Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hôm 19/12/2022, đại diện chính phủ của khoảng 190 quốc gia đã thông qua một thỏa thuận "lịch sử" tại Hội nghị đa dạng sinh học COP15 ở Montréal, Canada. Đây được coi là một thỏa thuận có ý nghĩa nhất trong việc bảo vệ đất liền và các đại dương, cũng như cung cấp nguồn tài chính để cứu đa dạng sinh học ở các nước đang phát triển. 

cop1

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres có bài phát biểu khai mạc COP15, hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc kéo dài hai tuần, tại Montreal, Quebec, Canada.

Theo AFP, sau 4 năm đàm phán căng thẳng, 10 ngày và một đêm "chạy marathon ngoại giao", các nước đã đạt được thỏa thuận với tên gọi "Côn Minh-Montréal". Thỏa thuận được đánh giá có ý nghĩa "lịch sử" đối với việc bảo vệ đất liền và đại dương cũng như các loài sinh vật khỏi ô nhiễm môi trường và khủng hoảng khí hậu. Phần có ý nghĩa lớn nhất trong thỏa thuận đó là cam kết bảo vệ 30% diện tích của Trái đất, được cho là quan trọng đối với đa dạng sinh học của hành tinh chúng ta, từ nay đến năm 2030. Hiện tại, chỉ có 17% đất liền và 8% vùng biển là được bảo vệ.

Trong gói hỗ trợ tài chính này, các nước cũng cam kết huy động ít nhất 20 tỷ đô la hàng năm từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ các nước nghèo (gấp đôi con số hiện nay). Con số này sẽ tăng lên 30 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2030. Thỏa thuận cũng kêu gọi huy động thêm các nguồn khác nhau, bao gồm khu vực tư nhân, để có ít nhất 200 tỷ euro hàng năm cho đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030, và đặc biệt là cắt giảm 500 tỷ đô la/năm trợ giá cho các năng lượng hóa thạch từ đây đến 2030.

Theo AFP, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hoan nghênh thỏa thuận mang tính lịch sử và đã bổ sung vào Thỏa thuận khí hậu Paris. Bà nhấn mạnh rằng "thế giới kể từ nay có hai cơ may để chúng ta hành động nhằm tiến tới một nền kinh tế bền vững từ nay đến năm 2050". 

Hãng tin AP trích dẫn nhận địch của bộ trưởng Môi Trường và Biến Đổi Khí Hậu Canada Steven Guilbeault cho đây là một thỏa thuận nhằm ngăn chặn sự biến mất của đa dạng sinh học, phục hồi tự nhiên và giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Biến đổi khí hậu cùng với môi trường sống bị biến mất, và tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Trái đất. Vào năm 2019, một báo cáo cảnh báo rằng 1 triệu loài động thực vật sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong vòng nhiều thập kỷ - tỷ lệ này cao gấp 1.000 lần so với dự kiến. Báo cáo cho biết con người thường xuyên tiêu thụ khoảng 50.000 loài sinh vật hoang dã : cứ 5 người thì có 1 người trong tổng dân số 8 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào các loài đó để có thực phẩm hoặc có thu nhập. 

Chi Phương

Nguồn : RFI, 19/12/2022

Published in Văn hóa

Theo AFP, Hội nghị Đa dạng Sinh học lần thứ 15 của Liên Hiệp Quốc (COP15), dự kiến kéo dài 12 ngày, có sự tham gia của đại diện hơn 190 quốc gia. Hội nghị mở ra trong bối cảnh môi trường sinh thái trên Trái đất trong tình trạng lâm nguy, với khoảng 1 triệu giống loài có nguy cơ tuyệt chủng, một phần ba diện tích đất toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng, ô nhiễm đủ loại và nhiệt độ Trái đất gia tăng đang gây tổn hại ghê gớm cho các đại dương.

cop15-0

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại lễ khai mạc COP15, hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học, Montreal, Quebec, Canada ngày 06/12/2022. Reuters – Christine Muschi

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc rung chuông báo động : COP15 là một cơ may cho nhân loại để "chặn đứng đà hủy diệt kinh hoàng" này. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đưa ra con số thiệt hại ước tính 3.000 tỉ đô la/năm từ đây đến 2030 do sự suy thoái của các hệ sinh thái. Thỏa thuận dự kiến, có hiệu lực từ 2030, bao gồm khoảng 20 mục tiêu. Một trong các kỳ vọng lớn với COP15 này là cộng đồng quốc tế nhất trí bảo vệ 30% diện tích biển và đất liền. Bên cạnh đó là nhiều mục tiêu khác, như khôi phục môi trường thiên nhiên, xác lập các quy định đánh bắt cá và nông nghiệp bền vững… 

Tuy nhiên, theo AFP, các thương lượng đã không có nhiều tiến triển từ ba năm nay. Nhiều quốc gia đến Montreal với những yêu cầu khắt khe liên quan đến chống phá rừng, giảm thuốc trừ sâu, hạn chế phân bón hóa học. Các thảo luận hứa hẹn sẽ khó khăn, trong bối cảnh dường như có rất ít tiến triển trong các phiên trù bị diễn ra từ ngày 03 đến ngày 05/12. Các nhà đàm phán mới chỉ thống nhất được 5 mục tiêu.

Một trong các đòi hỏi chính của các nước nghèo là tài trợ từ phía các nước phát triển. Một liên minh các nước phía Nam yêu cầu ít nhất 100 tỉ đô/năm cho đa dạng sinh học, tương đương với khoản tiền cho khí hậu, và nâng dần lên khoảng 700 tỉ đô la/năm từ đây đến 2030.

Thị trưởng Montreal, thành phố chủ nhà COP15, nhắc lại rằng thỏa thuận quốc tế có thể tác động rất lớn, có thể khiến mọi thứ thay đổi. Năm 1985, cũng tại Montreal, cộng đồng quốc tế đã đạt được hiệp ước bảo vệ tầng ozone. Việc thực thi hiệp ước này đã khiến tình hình tầng ozone được cải thiện rõ rệt.

Trọng Thành

Published in Quốc tế