Sự can thiệp của Nga trên mạng xã hội vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 diễn ra ở quy mô rộng hơn những gì mọi người nghĩ trước đây và bao gồm các nỗ lực chia rẽ người Mỹ về sắc tộc và lý tưởng cực đoan, hai phúc trình của các chuyên gia độc lập được các thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ công bố hôm 17/12 cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được xem là đã chỉ đạo chiến dịch thông tin nhằm thao túng dư luận Mỹ
Cơ quan Nghiên cứu Internet của Chính phủ Nga có trụ sở ở St. Petersburg đã cố gắng tìm cách thao túng chính trị Mỹ, các phúc trình cho biết. Một phúc trình trong số này do các phân tích gia mạng xã hội New Knowledge thực hiện và một phúc trình khác do một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford làm việc với công ty phân tích Graphika.
Hai bản phúc trình này phần lớn đã xác nhận những phát hiện trước đó của cơ quan tình báo Mỹ nhưng cung cấp nhiều chi tiết hơn về các hoạt động của Nga đã diễn ra trong nhiều năm trước và vẫn tiếp diễn cho đến nay, bản phúc trình và các thượng nghị sĩ cho biết.
Chẳng hạn, một tổ chức dư luận viên tìm cách khuyến khích các ‘phong trào ly khai’ ở tiểu bang California và Texas, bản phúc trình của New Knowledge cho biết.
"Dữ liệu mới được công bố này đã chứng tỏ Nga đã quyết liệt tìm cách chia rẽ người Mỹ về sắc tộc, tôn giáo và lý tưởng, " ông Richard Burr, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện và là người Đảng Cộng hòa, cho biết trong một thông cáo.
Nga đã tìm cách làm xói mòn lòng tin vào các thể chế dân chủ Mỹ và các hoạt động của họ vẫn chưa dừng lại. Ủy ban này đã thu thập dữ liệu từ các công ty mạng xã hội để cho các nhà phân tích độc lập sử dụng trong các nghiên cứu của họ.
Thượng nghị sĩ Mark Warner, thành viên cao cấp của Đảng Dân chủ trong ủy ban, nói rằng : "Những phúc trình này chứng tỏ phạm vi mà người Nga lợi dụng những sự chia rẽ trong xã hội để chia rẽ người Mỹ trong nỗ lực phá hoại và thao túng nền dân chủ của chúng ta".
"Những hành vi tấn công này… là toàn diện, có tính toán và lan rộng hơn nhiều hơn nhiều người suy nghĩ trước đây", ông nói.
Phúc trình của Oxford/Graphika nói rằng người Nga đã lan truyền những ‘thông tin sai lệch, những giải thiết âm mưu, những thông tin rẻ tiền và những dạng tin tức chính trị rác rưởi đến với các cử tri thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau’.
Phúc trình của New Knowledge cho biết người Nga ‘đã thực hiện những chiến dịch chống Hillary Clinton toàn diện’ chẳng hạn như nỗ lực tổ chức người Hồi giáo tuần hành phản đối bà Clinton.
Theo bản phúc trình này cho biết các tin tặc Nga cũng nhắm vào các thượng nghị sĩ Cộng hòa như Ted Cruz, Marco Rubio, Lindsey Graham và cố thượng nghị sĩ John McCain, và cựu giám đốc FBI James Comey và công tố viên đặc biệt Robert Mueller và nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.
Một bản phúc trình tình báo hồi tháng Giêng năm 2017 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị một chiến dịch gây ảnh hưởng tinh vi để phỉ báng ứng viên Tổng thống bên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ủng hộ cho ông Donald Trump.
Một người Nga đề nghị cấp thông tin về Trump lừa moi tiền điệp viên Mỹ (VOA, 11/02/2018)
Một người Nga đề nghị cung cấp những công cụ tin tặc bị đánh cắp của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) và thông tin gây tổn hại về Tổng thống Donald Trump đã lừa moi tiền từ các điệp viên Mỹ một khoản 100.000 đôla vào năm ngoái, báo The New York Times đưa tin.
Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đang cố gắng xác định chính xác những công cụ tin tặc nào do họ phát triển đã bị đánh cắp trong một vụ việc gây tổn hại rất lớn đến cơ quan tình báo này.
Số tiền này được giao tại một phòng khách sạn ở Berlin vào tháng 9 năm ngoái và được dự định là khoản thanh toán đầu tiên trong tổng số tiền trị giá 1 triệu đôla, theo lời các quan chức Mỹ, người Nga này và những trao đổi liên lạc mà tờ Times đã xem qua, tờ báo này đưa tin.
Phát ngôn viên của CIA Dean Boyd phủ nhận bài báo của tờ Times hôm thứ Bảy, nói rằng "Câu chuyện hư cấu CIA bị lừa lấy 100.000 đôla sai trái một cách trắng trợn", Reuters dẫn lời ông này nói.
******************
Nghi án Nga xen vào bầu cử Mỹ : TT Trump chận tài liệu của bên Dân Chủ (RFI, 10/02/2018)
Vào hôm 09/02/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định không "giải mật", tức là ngăn chặn, không cho Đảng Dân Chủ công bố, bản ghi nhớ mật bác bỏ cáo buộc FBI lạm quyền khi điều tra về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Ông Trump đã viện lý do tài liệu này có chứa đựng nhiều đoạn nhạy cảm.
Tổng thống Donald Trump ngăn chận việc phe Dân Chủ công bố bản báo cáo mật. Reuters/Yuri Gripas
Theo hãng tin Anh Reuters, trong thư gửi chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Devin Nunes, cố vấn Nhà Trắng Don McGahn cho biết là sở dĩ tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định không cho phép công bố bản ghi nhớ "vì nó chứa nhiều thông tin mật, đặc biệt nhạy cảm" cho an ninh quốc gia Mỹ.
Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện hôm 05/02 đã bỏ phiếu, nhất trí thông qua bản ghi nhớ dài 10 trang, do phe Dân Chủ soạn thảo. Tài liệu nhằm phản bác bản ghi nhớ dài 4 trang của bên Cộng Hòa, công bố hôm 02/02, cáo buộc cơ quan FBI đã lạm dụng luật Theo Dõi Tình Báo Nước Ngoài FISA để có được lệnh giám sát Carter Page, cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump.
Phe Dân Chủ cho rằng đảng Cộng Hòa muốn làm mất uy tín cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ do công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn dắt.
Nếu tổng thống Mỹ đã dễ dàng chấp nhận bản ghi nhớ của phía Cộng Hòa, được cho là có lợi cho ông, và đã cho công bố ngay văn kiện này, thì ngược lại, ông đã nêu bật vấn đề an ninh để cấm công bố bản ghi nhớ của phía Dân Chủ.
Trọng Nghĩa
***********************
Trump ngăn công bố bản ghi chú của phe Dân chủ về cuộc điều tra Nga (VOA, 10/02/2018)
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu đã ngăn chặn công bố một bản ghi chú mật của phe Dân chủ trong Quốc hội bác bỏ một bản ghi chú của phe Cộng hòa mà ông đã cho phép công bố vào tuần trước, trong đó cáo buộc FBI và Bộ Tư pháp thiên vị chống lại ông trong cuộc điều tra liên bang về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Một tuần trước, Tổng thống Trump đã bất chấp những phản đối từ FBI và Bộ Tư pháp để công bố bản ghi chú được viết bởi phe Cộng hòa chĩa mũi dùi vào các quan chức chấp pháp cao cấp.
Quyết định của tổng thống Cộng hòa - tranh cãi mới nhất liên quan đến một cuộc điều tra đã đeo bám ông suốt năm đầu tiên tại nhiệm - khiến phe Dân chủ phẫn nộ. Lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói, "Hàng triệu người Mỹ đang đặt một câu hỏi đơn giản : ông ta đang giấu giếm cái gì ?"
Luật sư của Nhà Trắng Don McGahn nói Bộ Tư pháp đã xác định một số phần của bản ghi chú 10 trang do các thành viên Dân chủ của Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ soạn thảo "sẽ gây nên những lo ngại đặc biệt đáng kể cho an ninh quốc gia và các lợi ích của giới chấp pháp" của đất nước.
Nhà Trắng cũng công bố một bức thư của giám đốc FBI và quan chức cao cấp thứ hai của Bộ Tư pháp bày tỏ lo ngại về việc công bố bản ghi chú này liên quan đến việc bảo vệ các nguồn tin tình báo và phương pháp thu thập tình báo của Mỹ.
Một tuần trước, ông Trump đã bất chấp những phản đối tương tự từ Cục điều tra Liên bang và Bộ Tư pháp để công bố bản ghi chú được viết bởi các thành viên Cộng hòa của ủy ban chĩa mũi dùi vào các quan chức chấp pháp cao cấp.
"Tiêu chuẩn kép của tổng thống khi nói đến sự minh bạch thật hết sức tệ hại", ông Schumer nói.
Ông Trump hôm 2 tháng 2 cho phép công bố bản ghi chú của phe Cộng hòa mà không bôi đen bất kỳ thông tin nào. Phe Dân chủ nói bản ghi chú của phe Cộng hòa mô tả sai lệch các thông tin mật có tính nhạy cảm cao và nhằm mục đích làm mất uy tín cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump với Nga.
Ông Mueller cũng đang điều tra liệu ông Trump có cản trở công lý hay không trong việc tìm cách ngăn chặn cuộc điều tra này.
Ông McGahn nói tổng thống sẽ sẵn sàng xem xét lại việc công bố bản ghi chú nếu ủy ban quyết định sửa đổi nó "để giảm bớt những rủi ro" được Bộ Tư pháp xác định.
Thành viên Dân chủ cao cấp nhất trong ủy ban, Adam Schiff, cho biết bản ghi chú bị ông Trump chặn lại đưa ra những dữ kiện mà công chúng cần biết, bao gồm việc FBI đã hành động thỏa đáng trong việc xin phép một tòa án đặc biệt để theo dõi Carter Page, một cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump có những liên hệ với Nga.
Ông Schiff nói các thành viên Dân chủ của ủy ban "cân nhắc nghiêm túc" những lo ngại của Bộ Tư pháp và FBI và sẽ xem xét những khuyến nghị bôi đen thông tin mà hai cơ quan này đưa ra. Ông nói ông hy vọng vấn đề này có thể được giải quyết nhanh chóng để ủy ban có thể quay trở lại cuộc điều tra Nga.
Ủy ban Tình báo Hạ viện hôm thứ Hai đã đồng lòng biểu quyết công bố tài liệu này do các thành viên Dân chủ soạn thảo, nhưng việc công bố tùy thuộc vào quyết định của tổng thống Cộng hòa có đồng ý giải mật nó hay không.
Bản ghi chú của phe Cộng hòa mô tả cuộc điều tra Nga là sản phẩm của sự thiên vị chính trị tại FBI và Bộ Tư pháp chống lại ông Trump. Tổng thống nói tài liệu này "hoàn toàn minh oan" cho ông trong cuộc điều tra Nga, một tuyên bố mà phe Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa bác bỏ.
Phe Dân chủ tuần trước cảnh báo ông Trump chớ sử dụng bản ghi chú của phe Cộng hòa như một cái cớ để sa thải ông Rosenstein, người bổ nhiệm ông Mueller và đang giám sát cuộc điều tra Nga, hoặc sa thải chính ông Mueller. Bản ghi chú của phe Cộng hòa nêu đích danh ông Rosenstein và một số quan chức khác, bao gồm cựu giám đốc FBI James Comey, người mà ông Trump đã sa thải vào tháng 5 năm 2017 khi cơ quan này điều tra vụ việc liên quan đến Nga.
Ông Mueller tiếp quản cuộc điều tra từ FBI.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 bằng cách tấn công tin tặc và tuyên truyền nhằm nghiêng cuộc đua về phía có lợi cho ông Trump. Nga phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử và ông Trump phủ nhận thông đồng với Moscow.
Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ : Các lãnh đạo tình báo tiếp tục điều trần (RFI, 24/05/2017)
Cựu giám đốc CIA, John Brennan, ra điều trần trước Quốc hội ngày 23/05/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Hôm 23/05/2017, các lãnh đạo tình báo Mỹ lại ra điều trần trước Quốc hội trong khuôn khổ cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vừa qua.
Từ Washington, thông tín viên Grégoire Pourtier gởi về bài tường trình :
"Tạp chí Time tiết lộ rằng chính một cuộc trao đổi giữa hai gián điệp Nga về việc chuẩn bị gây xáo trộn cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, đã khiến các cơ quan tình báo Mỹ bắt đầu chú tâm theo dõi. Chuyện này xảy ra đúng một năm và từ đó đến nay, những nghi ngờ về can thiệp của Nga càng được củng cố.
Ra điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm qua, ông John Brennan, giám đốc cơ quan CIA cho đến tháng Giêng vừa qua, cho biết ông đã gọi điện thoại đồng nhiệm ở Moskva ngay từ tháng 8 năm ngoái để lên án những hành động nói trên.
Sự can thiệp của Nga đã quá rõ ràng, vấn đề đặt ra hiện nay là xác định xem Tổng thống Trump, hay ít ra là những người thân cận của ông, có can dự vào việc này hay không. Hôm qua, ông Brennan tiết lộ : "Tôi đã nhận được nhiều thông tin và tin tình báo về những cuộc tiếp xúc giữa các quan chức Nga với những người trong êkíp tranh cử của ông Trump. Những thông tin đó làm tôi rất quan ngại vì phía Nga đã nỗ lực tác động lên các cá nhân."
Cựu giám đốc CIA đã cố tìm hiểu xem phía Nga có đã nhận được một số hợp tác hay không, nhưng ông nhấn mạnh rằng có thể có những người bị thao túng hoặc sử dụng mà không hề hay biết. Tuy khẳng định là không biết sự thực như thế nào, ông Brennan cho rằng cuộc điều tra của cơ quan FBI là hoàn toàn có cơ sở.
Cũng ra điều trần hôm qua, ông Dan Coats, một lãnh đạo tình báo Mỹ, thì không nói nhiều. Tuy từ chối bình luận về thông tin cho rằng Tổng thống Trump cũng đã yêu cầu ông ngưng điều tra, ông Dan Coats cũng không nói gì để bênh vực cho Tổng thống Mỹ."
Thanh Phương
**********************
Cựu Giám đốc CIA từng lưu ý liên hệ Nga-Trump (VOA, 24/05/2017)
Cựu Giám đốc CIA, John Brennan, điều trần tại Quốc hội ngày 23/5
Cựu Giám đốc CIA, John Brennan, ngày 23/5 tuyên bố ông đã lưu ý thấy mối liên hệ giữa các phụ tá trong ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga trong kỳ bầu cử 2016 và quan ngại rằng Moscow đã tìm cách đẩy người Mỹ vào con đường ‘phản quốc.’
Phát biểu tại cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, ông Brennan, người lãnh đạo CIA cho tới khi ông Trump lên nhậm chức Tổng thống hồi tháng Giêng, còn nói thêm rằng ông từng đích thân cảnh cáo lãnh đạo cơ quan an ninh FSB của Nga trong cuộc điện đàm vào tháng 8 rằng can thiệp vào bầu cử Mỹ sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ Nga-Mỹ.
Thông tin này càng thổi bùng tranh cãi xung quanh việc Tổng thống sa thải cựu Giám đốc FBI, James Comey, hai tuần trước trong lúc FBI đang tiến hành cuộc điều tra về khả năng có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử cho ông Trump với Nga.
Ông Brennan nói ông biết thông tin cho thấy có liên lạc và trao đổi qua lại giữa giới chức Nga với người có liên hệ trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhưng ông không thể khẳng định chắc chắn có sự thông đồng.
Vẫn theo lời ông, ông lo ngại rằng người Nga đã tìm cách tuyển mộ người Mỹ làm việc cho Moscow trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua.
Ông cho biết đã nêu vấn đề với phía Nga, viện dẫn cuộc điện đàm ngày 4/8/16 với lãnh đạo FSB của Nga, ông Alexander Bortnikov.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump tiếp tục giảm trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố ngày 23/5, với 57% không tán thành, 37% ủng hộ.
**********************
Giới chức Tòa Bạch Ốc : không có liên hệ Nga-Trump (VOA, 24/05/2017)
Tổng thống Trump cùng phu nhân
Các cuộc điều trần tại Thượng viện và Hạ viện hôm 23/5 chứng tỏ không có bằng chứng có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga và rằng ông Trump chưa bao giờ làm phương hại các nguồn tin tình báo, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc tuyên bố.
Reuters dẫn lời một phát ngôn nhân của Tòa Bạch Ốc khẳng định "Các cuộc điều trần sáng nay củng cố những gì chúng tôi đã nói trước nay rằng dù có điều tra 1 năm vẫn không có bằng chứng về sự thông đồng nào giữa Nga-Trump.
Vẫn theo nguồn tin này các cuộc điều trần vừa kể cũng cho thấy Tổng thống Trump chưa từng gây phương hại các nguồn tin tình báo hay chia sẻ tin tình báo. Tuy nhiên, người phát ngôn không đồng ý cho Reuters nêu tên khi trích dẫn phát biểu.
Theo Reuters
*****************
FBI tái xác nhận Moskva can thiệp vào bầu cử Mỹ (RFI, 21/03/2017)
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer tại cuộc họp báo ngày 23/02/2017. AFP/Mandel Ngan
FBI vừa giáng cho tổng thống Donald Tump một đòn đau. Trong cuộc điều trần hơn năm tiếng đồng hồ tại Quốc hội ngày 20/03/2017, giám đốc FBI James Comey và giám đốc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia NSA phải làm sáng tỏ các nghi vấn đang đầu độc sinh hoạt chính trị Mỹ : tổng thống Barack Obama có nghe lén ông Donald Trump ? Nga có can thiệp tác động lên bầu cử Mỹ ? Liệu ban tham mưu của ứng cử viên đảng Cộng hoà có "móc ngoặt" với Nga ?
Hai câu hỏi đầu tiên được sáng tỏ như sau : tổng tống Obama không nghe lén ông Trump. Nga có can thiệp vào bầu cử Mỹ. Giám đốc FBI khẳng định những kết luận đã đưa ra trước đây : Putin căm ghét bà Clinton đến mức ông ta máy móc chọn bất cứ một người nào khác để chống lại bà.
Nhưng về nghi vấn thứ ba thì giám đốc FBI từ chối công bố danh tính hay nội dung các cuộc "tiếp xúc" giữa giới thân cận của nhà tỷ phú địa ốc với Nga. Phản ứng của Nhà Trắng là cực lực bác bỏ.
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường thuật :
Nhà Trắng không muốn trở lại những lời vu khống của Donald Trump cáo buộc Barack Obama. Phát ngôn viên Sean Spicer cũng từ chối bình luận về hành động can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Sau điều trần của lãnh đạo FBI, phát ngôn viên Sean Spicer chỉ đưa ra một thông điệp duy nhất : không có sự đồng lõa nào giữa "ê-kíp Trump" với Moskva.
Vấn đề là giám đốc FBI từ chối phát biểu về nghi vấn này. James Comey bác bỏ tin đồn cho rằng cựu tổng thống Obama ra lệnh nghe lén ông Donald Trump. Ông khẳng định chính quyền Nga có can thiệp với ý đồ xấu vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ngược lại giám đốc FBI từ chối trình bày là có hay không có sự đồng lõa của nhóm thân cận Donald Trump. Nghi vấn này đã làm hại cho uy tín của tổng thống từ ngày nhậm chức.
Chủ tịch ủy ban tình báo Hạ viện Devin Nunes nhận ra điều này qua lời tuyên bố kết thúc điều trần : "Ông nói rằng FBI tiến hành cuộc điều tra tế nhị và đụng chạm đến nhiều người trong chính phủ. Chuyện này kéo dài chừng nào thì chúng ta càng chìm trong khói mù. Ông không muốn nói với chúng tôi là FBI có bằng chứng hay không. Nhưng tôi, tôi có thể nói là không có bằng chứng".
Vụ tranh cãi không đoạn kết này là do chính tổng thống Donald Trump gây ra, theo nhận định của nhiều nhà bình luận. Một dân biểu đã có thái độ lạ đời là yêu cầu giám đốc FBI bình luận về một lời phê phán trực tiếp mà ông Donald Trump do không kềm chế được, đã tung lên Twitter, vào lúc diễn ra cuộc điều trần của FBI.
Cho dù cực lực bác bỏ những cáo buộc "móc ngoặt" với Nga nhưng chính quyền Trump thận trọng "tách xa" một cố vấn cũ : Paul Manafort, lãnh đạo ban vận động tranh cử của Donald Trump từ ngày đầu cho đến khi chính thức được đảng Cộng hoà đề cử. Theo tuyên bố của phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer, Paul Manafort chỉ "đóng vai trò khiêm tốn trong một giai đọan khiêm tốn".