Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Không tính đại dịch Covid-19, bão tuyết tại Texas là thiên tai đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Tổng thống Joe Biden, người cần chứng tỏ là một cấp lãnh đạo quốc gia như thế nào trong tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đây là cơ hội và một phép thử để người dân thấy được ông quan tâm đến họ ra sao, cũng như khả năng đối phó của ông và nội các thế nào.

thientai1

Trump có sang Puerto Rico nhưng các tường trình cùng những số liệu điều tra cho thấy ông và FEMA đã không đối xử Puerto Rico đầy ưu ái như với Texas.

Trong khi nhậm chức chưa đầy một tháng, giới chính khách Cộng hòa tại Texas đã dùng chính thiên tai ngay tại tiểu bang và trong trách nhiệm của mình để đổ lỗi cho Tổng thống Joe Biden. Còn những người chống đối ông thì lập tức lên tiếng chỉ trích, xem như ông là người chịu trách nhiệm cho thiên tai mà chính sách và cách vận hành của tiểu bang mình thiếu chuẩn bị nên đã dẫn đến tình trạng vừa qua. Cảm xúc cùng sự phân cực đảng phái luôn mang đến hai thái cực của nhìn nhận, bất kể sự thật thế nào.

Các tình trạng khẩn cấp quốc gia hay thiên tai nói riêng là một phép thử của bất cứ đời tổng thống nào khi mỗi người có các phản ứng, biện pháp và hành xử khác nhau. Vậy thì hãy điểm lại vài thái độ và đối phó của Tổng thống Donald Trump và Joe Biden trong hai nhiệm kỳ để thấy rõ hơn Tổng thống Biden đã ứng phó ra sao ?

Đợt bão Harvey vào tháng 8 năm 2017 theo sau là các trận bão Irma, rồi Maria có thể xem là thiên tai đầu tiên mà Trump cùng nội các của ông đối diện. Phản ứng của Trump cùng Cơ quan quản trị và ứng phó thiên tai liên bang (Federal Emergency Management Agency – FEMA) được xem là nhanh chóng và tối đa với tiểu bang Texas gặp nạn. Trump cùng phu nhân đã hai lần bay sang Houston ủy lạo ngay sau các trận bão.

Đây là cuộc trắc nghiệm đầu tiên cùng phản ứng đáng ghi nhận của Donald Trump trước thiên tai, nếu như ông cũng có cùng thái độ này với Puerto Rico, lãnh thổ của Hoa Kỳ bị thiệt hại nặng nề hơn cả Texas trong đợt bão. Trump có sang Puerto Rico nhưng các tường trình cùng những số liệu điều tra cho thấy ông và FEMA đã không đối xử Puerto Rico đầy ưu ái như với Texas. Không những vậy, Trump còn lên Twitter đổ lỗi, chỉ trích qua lại với giới chính quyền sở tại Puerto Rico, hăm dọa cắt bỏ viện trợ.

Hãy tạm xem Puerto Rico không quan trọng và không là "con ruột" của nước Mỹ, nhưng với các tiểu bang Dân chủ như California và New York thì sao ?

thientai2

Trump bị chỉ trích đã im lặng quá lâu trước các vụ cháy rừng ở California lại còn đổ lỗi cho giới chức California không biết cách quản trị nên để xảy ra các vụ cháy rừng, gây ra thiệt hại to lớn.

Các vụ cháy rừng nguy hiểm và thiệt hại nặng nề tại California trong nhiệm kỳ Donald Trump đã bị xảy ra thường xuyên hơn. Dù vậy, Trump không ghé đến ủy lạo California cho đến tận năm thứ nhì và cũng chỉ ở lại dưới 24 tiếng. Tháng Chín năm 2020 Trump lại ghé qua California trong một chuyến vận động tranh cử tại các tiểu bang lân cận, sau khi bị chỉ trích đã im lặng quá lâu trước các vụ cháy rừng tại đây. Trump đổ lỗi cho giới chức California không biết cách quản trị nên để xảy ra các vụ cháy rừng, gây ra thiệt hại to lớn. Trump cũng lên tiếng hăm dọa cắt bỏ các ngân khoản hay tài trợ liên bang cho California sau các khẩu chiến qua lại.

Cũng vậy, với New York, nơi gia đình Trump sinh ra và lớn lên, rồi tạo dựng sản nghiệp của mình tại đây cũng bị Trump đối xử hoàn toàn khác biệt so với các tiểu bang Cộng hòa hay đã bỏ phiếu cho mình khi trở thành Tổng thống. Trong suốt bốn năm cầm quyền, Trump không ngừng tấn công New York cùng giới lãnh đạo tiểu bang này, bị xem là người phản bội lại New York.

Trong đại dịch Covid-19, New York là tiểu bang bị Trump tấn công và hăm dọa nhiều nhất giữa lúc tiểu bang này bị đại dịch tấn công nặng nề ngay từ những ngày đầu tiên. Trump không thăm New York khi đại dịch đã giết chết vài chục ngàn người Mỹ tại đây. Trump chỉ trích giới lãnh đạo và bịnh viện giấu bớt máy thở, đóng cửa thành phố. Cho đến cuối năm qua, Trump còn hăm dọa sẽ không cung cấp thuốc chủng ngừa Covid cho New York.

Với Donald Trump, tiểu bang xanh-đỏ có những làn ranh rõ ràng. Việc điều hành quốc gia và đối xử với người dân dựa trên những thương ghét cá nhân, dùng để trừng phạt hay tặng thưởng, thay vì trong vị trí và vai trò người đứng đầu cả quốc gia.

Còn với Tổng thống Joe Biden thì sao ? Còn quá sớm để có thể nhận xét nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Nhưng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong ngày đầu tiên Texas bị rơi vào cơn bão tuyết đã cho thấy ông đang làm theo cam kết tranh cử của mình : là Tổng thống nước Mỹ, bất kể bang xanh hay đỏ, bất kể người ủng hộ hay chống đối ông.

thientai3

Ngay trong ngày đầu tiên Texas bị rơi vào cơn bão tuyết, Tổng thống Joe Biden ban bố tình trạng khẩn cấp trong khi Thống đốc tiểu bang Ted Cruz bỏ đi nghỉ mát ở Cancun Mexico.

Không tranh cãi, bào chữa trước những chỉ trích vô lý của giới chức tiểu bang này, ông đã ra lịnh không chỉ cho cơ quan FEMA mà cả Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh, Bộ Gia cư, Bộ Canh nông và Bộ Quốc phòng giúp đỡ Texas trong thiên tai này. Các máy phát điện, mùng mền, thực phẩm, nước uống... đã được chuyển cho Texas, cũng như gói cứu trợ cá nhân và cho tiểu bang sẽ chi tiết hơn một khi được công bố. Tổng thống Biden cũng vừa chuẩn thuận tình trạng đại thiên tai (major disaster declaration) bên cạnh tình trạng khẩn cấp hồi tuần trước nhằm giúp cho người dân và tiểu bang Texas nhiều hơn.

Hai tổng thống, hai cung cách điều hành quốc gia và thái độ trước thiên tai nước Mỹ khác nhau. Đến tận nơi ủy lạo cũng là hình thức ủng hộ tinh thần đáng quý nhưng thái độ quan tâm, sự giúp đỡ tức thời và thiết thực là điều quan trọng và cần thiết lúc này. Giữa những tai ương quốc gia, của người dân, không có những chỉ trích, tấn công qua lại giữa cấp lãnh đạo liên bang và tiểu bang mà chỉ có những cam kết giúp đỡ tối đa đã là điều hoàn toàn khác biệt.

Nếu những cảm nhận thông thường không biến thành một thứ trí tuệ vượt bậc nơi một số người như hiện nay, có lẽ chẳng mấy khó khăn để nhận ra những khác biệt giữa hai nhiệm kỳ tổng thống như vậy. Nhưng bất luận có những cố gắng phủ nhận sự thật thế nào, khó có thể cho rằng Tổng thống Joe Biden đã thất bại trong phép thử đầu tiên này.

Nhã Duy

(21/02/2021)

Published in Diễn đàn

Đã gọi là thiên tai thì sao lại là ‘chống’ ?

Ở Việt Nam có một cơ quan hành chính mang tên Tổng cục Phòng, chống thiên tai, là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai, đê điều trong phạm vi cả nước ; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

thientai1

Gọi là "thiên tai", vậy thì cần làm thế nào để có thể "chống", bởi người ta chỉ có thể chủ động chống ‘nhân tai’, và có thể làm giảm nhẹ hậu quả do thiên tai mang lại.

Tổng cục Phòng, chống thiên tai có một tổ chức trực thuộc mang tên Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng. Vụ này có chức năng tham mưu, tổng hợp giúp Tổng Cục trưởng quản lý nhà nước về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và truyền thông về phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục.

Trên thực tế, thì ở đây tên gọi phù hợp cần có là "Quản trị thiên tai". Theo đó, quá trình quản lý rủi ro thiên tai gồm ba giai đoạn chính : 

Thứ nhất, phòng ngừa. Các hoạt động chuẩn bị được tiến hành trước khi thiên tai xảy ra ; 

Thứ hai, ứng phó. Những hoạt động tiến hành trong khi thiên tai xảy ra bao gồm cả công tác cứu trợ ; 

Thứ ba, khắc phục hậu quả. Các hoạt động tiến hành sau khi thiên tai xảy ra.

Thực chất thì quản lý thiên tai không chỉ bao gồm ứng phó và giảm nhẹ thiên tai. Đây là một quá trình mang tính hệ thống nhằm giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực và các hậu quả do thiên tai gây ra, với mục đích : Giảm thiểu tổn thất thông qua công tác chuẩn bị và ứng phó hiệu quả ; Làm cho việc phục hồi hiệu quả và bền vững hơn.

Với tâm thế "Quản trị thiên tai" nên ở Trung Quốc đã lập hẳn "Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp" (MEM) được coi là một "siêu bộ" trong Quốc vụ viện Trung Quốc (bộ trưởng hiện là ông Vương Ngọc Phổ, người Liêu Ninh), với nguồn lực và quyền lực tập hợp từ 13 cơ quan thuộc các bộ khác nhau trước đó.

Chức năng quyền hạn của MEM ghi rõ, bộ có quyền "xử lý và làm rõ mối quan hệ giữa ứng phó và giảm nhẹ thiên tai", và "chỉ huy công tác giảm nhẹ thiên tai trong hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán, động đất, và các thiên tai khác". Bộ cũng sẽ có quyền hạn xem xét các rủi ro mang tính tương thuộc của thiên tai trong một tầm nhìn dài hạn, điều luôn tối quan trọng với công tác ứng phó thiên tai, do hầu như không có thảm họa tự nhiên nào xảy ra đơn lẻ : "họa vô đơn chí".

Theo kết quả tổng kết thiệt hại đầu tháng 9 – 2020 của Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, lũ đã tràn về 28 tỉnh thành, với hơn 70 triệu người bị ảnh hưởng và gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp là hơn 214 tỉ nhân dân tệ (CNY - 1 nhân dân tệ = 3.500 đồng). Số người dân phải di dời tăng 47,3% so với trung bình 5 năm gần nhất, lên đến gần 4,7 triệu người, song số tử vong giảm 49,8%, với 271 người chết và mất tích.

Ngay từ năm 1998, Sách trắng quốc phòng Trung Quốc đã nhấn mạnh nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và ứng phó thiên tai như một trụ cột của quân đội. Theo đó, PLA (Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc) có trách nhiệm "giải cứu và sơ tán dân chúng mắc kẹt vì thiên tai ; đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạ tầng quan trọng ; bảo đảm tài sản và trang thiết bị ; tham gia vào các chiến dịch đặc biệt như sửa chữa cầu, đường, hầm khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn trên biển, kiểm soát dịch bệnh, và hỗ trợ y tế ; loại bỏ và kiểm soát các mối đe dọa lớn ; và hỗ trợ chính quyền địa phương tái thiết hậu thiên tai".

Các chiến dịch quân sự không phục vụ chiến tranh được quy định thành trách nhiệm bắt buộc với PLA, và đưa vào đánh giá năng lực tác chiến. PLA cũng đã điều chỉnh chương trình huấn luyện, cơ chế chỉ huy – mệnh lệnh và quy trình triển khai quân tương ứng theo đó, tăng cường chuyên môn ứng phó thiên tai cho các lực lượng chuyên trách, và đẩy mạnh những hoạt động nhân đạo/đối phó thiên tai.

Như vậy, ngay cả quân đội như PLA cũng không tâm thế "chống" như Việt Nam, mà đó là biết "ứng phó" theo những nguyên tắc quản trị thiên tai chung : "phòng" để "tránh", chứ không phải để "chống" !

Con người không thể ngăn chặn thiên tai, nhưng có thể ngăn nó biến thành một thảm họa, bằng cách giảm thiểu tác động, nghiên cứu về nguy cơ, hợp tác với nhau, xem xét các chính sách và giúp cộng đồng có khả năng chống chọi tốt hơn ; tăng cường đầu tư, quy hoạch đô thị tốt hơn, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức khoa học, giáo dục, sự tham gia của cộng đồng… sẽ giúp cứu sống nhiều sinh mạng và tiết kiệm tiền bạc.

Nói cách khác, việc xây dựng hệ thống quản lý tốt rủi ro thiên tai sẽ góp phần bảo đảm một tương lai thịnh vượng và an toàn. Đây chính là điều mà "Đảng – Nhà nước" của Việt Nam cần cầu thị để có những thay đổi thích hợp trong quản trị quốc gia.

Khánh Hòa

Nguồn : VNTB, 03/11/2020

**********************

Khi nào thì thủy điện gây thêm lũ ?

Hiền Vương, VNTB, 03/11/2020

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết vừa qua, hồ thủy điện Đắk Mi 4 với dung tích lớn đã giúp điều tiết, cắt lũ cho khu vực hạ du trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua ở miền Trung.

thuydien3

Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ sáng 2/11 - Ảnh : B.D.

Ngày 2/11, tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đề cập đến vấn đề quản lý an toàn, vận hành hồ chứa thủy điện.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh thay đổi thời tiết, biến đổi khí hậu với tính dị thường và cực đoan ngày càng lớn, chúng ta đã chứng kiến những cơn bão liên tục đổ bộ vào miền Trung, kèm theo đó là lượng mưa lớn và kéo dài.

"Do đó, việc ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và và bão lụt, bảo đảm an toàn của hồ thủy điện, hồ chứa nước, hồ thủy lợi là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của Chính phủ với các bộ ngành" – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dẫn báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương để nói về tính dị thường và cực đoan của thời tiết. Theo đó, tại miền Trung có khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000 mm thậm chí 3.000 mm.

"Với thời gian lưu bão lâu và lượng mưa lớn, liên tục tại khu vực miền Trung, trong khi đây là khu vực địa chất yếu dẫn đến hiện tượng đất lở, sụt lở gây tai nạn rất thương tâm như tại Rào Trăng 3, Trà Leng…" – lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá.

Vậy thì khi nào thủy điện xả nước sẽ gây thêm lũ lụt ở miền Trung mùa mưa bão ?

Chia sẻ về quy hoạch và vận hành thủy điện nhỏ và vừa trên các hệ thống sông ở miền Trung và Tây Nguyên, Tiến sĩ Tô Văn Trường – chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, biện giải : "Khu vực miền Trung với điều kiện tự nhiên mưa lũ lớn, lại có địa hình lòng sông hẹp và độ dốc dọc lớn, qua nghiên cứu cho thấy việc xây dựng các hồ chứa để chống lũ lớn là rất khó khăn do phải xây dựng đập rất cao, không khả thi về kinh tế và tác động tiêu cực lớn đối với môi trường – xã hội".

Tiến sĩ Tô Văn Trường cho biết. đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ, do chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn với dung tích hồ chứa rất nhỏ nên hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể.

Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu cho rằng trên thực tế, thông qua việc xây dựng thủy điện nhỏ có tiềm ẩn tình trạng lợi dụng việc phá rừng xây thủy điện để khai thác gỗ. Thủy điện nhỏ là thuộc địa phương quản lý nên việc kiểm tra cũng phụ thuộc vào địa phương nên khi làm thủy điện nhỏ, người ta còn nghĩ đến việc lấy thêm rừng.

"Quy hoạch năng lượng thủy điện khoảng 25.500 MW, trong khi các nhà máy đang vận hành đã sản xuất được 18.500 MW ; dự kiến 143 dự án đang triển khai có công suất khoảng 1.800 MW. Như vậy, còn khoảng 5.000 MW trong quy hoạch – đây rõ ràng là con số quá nhỏ và chúng ta hoàn toàn có thể thay thế được từ nguồn năng lượng khác thay vì hướng vào thủy điện" – ông Chu phân tích.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Trần Hồng Hà có ý kiến mang tính trung dung : "Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nói về vấn đề này. Quan điểm của Bộ Tài nguyên và môi trường là đối với các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào thiết kế nó mới đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu.

Như các nhà máy thủy điện lớn hiện nay giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn còn những thủy điện nhỏ thì không đáp ứng được yêu cầu đó. Như vậy, các nhà máy thủy điện phải tuân thủ quy chế về điều tiết, đảm bảo an toàn.

Ở góc độ Bộ Tài nguyên và môi trường thì thủy điện bao giờ cũng có 2 mặt. Chúng ta không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ. Chúng ta đã giảm được trên 400 các thủy điện nhỏ trong thời gian vừa qua. Quốc hội đã khóa XIII thảo luận, Bộ Tài nguyên và môi trường và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm thủy điện nhỏ. Trong thời gian sắp tới, chúng ta hết sức thận trọng khi xây các thủy điện con".

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra : thế nào là thủy điện nhỏ ?

Mặc dù, chưa có sự thống nhất chung quốc tế về định nghĩa thế nào là thủy điện quy mô nhỏ. Ở Canada, thủy điện nhỏ được xác định từ 20 – 15 MW, ở Mỹ và Việt Nam là dưới 30 MW, nhưng phần lớn các nước trên thế giới định nghĩa thủy điện nhỏ có công suất lắp máy là 10 MW.

Đáng chú ý, các nước trên thế giới hiện nay xem thủy điện nhỏ như một dạng năng lượng sạch. Nguyên nhân là do những công trình này được xây dựng trên các sông suối nhỏ ở vùng núi, chỉ có các đập chắn nhỏ, không tạo nên các hồ chứa, không làm ngập đất đai, không làm thay đổi sinh thái dòng sông, không phải di dân, tái định cư, không phá rừng hoặc rất ít tác động đến rừng.

Đại diện Bộ Công thương nhìn nhận ở Việt Nam, đa số nhà máy thủy điện nhỏ nhưng được xây dựng trên sông suối những con đập cao, tạo nên hồ chứa lớn để tận dụng, tăng công suất phát điện. Do vậy các công trình này dù nhỏ nhưng vẫn đang lấy đi rất nhiều diện tích rừng, và gây ra những tác động xấu đến môi trường. Điều này hoàn toàn trái với tiêu chí của một thủy điện nhỏ được xem là một dạng năng lượng sạch như các nước trên thế giới.

Đơn cử như thủy điện Rào Trăng 3, công suất 11 MW, về sau thay đổi thiết kế, nâng công suất lắp máy lên 13 MW, dự án đã được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2019, diện tích đất sử dụng là hơn 46 ha, trong đó có nhiều diện tích là rừng.

Hay thủy điện nhỏ Hố Hô (14 MW tại giáp ranh Quảng Bình – Hà Tĩnh). Dự án được xây ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu, khống chế diện tích lưu vực 278,6 km2, có đập cao đến 49m, hồ chứa có diện tích 265,26 ha, dung tích 38 triệu m3.

Trong lúc đó thì địa chất Miền Trung là đất yếu. Khi mưa lớn thì nguy cơ trượt đất, sạt lở rất cao. Bình thường đã như thế rồi, khi có tác động san đất, xẻ núi, làm đường, xây dựng, đặc biệt là các công trình thủy điện thì lại càng tác động đến kết cấu địa hình, nguy cơ càng lớn hơn.

thuydien4

Rừng bị lấy đi quá nhiều cũng là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Theo nhiều chuyên gia, thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng rừng bị mất đi khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn còn do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.

Những ngày này, người dân miền Trung gồng mình chống chọi với những đợt mưa lũ lịch sử liên tiếp, đã chịu thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản. Nguyên nhân chính được lý giải là bởi thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường. Nhưng đâu chỉ có thế ! Hàng loạt thủy điện nhỏ xả lũ cấp tập, khiến những dòng nước cuồn cuộn thêm xiết, cuốn phăng mọi thứ trên đường từ thượng nguồn đổ về hạ du.

Điều này cần được giải quyết một cách căn cơ chứ không thể dừng lại ở nội dung của những phiên họp hành ‘rút kinh nghiệm’.

Trên thực tế, thủy điện nhỏ vẫn đang mọc tràn lan. Theo kết quả rà soát, đến nay, số lượng thủy điện nhỏ đã đưa vào vận hành phát điện là 342 công trình (tổng công suất 3.582MW), số lượng đang tiếp tục được thi công xây dựng là 158 dự án (2.122MW) ; khoảng 300 dự án (3.121MW) đang được nghiên cứu đầu tư ; chưa nghiên cứu đầu tư là 69 dự án (hơn 622MW).

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 03/11/2020

Published in Diễn đàn