kCcYth6pHe7KPFqs13G3PHUNmjGUgV15yofl

[31] https://www.facebook.com/thanhhang1501/posts/pfbid05CRp6yLGbRAPPNnU4HUdxvH3MPbhrdynTFJWbYbitEzWF2goJKyBSTZkUs9dCr3wl

[32] https://vtv.vn/trong-nuoc/hoan-thanh-ban-do-truot-lo-dat-da-tai-15-tinh-mien-nui-phia-bac-20170925073343964.htm

[33] https://baotintuc.vn/xa-hoi/sat-lo-dat-o-viet-nam-bai-1-thuc-trang-va-thach-thuc-20190206152108633.htm

[34] https://www.vietnamplus.vn/ban-do-phan-vung-canh-bao-nguy-co-truot-lo-dat-da-tai-lao-cai-post415970.vnp

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trân Văn
Read 108 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)