Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 04 mai 2017 13:06

Tranh luận hay đá gà ?

Tối hôm qua, một nửa nước Tây coi đá banh, một nửa coi đánh võ miệng (tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng Thống). Kết quả, đá banh : La Juve 2-Monaco 0 ; đánh võ miệng : Macron 60, Le Pen 40 (theo thăm dò dư luận).

Chưa bao giờ người ta chứng kiến một cuộc tranh luận gay gắt, gay go, với nội dung nghèo như vậy trong một cuộc tranh cử tổng thống. Marine Le Pen, đảng cực hữu (FN-Front National-Mặt trận Quốc gia), không biết nói gì hơn là lập lại những câu đả kích, mạ lỵ cá nhân, khiêu khích, đã lập đi lập lại nhiều lần trong các buổi meetings. Nhưng nếu kỹ thuật đó hữu hiệu với những "fans" ủng hộ vô điều kiện, đã có hiệu quả ngược lại với những người khách quan hơn. Người ta chờ đợi một lãnh tụ, người ta thấy một người đàn bà chua ngoa, không chuẩn bị, tranh luận như cãi nhau ngoài chợ, không nắm vững vấn đề, nhất là những vấn đề kinh tế, cần chính xác.

XINJIANG: Minority Games - Animal fighting

Chưa bao giờ người ta chứng kiến một cuộc tranh luận gay gắt, gay go (như một trận đá gà), với nội dung nghèo như vậy trong một cuộc tranh cử tổng thống

Le Pen tới với một chồng hồ sơ, bối rối tìm kiếm, lẫn hồ sơ SFR (điện thoại) với Alstom (xây dựng đầu máy tàu lửa), lúng túng khi giải thích bà ta muốn làm gì với Liên Hiệp Châu Âu, với đồng Euros. Có cảm tưởng như nghe bà  bán bánh mì dưới nhà bàn chuyện kinh tế (xin cáo lỗi với Christine, bà chủ tiệm bánh mì khả ái). Chỉ hết lúng túng khi đề cập tới đề tài ruột, "fonds de commerce" (môn bài) của FN : vấn đề di dân, vấn đề Hồi giáo, nhưng cũng không đưa ra một giải pháp nào khả thi. Người ta có cảm tưởng bà ta học thuộc lòng vài câu, tìm mọi cơ hội để tuôn ra, đôi khi lạc đề.

Macron, 39 tuổi, không đảng phái, bình tĩnh hơn, có vẻ… tổng thống hơn (theo thăm dò du luận), nắm vững vấn đề, nhất là vấn đề tài chánh, kinh tế, kỹ nghệ (Macron là cựu bộ trưởng kinh tế) nhưng không minh bạch khi nói về vấn đề di dân, Hồi giáo. Thay vì cho biết nhũng biện pháp cụ thể ông ta sẽ áp dụng, Macron phân tích những nguyên nhân đã khiến những người sống trên nước Pháp, nhưng theo Hồi giáo quá khích để phá hại nước Pháp. Người ta chờ một ông Tổng thống với biện pháp cụ thể, không chờ một nhà xã hội học. Nhất là về một vấn đề nghiêm trọng, liên hệ tới an ninh quốc gia và sinh mạng của người dân

Nghiên cứu kỹ hơn, người ta đếm thấy Macron nói sai, hay bóp méo sự thực 3 lần, Le Pen… 19 lần, kể cả những sự việc ai cũng biết. Thí dụ khi bà ta nói nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, ra khỏi đồng Euros mà kinh tế Anh vẫn mạnh. Thứ nhất, nước Anh chưa bao giờ xài Euros, thứ hai, dân Anh bỏ phiếu rời Liên Hiệp, nhưng phải chờ ít nhất hai năm nữa việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mới thực hiện được.

Những vấn đề chính, ưu tư hàng đầu (môi trường, nạn thất nghiệp) hầu như bị bỏ quên. Hai ký giả điều khiển cuộc tranh luận, trước thái độ muốn "ăn thua đủ" của hai ứng cử viên, đã ngồi nhìn, bất lực một cuộc cãi vã giữa hai người điếc.

Thăm dò dư luận, Ifop, BFMTV, Yahoo… đều cho Macron thắng cuộc tranh luận với 60%. Nếu hy vọng, với cuộc tranh luận, sẽ chinh phục những người còn lưỡng lự để đuổi kịp Macron trong cuộc bỏ phiếu chung kết chủ nhật tới, Marine Le Pen sẽ thất vọng. Những người theo FN vẫn sẽ bầu FN, nhưng những cử tri lưỡng lự sẽ… lưỡng lự hơn nữa.

Le Pen muốn áp dụng phương pháp, ngôn ngữ Donald Trump, nhưng những gì ăn khách ở Mỹ, như ketchupdonuts, không có gì bảo đảm sẽ ăn khách ở Pháp.

Paris, 04/05/17

Từ Thức

Published in Diễn đàn

Macron – Le Pen : Hai nhãn quan đối chọi về chính sách ngoại giao (RFI, 03/05/2017)

Về chính sách ngoại giao, hai ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen có những quan điểm đối chọi nhau trên hầu hết các hồ sơ, kể cả vai trò của nước Pháp trên trường quốc tế.

phap1

Hai ứng viên tổng thống Pháp : Marine Le Pen (T), lãnh đạo đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, và Emmanuel Macron, đứng đầu phong trào Tiến Bước ! REUTERS/Charles Platiau

Đối chọi nhau rõ rệt nhất chính là về Châu Âu. Bà Le Pen thì chủ trương một Châu Âu "của những quốc gia có chủ quyền và của các dân tộc tự do". Theo chiều hướng này, ứng cử viên cực hữu cam kết là nếu đắc cử tổng thống, ngay trong những tháng đầu tiên cầm quyền, bà sẽ trả lại cho dân Pháp "chủ quyền về tiền tệ, lập pháp, lãnh thổ và kinh tế". Bà cũng dự trù tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Trong khi đó, ông Macron muốn đẩy mạnh hơn nữa hội nhập Châu Âu, vì theo ông, tương lai của nước Pháp là trong Liên Hiệp Châu Âu và khối euro. Ông là ứng cử viên tổng thống duy nhất đưa ra rất nhiều đề nghị về Châu Âu, chẳng hạn như ông muốn ngay từ mùa thu năm nay sẽ tổ chức các "hội nghị dân chủ" ở từng quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, để chính người dân ở các nước tham gia vào việc đề ra một "lộ trình" cho ủy Ban Châu Âu. Để thể hiện quyết tâm thúc đẩy hội nhập Châu Âu, trong mỗi cuộc mít tinh tranh cử, ông đều cho phân phát rất nhiều cờ Liên Hiệp Châu Âu bên cạnh cờ Pháp, trong khi ở các cuộc mít tinh của bà Le Pen chỉ có quốc kỳ Pháp.

Về quan hệ giữa Pháp với các cường quốc khác, ai cũng thấy rõ là bà Le Pen có lập trường rất thân Nga và bà đã sang Matxcơva để tiếp kiến tổng thống Vladimir Putin vào tháng Ba vừa qua. Ứng cử viên cực hữu đã ca ngợi ông Putin là có một nhãn quan mới về một "thế giới đa cực". Trong khi đó, ông Macron vẫn cho rằng nước Nga của Putin đang thi hành một chính sách ngoại giao "nguy hiểm", bất chấp luật pháp quốc tế.

Về hồ sơ quốc tế nóng bỏng nhất hiện nay là Syria, hai ứng cử viên tổng thống Pháp cũng có nhiều khác biệt. Bà Le Pen vẫn cho rằng tổng thống Bachar al-Assad là "giải pháp duy nhất" để tiêu diệt lực lượng Hồi Giáo cực đoan ở Syria và theo ứng cử viên cực hữu, quốc tế phải tiếp tục đối thoại với ông Assad, vì không có ai khác đáng tin cậy.

Trong khi đó, ông Macron ban đầu cũng cho rằng không nên đặt điều kiện tiên quyết là Assad phải ra đi, nhưng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 04/04, mà chế độ Damas bị tố cáo là thủ phạm, lập trường của ứng cử viên cánh trung đã thay đổi. Nay cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp đòi phải đưa tổng thống Syria ra xét xử trước các tòa án quốc tế về những tội ác đã gây ra. Tuy nhiên, ông Macron cho rằng ưu tiên số một hiện nay vẫn là phải nhổ tận gốc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech.

Trái ngược với ông Macron, bà Le Pen chủ trương nước Pháp ra khỏi bộ chỉ huy quân sự của khối NATO, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Về phần mình, ông Macron muốn là NATO chỉ can thiệp bên ngoài khu vực địa lý của khối này khi các lợi ích của nước Pháp bị đe dọa.

Có một điểm mà hai ứng cử viên gần như đồng ý với nhau, đó là nước Pháp không nên can thiệp vào những cuộc xung đột không liên quan đến Pháp, trừ trường hợp tự vệ chính đáng. Cả hai ứng cử viên đều dự trù tăng ngân sách quốc phòng của Pháp lên ít nhất là 2% tổng sản phẩm nội địa GDP, như yêu cầu của Mỹ đối với các nước thành viên NATO. Ngoài ra, ông Macron và bà Le Pen cũng đồng ý là phải tăng ngân sách cho viện trợ phát triển của Pháp lên 0,7% GDP.

Thanh Phương

*************************

Bầu tổng thống Pháp : Đông đảo các giới kêu gọi bầu cho Macron (RFI, 03/05/2017)

Gần sát đến ngày bầu cử, trước nguy cơ cử tri không đi bỏ phiếu sẽ có lợi cho ứng viên Mặt Trận Quốc Gia, Marine Le Pen, từ hôm qua 02/05/2017, nhiều giới xã hội Pháp đã nhất loạt lên tiếng kêu gọi ủng hộ ứng viên Emmanuel Macron của phong trào Tiến Bước !.

phap2

Người tuần hành phản đối Le Pen, mang mặt nạ khuôn mặt Jean-Marie Le Pen - cha của ứng viên Marine Le Pen, với mái tóc dài, Paris, /01/05/2017. REUTERS/Gonzalo Fuentes

Bằng nhiều cách khác nhau, qua các diễn đàn trên báo chí, ra thông cáo và kiến nghị hay tổ chức hội họp, hàng loạt các nghệ sĩ, chính khách, giới chủ, các nhà khoa học và cả các cơ quan truyền thông lớn liên tục ra lời kêu gọi cử tri ngăn chặn ứng viên của Mặt Trận Quốc Gia và bỏ phiếu cho ứng viên Emmanuel Macron.

Mặc dù hầu hết các thăm dò ý định bỏ phiếu vòng 2 đều nghiêng về ứng viên Macron với tỷ lệ chênh lệch khá xa, khoảng 60% số phiếu ủng hộ, nhưng khoảng cách này dường như có xu hướng thu hẹp dần. Ngoài ra, theo các thăm dò dư luận, tỷ lệ cử tri không đi bầu vòng 2 có thể sẽ khá cao, dao động trong khoảng từ 22 đến 28%. Các nhà phân tích cho rằng nếu tỷ lệ cử tri vắng mặt hoặc bỏ phiếu trắng cao vô hình chung sẽ làm tăng tỷ lệ phiếu bầu cho ứng viên Marine Le Pen.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống lần này, giới nghệ sĩ tỏ ra kín đáo, không bày tỏ công khai quan điểm hay tham gia vận động tranh cử cho ứng cử viên nào.

Tuy nhiên, trong bối cảnh không loại trừ khả năng ứng viên Marine Le Pen thắng cử, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng. Đó là các nhà điện ảnh có tên tuổi lớn của Pháp như Mathieu Kassovitz, Luc Besson hay giải Nobel Văn học Jean-Marie Gustave Le Clézio.

Bên giới truyền thông, nhật báo công giáo La Croix đi đầu đã kéo theo hàng loạt các tờ báo khác cũng kêu gọi cử tri hãy đi bỏ phiếu cho ứng viên Emmanuel Macron để ngăn Marine le Pen thắng cử.

Ba hiệp hội lịch sử, Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp cũng như lãnh đạo tập đoàn chế tạo máy bay Airbus, ông Tom Enders, cũng đã tuyên bố ủng hộ hoàn toàn ứng viên của phong trào Tiến Bước !. Tối qua, một cuộc mít tinh của giới văn hóa chống Mặt Trận Quốc Gia đã diễn ra tại Paris. Ngày thứ Sáu tới, theo dự kiến, một diễn đàn kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu sẽ được tổ chức tại thủ đô Pháp với sự tham dự của nhiều chính khách thuộc phe tả cũng như hữu.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Bầu cử tổng thống Pháp : Các thách thức hậu 7/5

Còn năm ngày nữa diễn ra vòng hai bầu cử tổng thống Pháp. Giới trẻ Pháp nghĩ gì về cuộc bầu cử ? Giới chủ Pháp lo điều gì về chương trình tranh cử của Marine Le Pen ? Mặt trận chung nào để chống ứng viên cực hữu và Những thách thức nào cho tổng thống tương lai ? Đây chính là những mối bận tâm chính trên các nhật báo lớn tại Pháp số ra ngày 02/05/2017.

phap1

Bầu cử tổng thống Pháp : Áp phích của hai ứng cử viên Macron-Le Pen. Reuters

"Vòng hai : Macron dẫn đầu cuộc đua", tựa trên trang nhất báo Le Figaro. Các kết quả thăm dò do Kantar Sofres-OnePoint thực hiện cho kênh truyền hình LCI và cho chính tờ báo, cho thấy lãnh đạo phong trào En Marche ! (Tiến Bước) Emmanuel Macron vẫn dẫn đầu với 59% ý định bỏ phiếu so với tỷ lệ 41% của đối thủ Marine Le Pen, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN-Front National).

Vậy giới trẻ Pháp có những mong đợi gì từ cuộc bầu cử tổng thống này ? Nhật báo công giáo La Croix đã dành hẳn 10 trang để trình bày "Tiếng nói của giới trẻ" mà tờ báo có dịp trao đổi với những thanh niên trong độ tuổi từ 18-30, mong muốn có những đổi thay trong giáo dục, vị thế của nước Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu, về hồ sơ di dân, cải cách chính trị Pháp, việc làm, an ninh…

"Cực kỳ vớ vẩn"

Trước sự lớn mạnh của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, "Các doanh nghiệp gióng chuông báo động về chương trình của FN" là tít lớn trên trang nhất Les Echos. Nhật báo kinh tế đã dành hẳn 3 trang báo lớn, tạo điều kiện cho giới chủ doanh nghiệp lên tiếng về chương trình kinh tế của ứng viên này.

Trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, chương trình tranh cử của ứng viên cực hữu Marine Le Pen đã có những thay đổi mập mờ trên hai điểm : đó là đồng tiền chung Châu Âu euro và lời tố cáo cái gọi là "đầu sỏ, tập quyền – oligarchie". Với tựa đề "Cực kỳ vớ vẩn", bài xã luận của Les Echos nhận định lập trường này của đảng cực hữu FN không chỉ nguy hiểm mà còn phi lý và đảng này đã công khai coi thường sự hiểu biết, trí thông minh của cử tri Pháp.

Về chủ đề thứ nhất, đồng euro : đã từ lâu, ứng viên đảng FN luôn luôn giải thích rằng việc từ bỏ sử dụng đồng euro là điều kiện cần thiết để phục hồi kinh tế Pháp. Đầu tháng Ba, bà Le Pen còn khẳng định : "nếu tôi không đưa nước Pháp ra khỏi khu vực đồng euro, tôi không thể thực hiện được 70% chương trình tranh cử của mình".

Thế rồi, trong những ngày qua, chủ đề này không thấy đề cập đến trong các tờ rơi phát cho cử tri, cũng như trong thỏa thuận liên minh giữa Marine Le Pen và Nicolas Dupont-Aignan, đảng Nước Pháp Đứng Dậy (Debout la France), một chính đảng chống Châu Âu và đề cao chủ quyền nước Pháp.

Tuy vậy, khi trả lời truyền thông, Marine Le Pen vẫn khẳng định sẽ thực hiện những cam kết trong chương trình tranh cử, đồng thời, giữ thái độ mập mờ về thời điểm thực hiện. Đối với Les Echos, ứng viên đảng cực hữu hoặc là nói thật trước ống kính nhưng nói dối trên giấy tờ, hoặc ngược lại.

Về chủ đề thứ hai, "tập quyền, đầu sỏ", Marine Le Pen sử dụng lá bài này để tố cáo những người "chủ trương toàn cầu hóa" chống lại những "người yêu nước". Đầu tuần, ứng viên cực hữu "gộp" chung vào một phe bao gồm đối thủ Emmanuel Macron, Liên Hiệp Các Tổ Chức Hồi Giáo Pháp (UOIF), giới chủ (MEDEF), Tổng Liên Đoàn Những Người Lao Động Pháp (CGT)… Thật là khôi hài vì bà Le Pen coi đại diện giới chủ Pháp và giới công đoàn có chung lợi ích cùng bảo vệ.

Theo Les Echos, sở dĩ ứng viên cực hữu đánh đồng tất cả vì không có một tổ chức đại diện xã hội nào tại Pháp ủng hộ đảng Mặt Trận Quốc Gia. Cho dù các công đoàn bị chia rẽ, thể hiện qua việc tuần hành riêng lẻ trong Ngày Quốc Tế Lao Động, mồng Một tháng Năm, nhưng tất cả đều chống lại các ý tưởng của đảng cực hữu. Kể cả công đoàn lớn nhất trong lực lượng cảnh sát mà bà Le Pen muốn dựa vào để lập lại "trật tự" ở Pháp.

Về phần mình, Libération trên trang nhất chạy tít lớn : "Tại sao vẫn luôn là KHÔNG !", đã tỏ rõ thái độ hoàn toàn chống Marine Le Pen. Nhật báo thiên tả ghi rõ "số đặc biệt", đã mở hẳn 16 trang "chống FN". Tờ báo lưu ý là không như năm 2002, sức phản kháng chống FN năm 2017 có vẻ như bị giới hạn.

Một mặt trận chung chống Le Pen bị rạn nứt, những cuộc tuần hành riêng rẽ, một người từng theo chủ nghĩa De Gaulle thì nay chạy theo cực hữu, hay như sự do dự của một ứng viên cánh tả cực đoan, cứ như là mối đe dọa không còn như trước nữa, cứ như là mối nguy hiểm cho cô con gái có 40% cử tri ủng hộ lại ít mạnh mẽ hơn là tỷ lệ 20% của người cha (Jean-Marie Le Pen). Cứ như là FN càng ít gây sợ hơn khi càng tiến gần đến quyền lực… Chính vì thế mà xã luận của nhật báo cho rằng nên "Thức tỉnh cảnh giác", tựa bài viết.

"Những thách thức sau ngày 07/05"

Cứ cho rằng Emmanuel Macron sẽ đắc cử tổng thống trong vòng hai ngày 07/05. Vậy những "thách thức nào cho ông sau ngày đó ?" Xã luận của Le Figaro nêu rõ những vấn đề nào ông Macron sẽ đối mặt một khi đắc cử.

Đầu tiên bài viết cho rằng cuộc vận động tranh cử kéo dài và đầy biến động đã làm lu mờ điều cơ bản : đó là Pháp là một trong những quốc gia ở Châu Âu cần phải khẩn trương tiến hành cải cách, nếu không muốn rơi vào khủng hoảng, phá sản. Thế nhưng, Pháp cũng là nước Châu Âu mà ở đó, giới công đoàn – tuy chỉ là thiểu số - lại có thể áp đặt luật lệ của họ cho mọi chính phủ, bất luận tả hay hữu hoặc "không tả không hữu".

Các chương trình kinh tế của Emmanuel Macron và Marine Le Pen rất khác biệt nhau. Các đề xuất của Macron là hợp lý nhằm đưa nước Pháp xích lại gần các láng giềng Châu Âu. Trong khi đó, chương trình của Le Pen chủ trương một sự thụt lùi, đưa nước Pháp trở về thời kỳ năm 1981.

Emmanuel Macron là đối thủ của phe tả trong đảng cánh tả Xã Hội, ông hiểu được khả năng gây khó khăn, gây hại của những kẻ luôn luôn chống đối mọi thay đổi. Ông biết rõ là phe cực tả dẫn đầu là Jean-Luc Mélenchon đang chờ đợi để chống lại ông. Phe này cùng với các công đoàn như Tổng Liên Đoàn Những Người Lao Động Pháp (CGT), Lực Lượng Công Nhân (FO) và các tổ chức trung gian khác sẽ chống lại ông. Họ chỉ mong muốn nguyên trạng vì điều này có lợi cho họ.

Nếu đắc cử tổng thống, ứng viên Emmanuel Macron sẽ không ngạc nhiên phát hiện ra tình trạng tê liệt này. Bởi vì ông đã từng phải đối mặt khi còn ở trong chính phủ. Chính sự bất lực của tổng thống mãn nhiệm François Hollande trong việc cải cách đất nước đã thúc đẩy Emmanuel Macron trở thành kẻ "nổi dậy".

Le Figaro bầy tỏ quan điểm : vì đất nước Pháp, mong sao ông Macron duy trì và phát triển tư tưởng "nổi dậy" này trong suốt nhiệm kỳ tổng thống. Xã luận tờ báo thiên hữu đưa ra một lời khuyên : càng ít dân biểu đảng Xã Hội trong phe đa số tại Quốc Hội, thì ông càng được tự do để "nổi dậy".

Một thế giới khác cho tổng thống Pháp tương lai

Tuy nhiên, bất kể người thắng cử là ai, Emmanuel Macron hay Marine Le Pen, ngoài việc phải tiến hành những cải cách trong nội bộ, sự biến đổi về trật tự thế giới cũng đang đặt cho tổng thống Pháp tương lai nhiều thách thức lớn về mặt địa chính trị.

Với câu hỏi "Thế giới nào cho tổng thống sắp tới của chúng ta ?", nhà báo Renaud Girard trên Le Figaro khẳng định chủ nhân tương lai của điện Elysée sẽ phải đối mặt với một thế giới ít trật tự hơn trước năm 1991. Mô hình thế giới đang có những biến đổi đi từ sự đồng nhất sang phân hóa các nền văn minh.

Nếu như trước đây, phần đông các quốc gia chạy theo mô hình tự do phương Tây, dưới các hình thức của Mỹ hay Châu Âu, thì nay thế giới đang chuyển sang thời kỳ phân hóa. Người Trung Quốc đồng thời đi theo hai luồng tư tưởng : binh pháp của Tôn Tẫn và triết lý của các triết gia kỳ Ánh Sáng.

Người Nga trở về với mối liên kết xa xưa Sa Hoàng và Chính Thống Giáo. Người Ấn Độ thì từ bỏ các quan điểm Oxford để kết nối lại với Ấn Độ giáo. Thế giới Ả Rập – Hồi Giáo trở về với những quan điểm tôn giáo chưa từng thấy. Châu Phi vẫn đi theo cơ cấu bộ tộc. Trong khi mà vùng Châu Mỹ Latinh vẫn chưa chịu tự giải thoát mình khỏi cơn nghiện "mị dân" chính trị. Nói một cách khác, toàn cầu hóa chỉ đồng hóa cách thức tiêu thụ hàng hóa chứ không phải là tư tưởng.

Từ những nhận định trên, tác giả cho rằng trên bình diện chiến lược và chính trị, lãnh đạo tương lai sẽ phải đề phòng với tân chủ nghĩa bảo thủ, một hệ tư tưởng xuất hiện ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương vào cuối thế kỷ trước, chủ trương ưa chuộng "dân chủ" hơn hòa bình. Nhưng thế giới ngày nay không muốn đón nhận những giá trị phương Tây bằng vũ lực.

Do đó, Pháp nên phát huy các hào quang của mình bằng cách làm gương hơn là đưa ra những bài học đạo đức. Nền ngoại giao của Pháp phải chú trọng đến thực tế như chính bản thân của nó, chứ không phải theo cách Pháp muốn uốn nắn theo.

Brexit đo lường tính gắn kết của Liên Hiệp Châu Âu

Căng thẳng giữa Liên Hiệp Châu Âu với Liên Hiệp Anh xung quanh hồ sơ Brexit cũng được một số báo Pháp đề cập đến. Le FigaroLes Echos lần lượt có bài viết đề tựa : "27 nước thành viên đoàn kết trước sự cự tuyệt thực tế của Vương Quốc Anh" và "Brexit đánh thức bản năng gắn kết của Liên Hiệp Châu Âu".

Nhân cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles hôm thứ Bảy 29/4, 27 nước thành viên đã nhanh chóng thống nhất những đường nét chính để tiến hành đàm phán với Anh về Brexit. Một đoàn kết hiếm có bởi vì bình thường 27 nước này vẫn thường hay đối nghịch nhau.

Cả hai nhật báo lưu ý là xu hướng bài Châu Âu đang lên cao tại Pháp cũng như tại Đức hai quốc gia đầu tàu và tại nhiều nước khác trong Liên Hiệp. Brexit thường được những phong trào dân túy lấy làm mô hình để noi theo. Một điều mà 27 quốc gia thành viên muốn phá tan.

Do đó, theo Le Figaro, những tháng tới đây sẽ là phép thử trắc nghiệm tính thống nhất của cả khối. Một điều chắc chắn là sự chia rẽ sẽ lại xuất hiện một khi những chủ đề nhậy cảm lại được đề cập đến, do việc lợi ích của từng quốc gia thành viên với Brexit là khác nhau.

Pháp : "Sinh con dễ, dạy con khó"

Đây chính là nhận định của gần 50% phụ huynh Pháp hiện nay. Các bậc cha mẹ Pháp ngày nay cảm thấy mệt mỏi vì suốt ngày cứ phải hò hét : "Tắt điện thoại của con đi", "dọn dẹp phòng của con đi", "làm bài chưa"… Đến mức tờ Le Figaro có cảm giác "làm bố mẹ là một nghề bạc bẽo".

Thăm dò của BVA thực hiện cho hội Les Apprentis d’Auteuil cho thấy 46% các bậc phụ huynh thú nhận nuôi dạy con là khó. Trong đó tranh cãi xung quanh vấn đề thời gian trước máy tính, trò chơi điện tử, máy tính bảng hay điện thoại thông minh là chiếm hàng đầu (45%). Tỷ lệ này tăng vọt lên 61% khi trẻ đến tuổi thiếu niên.

Nhật Bản chống làm việc quá độ

Cũng trên lĩnh vực xã hội, La Croix quan tâm đến "Cuộc chiến chống làm việc quá độ gây tranh cãi tại Nhật Bản".

Hôm 1/5, hơn 30 ngàn người đã diễu hành tại Tokyo. Nhiều người trong số họ đã hô to : "Hãy loại trừ karoshi". Một hiện tượng "kiệt sức" hay "chết" do làm việc quá độ, diễn ra rất phổ biến tại Nhật Bản.

Theo giải thích của La Croix, thời gian làm việc hợp pháp là 160 giờ/tháng và dựa trên mức ấn định này người lao động có thể làm thêm tối đa là 45 giờ. Nhưng mức trần này có thể vượt qua nếu như giữa chủ và nghiệp đoàn có được một đồng thuận.

Tuy nhiên, theo ghi nhận chính thức của chính quyền Nhật Bản, chỉ tính riêng trong năm qua đã có 200 ca tử vong do làm việc quá độ. Hơn phân nửa trong số này chết vì bị tai biến tim mạch hay tai biến mạch máu não. Một nửa còn lại là do bị trầm cảm, các chứng bệnh tâm lý và tự tử.

Trước những lời chỉ trích cáo buộc sự trì trệ của chính phủ, thủ tướng Shinzo Abe buộc phải đưa vấn đề này thành một trong số các ưu tiên, nhằm chống lại hiện tượng "karoshi" nơi sở làm.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Sáng hôm nay (30/04) đột nhiên hàng loạt tin nhắn tới tấp đến trên điện thoại của tôi. Chưa kịp qua ngạc nhiên thứ nhất thì lại ngạc nhiên thêm một lần nữa : tất cả những tin nhắn ấy là của cùng một người, một giáo viên Pháp dạy trung học phổ thông, bà buồn phiền và lo lắng nhắn cho tôi rằng những người Việt Nam xung quanh bà sẽ bỏ phiếu cho Le Pen.

baucu1

Cuốn sách "Révolution" của Emmanuel Macron, phát hành ngày 24/11/2016, được lọt vào tóp 5 cuốn sách bán chạy nhất, đầu tháng 12/2016.

Nước Pháp đang ở thời điểm nóng bỏng, đúng một tuần nữa sẽ kết thúc chiến dịch bầu cử tổng thống, và người Pháp sẽ phải chọn giữa hai ứng viên đã qua vòng một : Emmanuel Macron, người sáng lập phong trào En Marche ! (Lên Đường !) và Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Front National (Mặt trận dân tộc).

Vì sao nữ giáo viên người Pháp này cảm thấy buồn phiền và thất vọng khi những người Việt Nam mà bà biết quyết định bỏ phiếu cho Le Pen ? Vì đối với bà, cùng với Le Pen, nền dân chủ ở Pháp sẽ bị đe doạ nghiêm trọng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ phát triển, điều đó cũng có nghĩa là thù hận và bạo lực sẽ gia tăng trong toàn xã hội, mà trước tiên là sẽ gia tăng trong trường học. Không phải chỉ một mình bà giáo viên này nghĩ như vậy, rất nhiều người Pháp khác chia sẻ nỗi lo lắng này. Tôi sẽ trở lại với vấn đề này khi có dịp.

Tôi trả lời bà ấy rằng, theo quan sát của tôi, số người Pháp bỏ phiếu cho Macron sẽ nhiều hơn số người Pháp bỏ phiếu cho Le Pen, và trong cộng đồng người Việt có thể cũng sẽ như vậy, chỉ vì bà không biết những người Việt Nam đó mà thôi.

Dĩ nhiên, người ta không thể phủ nhận một thực tế : các khủng hoảng kinh tế và xã hội ở Pháp, các cuộc khủng bố dã man diễn ra trong những năm vừa qua, thất nghiệp gia tăng, đời sống khó khăn… khiến cho số người ủng hộ đảng cực hữu của Le Pen tăng lên đáng kể, và Marine Le Pen đã lập một kỷ lục mà trước bà Front National chưa từng làm được : lọt vào vòng hai của kỳ bầu cử với số phiếu cao. Sau Brexit ở Anh và sau thắng lợi của Tổng thống Trump ở Mỹ, người ta không còn dám chắc vào điều gì, và vì thế nỗi lo lắng trước khả năng một đảng cực hữu lên nắm quyền đang lan rộng trong xã hội Pháp.

Cá nhân tôi cũng không thể dám chắc vào một phỏng đoán nào. Mặc dù, hồi đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam, tôi là một trong số rất ít người cho rằng Tổng bí thư đảng cộng sản sẽ tiếp tục giữ chức vụ này chứ không phải là cựu thủ tướng (mở ngoặc để nói thêm rằng, lúc đó những dấu hiệu mà tôi nhìn thấy là những dấu hiệu tích cực, và tôi ý thức được rằng tôi cũng có thể sai lầm như tất cả mọi người) ; và trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, các phân tích cá nhân cũng khiến cho tôi nghĩ rằng Trump có thể sẽ là người thắng cử, và đã đề cập đến khả năng ấy trong bài blog "Lãnh tụ hay lãnh đạo" viết vào ngày 30/10/2016, tức là trước ngày bầu cử của Mỹ. Mặc dù thế, tôi cũng không thể dám chắc về một phỏng đoán cho kết quả bầu cử ở Pháp lần này.

Tuy nhiên, dù không thể đoan chắc, các phân tích của tôi ngả theo hướng Macron sẽ thắng cử. Và tôi có nói phỏng đoán này từ năm 2016 với một số người. Vì sao phỏng đoán của tôi đi theo hướng này, khi mà Macron là một ứng viên còn rất trẻ, tuổi dưới 40, không thuộc hệ thống nào, không tả, không hữu, không có sự ủng hộ của các bộ máy đảng, nghĩa là không có sự ủng hộ của các lực lượng chính trị truyền thống, bị hoài nghi là thiếu kinh nghiệm, bị các đối thủ chính trị cho rằng đó là ứng viên của hệ thống tài chính, ngân hàng, và cho rằng thành công của ông chỉ là thành công về phương diện truyền thông… ?

Một số lý do sau đây khiến tôi cho rằng sau một tuần nữa tổng thống Pháp sẽ là Macron.

Nước Pháp có ba truyền thống : văn chương (nghệ thuật nói chung), cách mạng, và chủ nghĩa nhân văn. Nhờ ba truyền thống này mà chủ nghĩa quốc-xã, chủ nghĩa phát-xít không phát triển được ở Pháp, (dù rằng Pháp cũng bị ảnh hưởng bởi các khuynh hướng này, và dù rằng chủ nghĩa tư bản Pháp thì cũng giống như mọi chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới) ; đồng thời đảng cộng sản Pháp cũng rất khác các đảng cộng sản toàn trị kiểu Nga Xô-viết hay Đông Âu.

Macron, chưa biết ông sẽ hành động như thế nào nếu được bầu làm tổng thống, nhưng trong các diễn văn của chiến dịch tranh cử ông chứng tỏ rằng rất hiểu các truyền thống này. Cuốn sách trình bày chương trình tranh cử được đặt tiêu đề là "Révolution", ngay sau khi xuất bản (24/11/2016) được lọt vào tóp 5 cuốn sách bán chạy nhất, đầu tháng 12/2016. Bản thân việc đứng ra thành lập một phong trào chính trị hoàn toàn không gắn với truyền thống tả-hữu trong chính trị Pháp cũng có thể được xem là một bước nhỏ mang tính cách mạng. Một phát ngôn của Macron về tội ác của chủ nghĩa thực dân gây trãnh cãi và gây chỉ trích, tuy nhiên, những người theo tinh thần nhân văn của Victor Hugo hay tinh thần các nhà văn từng phản đối chiến tranh Algérie thì lại rất ủng hộ. Một vài dẫn chứng như vậy để nói rằng Macron rất hiểu các truyền thống Pháp và tinh thần Pháp (cũng không có gì lạ, vì ông từng là phụ tá cho triết gia Paul Ricœur) và đã vận dụng những điều này để tạo nên một thành công mà sáu tháng trước rất ít người hình dung tới.

Ngoài ra, nếu sống trong lòng xã hội Pháp sẽ nhận thấy một nỗ lực bền bỉ của người Pháp, nỗ lực kháng cự lại nỗi sợ hãi, kháng cự lại sự thù hận và tình cảm bài ngoại có thể nảy sinh sau các cuộc khủng bố, nỗ lực bảo vệ các giá trị dân chủ và tự do. Nỗ lực đó sẽ kháng cự lại các phong trào mang tính phản dân chủ. Nỗ lực đó là biểu hiện của tinh thần nhân văn được thể hiện trong đời sống thực, trong đời sống hàng ngày của người Pháp, chứ không phải chỉ là trong sách vở.

Tinh thần nhân văn đó thể hiện trong các tin nhắn của bà giáo viên mà tôi nhận được sáng nay.

Paris, 30/4/2017

Nguyễn Thị Từ Huy

Nguồn : RFI, 30/04/2017 (nguyenthituhuy's blog)

Published in Diễn đàn

"Động đất kép" và "kỷ nguyên mới" cho chính trị Pháp

Gương mặt của Emmanuel Macron, 39 tuổi, người về đầu vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp Chủ nhật 23/04/2017, chiếm trang nhất các tuần báo. "Cô đơn đối diện với lịch sử" là hàng tựa của Le Point. "Ông ấy đã thành công một cuộc chơi mạo hiểm", tựa của L’Express. Le Nouvel Observateur nói về "Cuộc đọ sức giữa hai nước Pháp", trên nền hình ảnh hai ứng viên chung kết, mỗi người ngoảnh theo một hướng. Le Courrier International chọn bức họa Macron giương đèn trong đêm đen, bóng đen không ai khác là đối thủ Le Pen. Tuần báo lưu ý : "Hoàn toàn không có gì chắc, dù Macron đang ưu thế. Báo chí nước ngoài lo ngại thế vững chắc của Mặt Trận Quốc Gia".

dongdat1

Những người ủng hộ ứng cử viên Macron vui mừng sau kết quả vòng một, Paris, 23/04/2017. REUTERS/Philippe Wojazer

Le Nouvel Observateur có bài phân tích : "Một kỷ nguyên mới", rút ra một vài ý nghĩa sâu xa từ một cuộc bầu cử, được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử nước Pháp đương đại. Cuộc bỏ phiếu vừa qua được ví với một trận bão có sức công phá "gấp hai lần cuộc động đất chính trị ngày 21/04/2002", khi đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia lần đầu tiên lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống Pháp. Trận bão cử tri quét sạch hai đảng phái truyền thống từng ngự trị đời sống chính trị Pháp suốt hàng chục năm nay, "trừng phạt những ai đã quá chậm để hiểu ra được nhu cầu đổi mới chính trị, mà người Pháp đã bày tỏ từ lâu nay", khát vọng của nhân dân Pháp muốn "thay thế những người đại diện cho dân, cũng như thay đổi cách hành xử của giới chính trị". 

"Những thanh niên già nua" và "kẻ tự tin đến mù quáng"

Bài học thứ nhất là về ứng cử viên cánh hữu Fillon, người vốn được coi là đang bước trên "một đại lộ thênh thang" hướng về phủ tổng thống, chỉ cách nay chưa đầy nửa năm, với khoảng 30% cử tri ủng hộ. Đảnh cánh hữu LR – Những Người Cộng Hòa, hậu thân của đảng RPR hùng mạnh trước đây, vốn được coi là thế lực chính trị đầy uy thế, nghiễm nhiên hoặc nắm quyền lãnh đạo, hoặc trong vai trò đối lập chính.

Theo Le Nouvel Observateur, thất bại của Fillon "soi tỏ" thế bế tắc của đối lập, chìm sâu trong các tranh chấp giữa các phe cánh lớn, cũng như sự đối địch giữa những nhân vật ở lớp kế cận tuy mới ở lứa tuổi 40, mà trông đã giống như "những thanh niên già nua". L’Obs đặt câu hỏi : "Đối lập ấy liệu còn có thể làm nên những tư tưởng mới ?".

Bài học thứ hai là về thất bại ô nhục của đảng Xã Hội cầm quyền, chỉ với 6% phiếu bầu, tương đương với "thành tích" hồi 1969. Đảng Xã Hội đã phải trả giá cho những năm tháng cố tình "quay lưng lại với một thực tại gây khó chịu", "trả giá rất đắt cho tính hai mặt của tất cả những người lãnh đạo đảng, bị tê liệt bởi sự phản đối của cánh tả trong đảng hay chủ nghĩa khủng bố trí thức cực tả, và không bao giờ có dũng khí đảm nhận sứ mạng chuyển sang kinh tế thị trường, tìm ra được con đường đổi mới".

Ứng cử viên Hamon "đã phải quá tự tin, đến mức mù quáng, mới có thể nghĩ rằng phe cánh của tổng thống Hollande, hay của (cựu) thủ tướng Valls chấp nhận liên minh với ông, trong khi chính họ từng bị ông cố tình vùi dập trong suốt nhiệm kỳ 5 năm này". Cuộc phiêu lưu của Hamon kết thúc với việc Đảng Xã Hội, do Mitterrand sáng lập gần nửa thế kỷ trước, "trở nên tơi tả".

Theo L’Obs, một ý nghĩa khác của cuộc bầu cử lịch sử này : người chiến thắng thứ ba là Melenchon, lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất. Giống như Macron, Mélenchon đã hiểu được rằng chính nỗi chán ghét giới chính trị truyền thống nay đã trở thành một động lực thay đổi.

Ý nghĩa thứ tư mà cuộc bầu cử mở ra là đảng Mặt Trận Quốc Gia của Marine Le Pen đã trở thành đảng đối lập chính, với tỉ lệ ủng hộ kỉ lục, hơn 7 triệu cử tri, nhiều hơn cả cuộc bầu cử cấp vùng 2015. Cho dù không giành chiến thắng trong vòng hai, bà Le Pen hiện tại đã đứng vào vị trí trung tâm của bàn cờ chính trị Pháp...

Kết luận của Le Nouvel Observateur : vòng một cuộc bầu cử cho thấy "cử tri đã triệt để đoạn tuyệt với giới chính trị truyền thống. Nhưng chính vì vậy, việc khôi phục lại vai trò của chính trị là điều vô cùng khẩn cấp. Cử tri Pháp cuối cùng đã bỏ phiếu. Đừng quên điều đó !".

Macron "thành công cú hủy diệt thế kỷ" như thế nào ?

Với những ai quan tâm đến chiến thắng dù đã được dự đoán trước, nhưng chưa hết gây ngạc nhiên của phong trào Tiến Bước !, báo Le Point có bài lý giải : "Ông ấy đã thành công cú hủy diệt thế kỷ như thế nào ?".

Trong cuộc tranh cử "vô cùng khác thường" vừa qua, người thanh niên với gương mặt trẻ thơ, tươi tắn, tưởng như chỉ thích hợp cho một hình ảnh quảng cáo trên trang bìa các tạp chí mốt, trong cái thời thiếu vắng niềm tin, thừa thãi do dự, rốt cuộc đã đi vào lịch sử chính trị Pháp, như một kẻ cách tân táo bạo. Bài viết của Le Point điểm lại một số sự kiện đánh dấu hành trình của Emmanuel Macron, có thể tóm trong một câu "Cuộc sống thật sáng tạo !".

Phó tổng thư ký văn phòng Phủ tổng thống tháng 5/2012, sau khi đã là cố vấn kinh tế của ứng cử viên François Hollande trong thời gian tranh cử. Emmanuel Macron đi hết từ thất vọng này đến thất vọng khác, khi nhận ra nhiều nhược điểm cố hữu của nguyên thủ quốc gia : quá gần gũi với báo giới, nhúng tay vào quá nhiều việc, trong khi lại thiếu táo bạo trong những quyết định quan trọng… Tháng 7/2014, Macron quyết định dứt áo ra đi, chuyển sang kinh doanh hay dạy học. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, ông được tổng thống gọi trở về để phụ trách bộ Kinh Tế, Công Nghiệp và Kỹ Thuật Số.

Trong thời gian lãnh đạo bộ Kinh Tế, Macron đã nêu vấn đề xét lại chế độ làm việc "35 giờ", vốn được coi là một "tín điều" của cánh tả. Ông đã nhận được những phản ứng hết sức dữ dội trong đảng. Le Point ghi nhận một thời điểm quyết định đối với ứng cử viên tương lai.

Đó là ngày 17/02/2015. Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, thủ tướng lúc đó Manuel Valls đã không chấp nhận đưa dự luật Lao Động do Macron chủ trì ra Quốc Hội bỏ phiếu, và quyết định dùng điều 49.3, được Hiến Pháp cho phép, để thông qua luật. Đối với Macron, đây là "một điều sỉ nhục". Kinh nghiệm này cho phép Macron hiểu ra : "các bộ máy đảng phái" trói buộc tự do sáng tạo. Không chỉ đảng cầm quyền, mà nhiều nghị sĩ đối lập cũng đã bị ban lãnh đạo khống chế.

Đối với lãnh đạo Tiến Bước !, "giai tầng chính trị đã không còn đáp ứng được mong đợi của đất nước", cần có một phong trào chính trị mới, "không tả, không hữu".

Tình yêu và chính trị : Góc khuất Macron

Cũng trong số báo này, Le Point có bài "Tình yêu trong chính trị" (*). Khác với định kiến của nhiều người trong xã hội Pháp gắn Macron với giới ngân hàng - tài chính, bài viết của Le Point soi rọi một góc hoàn toàn khác của ứng cử viên tổng thống, vốn ít được biết đến.

Macron say mê triết học, văn học. Ông từng là bạn vong niên, trợ lý xuất bản của nhà triết học Pháp nổi tiếng Paul Ricoeur lúc sinh thời. Ricoeur đã có nhiều ảnh hưởng đến quan niệm làm chính trị của Macron. Ham muốn, tình cảm, cảm xúc, tình yêu là động lực của con người. "Trực giác sâu xa" của Ricoeur chính là điều được người học trò Macron kiểm nghiệm qua các tìm tòi chính trị. Vượt qua sự đối kháng tả/hữu là một tư tưởng khác của Ricoeur. Nhà triết học tin điều cơ bản của chính trị là "mang đến cho mỗi người cơ hội phát triển mọi tiềm năng".

"Công trường khổng lồ" đợi tổng thống

Tổng hợp bình luận báo chí quốc tế về cuộc tranh cử tổng thống Pháp, tuần báo Le Courrier International giới thiệu một loạt các góc nhìn khác nhau. "Một công trường khổng lồ chờ đợi tổng thống tương lai" là tựa của báo Đức Die Welt. Nhật báo hàng đầu nước Đức lo lắng cho tổng thống Pháp tương lai, tại một đất nước mà có đến 89% cử tri đã không còn tin vào hệ thống chính trị quốc gia.

Nếu đắc cử, Macron sẽ phải "sáng tạo lại vai trò" tổng thống. Trong quan niệm truyền thống của người Pháp, cụ thể là của nền Đệ ngũ Cộng hòa, do Charles de Gaulle sáng lập, tổng thống được coi như "người cha của dân tộc, vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng", một "ông vua" của nền Cộng hòa. Một vai trò như vậy đã không được thực thi dưới thời tổng thống mãn nhiệm Hollande và người tiền nhiệm.

Theo Die Welt, ông Macron sẽ thất bại, nếu ông cố tình trở lại với vai trò lý tưởng có sẵn này, sau khi đã là kẻ nổi loạn trong cuộc tranh cử. Và nếu không cải tổ được vai trò tổng thống, Macron sẽ chỉ làm "mất uy tín thêm cho hệ thống chính trị truyền thống, điều đó cũng có nghĩa là củng cố sức mạnh cho phong trào Mặt Trận Quốc Gia".

"Coi chừng hội chứng Hillary !"

Lo lắng cho một tương lai đầy bất trắc, New York Times cảnh báo : "Hãy coi chừng hội chứng Clinton". Căn cứ vào bài học thất bại của ứng cử viên Dân Chủ Mỹ, tờ báo chỉ ra rằng : "Mối đe dọa lớn nhất" của Macron là "thái độ ngạo nghễ", chủ quan.

Trong thực trạng chính trị Pháp hiện nay, ứng cử viên Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen có cơ hội giành chiến thắng, nếu hội được cả hai nhóm cử tri cực hữu và cực tả, cùng với sự ủng hộ của cánh hữu bảo thủ. Theo New York Times, ông Macron không được quên rằng : "Pháp là nước đứng đầu trong số các quốc gia phương Tây công nghiệp hóa, về quan điểm chống chủ nghĩa tư bản thế kỷ 21". Nếu không tìm được một thế "quân bình" thỏa đáng, ông Macron ắt sẽ gặp phải sự kháng cự dữ dội của những người ủng hộ Jean Luc Mélenchon, lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất, "vốn chủ trương chống bất bình đẳng và bảo vệ Nhà Nước phúc lợi".

Bài "15 ngày để trở thành tổng thống" trên L’Obs cũng chia sẻ một nỗi lo tương tự. Được coi là người có rất nhiều cơ hội, Macron cần phải tránh mọi bước đi sai trong những ngày còn lại. Đặc biệt trong cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp với đối thủ Marine Le Pen, ngày 03/05. Theo L’Obs, "quá tự tin", Macron sẽ nổi nóng trước những khích bác của đối thủ, giống như ông đã từng mất bình tĩnh, khi bị một phóng viên phê phán là "thuộc giới thượng lưu", trong buổi giới thiệu cương lĩnh tranh cử, hồi đầu tháng 3.

Tiền mặt không còn : Lợi hay hại ?

Le Courrier International giới thiệu một hiện tượng mới trong đời sống xã hội toàn cầu. Đó là ngày càng có nhiều người dùng phương thức thanh toán bằng điện thoại di động. Tiền mặt đang dần dần biến mất. Phóng viên báo mạng Asia Times ghi nhận việc có đến hơn 80% khách hàng tại một cửa hàng cà phê, ở Thẩm Quyến, Trung Quốc, thanh toán qua điện thoại di động chứ không phải bằng thẻ tín dụng hay tiền mặt.

Theo Asia Times, gần 58% trong số 710 triệu dân mạng Trung Quốc đã áp dụng thanh toán qua điện thoại, để mua các sản phẩm hay dịch vụ qua mạng, đặc biệt qua dịch vụ Alipay của tập đoàn Alibaba, hay dịch vụ của mạng xã hội WeChat của tập đoàn Tencent (Đằng Tấn). Nhìn chung, dân Trung Quốc đang chuyển thẳng từ phương thức thanh toán tiền mặt sang dùng di động, bỏ qua giai đoạn thẻ ngân hàng.

Tại Trung Quốc, chỉ có khoảng một phần năm dân cư là có tài khoản ngân hàng, và 80% trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ không được hưởng các dịch vụ ngân hàng phù hợp.

Thanh toán qua dịch vụ mạng khá mạo hiểm. Riêng năm ngoái, khoảng 900 công ty cho vay tiền qua mạng bị sập tiệm, trong một số trường hợp chủ công ty biến mất với tiền của khách.

Việc tiền mặt dần dần biến mất còn mở ra nguy cơ hình thành một xã hội với "hai tốc độ" là cảnh báo của báo Anh The Guardian.

Theo một báo cáo của văn phòng Fung Global Retail&Technology, 9 trong số 15 quốc gia chuẩn bị tốt nhất cho việc chuyển sang xã hội không tiền mặt là ở Châu Âu. Thụy Điển được coi là nước sẽ bỏ tiền mặt đầu tiên, dự kiến vào năm 2030. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ khá nhiều người về hưu Thụy Điển phản đối việc này, nhất là những người sống tại các miền hẻo lánh. Tình hình tương tự đối với các nhóm dân cư nghèo nhất tại các thành phố lớn Châu Âu. Tiền mặt, tiền lẻ vẫn là thứ tiện ích cho các giao dịch nhỏ, trực tiếp, như mua một món hàng ở đầu phố, hay cho tiền một người hát rong…

Theo The Guardian, bỏ hoàn toàn tiền mặt là tiết kiệm và hiệu quả về kinh tế, thuận tiện cho cuộc sống của rất nhiều người, nhưng nếu các phương tiện này không bao phủ được toàn bộ dân cư, ắt hẳn sẽ có thêm nhiều người bị gạt hoàn toàn ra ngoài hệ thống.

Thêm một điểm đáng chú ý khác. Theo nguyệt san kinh tế Anh "1843", thói quen thanh toán bằng thẻ hay qua mạng khiến người ta vung tiền mạnh tay hơn, từ 12% đến 18%, bởi không bị "rào cản tâm lý" khi dùng tiền mặt cản trở. Các doanh nghiệp chắc rất vui, nhưng nhiều người tiêu dùng, khi tỉnh ra thì đã quá trễ.

Trọng Thành

(*) Người viết là nhà triết học, nhà báo Michel Eltchaninoff, tác giả cuốn "Trong bụng tổng thống Nga Putin" (Dans la tête de Vladimir Putin) (2015) và cuốn sách mới ra mắt "Trong bụng Marine Le Pen" (Dans la tête de Marine Le Pen) (2017).

Published in Quốc tế

Vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp đã cho thấy một chiều hướng mới trong chính trị quốc tế. Vào lúc này phân chia chính trị quan trọng nhất không còn là giữa tả và hữu nữa mà giữ những người chủ trương dân tộc chủ nghĩa và những người ủng hộ mở cửa ra vời thế giới. Năm cao điểm và đột phá của nhưng người dân tộc là năm 2016 với Brexit tại Anh và chiến thắng của ông Donald Trump tại Mỹ. Nhưng cuộc bầu cử hôm chủ nhật vừa qua tại Pháp khuyến dụ rằng Pháp và hầu hết Châu Âu lục địa hãy còn đứng ỏ phía quốc tế của lằn ranh phân chia.

baucu0

Marine Le Pen và Emmanuel Macron trong vòng chót của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 là cuộc một cuộc đấu tranh điển hình giữa một người dân tộc và một người quốc tế.

Cuộc đấu tranh giữa bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron trong vòng chót của cuộc bầu cử hôm 7 tháng 5 tới sẽ là cuộc một cuộc đấu tranh điển hình giữa một người dân tộc và một người quốc tế. Bà Le Pen muốn rút Pháp ra khỏi khối tiền tệ chung Châu Âu, tăng thuế quan, mở lại kiểm soát biên giới và cắt giảm di dân. Ông Macron là một người ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, tin tuởng vào mậu dịch tự do cũng như là có một thái độ cởi mở đối với người tỵ nạn. Các cuộc thăm dò dư luận vốn tiên đoán chính xác rằng ông Macron sẽ thắng bà Le Pen sát nút trong vòng đầu nay khuyến dụ rằng ông sẽ đạt đuợc một chiến thắng quyết định trong đợt hai của cuộc bầu cử với trên 60% số phiếu. Cố nhiên là còn đúng hai tuần nữa người ta mới đi bầu trở lại và trong hai tuần đó nhiều chuyện có thể xảy ra dẫn đến chiến thắng của bà Le Pen. Nhưng chúng ta hãy cứ tin tuởng rằng có nhiều triển vọng là các cuộc thăm dò này đúng và nước Pháp sẽ có một vị tổng thống quốc tế.

Bởi vì cuộc đấu tranh Macron-Le Pen là một phần của một cuộc đấu tranh ý thức hệ quốc tế, kết quả cuộc đầu phiếu tại Pháp chắc chắn là được theo dõi một cách chuyên chú bởi phần còn lại của thế giới. Một chiến thắng cho ông Macron sẽ được đón nhận một cách vui mừng tại Berlin và Brussels, nhưng lại với thất vọng tại điện Kremlin và văn phòng Bầu Dục của tòa Bạch ốc. Còn tại Luân Đôn người ta sẽ đón nhận một cách nửa vui nửa buồn.

Bà Le Pen vận động tranh cử với những đề tài tương tự như ông Trump tuy rằng lời lẽ của bà ôn hòa hơn. Bà không đòi cấm mọi người Hồi giáo vào nước Pháp chẳng hạn. Gia đình Le Pen hăng say ủng hộ ông Trump và ngược lại ông tổng thống Mỹ củng đã khuyến dụ mạnh mẽ trên Twitter rằng ông ủng hộ bà Le Pen làm tổng thống Pháp. Tuy nhiên nếu ông Trump có thất vọng vì bà Le Pen thất cử thì những cố vấn của ông về an ninh quốc gia chắc sẽ thở phào mạnh mẽ. Thất vọng của điện Kremlin nếu ông Macron thắng cử sẽ mạnh hơn nhiều. Ông macron là ứng cử viên độc nhất ủng hộ một đường lối cứng rắn chống lại nước Nga của ông Putin. Một ngân hàng Nga cũng cho đảng của bà Le Pen khá nhiều tiền – có thể là một phần của việc điện Kremlin đầu tư vào việc gây rối lọan tại Liên Hiệp Châu Âu.

Phản ứng của Luân Đôn có thể là một hỗn hợp giữa e ngại và thư giải. Chính phủ của bà Theresa May bác bỏ việc người ta cho Brexit là một hành dộng bài ngoại và nhấn mạnh đến Anh Quốc tiếp tục ủng hộ mậu dịch tự do và một Liên Hiệp Châu Âu mạnh. Nhưng vấn đề với Anh là Liên Hiệp Châu Âu rõ ràng là coi Brexit là một biểu hiện của tinh thần dân tộc chủ nghĩa cần phải giải quyết một cách cuơng quyết để khỏi lây lan. Trên phương diện này, một chiến thắng của ông Macron thì vừa tốt vừa xấu cho Anh. Ông Macron biểu tượng cho một Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết và vững mạnh – điều mà bà May nói muốn thấy. Thế nhưng khó khăn đối với Luân đôn là sức mạnh và sự đoàn kết đó có nhiều triển vọng được thể hiện qua một đường lối rất cứng rắn trong thương thuyết về Brexit. Ngươc lại, một chiến thắng cho bà Le Pen sẽ đưa Châu Âu đi vào một con đường mới và đầy nguy hiểm, nhưng lại có thể giúp làm nhẹ vấn đề thương thuyết Brexit vì có triển vọng rằng không còn một Liên Hiệp Châu Âu để thương thuyết.

Một cách rộng rãi hơn, nếu ông Mcron chiến thắng trong vòng hai sắp tới thì nó sẽ xác nhận một sự chuyển hướng trong chính trị Châu Âu với những thất bại của cánh hữu dân tộc chủ nghĩa trong các cuộc bầu cử gần đây tại Áo và Hòa Lan cũng như sự suy thoái của họ tại Đức, nơi mà sự ủng hộ của dân Đức cho đảng AfD (Alternativ fur Deutschland) nay rớt xuống hàng một con số trong các cuộc thăm dò ý kiến. Một chiến thắng cho đảng của bà Angela Merkel nay có nhiều triển vọng hơn. Các đảng theo chủ nghĩa dân tộc nay đã lên nắm chính quyền tại Ba Lan và Hungary nhưng hạch tâm nguyên thủy của Châu Âu (6 nước đầu tiên ký vào thỏa hiệp Rome năm 1957) vẫn còn đứng vững trước cao trào dân túy.

Tuy nhiên, nếu có chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này ông Macron sẽ còn phải đối phó với một vấn đề khó khăn nhất. Làm sao đưa nước Pháp ra khỏi cái vòng lẩn quẩn tăng trưởng kinh tế thấp, thất nghiệp cao và nợ nần gia tăng là một vấn đề đã vượt quá khả năng của một loạt các tổng thống từ ông Jacques Chirac đến ông Nicolas Sarkozy và ngay cả ông tổng thống hiện nay François Hollande, vốn đã bổ nhiệm một ông bộ trưởng trẻ tuổi đầu năng động và hăng say là làm bộ trưởng tài chánh tên là Emmanuel Macron để đưa nước Pháp ra khỏi cái vòng này.

London, 26/04/2017

Lê Mạnh Hùng

Published in Diễn đàn

Điện Kremlin khoanh tay ngồi nhìn Marine Le Pen, ứng cử viên tổng thống Pháp từng tuyên bố "chia sẻ quan điểm" với Moskva về tình hình thế giới bị bỏ lỡ cơ hội trở thành tổng thống siêu cường thứ 5 trên thế giới ? Emmanuel Macron đắc cử sẽ là kịch bản tồi tệ nhất đối với nước Nga của Vladimir Putin. Kremlin tuyên bố "tôn trọng" sự chọn lựa của cử tri Pháp, nhưng Hạ Viện Douma nghiêng hẳn về phía bà Le Pen.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và nữ ứng viên tổng thống Pháp, Marine Le Pen tại Moskva ngày 24/03/2017. Mikhail KLIMENTYEV / SPUTNIK / AFP

Nhiều giờ sau khi Paris thông báo kết quả bầu cử tổng thống Pháp ở vòng một tối ngày 23/04/20147, truyền thông Nga vẫn đưa tin bà Marine Le Pen về đầu, lấn át ứng cử viên Macron của phong trào Tiến Bước. Tổng thống Vladimir Putin đã tiếp đại diện của Mặt Trận Quốc Gia.

Trước bầu cử tổng thống Pháp ở vòng 1, ba trong số bốn ứng cử viên có triển vọng nhất, tỏ lập trường thân Nga. Emmanuel Macron là một ngoại lệ. Với Jean-Luc Mélenchon của phong trào Nước Pháp Bất Khuất, tổng thống Putin là rào cản cưỡng lại sức mạnh của "đế quốc Mỹ", cho dù Nga không là một mô hình dân chủ lý tưởng trong mắt ông Mélenchon.

Dưới nhãn quan ứng cử viên cánh hữu, François Fillon, nguyên thủ Nga là một "mối quen biết thân tình". Họ đã nhiều lần làm việc với nhau trong thời gian cả hai cùng giữ chức thủ tướng. Ngoài ra, ứng viên Fillon còn muốn tận dụng hào quang của Putin trong lòng một phần cử tri Pháp có lập trường bảo thủ.

Với đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia thì khác. Ứng cử viên đảng này, Marine Le Pen, mùa thu 2016 đã sang tận New York, ngồi đợi hàng giờ ở tháp Trump với hy vọng được tiếp kiến tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump. Bà không được toại nguyện. Thủ tướng Đức, Angela Merkel tiếp ba ứng cử viên tổng thống Pháp là François Fillon cánh hữu, Benoît Hamon của đảng Xã Hội và Emmanuel Macron, nhưng không dành cho bà Le Pen vinh dự đó.

Riêng tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành thời giờ để tiếp lãnh đạo đảng Mặt Trận Quốc Gia hôm 24/03/2017, một tháng trước bầu cử Pháp vòng 1.

Buổi tiếp xúc với chủ nhân điện Kremlin là một "thành tích" ngoại giao của ứng cử Le Pen. Nữ ứng cử viên tổng thống Pháp này không che giấu lòng ngưỡng mộ đối với nguyên thủ Nga.

Marine Le Pen mạnh dạn tuyên bố với báo chí là bà cùng quan điểm với tổng thống Nga về tình hình quốc tế trong lúc Paris và Moskva đang bất đồng sâu đậm trên nhiều hồ sơ từ Syria đến Ukraine. Hai ngày sau khi tiếp bà Le Pen, nước Nga cấm và đàn áp một cuộc biểu tình chống tham nhũng do nhà đối lập Alexandre Navalny khởi xướng.

Le Pen-Putin, mối quan hệ nguy hiểm ?

Liên hệ giữa đảng Mặt Trận Quốc Gia của bà Le Pen với Moskva đã được thắt chặt hơn kể từ năm 2013, sau nhiều chuyến công tác của Marine Le Pen tại Nga.

Năm 2014, một ngân hàng tư nhân Nga do chính một người bạn thân với tổng thống Putin làm chủ, cấp 9 triệu euro tín dụng cho đảng Mặt Trận Quốc Gia. Hai năm sau, ngân hàng này tuyên bố phá sản, không thể tiếp tục cho Marine Le Pen vay thêm tiền.

Theo nhà nghiên cứu Anton Chekhovtov Viện Khoa Học Xã Hội tại Vienna, Áo, được Le Monde trích dẫn, Marine Le Pen chỉ được tổng thống Nga Vladimir Putin chiếu cố, một khi tai tiếng việc làm giả liên quan đến bà Penelope Fillon bùng nổ, khả năng đắc cử của ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa François Fillon bị "mỏng dần".

Việc mời ứng cử viên của đảng Mặt Trận Quốc Gia đến điện Kremlin là thông điệp rất rõ ràng của Moskva.

Một nhà báo Pháp bình luận : "Trước khi bức màn sắt ngăn đôi hai khối Đông Tây được dẹp bỏ, Liên Xô ủng hộ ứng cử viên tổng thống Pháp của đảng Cộng Sản PCF. Nay, "đại diện của Moskva tại Paris là bà Marine Le Pen".

Tin tặc Nga trong tầm ngắm

Có lẽ vì vậy mà viện nghiên cứu Mỹ Brookings Institution không loại trừ khả năng "Nga tung một đòn xấu nhắm vào Emmanuel Macron", ứng cử viên duy nhất không lọt vào mắt xanh của ông Putin.

Cố vấn của cựu tổng thống Obama, ông David Axelrod, giải thích : sự kiện ông Macron hay bà Le Pen đắc cử tổng thống Pháp 2017 sẽ đem lại những thay đổi lớn trong quan hệ giữa Nga với các nền dân chủ phương Tây.

Emmanuel Macron một người chủ trương bồi đắp cho Liên Hiệp Châu Âu thêm vững mạnh, củng cố quan hệ giữa Paris với Bruxelles, giữa hai đồng minh thân thiết là Pháp và Mỹ. Ứng cử viên tổng thống Macron chống đối chính sách bãi bỏ cấm vận nước Nga. Ngược lại bà Le Pen thì chủ trương bài châu Âu để xích gần về phía Nga.

Không phải tình cờ mà báo chí Moskva tập trung tấn công ứng viên thuộc phong trào Tiến Bước !

Nhật báo Le Monde số ra ngày 25/04/2017 nêu một chi tiết nhỏ : Chủ Nhật vừa qua vào lúc các phòng phiếu ở Pháp chưa đóng cửa, đài truyền hình quân đội Nga, Zvevda, đã thông báo kết quả Le Pen-Macron lọt vào vòng 2, hashtag bằng tiếng Pháp JeVoteMarine- Tôi bỏ phiếu cho Marine xuất hiện trên màn ảnh tivi.

Vincent Jauvet, phóng viên tạp chí L'Obs nêu lên câu hỏi : liệu tổng thống Putin có đi xa hơn nữa hay không trong việc giúp đỡ Marine Le Pen chinh phục điện Elysée ? Câu trả lời theo ông Jauvet là có.

Tác giả đưa ra những bằng chứng cụ thể : hai cơ quan truyền thông của Nga là Sputnik France chi nhánh hoạt động tại Pháp và đài truyền hình RT- hậu thân của Russia Today là cánh tay nối dài của điện Kremlin để giúp bà Le Pen đắc cử. Sputnik thì chỉ phỏng vấn những người thân cận, những thành viên đảng Mặt Trận Quốc Gia. RT thì chỉ phỏng vấn có một người, đó là phó chủ tịch đảng này, ông Steeve Briois.

Đáng chú ý hơn nữa, vẫn theo tuần báo L'Obs, cả Sputnik lẫn RT cùng nêu lên khả năng kết quả bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 hôm 23/04/2017 "sai lệch" vì có gian lận. Hai kênh truyền thông này của Nga cùng "nêu lên giả thuyết" ấy, nhưng không đưa ra bằng chứng. Vincent Jauvet đặt câu hỏi , đây là một loại "fake news" tức là tin giả mà Sputnik và RT tự ý tung ra hay do đã được Moskva chỉ thị ?

Hãng tin Reuters cho biết, tình báo Mỹ đang điều tra về khả năng Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa tiết lộ hai báo cáo mật của một viện nghiên cứu chiến lược Nga có liên hệ với tình báo nước này. Tài liệu thứ nhất, được ban hành hồi tháng 6/2016 đề nghị "can thiệp" vào chiến dịch vận động tranh cử tại Mỹ, qua kênh các mạng xã hội, RT và Sputnik để yểm trợ ứng cử viên nào có khuynh hướng thân Nga.

4 tháng sau, vào lúc mà Hillary Clinton gần như cầm chắc phần thắng trong tay, văn bản thứ nhì đưa ra tiêu chí ngưng vận động để ủng hộ Donald Trump, tập trung nỗ lực vào các chiến dịch tuyên truyền không chính thức với mục đích làm mất uy tín của vòng phiếu và chứng minh có gian lận bầu cử để làm suy yếu tổng thống Mỹ tương lai.

Vẫn theo nhà báo Jauvet, hai tài liệu được phát hiện nói trên là cơ sở để tổng thống Barack Obama tố cao Nga vào bầu cử Hoa Kỳ. Điện Kremlin bác bỏ tin do hãng thông tấn Anh Reuters loan tải.

Vậy thì có gì bảo đảm là Moskva sẽ không nhúng tay vào bầu cử tổng thống Pháp ?

Nhật báo tài chính Mỹ, Wall Street ấn bản ngày 24/04/2017 khẳng định : ứng cử viên tổng thống Pháp, Emmanuel Macon bị tin tặc tấn công. Thủ phạm là những nhóm tin tặc Nga, chính những người từng đột nhập và phá hoại chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton hồi năm 2016.

Thanh Hà

Published in Quốc tế
mercredi, 26 avril 2017 09:10

Địa chấn kinh tế và xã hội

Kết quả vòng đầu của bầu cử Tổng thống tại Pháp vào ngày Chủ Nhật 23 khiến các thị trường cổ phiếu quốc tế vọt tăng giá trong mấy ngày liền vì các nước tưởng là đã đẩy lui được một cơn khủng hoảng sẽ có ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng sự thật đôi khi lại không được lạc quan như vậy vì những gì xảy ra cho nước Pháp chỉ báo hiệu nhiều cơn địa chấn kinh tế và xã hội trong tương lai.

diachan1

Ứng cử viên bầu cử tổng thống Pháp, Emmanuel Macron (giữa) tại Paris ngày 26 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Bầu cử tại Pháp

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tiết mục chuyên đề của chúng ta thường tập trung vào khu vực Á Châu hay các biến cố có ảnh hưởng kinh tế đến Á Châu và Việt Nam. Nhưng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này lại được thế giới quan tâm vì chi phối tương lai Âu Châu cùng các khu vực khác và kết quả của vòng đầu khiến các thị trường cổ phiếu toàn cầu vọt tăng giá như vừa thoát được một cơn khủng hoảng cho nên kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho việc đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ các thị trường quá sớm lạc quan mà chẳng thấy ra nhiều chấn động sắp tới vì những gì xảy ra cho nước Pháp không thu hẹp vào quốc gia này. Có lẽ chúng ta đang chứng kiến một cơn địa chấn kinh tế và xã hội âm ỉ trong nhiều quốc gia, vì vậy, sau khi phân tích những yếu tố đặc thù của nước Pháp và Âu Châu, ta nên nhìn rộng ra ngoài và nhìn vào Việt Nam.

Nguyên Lam : Nếu vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày về những đặc thù của Pháp, rồi của Âu Châu trước khi rút tỉa một số kết luận cho các quốc gia khác, kể cả cho Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, các thị trường mừng rỡ vì hai ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp đạt nhiều phiếu nhất trong vòng đầu để vào vòng chung kết mùng bảy tháng tới lại là một sự chọn lựa dễ dàng. Đa số đều đoán ông Emmanuel Macron của phong trào Tiến Bước thuộc xu hướng gọi là trung dung và ủng hộ Âu Châu sẽ đắc cử Tổng thống với khoảng 60% số phiếu. Còn bà Marine Le Pen của đảng Mặt Trận Quốc Gia theo xu hướng cực hữu và chống Âu Châu chỉ được tỷ lệ 40% thôi. Tôi trộm nghĩ là người ta mừng quá sớm vì kết quả chưa hẳn như vậy, vả lại Pháp còn bầu cử Hạ viện vào hai ngày 11-18 Tháng Sáu với một ách tắc chính trị nữa là Tổng thống Macron thuộc cánh tả được gọi sai là trung dung có khi lại phải thỏa hiệp với đảng đối lập đa số và một Thủ tướng thuộc cánh hữu. Cho nên sự thể tại Pháp vẫn chưa ổn định và sẽ còn chi phối các cuộc bầu cử ở nước khác trong Liên hiệp Âu châu, kể cả nước Đức.

Nguyên Lam : Như vậy, phải chăng người ta còn cần theo dõi nhiều cuộc bầu cử khác rồi mới có thể kết luận là nên mừng hay nên lo sau cuộc bầu cử tuần qua tại Pháp ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ là người ta nên lo chứ đừng vội mừng vì biến động tại Pháp còn phản ảnh nhiều hiện tượng đáng ngại hơn thế trong lâu dài. Thứ nhất, dư luận dễ đả kích bà Marine Le Pen là của một đảng có xu hướng phát-xít mà không thấy xã hội Pháp vỡ đôi, khi 40% dân số không hài lòng với hiện trạng kinh tế, xã hội, văn hóa đến độ hoài nghi lý tưởng toàn cầu hóa, kinh tế thị trường và đòi trở lại tinh thần bảo hộ mậu dịch hay chủ nghĩa quốc gia.

Thứ hai, ứng cử viên đảng Xã Hội đang cầm quyền tại Pháp chỉ thu được 7% số phiếu là điều chưa từng thấy bao giờ và lãnh đạo đảng Xã Hội là Tổng thống François Hollande không ra tái tranh cử vì thành tích quá tệ mà cũng chẳng dám công khai ủng hộ ông Macron trong vòng đầu vì sợ ứng viên này bị vạ lây.

Thứ ba, từ chấn động kinh tế vào năm 2008, các đảng phái truyền thống, thuộc cánh trung tả hay trung hữu đã thay nhau cầm quyền đều mất tín nhiệm và xu hướng cực tả hay cực hữu có tinh thần đại chúng hay mị dân lại được nhiều người ủng hộ hơn trước.

Thứ tư, từ nước Pháp mà nhìn ra, ta thấy cánh tả tại nhiều nơi như Anh, Mỹ, Hà Lan, Ba Lan, Hung, Tây Ban Nha đều gây thất vọng vì họ xa rời lý tưởng bảo vệ quần chúng lao động thời xưa mà đề cao các giải pháp xã hội trừu tượng và xa lạ với cuộc sống lầm than của giới bình dân. Kết luận ngắn gọn, có vẻ khó hiểu mà thật ra lại đáng sợ ở đây là ta đang thấy một xung đột lớn giữa quyền dân với chủ quyền quốc gia do nhà nước thể hiện.

Xung đột giữa quyền dân và chủ quyền quốc gia

Nguyên Lam : Ông nêu một kết luận quả là hơi khó hiểu cho nhiều thính giả của chúng ta. Thưa ông, thế nào là sự xung đột giữa quyền dân và chủ quyền quốc gia khi mà quốc gia là một tập thể dân tộc, của người dân ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta hãy khởi sự cũng từ Pháp với cuộc cách mạng chính trị vào năm 1789 có ảnh hưởng toàn cầu. Lý tưởng cách mạng khi ấy kết tinh vào bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, văn kiện được nhiều nước khác học theo, kể cả Việt Nam. Nó khởi sự ở Điều Một là "con người ta sinh ra ai cũng có tự do và quyền bình đẳng". Khi nhìn vào Pháp hay nơi khác, ta thấy gì ? Sau cuộc cách mạng, quyền dân lại bị chà đạp hơn trước. Tại Pháp, người ta chặt đầu ông vua rồi mở ra thời kỳ khủng bố và dựng lên một Đế chế với Hoàng đế Napoléon gây chiến khắp Âu Châu.

Lý tưởng "tự do, bình đẳng và bác ái" của Pháp không thể hiện ở chế độ thực dân đế quốc cũng của nước Pháp. Các cuộc cách mạng khác, tại Nga, Tầu hay Việt Nam cũng nhân danh tự do, độc lập hay công bằng xã hội mà sau cùng lại đàn áp người dân qua nạn khủng bố được nhà nước định chế hóa. Tại sao như vậy ? Vì Điều Ba trong văn kiện lịch sử này của Pháp cũng được nhiều nước viện dẫn, đó là, tôi xin tạm dịch "Nguyên tắc chính yếu nằm ở chủ quyền quốc gia". Tức là không cơ chế nào hay cá nhân nào có bất cứ thẩm quyền gì mà không bắt nguồn từ quốc gia. Điều Một của Tuyên ngôn vạch ra lý tưởng cho toàn nhân loại, Điều Ba tìm cách bảo vệ lý tưởng chung bằng phạm trù riêng là quốc gia.

FRANCE2017-VOTE-FAR-RIGHT

Ứng cử viên bầu cử tổng thống Pháp, bà Marine Le Pen trên kênh truyền hình Pháp TF1 ngày 25 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Từ đó, nhân danh chủ quyền quốc gia hay tập thể nhân dân, nhà nước có thể xâm phạm lý tưởng đó. Bây giờ, ta thấy ra sự va chạm hay thậm chí xung đột giữa quyền dân và chủ quyền quốc gia qua mâu thuẫn giữa Điều Một và Điều Ba của bản Tuyên ngôn nguyên thủy.

Một ví dụ dễ hiểu cho dân ta là Điều 4 của Luật Đất Đai xuất phát từ Điều 53 của Hiến pháp, rằng "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Thế rồi một nhà nước đại diện nhân dân hay giai cấp hoặc chủ quyền quốc gia lại quản lý theo kiểu cướp đất khiến nông dân phải khiếu kiện và nổi loạn như đã và đang xảy ra.

Nếu người dân thấy tay chân nhà nước lại còn hút cát trong sông ngoài biển để bán cho Trung Quốc làm đảo nhân tạo trên vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã cướp của Việt Nam thì họ có quyền nêu câu hỏi về chủ quyền quốc gia. Câu hỏi ấy dẫn tới Điều Một của Hiến pháp : "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời" và câu trả lời về mâu thuẫn đó nằm trong Điều Bốn về đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ chế mới thật sự có toàn quyền.

Nguyên Lam : Khi trở ngược lên cuộc Cách mạng Pháp và bản Tuyên ngôn Nhân quyền của năm 1789 rồi dẫn tới chuyện ngày nay trên thế giới và tại Việt Nam vào thế kỷ 21, ông kết luận như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ta có thể rút tỉa nhiều kết luận. Thứ nhất, người Việt Nam sớm có khái niệm về độc lập dân tộc từ hơn ngàn năm trước, khi giành lại chủ quyền sau ngàn năm Bắc thuộc. Câu "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" có thể là tuyên ngôn điển hình, và tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc ngày nay về kinh tế lẫn chính trị là một nghịch lý. Nhiều người Việt ngày nay đã hết tin mà cũng hết sợ đảng cầm quyền nên tình hình có thể biến thái rất nhanh.

Nhìn vào Âu Châu thì sau cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, khái niệm quốc gia dân tộc mới thành hình, nhưng lại dẫn tới xung đột và chiến tranh liên miên mà cao điểm chính là hai trận đại chiến biến ra thế chiến trong Thế kỷ 20. Sau Thế chiến II, các nước dân chủ Tây phương mới rút tỉa kinh nghiệm mà lập ra nhiều định chế quốc tế với hứa hẹn bảo vệ nhân quyền và dân quyền, hay nói chung là quyền tự do của cá nhân trong một thế giới hòa bình. Liên Hiệp Quốc rồi Liên Âu cũng thuộc vào loại định chế quốc tế đó.

Nhưng thật ra các định chế ấy đều thất bại vì hòa bình chưa có, xung đột và nội chiến vẫn bùng nổ ở nhiều nơi, riêng tại Liên Âu thì quyền dân lại bị các định chế quốc tế thu hẹp làm người dân hoài nghi lý tưởng hội nhập. Riêng thất bại kinh tế tại Pháp với đà tăng trường thấp, thất nghiệp lên tới 10%, thậm chí 25% trong giới trẻ dưới 24 tuổi, khiến các đảng truyền thống vẫn cầm quyền mới bị cử tri chối bỏ.

Nhìn rộng ra ngoài, ta còn nên lo sợ một chiều hướng khác là trong từng quốc gia thống nhất lại có trào lưu ly khai hay độc lập. Sau khi Anh Quốc quyết định ra khỏi Liên Âu, xứ Scotland lại đòi ra khỏi Vương quốc Anh thống nhất, đất Catalonia thì đòi ra khỏi xứ Tây Ban Nha. Tại Ý, tuần qua hai vùng Lombardy và Veneto ở miền Bắc cũng đòi tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự trị. Hiện tượng phân cực tại Pháp chỉ là mặt nổi của những chuyển động đáng ngại hơn ở dưới. Nếu lại kể thêm cuộc khủng hoảng của thế giới Hồi giáo và nạn khủng bố thì có lẽ các thị trường tài chính sẽ xét lại chứ không thể lạc quan như mấy ngày qua.

Nguyên Lam : Câu hỏi cuối, thưa ông, vẫn là về Việt Nam. Tương lai rồi sẽ ra sao trong cái thế giới đang có quá nhiều phân hóa như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Một ngẫu nhiên là biến động dồn dập này của thiên hạ lại xảy ra khi Việt Nam nhớ tới biến cố 1975, 42 năm về trước. Trong Thế kỷ 20, Việt Nam gặp một cuộc chiến lâu dài và đắt đỏ nhất vì mục tiêu được minh danh là độc lập. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc thì kinh tế bị 10 năm khủng hoảng. Việc đổi mới kinh tế ba chục năm trước có dẫn tới thay đổi mà chưa phải là canh tân và phát triển, nhưng nền độc lập lại dần dần tiêu vong vì tình trạng quá lệ thuộc vào Trung Quốc.

Khi thấy các nước Âu Châu tranh luận về quyền của con người do quốc gia bảo vệ và lâm vào mâu thuẫn giữa dân quyền với chủ quyền thì ta đừng quên rằng đảng và nhà nước Việt Nam lại nhân danh chủ quyền quốc gia mà xâm phạm quyền của con người trong khi lũng đoạn tài nguyên quốc gia rồi bán dần cho một xứ láng giềng có nhiều tham vọng bành trướng. Khi người dân thấy là bị quá nhiều oan ức thì Việt Nam cũng sẽ bất ngờ gặp cơn địa chấn kinh tế và xã hội.

Nguyên Lam : Xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 26/04/2017

Published in Diễn đàn

Bài học rút ra từ vòng một bầu cử Pháp (BBC, 25/04/2017)

Vòng một bầu cử tổng thống Pháp gây sốc khi hai đảng cai trị nước Pháp gần 60 năm đều thua.

baihoc1

Bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron lọt vào vòng hai.

Sau đây là năm điều lộ ra sau khi bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron lọt vào vòng hai.

Không cần thuộc đảng lớn

Mặt trận Dân tộc theo xu hướng cực hữu của Marine Le Pen chỉ có hai nghị sĩ.

Đảng En Marche ! (Tiến tới) của Emmanuel Macron chỉ mới xuất hiện từ tháng Tư 2016.

Nhưng một trong hai người này sẽ là tổng thống Pháp.

Đảng Cộng hòa cánh hữu và đảng Xã hội cánh tả đã bị đẩy lui.

Cánh tả thua nặng

Tổng thống đảng Xã hội Francois Hollande không được lòng dân. Nhưng ứng viên của đảng, Benoît Hamon, vẫn có kết quả tệ không ngờ, chỉ được 6,35% phiếu bầu.

Ông Hamon vốn là người "nổi loạn". Trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi tháng Giêng, ông đánh bại cựu thủ tướng Manuel Valls để trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Xã hội.

Nhưng cũng vì thuộc phe "nổi loạn", nên ông không được sự ủng hộ của toàn chính phủ. Ông Valls còn công khi tuyên bố ủng hộ Emmanuel Macron.

baihoc2

Kết quả bầu cử tổng thống Pháp vòng một

Các cử tri đã bỏ đảng, để bầu cho Macron hoặc nhân vật cực tả Jean-Luc Mélenchon.

Marine Le Pen : Nhiều phiếu nhưng không thể thắng

Mặt trận Dân tộc chưa bao giờ thu hút nhiều cử tri đến vậy.

Hơn 7,6 triệu cử tri đã bầu cho Marine Le Pen trong vòng một.

Nhiều năm qua, nhóm của Le Pen đã cố gắng "giải độc" nhãn hiệu đảng. Đảng của bà đã thắng trong bầu cử Châu Âu và khu vực.

Tuy vậy, bà vẫn đang thua phiếu trước Emmanuel Macron.

Thăm dò dư luận không phải luôn sai

Kinh nghiệm gần đây từ trưng cầu dân ý Brexit ở Anh tháng Sáu 2016 và chiến thắng của tổng thống Donald Trump tại Mỹ khiến người ta nghi ngờ độ chính xác của thăm dò dư luận.

Người dân không nói hết cho người thăm dò, và một số cũng nghi ngờ phương pháp hỏi.

Tuy vậy, bầu cử tổng thống Pháp lại cho thấy thăm dò đã đoán trúng sự sụt giảm ủng hộ cho Marine Le Pen và sự thắng thế của Emmanuel Macron.

Chỉ vài ngày trước bầu cử, thăm dò mới cho thấy ông Macron đang vượt lên, và kết quả ra đúng vậy.

Thăm dò dư luận cũng nói đúng về sự nổi bật của Jean-Luc Mélenchon.

Bê bối không giúp thắng cử

Trước đây, đảng cánh hữu dẫn đầu với ứng viên Francois Fillon.

Nhưng rồi xuất hiện cáo buộc vợ ông được trả tiền công cho những việc mà bà không làm, và ông này lại ham thích quần áo và đồng hồ đắt tiền.

Rốt cuộc ông cũng thu được gần 20% số phiếu trong vòng một, nhưng nó không đủ để ông đi tiếp.

***********************

Marine Le Pen thôi lãnh đạo đảng (BBC, 25/04/2017)

Ứng viên tổng thống Pháp theo xu hướng cực hữu Marine Le Pen tuyên bố sẽ thôi làm lãnh đạo đảng Mặt trận Dân Tộc.

baihoc3

Ứng cử viên Tổng thống Pháp 2017 : Marine Le Pen

Chữ bà dùng trên truyền hình Pháp ra chỉ dấu việc này chỉ mang tính chất tạm thời.

Bà nói quyết định của bà là do "niềm tin sâu sắc" rằng tổng thống phải đoàn kết mọi người dân Pháp.

"Vì thế chiều tối nay, tôi không còn là chủ tịch Mặt trận Dân tộc. Tôi là ứng cử viên chức tổng thống Pháp".

Phóng viên BBC Hugh Schofield ở Paris nói đây là cử chỉ biểu tượng để chứng tỏ bà lo lắng chung cho đất nước, chứ không chỉ cho đảng.

Bà Le Pen cũng đang hy vọng sẽ chinh phục người ủng hộ cho các ứng viên thất bại trong vòng một.

Hai người lọt vào vòng hai là bà Le Pen và ông Emmanuel Macron.

Hôm thứ Hai, ông Francois Fillon, ứng viên của đảng cánh hữu Những người cộng hòa, nói ông không còn "tính chính danh" để dẫn dắt đảng tham dự bầu cử quốc hội sẽ diễn ra tiếp sau vòng hai bầu cử tổng thống.

Ông nói ông sẽ chỉ là "một nhà hoạt động bình thường".

Published in Quốc tế

Đối đầu Macron – Le Pen, hay hình ảnh hai nước Pháp đối lập

Bầu cử tổng thống Pháp là đề tài chủ đạo trên trang nhất các nhật báo lớn số ra ngày 25/4/2017. Theo nhận định chung các báo , Macron – Le Pen đối đầu nhau ở vòng hai làm lộ rõ khủng hoảng nội bộ ở hai đảng chính trị lớn, cũng như sự chia rẽ sâu sắc giữa nông thôn và thành thị trong lòng xã hội Pháp.

doidau1

Nước Pháp như bị xẻ làm hai : Màu đen là những vùng bỏ phiếu cho Le Pen và màu vàng ủng hộ E. Macron. AFP

Nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất đề tựa lớn : "Macron – Le Pen : những điểm chính của một trận đấu chưa từng thấy". Hơn bao giờ hết, với tỷ lệ ủng hộ trên 24%, Emmanuel Macron lãnh đạo phong trào Tiến Bước ! - En Marche được cho là có nhiều lợi thế thắng cử trước đối thủ thuộc đảng cực hữu Mặt trận quốc ga-(Front National-FN), bà Marine Le Pen trong vòng hai. Các cuộc thăm dò đều dự đoán Macron dẫn xa với một tỷ lệ khá cao trên 60% số người ủng hộ.

Le Figaro thì nói đến "Dư chấn Macron lan sang cả hữu lẫn tả". Lần đầu tiên trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, hai đảng truyền thống Những người cộng hòa (LR-Les Républicains), cánh hữu, và đảng Xã Hội (PS-Parti Sociliste), cánh tả, ngự trị trên chính trường Pháp từ mấy thập niên qua đã bị đánh bật khỏi cuộc đua vào điện Elysée ngay từ vòng một.

Hai nước Pháp đối lập

Về phần mình, Le Monde trên trang nhất lại có cách nhìn khác về kết quả vòng một qua hàng tít lớn "Macron – Le Pen : Hai nước Pháp". Một nhận định được hầu hết các báo ra hôm nay đồng quan tâm và mổ xẻ phân tích. Tất cả các báo đều nhìn nhận nước Pháp đã bị xẻ làm hai, giữa một bên nước Pháp của nông thôn và bên kia là nước Pháp của thành thị.

Cách biệt giữa lá phiếu thành thị và nông thôn rất là đáng kể. Đa số các bộ phận cử tri ở những thành phố lớn như Paris, Lyon, Nantes, Strasbourg, Rennes, Reims, Dijon, Angers,…) đều ủng hộ ông Emmanuel Macron. Trong khi tại vùng nông thôn, bà Marine Le Pen dẫn đầu với những khoảng cách khá xa.

france0

Le Monde nhắc lại trong đợt bầu cử tổng thống năm 2012, bà Marine Le Pen đã nhận được 17,90% lá phiếu ủng hộ nếu tính trên toàn quốc. Nhưng nếu tính riêng tại 573 thành phố có số dân trong khoảng từ 15-150 ngàn người, bà đã được 15,73% và 11,05% tại 15 thành phố lớn nhất nước. Điều đó cho thấy càng xa các thành phố lớn sự bất bình của cử tri càng lớn. Đó là những người cảm thấy bị lãng quên, mức sống bị suy giảm, việc làm hiếm hoi và tình trạng xuống cấp các dịch vụ công.

Chưa hết, nước Pháp còn bị chia đôi về mặt địa lý, giữa Đông và Tây, mà đường ranh giới ảo chính là hai đầu mút Lille (bắc) – Perpignan (nam). Phần lớn các tỉnh phía đông ủng hộ Marine Le Pen, ngược lại các tỉnh duyên hải phía tây lại ngả về Macron. Có thể nói là nước Pháp đang có một sự phân chia "kép" như nhận định của Le Monde.

Nhưng sự đối đầu giữa Macron và Le Pen còn cho thấy rõ một sự đối lập về hệ tư tưởng trong lòng nước Pháp. Nếu như trước đây các cuộc tranh cử tổng thống mang màu sắc cuộc chiến truyền thống giữa tả và hữu, thì nay khái niệm này hầu như không còn nữa.

Bài viết "Những sự phân hóa mới" trên Le Monde cho rằng, đối với bà Marine Le Pen, đây chính là cuộc chiến giữa "những người ủng hộ Châu Âu và những người yêu nước". Đảng FN chủ trương rời Liên Hiệp Châu Âu, trong khi ngược lại, Macron cho rằng đây lại một sự đối đầu giữa "những người tiến bộ và những người bảo thủ".

Chính cánh tả và hữu truyền thống, lần lượt thất bại trong hai nhiệm kỳ liên tiếp vừa qua đã góp phần tạo nên sự đối đầu này giữa "một nước Pháp cởi mở" với "một nước Pháp khép kín" ; giữa một bên được hưởng lợi từ sự toàn cầu hóa và bên kia là bị thiệt hại ; giữa những người nghĩ rằng vị cứu tinh đến từ Liên Hiệp Châu Âu và người kia thì ghét cay ghét đắng định chế đó.

Có thể nói cuộc đối đầu Le Pen – Macron là hình ảnh một sự đối đầu giữa nước Pháp hạnh phúc với một nước Pháp bất hạnh. Với nhận định này, thì nước Pháp không chỉ xẻ làm hai, mà thậm chí là ba như nhận xét của La Croix.

Tả - hữu tạm gác những bất đồng

Thất bại của hai đảng truyền thống lớn của Pháp cũng là chủ đề được các nhật báo bàn đến nhiều. "Thất bại của Fillon làm trầm trọng thêm những chia rẽ của cánh hữu" là ghi nhận của Le Monde. Tuy nhiên, thất bại này cũng chưa hẳn có nghĩa là mọi việc đã chấm hết cho đảng Những người cộng hòa.

Ngoài việc phân tích nguyên nhân thất bại của ứng viên Fillon qua bài viết "Fillon : Làm thế nào cuộc bầu cử không thể thua trở thành không thể thắng", Le Figaro nhận thấy ban lãnh đạo đảng LR hiện đang tìm cách "tránh gây chia rẽ", để dồn sức cho cuộc chiến tiếp theo : Bầu cử Quốc hội vào tháng 6 này.

Tương tự với đảng Xã hội. Mặc dù, cuộc bầu cử này đã cho thấy rõ những bất đồng trong nội bộ đảng. Việc nhiều nhân vật quan trọng đã lên tiếng ủng hộ ông Macron ngay từ vòng một và kết quả thảm hại chưa từng có của vòng bỏ phiếu hôm 23/4, đã đẩy "đảng Xã hội đến bờ vực thẳm" như nhận xét của Le Monde.

Nhưng Le Figaro cho biết, có lẽ giờ chưa phải lúc để vạch tội lẫn nhau, nên Jean-Christophe Cambadelis, tổng thư ký đảng Xã Hội thông báo tạm thời gác sang một bên mọi lời giải thích.

"Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng ?"

Tuy báo chí Pháp có dành chút cảm tình và phần nào sự ủng hộ ứng cử viên phong trào Tiến Bước, nhưng không vì thế mà tiết kiệm chỉ trích ông Macron, "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng".

Đành rằng các cuộc thăm dò cho vòng một là không sai và dự phóng ông Macron sẽ bỏ xa đối thủ Le Pen với hơn 60% lá phiếu ủng hộ trong vòng hai, nhưng vẫn chưa có gì là chắc cả. Le ParisienLibération chỉ trích bài diễn văn tối Chủ Nhật, sau khi có kết quả sơ bộ vòng một, là quá dài dòng, nhợt nhạt và nhất là chưa gì đã đượm mùi chiến thắng cuối cùng, cứ chắc như là ông sẽ đắc cử.

Hơn nữa những hình ảnh dạ tiệc ăn mừng thắng lợi vòng một của Macron với các đồng sự tại một quán bia sang trọng tại Montparnasse cũng bị chỉ trích. Đương nhiên một buổi tối thân thiện với bạn bè là chuyện thường tình. Nhưng điều đáng lưu ý là chủ nhân của buổi tiệc lại có khả năng trở thành tổng thống. Chính điều đó tạo nên cái gọi là "gánh nặng biểu tượng của hình ảnh" như lưu ý của Le Figaro.

Về phần mình, Libération đánh giá việc ăn mừng thắng lợi 15 ngày trước vòng hai bầu cử là quá sớm. Tờ báo cho rằng ứng viên phong trào En Marche đang tiến một bước về chiếc bẫy đang được giăng ra : không ai bán da gấu trước khi hạ gục gấu.

Macron vào vòng hai : Ảnh hưởng hạn hẹp của truyền thông Nga ?

Tin tặc hay ảnh hưởng của truyền thông Nga, những chủ đề này vẫn ám ảnh báo chí Pháp, đặc biệt là trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017. Sau vòng một cuộc bầu cử tổng thống, ngày 23/04, báo Les Echos có bài phóng sự điều tra của Benjamin Quenelle, thông tín viên thường trú tại Moskva, với hàng tựa : "Thành công của Macron hay những ảnh hưởng có giới hạn của truyền thông Nga".

Theo Les Echos, điện Kremlin coi kênh truyền hình Russia Today (RT) và hãng thông tấn Sputnik, như là một trong những viên đạn phục vụ chiến tranh. Tổng biên tập của RT và Sputnik, bà Margarita Simonyann với tư duy rất hiếu chiến, tuyên bố rằng truyền thông phương Tây không trung thực và không khách quan và chỉ có mục tiêu là chống Nga, do vậy, đó là những kẻ thù.

Một nhà báo đã từng làm việc cho Sputnik trong 10 năm giải thích : trong khối lượng thông tin khổng lồ và trung lập được đăng tải, RT và Sputnik chọn một góc độ xử lý đối lập hoàn toàn với truyền thông phương Tây và gọi đây là thời sự thay thế. Đó là thông tin do điện Kremlin đưa ra. Các chuyên gia phân tích đều là những người thân cận hoặc ủng hộ tổng thống Vladimir Putin. Chiến lược này gặt hái được kết quả tại Châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, trong bối cảnh sự bi quan, không tin vào các phuơng tiện truyền thông truyền thống ngày càng cao.

Les Echos cho biết, sau cuộc gặp với tổng thống Vladimir Putin, ngày 24/03 tại Moskva, ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen, thuộc đảng cực hữu Mặt trận quốc gia đã được truyền thông Nga ca ngợi. Bà được coi là người mến mộ nước Nga. Ngoại trưởng Lavrov đánh giá bà là một chính trị gia "thực tế", còn tổng thống Putin khẳng định một xu hướng chính trị mới tại Châu Âu đang phát triển nhanh chóng.

Dưới thời Liên Xô cũng như ở nước Nga của ông Putin, từ lâu nay, người dân quen thuộc với kiểu tuyên truyền về những vấn đề đối nội, họ xem vô tuyến nhưng không tin. Thế nhưng, về thời sự quốc tế, thì việc tuyên truyền lại mang một chiều kích khác hẳn. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng dân nhập cư, truyền thông Nga tìm mọi cách chứng minh rằng Châu Âu, đi đầu là Pháp, tỏ ra ngây thơ và giờ đây phải trả giá về sự yếu kém của các định chế dân chủ, đi kèm thông điệp : Châu Âu lún sâu vào khủng hoảng và giới lãnh đạo thì không đủ khả năng giải quyết tình hình này. Mục tiêu của RT và Sputnik : tạo dựng và duy trì tâm lý bi quan và hoài nghi, yếm thế.

Một nhà báo Nga cho Les Echos biết, Moskva sử dụng các phương pháp tuyên truyền đối nội và đối ngoại như nhau : đó là gây nghi ngờ. Tại Pháp, tuyên truyền Nga tập trung vào lá bài chống Macron, bởi vì Moskva cho rằng Fillon và Le Pen gần gũi Nga hơn và mong muốn hai ứng viên này vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống. Nếu Fillon thắng, thì rất hay. Nếu Le Pen thắng thì tuyệt vời.

Minh Anh

Published in Quốc tế
Trang 1 đến 2