Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/05/2017

Diễu hành ngày 01/05 trên thế giới

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : giới công đoàn không diễu hành nhân Ngày Quốc Tế Lao Động (RFI, 01/05/2017)

Trên lịch phổ thông Trung Quốc, ngày mồng một tháng Năm được ghi là ngày "bắt đầu mùa hè", không có diễu hành do đảng Cộng Sản cầm quyền tổ chức, không có các mít tinh. Đây chỉ là một ngày nghỉ đối với giới trung lưu mới tại Trung Quốc : Hàng ngàn người tranh thủ nghỉ cuối tuần, "bắc cầu" sang thứ Hai. Không có chuyện biểu tình, diễu hành, biểu thị đấu tranh giai cấp nữa. Những ai đấu tranh bảo vệ quyền của người lao động gặp rất nhiều khó khăn, cản trở.

laodong1

Trung Quốc không tổ chức diễu hành nhân Ngày Quốc Tế Lao Động. Ảnh 01/05/2017. Reuters

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Smidth tường trình :

"Tất cả những người Trung Quốc nào dám lên tiếng đòi cải thiện điều kiện làm việc đều có thể gặp nhiều rủi ro, như trường hợp Tằng Phi Dương (Zeng Feiyang), Thang Hoàng Hưng (Tang Huanxing) và Chu Tiểu Mai (Zhu Xiamei). Cả ba người này đã đấu tranh ủng hộ những người lao động từ nông thôn lên thành thị. Họ bị kết án tù với cáo buộc là đã tổ chức đình công tại một nhà máy sản xuất giầy dép.

Lo sợ sự xuất hiện một phong trào công nhân, chính quyền Bắc Kinh cấm mọi công đoàn lao động độc lập. Ngay cả khi lương của 220 triệu công nhân đến từ các vùng nông thôn đã tăng 6,6% trong năm ngoái, thì thu nhập của họ vẫn không vượt qua ngưỡng 435 euro mỗi tháng.

Do động lực kinh tế suy giảm và chi phí sản xuất gia tăng, giới chủ Trung Quốc chịu sức ép và những người lao động bị đe dọa sa thải. Theo tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin, hàng triệu lao động đã bị mất việc làm trong ngành xây dựng và chế biến. Các doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ có biện pháp tương tự : trước nguy cơ dư thừa nhân lực, Bắc Kinh đã thông báo hủy bỏ 1,8 triệu việc làm trong các ngành khai thác mỏ và luyện thép.

Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc vẫn chỉ dao động xung quanh 4%, đó là vì những người lao động từ nông thôn lên thành thị không được tính trong số liệu thống kê chính thức".

RFI tiếng Việt

*******************

Bầu cử tổng thống : Lao động Pháp phân tán lực lượng trước đảng cực hữu (RFI, 01/05/2017)

laodong2

Công đoàn Pháp CGT tuần hành tại Paris, nhân Ngày Quốc Tế Lao Động, 01/05/2017 - REUTERS

Thay vì đoàn kết thành một khối như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 để cản đường đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, lần này giới công đoàn Pháp lại chia năm xẻ bảy trước một rủi ro cao gấp đôi. Người thì kêu gọi "đánh bại" Marine Le Pen, kẻ thì muốn dồn phiếu cho Emmanuel Macron, trong khi một bộ phận khác thì đòi… tẩy chay cả hai ứng cử viên. Vì sao nên nỗi ?

Vòng hai bầu tổng thống Pháp với trận đấu quyết định diễn ra trong sáu ngày tới, Chủ Nhật 07 tháng 05. Ngày Quốc Tế Lao Động 01 tháng 05 lẽ ra là cơ hội để tất cả công đoàn tỏ tình đoàn kết, như cách nay 15 năm, biểu dương lực lượng, chống lại Mặt Trận Quốc Gia cùng ứng cử viên Jean Marie Le Pen bị xem là "kẻ thù" của nền dân chủ và chế độ cộng hoà. Hơn một triệu người đã xuống đường vào thời điểm đó.

Cũng như mọi năm, Ngày Quốc Tế Lao Động năm nay cũng có tuần hành trên khắp nước Pháp, nhưng tại thủ đô Paris, hình ảnh chia rẽ lộ rõ hơn hết. Ứng cử viên Marine Le Pen, tuy vẫn bị xem là nguy hiểm và nguy hiểm hơn người cha, thế nhưng phản xạ chống phát-xít trong giới công đoàn lao động không còn vũ bão như cách nay 15 năm.

Trong phe hữu, đã có lãnh đạo hai đảng nhỏ "vượt rào đạo đức", một người kêu gọi ủng hộ bà Le Pen, một người ký thỏa hiệp để lấy ghế thủ tướng. Thế mà, lực lượng công đoàn, nòng cốt chống chính trị cực đoan, lại đối nghịch nhau.

Trong lực lượng công nhân, Liên Đoàn Dân Chủ Lao Động Pháp CFDT, thân với đảng Xã Hội và Tổng Liên Đoàn Lao Động CGT có xu hướng cộng sản, là hai công đoàn lớn nhất. CFDT còn được xem là "phe cải cách" trong khi CGT được gọi là "phản kháng".

Tại Paris, đoàn tuần hành thứ nhất do hai nghiệp đoàn CFDT, Unsa và Liên Hội Sinh Viên Paris ủng hộ ứng cử viên trung tả Emmanuel Macron, xuất hành lúc 11 giờ sáng. Đoàn thứ hai, gồm CGT, FSU, Solidaires và FO khởi hành từ một địa điểm khác vào lúc 14 giờ 30. Nhóm này kêu gọi "cản đường Marine Le Pen", nhưng không dứt khoát kêu gọi thành viên bầu cho Emmanuel Macron.

"Khẩu hiệu bất đồng" là lý do được hai bên đưa ra để giải thích vì sao không tuần hành chung. Với nhận định Mặt Trận Quốc Gia là một tổ chức có quan điểm "phản động và kỳ thị", CFDT kêu gọi bầu cho Macron. Lãnh đạo CFDT lý giải, bầu cho Macron không phải là chấp nhận toàn bộ chương trình hành động của ứng cử viên trung tả. Lực lượng công đoàn sẽ tranh đấu, không muộn, khi có bất đồng với chính sách của điện Elysée.

Mặt Trận Quốc Gia xâm nhập giới lao động

CGT bác bỏ phân tích này vì cho rằng chính "tình trạng suy thoái về xã hội" mà cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron cũng có phần trách nhiệm, đã dọn đường cho Mặt Trận Quốc Gia lên điểm. Thật ra, từ khi đảng Cộng Sản Pháp suy yếu, không còn đóng vai trò lá chắn bảo vệ người lao động, phe cực hữu bài ngoại rộng đường xâm nhập giới công nhân với lập luận đơn giản : dân nhập cư chiếm việc làm của người Pháp. Hệ quả là 15% trong số 680.000 thành viên của CGT trở thành "cảm tình viên" của Mặt Trận Quốc Gia.

Ý thức thái độ lưng chừng của CGT, không chỉ đạo bầu cho Macron vì có thể làm mất uy tín của tổ chức, tổng thư ký Philippe Martinez vội vàng lên tiếng, "CGT dứt khoát chống cực hữu, không một phiếu cho Marine Le Pen, Mặt Trận Quốc Gia là đảng phát-xít, kỳ thị, khinh phụ nữ và chống quyền lợi người lao động".

Tình trạng "khó xử" của giới công đoàn Pháp một phần vì hai ứng cử viên vào chung kết nằm ngoài dự kiến của họ. Theo nhà sử học Stéphane Sirot, một chuyên gia về phong trào công đoàn, thì hiện tượng chia rẽ này cũng không khác chi tình trạng phân hóa trong giới chính trị.

Cho dù thời thế đã đổi thay, một bộ phận dân Pháp kể cả công đoàn và đảng phái, trước nguy cơ cực hữu nắm quyền, vẫn "không chấp nhận được một giải pháp mới" thay thế lối mòn tả hữu truyền thống.

Tú Anh

*********************

Tại Mỹ, Ngày Quốc Tế Lao Động 01/5 trở thành "ngày vì dân nhập cư" (RFI, 01/05/2017)

laodong3

Người biểu tình chống sắc lệnh nhập cư của tổng thống Trump ngày 9/03/2017 tại New York với khẩu hiệu : " Người nhập cư làm nước Mỹ mạnh hơn", chế lại lới Donald Trump "làm cho nước Mỹ mạnh hơn" - REUTERS/Ashlee Espinal - Ảnh minh họa

Trong ngày hôm nay, 01/05, các cuộc biểu tình được tổ chức ở nhiều thành phố Mỹ. Một số cửa hàng đóng cửa để chứng minh rằng người nhập cư không giấy tờ là một nguồn nhân lực cần thiết cho đất nước, trong lúc ngày càng có nhiều người trong tình cảnh này, tuy không phạm tội gì, nhưng vẫn bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.

Từ Washington, thông tín viên Anne Marie Capomaccio gửi về bài tường trình :

"Theo các số liệu của cơ quan nhập cư Mỹ, trong tháng Hai vừa qua, đã có 680 người bị trục xuất, tăng 30% so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Một số nhà hoạt động bảo vệ người nhập cư, trước đây đã ví Barack Obama là "thủ lĩnh trục xuất", thế nhưng giờ đây, họ đã hoảng sợ với chính sách của Donald Trump. Bởi vì trong tháng Hai, một nửa những người không có giấy tờ định cư đã bị trục xuất cho dù họ không phạm tội ác gì hoặc chỉ là vi phạm luật giao thông…Từ trước đến giờ, đó không phải là lý do để trục xuất. Thế nhưng, John Kelly, bộ trưởng An Ninh Quốc Nội vẫn bảo vệ quan điểm này.

Ông nói : Cảnh sát không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những người vi phạm pháp luật. Ban đầu, chúng tôi chú ý tới những người nhập cư bất hợp pháp, rồi đến những người vi phạm pháp luật. Nhưng đối với những người tình cờ bị bắt giữ, chúng tôi không có lựa chọn nào khác là áp dụng các quy định của pháp luật.

Những người nhập cư không giấy tờ hợp lệ phải tránh mọi tiếp xúc với cảnh sát. Bởi vì, việc kiểm tra giấy tờ tùy thân theo như thông lệ cũng có thể dẫn đến việc trục xuất. Các doanh nghiệp không để cho những lao động nhập cư bất hợp pháp lái xe giao hàng nữa và điều này đã tác động đến các hoạt động dịch vụ.

Chính vì thế mà hôm nay, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp đã đóng cửa để tỏ tình đoàn kết với những người nhập cư không giấy tờ và những thành phố bị coi là thánh địa của người nhập cư hiện đang chịu sức ép của chính quyền Donald Trump".

RFI tiếng Việt 

Quay lại trang chủ
Read 616 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)