Thượng đỉnh Trump-Kim cần nhiều nhượng bộ lớn (VOA, 02/05/2017)
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump ngỏ ý sẵn lòng gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, điều đó khó có thể diễn ra trong một ngày gần đây vì chưa bên nào sẵn sàng đưa ra bất cứ nhượng bộ nào để bảo đảm cho một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh như vậy.
Ảnh tư liệu : Lãnh tụ Kim Jong-un ở thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên ngày 15/4/2017 (trái), và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Washington ngày 29/4/2017
Khi Tổng thống Trump hôm thứ Hai nói trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Bloomberg rằng ông sẽ "hân hạnh" gặp gỡ với nhà lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên, ông cũng nói thêm rằng "trong hoàn cảnh thích hợp, tôi sẽ gặp nhà lãnh đạo Bắc Hàn". Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc sau đó nói rõ rằng "những điều kiện rõ ràng hiện nay chưa có".
Tiếp theo sau sự mở ngỏ có điều kiện của Tổng thống Trump về khả năng đối thoại với ông Kim, hai oanh tạc cơ siêu thanh B-1B của Mỹ đã bay gần biên giới liên Triều hôm thứ Ba 2/5 trong cuộc thao dượt quân sự chung với không quân Nam Triều Tiên. Hãng thông tấn chính thức KCNA của Bắc Hàn lên án Mỹ "đẩy Bán đảo Triều Tiên đến gần bờ vực chiến tranh hạt nhân".
Căng thẳng tiếp tục tăng cao trên Bán đảo Triều Tiên khi chính quyền của Tổng thống Trump đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân bằng cách áp lực lên Trung Quốc đòi Bắc Kinh phải tăng các biện pháp trừng phạt và nhấn mạnh đến khả năng sẵn sàng có biện pháp quân sự, nếu cần.
Điều kiện gặp thượng đỉnh
Hoa Kỳ và các đồng minh lâu nay luôn kiên định rằng đối thoại với Bắc Hàn với điều kiện tiên quyết là Bình Nhưỡng phải ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo và đồng ý đàm phán giải trừ hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên hôm thứ Ba nói rằng cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim cũng có cùng những điều kiện đó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Hàn, ông Cho June-hyuck phát biểu :
"Về phát biểu của Tổng thống Trump, cả Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đều kiên định với lập trường rằng cửa ngỏ đối thoại sẽ mở ra khi Bắc Triều Tiên phải tiến tới giải trừ hạt nhân, và đó là con đường chính đáng".
Để cuộc gặp gỡ Trump-Kim diễn ra, một số tiến bộ trong việc đóng băng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và việc Mỹ ngưng tập trận chung với Hàn Quốc trước tiên cần phải đạt được, nhưng phải mất nhiều tháng thương thảo cấp tập giữa hai bên mà hiện mọi kênh liên lạc chính thức đã bị cắt đứt.
Giáo sư Daniel Pinkston, một nhà phân tích về Đông Bắc Á giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại Đại học Troy ở Seoul, nhận định :
"Tổng thống Trump đúng khi nói rằng ông sẽ gặp gỡ trong hoàn cảnh thích hợp, nhưng tôi nhận thấy rằng những điều kiện thích hợp đó sẽ không có được trong một khoảng thời gian ngắn".
Chính quyền của ông Trump chưa có nhóm chuyên gia giàu kinh nghiệm về Đông Á ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng và chưa bổ nhiệm các đại sứ trọng yếu cho khu vực vốn rất cần thiết để khởi động một sáng kiến ngoại giao quan trọng như vậy.
Giao thức Trung Quốc
Cũng có câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thân phụ Kim Jong Il của ông trước đây thường viếng thăm Bắc Kinh và duy trì quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Hàn hiện nay chưa từng đến thăm đồng minh thân cận nhất và nước ủng hộ kinh tế lớn nhất của ông.
Giáo sư Pinkston nhận định : "Mối quan hệ khắng khít đó đang bị đóng băng và ngay vào lúc này bị mất chức năng trong một chừng mực nào đó".
Các nhà phân tích nói rằng Chủ tịch Tập sẽ không gặp gỡ với ông Kim cho đến khi nào lãnh tụ Bắc Hàn đồng ý nói chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân, và ông Kim cũng không thể gặp gỡ với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới vì sợ rằng điều đó càng khiến cho mối quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc bị chia cắt sâu hơn.
Răn đe từ Nam Triều Tiên
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), ông Mike Pompeo, đến Seoul cuối tuần qua để họp với các giới chức tình báo Nam Triều Tiên.
Mỹ hôm thứ Ba xác nhận rằng hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD được triển khai ở Nam Hàn đã bắt đầu hoạt động, bấp chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, các cuộc biểu tình chống đối ở Hàn Quốc và yêu cầu bất ngờ của Tổng thống Trump đòi Seoul phải trả một tỉ đôla cho chi phí triển khai THAAD, một đòi hỏi mà Nam Hàn từ chối.
Một hạm đội tác chiến của Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu được phái đến vùng biển của Bán đảo Triều Tiên để tham gia thao dượt quân sự chung với các lực lượng của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Brian Padden
*********************
Với Bắc Triều Tiên, Trump sẵn sàng phá lệ (RFI, 02/05/2017)
Ảnh ghép : Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump - REUTERS/KCNA handout via Reuters/File Photo & REUTERS/Lucas Jack
Hiện giờ, trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, chính quyền Donald Trump vẫn tiếp tục chính sách gia tăng áp lực kinh tế lên Bình Nhưỡng, chủ yếu là thông qua đồng minh và láng giềng Trung Quốc, đồng thời kèm theo lời đe dọa hành động quân sự.
Chỉ mới tuần trước tổng thống Trump còn tuyên bố rằng, tuy ông muốn giải quyết khủng hoảng Bắc Triều Tiên bằng con đường ngoại giao, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra một "cuộc xung đột lớn". Nhưng hôm qua, ông lại nói sẵn sàng gặp lãnh đạo Kim Jong-un.
Từ trước đến giờ chưa một tổng thống đương nhiệm nào của Mỹ gặp một lãnh đạo của chế độ Bình Nhưỡng, kể từ thời Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong-un, cho đến thời Kim Jong Il, cha của ông.
Theo một số nhà phân tích được tờ New York Times trích dẫn trong một bài báo đăng trên mạng ngày 01/05/2017, thái độ của ông Trump mở cửa cho đối thoại phản ánh tác động của Trung Quốc, vì từ lâu Bắc Kinh vẫn thúc giục Washington nói chuyện trực tiếp với Bình Nhưỡng. Kể từ khi tiếp xúc với chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng trước, tổng thống Trump đã ca ngợi lãnh đạo Trung Quốc là rất sẵn sàng dùng ảnh hưởng của mình để làm thay đổi hành vi của chế độ Kim Jong-un.
Theo lời ông Chritopher Hill, nhà ngoại giao lão luyện từng là đặc phái viên về Bắc Triều Tiên dưới thời tổng thống George W. Bush, ông Kim Jong-un chắc chắn rất mừng được gặp tổng thống Trump với tư cách lãnh đạo một quốc gia hạt nhân này gặp lãnh đạo một quốc gia hạt nhân kia.
Trong những ngày qua, tổng thống Mỹ đã không ngớt lời thán phục ông Kim Jong-un là đã "sống sót được" trên sân khấu chính trị đầy những mưu mô thâm độc, tuy là một lãnh đạo trẻ, cụ thể là đã chống lại nỗ lực của người chú Jang Song Taek nhằm giành quyền lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Sau khi bị thanh trừng, người chú đầy quyền lực này đã bị ông Kim Jong-un ra lệnh xử tử không thương tiếc.
Các tổ chức nhân quyền cũng nghi rằng chính ông Kim Jong-un đã chỉ đạo vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong Nam ở sân bay Kuala Lumpur, Malaysia, tháng 2 vừa qua. Không chỉ thanh trừng nội bộ, chế độ gia đình trị họ Kim cho tới nay vẫn là một trong những chế độ tàn bạo nhất thế giới, đưa Bắc Triều Tiên đến khánh tận và khiến tuyệt đại đa số người dân nước này vẫn sống trong nghèo khó cùng cực.
Theo nhận định của New York Times, với việc tuyên bố sẵn sàng gặp một nhà độc tài khát máu như Kim Jong-un, cũng như với việc mời đến Nhà Trắng một lãnh đạo đã ra lệnh giết vô tội vạ hàng ngàn người trong chiến dịch chống ma túy như tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Donald Trump muốn tỏ cho thấy là ông có thể đạt thỏa thuận và nói chuyện với hầu như bất cứ ai, như thể ông vẫn là một nhà doanh nghiệp tính toán chuyện làm ăn. Nói cách khác, với Bắc Triều Tiên, tổng thống Trump sẵn sàng phá lệ, làm theo trực giác của ông, thay vì theo đúng các chuẩn mực của ngoại giao.
Thế nhưng, theo các nhà ngoại giao và giới phân tích, đề nghị đối thoại của ông Trump là quá sớm. Ngay chính phát ngôn viên của Nhà Trắng Sean Spicer hôm qua cho rằng một cuộc gặp gỡ Donald Trump - Kim Jong-un sẽ không sớm diễn ra. Còn phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cũng ra tuyên bố rằng : "Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng các điều kiện phải thay đổi trước khi tái lập thương thuyết, cụ thể là Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân". Về điều kiện này thì Bắc Triều Tiên chẳng hề có ý định tuân thủ, vì người ta vẫn nghi là chế độ Kim Jong-un đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu bất chấp các áp lực của quốc tế.
Thanh Phương
******************
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Donald Trump sẵn sàng tiếp Kim Jong-un (RFI, 02/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, ảnh ngày 26/04/2017. REUTERS/Carlos Barria
Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 01/05/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây bất ngờ khi tuyên bố sẵn sàng gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng trước viễn cảnh Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân thêm một lần nữa và Mỹ sẵn sàng mọi biện pháp để đối phó, kể cả can thiêp quân sự, đồng thời Washington kêu gọi Trung Quốc nỗ lực hơn để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình từ Washington :
"Donald Trump không che giấu lòng ngưỡng mộ cá nhân đối với các lãnh đạo độc tài. Tổng thống Trump từng chúc mừng đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp hồi tháng trước, vốn bị phản đối mạnh. Ông Trump cũng mời tổng thống Philippines Duterte tới Nhà Trắng, trong lúc nhân vật này đã đưa ra những lời ngợi khen tổng thống Nga Putin.
Lần này, vào hôm qua, mùng Một tháng Năm, tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ lấy làm ‘‘vinh hạnh’’ gặp nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Trump nhận xét : "Thanh niên ấy mới 26, 27 tuổi, khi kế nhiệm cha mình. Cậu ấy ắt hẳn phải là một người rất khôn lanh".
Tuyên bố nói trên của ông Trump khiến nhiều dân biểu Mỹ la hoảng, khiến ông Sean Spicer, người phát ngôn của tổng thống, đã phải biện bạch để trấn an : "Tổng thống nói đủ thứ chuyện khi gặp riêng các nhà lãnh đạo như vậy, các vị đã từng thấy trong trường hợp Ai Cập. Đôi khi cái lối ngoại giao kiểu nói chuyện riêng, thiết lập các quan hệ cá nhân, có thể mang lại một số kết quả, không chỉ cho chúng ta, mà cho cả người dân của họ".
Vẫn theo người phát ngôn của tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tự tin vào sức thuyết phục của bản thân và sẵn sàng làm tất cả để bảo đảm an ninh cho người Mỹ. Ông cũng cho biết thêm là tổng thống Trump đã nói sẽ gặp Kim Jong-un "nếu các điều kiện cho phép", "mà các điều kiện trong hiện tại không cho phép điều này". Người phát ngôn của tổng thống Mỹ kết luận như trên, để chấm dứt các đàm luận gây khó xử."
Hệ thống THAAD sẵn sàng chiến đấu
Về phần hệ thống lá chắn tên lửa THADD của Hoa Kỳ đang được triển khai tại Hàn Quốc, theo AFP, hôm nay 02/05/2017, người phát ngôn của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, đại tá Rob Manning, thông báo hệ thống này "hiện đã sẵn sàng bắn chặn các tên lửa Bắc Triều Tiên, bảo vệ lãnh thổ Hàn Quốc". Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, cụm THAAD vừa triển khai cách Seoul 250 km về phía nam chỉ cho phép bảo vệ một phần Hàn Quốc. Cần hai đến ba cụm như vậy mới đủ cho toàn bộ lãnh thổ.
Tiếp theo cuộc tập trận với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản với tàu sân bay Carl Vinson, hôm qua, 01/05/2017, Hoa Kỳ đưa thêm hai oanh tạc cơ chiến lược siêu thanh B-1B Lancer tới khu vực bán đảo Triều Tiên, để tập trận với không quân Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay lên án hành động nói trên của Mỹ là đẩy bán đảo Triều Tiên đến "bờ vực chiến tranh hạt nhân". Hồi tháng 9/2016, ngay sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ năm, Washington đã đưa các oanh tạc cơ chiến lược này đến Hàn Quốc để gia tăng áp lực.
Về phía Bắc Kinh, hôm nay, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng đòi Hoa Kỳ ngừng ngay việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Bắc Kinh nhấn mạnh hệ thống này bao phủ một phần lãnh thổ Trung Quốc, và ảnh hưởng đến khả năng răn đe hạt nhân của nước này. Cùng lúc đó, Trung Quốc hoan nghênh các nỗ lực mới của tổng thống Mỹ, để ngỏ cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng.
Trọng Thành
**********************
Căng thẳng bán đảo Triều Tiên ngày càng tăng (RFA, 02/05/2017)
Máy bay chiến đấu trên chiến hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ, Carl Vinson ngoài khơi Nagasaki hôm 29 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Bắc Hàn lại lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ đang đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Cáo buộc này được Bình Nhưỡng đưa ra liên quan đến việc Hoa Kỳ đưa hai chiếc phi cơ ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer đến tham gia cuộc tập trận chung với không quân Nam Hàn và Nhật Bản, đồng thời cũng để răn đe Bắc Hàn, cảnh báo trước rằng Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể làm nhằm đối phó với mức độ căng thẳng ngày càng tăng, do những hoạt động gây rối mà Bình Nhưỡng thường làm.
Trong bản tin phổ biến sáng ngày 2 tháng 5, thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn KCNA viết rằng Hoa Kỳ sử dụng máy bay B-1B Lancer vào cuộc diễn tập ném bom nhắm vào các mục tiêu quan trọng trên lãnh thổ của Bắc Hàn, đồng thời cáo buộc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và những người thuộc cánh diều hâu ở Mỹ muốn sử dụng võ khí hạt nhân để mở cuộc tấn công phủ đầu.
Cáo buộc này được Bình Nhưỡng đưa ra chỉ một này sau khi Tổng thống Hoa Kỳ cho biết sẵn sàng gặp lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un trong hoàn cảnh thích hợp và với những điều kiện phù hợp, để giảm bớt căng thẳng đang xảy ra bởi chương trình chế tạo tên lửa và võ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Trưa ngày 1 tháng 5 trong cuộc họp báo thường lệ ở Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spencer giải thích rõ hơn, cho biết một trong những điều Bình Nhưỡng phải làm là ngưng những hành động khiêu khích.
Cũng cần nhắc lại ngay từ khi còn vận động tranh cử, ứng cử viên Donald Trump đã tuyên bố sẵn sàng gặp lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un. Tuần trước, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cũng nói tới việc Washington sẵn sàng đàm phán với Bắc Hàn, nhưng nhấn mạnh rằng phải có những bằng chứng xác nhận là chính quyền Bình Nhưỡng từ bỏ chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trung Quốc yêu cầu ngưng THAAD
Cũng liên quan đến căng thẳng đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc mới lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ và Nam Hàn ngưng ngay việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Nói với báo chí tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho hay quan điểm của Trung Quốc về hệ thống THAAD không thay đổi, tức vẫn cho rằng hệ thống phòng thủ này gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh khu vực, và được Hoa Kỳ triển khai với mục tiêu theo dõi các hoạt động quân sự của Hoa Lục.
Vì thế, ông Cảnh Sảng cũng nói rằng đương nhiên Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.
Trước khi tuyên bố này được Bắc Kinh đưa ra, phát ngôn viên lực lượng quân sự Mỹ tại Nam Hàn là Đại Tá Rob Manning cho hay hệ thống phòng thủ THAAD đã bắt đầu hoạt động, có khả năng đánh chặn cuộc tấn công bằng tên lửa của Bắc Hàn.