Trung Quốc lãnh đạo thế giới bảo vệ môi trường sau khi Mỹ rút lui (VOA, 30/03/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba đã ký một sắc lệnh hành pháp bao trùm nhiều vấn đề mà trên thực tế có hiệu lực hủy bỏ các quy định về môi trường do người tiền nhiệm Barack Obama đưa ra.
Tổng thống Mỹ phát biểu trước khi ký sắc lệnh về độc lập năng lượng, 28/3/2017
Tại lễ ký sắc lệnh, ông Trump nói : "Chúng ta sẽ đưa các thợ mỏ trở lại làm việc và sản xuất than thực sự sạch".
Một ngày sau, Trung Quốc nói hôm thứ Tư rằng họ quyết tâm tôn trọng các cam kết của mình trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng chống biến đổi khí hậu là một thách thức đối với toàn thế giới, và Trung Quốc sẽ duy trì cách tiếp cận của mình ngay cả khi các chính phủ khác thay đổi chính sách của họ.
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho hay ông Trump tin rằng ông có thể cân bằng hai mục tiêu song hành là vừa bảo vệ môi trường vừa thúc đẩy sản xuất năng lượng ở Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp báo hàng ngày của Tòa Bạch Ốc, ông Spicer nói : "Tổng thống tin tưởng mạnh mẽ là bảo vệ môi trường và thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta không phải là những mục tiêu loại trừ lẫn nhau. Sắc lệnh hành pháp này sẽ giúp đảm bảo rằng chúng ta có không khí sạch và nước sạch mà không phải hy sinh tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm".
Sắc lệnh của ông Trump nhắm đến việc đình chỉ, hủy bỏ hoặc rà soát hơn nửa tá các quy định, trong nỗ lực gia tăng sản xuất năng lượng trong nước bằng nhiên liệu hóa thạch.
Sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang lọc ra các quy định mà chính quyền nói là gây cản trở cho việc sản xuất năng lượng trong nước, đó là bước đầu tiên trong một quá trình 6 tháng để lập ra kế hoạch chi tiết cho chính sách năng lượng trong tương lai của chính quyền. Một phần trong việc rà soát sẽ là Kế hoạch Năng lượng Sạch, kế hoạch này hạn chế phát thải khí nhà kính tại các nhà máy nhiệt điện than.
Sắc lệnh cũng hủy bỏ nhiều sáng kiến về môi trường của Tổng thống Barack Obama và loại bỏ việc đòi hỏi các quan chức liên bang phải cân nhắc tác động của biến đổi khí hậu khi đưa ra quyết định.
Ngân sách dự kiến năm 2018 của ông Trump cắt 31% ngân sách của Cơ quan Bảo vệ Mội trường (EPA), trong đó gần như cắt toàn bộ ngân quĩ cho việc nghiên cứu khí hậu.
Các chi tiết của sắc lệnh bị rò rỉ ra đã làm bùng lên những phản ứng của các nhà khoa học về khí hậu.
Tim Barnett, nhà nghiên cứu địa vật lý học thuộc Học viện Hải dương học Scripps ở California, nói rằng ngay bản thân ông, một người ủng hộ Trump, cũng thấy việc hủy bỏ những quy định trong Kế hoạch Năng lượng Sạch là "vô lý". Ông nói : "Tình trạng ấm lên toàn cầu không phải là một vấn đề của đảng Dân chủ hay một vấn đề của đảng Cộng hòa. Nếu nhìn vào những gì diễn ra ở Bắc cực, Nam cực, với việc tiếp tục đưa CO2 vào bầu khí quyển, chúng ta đang làm cho các đại dương có nồng độ axit cao hơn. Người ta cho rằng đến năm 2040, một nửa sinh vật phù du sẽ gặp nguy cơ".
Giám đốc Điều hành Sierra Club Michael Brune gọi sắc lệnh của ông Trump là "cuộc tấn công lớn nhất vào hành động vì khí hậu trong lịch sử Hoa Kỳ". Ông Brune nói việc làm này không chịu nhìn thấy nền kinh tế năng lượng sạch đang phát triển, nền kinh tế này chính là cách tốt nhất để bảo vệ cả người lao động lẫn môi trường.
**********************
Trung Quốc xác nhận vụ bắt giữ một nhà hoạt động nhân quyền Đài Loan b(RFI, 29/03/2017)
Gia đình nhà hoạt động Lý Minh Triết (Li Ming-che) mang ảnh của ông trong một cuộc báo tại Đài Bắc, 29/03/2017. REUTERS/Tyrone Siu
Bắc Kinh vào hôm nay, 29/03/2017, xác nhận việc bắt giữ một người Đài Loan từng bị báo cáo là đã bị mất tích trong chuyến đến Trung Quốc, và cho biết nhân vật này đang bị điều tra, vì bị tình nghi có hoạt động "gây hại đến an ninh quốc gia" Trung Quốc.
Theo AFP, chính quyền đưa ra xác nhận trên, sau khi người vợ của nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Lý Minh Triết (Lee Ming-cheh), 42 tuổi, báo động là ông bị một đơn vị an ninh Trung Quốc bắt giữ.
Theo chính quyền Đài Bắc thì ông Lee, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, đã biệt tăm từ ngày 19/03, sau khi ông từ Macau đến thành phố Châu Hải.
Văn phòng đặc trách quan hệ với Đài Loan của Trung Quốc, một mặt xác nhận việc ông Lee bị điều tra theo thủ tục tư pháp, và mặt khác tìm cách trấn an : sức khỏe của ông vẫn rất tốt và người Đài Loan không phải lo ngại khi đến Trung Quốc.
Gia đình ông Lý Minh Triết và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, trong đó có Ân Xá Quốc Tế, đã kêu gọi Bắc Kinh phải trả tự do ngay cho ông, cũng như cho biết ông bị giam giữ ở đâu.
Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh là một người vào Trung Quốc một cách hợp pháp, không thể bị bắt giữ ròng rã 9 ngày, mà không hề có thông báo với gia đình hay đại diện hợp pháp. Vụ bắt giữ cho thấy Bắc Kinh đang mở rộng chiến dịch đánh vào giới hoạt động xã hội, mục tiêu là giới hạn hoạt động các tổ chức phi chính phủ, khống chế xã hội dân sự.
Theo Hiệp Hội Nhân Quyền Đài Loan – Taiwan Association for Human Rights, ông Lý Minh Triết trước đây hoạt động trong đảng Dân Tiến, và thường xuyên trao đổi trên mạng về kinh nghiệm dân chủ Đài Loan với bạn bè Trung Quốc và gởi sách cho họ.
*******************
Cư dân mạng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng Pháp (RFI, 30/03/2017)
Cảnh sát Pháp đối mặt với người Hoa biểu tình tại Paris ngày 28/03/2017 để phản đối vụ một người Hoa bị bắn chết hôm 26/03/2017. REUTERS/Noemie Olive
Sau vụ một người Hoa, ở quận 19 Paris, bị cảnh sát bắn chết, hôm Chủ Nhật 26/03/2017, cư dân mạng Trung Quốc sôi sục bình luận và bày tỏ phẫn nộ. Bắc Kinh cũng lên tiếng đòi Paris bảo vệ cộng đồng người Hoa. Hôm qua, một bài xã luận trên báo chí chính thức Trung Quốc chỉ trích gay gắt nước Pháp và nhấn mạnh "không thể nào tha thứ" cho cái chết của nạn nhân.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schimdt gửi về bài tường trình :
Trên mạng xã hội Tân Lãng Vi Bác – Sina Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc, hơn 710 ngàn người đã đăng bình luận, đôi khi rất cay độc, như cảnh sát đối xử với Hoa Kiều như chó, họ đã bắn chết đồng bào của chúng ta như một con chó. Có người thì khuyên là nên ở lại Trung Quốc vì tại đây không có tệ nạn phân biệt chủng tộc.
Một cư dân mạng đề nghị : Trung Quốc mạnh hơn nước Pháp, Bắc Kinh cần gây sức ép với chính phủ Pháp. Những người khác thì kêu gọi đồng bào mình ở Pháp hãy xuống đường bày tỏ bất bình, rằng người Hoa ở hải ngoại cần đoàn kết với nhau để đòi công lý. Cũng có người tuyên bố : thật là vô ích ngồi đợi kết quả điều tra, hãy biểu tình phản đối.
Trên mạng xã hội cũng không thiếu những lời kêu gọi tẩy chay : Hỡi đồng bào, hãy tẩy chay các siêu thị Carrefour. Một người khác thì đe dọa hãng xe hơi Pháp Citroen. Thậm chí có người đề nghị : cần tẩy chay hàng hóa Pháp cho đến khi nước Pháp xin lỗi.
Trong số các bình luận, có người đặt câu hỏi liên quan đến việc số lượng du khách Trung Quốc giảm sau các vụ khủng bố ở Paris, ví dụ, làm thế nào mà nước Pháp có thể thu hút thêm du khách Trung Quốc nếu chính quyền không kiểm soát nổi cảnh sát của họ.
Cho đến lúc này, các cơ quan phụ trách internet của Trung Quốc chưa can thiệp cho dù họ có thói quen kiểm duyệt rất nhanh cư dân mạng.
*****************
Bắc Kinh yêu cầu Paris bảo vệ công dân Trung Quốc (RFI, 29/03/2017)
Biểu tình chống bạo lực cảnh sát trước trụ sở cảnh sát quận 19, Paris, Pháp, ngày 28/03/2017. GEOFFROY VAN DER HASSELT / AFP
Sau vụ một người Hoa bị cảnh sát Pháp bắn chết ở Paris hôm 26/03/2017, dẫn đến một cuộc biểu tình phản đối quy tụ khoảng 400 người vào hôm qua, 28/03, Bắc Kinh đã lên tiếng chính thức phản đối và yêu cầu Paris bảo đảm an toàn cho công dân Trung Quốc.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, Bắc Kinh đã chuyển khiếu nại chính thức đến chính quyền Pháp về vụ việc và kêu gọi Paris "bảo đảm an toàn và quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc tại Pháp, và xử lý phản ứng của người dân Trung Quốc trong vụ việc một cách hợp lý".
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc vào hôm nay đã không ngần ngại lên tiếng tố cáo điều mà họ gọi là tâm lý kỳ thị chủng tộc trong ngành cảnh sát Pháp, và thái độ thờ ơ của công luận Pháp.
Theo hãng tin Pháp AFP, vụ việc bùng lên hôm Chủ Nhật vừa qua khi một người đàn ông Trung Quốc tên là Shaoyo Liu (56 tuổi) bị cảnh sát Pháp bắn chết tại nhà. Nguồn tin cảnh sát cho biết là hàng xóm của nạn nhân đã báo cảnh sát một vụ cãi vã trong gia đinh. Khi cảnh sát đến nơi, Liu đã dùng dao tấn công nhân viên cảnh sát, làm người này bị thương, buộc nhân viên này phải nổ súng.
Gia đình nạn nhân đã bác bỏ lập luận của cảnh sát, cho biết là ông Liu đang "làm cá bằng một cây kéo" khi cảnh sát đến.
Sau khi vụ việc xẩy ra, liên tiếp trong hai đêm, hàng trăm người thuộc cộng đồng người Trung Quốc tại Pháp, và những người ủng hộ chống phân biệt chủng tộc, đã tập trung bên ngoài đồn cảnh sát ở quận 19 phía đông bắc Paris để phản đối.
Họ hô to khẩu hiệu "Cảnh sát sát nhân" và "Bất công ! Bất công !". Biểu ngữ phản đối được căng lên ở một quảng trường nhỏ, bên dưới có hoa và nến để tưởng niệm người quá cố. Xô xát đã xẩy ra giữa một nhóm cực đoan với cảnh sát, kết quả là đã có khoảng một chục người bị câu lưu.
Cộng đồng người Trung Quốc tại Paris có khoảng từ 200.000 đến 300.000 người, trong số này có rất nhiều người đã đến Pháp từ thập niên 1980.
Trọng Nghĩa