Bầu cử tổng thống Pháp : Các thách thức hậu 7/5
Còn năm ngày nữa diễn ra vòng hai bầu cử tổng thống Pháp. Giới trẻ Pháp nghĩ gì về cuộc bầu cử ? Giới chủ Pháp lo điều gì về chương trình tranh cử của Marine Le Pen ? Mặt trận chung nào để chống ứng viên cực hữu và Những thách thức nào cho tổng thống tương lai ? Đây chính là những mối bận tâm chính trên các nhật báo lớn tại Pháp số ra ngày 02/05/2017.
Bầu cử tổng thống Pháp : Áp phích của hai ứng cử viên Macron-Le Pen. Reuters
"Vòng hai : Macron dẫn đầu cuộc đua", tựa trên trang nhất báo Le Figaro. Các kết quả thăm dò do Kantar Sofres-OnePoint thực hiện cho kênh truyền hình LCI và cho chính tờ báo, cho thấy lãnh đạo phong trào En Marche ! (Tiến Bước) Emmanuel Macron vẫn dẫn đầu với 59% ý định bỏ phiếu so với tỷ lệ 41% của đối thủ Marine Le Pen, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN-Front National).
Vậy giới trẻ Pháp có những mong đợi gì từ cuộc bầu cử tổng thống này ? Nhật báo công giáo La Croix đã dành hẳn 10 trang để trình bày "Tiếng nói của giới trẻ" mà tờ báo có dịp trao đổi với những thanh niên trong độ tuổi từ 18-30, mong muốn có những đổi thay trong giáo dục, vị thế của nước Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu, về hồ sơ di dân, cải cách chính trị Pháp, việc làm, an ninh…
"Cực kỳ vớ vẩn"
Trước sự lớn mạnh của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, "Các doanh nghiệp gióng chuông báo động về chương trình của FN" là tít lớn trên trang nhất Les Echos. Nhật báo kinh tế đã dành hẳn 3 trang báo lớn, tạo điều kiện cho giới chủ doanh nghiệp lên tiếng về chương trình kinh tế của ứng viên này.
Trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, chương trình tranh cử của ứng viên cực hữu Marine Le Pen đã có những thay đổi mập mờ trên hai điểm : đó là đồng tiền chung Châu Âu euro và lời tố cáo cái gọi là "đầu sỏ, tập quyền – oligarchie". Với tựa đề "Cực kỳ vớ vẩn", bài xã luận của Les Echos nhận định lập trường này của đảng cực hữu FN không chỉ nguy hiểm mà còn phi lý và đảng này đã công khai coi thường sự hiểu biết, trí thông minh của cử tri Pháp.
Về chủ đề thứ nhất, đồng euro : đã từ lâu, ứng viên đảng FN luôn luôn giải thích rằng việc từ bỏ sử dụng đồng euro là điều kiện cần thiết để phục hồi kinh tế Pháp. Đầu tháng Ba, bà Le Pen còn khẳng định : "nếu tôi không đưa nước Pháp ra khỏi khu vực đồng euro, tôi không thể thực hiện được 70% chương trình tranh cử của mình".
Thế rồi, trong những ngày qua, chủ đề này không thấy đề cập đến trong các tờ rơi phát cho cử tri, cũng như trong thỏa thuận liên minh giữa Marine Le Pen và Nicolas Dupont-Aignan, đảng Nước Pháp Đứng Dậy (Debout la France), một chính đảng chống Châu Âu và đề cao chủ quyền nước Pháp.
Tuy vậy, khi trả lời truyền thông, Marine Le Pen vẫn khẳng định sẽ thực hiện những cam kết trong chương trình tranh cử, đồng thời, giữ thái độ mập mờ về thời điểm thực hiện. Đối với Les Echos, ứng viên đảng cực hữu hoặc là nói thật trước ống kính nhưng nói dối trên giấy tờ, hoặc ngược lại.
Về chủ đề thứ hai, "tập quyền, đầu sỏ", Marine Le Pen sử dụng lá bài này để tố cáo những người "chủ trương toàn cầu hóa" chống lại những "người yêu nước". Đầu tuần, ứng viên cực hữu "gộp" chung vào một phe bao gồm đối thủ Emmanuel Macron, Liên Hiệp Các Tổ Chức Hồi Giáo Pháp (UOIF), giới chủ (MEDEF), Tổng Liên Đoàn Những Người Lao Động Pháp (CGT)… Thật là khôi hài vì bà Le Pen coi đại diện giới chủ Pháp và giới công đoàn có chung lợi ích cùng bảo vệ.
Theo Les Echos, sở dĩ ứng viên cực hữu đánh đồng tất cả vì không có một tổ chức đại diện xã hội nào tại Pháp ủng hộ đảng Mặt Trận Quốc Gia. Cho dù các công đoàn bị chia rẽ, thể hiện qua việc tuần hành riêng lẻ trong Ngày Quốc Tế Lao Động, mồng Một tháng Năm, nhưng tất cả đều chống lại các ý tưởng của đảng cực hữu. Kể cả công đoàn lớn nhất trong lực lượng cảnh sát mà bà Le Pen muốn dựa vào để lập lại "trật tự" ở Pháp.
Về phần mình, Libération trên trang nhất chạy tít lớn : "Tại sao vẫn luôn là KHÔNG !", đã tỏ rõ thái độ hoàn toàn chống Marine Le Pen. Nhật báo thiên tả ghi rõ "số đặc biệt", đã mở hẳn 16 trang "chống FN". Tờ báo lưu ý là không như năm 2002, sức phản kháng chống FN năm 2017 có vẻ như bị giới hạn.
Một mặt trận chung chống Le Pen bị rạn nứt, những cuộc tuần hành riêng rẽ, một người từng theo chủ nghĩa De Gaulle thì nay chạy theo cực hữu, hay như sự do dự của một ứng viên cánh tả cực đoan, cứ như là mối đe dọa không còn như trước nữa, cứ như là mối nguy hiểm cho cô con gái có 40% cử tri ủng hộ lại ít mạnh mẽ hơn là tỷ lệ 20% của người cha (Jean-Marie Le Pen). Cứ như là FN càng ít gây sợ hơn khi càng tiến gần đến quyền lực… Chính vì thế mà xã luận của nhật báo cho rằng nên "Thức tỉnh cảnh giác", tựa bài viết.
"Những thách thức sau ngày 07/05"
Cứ cho rằng Emmanuel Macron sẽ đắc cử tổng thống trong vòng hai ngày 07/05. Vậy những "thách thức nào cho ông sau ngày đó ?" Xã luận của Le Figaro nêu rõ những vấn đề nào ông Macron sẽ đối mặt một khi đắc cử.
Đầu tiên bài viết cho rằng cuộc vận động tranh cử kéo dài và đầy biến động đã làm lu mờ điều cơ bản : đó là Pháp là một trong những quốc gia ở Châu Âu cần phải khẩn trương tiến hành cải cách, nếu không muốn rơi vào khủng hoảng, phá sản. Thế nhưng, Pháp cũng là nước Châu Âu mà ở đó, giới công đoàn – tuy chỉ là thiểu số - lại có thể áp đặt luật lệ của họ cho mọi chính phủ, bất luận tả hay hữu hoặc "không tả không hữu".
Các chương trình kinh tế của Emmanuel Macron và Marine Le Pen rất khác biệt nhau. Các đề xuất của Macron là hợp lý nhằm đưa nước Pháp xích lại gần các láng giềng Châu Âu. Trong khi đó, chương trình của Le Pen chủ trương một sự thụt lùi, đưa nước Pháp trở về thời kỳ năm 1981.
Emmanuel Macron là đối thủ của phe tả trong đảng cánh tả Xã Hội, ông hiểu được khả năng gây khó khăn, gây hại của những kẻ luôn luôn chống đối mọi thay đổi. Ông biết rõ là phe cực tả dẫn đầu là Jean-Luc Mélenchon đang chờ đợi để chống lại ông. Phe này cùng với các công đoàn như Tổng Liên Đoàn Những Người Lao Động Pháp (CGT), Lực Lượng Công Nhân (FO) và các tổ chức trung gian khác sẽ chống lại ông. Họ chỉ mong muốn nguyên trạng vì điều này có lợi cho họ.
Nếu đắc cử tổng thống, ứng viên Emmanuel Macron sẽ không ngạc nhiên phát hiện ra tình trạng tê liệt này. Bởi vì ông đã từng phải đối mặt khi còn ở trong chính phủ. Chính sự bất lực của tổng thống mãn nhiệm François Hollande trong việc cải cách đất nước đã thúc đẩy Emmanuel Macron trở thành kẻ "nổi dậy".
Le Figaro bầy tỏ quan điểm : vì đất nước Pháp, mong sao ông Macron duy trì và phát triển tư tưởng "nổi dậy" này trong suốt nhiệm kỳ tổng thống. Xã luận tờ báo thiên hữu đưa ra một lời khuyên : càng ít dân biểu đảng Xã Hội trong phe đa số tại Quốc Hội, thì ông càng được tự do để "nổi dậy".
Một thế giới khác cho tổng thống Pháp tương lai
Tuy nhiên, bất kể người thắng cử là ai, Emmanuel Macron hay Marine Le Pen, ngoài việc phải tiến hành những cải cách trong nội bộ, sự biến đổi về trật tự thế giới cũng đang đặt cho tổng thống Pháp tương lai nhiều thách thức lớn về mặt địa chính trị.
Với câu hỏi "Thế giới nào cho tổng thống sắp tới của chúng ta ?", nhà báo Renaud Girard trên Le Figaro khẳng định chủ nhân tương lai của điện Elysée sẽ phải đối mặt với một thế giới ít trật tự hơn trước năm 1991. Mô hình thế giới đang có những biến đổi đi từ sự đồng nhất sang phân hóa các nền văn minh.
Nếu như trước đây, phần đông các quốc gia chạy theo mô hình tự do phương Tây, dưới các hình thức của Mỹ hay Châu Âu, thì nay thế giới đang chuyển sang thời kỳ phân hóa. Người Trung Quốc đồng thời đi theo hai luồng tư tưởng : binh pháp của Tôn Tẫn và triết lý của các triết gia kỳ Ánh Sáng.
Người Nga trở về với mối liên kết xa xưa Sa Hoàng và Chính Thống Giáo. Người Ấn Độ thì từ bỏ các quan điểm Oxford để kết nối lại với Ấn Độ giáo. Thế giới Ả Rập – Hồi Giáo trở về với những quan điểm tôn giáo chưa từng thấy. Châu Phi vẫn đi theo cơ cấu bộ tộc. Trong khi mà vùng Châu Mỹ Latinh vẫn chưa chịu tự giải thoát mình khỏi cơn nghiện "mị dân" chính trị. Nói một cách khác, toàn cầu hóa chỉ đồng hóa cách thức tiêu thụ hàng hóa chứ không phải là tư tưởng.
Từ những nhận định trên, tác giả cho rằng trên bình diện chiến lược và chính trị, lãnh đạo tương lai sẽ phải đề phòng với tân chủ nghĩa bảo thủ, một hệ tư tưởng xuất hiện ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương vào cuối thế kỷ trước, chủ trương ưa chuộng "dân chủ" hơn hòa bình. Nhưng thế giới ngày nay không muốn đón nhận những giá trị phương Tây bằng vũ lực.
Do đó, Pháp nên phát huy các hào quang của mình bằng cách làm gương hơn là đưa ra những bài học đạo đức. Nền ngoại giao của Pháp phải chú trọng đến thực tế như chính bản thân của nó, chứ không phải theo cách Pháp muốn uốn nắn theo.
Brexit đo lường tính gắn kết của Liên Hiệp Châu Âu
Căng thẳng giữa Liên Hiệp Châu Âu với Liên Hiệp Anh xung quanh hồ sơ Brexit cũng được một số báo Pháp đề cập đến. Le Figaro và Les Echos lần lượt có bài viết đề tựa : "27 nước thành viên đoàn kết trước sự cự tuyệt thực tế của Vương Quốc Anh" và "Brexit đánh thức bản năng gắn kết của Liên Hiệp Châu Âu".
Nhân cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles hôm thứ Bảy 29/4, 27 nước thành viên đã nhanh chóng thống nhất những đường nét chính để tiến hành đàm phán với Anh về Brexit. Một đoàn kết hiếm có bởi vì bình thường 27 nước này vẫn thường hay đối nghịch nhau.
Cả hai nhật báo lưu ý là xu hướng bài Châu Âu đang lên cao tại Pháp cũng như tại Đức hai quốc gia đầu tàu và tại nhiều nước khác trong Liên Hiệp. Brexit thường được những phong trào dân túy lấy làm mô hình để noi theo. Một điều mà 27 quốc gia thành viên muốn phá tan.
Do đó, theo Le Figaro, những tháng tới đây sẽ là phép thử trắc nghiệm tính thống nhất của cả khối. Một điều chắc chắn là sự chia rẽ sẽ lại xuất hiện một khi những chủ đề nhậy cảm lại được đề cập đến, do việc lợi ích của từng quốc gia thành viên với Brexit là khác nhau.
Pháp : "Sinh con dễ, dạy con khó"
Đây chính là nhận định của gần 50% phụ huynh Pháp hiện nay. Các bậc cha mẹ Pháp ngày nay cảm thấy mệt mỏi vì suốt ngày cứ phải hò hét : "Tắt điện thoại của con đi", "dọn dẹp phòng của con đi", "làm bài chưa"… Đến mức tờ Le Figaro có cảm giác "làm bố mẹ là một nghề bạc bẽo".
Thăm dò của BVA thực hiện cho hội Les Apprentis d’Auteuil cho thấy 46% các bậc phụ huynh thú nhận nuôi dạy con là khó. Trong đó tranh cãi xung quanh vấn đề thời gian trước máy tính, trò chơi điện tử, máy tính bảng hay điện thoại thông minh là chiếm hàng đầu (45%). Tỷ lệ này tăng vọt lên 61% khi trẻ đến tuổi thiếu niên.
Nhật Bản chống làm việc quá độ
Cũng trên lĩnh vực xã hội, La Croix quan tâm đến "Cuộc chiến chống làm việc quá độ gây tranh cãi tại Nhật Bản".
Hôm 1/5, hơn 30 ngàn người đã diễu hành tại Tokyo. Nhiều người trong số họ đã hô to : "Hãy loại trừ karoshi". Một hiện tượng "kiệt sức" hay "chết" do làm việc quá độ, diễn ra rất phổ biến tại Nhật Bản.
Theo giải thích của La Croix, thời gian làm việc hợp pháp là 160 giờ/tháng và dựa trên mức ấn định này người lao động có thể làm thêm tối đa là 45 giờ. Nhưng mức trần này có thể vượt qua nếu như giữa chủ và nghiệp đoàn có được một đồng thuận.
Tuy nhiên, theo ghi nhận chính thức của chính quyền Nhật Bản, chỉ tính riêng trong năm qua đã có 200 ca tử vong do làm việc quá độ. Hơn phân nửa trong số này chết vì bị tai biến tim mạch hay tai biến mạch máu não. Một nửa còn lại là do bị trầm cảm, các chứng bệnh tâm lý và tự tử.
Trước những lời chỉ trích cáo buộc sự trì trệ của chính phủ, thủ tướng Shinzo Abe buộc phải đưa vấn đề này thành một trong số các ưu tiên, nhằm chống lại hiện tượng "karoshi" nơi sở làm.
Minh Anh